Tâm lý học căn bản

Chương 4. CÁC TRẠNG THÁI Ý THỨC



DÀN BÀI

Mở đầu

Triển khai chủ đề

I. TRẠNG THÁI NGỦ VÀ GIẤC MƠ

1. Các chu kỳ ngủ.

2. Ngủ có cần thiết không?

3. Nhịp sinh học cơ thể 24 giờ: các chu kỳ đời sống.

4. Vai trò và ý nghĩa của các giấc mơ.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ: soi sáng nhịp sinh học cơ thể 24 giờ.

5. Mơ mộng: Các giấc mộng trong lúc thức.

6. Các rối loạn về giấc ngủ: các chứng bệnh liên hệ đến giấc ngủ.

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ TÂM LÝ HỌC: Ngủ an giấc hơn

7. Tóm tắt và học ôn I

II. THÔI MIÊN VÀ QUÁN TƯỞNG: CÁC DẠNG Ý THỨC BỊ BIẾN ĐỔI TRẠNG THÁI

1. Trạng thái bị thôi miên.

2. Phải chăng thôi miên là một trạng thái ý thức khác hẳn bình thường.

3. Quán tưởng: Điều chỉnh trạng thái ý thức của riêng bạn.

4. Tóm tắt và học ôn II

III. SỬ DỤNG MA TUÝ: CÁC TRẠNG THÁI Ý THỨC SẢNG KHOÁI VÀ TRẦM CẢM

1. Các loại thuốc kích thích

2. Thuốc gây trầm cảm: gây cảm giác trầm uất.

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC – Tầm quan trọng của tình trạng ngộ độc.

3. Thuốc gây ngủ/ gây mê: làm giảm đau đớn và bớt lo âu.

4. Thuốc gây ảo giác: gây trạng thái phiêu diêu.

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ TÂM LÝ HỌC: Nhận diện các trường hợp nghiện ma túy và nghiện rượu.

5. Tóm tắt và học ôn III

IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

V. PHỤ LỤC – Bản chất của ý thức.

VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI

MỞ ĐẦU

TRƯỜNG HỢP CẬU BÉ RYAN SHAFER

Giống như hầu hết các bậc cha mẹ, tôi đã từng băn khoăn về tệ nạn ma túy khi con cái của chúng ta đến tuổi lên trung học. Nhưng giờ đây tôi mới biết rằng nói chung bọn trẻ bắt đầu chơi ma túy ở lứa tuổi 11 hoặc 12, vào những lúc mà chúng ta không bao giờ ngờ được. Ryan chỉ bắt đầu dự các buổi tiệc phức tạp đáng ngờ mới đây thôi. Nó đang chơi cho ban nhạc Little League. Hồi năm học lớp 8, Ryan bắt đầu dính líu vào một vài vụ lôi thôi nhỏ – có lúc nó và một đứa bạn khác đã ăn cắp một dụng cụ chữa cháy, nhưng chúng tôi cho rằng sự việc ấy chỉ là một trò nghịch ngợm của tuổi trẻ. Thế rồi thành tích học tập của nó bắt đầu sa sút đi. Nó thường lẻn khỏi nhà vào ban đêm. Dường như nó trở nên dễ nối cáu, rồi trở lại vui tính và dễ thương ngay sau đó. Khoảng thời gian ấy nó đã dùng khá nhiều ma túy rồi, thế mà chúng tôi cứ không chịu tin vào điều mình chứng kiến. Thực đau đón khi đã đặt niềm tin vào con cái, rồi điều sau cùng bạn muốn là đập vỡ niềm tin ấy. Thế nhưng, các dấu hiệu sờ sờ ngay trước mắt. Phòng nó vương vãi các lọ thuốc nhỏ mới để che đậy các vệt đỏ do hút cần sa để lại. Nhà chúng tôi lúc nào cũng bị mất tiền, và nó lại bắt đầu dở chứng xông hương trong phòng.

Mãi đến lúc Ryan hoàn toàn hư hỏng vào năm 14 tuổi chúng tôi mới thực sự đối mặt với ma túy. Nó mới vừa theo học ở trường trung học Mclean, và đối với nó cũng giống như mỗi ngày được đi đến đêm hút ma túy vậy. Thời ấy mọi thứ đều có sẵn. Nó bắt đầu trốn học, đó là chuyện thường xuyên. Nhưng chúng tôi không thấy nhà trường thông báo gì cả, mãi đến khi nó bị trượt tất cả các môn học thì sự thực mới phơi bày. Hóa ra, nó đến lớp để được điểm danh đầu giờ rồi chuồn đi hút cần sa suốt ngày.

TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ

Chẳng bao lâu cha mẹ Ryan được biết cần sa không phải là loại ma túy duy nhất mà nó dùng. Ryan là loại thiếu niên mà bạn bè nó thường gọi là “tên rác rưởi”, là loại trẻ thứ gì cũng dám thử qua. Nó dùng Cocaine, Phencyclidine (PCP), và rượu, nhưng thứ nó ưa chuộng là LSD. Nó đã nghiện ngập và có hành vi bạo lực, nó thường đá rầm rầm vào cửa và quát tháo vào mặt cha mẹ.

Khi đã thấy được mức độ nghiêm trọng do ma túy tác hại, hai người mới đưa nó đi chữa trị theo các biện pháp sơ bộ cai nghiện. Nhưng biện pháp trị liệu nào cũng chỉ công hiệu tạm thời, rồi đâu lại hoàn đấy. Cuối cùng, một hôm Ryan lơ mơ đi trên xa lộ liên tiểu bang trong cơn say thuốc rồi bị Ô tô đụng chết. Lúc ấy em mới 16 tuổi.

Ryan Shafer chỉ là một thí dụ trong vô vàn trường hợp cuộc sống bị băng hoại vì ma túy và rượu chè. Thực tế, các tệ nạn về ma túy, kể cả rượu chè, vẫn cứ là một trong những khó khăn gay cấn nhất và gây sôi động nhất trong xã hội phương Tây. Vậy mà, mỉa mai thay, việc sử dụng một vài dược phẩm gây nghiệp lại được xã hội khoan dung. Tệ nạn rượu thè được khuyến khích bởi ngành sản xuất rượu có số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồ la, các loại ma túy có công dụng chữa trị các chứng rối loạn tâm lý vẫn được thường xuyên kê in, thói quen uống cà phê để giảm cơn buồn ngủ lại được tập quán xã hội chấp nhận mạnh mẽ. Ngoài ra, ở một số nền văn hóa chậm phát triển thói dùng ma túy không chỉ được khoan dung mà còn được tích cực khuyến khích nữa. Thí dụ, các tín hữu thuộc giáo hội Native American Church thường xuyên hút Peyote, một loại ma túy khiến cho nhận thức bị cải biến đi, trong các khóa lễ.

Dùng ma túy chỉ là một trong nhiều cách con người sử dụng để thay đổi trạng thái ý thức (state ofconsciousness), tình trạng nhận thức các cảm giác, ý tưởng và tình cảm xảy ra trong một thời gian nhất định. Ý thức là trạng thái nhận thức chủ quan của chúng ta về cả môi trường xung quanh lẫn thế giới nội tâm riêng tư mà người khác không thấy được.

Bản chất của ý thức vươn ra theo một số chiều kích. Ý thức trải rộng từ các nhận thức trong lúc cơ thể tỉnh táo nhất đến những giấc mơ diễn ra trong lúc chúng ta ngủ, với vô vàn mức độ cảm nhận khác nhau của chúng ta đối với các kích thích từ bên ngoài. Trên thực tế, một số nhà tâm lý chủ trương “ý thức” là một thuật ngữ thậm chí nên dùng cho các kinh nghiệm tâm trí mà chúng ta không hề biết đến. Thí dụ, thực tế dường như chúng ta xử lý rất nhiều thông tin mà chúng ta ít biết đến hoặc thậm chí không hề hay biết nhưng đã vô tình cảm nhận, như đã thảo luận ở chương trước. Do đó, những người này cho rằng định nghĩa về ý thức cần được mở rộng bao quát tất cả mọi tiến trình tâm trí, dù chúng ta có biết hoặc không hay biết đến chúng. Nhưng, định nghĩa bao quát này chưa được chấp nhận rộng rãi.

