Tâm lý học căn bản

Chương 6 – Phần 3



C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Trong hầu hết các trường hợp, kỹ thuật gợi trí nhớ (priming) dường như tác động không cần đến sự nhận biết có chủ ý. Các nhà quảng cáo cũng như những người khác có thể lợi dụng kỹ thuật này như thế nào để khuyến mãi cho các mặt sản phẩm của họ? Việc làm này liên hệ đến những nguyên tắc đạo đức nào?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

II. GỢI LẠI KÝ ỨC LÂU DÀI

Một giờ sau khi tham dự cuộc phỏng vấn xin việc làm, Rich đang ngồi trong một quán cà phê khoa trương với cô bạn Laura về sự thành công nắm chắc trong tay thì người phụ nữ đã phỏng vấn anh bước vào. Bà nói: “A, chào Rich. Anh khỏe chứ?” Cố gắng tạo ấn tượng tốt đẹp, Rích định giới thiệu Laura với bà, nhưng lại chợt nhận ra anh không nhớ người phụ nữ phỏng vấn anh tên là gì. Ấp a ấp úng, anh cuống cuồng lùng sục tên bà ta trong ký ức nhưng không tài nào nhớ ra được. Anh tự nhủ: “Mình biết tên bà ấy mà, nhưng giờ đây mình trông thật giống anh ngố. Đành phải giã biệt chỗ làm này thôi.”

Phải chăng bạn đã từng cố gắng nhớ lại tên của một người nào đó vì hoàn toàn biết chắc rằng bạn biết tên ấy, nhưng lại vô phương nhớ được dù cố gắng đến mấy chăng nữa? Sự việc không phải là không thường xảy ra này – được gọi là hiện tượng không nhớ lại được (tip–of–the–tongue phenomenon) – là thí dụ cho những trường hợp khó truy xuất các thông tin lưu giữ trong ký ức lâu dài.

Một lý do khiến cho việc nhớ lại gặp trở ngại chính là số lượng thông tin lưu trữ trong ký ức lâu dài. Mặc dù vấn đề này còn lâu mới ngã ngũ, nhưng nhiều nhà tâm lý cho rằng các thông tin lưu trữ vào ký ức này có tính tương đồi lâu bền. Nếu như quan điểm này chính xác thì dung lượng của ký ức lâu dài quả thực to lớn, bởi vì nó chứa đựng rất nhiều kinh nghiệm từng trải cũng như học tập của con người. Thí dụ, nếu giống như bất kỳ một sinh viên bình thường nào thì kho từ vựng của bạn chứa đựng khoảng 50.000 từ ngữ, bạn am hiểu hàng trăm “cơ sở lập luận” toán học, và bạn có thể nhớ lại được các hình ảnh – như hình dáng ngôi nhà bạn đã ở hồi thơ ấu – mà không gặp khó khăn gì cả. Trên thực tế, chỉ riêng công việc phân loại toàn bộ các điều ghi nhớ của bạn có lẽ cũng phải mất đến nhiều năm mới làm xong.

Làm cách nào chúng ta sàng lọc trong số lượng thông tin khổng lồ này để truy xuất được một thông tin nhất định vào thời điểm thích hợp? Một trong số các phương pháp chủ yếu là sử dụng các gợi ý để nhớ lại. Gợi ý để nhớ lại là một kích thích giúp chúng ta dễ dàng nhớ lại hơn các thông tin lưu trữ trong ký ức lâu dài. Kích thích ấy có thể là một từ ngữ, một cảm xúc, một âm thanh chẳng hạn; cho dù gợi ý ấy là gì đi nữa thì sự hiện diện của nó cũng khiến cho ký ức sẽ đột nhiên xuất hiện lại trong tâm trí. Thí dụ, mùi thơm thịt gà tây đút lò có thể gợi lên những kỷ niệm về ngày lễ Tạ ơn hay những buổi họp mặt gia đình.

