Tâm lý học căn bản

Chương 9. ĐỘNG LỰC VÀ XÚC CẢM



DÀN BÀI

Mở đầu

Triển khai chủ đề

I. CÁC NỖ LỰC GIẢI THÍCH ĐỘNG LỰC

1. Bản năng sinh ra đã bị thúc đẩy

2. Lý thuyết giảm bớt thúc đẩy để giải thích động lực

3. Lý thuyết tình trạng thức tỉnh: Đi tìm kích thích

4. Lý thuyết khích lệ: Sức lôi cuốn của động lực

5. Lý thuyết tiến trình đối nghịch: các mặt âm và dương của động lực

6. Lý thuyết tiến trình trí tuệ

7. Quan điểm hệ cấp của Maslow: Xếp thứ tự các nhu cầu thúc đẩy

8. Kết từ về các lý thuyết giải thích động lực

9. Tóm tắt và Học ôn I

II. CÁC NHU CẦU VÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY CON NGƯỜI: ĂN, UỐNG

1. Cơn khát

2. Cơn đói

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC: Vấn đề chữa trị các rối loạn về ẩm thực

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ TÂM LÝ HỌC: Kiêng ăn và giảm cân thành công

III. CÁC NHU CẦU VÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY CON NGƯỜI: TÌNH DỤC CÙNG CÁC NHU CẦU THÀNH ĐẠT, KẾT ĐOÀN VÀ QUYỀN LỰC

1. Những điều cần biết trong cuộc sống: Động lực tình dục của con người

2. Nhu cầu thành đạt: khao khát thành công

3. Nhu cầu kết đoàn: khao khát tình thân hữu

4. Nhu cầu quyền lực: khao khát gây ảnh hưởng đối với tha nhân

5. Tóm tắt và Học ôn II

IV. TÌM HIỂU KINH NGHIỆM XÚC CẢM

1. Chức năng của xúc cảm

2. Giải thích các xúc cảm của bản thân

3. Lý thuyết James Lange: Phải chăng phản ứng nội tạng tương đồng với xúc cảm?

4. Lý thuyết Cannon – Bard: Phản ứng sinh lý là hậu quả của xúc cảm

5. Lý thuyết Schachter – Singer: Xúc cảm căn cứ vào cách gọi tên tình trạng cảnh giác sinh lý

6. Tóm tắt các lý thuyết giải thích hiện tượng xúc cảm

TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Phải chăng các biểu lộ xúc cảm vô ngôn phổ biến qua các nền văn hóa?

7. Tóm tắt và Học ôn III

V. NHƯNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI

MỞ ĐẦU

TRƯỜNG HỢP PETER POTTERFIELD

Tôi sẽ mãi mãi không thể nào quên chai nước ấy, dáng vẻ hấp dẫn của nó, sức nặng diệu kỳ của nó. Tới mở nắp chai và bắt đầu uống. Trong đời tôi chưa từng cảm thấy thứ gì ngon ngọt đến như thế, làm dịu cơn khát đến như thế, và giúp tôi thoải mái đến như thê. Tôi uống từng hớp dài, chỉ ngưng lại để thở rồi tiếp tục nốc cho kỳ hết.

“Còn nữa không?” Tôi hỏi. Anh ta đưa cho tôi một chai khác. Tôi lại nốc ừng ực, chỉ để lại chút ít để dội lên cái đầu đang hừng hực nóng. Tôi cảm thấy mình như một con người mới vậy (Potterfleld, 1991, trang 193).

Đối với Peter Potterfteld, lần uống nước ấy phản ánh ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Là một tay leo núi dạn dày kinh nghiệm, Potterfleld bị trượt chân rơi xuống một mõm đá hẹp trong ngọn núi Chimney Rock thuộc rặng Cascack. Suýt chết, với nhiều mảnh xương vỡ lồi ra ngoài da thịt, Potterfteld gắng gượng tỉnh táo trong khi người bạn đồng hành tìm cách cứu anh. Potterfteld biết điều ấy là tối cần thiết để sống còn, và anh cố dè xẻn nguồn dự trữ ít ỏi trong nhiều giờ liền. Dù vậy, cuối cùng anh vẫn không còn chút nước để thấm môi trong khi nằm lơ lửng trên một cành cây nhỏ dưới ánh nắng gay gắt.

