Tâm lý học căn bản

Chương 13 – Phần 2



a. Các liệu pháp theo quan điểm tạo điều kiện hạn chế.

Giả sử bạn cắn một thỏi kẹo hằng ưa thích rồi mới biết rằng nó đã bị lũ kiến đục khoét và bạn đã lỡ nuốt một số kiến vào bụng. Lập tức bạn cảm thấy dạ dày khó chịu rồi nôn thốc ra. Còn phản ứng lâu dài của bạn ra sao? Bạn sẽ không bao giờ thích ăn thứ kẹo ấy nữa, thực tế đến nhiều tháng sau bạn mới ăn được thứ kẹo ấy.

Thí dụ đơn giản này ám chỉ cách thức vận dụng tiến trình tạo điều kiện hạn chế để cải sửa hành vi ứng xử. Hãy nhớ lại thảo luận của chúng ta ở chương 5, khi một kích thích tự nhiên khêu gợi một phản ứng bực mình (như một thức ăn hoặc một luồng hơi thổi vào mặt có mùi vị khó chịu chẳng hạn) cặp đôi xảy ra với một kích thích trung tính trước đó (như tiếng chuông reo chẳng hạn), và sau nhiều lần diễn ra sự kiện này thì bản thân kích thích trung tính ấy cũng gây ra phản ứng bực mình tương tự. Vận dụng tiến trình do lvan Pavlov khám phá đầu tiên này, chúng ta có thể tạo ra các phản ứng khó chịu đối với các kích thích người bệnh từng ưa thích trước đây có lẽ ưa thích quá đáng. Kỹ thuật này, gọi là tạo điều kiện ác cảm (aversive conditioning), đã được sử dụng để chữa trị các trường hợp nghiện rượu, nghiện thuốc lá, và lạm dụng thuốc.

Biện pháp căn bản trong kỹ thuật tạo điều kiện ác cảm khá trực tiếp. Thí dụ, một cá nhân nghiện rượu có thể được cho uống rượu chung với một lại thuốc gây nôn mửa dữ dội. Sau vài lần ghép đôi như thế, chỉ nhìn thấy rượu là người ấy liên tưởng đến tình trạng nôn mửa và rượu sẽ không còn lôi cuốn anh ta nữa. Trên thực tế, mùi rượu phảng phất cũng khiến người ta nảy sinh phản ứng ác cảm rồi.

* Liệu pháp gây ác cảm (aversion therapy): một dạng trong liệu pháp cư xử (behavioral therapy) dùng làm giảm đi các lối cư xử không mong muốn, như lệch lạc tình dục hay nghiện thuốc. Thường dùng kỹ thuật tạo điều kiện bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần cặp đôi kích thích khó chịu với loại kích thích liên hệ đến lối cư xử không mong muốn. Thí dụ ghép đôi mùi rượu bia với cú giật điện trong điều trị chứng nghiện rượu (theo Từ điển Y học).

Mặc dù liệu pháp gây ác cảm khá hiệu nghiệm trong việc chữa trị các trường hợp lạm dụng các loại hóa chất như chứng nghiện rượu và một vài loại lệch lạc tình dục, nhưng công hiệu lâu dài của nó vẫn còn là điều nghi ngờ. Hơn nữa, các kỹ thuật gây ác cảm vấp phải một số nhược điểm quan trọng về mặt đạo đức, bởi vì chúng sử dụng các loại kích thích mạnh mẽ như giật điện chẳng hạn – là biện pháp chỉ nên dùng trong các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng mà thôi (thí dụ, trường hợp tự gây tổn thương cho bản thân) – tốt hơn nên dùng thuốc chỉ gây khó chịu ở dạ dày là đủ. Dù vậy, hiển nhiên liệu pháp gây ác cảm là một biện pháp quan trọng đối với việc loại trừ các phản ứng thích nghi lệch lạc trong một thời gian nhất định – dù chỉ tạm thời nó cống hiến cơ hội khuyến khích các cung cách cư xử thích nghi hơn.

Biện pháp chữa trị thành công nhất căn cứ vào tiến trình tạo điều kiện hạn chế là kỹ thuật giảm cảm thụ dần dần. Theo kỹ thuật giữa cảm thụ dần dần* (systematic desensitization), bệnh nhân được chỉ dẫn cách thư giãn rồi sau đó được cho tiếp xúc dần dần với kích thích gây lo sợ nhằm mục đích loại trừ phản ứng lo sợ.

