Phục Sinh

CHƯƠNG 93



Đoàn tàu chở tù trong đó có Maxlova sẽ rời ga vào hồi ba giờ chiều; Nekhliudov định sẽ tới nhà lao trước mười hai giờ trưa để kịp thấy đoàn tù khi rời nhà lao và theo họ đi đến ga xe lửa một thể.
Lúc sắp xếp đồ dùng và giấy má, chàng để ý tới cuốn nhật ký của mình, đọc lại loáng thoáng đây đó vài đoạn ghi trong thời gian gần đây. Đoạn cuối ghi trước khi đi Petersburg viết như sau: “Katiusa không nhận sự hy sinh của mình, nhưng nàng lại muốn hy sinh. Nàng đã thắng mình và mình cũng thắng. Hình như nàng đang có sự chuyển biến trong nội tâm, điều đó làm mình mừng, nhưng mình vẫn sợ không dám tin. Mình sợ không dám tin, nhưng có cảm tưởng nàng đang sống lại”. Liền sau đó, lại ghi tiếp: “Mình đã trải qua một điều thực sự đau khổ và cũng thực sự vui sướng. Được biết nàng đã làm điều chẳng ra gì ở bệnh xá, mình đột nhiên thấy đau lòng vô cùng. Mình không ngờ mình lại có thể đau đớn đến như vậy. Mình đã nói với nàng bằng một giọng giận hờn và khinh ghét; nhưng rồi, bỗng nhiên mình vụt nhớ tới bao nhiêu lần đã qua và ngay cả giờ đây nữa, dù là chỉ trong tư tưởng, mình đã phạm vào cái tội mà mình trách giận nàng; và đồng thời bỗng nhiên mình thấy ghê tởm chính bản thân mình và thương xót nàng, thế là lòng mình lại thấy vui sướng vô cùng. Con người ta chỉ cần lúc nào cũng kịp thời trông thấy cây gỗ trong con mắt mình, tức thì sẽ tốt hơn lên biết chừng nào”. Và đề ngày tháng hôm đó, chàng viết tiếp: “Mình đã đến thăm chị Natasa, và chính vì tự mãn mà mình đã không hoà nhã và tỏ ra độc ác; điều nầy khiến lòng mình còn lại một cảm giác nặng nề. Nhưng làm gì được? Từ ngày mai trở đi bắt đầu một cuộc đời mới. Thôi xin từ biệt cuộc đời cũ vĩnh viễn từ biệt. Biết bao nhiêu là cảm tưởng dồn dập lại trong tâm, nhưng mình chưa thể thu nó vào một mối…”
Sáng hôm sau, ngay lúc trở dậy, cảm giác đầu tiên của Nekhliudov là ân hận về chuyện đã xảy ra giữa chàng và người anh rể: “Mình không thể ra đi như thế nầy được, chàng tự nhủ, – phải đến xin lỗi anh chị ấy mới được”.
Nhưng khi nhìn đồng hồ, chàng thấy không còn thì giờ nữa, chàng còn phải đi gấp để khỏi chậm, không đến kịp lúc đoàn tù khởi hành: Chàng vội vã chuẩn bị các thức cho xong, cho người gác cổng và Taratx – chồng của Fedoxia và là người sẽ cùng đi với chàng – mang những gói đồ đạc của chàng đi thẳng ra ga.
Nekhliudov thuê ngay một chiếc xe ngựa gặp đầu tiên bảo đưa mình tới nhà lao. Chuyến tàu chở tù khổ sai khởi hành hai tiếng đồng hồi trước chuyến trở hành khách mà chàng sẽ đáp đì, nên chàng thanh toán trả hết tiền thuê phòng, không nghĩ đến quay trở lại nữa.
Trời tháng bảy, nóng hầm hập. Các phiến đá lát đường, các tảng đá trên tường, các phiến “tôn” trên mái nhà chưa kịp nguội đi sau một đêm nóng nực, đang toả nhiệt vào bầu không khí oi ả, trầm lặng. Trời không gió, thảng hoặc có được một hào gió nổi lên thì nó lại đem về một luồng hơi nóng vẫn đầy bụi, sặc sụa mùi sơn dầu.
Phố xá gần như vắng vẻ không có ai, hoạ hoằn mới có một vài người qua đường, cũng đi nép dưới bóng các ngôi nhà. Chỉ có những công nhân lát đường, chân đi giầy cỏ, người đen sạm vì rám nắng là còn ngồi ở giữa lòng đường, dọi từng nhát búa lên những viên đá cho lún sâu vào trong cát nóng; mấy viên cảnh sát, nét mặt rầu rầu, trong bộ áo cổ đứng bằng vải mộc, dây đeo súng lục màu da cam chéo ngang người, đứng buồn rười rượi giữa phố, hết nhấc chân nầy lại nhấc chân kia; mấy cái xe ngựa chở khách chuyến, rèm cửa buồng che phía có ánh mặt trời, chuông giục leng keng, qua lại trong các phố, mấy con ngựa kéo khoác vải choàng trắng, tai để thò ra ngoài.