Đến khi đêm xuống, mọi ý nghĩ của Potterfteld đều xoay quanh cơn khát. Như sau này anh viết: “Lần đầu tiên tôi mới biết cơn khát thực sự là gì. Nó quả là nổi giày vò đến điên cả người. Tưởng tượng đến các thứ giải khát tôi sẽ uống nếu về được đến nhà – nước quất pha sođa, hoặc mấy ly đá chanh to – tôi hình dung đến từng chi tiết như màu sắc và mùi vị của chúng. Cứ nghĩ đến là yết hầu như thắt lại, khiến cho các chỗ khô nứt trong miệng và cổ họng đau đớn khó chịu, thỉnh thoảng còn khiến cho tôi phải nấc cụt nữa.” (trang 186)

Phải mất gần 24 giờ sau tai nạn, Potterfteld mới nhận được nước để xoa dịu cơn khát cháy cổ khi các nhân viên cứu nạn được trực thăng đưa đến hiện trường. Chỉ trong vòng nửa giờ anh đã nốc cạn gần 4 lít nước đến mức hai quả thận như sắp vỡ tung ra vậy.

TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ

Điều gì đã khiến cho Potterfield thèm khát nước sau tai nạn? Nhưng trước hết, tại sao anh xem môn leo núi như một sở thích? Và điều gì đã thúc đẩy anh nẩy sinh ý chí cầu sinh mãnh liệt đến mức giúp anh sống còn trong các điều kiện quá khó khăn như thế?

Trong chương này, chúng ta tìm hiểu các tiến trình làm nền tảng cho động lực thúc đẩy, và một chủ đề liên hệ là xúc cảm. Động lực thúc đẩy (motivation) liên hệ đến các nhân tố chi phối và tiếp sức cho hành vi cư xử của con người cũng như của loài sinh vật khác.

Các nhà tâm lý chuyên khảo cứu về động lực thúc đẩy tìm cách khám phá các động cơ (motives), hay các mục tiêu mong muốn đạt được, làm nền tảng cho các hành vi ấy. Các động cơ này có thể được biểu trưng bởi các hành vi có tính cấp thiết như uống nước để làm dịu cơn khát nước chẳng hạn, hoặc không có tính cấp thiết như tản bộ một đoạn đường để tập thể dục chẳng hạn. Đối với các nhà tâm lý này, động cơ căn bản được xem là tác nhân khiến cho người ta chọn lựa cách hành động của mình.

Do đó, nghiên cứu về động lực thúc đẩy bao gồm việc nhận diện ra nguyên nhân khiến người ta gây ra các sự việc mà họ đã làm. Các nhà tâm lý chuyên khảo cứu động lực thúc đẩy sẽ nêu ra các câu hỏi như: “Tại sao người ta chọn lấy các mục tiêu đặc biệt để phấn đấu?”, “Các động cơ cụ thể nào chi phối hành vi ứng xử?”, giữa các cá nhân có những khác biệt gì về động lực thúc đẩy lý giải cho các hành vi khác biệt của họ?” chẳng hạn.

Trong khi động lực thúc đẩy liên quan đến các lực lượng chỉ phối hành vi trong tương lai, thì xúc cảm (emotion) lại gắn liền với các tình cảm mà chúng ta đã trải qua trong cuộc sống của mình. Nghiên cứu về xúc cảm chú trọng đến các kinh nghiệm nội tâm của chúng ta vào bất kỳ một thời điểm nào đó. Hầu hết chúng ta đều đã từng nếm qua rất nhiều dạng cảm xúc: sung sướng vì được điểm A cho một bài thi khó khăn, buồn rầu vì cái chết của một người thân thương, phẫn nộ vì bị đối xử bất công. Bởi vì các xúc cảm chẳng những có thể làm động cơ thúc đẩy hành vi mà còn có thể phản ánh động lực thầm kín chi phối chúng ta nữa, nên chúng đóng một vai trò nổi bật trong cuộc sống của chúng ta, và việc tìm hiểu xúc cảm cho đến nay vẫn là lãnh vực nghiên cứu tối quan trọng đối với các nhà tâm lý.