Dù vậy, hiển nhiên ngay trong lúc cơ thể tỉnh táo, trạng thái ý thức của chúng ta cũng có thể thay đổi từ chủ động đến thụ động. Trong các trạng thái chủ động hơn chúng ta thực hiện một cách có hệ thống hoạt động tâm trí, để tư duy và tìm hiểu thế giới chung quanh. Trong các trạng thái tĩnh thức thụ động, các ý nghĩ và hình ảnh tự phát xuất hiện trong tâm trí chúng ta; chúng ta mơ mộng hoặc để tâm trạng trôi dạt từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác. Cuối cùng, các thay đổi về trạng thái ý thức có thể khác biệt nhau dưới dạng phát sinh tự nhiên, như khi chúng ta thay đổi từ trạng thái tĩnh thức rồi chìm vào giấc ngủ, hoặc dưới dạng phát sinh giả tạo, như trong một cơn “phi” ma túy chẳng hạn.

Bởi vì ý thức là một hiện tượng có tính cá biệt đến như vậy – ai dám vì thế mà nói rằng trạng thái ý thức của bạn giống hay khác biệt với người khác? – nên đôi khi các nhà tâm lý đã ngần ngại khi nghiên cứu nó. Thực ra, một số lý thuyết gia tâm lý thời sơ khai đã chủ trương việc nghiên cứu hiện tượng ý thức không thuộc phạm vi hoạt động của nhà tâm lý, vì nó chỉ có thể tìm hiểu được bằng cách dựa vào các thăm dò nội quan “thiếu khoa học” đối với các đối tượng thí nghiệm về các điều họ đang cảm nhận vào một thời điểm nhất định. Những người đề xướng quan điểm này lập luận rằng công tác nghiên cứu ý thức tốt hơn nên dành cho các triết gia, là những người trong lúc nhàn rỗi nêu ra các giả thuyết về các vấn đề hóc búa, đại để như ý thức có tách biệt với thể xác vật chất không, con người làm cách nào để biết mình đang hiện hữu, tinh thần và thể xác liên hệ với nhau ra sao, và làm thế nào chúng ta nhận diện được trạng thái ý thức của mình vào một thời điểm nhất định nào đó.

Hầu hết các nhà tâm lý đương đại đều bác bỏ quan điểm cho rằng nghiên cứu hiện tượng ý thức không phù hợp với lĩnh vực hoạt động của bộ môn tâm lý học. Những người này cho rằng có một số khảo hướng cho phép nghiên cứu khoa học về hiện tượng ý thức. Thí dụ, những kiến thức sâu rộng mới đây nhờ nghiên cứu sinh học não bộ cho phép người ta đo được sóng điện não (brain–wave) trong các điều kiện ý thức từ lúc ngủ đến lúc tỉnh thức cho đến các trạng thái xuất thần do thôi miên (hypnotic trances). Ngoài ra, kiến thức mới mẻ về thành phần hóa học của các loại dược phẩm gây nghiện như cần sa và rượu đã mở ra cho chúng ta các hiểu biết sâu rộng về cách thức các loại ma túy này gây tác dụng khoái lạc – và tác dụng ngược lại đối với cơ thể con người. Cuối cùng, các nhà tâm lý đã đi đến kết luận rằng thực sự có một số trạng thái ý thức có thể nghiên cứu tách biệt được. Bằng cách tập trung đặc biệt vào các dạng ý thức bị biến thái (altered states of consdousness) – là các trạng thái ý thức khác biệt hẳn so với các trạng thái ý thức bình thường trong lúc tĩnh thức – họ có thể nghiên cứu một cách khoa học hiện tượng ý thức, mặc dù các vấn đề khó khăn hơn, như vấn đề liệu ý thức có hiện hữu tách biệt với thể xác vật chất không chẳng hạn, vẫn chưa giải đáp được.

Mặc dù các dạng ý thức biến thái khác nhau gây ra các hậu quả rất khác biệt nhau, nhưng tất cả đều có chung một số đặc điểm. Đặc điểm thứ nhất là chúng làm biến cải lề lối tư duy của chúng ta, khiến cho suy nghĩ của chúng ta thành nông cạn, phi lý, hoặc thui chột theo một cách thức nào đó. Ngoài ra, khái niệm thời gian bị đảo lộn đi, và nhận thức về thế giới chung quanh cũng như về bản thân có thể bị biến đổi khác hẳn đi. Chúng ta có thể bị mất tự chủ, làm những việc rồ dại mà nếu không bị biến thái ắt hẳn chúng ta chẳng bao giờ làm. Cuối cùng, chúng ta có thể có cảm giác bất lực – kém khả năng nhận thức hợp lý sự việc hoăc không thể diễn tả sự việc ấy thành lời.