Khi chiếc xe chở Nekhliudov tới gần nhà lao, đoàn tù vẫn chưa khởi hành; bên trong, việc điểm lại các tù nhân bắt đầu từ bốn giờ sáng còn đang tiếp diễn một cách khẩn trương náo nhiệt. Đoàn người có sáu trăm hai mươi ba người đàn ông và sáu mươi tư người phụ nữ. Phải kiểm tra họ theo danh sách, tách những người ốm và yếu ra thành nhóm riêng, rồi bàn giao tất cả lại cho viên sĩ quan áp giải.
Viên giám mục mới cùng hai người tuỳ thuộc, viên bác sĩ với người y tá, viên sĩ quan áp giải và người thư ký, tất cả cùng ngồi bên một cái bàn giấy má và dụng cụ văn phòng, kê ở trong sân nhà lao dưới bóng một bức tường. Họ gọi tên các tù nhân, từng người một, xem xét vặn hỏi và ghi chép, ánh nắng lấn dần vào đến nửa bản; trời trở nên nóng bức và đặc biệt ngột ngạt phần vì thiếu không khí, phần vì hơi thở của đám tù nhân đứng gần đó.
– Như vậy ra không bao giờ hết à? – Viên sĩ quan áp giải vừa kêu lên vừa rít một hơi thuốc lá. Hắn to béo, da dẻ hồng hào, hai vai nhô cao, hai cánh tay ngắn, luôn luôn hút thuốc, thở khói qua bộ râu mép phủ chùm cả mồm. – Mệt lử cả người rồi! Nhặt ở đâu về mà lắm thế? Còn nhiều không?
Viên thư ký tra cứu tờ giấy, nói:
– Còn hai mươi bốn người đàn ông và đàn bà.
– Sao lại đứng ì cả ra thế? Lại gần đây mau lên – tên sĩ quan quát những phạm nhân chưa được điểm tên, đang đứng xít lại, người nọ sau người kia.
Đã hơn ba tiếng đồng hồ, các phạm nhân đứng xếp hàng, không phải ở trong bóng râm mà là ngoài nắng đợi đến lượt mình.
Trong khi công việc tiến hành ở bên trong nhà lao thì ở bên ngoài, một người lính gác cửa cầm súng đứng như thường lệ gần chiếc cửa lớn, có đến hai chục cỗ xe dành để chở hành lý của đoàn tù và những người tù quá yếu.
Một đám những người thân thích và bè bạn của tù nhân đang đứng ở góc đường chờ đoàn tù đi ra; ai nấy đều muốn trông thấy thân nhân của mình và nếu có thể thì nói với họ một vài lời và giúi cho chút gì đó. Nekhliudov cùng nhập bọn với đám người nầy.
Chàng đứng đợi gần một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, đằng sau chiếc cửa lớn, nghe thấy tiếng xích rung loảng xoảng, tiếng chân bước, tiếng người hô, tiếng ho hắng và tiếng ồn ào của một đám đông. Tất cả kéo dài đến năm phút, trong khi đó, mấy người cai ngục không ngừng ra ra, vào vào, qua chiếc cửa con.
Sau hết là một tiếng hô vang.
Chiếc cổng lớn mở ra, ầm ầm vang động, tiếng xích loảng xoảng, nghe rõ hơn và những người lính áp tải, áo chẽn trắng cổ đứng, súng cầm tay, bước ra. Họ dàn thành một vòng tròn vành vạnh ngay trước chiếc cổng lớn, một thao tác rõ ràng tập dượt đã quen. Khi họ đã yên chỗ, người ta lại nghe thấy tiếng hô khác, và từng đôi một các tù nhân bước ra, đầu cạo trọc đội mũ vải, vai đeo ba-lô; họ kéo lê đôi chân đeo xiềng, một tay vung vẩy còn tay kia nâng ba-lô ở sau lưng lên.
Những tù khổ sai đàn ông đi đầu, cùng mặc quẩn dài và áo choàng xám như nhau, sau lưng có in một chấm đen to như hình một con “át” vuông trong cỗ bài. Trong bọn họ, trẻ có, già có, gầy, béo, xanh xao, hồng hào, rám nắng đều có, người để rịa mép, kẻ để râu dâi, hoặc không để râu; có cả người Nga, người Tarta, người Do Thái; tất cả bước ra trong tiếng xích loảng xoảng, hai tay vung vẩy mạnh dạn, tưởng chừng như đã chuẩn bị đi một mạch xa, nhưng mới bước được mươi bước, họ đứng ngay lại và ngoan ngoãn xếp hàng bốn người nọ sau người kia:
Liền sau đó, từ cửa đi ra những người tù quần áo như thế, đầu cũng cạo trọc, chân không đeo xiềng, nhưng tay bị cùm; đây là những người bị đày. Họ bước ra cũng mạnh dạn, rồi cũng dừng lại và xếp hàng bốn. Rồi đến những người bị thôn xã phóng trục. Sau đến là tù phụ nữ, cũng xếp hàng thứ tự như vậy: đi trước là những người bị kết án tù khổ sai, mình mặc áo dài xám, đầu bịt khăn vuông, rồi đến những người bị đi đày và cuối cùng là người tự nguyện đi theo, họ ăn mặc, người lối tỉnh thành, kẻ lối quê mùa. Vài người phụ nữ mang theo con nhỏ còn bú, bọc trong vạt áo choàng. Đi theo đám phụ nữ còn có những đứa trẻ khác, con trai có, con gái có; như những con ngựa con trong đàn ngựa, chúng nép mình vào các nữ tù nhân.
