Tâm lý học căn bản

Chương 1. TÌM HIỂU TÂM LÍ HỌC



DÀN BÀI

Mở đầu

Triển khai chủ đề

I. NGHIÊN CỨU HÀNH VI ỨNG XỬ VÀ CÁC TIẾN TRÌNH TÂM TRÍ:

* Mắt xích chung nối kết các nhà tâm lý

* Nhà tâm lý trong thực tiễn công tác

1. Nhà tâm sinh lý: sinh học làm nền tảng cho Tâm lý học.

2. Nhà tâm lý thực nghiệm: các tiến trình cảm giác, nhận thức, học hỏi, và tư duy.

3. Nhà tâm lý phát triển và nhà tâm lý về cá tính: tiến trình phát triển con người và các dị biệt về cá tính.

4. Nhà tâm lý y tế, điều dưỡng, và tư vấn: sức khỏe thể chất và tâm thần.

5. Nhà tâm lý xã hội, công nghiệp tổ chức, khách hàng và giao lưu văn hóa: tìm hiểu thế giới chung quanh trên bình diện xã hội.

6. Các chuyên ngành mới xuất hiện.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Tâm lý học trong lãnh vực không gian.

7. Bối cảnh làm việc của các nhà tâm lý.

8. Tóm tắt và học ôn I.

II. NGÀNH KHOA HỌC ĐANG TIẾN TRIỂN: TLH TRONG QUÁ KHỨ VÀ TRONG TƯƠNG LAI

1. Nguồn gốc của TLH.

2. Nữ giới trong lãnh vực tâm lý: các bà mẹ sáng lập.

3. Các mô hình nhận thức đương đại.

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC: TLH và vấn đề ngăn ngừa bệnh AIDS.

4. Các mối liên hệ giữa các chuyên ngành và các mô hình nhận thức tâm lý.

5. Tương lai môn TLH.

6. Tóm tắt và học ôn II.

III. VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU TRONG LÃNH VỰC TÂM LÝ

1. Nêu ra câu hỏi thích hợp: Lý thuyết và giả thuyết.

2. Tìm giải đáp: Nghiên cứu trong lãnh vực tâm lý.

3. Tóm tắt và học ôn III.

IV. CÁC VẤN ĐỀ NẢY SINH TRONG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU

1. Vấn đề đạo đức trong cuộc nghiên cứu

2. Các trở ngại đối với cuộc thí nghiệm: Kỳ vọng của nhà thí nghiệm và đối tượng cộng tác.

THÀNH QUẢ CỦA TLH: Tư duy có phê phán về công cuộc nghiên cứu.

3. Tóm tắt và học ôn IV.

V. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI

MỞ ĐẦU

LŨ LỤT

Những cơn mưa thi nhau ập tới. Đến khi tạnh hẳn thì rất nhiều người đã bị nước cuốn đi mất, hàng trăm ngàn mẫu đất trồng tỉa bị ngập dưới làn nước mênh mông. Mọi dấu tích về sự sống đều bị hủy hoại sạch. Tai họa giáng xuống vùng Trung tây Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1993 được mệnh danh là trận lụt của thế kỷ.

Ở nhiều nơi, lũ lụt tràn ngập đất đai rồi rút đi, chỉ nhằm tràn ngập một vùng đất mà thôi. Còn ở các nơi khác, người dân bị lũ lụt đe dọa làm trắng tay, rồi sau đó lại bị đe dọa lần nữa. Toàn bộ các vùng lân cận đều bị tàn phá nặng nề, cùng với mọi của cải tích lũy của hàng vạn người.

TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ

Mặc dù nguồn gốc của nó chỉ là một hiện tượng thủy văn, trận lụt ở vùng Trung tây đã làm phát sinh nhiều mối ưu tư có bản chất đậm màu sắc tâm lý. Chẳng hạn, hãy xét một vài góc độ từ đó để nhà tâm lý chuyên ngành khác nhau có thể nhận định về trận thiên tai ấy.