Các gợi ý để nhớ lại giúp chúng ta tìm kiếm thông tin lưu trữ trong ký ức lâu dài rất giống trường hợp các thẻ tên sách trong thư viện. Các gợi ý này đặc biệt quan trọng khi nhớ lại thông tin, nhưng ngược lại đối với trường hợp được yêu cầu nhận diện thông tin lưu trữ trong ký ức. Trong trường hợp nhớ lại, người ta phải truy xuất một mẫu thông tin đặc biệt – như các thông tin cần thiết để điền vào các chỗ trống hay để viết một bài luận trong kỳ thi chẳng hạn. Ngược lại, hiện tượng nhận diện (recognition) xảy ra khi người ta tiếp nhận một kích thích và được yêu cầu trả lời liệu trước đây họ đã từng gặp chưa, hoặc được yêu cầu nhận diện ra nó trong một loạt gồm nhiều kích thích khác nhau.

Như bạn có thể đoán được, hiện tượng nhận diện thường dễ dàng hơn nhiều so với hành vi nhớ lại. Nhớ lại hay hồi ức khó khăn hơn bởi vì nó bao gồm một loạt tiến trình: lùng sục trong ký ức, truy xuất thông tin có khả năng phù hợp, và sau đó quyết định xem liệu thông tin đã tìm được ấy có chính xác không. Nếu chính xác, cuộc truy tìm sẽ kết thúc; nếu không thì cuộc tìm kiếm ắt sẽ phải tiếp tục. Ngược lại, hành vi nhận diện (recognition) đơn giản hơn bởi vì nó gồm ít bước hơn.

1. Kỷ niệm khó quên

Bạn ở đâu khi nghe được tin phi thuyền con thoi Chalienger phát nổ?

Có lẽ bạn ít gặp khó khăn khi nhớ lại địa điểm chính xác và nhiều chi tiết linh tinh khác về các sự việc đã xảy ra khi bạn nghe được tin tức ấy cho dù tai nạn ấy đã xảy ra trước đây nhiều năm. Lý do là một hiện tượng được gọi là kỷ niệm khó quên. Kỷ niệm khó quên gồm các điều ghi nhớ tập trung quanh một biến cố quan trọng hoặc kỳ lạ đặc biệt, có tính sinh động đến mức giống như một bức ảnh chụp ghi lại biến cố ấy.

Một vài kỷ niệm khó quên thường xảy ra trong cuộc đời của các sinh viên. Thí dụ, can dự vào một tai nạn ô tô, lần đầu gặp gỡ người bạn cùng phòng ký túc xá, và đêm lễ nhận bằng tốt nghiệp trung học chẳng hạn đều là các kỷ niệm khó quên điển hình (xem hình 6 –7).

Hình 6–7: Hầu hết các kỷ niệm khó quên thông thường nhất ở một mẫu phỏng vấn gồm đối tượng là các sinh viên đại học

