Tâm lý học căn bản

Chương 9 – Phần 3



A. CÁC NHÂN TỐ SINH HỌC TRONG VẤN ĐỀ ẨM THỰC

Các nhà tâm lý bắt đầu nghiên cứu để tìm hiểu động lực ẩm thực ở loài vật, để tránh rắc rối gây chứng béo phì tác hại đến con người. Hầu hết loài vật, khi sống trong môi trường luôn sẵn có thức ăn, đều thực hiện công việc điều chỉnh lượng thực phẩm ăn vào khá tốt – như mọi người đều biết rõ khi luôn luôn để sẵn một đĩa thức ăn cho con vật nuôi trong nhà mình. Chẳng hạn, loài mèo sẽ ngưng ăn khi cơn đói được thỏa mãn; phần còn thừa chú bỏ lại, chỉ quay lại ăn khi cơn đói thúc giục.

Ngoài ra, dường như các cơ chế bên trong cơ thể của chúng ấn định không những lượng thực phẩm ăn vào, mà còn ổn định cả chủng loại thức ăn mà con vật ưa thích nữa. Những con chuột đói bị thiếu các loại thực phẩm đặc biệt có khuynh hướng tìm ăn loại thực phẩm nào có chứa các thành phần dinh dưỡng đặc biệt mà chúng bị thiếu, và các thí nghiệm đều cho thấy khi được tự do chọn lựa giữa rất nhiều loại thức ăn khác nhau, các con vật đều chọn được một chế độ dinh dưỡng khá cân bằng.

Các cơ chế nhờ đó mà sinh vật biết được liệu chúng có cần thức ăn không hay liệu có nên ngưng ăn không là các cơ chế khá phức tạp. Vấn đề không phải đơn giản chỉ là dạ dày trống gây ra các cơn đói cồn cào và bao tử đầy xoa dịu cơn đói, bởi vì những người bị giải phẫu cắt đi dạ dày vẫn còn có cảm giác bị đói. Tương tự, loài vật thí nghiệm thường có khuynh hướng ăn số lượng lớn hơn khi thực phẩm thiếu dưỡng chất; ngược lại, nếu chế độ ăn dư thừa dưỡng chất thì lượng thực phẩm chúng ăn vào sẽ ít đi – dù cho dạ dày của chúng căng đầy hay còn lưng lửng trong các trường hợp này.

Như vậy, dường như loài vật cũng như con người đều nhạy cảm với số lượng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm ăn vào. Một cơ chế góp phần điều chỉnh thực phẩm ăn vào là sự thay đổi trong thành phần hóa học của máu. Chẳng hạn, các thí nghiệm đều cho thấy khi đường glucose được tiêm vào máu thì cơn đói sẽ dịu đi và các con vật không còn chịu ăn nữa. Ngược lại, khi insulin, một dạng hormone liên quan đến việc chuyển hóa đường glucose thành chất mỡ dự trữ, được đưa vào máu thì cơn đói tăng lên.

Nhưng bộ phận nào trong cơ thể có nhiệm vụ theo dõi các biến đổi trong thành phần hóa học của máu liên hệ đến hành vi ẩm thực. Một cấu trúc đặc biệt trong não bộ là cấu tạo dưới đồi (hypothalamus) dường như chịu trách nhiệm chính đối với thực phẩm ăn vào. Người ta đã chứng minh rằng tổn thương ở bộ phận này sẽ khiến cho thói quen ẩm thực thay đổi đến tận gốc rễ, tùy thuộc vào nơi bị tổn thương ở bộ phận này. Thí dụ, các chú chuột bị tổn thương ở hai bên cấu tạo dưới đồi não (lateral hypothalamus) có thể chịu đói đến chết; chúng bỏ ăn, và nếu không bị ép buộc ăn chúng đành chịu chết. Còn các chú chuột bị tổn thương ở phần giữa bụng cấu tạo dưới đồi não (ventromedian hypothalamus) lại bị loại rối loạn ngược lại: ăn quá độ. Các chú chuột này có thể tăng gia thể trọng đến gấp 4 lần trọng lượng cơ thể trung bình của chúng. Các hiện tượng tương tự cũng xảy ra cho những người bị các khối u (tumors) ở vùng cấu tạo dưới đồi não.

