Thế Giới Nghịch
Chương 040
Phát biểu tại buổi họp giữa trưa nhằm phổ biến kiến thức cho các nghị viên ở Washington, giáo sư William Garfield thuộc Đại học Minnesota nói: “Dù quý vị có nghe ra sao đi nữa thì chưa ai chứng minh được một gien duy nhất tạo ra một tính trạng duy nhất trong hành vi con người cả. Một số đồng nghiệp của tôi tin là cuối cùng thì người ta cũng tìm thấy mối liên hệ này thôi. Một số khác thì nghĩ chuyện này chẳng bao giờ xảy ra cả. Họ nghĩ rằng sự tương tác giữa gien và môi trường quá phức tạp. Nhưng sao cũng được, chúng ta thấy nhiều báo cáo về những gien mới chi phối cái này, chi phối cái kia trên báo mỗi ngày, vậy mà rốt cuộc chẳng chuyện nào trong số đó là thật cả.”
“Ông đang nói gì vậy?” Trợ lý của thượng nghị sĩ Wilson nói. “Còn gien đồng tính thì sao? Cái gien gây ra đồng tính ấy?”
“Một sự liên hệ chỉ mang tính chất thống kê. Không mang tính nhân quả. Chẳng có gien nào chi phối thiên hướng tính dục cả.”
“Còn gien bạo hành thì sao?”
“Chưa được xác minh trong các nghiên cứu sau này.”
“Đã có báo cáo về gien giấc ngủ…”
“Ở chuột.”
“Gien nghiện rượu?”
“Không có cơ sở.”
“Còn gien tiểu đường thì sao?”
“Cho tới giờ,” Ông nói. “chúng ta đã xác định được chín mươi sáu gien có liên quan đến chứng tiểu đường. Chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra thêm nhiều gien khác nữa.”
Có một khoảng lặng chứa đầy sửng sốt. Cuối cùng, một trợ lý nói:
“Nếu chưa có ai chứng minh được gien gây ra hành vi thì mấy cái thứ nhặng xị này là sao?”
Giáo sư Garfield nhún vai.
“Gọi nó là truyền thuyết thành đô vậy. Gọi nó là chuyện hoang đường của truyền thông vậy. Hãy đổ lỗi cho giáo dục công lập trong ngành khoa học. Bởi vì công chúng chắc chắn tin là gien gây ra hành vi. Nói vậy có vẻ có lý lắm. Thực tế thì ngay cả màu tóc và chiều cao cũng không phải là những tính trạng mà gien ấn định. Những chứng bệnh như chứng nghiện rượu thì nhất định là không phải rồi.”
“Chờ một chút. Chiều cao không phải do di truyền ư?”
“Đối với cá thể thì đúng. Nếu anh cao hơn bạn anh thì có lẽ đó là do bố mẹ của anh cao hơn bố mẹ bạn anh. Còn đối với quần thể, chiều cao là một hàm số phụ thuộc vào môi trường. Trong năm mươi năm vừa qua, người Châu Âu cứ mười năm thì cao lên hai phân ruỡi. Người Nhật cũng vậy. Thay đổi về gien không thể nhanh như vậy được. Đó hoàn toàn là do tác động của môi trường – chế độ chăm sóc tiền sản tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, chăm sóc y tế tốt hơn, vân vân. Hơn nữa, người Mỹ trong khoảng thời gian này không cao lên chút nào, ngược lại thì lại thấp hơn một chút, có lẽ là do chế độ chăm sóc tiền sản kém và thói quen ăn vặt. Vấn đề ở đây là mối quan hệ thực sự giữa gien và môi trường rất phức tạp. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ gien hoạt động như thế nào nữa. Thực tế thì người ta cũng chưa ngã ngũ với câu hỏi gien là gì nữa.”
“Ông nói gì cơ?”
“Giữa các nhà khoa học với nhau,” Garfield nói. “không có một định nghĩa duy nhất nào về gien mà tất cả đều đồng ý cả. Có tới tận bốn hay năm định nghĩa khác nhau.”
“Tôi cứ tưởng gien là một phần của bộ gien chứ.” Một người nói. “Một chuỗi các cặp bazơ, ATGC, mã hóa một protein.”
“Đó là một định nghĩa.” Garfield nói. “Nhưng định nghĩa đó chưa đủ. Bởi vì một chuỗi ATGC có thể mã hóa cho nhiều protein. Một vài đoạn mà về cơ bản là những công tắc tắt mở những đoạn mã khác. Một vài đoạn mã nằm yên cho đến khi được kích hoạt bởi các kích thích nhất định từ môi trường. Một vài đoạn mã chỉ hoạt động trong một giai đoạn phát triển nào thôi, rồi sau đó không bao giờ hoạt động lại nữa. Những đoạn khác thì tắt mở liên tục xuyên suốt đời nguời. Như tôi đã nói, rất phức tạp.”
Một bàn tay đưa lên. Một trợ lý của thượng nghị sĩ Mooney, người nhận được nhiều đóng góp đáng kể từ những công ty dược, có câu hỏi.
“Thưa giáo sư, tôi cho rằng ý kiến của ông là ý kiến của số ít thôi. Đa số các nhà khoa học không đồng ý với quan điểm của ông về gien.”
“Thật ra thì đa số các nhà khoa học đồng ý với quan điểm này.” Garfield nói. “Và họ có lý do để đồng ý.”