Trong chương này, chúng ta tìm hiểu động lực thúc đẩy và hiện tượng cảm xúc. Chúng ta khởi đầu bằng cách chú trọng đến các quan điểm chủ yếu về động lực thúc đẩy, thảo luận xem các động cơ và nhu cầu khác nhau của con người kết hợp với nhau ra sao để ảnh hưởng đến hành vi của họ. Chúng ta tìm hiểu cả những động cơ sơ đẳng – các động cơ có nền tảng sinh học và có tính phổ biến, như cơn đói chẳng hạn – lẫn những động cơ chỉ riêng con người mới có – như nhu cầu thành đạt, nhu cầu kết đoàn, và nhu cầu quyền lực chẳng hạn. Sau đó, chúng ta tiến đến tìm hiểu bản chất của kinh nghiệm xúc cảm ở cả hai bình diện sinh lý và tâm trí. Chúng ta tìm hiểu vai trò và chức năng của xúc cảm trong cuộc sống thường ngày, thảo luận một số lý thuyết đã được xây dựng nhằm giải thích xem con người làm sao để hiểu được các xúc cảm mà họ đã trải qua vào một thời điểm nhất định nào đó. Cuối cùng, chương này kết thúc bằng một thảo luận về cách truyền đạt xúc cảm cho người khác thông qua hành vi vô ngôn (nonverbal behavior).

Như vậy, sau khi đọc xong chương này bạn sẽ đủ sức trả lời các câu hỏi sau đây:

– Động lực điều khiển và tiếp sức cho hành vi bằng cách nào?

– Các nhân tố sinh vật và xã hội nào làm nền tảng cho cơn khát và cơn đói?

– Tại sao, và trong hoàn cảnh nào, chúng ta bị thúc đẩy về mặt tình dục?

– Các nhu cầu thành đạt, kết đoàn, và quyền lực được biểu lộ ra sao?

– Xúc cảm là gì? Chúng ta làm sao để cảm nhận được chúng và chúng có chức năng gì?

I. CÁC NỖ LỰC GIẢI THÍCH ĐỘNG LỰC

Điều gì đã khiến cho Peter Potterfield cố phấn đấu để tồn tại? Giống như hầu hết các câu hỏi xoay quanh vấn đề động lực thúc đẩy, câu hỏi này cũng có mấy cách trả lời. Hiển nhiên, các khía cạnh sinh học của động lực thúc đẩy đã can thiệp vào: Nhu cầu nước uống, cơm ăn, và sưởi ấm đã tác động khiến cho Potterfield nỗ lực tự cứu lấy bản thân. Nhưng các nhân tố tâm trí cũng hiện rõ trong niềm tin của anh là anh còn quá trẻ không đành xuôi tay nhắm mắt. Cuối cùng, các nhân tố xã hội – niềm ao ước được gặp lại gia đình và bạn bè – đã giúp anh giữ vững ý chí để sống còn.

Tính phức tạp của động lực thúc đẩy đã khiến người ta xây dựng nhiều khảo hướng về mặt nhận thức để tìm hiểu nó. Mặc dù các khảo hướng khác biệt nhau do mức độ bao quát các nhân tố sinh học, tâm trí, và xã hội, song tất cả các khảo hướng này đều tìm cách giải thích thứ năng lực đã hướng dẫn hành vi của con người đi theo các phương hướng đặc biệt.

1. Bản năng: Sinh ra đã bị thúc đẩy

Trước hết các nhà tâm lý tìm cách giải thích động lực thúc đẩy bằng bản năng (instincts), là những kiểu hành vi bẩm sinh đã được quyết định về mặt sinh học. Theo các lý thuyết dùng bản năng để giải thích động lực, con người cũng như các loài động vật khác khi sinh ra một loài đã được định sẵn phải thực hiện một số hành vi cần thiết để tồn tại. Chính các bản năng này cống hiến năng lực để lèo lái hành vi theo đúng hướng. Do đó, tình dục có thể được giải thích như một phản ứng đối với bản năng sinh sản, và hành vi thám hiểm có thể được xem như được thúc đẩy bởi bản năng tìm hiểu lãnh địa của giống loài.