** Giảm cảm thụ dần dần (systematic desensitization) Một kỹ thuật trong liệu pháp cư xử dùng để chữa trị các trường hợp ám ảnh sợ hãi (phobias). Bệnh nhân được cho tiếp xúc dần dần với vật gây sợ hãi trước tiên trong tưởng tượng và sau đó trong thực tế. Cùng lúc đó, bệnh nhân được hướng dẫn tập thư giãn (liệu pháp thư giãn) để ức chế sự phát triển tình trạng lo âu. Bằng cách này, bệnh nhân sẽ có thể ứng phó với việc tiếp cận ngày càng gần hơn với vật hay tình huống gây sợ hãi.

Liệu pháp thư giãn (relaxation therapy): Điều trị bằng cách chỉ dẫn cho bệnh nhân biết cách giảm lo âu nhờ giảm trương lực của các bắp thịt. Tình trạng này có thể giúp cho người ta đối phó được các tình huống gây stress hoặc là một bộ phận trong kỹ thuật giảm cảm thụ áp dụng cho các ám ảnh sợ hãi (phobias) (theo Từ điển Y học).

Thí dụ, giả sự bạn cực kỳ sợ hãi khi phải đi phi cơ. Chỉ nghĩ đến tình trạng đang ở trên phi cơ cũng đã khiến cho bạn toát mồ hôi và run người lên, nên bạn không hề dám bén mảng đến phi trường để biết bạn sẽ phản ứng ra sao nếu bạn thực sự phải đáp phi cơ đi đâu đó. Vận dụng kỹ thuật giảm cảm thụ dần dần để chữa trị trường hợp khó khăn của bạn. Trước tiên, bạn sẽ được thầy thuốc theo quan điểm tác phong huấn luyện kỹ thuật thư giãn bắp thịt (xem Bảng 13–2), giúp bạn luyện tập cách thư giãn toàn thân – một trạng thái sảng khoái cực kỳ, như bạn có thể tưởng tượng ra được. Bước kế tiếp sẽ cần đến việc thiết lập một hệ cấp các mức độ sợ hãi (a hierarchy of fears) – một bảng liệt kê, theo thứ tự mức độ nghiêm trọng tăng dần, về các sự kiện liên hệ đến tình trạng sợ hãi của bạn. Thí dụ, bảng hệ cấp các mức độ sợ hãi của bạn có thể là:

– Nhìn thấy phi cơ bay ngang qua đâu.

– Đi đến phi trường.

– Mua một vé máy bay.

– Bước lên phi cơ.

– Nhìn cửa phi cơ khép lại.

– Phi cơ chạy xuống đường băng.

– Cất cánh.

– Đang ở trên không trung.

Một khi đã lập được bảng hệ cấp này và bạn đã học được kỹ thuật thư giãn rồi, hai loạt phản ứng sẽ được kết hợp với nhau. Để thực hiện việc này, thầy thuốc của bạn có thể yêu cầu bạn đặt mình vào trạng thái thư giãn rồi tưởng tượng bản thân bạn đang ở trong tình huống đầu tiên đã thiết lập trong bảng hệ cấp. Sau khi cơ thể vượt qua được bước thứ nhất mà vẫn giữ được trạng thái thư giãn, bạn sẽ chuyển sang tình huống kế tiếp, cuối cùng sau khi vượt qua các mức độ cho đến khi bạn hình dung được mình đang ở trên không trung mà vẫn không cảm thấy lo âu gì nữa. Trong một số trường hợp, tất cả các giai đoạn này sẽ thực hiện trong phòng mạch của nhà tâm lý; còn trong các trường hợp khác, người bệnh được đặt vào tình huống gây sợ hãi thực tế. Cho nên, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu sau cùng bạn được đưa lên một chiếc phi cơ để thực tập kỹ thuật thư giãn.

Kỹ thuật giảm cảm thụ dần dần đã tỏ ra là một biện pháp chữa trị hiệu nghiệm đối với một số rối loạn, bao gồm các ám ảnh sợ hãi, rối loạn dạng lo âu, và thậm chí đến tình trạng bất lực (impotence) cũng như sợ hãi giao hợp tình dục. Như bạn biết, chúng ta có thể tập ưa thích những sự vật mà ngày xưa chúng ta từng sợ hãi.