– Nhà tâm lý chuyên nghiên cứu hành vi ứng xử trên nền tảng sinh học có thể khảo sát các biến chuyển của sinh hoạt nội vi cơ thể nhằm thích nghi với đe dọa xảy ra những trận lụt trong tương lai.

– Nhà tâm lý chuyên về vấn đề học hỏi và ký ức có thể tìm hiểu các loại chi tiết nào liên quan đến các trận lụt đáng để học hỏi và nhớ lại sau này.

– Nhà tâm lý chuyên về các tiến trình tư duy của con người có thể tìm hiểu cách thức con người đối phó với các rủi ro do nạn lụt gây ra sau khi bị buộc phải di tản gia đình họ ra khỏi nơi bị thiên tai.

– Nhà tâm lý phát triển chuyên nghiên cứu về thiếu nhi có thể tìm hiểu xem tình trạng thiếu an toàn do sự tàn phá của lụt lội sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự trưởng thành và mức phát triển sau này của thiếu nhi.

– Nhà tâm lý phục vụ trong ngành y tế chuyên nghiên cứu một liên hệ giữa các yếu tố thể chất và tâm lý có thể tìm hiểu xem các stress phát sinh do hậu quả của nạn lụt sẽ gây ra những bệnh tật nào trong tương lai.

– Nhà tâm lý điều dưỡng và tư vấn chuyên đề ra các liệu pháp có thể tìm hiểu các biện pháp giúp làm giảm bớt mối lo âu của những người đã đối đầu với nạn lụt.

– Nhà tâm lý xã hội chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến mối tương tác giữa các cá nhân trong xã hội có thể thăm dò các nguyên nhân đằng sau tình trạng bất lực và lòng hào hiệp của một số người, cũng như thái độ tham lam vô cảm của một số người khác đã lợi dụng cảnh tàn phá do lũ lụt để cướp đi những tài sản còn sót lại của nạn nhân.

I. NGHIÊN CỨU HÀNH VI ỨNG XỬ VÀ CÁC TIẾN TRÌNH TÂM TRÍ

* Mắt xích chung nối kết các nhà tâm lý

Mặc dù rất nhiều khảo hướng khác nhau đã được sử dụng để tìm hiểu trận lụt ấy, nhưng chúng có một điểm chung là mỗi khảo hướng đều tượng trưng cho một địa hạt thuộc phạm vi một lãnh vực nghiên cứu tổng quát gọi là tâm lý học. Tâm lý học (Psychoheresy) là một khoa học nghiên cứu về hành vi ứng xử và các tiến trình tâm trí của con người

Định nghĩa này tuy sáng tỏ nhưng lại quá đơn giản đến mức dễ gây nhầm lẫn. Để bao quát được tầm rộng lớn của lĩnh vực nghiên cứu, cụm từ “hành vi ứng cư xử và các tiến trình tâm trí” phải được hiểu theo nhiều nghĩa. Nó không chỉ bao gồm những hành vi do con người thực hiện mà còn bao gồm cả những ý tưởng, tình cảm, nhận thức, các tiến trình lý luận, ký ức, và cả đến các hoạt động sinh lý giúp cho cơ thể con người thực hiện thức năng của nó nữa.

Khi các nhà tâm lý nói đến “nghiên cứu” hành vi ứng cư xử và các tiến trình tâm trí thì mối quan tâm của họ khá bao quát. Đối với các nhà tâm lý, việc làm này không đơn thuần là miêu tả hành vi ứng xử. Như mọi ngành khoa học khác, – và hiển nhiên, các nhà tâm lý xem bộ môn nghiên cứu của họ là một ngành khoa học tâm lý học nỗ lực giải thích, dự đoán, cải biến, và sau cùng hoàn thiện cuộc sống con người và thế giới họ đang sống nữa.