Mặc dù rõ ràng rằng cấu tạo dưới đồi não đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa thực phẩm ăn vào nhưng cơ chế nào nhờ đó sinh vật thực hiện việc điều hòa này vẫn chưa được khắng định. Một số nhà nghiên cứu cho rằng cơ chế này ảnh hưởng đến cảm nhận cơn đói của sinh vật: còn những người khác lại giả định rằng cơ chế này trực tiếp chi phối các nối kết thần kinh (neural connections) điều khiển các bắp thịt liên quan đến hành vi ẩm thực.

Một lý thuyết còn cho rằng tổn thương ở cấu tạo dưới đồi sẽ ảnh hưởng đến đến thể trọng báo động nhờ đó người ta điều hòa được thực phẩm ăn vào. Điểm thể trọng báo động (weight set point) là mức thể trọng đặc biệt mà cơ thể cố gắng duy trì. Tác động giống như một cỗ máy báo động thể trọng bên trong cơ thể, cấu tạo dưới đồi não yêu cầu cơ thể nên ăn vào nhiều hơn hay ít đi. Theo cách giải thích này, tổn thương ở cấu tạo dưới đồi não nhất định sẽ đòi hỏi nâng cao hay hạ thấp điểm báo động này, và sinh vật khao khát đáp ứng mục tiêu bên trong cơ thể qua việc tăng thêm hay giảm bớt lượng tiêu thụ thức ăn.

Sự gia tăng thể trọng nhất thời làm cho số tế bào mỡ tăng vọt lên, do đó cũng có thể nâng mức thể trọng báo động lên cao. Bởi vì sau độ tuổi lên hai số tế bào mỡ bên trong cơ thể không còn bị giảm đi dù cho có bị sụt cân, nên mức thể trọng báo động cơ thể bị “kẹt” ở mức cao hơn ngoài ý muốn do những lần lên cân nhất thời ấy. Trong các trường hợp ấy, việc giảm cân trở nên khó khăn bởi vì người ta đã lâm vào tình thế xung đột thường xuyên với mức thể trọng báo động vốn đã trở thành cố hữu bên trong cơ thể của riêng mình rồi.

Các yếu tố khác cũng tác động chống lại các nỗ lực giảm cân của con người. Thí dụ, giữa mọi người có sự khác biệt rất lớn về khả năng chuyển hóa* (metabolism) là mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng của cơ thể. Một số người, có mức chuyển hóa cao, dường như có thể ăn nhiều đến đâu tùy thích mà vẫn không lên cân; trong khi những người khác, có mức chuyển hóa thấp, có thể chỉ ăn bằng phân nửa số ấy là đã lên cân rồi. Thực ra, những người dễ dàng lên cân lại thuận lợi hơn về mặt sinh học: họ có ưu tiên dao động dễ dàng trong việc chuyển hóa thức ăn thành mô tế bào cơ thể. Ngược lại, những người dù ăn được rất nhiều mà vẫn không lên cân không tận dụng được thực phẩm ăn vào, bởi vì phần lớn đều bị thải ra – và họ vẫn gầy.

Cuối cùng, ngày càng có chứng cứ cho thấy một số người có thể bẩm sinh béo phì do di truyền. Một số công trình khảo cứu cho rằng những người dễ bị béo phì có thể tăng thể trọng phần lớn bởi vì họ thừa hưởng mức chuyển hóa thấp – chứ không phải vì ăn uống quá độ.