Chương này khảo sát một số trạng thái ý thức, khởi đầu bằng hai trạng thái mà mọi người chúng ta đều biết: ngủ và nằm mơ. Kế đó, chúng ta tiến tới nghiên cứu các trạng thái ý thức trong các trường hợp bị thôi miên (hypnosis) và xuất thần (do tập trung tư tưởng, hoặc tĩnh tâm). Cuối cùng, chúng ta khảo xét các dạng thức bị biến thái do ma túy gây ra.

Đọc xong chương này, bạn có thể giải đáp được các câu hỏi sau:

– Ý thức có các trạng thái khác biệt nhau nào?

– Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đang ngủ; và các giấc mộng có ý nghĩa và đóng vai trò gì?

– Chúng ta có nhiều mộng tưởng (mơ mộng) đến mức nào?

– Giấc ngủ của chúng ta có thể bị các rối loạn chủ yếu nào và làm cách nào để chữa trị chúng?

– Phải chăng những người bị thôi miên đều thuộc một trường hợp ý thức bị biến thái, và họ có thể bị thôi miên sai khiến hành động ngược lại ý chí của họ không?

– Ma túy gồm các loại chủ yếu nào, và chúng gây ra các hậu quả nào?

I. TRẠNG THÁI NGỦ VÀ GIẤC MỘNG

Đám đóng la ó và đuổi theo Donald Dorff. Ông năm nay 67 tuổi, nhận được quả bóngdo một tiền vệ chuyển sang rồi tăng dần tốc độ vượt qua sân cỏ. Khi Dorff dừng lại để xoay người tránh khỏi bị chặn bóng thì một hàng phòng vệ lù lù hiện ra trước mặt. Vô cùng can đảm, Dorff không do dự chút nào xông thẳng vào. Nhưng hãy để cho người bán tạp hóa đã về hưu ở thị trấn Golden Valley thuộc tiểu bang Minnesota kể lại:

“Một bộ dụng cụ cho người nặng 130kg đang chờ đợi tôi, nên tôi quyết định giao trách nhiệm coi cửa hàng cho hắn ta. Đến nơi, tôi thấy mình đang đứng trong phòng ngủ. Trước đó tôi đã va mạnh vào bàn trang điểm, làm cho mọi vật đổ xuống, gương soi mặt bị vỡ nát và mọi thứ thành một mớ hỗn độn chết tiệt. Lúc ấy đồng hồ điểm 1:30 giờ sáng.”

Hóa ra do đang gánh chịu một tình trạng hiếm xảy ra, làm khổ một số người có tuổi tác. Rối loạn này phát sinh khi cơ chế có nhiệm vụ hạn chế cử động cơ thể trong các giấc mơ hoạt động không đúng mức. Những người mắc phải chứng bệnh này thường mơ thấy đánh người khác, va mạnh vào cửa sổ, đâm thủng vách – trong lúc ngủ say.

Khó khăn của Donald Dorff may mắn đã được chữa trị dứt hẳn nhờ sự trợ lực của Clonazepa, một loại dược phẩm có hiệu lực trấn áp cử động trong các giấc mơ. Hiện nay ông ngủ được cả đêm trong trạng thái nghỉ ngơi dễ chịu.

Thành công trong ca chữa trị cho bệnh nhân Dorff chỉ là một trong số các thành quả tiến bộ mới đây nhờ các cuộc nghiên cứu tìm hiểu về giấc ngủ. Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa giải đáp được, như tại sao chúng ta ngủ, chúng ta cần ngủ bao lâu, ý nghĩa và nhiệm vụ của giấc mơ là gì, và làm sao để tránh được bệnh mất ngủ (insomia). (Trước khi tiếp tục, có lẽ bạn nên trắc nghiệm kiến thức của mình về giấc ngủ và giấc mộng bằng cách giải đáp các câu hỏi ở Biểu 4–1).