Nhờ ứng dụng các phương pháp khoa học, các nhà tâm lý tìm ra được lời giải đáp cho các câu hỏi về bản chất hành vi ứng xử của con người có giá trị hơn nhiều so với các nhận định chỉ đơn thuần do trực giác và phỏng đoán. Và các câu hỏi do các nhà tâm lý nêu ra lại cực kỳ bao la. Chẳng hạn như: Làm cách nào chúng ta thấy được các màu sắc? Trí thông minh là gì? Lối cư xử bất bình thường có thể chữa trị được không? Phải chăng cơn mê man do thôi miên giống như giấc ngủ? Tuổi thọ của con người có thể kéo dài được không? Stress ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta? Cách học tập hiệu quả nhất là gì? Hành vi tình dục bình thường là gì?

Những câu hỏi này – bạn sẽ hiểu rõ câu trả lời khi đọc xong cuốn sách này – chỉ là gợi ý về rất nhiều đề tài khác nhau sẽ được trình bày khi chúng ta thăm dò lãnh vực của môn tâm lý học. Các thảo luận của chúng ta sẽ duyệt qua một phổ gồm những điều đã khám phá được về hành vi ứng xử và các tiến trình tâm trí. Đôi khi chúng ta sẽ rời bỏ lãnh vực con người để thăm dò hành vi phản ứng của loài vật, bởi vì nhiều nhà tâm lý nghiên cứu thế giới loài vật để xác định các quy luật tổng quát chi phối hành vi ứng xử của mọi loài sinh vật. Như vậy, hành vi của loài vật đã cho các manh mối quan trọng giúp giải đáp các câu hỏi về hành vi ứng xử của con người. Nhưng chúng ta sẽ luôn luôn quay về với lợi ích của môn tâm lý học trong việc giúp giải quyết các vấn đề thường nhật mà mọi người chúng ta đều phải đối mặt.

Trong chương dẫn nhập này, chúng ta sẽ thảo luận một số đề tài trọng tâm trong việc tìm hiểu môn tâm lý học, miêu tả các chuyên ngành tâm lý khác nhau và nhiều vai trò khác nhau của các nhà tâm lý. Kế đó, chúng ta xem xét các khảo hướng quan trọng và các mô hình dùng làm chỉ nam hướng cho các nhà tâm lý. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét các phương pháp khảo cứu mà các nhà tâm lý đã sử dụng để tìm kiếm giải đáp cho các câu hỏi nêu ra về hành vi ứng xử của con người.

Cuốn sách này nhằm giới thiệu một bản mô phỏng hai nhân vật đang trao đổi về tâm lý học, nhưng nội dung lại giống như một tập luận văn. Khi viết “chúng ta”, tôi muốn nói đến – độc giả và tác giả.

Căn cứ vào những nguyên tắc do các nhà tâm lý chuyên về vấn đề học tập và ký ức đã xây dựng, cuốn sách trình bày các thông tin dưới dạng các đoạn tương đối ngắn gọn, theo đó mỗi chương sách gồm từ ba đến năm đoạn. Mỗi đoạn kết thúc bằng mục Tóm tắt và Học ôn liệt kê các điểm then chốt đã được thảo luận và yêu cầu bạn trả lời một loạt câu hỏi. Một số câu hỏi trắc nghiệm ngắn để giúp trí nhớ sẽ được giải đáp ở trang kế tiếp sau đó. Còn các câu hỏi khác dành để “Bạn tự vấn” là những câu hỏi mở rộng vấn đề nhằm giúp bạn nỗ lực rút ra được một luận giải quan trọng về các thông tin đã trình bày. Loại bài tập giải đáp ngay này sẽ giúp bạn dễ dàng học tập và sau này nhớ lại những điều đã học.

Nhờ vậy, đọc xong chương này bạn sẽ đủ sức giải đáp các câu hỏi sau:

– Tâm lý học là gì và tại sao nó là một bộ môn khoa học?

– Lãnh vực tâm lý học gồm các chuyên ngành nào?

– Các nhà tâm lý được tuyển đụng để đảm nhận các công việc gì

– Tâm lý học có nguồn gốc lịch sử ra sao?