* Chuyển hóa (metabolism): Thuật ngữ này có 2 nghĩa:

1. Toàn bộ các thay đổi về lý và hóa học xảy ra trong cơ thể để cơ thể tiếp tục hoạt động và tăng trưởng. Tiến trình chuyển hóa bao gồm sự phân hủy các thành phần hữu cơ phức tạp trong cơ thể kèm theo việc phóng thích năng lượng cần thiết cho các tiến trình khác và tạo lặp các hợp chất phức tạp làm vật liệu cho các mô và cơ quan từ các chất đơn giản hơn.

2. Toàn bộ các thay đổi sinh hóa của một hợp chất thành cơ thể; thí dụ, sự chuyển hóa chất protein.

(Theo Từ điển Y học)

B. CÁC NHÂN TỐ XÃ HỘI TRONG HÀNH VI ẨM THỰC

Bạn vừa mới dùng xong một bữa ăn thịnh soạn và cảm thấy no cứng. Bỗng nhiên, người chủ nhà thông báo với vẻ khoa trương rằng ông ta sẽ dọn món tráng miệng “đặc sản gia đình”, món chuối nướng phết bơ, và rằng ông đã mất phần lớn buổi chiều hôm đó để chuẩn bị. Mặc dù đã no cứng và thậm chí không thích ăn chuối, nhưng vì lịch sự bạn cũng ăn hết phần tráng miệng ấy.

Hiển nhiên, các nhân tố sinh lý bên trong cơ thể không phải là toàn bộ câu chuyện khi tiến đến giải thích hành vi ẩm thực của chúng ta. Các nhân tố xã hội bên ngoài, căn cứ vào các quy tắc và ước lệ xã hội và vào những điều chúng ta đã tiêm nhiệm về phong cách ẩm thực nhất định từ kinh nghiệm từng trải, cũng đóng một vai trò quan trọng.

Thí dụ, hãy lấy một sự kiện đơn giản là người ta có thói quen dùng điểm tâm, ăn trưa và cơm tối vào các giờ giấc nhất định mỗi ngày. Bởi vì chúng ta đã quen thuộc với các giờ giấc ấy, nên chúng ta thường cảm thấy đói vào các thời đếm ấy – đôi khi hoàn toàn không dính líu gì đến các dấu hiệu đòi hỏi bên trong cơ thể cả. Tương tự, chúng ta có khuynh hướng dùng số lượng thức ăn gần như cố định hàng ngày – dù rằng khôi lượng tập thể dục, và do đó nhu cầu phục hồi năng lượng cho cơ thể chúng ta có thể thay đổi từng ngày.

Sự chi phối quá mức của các thói quen sinh hoạt hàng ngày do ước lệ xã hội, cũng như sự vô cảm đối với các triệu chứng đói bên trong cơ thể, có liên quan đến chứng béo phì ở một số người. Thí dụ, các công trinh nghiên cứu chứng minh rằng những người béo phì ở cạnh một dĩa bánh quy thường dễ bị cám dỗ hơn những người bình thường – mặc dù họ vừa mới ăn một ổ bánh sandwich kẹp đầy thịt. Như vậy, những người béo phì dễ bị lôi cuốn bởi cám dỗ bên ngoài và ít lưu tâm đến các dấu hiệu đòi hỏi bên trong cơ thể hơn, nên những người không bị chứng béo phị dễ điều hòa hành vi ẩm thực hơn.

Vẫn còn có các nhân tố khác gây ra chứng béo phì. Các đứa trẻ được cho thức ăn ngay sau khi gặp phải chuyện buồn lòng đều biết, nhờ cơ chế tạo điều kiện hạn chế và tác động, rằng hành vi ẩm thực liên kết với sự an ủi và xoa dịu, nên đến lúc trưởng thành có thể chúng sẽ quen thói ăn uống bất kỳ lúc nào gặp chuyện bất như ý. Khi các bậc cha mẹ dùng thức ăn để “chữa trị các chứng như stress, lo âu, và thất vọng của con cái họ, thì hành vi ẩm thực của chúng có thể biến thành một phản ứng do tiến trình học hỏi hình thành đối với bất kỳ khó chịu nào về mặt tình cảm, dẫn đến tác phong ẩm thực không dính líu hoặc liên hệ rất ít đến các dấu hiệu đói bên trong cơ thể.