BẢNG 13–2

HỌC CÁCH THƯ GIÃN

Để có một khái niệm về cách huấn luyện người bệnh thư giãn của các thầy thuốc theo trường phái tác phong, hãy thử qua biện pháp do Herbert Benson (1975) đề nghị dưới đây:

1. Ngồi yên lặng trong một tư thế thoải mái.

2. Nhắm mắt lại.

3. Buông lỏng hoàn toàn mọi bắp thịt, khởi đầu từ bàn chân tiến dần lên đến mặt – giữ cho toàn thân thư giãn.

4. Hô hấp bằng mũi, Kiểm soát hơi thở, Khi thở ra, đếm nhẩm “một”. Thí dụ, hít vào thở ra, đếm “một”; hít vào… thở ra, đếm “hai”; và cứ thế. Hô hấp nhẹ nhàng và tự nhiên.

5. Tiếp tục trạng thái này kéo dài từ 10 đến 20 phút. Bạn có thề mở mắt để xem giờ, nhất thiết không được dùng đồng hồ báo giờ. Khi kết thúc buổi tập, hãy ngồi yên lặng trong vài phút, rồi từ từ mở mắt ra. Không nên đứng bật dậy ngay, một hành động đều nhẹ nhàng thư thả.

6. Không nên thắc mắc nếu bạn đã đạt được mức độ thư giãn thâm sâu hay chưa. Giữ thái độ thụ động và để cho hiện tượng thư giãn tự nó diễn tiến từng bước. Khi nẩy sinh tạp niệm, hãy cố gạt bỏ bằng cách không nấn ná với chúng, và bắt đầu lặp lại trình tự đếm hơi thở từ “một”.

Kiên trì rèn luyện, kết quả sẽ đến không chút miễn cưỡng nào. Thực tập kỹ thuật này một hoặc hai lần mỗi ngày. Không nên thực hiện trong vòng 2 giờ sau buổi ăn. Bởi vì các tiến trình tiêu hóa dường như sẽ gây trở ngại cho hiện tượng thư giãn.

b. Tiến trình học tập theo quan sát vã kĩ thuật mô phỏng.

Nếu như chúng ta phải bị ôtô đụng mới hiểu được tầm quan trọng của hành vi đảo mắt quan sát hai phía trước khi qua đường, thì thế giới này có lẽ đã gánh chịu thảm cảnh dân số sụt giảm nghiêm trọng. May mắn thay, kinh nghiệm này không cần thiết phải trải qua, bởi vì chúng ta học tập được rất nhiều điều thông qua tiến trình học tập thì theo quan sát (Observational learning), nhờ mô phỏng cách cư xử của người khác.

* Kỹ thuật mô phỏng (modeling): Kỹ thuật dùng trong nỗ lực cải sửa hành vi ứng xử, nhờ đó một cá nhân học cách cư xử bằng cách quan sát tác phong cư xử của người khác. Cùng với biện pháp nhắc nhở (prompting), kỹ thuật này có thể hữu ích trong việc giúp cho cá nhân quen dần với cách cư xử mới (theo Từ điển Y học).

Các thầy thuốc theo quan điểm tác phong đã sử dụng kỹ thuật mô phỏng* (modeling) để chỉ dẫn người bệnh quen dần các kỹ năng mới và các biện pháp nhằm đối phó với các cơn sợ hãi và lo âu của họ. Thí dụ, một số người chưa hề học được các kỹ năng tương tác xã hội căn bản như duy trì sự tiếp xúc ánh mắt với các đối tượng đang nói chuyện với họ. Thầy thuốc có thể chỉ dẫn cho người nào còn thiếu sót các năng khiếu ấy cách mô phỏng lối cư xử thích hợp. Trẻ bị ám ảnh sợ chó cũng có thể tiêu trừ cơn sợ hãi nhờ quan sát một đứa trẻ khác – gọi là: “Bạn trẻ ‘Gan lì’” – lặp đi lặp lại nhiều lần động tác tiến đến gần một chú chó, sờ soạng nó, vuốt ve nó, và sau cùng chơi đùa với nó. Như vậy, kỹ thuật mô phỏng có thể đóng vai trò hữu hiệu trong việc giải quyết một vài loại rối loạn cư xử, đặc biệt trong trường hợp mẫu người được mô phỏng lại được nhiều người ngưỡng mộ.

c. Các liệu pháp vận dụng tiến trình tạo điều kiện tác động.

