Phục Sinh

CHƯƠNG 91



Về đến nhà, Nekhliudov thấy mảnh giấy của chị để lại trên bàn, bèn đi ngay đến chỗ chị ở.
Lúc ấy vào buổi chiều chỉ có Natalia Ivanovna đón em, chồng nàng nghỉ ở phòng bên cạnh. Nàng mặc một chiếc áo dài lụa đen may vừa khít người; trên ngực có một dải băng đỏ, tóc mây chải bồng theo kiểu mới nhất.
Rõ ràng là nàng đã phải dụng công tô điểm cho mình trẻ lại để làm vừa lòng một người chồng cùng tuổi. Trông thấy Nekhliudov, nàng nhổm ngay dậy khỏi chiếc đi-văng, vội vã bước lại đón em, tiếng váy áo lụa sột soạt.
Hai chị em ôm hôn nhau và nhìn nhau mỉm cười. Trong khóe mắt nhìn nhau bí mật, khó nói nên lời nhưng chứa chan ý nghĩa ấy, tất thẩy đều chân thành. Nhưng những lời trao đổi tiếp theo thì không còn chân thành như vậy nữa.
Hai chị em không hề gặp nhau kể từ khi bà mẹ từ trần.
– Chị béo và trẻ ra đấy. – Nekhliudov nói.
Cặp môi Natalia run lên vì sung sướng.
– Còn cậu thì gầy đi.
– Anh Ignati Nikiforovich có khỏe không chị?
– Anh ấy đang nằm nghỉ, cả đêm qua, anh ấy không ngủ được.
Hai chị em có nhiều điều cần nói với nhau, nhưng lời lẽ của họ không nói chi đến, song khóe mắt họ nhìn nhau lại nói lên hết những điều cần nói mà không nói ra.
– Chị đã lại đằng cậu ở.
– Có em đã biết… Em không ở đằng nhà cũ của chúng ta nữa vì thấy nó to rộng quá. Em ở đó một mình, cô đơn và buồn. Em không cần đến những thứ đó. Chị hãy nhận lấy tất cả đồ đạc và mọi thứ.
Bà Agrafena Petrovna đã nói với chị rồi. Chị cảm ơn cậu, nhưng…
Lúc bấy giờ, người bồi khách sạn bước vào, tay bưng một bộ đồ pha bằng bạc. Hai người im lặng khi người bồi đặt bộ ấm chén xuống.
Natalia Ivanovna ra ngồi vào một chiếc ghế bành để trước bàn và lặng lẽ pha trà. Nekhliudov cũng nín lặng.
– À, nầy, Dmitri, chị biết tất cả rồi, – Natalia vừa nói, giọng cương quyết, vừa đưa mắt nhìn em.
– Chuyện gì vậy? Thế thì càng hay, chị ạ?
– Cô ta đã qua một cuộc đời như vậy mà cậu còn hy vọng cải hoá được ư?
Nekhliudov ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế dựa nhỏ, không tựa lưng vào đâu cả, chăm chú nghe chị nói, cố gắng hiểu thật rõ để trả lời được phân minh. Lần gặp gỡ vừa qua với Maxlova đã đem lại cho Nekhliudov một tâm trạng còn đang tràn ngập một niềm vui thanh thản và đầy thiện ý với tất cả mọi người.
– Không phải em muốn cải hoá cô ta đâu, mà là cải hoá chính bản thân em, – chàng trả lời.
Natalia Ivanovna thở dài.
– Thiếu gì cách khác, cứ gì phải lấy cô ta mới được.
– Em thì em tin rằng đấy là cách tốt nhất; ngoài ra nó còn mở cho em một thế giới, ở đó em có thể giúp ích được.
– Chị không tin rằng làm như vậy sau nầy cậu có thể sung sướng được. Đây không phải là vấn đề hạnh phúc của em.
– Tất nhiên là thế, nhưng còn cô ta, nếu cô ta là người có tâm địa tốt, cô ta cũng không thể lấy thế làm sung sướng được, ngay cả mong muốn được thế thôi cũng không được Cô ấy không hề mong muốn thế.
– Chị hiểu, nhưng cuộc sống…
– Cuộc sống, sao kia ạ?