* Bản năng (instinct) Thuật ngữ này có hai nghĩa:

1. Một kiểu hành vi ứng xử phức tạp đã được định sẵn từ khi sinh ra và kiểu hành vi này là đặc điểm của tất cả mọi cá thể thuộc cùng một giống loài. Hành vi ứng xử biểu lộ ra tuy thay đổi theo các kích thích của môi trường, nhưng kiểu mẫu ấy vẫn tương đối đồng nhất và có tính tiền định.

2. Một xu hướng bẩm sinh thúc đẩy khiến cho một cá thể hướng đến một mục tiêu đặc biệt, có một hành vi đặc biệt (thí dụ, dục tính – libido – trong phân tâm học chẳng hạn) (theo Từ điển Y học).

Tuy nhiên, quan điểm này vấp phải một số trở ngại. Trở ngại đầu tiên là các nhà tâm lý không thể nhất trí với nhau về loại bản năng nào là bản năng sơ đẳng hay nguyên thủy (primary instincts). Một nhà tâm lý hồi đầu thế kỷ 20 là William McDougal (1908) cho rằng có đến 18 bản năng, bao gồm tính hiếu chiến (pugnacity) và tinh quần củ (gregarlousness). Những nhà khảo cứu khác tìm thấy còn nhiều hơn thế nữa – như một nhà xã hội học đã khẳng định con số chính xác về bản năng nguyên thủy lên đến 5759. Hiển nhiên, một bảng liệt kê dài dòng như thế sẽ không hữu ích lắm cho việc xếp loại các hành vi của chúng ta.

Không một lối giải thích nào căn cứ vào khái niệm bản năng tiến xa hơn được để giải thích nguyên nhân tại sao một giống loài lại có một kiểu hành vi đặc thù. Hơn nữa, nếu như bản năng được xem là nguyên động lực chủ yếu thì thật khó lòng giải thích sáng tỏ hành vi của con người do tính phức tạp và đa dạng của nó, dù đa phần đã được tìm hiểu khá rõ ràng. Cho nên, các quan điểm về động lực thúc đẩy có nền tảng bản năng đã bị bác bỏ bởi những cách lý giải mới. Nhưng dù sao khảo hướng bản năng vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong một số lý thuyết. Thí dụ, trong các chương sau chúng ta sẽ thảo luận đến công trình khảo cứu của Freud; ông này cho rằng các thúc đẩy có tính bản năng về tình dục và gây hấn là động cơ của hành vi ứng xử. Ngoài ra, nhiều kiểu hành vi của các loài động vật hiển nhiên có cơ sở bản năng.

2. Lý thuyết giảm bớt sức thúc đẩy để giải thích động lực

Để bác bỏ lý thuyết bản năng, trước hết các nhà tâm lý đã đưa ra các lý thuyết giảm bớt sức thúc đẩy để giải thích động lực. Lý thuyết giảm bớt sức thúc đẩy (drive – reducion theory) cho rằng khi người ta có một nhu cầu sinh lý căn bản như cần uống nước chẳng hạn, thì một thúc đẩy nhằm thỏa mãn nhu cầu ấy (trong trường hợp này là sức thúc đẩy do cơn khát) phát sinh.

Để tìm hiểu khảo hướng này, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm sức thúc đẩy. Sức thúc ấy (drive) là tình trạng căng thẳng hay tình trạng cảnh giác (arousal) tạo ra sức thúc đẩy khiến cho người ta có hành vi nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Nhiều dạng thúc đẩy như cơn đói, cơn khát, cơn buồn ngủ, và tình dục, đều có liên quan đến các nhu cầu sinh lý của cơ thể hoặc nói chung của giống loài. Các dạng này được gọi là các thúc đẩy sơ đẳng (primary drives). Các dạng ngược lại là các thúc đẩy thứ cấp (secondary drives), trong đó không có nhu cầu sinh lý cụ thể nào được thỏa mãn cả. Trong các thúc đẩy thứ cấp, các nhu cầu phát sinh nhờ kinh nghiệm và tiến trình học tập trước đây. Như chúng ta sẽ thảo luận sau này, một số người rất khao khát thành công ở học đường và trong nghề nghiệp. Chúng ta có thể nói rằng nhu cầu thành đạt của họ là thúc đẩy gián tiếp khiến cho họ chọn lựa một số hành vi nhất định.