Hãy xét trường hợp chúng ta được điểm A cho bài tiểu luận viết công phu… trường hợp được tăng lương nhờ thành tích công tác khả quan… trường hợp được tri ân vì đã giúp một cụ già đi qua đường. Các phần thưởng dành cho lối cư xử như vậy khiến cho chúng ta sẵn lòng tái diễn các hành vi ấy trong tương lai. Tương tự, các liệu pháp theo quan điểm tác phong vận dụng các kỹ thuật tạo điều kiện tác động (giải thích ảnh hưởng của phần thưởng và trừng phạt đối với cách cư xử trong tương lai đều căn cứ vào khái niệm cho rằng nên khen thưởng hạnh kiểm tốt, và loại trừ hạnh kiểm xấu bằng biện pháp phớt lờ hoặc trừng phạt.

Có lẽ thí dụ tiêu biểu nhất cho ứng dụng hợp lý các nguyên tắc tạo điều kiện tác động là hệ thống thẻ khen thưởng (token system), trong đó cá nhân có hạnh kiểm tốt được khen thưởng bằng một thẻ khen thưởng giống như thẻ đổi tiền trong sòng bạc hay một vật nào đó thay cho tiền. Các lối cư xử được khích lệ có thể xếp loại từ các việc làm đơn giản như giữ cho căn phòng ngăn nắp sạch sẽ cho đến hành vi chuẩn bị y phục chỉnh tề khi tiếp xúc với người khác. Các thẻ khen thưởng nhận được nhờ các lối cư xử mong muốn sau đó có thể đổi ra được một món đồ hay một hoạt động ưa thích của đối tượng, như bánh snack, quần áo mới, hoặc trong các trường hợp cực đoan như được phép ngủ trên giường (ngược lại trường hợp bị phạt ngủ ở sàn nhà) chẳng hạn.

Mặc dù hệ thống thẻ khen thưởng được sử dụng thường xuyên nhất trong các cơ sở y tế đối với những bệnh nhân mắc phải các rối loạn khá nghiêm trọng, nhưng cũng không khác gì so với trường hợp các bậc cha mẹ sử dụng khi họ cho con cái tiền vì chúng tỏ ra hiếu thuận – sau đó chúng có thể dùng tiền để mua món đồ chúng ưa thích. Trên thực tế, kỹ thuật kết ước dự phòng, một biến dạng của hệ thống thẻ khen thưởng đang phổ biến rộng rãi, đã tỏ ra khá hiệu nghiệm trong việc cải sửa hành vi ứng xử. Theo kỹ thuật kết ước/ giao kèo dự phòng (contingency contracting), một tờ giao kèo viết tay được soạn thảo giữa thầy thuốc và người bệnh (hoặc giữa thầy và trò, hoặc giữa cha mẹ và con cái). Tờ giao kèo ấy minh định một loạt mục tiêu về lối cư xử mà người bệnh hy vọng đạt được. Nó cũng nêu rõ kết quả dành cho bệnh nhân nếu như các mục tiêu ấy đạt được – thông thường là một phần thưởng cụ thể nào đó, như tiền bạc hay một đặc ân nào đó chẳng hạn. Các tờ giao kèo thường cũng nêu rõ các hậu quả trừng phạt nếu các mục tiêu ấy không đạt được.

Thí dụ, giả sử một cá nhân gặp khó khăn trong việc cai nghiện thuốc lá. Ông ta và thầy thuốc có thể lập một tờ giao kèo. Trong đó ông ta hứa hẹn rằng nếu mỗi ngày không hút một điếu thuốc nào ông sẽ nhận được một phần thưởng. Ngược lại tờ giao kèo cũng ghi rõ biện pháp trừng phạt nếu ông ta không thực hiện được lời hứa. Vào ngày nào người bệnh ấy có hút thuốc thì vị thầy thuốc sẽ gởi đi một tờ séc – đã được người bệnh viết ổn và giao cho thầy thuốc giữ – cho một cơ quan mà người bệnh không quan tâm ủng hộ (chẳng hạn, cho Hiệp hội Xạ thủ quốc gia nếu như bệnh nhân là người kiên quyết ủng hộ lập trường hạn chế sử dụng súng).

d. Liệu pháp theo quan điểm tác phong thành công đến mức nào?

