Lúc có tiếng khoá lạch cạch và người ta thấy Maxlova vào xà lim thì mọi người đều quay lại phía nàng. Ngay cả cô ả con người phụ lễ nhà thờ cũng đứng lại mấy giây, nhìn người mới vào, đôi mày rướn lên, nhưng rồi vẫn không nói gì, tiếp tục bước những bước dài cương quyết.
Bà Korableva cắm mũi cây kim vào mảnh vải thô, chăm chăm nhìn Maxlova qua mắt kính, vẻ hỏi han.
– Chao, khốn khổ! Lại về à. Thế mà già cứ nghĩ là người ta sẽ tha cô đấy! – bà cất giọng khàn đục, trầm trầm, gần như giọng đàn ông. – Thôi thế là lại bị họ cho một vố rồi.
Bà bỏ kính ra và đặt mảnh vải xuống phản, cạnh mình.
– Tôi với bác đây cứ bảo nhau: cô ấy thì có lẽ họ phải tha ngay. Nghe nói đã có trường hợp như thế đấy. Có khi họ còn đền tiền cho nữa ấy chứ, cái đó là theo số, may thì được. – Chị gác barie xe lửa bèn tiếp lời, giọng thánh thót. – Cô ạ! Trăm đường tránh chẳng khỏi số! – cái giọng vui tai của chị vẫn tiếp tục ngân lên.
– Thế chị bị kết tội thật à? Fedoxia hỏi và ngước cặp mắt xanh biếc, ngây thơ, trong sáng lên nhìn Maxlova.
Cái nhìn trìu mến ấy như nói lên rằng cô ta đã hiểu thấu nỗi đau buồn của bạn. Mọi vẻ tươi tắn, trẻ trung thường vẫn ánh lên trên khuôn mặt cô bỗng vụt tắt ngấm, nom như cô sắp khóc.
Maxlova không đáp, lặng lẽ đi về chỗ mình, chỗ thứ hai kể từ trong tường ra, bên cạnh bà Korableva, và ngồi xuống phản.
– Hình như chị chưa ăn uống gì thì phải, – Fedoxia miệng nói, chân đứng dậy đi về phía Maxlova.
Maxlova không trả lời, nàng đặt mấy chiếc “kalasơ” lên đầu giường, đứng dậy cởi chiếc áo khoác đầy bụi và bỏ cái khăn che mớ tóc quăn đen ra rồi ngồi xuống.
Bà cụ lưng còng đang chơi với thằng bé ở đầu đằng kia tấm phản cũng đến đứng trước mặt Maxlova.
– Chậc! Chậc! Chậc! – Bà cụ tặc lưỡi, lắc đầu, ái ngại.
Thằng bé con cũng theo bà cụ đến, nó dẩu môi ra và trố mắt nhìn mấy chiếc bánh Maxlova vừa mang về.
Sau mọi tai biến vừa xảy ra, giờ đây nhìn ngần ấy bộ mặt thông cảm với mình, Maxlova những muốn oà lên khóc. Môi nàng run run, nàng cố nén cho khỏi bật thành tiếng, nhưng chỉ nén được lúc bà cụ và thằng bé chưa đến. Khi nghe tiếng chậc lưỡi nhân từ, cái vẻ thương xót của bà cụ và nhất là khi thấy cặp mắt thằng bé đang nhìn bánh chuyển sang nhìn nàng thì nàng không sao kỳm được nữa. Cả khuôn mặt nàng rung lên, nàng oà ra khóc nức nở.
– Già đã bảo phải kiếm lấy một ông thầy kiện cho giỏi, – bà Korableva nói. – Thế nào, đi đầy à?
Maxlova muốn trả lời nhưng không sao nói được mà chỉ vừa nức nở, vừa rút bao thuốc lá giấu trong một chiếc “kalasơ” ra đưa cho bà cụ. Mặt ngoài bao thuốc vẽ một thiếu phụ má hồng, tóc uốn cao, ngực để hở, cổ áo xẻ hình tam giác. Bà Korableva nhìn hình vẽ lắc đầu. Bà lắc đầu vì thấy Maxlova đã tiêu phí tiền quá. Bà rút một điếu ghé vào đèn châm, rít luôn mấy hơi rồi đưa cho Maxlova. Maxlova vừa khóe vừa rít lấy rít để, nhả ra từng đợt khói.
– Khổ sai! – nàng vừa nói vừa nức nở khóc.
– Quân chó má, chúng nó không còn sợ Chúa nữa, đồ uống máu người không tanh. – Bà Korableva nói. – Chúng nó kết tội con bé vì một chuyện không đâu.