1. Các chu kỳ ngủ

Hầu hết chúng ta đều xem giấc ngủ là khoảng thời gian an tĩnh. Khi đó chúng ta vứt bỏ mọi căng thẳng trong ngày và dành cả đêm dài cho giấc ngủ yên lành. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu giấc ngủ sâu sát hơn chúng ta thấy rằng suốt đêm có rất nhiều hoạt động diễn ra, và thoạt nhìn nó dường như là một trạng thái không có gì khác lạ, nhưng thực tế nó hoàn toàn ngược lại.

Chúng ta gặt hái được nhiều kiến thức về các sự việc xảy ra trong giấc ngủ nhờ kỹ thuật điện não đồ (electroencephalogram, hay EEG) đã được đề cập ở Chương 2. Kỹ thuật này do hoạt động xung điên bên trong não bộ. Khi các điện cực thăm dò nối liền với máy điện não được gắn vào lớp da đầu và mặt của một người đang ngủ, máy cho thấy rất rõ ràng thay vì đang ngủ thì bộ óc hoạt động suốt đêm, gây ra các đợt phóng điện có dạng sóng, với cao độ (hay biên độ sóng) và tốc độ (hay tần số sóng) thay đổi từng đợt liên tục và đều đặn. Các công cụ đo lường cử động của các cơ bắp và của mắt cũng cho thấy rất nhiều hoạt động vật lý đang diễn ra.

Con người trải qua bốn giai đoạn ngủ khác biệt trong một đêm nghỉ ngơi, chuyển qua các chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút. Mỗi giai đoạn ngủ này liên hệ đến một dạng sóng não (brain wave) đặc biệt như trình bày ở Hình 4 – 2. Ngoài ra, còn phản ảnh các dấu hiệu sinh học đặc biệt về trạng thái mộng mị nữa.

Khi bắt đầu rơi vào giấc ngủ, người ta thay đổi từ một trạng thái thức (waking state) trong đó cơ thể thư giãn và mắt nhắm lại – đôi khi gọi là giai đoạn ngủ số 0 – sang giai đoạn ngủ số 1 (state 1 sleep) đặc trưng bởi dạng sóng não điện thế thấp biến động tương đối nhanh. Đây mới thực sự là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai trạng thái thức và ngủ. Trong giai đoạn 1 đôi khi có hình ảnh xuất hiện, dường như chính la do chúng ta còn đang nhìn thấy các hình ảnh lưu lại. Nhưng giấc mộng thực sự chưa xảy ra trong bước đầu tiên vào giai đoạn này.

Khi giấc ngủ sâu hơn, người ta chuyển sang giai đoạn ngủ số 2, đặc trưng bởi dạng sóng não đều đặn hơn. Tuy nhiên, cũng có lúc bị gián đoạn bằng các sóng có đỉnh nhọn gọi là “con quay ngủ” (sleep spindles) theo hình dạng đỉnh sóng. Càng lúc càng khó đánh thức một người ở trong giai đoạn này. Giai đoạn này chiếm khoảng 20 giây hồi đầu hôm. Khi đó người ta đạt được gần đến phân nửa tình trạng ngủ hoàn toàn.

Khi người ta chuyển sang giai đoạn ngủ số 3, giai đoạn kế tiếp thuộc trạng thái ngủ hoàn toàn, sóng não trở nên chậm hơn, có dạng gồm các đỉnh cao hơn và đáy thấp hơn. Trước khi người ngủ đến đến giai đoạn ngủ số 4, dạng sóng não còn chậm hơn và đều hơn thế nữa, và người ấy phản ứng ít nhất đối với kích thích bên ngoài.

Như bạn thấy ở Hình 4 – 3, giai đoạn ngủ số 4 dễ xảy ra nhất vào đầu hôm lúc người ta bắt đầu ngủ. Như vậy, ngoài việc trải qua các bước chuyển tiếp đều đặn giữa các giai đoạn ngủ, người ta có khuynh hướng càng lúc càng ngủ kém say hơn trong phần thời gian còn lại trong đêm. Vào khoảng nửa đầu hôm, giấc ngủ chúng ta thường đặc trưng bởi các giai đoạn 3 và 4. Phân nửa còn lại đặc trưng bởi các giai đoạn ngủ ít sâu hơn – cũng như bởi giai đoạn ngủ có các giấc mơ diễn ra, như chúng ta sẽ bàn kế tiếp dưới đây.