Can dự hoặc chứng kiến một tai nạn ô tô

Lần đầu gặp gỡ người bạn cùng phòng ký túc xá

Đêm lễ phát bằng tốt nghiệp trung học

Đêm khiêu vũ cuối năm lớp 12

Lần đầu biết yêu

Nói chuyện trước công chúng

Nhận được thư báo trúng tuyển vào trường đại học

Buổi hò hẹn đầu tiên với người yêu

Tổng thống Reagan bị ám sát hụt

Đêm ông Nixon đọc diễn văn từ chức

Đáp chuyến phi cơ đầu tiên

Giây phút nhận kết quả trắc nghiệm SAT

Dĩ nhiên, các kỷ niệm khó quên không chứa đựng đầy đủ mọi chi tiết trong bối cảnh thuộc biến cố góc. Thí dụ, tôt còn nhớ rõ ràng khoảng ba chục năm trước đây lúc đang ngồi học giờ địa lý của thầy Sharp thì nghe tin tổng thống Kennedy bị ám sát. Dù có nhớ lại lúc ấy tôi đang ở đâu và các bạn cùng lớp đã phản ứng ra sao đối với tin buồn ấy, nhưng tôi không tài nào nhớ được hôm ấy tôi mặc quần áo màu gì hoặc bữa cơm trưa hôm ấy tôi đã ăn món gì. Như vậy, kỷ niệm khó quên vừa không đầy đủ vừa không phải là không bao giờ sai sót, và bản chất chủ yếu của nó khác biệt đến mức nào so với các ký ức bình thường khác vốn còn là một nghi vấn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Dù vậy, các kỷ niệm khó quên vốn là một hiện tượng kỳ lạ do các chi tiết mà chúng chứa đựng. Một phân tích về các hồi ức của nhiều người đối với vụ ám sát tổng thống Kennedy cho thấy kỷ niệm riêng tư của họ có nhiều điểm giống nhau. Hầu hết đều là lúc nghe tin họ đang ở đâu, ai báo tin cho họ, sự việc nào bị ngưng lại khi họ nghe tin ấy, xúc động của người báo tin, xúc động của bản thân họ, và một số chi tiết cá nhân về biến cố ấy (như nhìn thấy một con chim cổ đỏ bay qua khi nghe được tin buồn ấy).

Ngược lại, chúng ta không thể khẳng đinh rằng mọi chi tiết nhớ lại trong kỷ niệm khó quên đều chính xác cả. Thí dụ, một ngày sau khi tai nạn nổ phi thuyền con thoi Challenger xảy ra, các nhà tâm lý Nicole Harsh và Ulric Nelsser phỏng vấn một nhóm sinh viên về tình huống tiếp nhận tin tức về tai nạn ấy. Rồi ba năm sau đó khi phỏng vấn lại chính nhóm sinh viên ấy về các câu hỏi tương tự, thì hầu hết đều trả lời được ngay và những câu trả lời đều hợp lý. Nhưng rắc rối là trong khoảng 1/3 các trường hợp câu trả lời hoàn toàn sai lạc so với câu trả lời cũ trước đó 3 năm.

Các kỷ niệm khó quên minh chứng một hiện tượng khá tổng quát về ký ức là: kỷ niệm nào càng độc đáo thì càng dễ nhớ lại hơn so với các kỷ niệm liên hệ đến các biến cố bình thường. Thí dụ, chúng ta dễ dàng nhớ lại một con số đặc biệt nào đó xuất hiện trong một nhóm gồm 20 từ ngữ hơn so với trường hợp con số đó xuất hiện trong một loạt gồm 20 con số khác. Như vậy, kích thích càng độc đáo chừng nào thì sau này chúng ta càng dễ nhớ lại hơn. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Von Restorff theo tên của người khám phá ra nó.

Hiệu ứng von Restorff tác dụng trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta ghi nhớ các biến cố kỳ lạ dễ dàng hơn so với các sự việc tầm thường ngày nào cũng diễn ra choáng hầu hết thời gian trong cuộc sống của chúng ta. Thí dụ, trong một khảo cứu một nhóm sinh viên được trang bị máy phát ra tiếng bíp bíp vào những lúc ngẫu nhiên khi họ viết ra giấy những sự việc họ đang làm. Khi đối chiếu trí nhớ với các sự việc đã ghi ra giấy, rõ ràng đa số bọn họ không tài nào nhớ lại nhiều việc đã từng làm vào những lúc ấy. Nhưng, các biến cố lạ thường và đặc biệt, như buổi hẹn hò đầu tiên chẳng hạn, lại được ghi nhớ khá rõ ràng.

2. Các tiến trình xây dựng trong ký ức: Tái lập quá khứ

Mặc dù rõ ràng chúng ta có thể nhớ lại các chi tiết thuộc các biến cố quan trọng và độc đáo, nhưng khó mà đánh giá được mức chính xác của các hồi ức đó. Trên thực tế hiển nhiên ký ức của chúng ta ít ra phản ảnh phần nào các tiến trình xây dựng (Constructive processes), là các tiến trình trong đó các điều ghi nhớ bị ảnh hưởng bởi ý nghĩa mà chúng ta gán cho các biến cố ghi nhớ. Như vậy, khi chúng ta nhớ lại thì hồi ức phát sinh đã bị ảnh hưởng không chỉ bởi kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta với kích thích ban đầu, mà còn bởi các phỏng đoán và suy luận chủ quan về ý nghĩa của biến cố ấy nữa.