– Các nhà tâm lý sử dụng các mô hình nhận thức chủ yếu nào?

– Phương pháp khoa học là gì và các nhà tâm lý vận dụng lý thuyết theo cách thức nào để tìm ra giải đáp cho các vấn đề quan trọng?

– Các nhà tâm lý sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau nào

– Các nhà tâm lý làm cách nào để thiết lập được các mối tương quan nhân quả trong các công trình nghiên cứu?

– Các vấn đề quan trọng nào làm nền tảng cho tiến trình thực hiện cuộc nghiên cứu?

* Nhà tâm lý học trong thực tiễn công tác

Cần nhân sự: Giáo sư phụ giảng ở trường đại học văn khoa quy mô nhỏ. Phụ trách các khóa học chương trình Cử nhân tâm lý học, cùng các khóa học chuyên biệt như hoạt động trí tuệ, nhận thức, và tiến trình học hỏi chẳng hạn. Tận tâm giảng dạy đạt hiệu quả và sẵn sàng cố vấn cho sinh viên khi cần. Ứng viên phải nộp chứng nhận về trình độ học vấn và năng lực nghiên cứu.

Cần nhân sự: Nhà tâm lý tư vấn công nghiệp/tổ chức. Công ty quốc tế cần tuyển dụng các nhà tâm lý đảm nhiệm chức vụ tư vấn, để tham mưu cho ban giám đốc. Ứng viên phải có khả năng thiết lập được mối quan hệ hữu hiệu với các quản trị viên kinh doanh cao cấp để hỗ trợ họ trong việc phát huy sáng kiến, công tác chuyên môn, và tìm ra được các giải pháp có hiệu quả về mặt tâm lý đối với các vấn đề liên quan đến nhân sự và tổ chức.

Cần nhân sự: Chuyên viên tâm lý phục vụ ở bệnh viện có bằng tiến sĩ, kinh nghiệm nội trú bệnh viện. Bệnh viện đa khoa cần tuyển các chuyên gia tâm lý để chữa trị cho thiếu nhi và người trưởng thành; cho cá nhân và từng nhóm người, đánh giá về mặt tâm lý, cắt cơn khủng hoảng tâm thần, và xây dựng phác đồ điều trị về mặt hành vi tâm lý trên cơ sở đội công tác gồm các chuyên viên thuộc nhiều lãnh vực y học khác nhau. Ưu tiên cho ứng viên có kinh nghiệm phong phú về các vấn đề lạm dụng thuốc kích thích.

Nhiều người cho rằng hầu hết các chuyên gia tâm lý đều chỉ có nhiệm vụ phân tích và chữa trị các trường hợp hành vi ứng xử bất bình thường. Thế nhưng, như các bảng mô tả công tác trích dẫn trên đây cho thấy lãnh vực ứng dụng của bộ môn tâm lý có phạm vi rộng rãi hơn nhiều so với quan niệm thường tình.

Chúng ta sẽ xem xét các chuyên ngành chủ yếu thuộc bộ môn tâm lý bằng cách miêu tả chúng theo thứ tự tổng quát được đề cập ở các chương sau đây.

1. Nhà tâm sinh lý: sinh học làm nền tảng cho tâm lý học

Theo ý nghĩa căn bản nhất, con người là một sinh vật hữu cơ; và một số nhà tâm lý chú trọng tìm hiểu xem các chức năng sinh lý và cơ quan thân thể phối hợp ra sao để tác động đến hành vi ứng xử của chúng ta. Tâm sinh lý học (biopsychology) là một ngành thuộc tâm lý học nghiên cứu các nền tảng sinh học của hành vi ứng xử. Các nhà tâm sinh lý tuy nghiên cứu rất nhiều chủ đề nhưng đều đặt trọng tâm vào hoạt động của não bộ và hệ thần kinh. Thí dụ, họ có thể khảo cứu để tìm hiểu xem các vị trí đặc biệt trong não bộ có liên hệ ra sao đến một dạng rối loạn tâm thần nào đó như bệnh Parkinson chẳng hạn (xem chương 2), hoặc họ có thể nỗ lực xác định xem các cảm giác cơ thể liên hệ ra sao đến tình cảm của con người (xem chương 9).