Liệu pháp tác phong hiệu nghiệm nhất đối với một vài loại rối loạn. Tùy theo loại rối loạn cụ thể, tỷ lệ thành công từ thấp là 50% cho đến cao là 90%. Thí dụ, liệu pháp tác phong khá hiệu nghiệm đối với các chứng ám ảnh sợ hãi và ám ảnh cưỡng bách, đối với việc thiết lập biện pháp khống chế các xung lực không mong muốn, và đối với việc rèn luyện các kỹ năng giao tế xã hội phức tạp để thay thế cho lối ứng xứ lệch lạc. Hơn hẳn bất kỳ kỹ thuật chữa trị nào khác, liệu pháp này đã sáng tạo được nhiều biện pháp đề người không chuyên môn có thể sử dụng được nhằm cải sửa cách cư xử của mình. Ngoài ra, liệu pháp này thường ít tốn thời gian, bởi vì nó nhằm thẳng vào việc giải quyết các rối loạn đã được xác định cụ thể và kỹ lưỡng.

Ngược lại, liệu pháp theo quan điểm hành vi đã bị chỉ trích bởi vì nó nhấn mạnh đến lối cư xử bề ngoài, và do đó nó đánh giá thấp vai trò của ý nghĩ và kỳ vọng thuộc nội tâm của người bệnh. Bởi vì các ưu tư ấy, một số nhà tâm lý đã quay sang các phương pháp chữa trị theo quan điểm tiến trình trí tuệ.

3. Các phương pháp chữa trị theo quan điểm tiến trình trí tuệ

Nếu bạn cho rằng cách suy nghĩ lệch lạc là nguyên nhân chính gây ra hành vi ứng xử bất bình thường, thì đường lối chữa trị trực tiếp nhất chẳng phải là chỉ dẫn cho người bệnh lối suy nghĩ mới mẻ và thích hợp hơn sao? Theo các nhà tâm lý tán thành liệu pháp tiến trình trí tuệ, câu trả lời là “đúng vậy”.

Liệu pháp tiến trình trí tuệ nhằm mục đích cải sửa lối suy nghĩ sai lầm của người bệnh về thế giới xung quanh và về chính bản thân họ. Không giống như các thầy thuốc theo quan điểm tác phong truyền thống là những người chú trọng đến việc cải sửa hành vi ứng xử bề ngoài, các thầy thuốc theo liệu pháp tiến trình trí tuệ nỗ lực cải sửa cách suy nghĩ của người bệnh. Bởi vì họ thường sử dụng các nguyên tắc căn bản trong tiến trình học tập, nên các biện pháp mà họ sử dụng thường được gọi là phương pháp hành vi – trí tuệ (cognitive – behavioral approach).

Một trong các thí dụ nổi bật về liệu pháp hành vi trí tuệ là liệu pháp xúc cảm hợp lý. Liệu pháp xúc cảm hợp lý (rational–emotive therapy) nỗ lực tái xây dựng hệ thống tín niệm của người bệnh thành một loạt quan điểm thực tế và hợp lý hơn. Theo nhà tâm lý Albert Ellis, nhiều người trải qua cuộc sống thiếu hạnh phúc và thậm chí đôi khi bị rối loạn tâm lý bởi vì họ ấp ủ các lý tưởng bất hợp lý và thiếu thực tế như:

– Cần được rất nhiều người yêu mến hoặc tán thành một việc làm của chúng ta.

– Nếu muốn tự hào về bản thân chúng ta cần phải thập toàn kỳ mỹ, nghĩa là phải có đầy đủ năng lực, hoàn toàn xứng đáng, và thành công trong một lãnh vực.

– Thật đáng ghét khi mọi việc không diễn ra theo ước muốn của chúng ta.