C. CÁC RỐI LOẠN VỀ ẨM THỰC

Trong các trường hợp cực đoan, hành vi ẩm thực có thể bị rối loạn đến mức trở thành một đe dọa cho sinh mệnh. Trong một chứng rối loạn nghiêm trọng là chứng chán ăn do bệnh tâm thần* (anorexia nelvosa), người bệnh không còn muốn ăn uống gì cả trong khi cứ một mực phủ nhận rằng hành vi và hình dáng của họ – có thể đã giống như bộ xương – là không bình thường. Khoảng từ 15 đến 20% người chán ăn tâm thần này thực tế đã bị chết vì nhịn ăn.

* Chứng chán ăn do bệnh tâm thần(anorexia nervosa): bệnh tâm lý thường thấy nhất ở phụ nữ chưa trưởng thành, trong đó bệnh nhân không còn muốn ăn gì cà, thậm chí ghê tởm cả việc ăn uống nữa. Vấn đề thường bắt đầu đơn giản là ước muốn sụt cân, rồi trở thành ăm kiêng. Kết quả là tình trạng sút cân nghiêm trọng, đôi khi có thể chết vì nhịn đói. Nguyên nhân bệnh khá phức tạp – các rắc rối trong gia đình và sự từ chối tình dục ở người trưởng thành thường là các nhân tố liên quan. Bệnh nhân thường phải được chữa trị bằng tâm lý liệu pháp.

Chứng chán ăn tâm thần này chủ yếu tác hại đến các thiếu nữ từ 12 đến đôi mươi; mặc dù cả nam giới lẫn nữ giới thuộc bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc phải. Những người bị chứng rối loạn này nói chung đều xuất thân từ các gia đình có đời sống ổn định, và họ thường là những người thành công, có sức quyến rũ, và tương đối giàu có. Cuộc sống của họ xoay quanh thực phẩm: mặc dù bản thân ăn rất ít, họ cứ phải thường xuyên nấu nướng cho người khác, đi mua sắm thực phẩm hay sách dạy nấu ăn.

Một rối loạn có liên hệ là chứng ăn vô độ (bulimia). Mắc phải rối loạn này, người bệnh rất háu ăn, thường ăn vào số lượng thực phẩm nhiều đến mức khó tin (như chúng ta sẽ thảo luận ở đoạn Ứng Dụng Tâm Lý Học dưới đây). Mỗi lần ăn họ có thể dễ dàng ngốn hết một bánh nhân táo và cả một kg kem. Tiếp sau mỗi lần chè chén, người bệnh có cảm giác phạm tội và u uất, rồi thường chọc cho nôn mửa ra hoặc uống thuốc xổ để tống khứ các thực phẩm vừa mới ăn vào – hành vi này được xem là tẩy xổ. Các chu kỳ chè chén – và – tẩy xổ không ngưng nghỉ; và việc dùng thuốc để nôn mửa hay xổ ra như vậy có thể gây ra tình trạng mất cân bằng sinh hóa cơ thể dẫn đến chứng suy tim (heart failure). Dù sao, nói chung thể trọng của người bị chứng ăn vô độ vẫn giữ ở mức bình thường.

* Chứng ăn vô độ (bulimia) ăn quá nhiều không biết chán. Triệu chứng có thể do tâm thần, thí dụ xảy ra như là một giai đoạn thuộc chứng chán ăn tâm thần, gọi là chứng ăn vô độ do bệnh tâm thần (bulimia nervosa); hay cũng có thể do nguyên nhân thần kinh, như do tổn thương ở vùng cấu tạo dưới đồi não (theo Từ điển Y học).