2. Nhà tâm lý thực nghiệm: các tiến trình cảm giác, nhận thức, học hỏi, và tư duy

Nếu bạn đã từng tự hỏi thị giác của bạn tinh nhuệ đến mức nào, bạn kinh nghiệm ra sao về cơn đau đớn, hoặc bạn làm cách nào để có thể đạt hiệu quả cao nhất trong việc học tập, thì bạn đã nêu lên các câu hỏi được các nhà tâm lý thực nghiệm giải đáp thích đáng nhất. Tâm lý học thực nghiệm (experimenta/ psychology) là một ngành thuộc bộ môn tâm lý chuyên nghiên cứu về các tiến trình cảm giác, nhận thức, học hỏi, và tư duy về thế giới chúng ta đang sống.

Công việc của nhà tâm lý thực nghiệm có phần trùng lắp với công việc của nhà tâm sinh lý cũng như của các nhà tâm lý chuyên ngành khác. Thực ra, thuật ngữ “nhà tâm lý thực nghiệm” (experimental psychologist) dễ khiến người ta hiểu lầm, bởi vì các nhà tâm lý thuộc mọi chuyên ngành đều sử dụng các kỹ thuật thực nghiệm (experimental techniques), và chính nhà tâm lý thực nghiệm cũng không tự hạn chế mình để chỉ sử dụng các phương pháp thực nghiệm mà thôi.

Một số phân ngành đã nảy sinh từ ngành tâm lý thực nghiệm để trở thành các chuyên ngành có lãnh vực nghiên cứu riêng của chúng. Một thí dụ về một trong các chuyên ngành ấy là ngành tâm lý về hoạt động trí tuệ (cognitive psychology) Ngành này chuyên nghiên cứu về các tiến trình tâm trí cao cấp, bao gồm tư duy (thinking), ngôn ngữ (language), ký ức (memory), giải quyết vấn đề (problem solving), tìm hiểu (knowing) lý luận (reasoning), phán đoán (iudging) và đề ra quyết định (decision making). Chẳng hạn, khi phân tích hành vi ứng xử của con người, các nhà tâm lý này đã nhận diện được những cách ghi nhớ hữu hiệu hơn cũng như tìm ra được các chiến lược ưu thắng hơn nhằm giải quyết các vấn đề liên hệ đến logic (như sẽ được thảo luận ở chương 6 và 7).

3. Nhà tâm lý học phát triển và nhà tâm lý về cá tính: tiến trình phát triển con người và các dị biệt về cá tính

Trẻ thơ cất tiếng cười đầu tiên trong đời… chập chững những bước đi đầu tiên… thốt ra tiếng bập bẹ học nói. Các biến cố này tuy có thể được xem là biểu trưng cho các mốc phổ biến trong tiến trình phát triển, nhưng cũng được xem là lạ thường và độc đáo đối với mỗi con người. Như sẽ được thảo luận đầy đủ ở chương 10, công việc của nhà tâm lý phát triển là theo dõi các chuyển biến về hành vi ứng xử và về các khả năng căn bản của con người trong suốt cuộc đời của họ.

Như vậy, ngành tâm lý phát triển (developmental psychology) là một chuyên ngành thuộc bộ môn tâm lý nghiên cứu về cách thức con người trưởng thành và biến đổi qua suốt dòng đời của họ. Một chuyên ngành khác là ngành tâm lý về cá tính (personality psychology) nỗ lực lý giải tính nhất trí lẫn tính biến chuyển trong hành vi ứng xử của con người qua thời gian, cũng như nỗ lực giải thích các đặc điểm cá nhân giúp phân biệt hành vi ứng xứ của người này với người khác khi cả hai cùng lâm vào các tình huống giống như nhau. Những vấn đề chủ yếu liên hệ đến nghiên cứu về cá tính con người sẽ được xét ở chương 11.