Trạng thái ngủ mắt chuyển động nhanh nghịch lý đối với trạng thái ngủ: vài lần trong đêm, sau khi người ngủ chuyển từ các giai đoạn ngủ sâu hơn về giai đoạn ngủ số 1 trong một chu kỳ của giấc ngủ, một số sự kiện kỳ lạ xảy ra: nhịp tim tăng lên và trở nên không đều đặn, huyết áp vọt lên, nhịp thở cũng tăng, và nam giới – thậm chí các bé trai – cương dương vật lên. Điểm đặc trưng nhất của thời kỳ này là sự chuyển động qua lại của đôi mắt, dường như người ta đang xem một phim hành động rất kịch liệt. Thời kỳ ngủ này gọi là trạng thái ngủ mắt chuyển động nhanh (rapid eye movement/ REM sleep). Trạng thái ngủ REM chiếm khoảng hơi kém hơn 20% tổng số giờ ngủ của một người ngủ ở độ tuổi trưởng thành.

Thật là nghịch lý, trong khi toàn bộ sự việc này diễn ra thì các cơ bắp chủ yếu trong cơ thể dường như bị tê liệt hết – ngoại trừ các trường hợp hiếm thấy như trường hợp ông Donald Dorff – và thật là khó đánh thức người đang ngủ trong thời điểm này. Ngoài ra, trạng thái ngủ REM thường đi kèm với các giấc mơ bất kể người ấy có nhớ lại được hay không; và hiện tượng này xảy ra cho mọi người ở một vài chặp trong đêm.

Một cách giải thích khả dĩ chấp nhận được dù chưa được chứng minh về các chuyển động nhanh của mắt là lúc ấy mắt đang theo dõi các hành động diễn ra trong giấc mơ. Thí dụ, nhiều người đã từng thuật lại giấc mơ thấy mình đang xem một trận đấu quần vợt ngay trước khi họ bị đánh thức cho thấy các chuyền động đều đặn phải – trái – phải của mắt giống như họ đang quan sát quá bóng bay qua bay lại trên lưới.

Có một lý do vững chắc để tin rằng trạng thái ngủ REM đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt thường ngày của con người. Những người bị mất trạng thái ngủ REM – do đã bị đánh thức mỗi khi bắt đầu có các dấu hiệu sinh lý thuộc trạng thái này – cho thấy một hệ quả phản hồi (rebound effect) khi họ được phép nghỉ ngơi không bị quấy rối. Do hệ quả phản hồi này, những người bị mất trạng thái ngủ REM sẽ dành một số thời gian cho các giai đoạn có trạng thái ngủ REM sau đó khá nhiều hơn so với thường ngày. Dường như cơ thể đòi hỏi một khoản thời gian nhất định cho các giai đoạn có trạng thái ngủ REM mới hoạt động bình thường.

Hình 4–2: Các dạng sóng điện não (đo được bằng máy đo điện não) và chuyển động của mắt trong các giai đoạn ngủ khác nhau (Cohen, 1979)

Biểu 4–1.

Trắc nghiệm kiến thức về giấc ngủ và mộng mi

(Phỏng theo Palladino & Carducci, 1984)

Mặc dù ngủ là một hành vi mà tất cả chúng ta đều thực hiện trong một khoảng thời gian chiếm phần lớn cuộc sống của chúng ta, nhưng các điều bí ẩn và nhận định sai lầm lại quá nhiều. Để thử xem bạn am hiểu thế nào về giấc ngủ và mộng mi, hãy cố trả lời các câu hỏi sau đây trước khi tìm hiểu xa hơn.

1. Một số người không hề nằm mộng. Đúng hay sai?…

2. Hầu hết các giấc mơ đều do các cảm giác cơ thể gây ra, như dạ dày khó tiêu chẳng hạn. Đúng hay Sai?…

3. Người ta đã chứng minh rằng cần phải ngủ đúng 8 giờ để duy trì sức khỏe tinh thần. Đúng hay sai?…

4. Khi người ta không nhớ lại được các giấc mơ, có lẽ do họ đã âm thầm cố gắng quên chúng đi. Đúng hay Sai?…

5. Tình trạng mất ngủ luôn luôn là nguyên nhân khiến cho người ta bị mất quân bình về mặt tâm trí. Đúng hay Sai?…

6. Nếu giật mình thức giấc vài chặp, phải chăng chúng ta sẽ bị mất ngủ suốt đêm hôm sau hoặc cả đêm sau nữa. Đúng hay Sai?…