Có tiếng cười rộ lên từ chỗ mấy người đàn bà đứng bèn cửa sổ. Đứa con gái nhỏ cũng cười và tiếng cười trong trẻo lanh lảnh của nó hoà vào những tiếng cười đùng đục khàn khàn và chói tai của ba người kia. Một gã phạm nhân ngoài sân vừa diễn một trò gì đó làm bọn nầy không nhịn được cười.
– Khỉ đồ chó dái trụi râu? Giở cái trò gì vậy! – Ả tóc hung nói và rung rung cả khối thịt mỡ đồ sộ của mình, áp sát mặt vào song sắt gào lên những lời tục tằn hết chỗ nói.
– Quân đốn đời? Nó cười gì thế chả biết? – Bà Korableva vừa nói vừa lắc đầu tỏ ý khinh miệt ả tóc hung, rồi lại hỏi Maxlova – Mấy năm?
– Bốn, – Maxlova nói nước mắt trào ra nhiều đến nỗi một giọt đã rơi trúng điếu thuốc lá.
Maxlova cáu giận vò nát điếu thuốc, quẳng đi và rút ngay một điếu khác.
Chị gác barie xe lửa, tuy không hút cũng vội nhặt mẫu thuốc lên, rồi vừa nắn vuốt lại mẩu thuốc vừa tiếp tục nói:
– Cô ạ, rõ ràng là chân lý bị chó nó nhá mất rồi! Họ muốn làm gì thì làm. Bà Matveyevna cứ bảo: người ta sẽ tha cho cô ấy thôi, tôi thì tôi bảo: không đâu bà ơi, lòng tôi cảm thấy chúng sẽ cắn xé cô ấy ra cho mà xem, tội nghiệp cô ấy quá; thì y như rằng, – mụ vừa nói vừa thích thú lắng nghe âm hưởng giọng nói của mình.
Lúc ấy tất cả đám phạm nhân đã đi qua, mấy người đàn bà từ nãy vẫn ngồi nói chuyện với họ liền rời cửa sổ đi lại gần Maxlova. Trước hết là chị bán rượu lậu mắt lồi với đứa con gái.
– Án nặng lắm phải không? – Chị vừa hỏi vừa ngồi xuống bên cạnh Maxlova, đôi tay vẫn lia lịa đan chiếc bí tất.
– Bị án nặng là vì không có tiền. Giá có tiền thì gì mà chả kiếm được một người khéo xoay xở người ta cãi cho mình khỏi tội, – bà Korableva nói. – Có cái ông tên là gì ấy nhỉ, cái ông đầu bù, mũi to ấy mà; nầy, cô nó ạ, người ngâm dưới nước, ông ấy kéo lên thành người khô đấy. Giá trước nhờ được cái ông ấy nhỉ?
– Nhờ được ông ta tưởng dễ lắm đấy – “Nàng tiên” ngồi xuống cạnh mấy người đang nói chuyện, nhe răng ra góp – Không được nghìn rúp thì lão ta chẳng thèm nhổ nước bọt vào cho đâu!
– Chẳng qua cũng vì số kiếp cô nó thế, – bà cụ thấp bé can tội đốt nhà nói. – Chúng tôi mà chả khổ à: nó cướp vợ thằng bé nhà tôi, lại còn bỏ nó vào tù làm mồi cho chấy rận, tôi già lão thế nầy cũng phải vào đây, – bà bắt đầu kể câu chuyện của mình đến lần thứ một trăm rồi. – Thật là không gông cùm thì cũng bị gậy, chẳng trốn đâu cho thoát được. Không đi ăn mày thì đi ở tù, thế đấy!
– Bao giờ họ chẳng thế, – chị bán rượu lậu nói và, sau một lúc nhìn chằm chằm vào đầu đứa con gái, chị liền đặt chiếc bí tất xuống cạnh mình, kéo nó vào lòng, đưa những ngón tay nhanh nhẹn bới tóc nó. – Họ hỏi “sao mày lại buôn rượu lậu?”. Thế lấy gì để nuôi con kia chứ? – Chị nói, tay vẫn tiếp tục làm cái việc đã thành thói quen của mình.
Câu nói của chị làm Maxlova nhớ đến rượu.
Giờ mà được tợp một hớp rượu nhỉ, – nàng nói với bà Korableva và đưa tay áo chùi nước mắt; giờ đây chỉ chốc chốc nàng mới lại nấc lên một tiếng.
– Rượu à? Được thôi! Đưa tiền đây, – bà Korableva nói.