4. Nhà tâm lý y tế, điều dưỡng, và tư vấn về sức khỏe thể chất và tâm thần

Nếu bạn gặp khó khăn trong cuộc sống hài hòa với người khác, cảm thấy bất hạnh kéo dài trong cuộc sống, hoặc nảy sinh một nỗi sợ hãi ngăn cản bạn sinh hoạt bình thường, bạn có thể nhờ ý kiến giúp đỡ của các nhà tâm lý chuyên nghiên cứu về sức khỏe thể chất và tâm thần. Đó là các nhà tâm lý y tế, nhà tâm lý điều dưỡng, và nhà tâm lý tư vấn.

Ngành tâm lý y tế (Health psychology) thăm dò mối tương quan giữa các yếu tố tâm lý và các cơn bệnh thể xác. Chẳng hạn, nhà tâm lý y tế quan tâm tìm hiểu liệu sự căng thẳng kéo dài (một nhân tố tâm lý) có thể gây ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe con người. Họ cũng lưu tâm tìm hiểu các biện pháp khích lệ hành vi có lợi cho sức khỏe (như tăng cường tập thể dục) hoặc các biện pháp giảm bớt hành vi có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá chẳng hạn.

Còn trọng tâm hoạt động của nhà tâm lý đều dưỡng nhắm vào việc chữa trị và ngăn ngừa các rối loạn tâm lý. Ngành tâm lý điều dưỡng (clinical psychology) nhằm nghiên cứu, chẩn đoán, và chữa trị các trường hợp hành vi ứng xử bất bình thường. Nhà tâm lý đều dưỡng được huấn luyện để chẩn đoán và chữa trị các loại rối loạn tâm lý từ tình trạng khủng hoảng trong đời sống hàng ngày, như cơn đau khổ dằn vặt do cái chết của người yêu thương cho đến các trường hợp nghiêm trọng hơn, như mất cảm giác về thực tại (loss of touch with reality) chẳng hạn. Một số nhà tâm lý đều dưỡng cũng nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề từ cách nhận diện các dấu hiệu ban đầu của các dạng rối loạn tâm lý cho đến một tương quan giữa cung cách cư xử giữa các thành viên trong gia đình với các chứng bệnh rồi loạn tâm lý ấy.

Như sẽ thấy khi thảo luận về hành vi ứng xử bất bình thường và cách chữa trị ở các chương 12 và 13, công tác của nhà tâm lý điều dưỡng rất đa dạng. Chính các nhà tâm lý này tổ chức và đánh giá các trắc nghiệm tâm lý, đồng thời họ cũng phục vụ với tư cách thầy thuốc ở các trung tâm sức khỏe tâm thần của cộng đồng.

Giống như nhà tâm lý điều dưỡng, các nhà tâm lý tư vấn giải quyết các vấn đề tâm lý của con người, nhưng các vấn đề này lại thuộc loại đặc biệt. Ngành tâm lý tư vấn (counseling psychology) chủ yếu nhắm vào các vấn đề giáo dục, xã hội, và chọn nghề. Hầu hết các trường đại học đều có một trung tâm tư vấn do các nhà tâm lý tư vấn đảm nhiệm. Ở đó sinh viên có thể nhận được lời khuyên về loại nghề nghiệp nào thích hợp với họ nhất, về các phương pháp học tập hữu hiệu, và về biện pháp giải quyết các khó khăn thường ngày, từ các rắc rối với người bạn cùng phòng ở ký túc xá cho đến các mối lo âu về cách đánh giá học tập của một vị Giáo sư nào đó. Nhiều công ty lớn cũng sử dụng các nhà tâm lý tư vấn giúp đỡ công nhân viên chức giải quyết các vấn đề liên hệ đến bối cảnh lao động.

