Phục Sinh

CHƯƠNG 19



Nekhliudov rời phòng xử án sang phòng bồi thẩm với một tâm trạng như vậy. Ngồi bên cửa sổ, nghe đồng sự bàn tán xôn xao, chàng hút thuốc liên miên hết điều nầy sang điều khác.
Nhà thương gia vui tính tỏ vẻ rất thích cái lối tiêu khiển của Ximienkov.
– Nầy! Thằng cha ăn chơi ra trò đấy nhỉ! Theo kiểu Siberi mà lại! Đã kén một con bé như vậy cũng không phải là xuẩn đâu nhé?
Trưởng đoàn bồi thẩm thì ngỏ ý muốn dựa vào vai trò giám định để gỡ mối cho vụ án; Piotr Geraximovich thì pha trò với ông ký hiệu buôn người Do Thái và cả hai người cùng cười khanh khách. Còn Nekhliudov, thì ầm ừ trả lời nhát gừng khi có ai hỏi chuyện, chàng chỉ muốn được yên tĩnh một mình.
Khi người mõ toà có dáng đi lệch về một bên mời các bồi thẩm sang phòng xử án, Nekhliudov bỗng thấy hoảng hốt, tưởng chừng như không phải mình đi xét xử mà là bị người ta đưa ra xét xử. Trong thâm tâm, chàng đã thấy mình là một thằng khốn nạn, không mặt mũi nào nhìn mặt thiên hạ; song nhờ sức mạnh của thói quen, chàng lại đĩnh đạc bước lên bục về chỗ mình ở hàng ghế đầu bên cạnh trưởng đoàn, vắt chân chữ ngũ, tay mân mê cặp kính.
Những bị cáo lúc nãy người ta đưa ra khỏi phòng, bây giờ lại được dẫn vào chỗ cũ.
Có thêm những nhân vật mới là những nhân chứng.
Nekhliudov nhận thấy Katiusa mấy lần liếc mắt chăm chú nhìn một người đàn bà to béo ăn mặc diêm dúa toàn lụa với nhung, đầu đội chiếc mũ to đính một cái nơ lớn. Mụ ngồi hàng đầu, ngay sau dãy chấn song, hai cánh tay để trần đến tận khuỷu, tỏ ra một kiểu lịch sự lố lăng.
Về sau, Nekhliudov được biết mụ đến làm chứng, và là chủ nhà chứa Maxlova ở.
Toà bắt đầu hỏi nhân chứng: họ tên tôn giáo v.v… và khi toà hỏi họ có muốn tuyên thệ hay không thì lại thấy ông linh mục già xuất hiện, nặng nề kéo lê hai chân; ông ta một lần nữa sửa cho ngay ngắn chiếc thánh giá vàng đeo trước ngực, bên ngoài tấm áo lụa; ông làm tuyên thệ cho các nhân chứng và viên giám định, vẫn có cái vẻ bình thản, tin tưởng mình đang hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và hữu ích. Xong nghi thức nầy, toà cho các nhân chứng ra ngoài, trừ một mình mụ Kitaieva là mụ chủ nhà chứa ở lại. Toà yêu cầu mụ kể tất cả những điều mụ biết về vụ đầu độc y. Miệng mỉm cười kiểu cách, cứ mỗi câu lại gật cái đầu đội mũ rộng vành xuống, tiếng nói đặc giọng Đức, trình bày cặn kẽ, mạch lạc.
– Thoạt đầu, người bồi của khách sạn là Ximon đến nhà mụ tìm một cô để đưa về cho một ông lái buôn giàu sụ, người Siberi. Mụ cho ái nương đi. Được một lúc, cô nầy trở về với người lái buôn. Lúc nầy, ông khách đã chuếnh choáng say, – mụ Kitaieva nhếch một nụ cười, nói thêm. – ông ta lại tiếp tục uống rượu và thết chị em; nhưng vì trong túi không còn tiền, ông ta bèn sai chính cô ái nương nầy là người ông ta vừa ý nhất về phòng trọ lấy tiền, – mụ nói và đưa mắt về phía Maxlova.
Nekhliudov như thấy Maxlova mỉm cười khi nghe mụ nói đến đó, chàng thấy nụ cười đó thật là bỉ ổi. Một cảm giác kỳ dị, mơ hồ, vừa kinh tởm lại vừa xót thương trào lên trong lòng Nekhliudov.
– Nhân chứng có thể cho tôi biết ý kiến riêng về Maxlova không? – Người trạng sư tập sự được toà án chỉ định bào chữa cho Maxlova dụt dè, đỏ mặt hỏi.
– Cô ấy thì tuyệt đấy, – mụ Kitaieva trả lời. – Có giáo dục và rất lịch sự. Cô ấy đã được nuôi dạy trong một gia đình nền nếp, tiếng Pháp cũng đọc được. Cũng có đôi lần cô ấy hơi quá chén, nhưng chưa bao giờ say đến mất trí cả. Thật là một cô gái rất tuyệt!
Katiusa từ nãy vẫn chăm chú nhìn mụ chủ, bỗng đưa mắt nhìn sang các bồi thẩm và khi nhìn đến Nekhliudov thì ngừng lại, vẻ mặt trở nên cứng rắn, nghiêm nghị.
Con mắt hiêng hiếng nhìn nghiêm khắc. Cặp mắt có vẻ nhìn kỳ lạ đó chăm chú hướng vào Nekhliudov một lúc lâu; và tuy sợ chàng vẫn không sao rời bỏ không nhìn đôi mắt hiếng có lòng trắng sáng quắc đó. Chàng nhớ lại cái đêm kinh khủng, tiếng băng nứt vỡ loảng xoảng trên sông, đám sương mù và nhất là vành trăng khuyết hạ tuần, mọc về buổi sáng lờ mờ chiếu lên một cái gì ảm đạm và khủng khiếp. Và lúc nầy đôi mắt đen kia vừa đăm đăm nhìn chàng vừa nhìn lướt qua chàng, gợi cho chàng nhớ lại cái cảnh ảm đạm và khủng khiếp đó.
“Nàng đã nhận ra ta rồi?” nghĩ vậy, chàng ngồi thu mình lại như để chờ nhát đòn sắp nện xuống. Nhưng nàng có nhận ra đâu. Nàng lặng lẽ thở dài và lại chăm chú nhìn lão chánh án. Nekhliudov cũng thở dài.
“Chao ôi! – chàng nghĩ, – kết thúc chong chóng lên cho ta nhờ”.
Đến lúc nầy, chàng có cảm giác như khi đi săn phải giết chết một con chim đã bị thương: vừa kinh tởm, vừa thương hại, vừa không đang tâm. Con chim bị thương dãy dụa trong túi săn: người ta thấy vừa tởm vừa thương nó và muốn hoá kiếp sớm cho nó rồi quên phứt đi.
Những cảm giác lẫn lộn đó cứ vương vấn trong tâm trí Nekhliudov khi chàng ngồi nghe hỏi các nhân chứng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.