7. Không người nào đủ sức cầm cự nổi sau hơn 48 giờ đồng hồ không ngủ. Đúng hay Sai?…

8. Mọi người đều có thể vừa ngủ vừa thở hít cùng một lúc. Đúng hay sai?…

9. Giấc ngủ cho phép bộ óc được nghỉ ngơi bởi vì não bộ ít hoạt động trong giấc ngủ. Đúng hay sai?…

10. Các loại dược phẩm đã tỏ ra là một biện pháp trị liệu lâu dài đối với các rối loạn về giấc ngủ. Đúng hay sai?…

Điểm số. Đây là một loạt câu hỏi dễ đạt được điểm cao, bởi vì mọi câu hỏi đều có lời giải “Sai”. Nhưng đừng quá lo ngại nếu như bạn có giải đáp câu sai nào; bởi vì những câu hỏi này được chọn lựa nhằm biểu trưng cho các điều bí ẩn thông thường nhất liên quan đến giấc ngủ. (các câu hỏi này rút ra từ một bảng câu hỏi điều tra nghiên cứu do Palladino và Carducci soạn thảo năm 1984)

2. Ngủ có cần thiết không?

Nói chung, hiện tượng ngủ dường như cần thiết cho sinh hoạt con người. Mặc dù thật đáng ngạc nhiên rằng sự kiện này chưa được khẳng định vững chắc. Thật hợp lý khi cho rằng cơ thể cần phải có một thời gian “nghỉ ngơi và thư giãn” trong yên tĩnh để tự phục hồi sinh lực. Nhưng một số quan điểm lại cho rằng nói như thế chưa phải là một cách lý giải đầy đủ. Chẳng hạn, hầu hết mọi mười đều nói rằng mỗi đêm họ ngủ từ 8 đến 9 giờ đồng hồ, nhưng số giờ ngủ thực sự của họ khác biệt nhau rất nhiều. Ngoài ra, một số người không cần ngủ nhiều, chỉ cần khoảng 3 giờ là đủ (xem Hình 4 –4).

Hình 4–3: Trong một đêm, người ngủ điển hình trải qua tất cả bốn giai đoạn ngủ và một số thời kỳ ngủ mắt chuyển động nhanh.

Hình 4–4: Mặc dù hầu hết mọi người đều nói rằng họ ngủ từ 8 đến 9 giờ đồng hồ, nhưng thời lượng ngủ của họ rất khác biệt nhau.

Thời lượng ngủ cần thiết cũng thay đổi theo các giai đoạn trong đời người. Khi đã cao tuổi, thường người ta ngày càng ít cần ngủ đi. Nếu như giấc ngủ đảm nhiệm chức năng phục hồi sinh lực cho cơ thể, thì thật khó hiểu lý do tại sao người già lại ít cần ngủ hơn người trẻ tuổi.

Ngoài ra, những người tham dự các cuộc thí nghiệm tìm hiểu tình trạng mất ngủ, do đó họ bị buộc phải thức một thời gian kéo dài đến 200 giờ, đã cho thấy họ không bị các hậu quả lâu dài. Quả tình họ có bị mệt mỏi, kém tập trung, khả năng sáng tạo bi giảm đi, dễ bị kích động hơn, và có khuynh hướng tăng mức run tay trong thời gian bị buộc phải thức. Nhưng sau khi được ngủ lại như bình thường họ đã nhanh chóng phục hồi trở lại và đủ sức thực hiện một việc giống như giai đoạn tiền thí nghiệm chỉ trong vòng vài ngày mà thôi.

Như vậy, nếu như bạn lo sợ thời gian mất ngủ do học tập, làm việc, hoặc có lẽ do tiệc tùng sẽ tàn phá sức khỏe của bạn, thì bạn nên phấn khởi lên, bởi vì trong chừng mực nào đó bạn sẽ không gánh chịu hậu quả lâu dài nào do tình trạng mất ngủ ấy. Dù vậy, tình trạng thiếu ngủ có thể khiến bạn cảm thấy dễ bị kích động, làm chậm khả năng phản ứng, và thậm chí làm giảm khả năng học tập của bạn. Cho nên một đêm ngủ ngon giấc vốn là một mục tiêu hợp lý.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.