** Tình trạng cảnh các hay tỉnh thức(arousal) Thuật ngữ này có hai nghĩa:

1. Tình trạng tỉnh táo và có khả năng phản ứng cao độ với các dạng kích thích. Tình trạng này phát sinh do bị thúc đẩy mạnh (strong motivation), do lo âu, hoặc do rơi vào hoàn cảnh gây kích thích.

2. Sự hoạt hóa sinh lý của vỏ não do các trung tâm ở dưới não, như hệ thống hoạt hóa lưới, gây ra tình trạng tỉnh ngủ và cảnh giác. Người ta cho rằng tình trạng tỉnh thức ở mức độ thấp hay cao quá mức đều sẽ đưa đến những rối loạn thần kinh như chứng ngủ kịch phát (narcolepsy) và chứng hưng câm (menia).

Thông thường chúng ta cố gắng giải quyết một thúc đẩy sơ đẳng bằng cách giảm đi nhu cầu làm nền tảng cho thúc đẩy ấy. Thí dụ, chúng ta cảm thấy đói sau một vài giờ không ăn thứ gì và có thể chúng ta se có hành vi sục sạo tủ lạnh nếu như còn lâu mới đến bữa ăn kế tiếp. Nếu thời tiết trở lạnh, chúng ta sẽ mặc thêm áo ấm hoặc vặn nút tăng nhiệt độ máy sưởi. Nếu giống như Potterfield, cơ thể chúng ta cần thêm nước để hoạt động bình thường chúng ta sẽ cảm thấy khát và đi tìm nước uống.

Nguyên nhân khiến cho chúng ta có các hành vi như thế là tính hằng định nội môi, một hiện tượng có tính động lực căn bản làm cơ sở cho các thúc đẩy sơ đẳng. Hằng định nội môi (homeostasis) là sự duy trì hoạt động sinh lý bên trong cơ thể ở một mức độ tối thuận nào đó bằng cách bù đắp các khoản thâm hụt để bảo đảm tình trạng cân bằng bình thường bên trong cơ thể sinh vật. Mặc dù không phải tất cả mọi hành vi sinh lý căn bản liên quan đến động lực đều phù hợp với một kiểu hằng định nội môi nào đó – như hành vi tính dục chẳng hạn – nhưng hầu hết các nhu cầu căn bản của cuộc sống, bao gồm cơn đói, cơn khát, và cơn thèm ngủ, đều có thể được giải thích khá hợp lý bằng khảo hướng này.

** Hàng định nội mỗi (homeostasis): tiến trình sinh lý trong đó các hệ bên trong cơ thể (như huyết áp, thân nhiệt, sự cân bằng acid – kiềm) được giữ ở mức độ cân bâng, bất kể các thay đổi từ bên ngoài (theo Từ điển Y học).

Không may thay, mặc dù cống hiến cách giải thích hợp lý rằng các thúc đẩy sơ đẳng làm động lực phát sinh hành vi, nhưng lý thuyết giảm bớt thúc đẩy lại không chính xác khi tiến lên giải thích các hành vi trong đó mục đích không nhằm giảm bớt sức thúc đẩy, mà trái lại nhằm duy trì hoặc thậm chí còn làm tăng thêm mức kích động hay cảnh giác nữa. Thí dụ, nhiều người chúng ta thường vượt ra khỏi khuôn khổ cuộc sống hàng ngày đi tìm cảm giác mạnh qua các hành vi như ngồi xe trượt quán tính và lái bè gỗ vượt qua các ghềnh thác trên một con sông chẳng hạn.