Chứng chán ăn tâm thần hoặc chứng ăn vô độ này do các nguyên nhân nào gây ra? Một số nhà nghiên cứu nghi ngờ do nguyên nhân sinh lý như tình trạng mất cân bằng hóa học ở cấu tạo dưới đồi não hay ở tuyến tụy (pituitary gland). Các nhà tâm lý khác lại tin rằng nguyên nhân bắt nguồn từ các kỳ vọng xã hội về giá trị của dáng dấp thon thả đi đôi với ý niệm không muốn bị béo phì. Theo quan điểm này, những người bị chứng chán ăn tâm thần và chứng ăn vô độ bám chặt vào quan điểm xã hội cho rằng người ta không bao giờ để bị quá gầy rồi sinh ra lo âu về thể trọng của mình. Phù hợp với lối giải thích này, một số làng đại học đề ra tiêu chuẩn công khai về hành vi chè chén “thích hợp”, và mức độ tiệc tùng có liên hệ đến tình trạng được mọi người ưa chuộng của nữ giới. Cuối cùng, một số nhà tâm lý cho rằng các rối loạn này phát sinh do hậu quả của các bậc cha mẹ đòi hỏi quá đáng ở con cái mình hoặc do các rắc rối khác trong gia đình.

Hiện nay chưa có cách giải thích nào có giá trị toàn diện đối với chứng chán ăn tâm thần hay chứng ăn vô độ. Không ngạc nhiên gì nếu như người ta khám phá được rằng chứng chán ăn tâm thần và chứng ăn vô độ phát sinh do cả hai loại nguyên nhân sinh lý lẫn xã hội, chính vì hành vi ẩm thực nói chung cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố xã hội.

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TÂM LÝ HỌC – KIÊNG ĂN VÀ GIẢM CÂN THÀNH CÔNG

Đối với nhiều người, kiêng ăn (dieting) là một cuộc chiến đấu luôn luôn bị thất bại. Hầu hết mọi người cuối cùng đều chịu thua, đành xuôi tay để cơ thể tăng trở lại số cân đã giảm được. Rồi sau đó họ cố gắng trở lại, và bị kẹt vào cái vòng luẩn quẩn giảm cân rồi lên cân dường như không có chỗ kết thúc. Nếu như chúng ta biết được nguyên nhân của chứng béo phì là gì, thì sự kiện này không có gì đáng ngạc nhiên cả, bởi vì dường như có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến thói quen ẩm thực cũng như thể trọng của mỗi người.

Theo các chuyên viên về vấn đề ăn kiêng, có một số điểm nên ghi nhớ khi nỗ lực giảm cân:

– Hãy nhớ rằng không có con đường bằng phẳng dẫn đến việc kiểm soát được thể trọng. Bạn sẽ phải luôn luôn thực hiện các đổi thay trong cuộc sống của mình nhằm giảm cân và giữ mình tránh bị lên cân trở lại. Bước cụ thể nhất, giảm bớt lượng thực phẩm ăn vào chỉ là bước mở đầu cho quyết tâm trọn đời nhằm thay đổi tập quán ăn uống của bạn. Bạn cũng phải bắt đầu tìm hiểu giá trị năng lượng của thực phẩm ăn vào cũng như sự cân đối giữa các loại dưỡng chất khác nhau trong toàn bộ lượng thực phẩm ăn vào.

– Đề ra các mục tiêu hợp lý: Hãy hiểu rõ rằng bạn muốn giảm bao nhiêu cân trước khi bắt đầu ăn kiêng. Đừng cố gắng giảm cân quá nhiều và quá nhanh, nếu không bạn nhất định sẽ bị thất bại.