Hai ngành gần gũi với ngành tâm lý tư vấn là ngành tâm lý giáo dục và ngành tâm lý học đường. Ngành tâm lý giáo dục (educational psychology) khảo xét xem tiến trình giáo dục ảnh hưởng ra sao đến sinh viên; chẳng hạn, nó quan tâm đến các phương thức tìm hiểu trí thông minh, xây dựng các kỹ thuật giảng dạy hữu hiệu hơn, và tìm hiểu mối tương tác giữa thầy và trò. Ngược lại, ngành tâm lý học đường (school psychology) chuyên đánh giá các khó khăn về học đường hoặc các khó khăn về đời sống tình cảm mà các học sinh trung tiểu học gặp phải, để tìm ra giải pháp giúp các em vượt qua các khó khăn ấy.

5. Nhà tâm lý xã hội, công nghiệp tổ chức, khách hàng và giao lưu văn hóa: tìm hiểu thế giới trên bình diện xã hội

Không ai trong chúng ta sống biệt lập với mọi người; thật ra, mọi người đều tham dự vào một hệ thống các mối quan hệ tương tác phức tạp nào đó. Các hệ thống tương tác với tha nhân và xã hội ấy nói chung là trọng tâm nghiên cứu của các nhà tâm lý thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.

Như sẽ thấy ở chương 14, ngành tâm lý xã hội (social psychology tìm hiểu xem tư tưởng, tình cảm, và hành động của con người bị ảnh hưởng ra sao bởi những người khác. Các nhà tâm lý xã hội chú trọng đến các chủ đề đa dạng như nghiên cứu tâm trạng hiếu chiến (human aggression) của con người, tìm hiểu xem tại sao con người thiết lập các mối quan hệ với tha nhân, và xác định xem chúng ta bị ảnh hưởng ra sao bởi tha nhân.

Ngành tâm lý công nghiệp – tổ chức (industrial – Orsanizational psychology) quan tâm đến tâm lý con người trong bối cảnh lao động. Đặc biệt, nó khảo xét các vấn đề liên quan đến năng suất, sự hài lòng về công việc làm, và cách đề ra quyết định kinh doanh. Một ngành có liên quan là ngành tâm lý khách hàng (consumer psychology). Ngành này khảo xét các tập quán mua sắm của con người và ảnh hưởng của quảng cáo đối với tác phong mua sắm của khách hàng. Nhà tâm lý công nghiệp tổ chức có thể đặt câu hỏi như: “Bạn gây ảnh hưởng đến mức nào đối với công nhân để cải thiện chất lượng các mặt hàng do họ sản xuất ra?”. Còn nhà tâm lý khách hàng sẽ đặt câu hỏi tương ứng như: “Chất lượng mặt hàng sẽ tác động ra sao đến quyết định mua sắm mặt hàng ấy?”

Sau cùng, ngành tâm lý giao lưu văn hóa (cross–cultural psychology) khám phá các điểm tương đồng và dị biệt trong vai trò tâm lý ở nhiều nền văn hóa và nhóm chủng tộc khác nhau. Như sẽ bàn trong suốt cuốn sách này, các nhà tâm lý chuyên khảo cứu các vấn đề giao lưu văn hóa tìm cách giải đáp các câu hỏi như: Những cách thức thành công hay thất bại ở học đường của những người thuộc các nền văn hóa khác biệt nhau sẽ dẫn đến khác biệt nào trong thành tích học tập (một nhân tố có thể lý giải cho các khác biệt về thành tích học vấn giữa các sinh viên Mỹ và Nhật) Các tập quán nuôi dạy trẻ, khác biệt rất lớn giữa nền văn hóa dị biệt, ảnh hưởng ra sao đến thang giá trị và thái độ sống sau này khi chúng trưởng thành? Và tại sao các nền văn hóa lại có các tiêu chuẩn thẩm mỹ cơ thể khác biệt nhau?