Nhằm hướng dẫn bệnh nhân thủ tiêu các ý nghĩ lệch lạc như thế và chấp nhận lối suy nghĩ thực tiễn hơn, thầy thuốc theo liệu pháp này đóng vai trò chi phối tích cực hơn trong tiến trình chữa trị, công khai thách thức các lối suy nghĩ lệch lạc (đoạn trích dẫn về trường hợp Martha ở đầu chương này là một thí dụ tiêu biểu cho liệu pháp này). Chẳng hạn, thầy thuốc có thể thẳng thừng phê phán cách suy nghĩ của bệnh nhân qua câu nói: “Tại sao sự kiện người bạn gái bỏ rơi bạn lại hàm ý rằng bạn là người xấu?” hay: “Thi rớt làm sao chứng tỏ được rằng bạn không có phẩm chất tốt?” bằng cách nêu rõ các khía cạnh sai lầm trong lối suy nghĩ của bệnh nhân, thầy thuốc vận dụng cách chữa trị này tin tưởng rằng bệnh nhân sẽ chấp nhận một quan điểm thực tế hơn về bản thân và về các tình huống gặp phải của họ.

Một lối chữa trị khác xây dựng trên quan điểm tiến trình trí tuệ là liệu pháp của Aaron Beck (Beck 1991). Giống như liệu pháp xúc cảm hợp lý, liệu pháp trí tuệ (cognitive therapy) của Beck nhằm mục tiêu căn bản là cải sửa lối suy nghĩ bất hợp lý của bệnh nhân về bản thân và về thế giới chung quanh.

Tuy nhiên, liệu pháp trí tuệ kém phần đối chọi và thách thức hơn nhiều so với liệu pháp xúc cảm hợp lý. Thay vì chủ đông tranh luận với người bệnh về các ý nghĩ lệch lạc của họ, thầy thuốc theo liệu pháp này chọn vai trò thầy dạy học. Người bệnh bị buộc tiếp nhận thông tin về bản thân họ, chính những thông tin này sẽ khiến họ từ bỏ lối suy nghĩ thiếu chính xác của mình. Trong quá trình chữa trị bệnh nhân được yêu cầu làm các “bài tập” được soạn thảo đặc biệt nhằm giúp họ khám phá lại suy nghĩ thích hợp hơn về bản thân và về người khác.

Các liệu pháp theo quan điểm tiến trình trí tuệ đã tỏ ra thành công trong việc đối phó với rất nhiều dạng rối loạn tâm lý. Khả năng hội nhập các phương pháp chữa trị bổ sung – như phối hợp các kỹ thuật tiến trình trí tuệ với các kỹ thuật tác phong thành liệu pháp hành vi trí tuệ chẳng hạn – của liệu pháp này đã xây dựng được một lối chữa trị hiệu nghiệm đặc biệt.

4. Tóm tắt và học ôn I

A. TÓM TẮT

– Liệu pháp tâm lý (psychotherapy) chú trọng đến việc cải sửa hành vi ứng xử bất bình thường nhờ thảo luận và tương tác giữa bệnh nhân với thầy thuốc. Còn liệu pháp sinh học (biologically based therapy) dùng dược phẩm và các biện pháp y học khác.

– Liệu pháp động lực tâm lý (psychodynamic therapy) căn cứ vào quan điểm của Freud cho rằng hành vi ứng xử bất bình thường do các xung đột và lo âu vô thức gây ra, luôn chữa trị các rối loạn tâm lý, cần phải thăm dò vùng vô thức và đưa các khó khăn chưa giải quyết ngày xưa lên tầng ý thức nhờ các kỹ thuật liên kết tự do (free assodation) và giải thích giấc mơ (dream interpretation).

– Các liệu pháp theo quan điểm tác phong (behavioral approaches to therapy) xây dựng trên tiền đề cho rằng những người biểu hiện hành vi ứng xử bất bình thường hoặcc đã không thủ đắc được các kỹ năng thích hợp hoặc đã tiêm nhiễm các thói quen lệch lạc. Muốn chữa trị rối loạn cần phải học tập lối ứng xử mới và thích hợp hơn và/hoặc loại trừ lối ứng xử sai lầm ngày trước.

– Các thầy thuốc theo quan điểm hành vi sử dụng các phương pháp tạo điều kiện hạn chế, bao gồm kỹ thuật do đầu kiện gây ác cảm (aversive conditioning) và kỹ thuật giảm cảm thụ dần dần (systematic desensitization), kỹ thuật mô phỏng (modeling); cùng các phương pháp tạo điều kiện tác động.