Quan điểm cho rằng ký ức căn cứ vào các tiến trình xây dựng được đề xướng đầu tiên bởi một nhà tâm lý người Anh là Sir Frederic Bartlett. Ông này cho rằng người ta thường ghi nhớ các thông tin theo dạng lược đồ (schemas), là các chủ đề chứa đựng tương đối ít chi tiết cụ thể. Ông lập luận rằng các lược đồ ấy căn cứ vào các thông tin được cống hiến không chỉ bởi các kích thích đơn thuần mà còn bởi sự tìm hiểu của chúng ta về tình huống xảy ra biến cố, bởi các kỳ vọng của chúng ta đối với tình huống ấy, và bởi sự hiểu biết của chúng ta về động cơ gây ra hành vi cư xử của những người trong cuộc nữa.

Trong một thí nghiệm chứng minh tác dụng của các lược đồ này, các nhà khảo cứu đã sử dụng một tiến trình gọi là hiện tượng tái tạo theo chuỗi (serial reproduction), trong đó các thông tin từ ký ức được chuyển đi liên tiếp từ người này sang người khác. Để thí dụ về hiện tượng tái tạo theo chuỗi này, hãy nhìn qua một bức hí họa ở Hình 6–8 dưới đây, rồi cố gắng miêu tả lại cho một người khác mà không cần phải nhìn lại bức tranh ấy. Sau đó, yêu cầu người ấy miêu tả lại cho một người khác, rồi lặp lại tiến trình này với một người khác nữa.

Nếu bạn nghe lời miêu tả của người cuối cùng về nội dung của bức tranh, chắc chắn bạn sẽ thấy rằng miêu tả ấy về nhiều khía cạnh quan trọng khác biệt hẳn với chính bức tranh. Nhiều người nhớ lại bức tranh cho rằng lưỡi dao cạo nằm trong tay một người Mỹ gốc Phi Châu – hiển nhiên là nhớ sai, bởi vì tranh vẽ một người da trắng cầm dao.

Thí dụ này được rút ra từ một thí nghiệm kinh điển nhằm minh chứng vai trò của kỳ vọng trong hiện tượng ghi nhớ. Sự chuyển dịch lưỡi dao cạo từ tay người da trắng sang tay của người Mỹ da đen trong ký ức hiển nhiên biểu thị kỳ vọng của chúng ta về thế giới chung quanh – trong trường hợp này nó phản ánh một thành kiến không lấy gì làm xác đáng là người Mỹ gốc Phi thì có khuynh hướng hung bạo hơn người da trắng, nên dễ bị gán cho hình ảnh cầm dao hơn – đã tác động vào cách hồi tưởng của chúng ta về các biến cố đã xảy ra.

Bartlett cho sáng các lược đồ đã tác động đến sự nhớ lại vào lúc truy xuất thông tin và rằng các thông tin ban đầu được ghi nhớ chính xác. Thế nhưng, các công trình khảo cứu sau này đã chứng minh rằng các kỳ vọng cũng như các kiến thức tiên nghiệm (prior knowledge) của chúng ta đã tác động vào cách thức ghi nhớ thông tin ngay từ lúc đầu ghi nhận vào ký ức. Thí dụ, hãy đọc và cố gắng ghi nhớ đoạn văn sau này:

Phương thức thực ra khá đơn giản. Trước hết, bạn sắp xếp đồ đạc hình nhiều nhóm khác nhau. Dĩ nhiên, một đống có lẽ cũng được tùy theo khối lượng phải thực hiện. Nếu bạn phải đi đến một nơi nào khác vì thiếu phương tiện làm việc, thì đó là bước thứ nhì; nếu không, bạn thật khá ổn rồi đấy. Điều quan trọng là không nên làm quá nhiều. Nghĩa là, làm ít việc mỗi lúc sẽ hoàn hảo hơn làm quá nhiều. Trong ngắn hạn, tình trạng này dường như không có gì quan trọng, nhưng lại dễ phát sinh các phức tạp. Sai lầm cũng rất dễ xảy ra. Thoạt đầu, toàn bộ thủ tục dường như phức tạp. Nhưng chẳng bao lâu nó sẽ trở thành một khía cạnh khác của cuộc sống. Khó mà lường trước được bất kỳ một kết cục nào cho sự cần thiết phải làm việc này trong một tương lai tức thời, nhưng sau đó người ta cũng không bao giờ có thể nói được. Sau khi hoàn tất thủ tục này, người ta sẽ sắp xếp các vật dụng thành nhiều nhóm khác nhau lần nữa. Khi ấy người ta có thể đặt chúng đúng vào chỗ thích hợp. Sau cùng, chúng sẽ được sử dụng thêm lần nữa và toàn bộ chu kỳ khi ấy sẽ phải được lặp lại. Tuy nhiên, đây là một phần của cuộc sống.

Tóm lại, rõ ràng cách nhận định của chúng ta về động cơ tâm lý nấp sau hành vi của một người nào đó, cũng như các kỳ vọng và kiến thức tiên nghiệm về ngoại giới, đã ảnh hưởng đến mức độ tin cậy của ký ức chúng ta. Như được thảo luận trong đoạn Ứng Dụng Tâm Lý Học dưới đây, các khía cạnh bất toàn trong hồi ức của chúng ta có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Hình 6–8: Một người xem bức thí họa này rồi kể lại theo trí nhớ cho một người thứ hai, và người này nghe xong lại kể cho người thứ ba, và cứ thế – theo một tiến trình gọi là hiện tượng tái tạo theo chuỗi – thì người cuối cùng sẽ kể lại nội dung bức tranh khác hẳn với bức tranh gốc về nhiều khía cạnh quan trọng (theo Allport và Postman, 1958)

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC

VẤN ĐỀ KÝ ỨC TRONG CÁC PHIÊN TÒA: SỰ SAI LẦM CỦA NHÂN CHỨNG

Đối với William Jackson, ký ức không chính xác về hai con người đã khiến cho anh phải đánh mất 5 năm trời trong cuộc sống. Jackson là nạn nhân của sự xác định tội trạng sai lầm trong thủ tục tố tụng hình sự. Hai nhân chứng đã quả quyết định là thủ phạm trong một vụ án hình sự. Dựa vào cơ sở đó, người ta đã kết án anh phải chịu hình phạt từ 14 đến 50 năm tù.

Năm năm sau đó khi người ta tìm ra được thủ phạm thực sự, Jackson mới được phóng thích. Dù vậy, đối với Jackson việc làm ấy đã quá trễ. Anh cay đắng tâm sự: “Họ đã lấy đi một quãng đời của tôi, tước đoạt những năm tháng thanh xuân của tôi. Tôi đã trải qua 5 năm trời chìm đắm trong thất vọng khổ đau, thế mà họ chỉ biết nói: “Chúng tôi rất tiếc”.”

Bất hạnh thay, Jackson không phải là nạn nhân duy nhất nhận được lời xin lỗi vô nghĩa như thế. Nhiều trường hợp nhận diện sai lầm thủ phạm đã xảy ra. Các cuộc nghiên cứu về thủ tục nhận diện kẻ tình nghi của các nhân chứng, cũng như về khả năng ghi nhớ các chi tiết khác trong các vụ án hình sự, đã chứng minh rằng các nhân chứng thường dễ phạm sai lầm nghiêm trọng khi họ cố nhớ lại các chi tiết vụ phạm pháp.