– Cuộc sống đòi hỏi một cái gì khác cơ?
– Cuộc sống chẳng đòi hỏi một cái gì khác ngoài việc giúp chúng ta phải làm tròn bổn phận của chúng ta, – vừa trả lời, Nekhliudov vừa nhìn khuôn mặt chị, khuôn mặt vẫn còn xinh đẹp, mặc dù quanh khóe mắt và hai bên mép đã có những vết nhăn li ti.
– Chị chịu không hiểu được, – nàng vừa nói vừa thở dài.
“Chị yêu quý, tội nghiệp? Tại sao chị mình lại có thể thay đổi đến thế được nhỉ?” – Nekhliudov tự hỏi, chàng nhớ lại hình ảnh Natasa hồi còn con gái, và cảm thấy đối với người chị thân yêu, lúc nầy chàng có một tình thương êm đềm đúc kết bằng muốn vàn kỷ niệm thời thơ ấu.
Vừa lúc đó, Ignati Nikiforovich bước vào. Điệu bộ vẫn như mọi khi, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn ra, một nụ cười trên môi, hắn bước những bước nhẹ nhàng, mềm mại, đôi mắt kính, chiếc đầu hói và chòm râu đen nhẫy, tất cả đều bóng loáng lên.
– Chào ông! Chào ông! – Hắn nói, giọng kiểu cách.
Mặc dầu ngay từ ngày đầu khi Ignati Nikiforovich mới lấy Natalia, hắn và Nekhliudov, cả hai bên đều cố gắng gọi nhau bằng “anh em” nhưng rồi họ vẫn xưng hô với nhau bằng những tiếng trân trọng như đối với người ngoài.
Họ bắt tay nhau. Ignati Nikiforovich nhè nhẹ ngồi lọt xuống ghế bành.
– Tôi không làm cản trở câu chuyện của cả hai người chứ?
– Không, những điều tôi nói và những việc tôi làm, tôi chẳng giấu giếm ai hết.
Thoạt mới trông thấy bộ mặt và những bàn tay lông lá mới thoạt nghe cái giọng kẻ cả bao dung, tự đắc ta đây tức thì trong người Nekhliudov thấy không còn chút ôn hoà nào nữa.
Natalia Ivanovna nói:
– Vâng, hai chị em tôi đang nói chuyện với nhau về ý định của cậu ấy. Rót nước anh uống nhé? – Nàng nói thêm và cẩm lấy ấm chè.
– Ừ cho anh một chén. Ý định gì vậy?
– Ý định đi Siberi theo đoàn tù trong đó có một người phụ nữ mà với người đó, tôi đã có tội. – Nekhliudov nói.
– Tôi đã được nghe nói không những chỉ đi cùng với người ấy, mà còn hơn thế nữa.
– Phải, còn lấy người ấy nữa, nếu như người ta đồng ý!
– À ra thế! Nhưng, nếu ông thấy không phiền, xin ông cho tôi rõ những lý do. Thực tôi không hiểu.
– Lý do là người phụ nữ ấy… là bước đầu tiên của người ấy trên con đường truỵ lạc… – Nekhliudov bực với chính mình vì đã không tìm được những lời thích hợp. – Lý do là chính tôi là kẻ thủ phạm mà cô ta lại bị trừng phạt.
– Nếu bị trừng phạt thì chắc không phải cô ta vô tội đâu?
– Hoàn toàn vô tội.
Và Nekhliudov thuật lại đầu đuôi câu chuyện với vẻ xúc động không cần thiết.
– Đấy là trường hợp sơ suất của viên chánh án do các bồi thẩm đã trả lời thiếu suy nghĩ.
– Nhưng những trường hợp ấy đã cớ Khu mật viện.
Khu mật viện đã bác đơn kháng án.
– Nếu Khu mật viện bác đơn thì hẳn những lý do phá án không đầy đủ. – Ignati Nikiforovich trả lời, hiển nhiên y hoàn toàn cùng một quan niệm phổ biến cho rằng chân lý là một sản phẩm của những phán quyết của toà án – Khu mật viện không thể đi sâu thẩm xét lại thực chất của vụ án. Nếu quả thật có sai lầm thì phải đệ sớ kêu lên Hoàng thượng.