– Các liệu pháp theo quan điểm tiến trình trí tuệ (cognitive approathes to treatmeno bao gồm liệu pháp xúc cảm hợp lý (rational–emotive therapy) của Albert Ellis và liệu pháp trí tuệ (cognitive therapy) của Aaron Beck.

B. HỌC ÔN

1/ Phương thuốc chữa trị các rối loạn tâm lý căn cứ vào thảo luận và tương tác giữa thầy thuốc với bệnh nhân được gọi là…

2/ Cặp đôi những người hành nghề trong lãnh vực sức khỏe tâm thần sau đây với định nghĩa về họ.

a– Người có bằng cấp tiến sĩ chuyên chưa trị các rối loạn tâm lý.

b– Chuyên về các kỹ thuật chữa trị theo trường phái Freud.

c– Bác sĩ y khoa được huấn luyện về hành vi ứng xử bất bình thường.

d– Người có bằng cấp tiến sĩ chuyên về vấn đề thích nghi với các khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

1. Bác sĩ tâm thần (Psychiatriso)

2. Nhà tâm lý lâm sàng (Cilnical psychologist)

3. Nhà tâm lý tư vấn (Counseling psychologist)

4. Nhà phân tâm (Psychoanalyst)

3/ Theo Freud, con người dùng… là một phương tiện để bảo đảm rằng các xung lực không mong muốn sẽ không… xâm phạm đến các ý nghĩ thuộc tầng ý thức.

4/ Một kỹ thuật gọi là…, trong đó người bệnh được yêu cầu nói ra bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm trí, được sử dụng trong phần tích tâm lý để khám phá các điều ẩn giấu trong vô thức…

5/ Theo lý thuyết giải thích giấc mơ, nhà phân tâm phải học cách phân biệt giũa nội dung… của giấc mơ, tức là ý nghĩa bề ngoài với nội dung… tức là ý nghĩa đích thực của nó.

6/ Lối chữa trị nào trong các kỹ thuật dưới đây nhằm giải quyết các ám ảnh sợ hãi (phobias) bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc dân dần với vật gây sợ hãi?

a– Giảm cảm thụ dần dần (systematic desensitizition)

b– Khích lệ từng phần (partial reinforcement)

c– Tự quản hành vi ứng xử (behavioral self–management)

d– Kiểm soát bản ngã (ego contral)

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Liệu pháp ứng xứ liệu pháp theo quan điểm tác phong (behavioral therapy) hữu ích nhất trong các tình huống nào? Kỹ thuật chữa trị nhằm đối phó với các lối suy nghĩ thay vì với hành vi ứng xử sẽ thích hợp hơn trong các tình huống nào?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

5. Liệu pháp theo quan điểm nhân bản

Như bạn từng có kinh nghiệm, người ta không thể hiểu rõ được nội dung của một môn học nếu như không mất chút công sức nào, dù cho vị Giáo sư hay cuốn sách giáo khoa có khả năng trình bày sáng tỏ đến đâu đi nữa. Chính bản thân bạn phải dành thời giờ nghiên cứu tìm hiểu, ghi nhớ cách dùng thuật ngữ, và học thuộc các khái niệm trong môn học ấy. Không người nào khác có thể làm việc đó thay cho bạn. Trách nhiệm chủ yếu thuộc về bạn.

Liệu pháp theo quan điểm nhân bản(humanistic therapy) căn cứ vào triết lý này về trách nhiệm để sáng tạo các kỹ thuật chữa trị. Tuy có nhiều liệu pháp khác nhau theo quan điểm này, tựu trung chúng đều xây dựng trên các khái niệm nền tảng giống nhau. Chúng ta có khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân mình, chúng ta có thể chọn lựa lối sống theo sở thích; và chúng ta có trách nhiệm giải quyết các khó khăn gặp phải trong cuộc sống thường ngày. Thay vì đóng vai trò chi phối như trong một số liệu pháp theo quan điểm đồng lực tâm lý và quan điểm hành vi, các thầy thuốc theo liệu pháp nhân bản xem bản thân họ là người hướng dẫn hay người tạo điều kiện thuận lợi nhằm giúp cho người bệnh hiện thực bản thân và cải sửa lối ứng xử để có thể vươn đến lý tưởng mà họ hằng ấp ủ.