– Tập thể dục. Khi tập thể dục, bạn sẽ đốt lớp mỡ dự trữ dùng làm nhiên liệu để vận động các cơ bắp. Khi lớp mỡ này đã dùng hết, có lẽ bạn sẽ giảm cân. Lý thuyết mức thể trọng báo động còn cho rằng ưu điểm khác của việc tập thể dục vừa phải và đều đặn là việc làm này có thể hạ thấp mức thể trọng báo động của bạn. Mặc dù vẫn còn một số tranh luận về mức tập luyện chính xác phải là bao nhiêu mới thực sự giảm cân được, nhưng đa số các chuyên viên đều khuyến cáo nên tập ít nhất liên tiếp 30 phút các động tác thể dục nhẹ nhàng, và một tuần tập ít nhất 3 lần (Nếu không có gì khác xảy ra, thì sự phóng thích chất endorphin trong cơ thể sau buổi tập – đã bàn ở Chương 2 – cũng sẽ giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn, cho dù bạn không giảm cân được).

– Tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của các kích thích bên ngoài do sinh hoạt xã hội đối với hành vi ẩm thực của bạn. Có nhiều việc bạn có thể thực hiện được nhằm giảm bớt khả năng bị lôi cuốn bởi thức ăn gợi cơn thèm của bạn. Chẳng hạn, bạn có thể lấy khẩu phần ăn ít hơn cho mình hay có thể rời khỏi bàn ăn trước khi nhìn thấy món tráng miệng được dọn ra. Thậm chí đừng nên mua các loại thực phẩm ăn liền như đậu phộng hoặc khoai tây chiên; bởi vì nếu không có sẵn trong tủ thức ăn, thì bạn sẽ không còn dịp lấy ra ăn nữa. Hãy gói các loại thực phẩm trữ trong tủ lạnh bằng giấy bạc để bạn khỏi phải nhìn thấy chúng. Bằng cách này, bạn sẽ không bị trêu ngươi do nhìn thấy thức ăn mỗi khi mở tủ lạnh lấy nước uống.

– Tránh xa các lối ăn kiêng theo mốt nhất thời. Dù cho các lối ăn kiêng này thịnh hành đến mức nào vào bất cứ thời điểm nào, thì các biện pháp ăn kiêng cực đoan, bao gồm chế độ ăn loãng (liquid diets), thường không có hiệu quả trong dài hạn, mà ngược lại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

– Khi đã đạt được mức thể trọng mong muốn rồi, hãy duy trì thói quen mà bạn đã thiết lập được trong thời kỳ ăn kiêng nhằm tránh bị lên cân trở lại, làm hỏng thành quả đã gặt hái được. Hãy quan tâm cải thiện vai trò của thực phẩm và hành vi ẩm thực trong cuộc sống của bạn cũng như quan điểm nói chung của bạn về thang giá trị xã hội.

Nhưng trên cả mọi thứ, đừng nên có cảm giác phạm tội nếu như bạn chưa thành công trong cuộc phấn đấu giảm cân. Nếu như có chứng cứ cho thấy rằng chừng béo phì của bạn có thể do yếu tố di truyền quyết định, thì tình trạng không thể giảm cân không nên xem là một thất bại đáng kể trong cuộc sống. Thực ra, bạn vẫn còn có nhiều người đồng hội đồng thuyền. Bởi vì khoảng 90% số người kiêng ăn đều bị tăng thể trọng trở lại mức cũ. Và ngay cả khi được giảm cân chút ít cũng còn hơn không: chỉ cần giảm bớt được 10% thể trọng là có thể giảm bớt các nguy cơ chủ yếu cho sức khỏe của người bị chứng béo phì rồi.

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC

VẤN ĐỀ CHỮA TRỊ CÁC RỐI LOẠN VỀ ẨM THỰC

Cô ta có thể là cô gái ở nhà bên cạnh. Thông minh, chịu khó, thành công và xinh đẹp ở tuổi đôi mươi, Christine Bergel là một người mẫu đúng tiêu chuẩn đối với những người khác.