Lại còn các hành vi khác thường như không bị thúc đẩy bởi các động lực nào khác ngoài tính hiếu kỳ (cudosity). Bất kỳ ai đã từng chạy bổ đến bóc lá thư mới nhận được, háo hức theo dõi các cột chuyện vặt trên nhật báo, hay khao khát đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh, đều biết rõ tầm quan trọng của tính hiếu kỳ trong việc chi phối hành vi của con người. Và không chỉ con người mới có hành vi phản ánh tính hiếu kỳ. Loài khỉ tìm cách đè lên một thanh chắn làm bật mở một khe hở chỉ để nhìn được vào một căn phòng khác, đặc biệt khi trong phòng ấy có một việc gì hấp dẫn (như một đoàn tàu hỏa đồ chơi đang chạy chẳng hạn). Loài khỉ cũng chịu khó tìm cách giải đáp các thách đồ lắp ráp máy móc, ngay trong trường hợp nổ lực của chúng không đem lại phần thưởng gì cả.

Tìm cảm giác mạnh và hiếu kỳ đúng là hai loại hành vi khiến cho người ta nghi ngờ rằng lý thuyết giảm bớt thúc đẩy không có tầm giải thích bao quát một khía cạnh của động lực. Trong cả hai trường hợp này, thay vì tìm cách giảm bớt sức thúc đẩy căn bản, con người cũng như loài vật dường như bị thúc đẩy tăng thêm mức độ kích thích và hoạt động nói chung. Đế giải thích hiện tượng này, các nhà tâm lý đã đề nghị một số khảo hướng khác để thay thế cho quan điểm giảm bớt thúc đẩy.

3. Lý thuyết tình trạng thức tỉnh: Đi tìm kích thích

Lý thuyết tình trạng thức tỉnh tìm cách giải thích loại hành vi trong đó mục tiêu là duy trì hoặc tăng thêm mức độ hào hứng. Theo thuyết tình trạng thức tỉnh (arousal theory), mỗi người chúng ta đều tìm cách duy trì một mức độ kích thích và hoạt động nhất định. Giống như quan điểm giảm bớt thúc đẩy, nếu mức độ kích thích và hoạt động của chúng ta lên quá cao, chúng ta sẽ cố gắng giảm bớt mức độ ấy đi. Nhưng lý thuyết tình trạng tỉnh thức lại tiến xa hơn, chủ trương một điều hoàn toàn khác hẳn quan điểm giảm bớt thúc đẩy là: nếu như mức độ kích thích xuống quá thấp thì chúng ta sẽ cố gắng gia tăng mức độ ấy để tìm kích thích đúng mức.

Thuyết tình trạng tỉnh thức giải thích được một trong các nguyên tắc lâu đời nhất của môn tâm lý học, được hiệu chính bởi hai nhà tâm lý hồi năm 1908, đó là quy luật Yerkes – Dodson (Yerkes – Dodson law). Theo quy luật này và các hiệu chính sau đó của nó, tình trạng tỉnh táo chủ ý ở mức độ đặc biệt sẽ giúp cho việc thực hiện công tác đạt được thành quả tối ưu. Cụ thể hơn, nhờ tỉnh táo cao độ các công tác đơn giản thường được thực hiện thuận lợi hơn các công tác phức tạp. Như vậy, dường như tình trạng tỉnh táo cao độ gây trở ngại cho việc thực hiện thành công các công việc phức tạp, ngược lại tình trạng này kích thích người ta đạt được thành quả mỹ mãn hơn ở các công việc đơn giản (Xem Hình 9 – 1).

Ngược lại, cả hai loại công việc phức tạp lẫn đơn giản đều sẽ bị thiệt hại khi mức độ tỉnh táo của người thực hiện lên quá cao. Trong trường hợp này, tình trạng tỉnh táo ấy sẽ khiến người ta bối rối và phát sinh lo âu, làm giảm khả năng thực hiện bất kể mức độ khó khăn của công việc. Tóm lại, theo thuyết tình trạng tỉnh táo có một mức độ tỉnh táo tối thuận để thực hiện công việc: và mức tỉnh táo mà quá cao hay quá thấp đều khiến cho việc thực hiện trở nên tồi tệ hơn.

Hình 9–1: Quy luật Yerkes – Dodson phát biểu rằng thành quả tối hảo đối với một công việc sẽ đạt được nhờ các mức độ tỉnh táo khác nhau, tùy thuộc công việc ấy thuộc loại đơn giản, như trình bày ở (a), hay thuộc loại phức tạp, như trình bày ở (b).