Theo cách nhìn này, hành vi ứng xử bất bình thường chính là hậu quả do tình trạng bất lực của người bệnh trong việc tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, của tâm trạng cô đơn và xa lánh mọi người, và của thái độ tin tưởng rằng bản thân họ chỉ là quân tốt đen trong một thế giới tác động lên họ mà chẳng cần đến khả năng đáp ứng đúng mức của họ.

a. Liệu pháp tập trung vào người bệnh.

Tham khảo lại trường hợp Alice nêu ở đầu chương này, bạn sẽ thấy rằng các lời phẩm bình của thầy thuốc không nhằm giải thích hoặc trả lời các câu hỏi do bệnh nhân nêu lên. Đúng ra, chúng nhằm làm sáng tỏ hay soi rọi theo tầm nhìn nào đó các điều người bệnh đã nói ra (chẳng hạn: “Nói khác đi, việc cô làm là luôn luôn nhằm…”; “Có cảm thấy…”; “Phải thế không?”) Kỹ thuật trị liệu này gọi là khuyên bảo không chi phối (nondirective counseling), và kỹ thuật này là trọng tâm của liệu pháp tập trung vào người bệnh. Liệu pháp này được thực hành đầu tiên bởi Carl Rogers (1951; 1980), là một loại liệu pháp nhân bản nổi tiếng nhất và được áp dụng thường xuyên nhất.

* Liệu pháp tập trung vào người bệnh (Client–centered therapy/ Rogerian therapy): một phương pháp tâm lý trị liệu trong đó thầy thuốc không đóng vai trò chi phối các hành động của bệnh nhân, mà lại chú trọng đến việc thông đạt kiến thức để bệnh nhân chấp nhận trách nhiệm của bản thân họ. Thông thường, thầy thuốc phản chiếu những lời nói hay những tình cảm riêng tư của bệnh nhân lại cho chính người bệnh. Mục đích nhằm giúp cho bệnh nhân giải quyết được các rắc rối riêng tư của mình (theo Từ điển Y học).

Mục tiêu của liệu pháp tập trung vào người bệnh (client–centered therapy) nhằm giúp cho người bệnh vươn đến tiềm năng sẵn có để họ tự hiện thực bản thân. Bằng cách cống hiến một khung cảnh ấm áp và đồng cảm, các thầy thuốc hy vọng thúc đẩy người bệnh thổ lộ các khúc mắc và tình cảm riêng tư của họ, nhờ đó sẽ giúp cho người bệnh chọn lựa và quyết định thực tiễn đồng thời xây dựng để giải quyết những rắc rối đang quấy nhiễu họ trong cuộc sống hiện tại. Như vậy, thay vì chi phối các chọn lựa của người bệnh, thầy thuốc cống hiến cái mà Rogers gọi là thái độ chăm sóc tích cực vô điều kiện (renconditional positive regard) – biểu lộ sự đồng tình và cảm thông, bất kể biểu hiện tình cảm và thái độ ra sao của bệnh nhân. Làm như thế, thầy thuốc hy vọng tạo được một bầu không khí thuận lợi để bệnh nhân đi đến quyết định cải thiện cuộc sống của chính họ. Việc làm này không có ý nghĩa là thầy thuốc phải tán thành mọi điều mà người bệnh đã hành động hay nói ra; đúng ra, nó có nghĩa là thầy thuốc phải hiểu rõ ràng các ý nghĩ và hành động của bệnh nhân trong bầu không khí ấy đã phản ảnh đích thực những biến cố họ đang trải qua.

Ngày nay, liệu pháp tập trung vào bệnh nhân tương đối hiếm khi được vận dụng đúng theo hình thức thuần túy của nó. Các liệu pháp hiện đại phần nào có tính chủ động chi phối hơn, trong đó thầy thuốc thúc giục người bệnh tìm hiểu sâu xa hơn về rắc rối gặp phải chứ không đơn thuần phản ánh lại các lời phát biểu của họ. Dù sao, việc giúp cho người bệnh tìm hiểu sâu xa vấn đề của họ vốn được xem là trọng tâm của tiến trình chữa trị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.