Điều rắc rối là Christine không hề thấy mình theo cách người khác nhận xét về cô. Cô chán ghét dáng dấp của mình rồi nẩy sinh tâm trạng lo âu về dáng dấp và thể trọng của cô. Để đối phó với tâm trạng này, Christine âm thầm thực hiện nhiều lần chu kỳ ngốn thật nhiều thức ăn vào rồi cho nôn mửa ra hết. Lúc chán chường nhất, cô ăn lấy ăn để rồi sau đó cho nôn mửa ra kỳ hết, mỗi ngày đến ba lần như thế. Bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình quá béo, mỗi ngày cô tập thể dục đến ba giờ đồng hồ. Các chu kỳ chè chén – và – tẩy xổ không ngưng nghỉ đi kèm theo với mặc cảm phạm tội và tâm trạng u uất sâu sắc về việc làm mà cô biết là hành vi tự hủy hoại.

Rối loạn mà Christine mắc phải là chứng ăn vô độ (bulimia). Khoảng từ 1 đến 2% thiếu nữ ở độ tuổi học đại học mắc phải chứng bệnh này. Đây là một trong nhiều dạng rối loạn về ẩm thực tác hại chủ yếu đến nữ giới ở độ tuổi chưa trưởng thành, mặc dù cũng tìm thấy ở những người khác. Các chu kỳ chè chén – và – tẩy xổ theo thói quen của chứng ăn vô độ có thể dẫn đến chứng rối loạn bộ máy tiêu hóa, hư răng, và thậm chí cả chứng suy tim nữa.

Tuy nhiên, câu chuyện của Christine lại có một kết thúc tốt đẹp. Nhận thức được mức nghiêm trọng của trường hợp mình, Christine đã tự mình xin điều trị nội trú ở một cơ quan y tế dành cho người bị các rối loạn về ẩm thực. Sau 6 tuần lễ chữa trị, bao gồm liệu pháp cá nhân và tập thể, Christine đã kiểm soát được hành vi ẩm thực cũng như ám ảnh của cô về dáng dấp của mình.

Cách chữa trị mà Christine tiếp nhận tiêu biểu cho liệu pháp áp dựng cho những người bị các chứng rối loạn về ẩm thực. Đối với người bị chứng ăn vô độ, cách chữa trị thường bao gồm liệu pháp giúp bệnh nhân tìm hiểu nguyên nhân gây ra hành vi ăn uống của họ. Ngoài ra, bệnh nhân được huấn luyện cách dùng các món ăn họ ưa thích, nhưng không được cho nôn mửa ra sau đó. Mục đích của phương pháp này để dạy cho người bệnh cách kiêm soát thói quen ẩm thực của họ.

Trong các trường hợp bị chứng chán ăn, mục tiêu ban đầu của việc chữa trị là giúp cho bệnh nhân lên cân. Việc làm này phải được thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng teo cơ và các triệu chứng mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể. Trong các ca nghiêm trọng, hạnh nhân được cho ăn bằng ống dẫn qua đường mũi. Còn việc lên cân dài hạn được xúc tiến bằng các biện pháp khen thưởng. Thí dụ, nếu chịu ăn bệnh nhân sẽ được xem TV hoặc nhận thư thăm hỏi. Mục đích nói chung nhằm giúp cho bệnh nhân mỗi ngày tăng thể trọng một cân Anh (gần 1/2 kg).

Sau khi người bệnh chán ăn đã lên đủ cân, họ được cố vấn về mặt tâm lý. Liêu pháp này thường yêu cầu cả gia đình góp sức, bởi vì chứng chán ăn đôi khi gắn liền với các rắc rối trong gia đình.

Qua các biện pháp chữa trị như thế, khoảng phân nửa tổng số người bị chứng chán ăn đã khỏi hẳn, và đạt được mức thể trọng bình thường. Ngoài ra, khoảng từ 30 đến 40% đã lên cân đôi chút, mặc dù vẫn còn dưới mức thể trọng trung bình.