Những người đàn ông đứng lặng lẽ chỉ thỉnh thoảng mới ho, hoặc nói nhát gừng một vài tiếng. Đám phụ nữ ngược lại, chuyện trò liên miên không ngớt.
Nekhliudov hình như đã thoáng nhận thấy Maxlova lúc từ trong cổng đi ra, nhưng sau đó lại mất hút ngay trong đám nữ tù nhân và chỉ còn trông thấy có một đám đông xam xám những người dường như đã bị mất hết cả đặc trưng của con người, đặc biệt là mất cả đặc trưng của nữ giới; họ dắt con thơ, đeo khăn gối, xếp thành hàng nôl sau bọn đàn ông. Mặc dù tù nhân đã được đếm ở trong sân nhà lao rồi, khi ra ngoài, những người lính áp giải lại đếm lại, đối chiếu với những bản danh sách. Lần kiểm tra nầy khá lâu, nhất là vì có vài người tù cứ đi đi lại lại đổi chỗ, làm cho mấy người lính rối cả lên, đếm không rành. Bọn lính mắng chửi, xô đẩy họ, và đếm lại, các tù nhân thì chịu nhịn, nhưng lòng đầy căm hận.
Khi đếm lại xong, viên sĩ quan áp giải ra lệnh, đoàn người bỗng xôn xao nhốn nháo cả lên; những người tù ốm yếu, những phụ nữ và trẻ em, chen lấn nhau, chạy lại phía những chiếc xe tải, bỏ hành lý vào và trèo lên xe.
Thế là cả phụ nữ bế con nhỏ khóc oe oe, cả những đứa trẻ vui đùa tranh nhau chỗ và những người tù buồn rầu ủ rũ cũng trèo lên và cùng ngồi.
Có vài người đàn ông bỏ mũ ra, lại gần viên sĩ quan nói mấy câu yêu cầu một điều gì đó. Về sau Nekhliudov mới biết là họ xin được ngồi trên xe. Chàng trông thấy viên sĩ quan không những không trả lời, ngay cả đưa mắt nhìn họ, hắn cũng không thèm nữa, hắn vẫn tiếp tục hút thuốc. Chàng trông thấy viên sĩ quan bất thình lình giơ cẳng tay ngắn ngủi lên đánh một người trong bọn, và người tù rụt đầu lại đợi đòn, nhảy tránh sang một bên.
– Mày thì tao sẽ phong tước cho mày để mày sẽ nhớ! Sức mày cuốc bộ(1) đến nơi được đấy, nghe chưa! – Viên sĩ quan thét.
Chỉ có một ông già bước loạng choạng, chân bị xích, là được phép trèo lên xe. Nekhliudov trông thấy ông ta bỏ cái mũ to mỏng như cái bánh đa xuống, vừa làm dấu vừa đi về phía dãy xe; ông cụ loay hoay mãi không trèo lên được vì chân già yếu lại vướng xiềng; sau đó có một người phụ nữ đã ngồi ở trên cẩm tay ông cụ kéo lên giúp.
Khi các xe đã đầy những bao bì và các tù nhân được đi xe đã ngồi đâu vào đấy, viên sĩ quan bỏ mũ ra, lấy khăn tay lau trán, lau cái đầu trần, cái cổ đầy đặn hồng hào và làm dấu.
– Cả đoàn, đi! – Hắn ra lệnh.
Súng của bọn lính va lách cách, những người tù bỏ mũ ra làm dấu, vài người làm dấu bằng tay trái. Có mấy tiếng kêu to trong đám người đi tiễn người thân, đám tù nhân gào lên đáp lại, tiếng than khóc nổi dậy từ đám phụ nữ; và đoàn tù, có lính mặc áo cổ đứng trắng vây quanh bước đi trong đám bụi mù mịt do những bàn chân đeo xiềng hất tung lên.
Đi đầu là những người lính, tiếp đến những người tù khổ sai xếp hàng tư, xích xiềng loảng xoảng, rồi đến những người bị đi đày; sau đến những người bị thôn xã phóng trục đi hàng đôi, tay bị xích; rồi đến các tù phụ nữ. Cuối cùng, là những chiếc xe tải chở đầy hành lý và người ốm. Trên một chiếc xe, một phụ nữ ngồi ngất ngưởng, quần áo cộm lên, miệng không ngớt kêu la, nức nở.
Chú thích:
(1) Những tù chính trị dòng dõi quý tộc được quyền được đi bằng xe (Lời chú thích của bản dịch Pháp văn của E. Beaux)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.