Nguyên nhân gây ra sai lầm ấy là ảnh hưởng của các loại vũ khí được sử dụng để gây án. Khi thủ phạm dùng súng hoặc dao uy hiếp nạn nhân, thì loại vũ khí ấy tác động giống như một thỏi nam châm thu hút toàn bộ nhận thức của các nhân chứng. Do đó, những chi tiết khác trong vụ án ít được chú ý đến, nên các nhân chứng khó lòng nhớ lại được diều gì đã thực sự diễn ra.

Ngay cả trong trường hợp không có vũ khí, các nhân chứng tại hiện trường phạm pháp cũng dễ mắc phải sai lầm trong việc ghi nhớ. Thí dụ, các khán giả xem một đoạn phim 20 giây về một vụ mưu sát được phát trên đài truyền hình thành phố New York sau này có dịp nhận diện hung thủ trong số sáu kẻ bị tình nghi. Trong số khoảng 2000 khán giả gọi điện đến đài truyền hình, chỉ có 15% có thể nhận diện đúng tên hung thủ – một con số tương tự với mức phỏng đoán ngẫu nhiên.

Những khảo cứu khác cho thấy nhân chứng có thể phạm rất nhiều sai lầm khác nhau. Thí dụ một thí nghiệm khám phá rằng các nhân chứng tại hiện trường các vụ án ước lượng chiều cao của thủ phạm cách biệt nhau đến khoảng 6dm và chênh lệch trung bình so với chiều cao đích thực là khoảng 2dm. Ước lượng của họ về tuổi tác của thủ phạm chênh lạch trung bình khoảng 8 tuổi, khoảng 83% nhân chứng nhớ sai màu tóc thủ phạm, và khoảng 1/4 số nhân chứng đã quên mất hơn phân nửa số chi tiết đã thực sự chứng kiến.

Ngay đến cách đặt câu hỏi để nhân chứng trả lời cũng ảnh hưởng đến ký ức của họ, như được minh chứng trong nhiều thí nghiệm. Thí dụ, trong một thí nghiệm các đối tượng được xem một đoạn phim 2 chiếc ôtô đụng nhau. Sau đó, một số đối tượng được yêu cầu trả lời câu hỏi: “Hai chiếc ôtô ấy đang chạy với vận tốc bao nhiêu khi chúng đâm sầm vào nhau?”. Các đối tượng này đã ước tính tốc độ của hai xe trung bình khoảng 40,8 dặm/giờ. Ngược lại, một nhóm đối tượng khác được yêu cầu trả lời câu hỏi: “Hai chiếc ôtô ấy đang chạy với tốc độ bao nhiêu khi chúng đụng nhau?”. Ước tính tốc độ trung bình của họ chỉ vào khoảng 31,8 dặm/giờ.

Vấn đề mức tin cậy của trí nhớ lại càng nghiêm trọng hơn trong trường hợp nhân chứng là trẻ em. Trong những năm qua người ta chứng kiến nhiều phiên tòa xử các vụ lạm dụng tình dục đối với thiếu nhi. Thí dụ, trong một phiên tòa nổi tiếng xử những người chủ trường mẫu giáo ở thị trấn Manhattan Beach thuộc tiếu bang California, các đứa trẻ được yêu cầu nhớ lại xem chúng có bi lạm dụng tình dục trước đó khoảng gần 10 năm không. Các chủ trường đã được phán quyết vô tội, phần lớn vì ký ức rất mù mờ và mâu thuẫn của những đứa trẻ ấy.

Ký ức của thiếu nhi dường như rất đáng nghi ngờ. Hầu hết các cuộc khảo cứu về vấn đề này đều cho thấy ký ức của thiếu nhi rất dễ bị ám thị. Thí dụ, trong 1 thí nghiệm người ta cho các bé gái từ 5 đến 7 tuổi vừa mới được khám sức khỏe định kỳ xem một hình nhân trợ huấn cụ môn cơ thể con người. Người ta chỉ bộ phận sinh dục và hỏi các bé gái ấy: “Bác sĩ có khám chỗ này của các em không?”. Ba bé gái không được khám âm hộ hay hậu môn đã nói “Có”. Và thậm chí một trong ba em còn nêu ra một chi tiết nữa: “Bác sĩ khám bằng một chiếc que.”