6. Các chuyên ngành mới xuất hiện

Vì lãnh vực tâm lý đang trên đà phát triển nên số chuyên ngành cứ tiếp tục tăng lên (Schneider, 1990). Thí dụ, ngành tâm lý môi trường (environmental psychology) khảo xét một tương quan giữa con người với môi trường vật lý chung quanh. Ngành tâm lý pháp luật (forensic psychology) chú trọng đến các vấn đề pháp lý, như xác định xem nên đánh giá tình trạng mất trí hay điên loạn về mặt pháp lý của một cá nhân theo tiêu chuẩn nào và liệu bồi thẩm đoàn gồm nhiều hay ít người mới đưa ra các phán quyết công bằng hơn. Con số các nhà tâm lý quan tâm đến việc thẩm định chương trình (program evaluation) ngày càng tăng thêm. Các nhà tâm lý này quan tâm đánh giá các chương trình có quy mô lớn, thường do nhà nước đều hành, để quyết định xem liệu các chương trình ấy có hữu hiệu trong việc đáp ứng các mục tiêu đã đề ra không (xem đoạn tích dẫn thời sự về một chuyên ngành mới xuất hiện khác: ngành tâm lý không gian).

Tính đa dạng của tâm lý học. Bộ môn tâm lý không những đa dạng về mặt phân ngành mà còn phồn tạp về mặt nhân sự nữa. Một vài con số thống kê dân số phản ảnh thực trạng đó. Thí dụ, khoảng 2/3 số nhà tâm lý Mỹ là nam giới và 1/3 còn lại là nữ giới. Nhưng các con số này không phải là không biến động. Trong số các nhà tâm lý vừa mới nhận bằng tốt nghiệp, tỷ lệ nam so với nữ đã gần bằng nhau, và trên thực tế mới đây con số nữ giới ghi danh vào các trường đại học tâm lý đã trội hơn nam giới.

Một địa hạt trong đó tính đa dạng tương đối không đáng kể là địa hạt nguồn gốc chủng tộc và sắc dân. Theo các số liệu do Hiệp hội Tâm lý Mỹ (American Psychology Association) thu thập được, trong số các nhà tâm lý tự khai báo về nguồn gốc chủng tộc và sắc dân trong các cuộc đều tra – và một phần ba các nhà tâm lý không chịu trả lời phỏng vấn – gần 95% là người da trắng, 2% là người Mỹ gốc Phi và 2% là dân Hispanic, trong khi người gốc châu Á chiếm tỷ lệ 1%. Mặc dù số nhà tâm lý gốc da màu tốt nghiệp mới đây đã cao lên, gần 11%, nhưng các con số ấy vẫn chưa phản ánh đầy đủ tỷ lệ các cộng đồng thiểu số trong xã hội nói chung.

Tình trạng số nhà tâm lý thấp so với dân số thuộc các nhóm chủng tộc và sắc dân trong xã hội như thế đáng được quan tâm vì một số lý do. Trước hết, lãnh vực tâm lý học có thể chịu thiệt thòi vì tình trạng thiếu quan điểm và tài năng đa dạng đóng góp bởi các thành viên thuộc các nhóm dân thiểu số ấy. Ngoài ra, các nhà tâm lý thuộc các nhóm thiểu số đóng vai trò những điển hình quan trọng cho mọi thành viên trong các cộng đồng ấy noi theo, và tình trạng thiếu đại biểu của họ trong phạm vi nghề nghiệp có thể ngăn cản các thành viên khác tìm cách đóng góp vào lãnh vực tâm lý. Cuối cùng, các thành viên thuộc các nhóm dân thiểu số thường thích được chữa trị và cố vấn tâm lý bởi các nhà tâm lý thuộc cùng chủng tộc với họ hơn. Do đó, tình trạng khá khan hiếm các nhà tâm lý thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số có thể là mặt hạn chế, khiến cho các nhóm thiểu số ấy mất đi cơ hội được chữa trị thành công. Hậu quả là, người ta đang dành rất nhiều nỗ lực nhằm tăng thêm số nhà tâm lý thuộc các nhóm sắc tộc để đạt được tình trạng cân đối.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.