– Tôi đã đệ sớ, nhưng chẳng hy vọng có kết quả gì đâu. Người ta sẽ tư hỏi bộ Tư pháp, bộ Tư pháp sẽ lại hỏi Khu mật viện, Khu mật viện sẽ nhắc lại lời phán quyết của mình và kẻ vô tội lại vẫn bị trừng phạt như trước.
– Điểm thứ nhất: Bộ Tư pháp sẽ không hỏi Khu mật viện, – Ignati Nikiforovich nói, với một nụ cười khoan dung kẻ cả. – Họ sẽ tư hỏi toà án nộp hồ sơ và nếu phát hiện ra sai lầm, họ sẽ có những kết luận thích đáng. Điểm thứ hai: Những người vô tội không bao giờ, hay ít nhất thì cũng hiếm khi bị trừng phạt, chỉ những kẻ có tội mới bị trừng phạt thôi. – Ignati Nikiforovich vừa ôn tồn nói, vừa mỉm cười vẻ thoả mãn.
– Tôi thì tôi tin chắc là trái hẳn lại. – Nekhliudov trả lời vẻ ác cảm ra mặt đối với người anh rể. – Tôi tin chắc rằng đa số những người bị kết án là vô tội.
– Sao lại thế?
– Họ vô tội, theo đúng nghĩa đen hai chữ ấy; vô tội như người phụ nữ nầy thì bị kết tội đầu độc; vô tội như người nông dân mà tôi mới biết gần đây, đã bị kết tội giết người mà thực ra anh ta không hề phạm, vô tội như hai mẹ con nhà kia bị khép vào tội đốt nhà, mà kẻ đốt nhà lại chính là tên chủ nhà, vậy mà suýt nữa họ bị kết án đấy.
– Tất nhiên những sai lẩm của Toà án thì trước kia cũng đã có và sau nầy cũng còn có. Một cơ quan của người trần thì không thể nào mười phần hoàn hảo cả mười được.
– Ngoài ra, đại đa số những người bị kết án đều vô tội Vì được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh nào đấy, họ không coi những hành vi họ đã làm là tội lỗi.
– Xin lỗi, không đúng đâu. Bất cứ thằng ăn trộm nào cũng biết rõ rằng ăn trộm là xấu, rằng không nên ăn trộm, rằng trộm cắp là phi đạo đức, – Ignati Nikiforovich nói, vẫn nụ cười bình tĩnh, tự đắc, hơi khinh khỉnh một chút, khiến cho Nekhliudov rất đỗi bực mình.
– Không, người ăn trộm không biết thế đâu; người ta bảo anh đừng có ăn trộm; nhưng anh ta trông thấy và biết rằng những chủ xưởng đã dùng cách khấu đầu khấu đuôi tiền công để ăn cắp của anh ta; anh ta đều biết rằng chính phủ với tất cả số viên chức của nó, không ngừng móc túi anh ta, dưới hình thức thuế khoá.
– Đấy là chủ nghĩa vô chính phủ rồi đó, – Ignati Nikiforovich bình tĩnh giải thích những lời nói của ông em vợ.
– Tôi không biết đó là cái gì, nhưng thực sự có thế nào tôi nói thế. Anh ta biết rằng chính phủ móc túi anh ta; anh ta biết rằng chúng ta, những người chủ ruộng đất, đã cướp bóc anh ta từ đầu, bằng cách chiếm đoạt phần ruộng đất của anh ta, mà ruộng đất đó lẽ ra phải là của chung tất cả mọi người. Thế rồi khi anh ta nhặt mấy cành củi khô trên đất đai đã bị chiếm đoạt đó để về nhóm bếp, chúng ta tống anh ta vào tù và bắt anh ta phải tin rằng anh ta là quân trộm cắp. Vậy mà anh ta biết rõ rằng quân trộm cắp không phải là anh ta mà là kẻ đã chiếm đoạt đất đai của anh ta, biết rằng đòi lại bất kỳ những cái gì đã bị cướp mất là một nhiệm vụ đối với gia đình anh ta.