Tóm lại, trí nhớ của các nhân chứng khó mà khẳng định là chính xác, và điều này đặc biệt đúng trong trường hợp thiếu nhi. Ngoài ra, không chỉ vấn đề ký ức của nhân chứng trong thủ tục tố tụng hình sự mà cả đến ký ức của bồi thẩm đoàn cũng ảnh hưởng đến vấn đề xét xử công bằng. Trong các vụ án phức tạp, các thành viên trong bồi thẩm đoàn phải sàng lọc một khối lượng rất nhiều thông tin chi tiết, lại thường chỉ sử dụng trí nhớ của họ về các chi tiết đã được xuất trình trước phiên tòa.

Vấn đề còn rắc rối hơn nữa là đôi khi bồi thẩm đoàn còn bị lèo lái để quên đi các thông tin mà họ đã thụ lý trong các phiên tòa, khi vi chánh án yêu cầu họ bỏ qua các chi tiết bị cho là không hợp pháp trong các phiên họp luận tội. Như bạn có thể đoán được, các vị bồi thẩm đoàn hầu như khó bỏ qua được các chi tiết mà chánh án đã yêu cầu họ quên đi, nhất là khi họ cho rằng các chi tiết ấy là quan trọng hay phù hợp với cách luận tội của họ.

3. Ký ức tự truyện: khi quá khứ trùng phùng hiện tại

Ký ức về quá khứ riêng tư của bạn có thể hoàn toàn hư cấu – hoặc ít ra là hình ảnh bị bóp méo về các sự việc thực sự đã xảy ra. Chính các tiến trình xây dựng tác động khiến cho chúng ta nhớ không chính xác hành vi của người khác, làm giảm mức chính xác của ký ức tự truyện. Ký ức tự truyện (autobiographlcal memory) ám chỉ những hồi tưởng về các sự việc đã xảy ra trong cuộc sống riêng tư của chung ta.

Chẳng hạn, người ta thường hay quên đi những sự việc xảy ra trong quá khứ không phù hợp với lối suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của họ. Một khảo cứu cho thấy những người bị tổn thương tình cảm hồi thời thơ ấu mà nay đã hồi phục thường hay quên đi các biến cố tuy quan trọng nhưng lại khó chịu đã xảy ra trong quá khứ. Thí dụ, họ quên đi những chi tiết như gia đình họ sống nhờ trợ cấp phúc lợi xã hội khi họ còn bé, làm con nuôi của người khác, và phải sống trong một gia đình có những người phạm tội chẳng hạn. Tương tự, những người bi quan yếm thế thường hay nhớ lại những sự việc đau buồn trong quá khứ, còn người lạc quan lại thường nhớ đến các kỷ niệm hạnh phúc hơn so với kẻ bị quan.

Không phải chỉ một vài loại kỷ niệm mới bị bóp méo đi, mà một vài đoạn đời nào đó cũng dễ được hồi tưởng hơn những quãng khác trong cuộc đời. Ngoài ra, người ta cũng hay nhớ lại những sự kiện quan trọng chung giữa mọi người trong những thời kỳ được ghi nhớ nhiều nhất. Như bạn thấy ở Hình 6–4, các cụ già ở độ tuổi thất thập có khuynh hướng hay nhớ lại nhiều nhất các biến cố xảy ra hồi thời họ lên 20 hay 30 tuổi, còn những người ở độ tuổi ngũ thập thường hay nhớ lại các kỷ niệm thời niên thiếu và độ tuổi 20 của họ nhiều nhất. Trong cả hai trường hợp, họ thường nhớ lại những kỷ niệm đau khổ trong những thập niên vừa qua nhiều hơn so với những năm về trước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.