Khi bộ gien người được giải mã, các nhà khoa học giật mình nhận thấy bộ gien chỉ có khoảng ba mươi lăm ngàn gien. Họ đã dự liệu một con số lớn hơn nhiều so với con số đó. Suy cho cùng, một con giun đất thấp hèn đã có hai mươi ngàn gien. Điều đó có nghĩa sai biệt giữa người và giun có thể chỉ là mười lăm ngàn gien. Nếu vậy thì bạn làm sao giải thích được sự khác biệt khổng lồ về độ phức tạp giữa hai loài?
Vấn đề đó biến mất khi các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu sự tương tác giữa các gien. Chẳng hạn, một gien có thể tạo ra một protein, và một gien khác có thể tạo ra một enzim, enzim này cắt ra một phần của protein đó và như vậy thay đổi protein này. Một vài gien chứa nhiều chuỗi mã hóa nằm tách biệt so với nhiều vùng mã vô nghĩa. Gien đó có thể sử dụng bất cứ chuỗi nào trong nhiều chuỗi để tạo protein. Một vài gien chỉ được kích hoạt khi nhiều gien khác được kích hoạt trước, hoặc khi có một số thay đổi về môi trường. Điều này có nghĩa gien nhạy cảm với môi trường, bên trong lẫn bên ngoài con người, và nhạy cảm hơn nhiều so với dự đoán. Và nhiều gien tương tác lẫn nhau có nghĩa là hàng tỷ kết quả khác nhau có thể xảy ra.
“Chẳng có gì đáng ngạc nhiên,” Garfield nói. “khi nói các nhà nghiên cứu đang tiến đến một loại nghiên cứu mà chúng ta gọi là ‘nghiên cứu biểu sinh’. Loại nghiên cứu này xem xét cơ chế tương tác thật sự giữa gien với môi trường để tạo ra một cá thể mà chúng ta thấy. Đây là một phạm vi nghiên cứu hết sức năng động.” Ông bắt đầu giải thích những chi tiết phức tạp.
Trợ lý Quốc hội từng người một ăn xong rồi rời khỏi phòng. Chỉ vài ba người ở lại, và họ đang kiểm tra tin nhắn trên diện thoại di động.
Người Neanderthal là những người tóc vàng thủy tổ
Mạnh hơn, có não lớn hơn, thông minh hơn chúng ta.
Đột biến gien đối với màu tóc cho thấy những người tóc vàng đầu tiên là người Neanderthal, không phải người hiện đại. Gien tóc vàng xuất hiện trong một thời gian nào đó ở thời kỳ băng hà Wurm, có lẽ để phản ứng lại hiện tượng thiếu nắng trong kỷ băng hà. Gien này phân bố khắp loài người Neanderthal, những người đa số có tóc vàng, theo các nhà nghiên cứu.
“Người Neanderthal có não lớn hơn não chúng ta một phần năm thể tích. Họ cao hơn chúng ta, và mạnh hơn chúng ta. Họ chắc chắn cũng thông minh hơn.” Marco Svabo, thuộc Viện Di truyền học Helsinki, cho biết. “Thật ra thì, ít ai còn ngờ vực chuyện người hiện đại là một phiên bản chuẩn hóa của người Neanderthal, cũng như loài chó hiện đại là một phiên bản thuần hóa của loài sói, một loài mạnh hơn và thông minh hơn. Người hiện đại là một sinh vật cấp thấp kém giá trị. Neanderthal vượt trội hơn về mặt tư duy và hình thể. Với tóc vàng, xương gò má cao, và những đặc điểm mạnh mẽ, nếu còn tồn tại thì họ sẽ là một loài siêu mẫu.”
“Người hiện đại – gầy và xấu hơn người Neanderthal – theo tự nhiên sẽ bị sắc đẹp, sức mạnh và trí tuệ của người tóc vàng cuốn hút. Có vẻ như một vài phụ nữ người Neanderthal thương hại loài người Cro-Magnon(15) nhỏ nhoi nên giao phối với giống người này. Đây là một điều tốt cho chúng ta. Chúng ta may mắn mang gien tóc vàng của người Neanderthal, do đó loài người chúng ta không trở nên ngu ngốc tột độ. Dù rằng có hay không có gien này thì chúng ta cũng nhiều lần thể hiện sự ngu ngốc.” Ông nói rằng giả định người tóc vàng là ngu ngốc(16) là “một định kiến của người tóc sẫm nhằm làm lệch đi sự chú ý đối với những thiếu sót của người tóc sẫm và những thiếu sót này mới là vấn đề thật sự của thế giới.”. Ông nói thêm. “Hãy lập danh sách những con người ngu đần nhất trong lịch sử. Bạn sẽ thấy bọn họ đều có tóc sẫm cả.”
(15) Giống người sơ khai tiền thân của người hiện đại, trú ở châu Âu.
(16) Phương Tây có định kiến phổ biến là người tóc vàng thường dựa vào sắc đẹp của mình chứ ít khi sử dụng trí thông minh.
Tiến sĩ Evard Nilsson, phát ngôn viên của Học viện Marburg ở Đức, một học viện từ lâu đã nỗ lực sắp xếp toàn bộ bộ gien của người Neanderthal thành chuỗi, nói rằng giả thuyết về người tóc vàng rất thú vị. Nilsson nói: “Vợ tôi có tóc vàng, và tôi luôn làm theo những gì cô ấy bảo. Con cái chúng tôi cũng có tóc vàng và cũng rất thông minh. Vì vậy tôi đồng ý là giả thuyết này ít nhiều cũng đúng.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.