Con người rất khác biệt nhau trong việc tìm kiếm mức độ tỉnh táo tối thuận cho mình. Thí dụ, loại người phức tạp như diễn viên hài kịch John Belushi, nhà nghiên cứu chất DNA Sir Francis Crick, loại người táo bạo như Evel Knievel, những tên cướp ngân hàng Bonnie và Clyde đều được xem là những người rất khao khát đi tìm kích thích mới lạ để đạt được mức tỉnh táo tốt thuận. Nhưng không phải chỉ những người nổi danh mới bị lôi cuốn chạy đi tìm tình trạng tỉnh táo tối thuận ấy, mà nhiều người chúng ta đều khao khát đi tìm mức kích thích khá cao. Muốn biết được mức kích thích đặc trưng của bản thân, bạn thử trả lời các câu hỏi ở Bảng 9 – 1 dưới đây.

BẢNG 9–1

Bạn có đi tìm cảm giác mới lạ không?

Bạn khao khát được kích thích đến mức nào trong cuộc sống thường ngày? Bạn sẽ hình dung được điều ấy sau khi hoàn tất việc thăm dò sau đây. Bảng câu hỏi này ghi lại một số câu hỏi trích từ một thang điểm đánh giá khuynh hướng tìm cảm giác mới lạ của bạn. Hãy khoanh tròn A hoặc B trong mỗi cặp phát biểu:

1/

A. Tôi ưa thích một việc làm đòi hỏi đi đây đi đó nhiều nơi.

B. Tôi thích việc làm ở cố định một nơi hơn.

2/

A. Tôi cảm thấy phấn khởi vào một ngày lộng gió và lạnh lẽo.

B. Tôi nóng ruột chờ đợi được ở nhà vào một ngày lạnh lẽo.

3/

A. Tôi chán ngấy cứ phải nhìn thấy những bộ mặt quen thuộc.

B. Tôi thích sự thân mật dễ chịu trong cảnh họp mặt bạn bè thường ngày.

4/

A. Tôi thích sống trong một xã hội lý tưởng, ở đó mọi người đều được an toàn, ổn định, và hạnh phúc.

B. Tôi thích sống trong thời buổi bất ổn của lịch sử.

5/

A. Đôi khi tôi thích làm những việc mạo hiểm đôi chút.

B. Người nhạy cảm thường tránh né các hành động nguy hiểm.

6/

A. Tôi không thích bị thôi miên.

B. Tôi thích biết qua trạng thái bị thôi miên.

7/

A. Mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống là sống trọn vẹn nhất và từng trải càng nhiều càng tốt.

B. Mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống là tìm kiếm sự an bình và hạnh phúc.

8/

A. Tôi thích thú qua môn nhảy dù.

B. Tôi không hề muốn nhảy ra khỏi phi cơ, dù có hay không có dù.

9/

A. Tôi từ từ bước xuống làn nước lạnh lẽo, để cho cơ thể có đủ thời gian quen với nước lạnh.

B. Tôi thích nhảy ùm hay phóng ngay xuống biển hoặc hồ nước lạnh.

10/

A. Khi đi nghỉ mát, tôi thích được ngủ thoải mái trong một căn phòng có giường nệm êm ái.

B. Khi đi nghỉ mát, tôi thích thay đổi thói quen bằng việc cắm trại ngoài trời.

11/

A. Tôi thích mẫu người nhiệt tình, do họ có đôi chút xốc nổi.

B. Tôi thích mẫu người trầm lặng và có tính khí điềm đạm.

12/

A. Một tác phẩm hội họa có giá trị phải tạo được cảm giác bất ngờ.

B. Một tác phẩm hội họa có giá trị phải tạo được cảm giác an bình.

13/

A. Người cưỡi xe gắn máy phải có ý không cố tình gây tổn thương cho bản thân.

B. Tôi thích lái hoặc cưỡi xe gắn máy.

Điểm số. Hãy tự cho 01 điểm đối với một câu trả lời sau đây: 1A, 2A, 3A, 4B, 5A, 6B, 7A, 8A, 9B, 10B, 11 A, 12A, 13B. Tính tổng số điểm của bạn rồi sử dụng cách đánh giá sau:

0 – 3 điểm: mức độ tìm kiếm cảm giác mới lạ rất thấp

4 – 5 điểm: thấp

6 – 9 điểm: trung bình

10 – 11 điểm: cao

12 – 13 điểm: rất cao

Dĩ nhiên, hãy nhớ rằng bảng lục vấn này dành để đánh giá bản chất nội tâm của giới sinh viên, chỉ đánh giá được đại khái khuynh hướng tìm cảm giác mới lạ của bạn. Ngoài ra. khi con người trưởng thành hơn thì khuynh hướng này sẽ giảm bớt đi. Tuy vậy, ít ra bảng lục vấn này sẽ giúp bạn so sánh được khuynh hướng tìm cảm giác mới lạ của bạn so với người khác.

Lý thuyết tình trạng tỉnh thức có nhiều ứng dụng quan trọng trong nhiều lãnh vực. Thí dụ, các sinh viên quá lo âu trong khi làm các bài trắc nghiệm có nội dung phức tạp có thể sẽ đạt thành tích rất thấp dưới khả năng thực tế của họ do tình trạng cảnh giác cao độ tác động gây trở ngại. Trong một lãnh vực hoàn toàn khác biệt – môn bóng chày – các nghiên cứu đều cho thấy thành tích đánh bóng, một việc làm phức tạp, cũng bị thiệt hại trong tình trạng cảnh giác quá cao độ, nhưng lại được nâng cao trong tình trạng cảnh giác thấp.

4. Lý thuyết khích lệ: Sức lôi cuốn của động lực

Khi một phần tráng miệng ngon lành được bày ra bàn sau một bữa ăn thịnh soạn, thì sức hấp dẫn của nó không dính líu hoặc dính líu rất ít với các thúc đẩy bên trong cơ thể hoặc với sự duy trì tình trạng tỉnh thức. Nếu chúng ta không chống nổi sức cám dỗ của món tráng miệng ấy, thì hành vi này gây ra bởi một kích thích bên ngoài, do bản thân món tráng miệng tác động như một phần thưởng được hưởng trước. Nói theo ý nghĩa nguyên động lực, thì phần thưởng này là một khích lệ (incentive).

Lý thuyết khích lệ (Incentive theory) nỗ lực giải thích nguyên nhân tại sao hành vi không luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu bên trong cơ thể, như ước muốn giảm bớt các sức thúc đẩy hay ước muốn duy trì mức kích thích cơ thể chẳng hạn. Thay vì chú trọng vào các nhân tố bên trong cơ thể, lý thuyết này giải thích nguyên động lực theo bản chất của các kích thích bên ngoài, những khích lệ chi phối và tiếp sức phát sinh hành vi ứng xử. Theo quan điểm này, bản chất của kích thích từ bên ngoài lý giải được phần lớn nguyên động lực thúc đẩy con người.

Mặc dù lý thuyết này giải thích được nguyên nhân tại sao chúng ta không chống nổi sức hấp dẫn của một khích lệ (như món tráng miệng hấp dẫn trong thí dụ ở đây) dù rằng thiếu vắng các dấu hiệu bên trong cơ thể (như cơn đói chẳng hạn), nhưng dường như thuyết này không đủ sức giải thích toàn bộ vấn đề động lực thúc đẩy, bởi vì các sinh vật vẫn luôn luôn tìm cách thỏa mãn nhu cầu ngay trong trường hợp không hiện hữu các khích lệ. Vì lý do này, nhiều nhà tâm lý cho rằng các thúc đẩy bên trong cơ thể chủ trương bởi lý thuyết giảm bớt thúc đẩy phối hợp ăn ý với các khích lệ bên ngoài của lý thuyết khích lệ để lần lượt “thúc đẩy” và “lôi cuốn” chúng ta thực hiện hành vi. Như vậy, thay vì đối nghịch nhau các thúc đẩy (drives) và các khích lệ (Incentives) có thể tác động ăn khớp nhau trong việc tạo động lực phát sinh hành vi (Petri, 1991).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.