III. CÁC NHU CẦU VÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY CON NGƯỜI: TÌNH DỤC CÙNG CÁC NHU CẦU THÀNH ĐẠT, KẾT ĐOÀN VÀ QUYỀN LỰC

Có lẽ bạn thấy người ta ít tranh luận về quan điểm cho rằng tình dục là một động lực thúc đẩy rất khác biệt so với cơn khát và cơn đói. Không giống với hiện tượng đói chưa một ai từng bị chết về nhu cầu tình dục không được thỏa mãn cả. Nhưng lại giống như cơn đói, tình dục vẫn cứ là một lực lượng thúc đẩy nguyên sơ của chúng ta, nó không chỉ là một nhu cầu sinh vật quan trọng mà còn là một trong nhu cầu xã hội cực kỳ quan trọng nữa. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu động lực tình dục cũng như một số thúc đẩy thứ cấp tiêu biểu, chỉ riêng con người mới có như: nhu cầu thành đạt, kết đoàn và quyền lực.

1. Những điều cần biết về cuộc sống: Động lực tình dục của con người

Bất kỳ ai đã từng nhìn thấy hai con chó giao hợp cũng đều biết rằng hành vi tình dục có cơ sở sinh vật. Hành vi tình dục của chúng diễn ra hoàn toàn tự phát, không cần đến sự khêu gợi chi nhiều bởi đối phương. Các nhân tố di truyền của giống loài chi phối hoàn toàn hành vi tình dục của loài vật. Chẳng hạn, hành vi của loài vật chịu ảnh hưởng bởi một số hormone hiện diện trong máu. Ngoài ra, các con cái chỉ chịu được một thời gian nhất định và tương đối hạn chế trong năm mà thôi.

Hành vi tình dục của loài người phức tạp hơn, mặt dù tính đặc trưng sinh vật căn bản không khác gì các loài động vật khác. Thí dụ, ở nam giới đến tuổi dậy thì tinh hoàn (testes) tiết ra hormone tình dục nam androgen. Androgen không chỉ giúp phát triển các đặc tính sinh dục nam thứ cấp, như mọc râu và giọng nói trầm mà còn giúp tăng thêm sức thúc đẩy tình dục nữa. Mặc dù có những thay đổi dài hạn về khối lượng sản sinh androgen – khôi lượng sản sinh nhiều nhất xảy ra ngay sau thời kỳ các cơ quan sinh dục trưởng thành – nhưng trong ngắn hạn khối lượng sản sinh lại khá đều đặn. Do đó, nam giới có khả năng (và ham thích) hoạt động tình dục bất kể các chu kỳ sinh học. Hễ được kích thích đúng mức là tình dục được đánh thức và hành vì tình dục nam có thể diễn ra.

Nữ giới lại biểu lộ hành vì tình dục theo kiểu khác hẳn và phức tạp hơn nữa. Khi phát triển đến tuổi dậy thì (puperty), hai buồng trứng (còn gọi là noãn sào – ovaries cơ quan sinh dục chủ yếu của nữ giới) bắt đầu sản sinh ra oestrogen hormone sinh dục nữ. Nhưng không phải bất cứ lúc nào oestrogen cũng được sản sinh, mà việc sản sinh xảy ra theo chu kỳ. Lượng sản sinh nhiều nhất xảy ra trong thời kỳ phóng nõan (còn gọi là rụng trứng – ovulation), khi một noãn được phóng thích ra khỏi noãn sào, tạo cơ hội thụ tinh cao nhất cho một tinh trùng do nam giới đưa vào. Trong khi ở loài vật thời kỳ quanh lúc phóng noãn là thời điểm duy nhất để con cái chịu đực, thì con người lại khác hẳn. Mặt dù có sự dị biệt về sức thúc đẩy tình dục ở một người, song nói chung nữ giới sẵn sàng chấp nhận làm tình vào một lúc tùy thuộc vào các kích thích bên ngoài mà họ gặp phải trong hoàn cảnh thích hợp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.