– Tôi không hiểu, hoặc nếu tôi không hiểu, tôi cũng không thể tán đồng ý kiến ấy được. Đất đai không thể không là tài sản của một người nào đó. Nếu ông đem chia nó ra. – Ignati Nikiforovich bắt đầu nói, hắn bình tĩnh và hoàn toàn tin chắc rằng Nekhliudov là người theo chủ nghĩa xã hội và yêu cầu của học thuyết xã hội chủ nghĩa là đem chia đều ruộng đất ra, nhưng chia đất đai như thế thì thật là ngu ngốc và hắn có thể rất dễ dàng bác bỏ.
– Nếu hôm nay ông chia nó ra thành những phần đều nhau thì ngày mai nó sẽ lại vào tay những người làm ăn chăm chỉ nhất và những người có khả năng nhất.
– Không ai nghĩ đến chia ra thành những phần đều nhau đâu! Ruộng đất không được thuộc về quyền riêng của một người nào đó, nó cũng không được đem làm đối tượng mua bán hoặc thuê mượn.
– Quyền tư hữu tài sản là quyền bẩm sinh của con người. Không có cái quyền tư hữu ấy thì không còn hứng thú gì nữa trong việc cày cấy ruộng đất. Bỏ nó đi, chúng ta sẽ quay trở về trạng thái dã man. – Ignati Nikiforovich nói dằn từng tiếng, giọng kẻ cả; hắn nhắc lại cái luận điệu quen thuộc bênh vực quyền tư hữu tài sản, cái luận điệu được coi như là không gì bác bỏ nổi, mà thực chất chỉ là đem lòng ham muốn chiếm hữu của con người chứng minh cho sự tất yếu của quyền tư hữu.
– Trái lại, chính chỉ khi nào ruộng đất không thuộc quyền sở hữu của ai, mới không còn ruộng đất bỏ hoang như bây giờ, bọn địa chủ khác nào như những con chó nằm giữ đống cỏ khô, bản thân chúng không khai thác nổi, nhưng chúng lại không cho những người có thể sử dụng ruộng đất được động đến.
– Nầy, ông Dmitri Ivanovich ạ, ông nói thế thì hoàn toàn điên rồ ấy! Trong thời đại chúng ta liệu có thể thủ tiêu quyền sở hữu ruộng đất được không? Tôi biết, đó là vấn đề ông thích thú xưa nay. Nhưng hãy cho tôi nói thẳng với ông. – Ignati Nikiforovich mặt tái đi, giọng run run; rõ ràng là vấn đề nầy động chạm nhiều đến hắn. – Tôi khuyên ông hãy nghĩ kỹ về vấn đề đó trước khi đem ra thực hành.
– Ông nói đến việc riêng của tôi đấy à?
– Phải. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta sống trong một hoàn cảnh nhất định thì phải gánh vác những trách nhiệm do hoàn cảnh đó đề ra. Chúng ta sinh ra ở trong những điều kiện thừa hưởng được của tổ tiên thì chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn lấy những điều kiện đó và truyền lại cho con cháu ta sau nầy.
– Tôi cho rằng trách nhiệm của tôi là ở…
– Ông để tôi nói, – Ignati Nikiforovich nói tiếp không để bị ngắt lời. – Tôi nói đây, không phải là để cho tôi, hoặc cho con cái tôi đâu. Tương lai của chúng nó đã được đảm bảo, và bản thân tôi kiếm cũng được tương đối đủ sống dễ chịu và tôi tin chắc rằng các cháu rồi cũng sẽ được như thế. Cho nên tôi có phản đối những việc làm của ông, xin phép ông mà nói, những việc làm đó chưa được suy nghĩ chín chắn, thì không phải xuất phát từ quyền lợi cá nhân mà là vì về nguyên tắc, tôi không thể nào đồng ý với ông được. Tôi đề nghị ông hãy suy nghĩ, hãy đọc…
– Ờ! Thôi tôi xin ông hãy để tôi quyết định lấy công việc của tôi, và để tôi tự chọn lấy cái gì nên đọc, cái gì không nên đọc. – Nekhliudov nói, mặt tái đi.
Chàng cảm thấy hai tay giá lạnh, chàng không làm chủ được mình nữa, nên nín lặng và bắt đầu uống trà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.