Tâm lý học căn bản

Chương 10. TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CON NGƯỜI



DÀN BÀI

Mở đầu

Triển khai chủ đề

I. BẨM SINH VÀ DƯỠNG DỤC – MỘT VẤN ĐỀ CĂN BẢN CỦA NGÀNH TÂM LÝ PHÁT TRIỂN

1. Thảo luận về vấn đề bẩm sinh và dưỡng dục

TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Bẩm sinh có tính nhút nhát? Trẻ bị ức chế và trẻ phát triển bình thường

2. Vấn đề nghiên cứu để khám phá tiến trình phát triển

3. Khởi đầu cuộc sống: Thụ tinh và hình thành thai nhi

4. Tóm tắt và Học ôn I

II. TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT VÀ XÃ HỘI TÍNH CỦA CON NGƯỜI

1. Tăng trưởng sau khi chào đời

2. Phát triển nhận thức để thích nghi với thế giới chung quanh

3. Phát triển hành vi xã hội

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC: Ai chăm sóc trẻ? Xác định hiệu quả của nhà trẻ?

4. Tương quan xã hội với trẻ đồng trang lứa

5. Lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson

6. Tóm tắt và Học ôn II

III. TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ

1. Lý thuyết phát triển trí tuệ của Piaget

2. Các khảo hướng căn cứ vào phương thức xử lý thông tin

Thừa hưởng thành quả của tâm lý học: Tối đa hóa phát triển trí tuệ

3. Tóm tắt và Học ôn III

IV. TUỔI THANH XUÂN: ĐỂ THÀNH NGƯỜI LỚN

1. Phát triển cơ thể. Thanh thiếu niên không ngừng thay đổi

2. Phát triển trí tuệ và nhận thức luân lý: Phân biệt thị – phi, phải – trái, đúng – sai

3. Tiến trình phát triển tâm lý xã hội: tìm cách khẳng định bản thân

4. Tuổi thanh xuân đầy sóng gió: Hư cấu hay sự thật?

V. TUỔI TRÁNG NIÊN VÀ TRUNG NIÊN: ĐOẠN GIỮA CUỘC ĐỜI

1. Phát triển cơ thể. Đỉnh cao sức mạnh

2. Phát biểu xã hội tính: Làm việc vì cuộc sống

VI. NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI NGƯỜI: LÃO SUY

1. Các biến chuyển thể chất ở người già: cơ thể lão hoá

2. Các chuyển biến trí tuệ: Suy nghĩ về tuổi già – và suy nghĩ trong cảnh tuổi già

3. Các biến chuyển ký ức ở tuổi vãn niên: Phải chăng người cao tuổi bị tật hay quên?

4. Bối cảnh xã hội của người cao tuổi: Già cả nhưng không cô độc

Thừa hưởng thành quả của TLH: Chuẩn bị tiếp nhận cái chết

5. Tóm tắt và Học ôn IV

VII. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

VIII. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI

MỞ ĐẦU

MỐI LIÊN HỆ SONG SINH

Ở tiểu bang New Jersey có bao nhiêu anh lính cứu hỏa tình nguyện bị hói đầu, cao 1,95m, cân nặng 112,5kg, hàng ria mép cụp xuống, mang kính mát kiểu phi công, và khoen chìa khóa móc ở dây lưng bên hông trái?

Câu trả lời là: Có hai người. Gerald Levey và Mark Newman vốn là anh em song sinh*, nhưng bị cách ly từ lúc mới chào đời và không hề biết nhau mãi cho đến khi cả hai cùng gia nhập vào một đội cứu hỏa – nhờ một người lính cứu hỏa bạn của Newman, anh này giật mình khi gặp Levey ở một đại hội ngành cứu hỏa.

Mặc dù được nuôi dưỡng riêng biệt, cuộc đời của họ theo các hướng đi giống nhau lạ thường. Levey vào đại học, chọn học ngành lâm nghiệp; còn Newman đã dự tính học đại học lâm nghiệp, nhưng lại chọn ngành cây cảnh. Cả hai đều làm việc ở siêu thị. Một người làm nghề lắp đặt hệ thống tưới nước; còn người kia lắp đặt hệ thống báo động hỏa hoạn. Cả hai đều chưa lập gia đình và cùng bị lôi cuốn bởi loại phụ nữ “tóc dài, cao dong dỏng”. Họ có nhiều sở thích giống nhau, thích săn bắn, câu cá, tắm biển, xem các bộ phim do nam tài tử kỳ cựu John Wayne thủ vai chính và các trận đấu vật nhà nghề. Cả hai cùng thích món ăn Trung Hoa và uống cùng một loại nhãn hiệu bia. Tác phong cử chỉ của họ cũng giống nhau – thí dụ, khi cười to cả hai cùng có thói quen ngửa đầu ra sau. Và dĩ nhiên, còn một điểm giống nhau nữa là say mê làm lính cứu hỏa.

* Trẻ sinh đôi (twins) Hai cá nhân được cùng mẹ cha sinh ra cùng một lúc. Trẻ song sinh song hợp tử (freternal/dizygotic) do hai noãn thụ tinh cùng một lúc; các đứa trẻ này có thể có giới tính khác nhau và so với anh chị bình thường (siblings) cũng không giống nhau bơn bao nhiêu. Còn trẻ sinh đôi đồng nhất hay đơn hợp tử (indentical/monozygotic twins) chỉ do một noãn duy nhất thụ tinh, nhưng sau đó sẽ phân đôi để tạo ra hai thai nhi (fetus). Các đứa trẻ này có cùng giới tính, và nếu không thì giống hệt nhau về mặt di truyền. Mọi khác biệt bề ngoài của chúng đều do ảnh hưởng của hoàn cảnh sống (theo Từ điển Y học).

Âm nhạc là trọng tâm cuộc sống của Joan Gardiner. Là một nhạc sĩ dương cầm hòa tấu được đào tạo chuyên nghiệp, Gardiner đến nay vẫn chơi cho Dàn Nhạc Hòa Tấu Minnesota. Tài năng âm nhạc của cô dường như nhờ bẩm sinh. Cha mẹ cô không hề khích lệ cô chơi nhạc hay thậm chí chưa hề thúc giục cô tập đàn. Còn Jean Nelson thì không chơi dương cầm dù mẹ cô là thầy dạy loại nhạc cụ này. Sự thờ ơ của cô đối với âm nhạc đặc biệt nổi bật, mặc dù từ bé ngày nào cô cũng được khích lệ bỏ ra hàng giờ để tập đàn.

Sự trái ngược về sở thích của hai phụ nữ này có lẽ cũng chẳng có gì đáng quan tâm nếu như họ không phải là chị em song sinh đơn hợp tử, sống cách biệt nhau vài tháng sau khi chào đời giống như hai anh em Gerald Levey và Mark Newman. Nghi vấn liên quan đến hai phụ nữ này là tại sao họ lại quá khác biệt nhau về sở thích âm nhạc – một lãnh vực cực kỳ then chốt đối với một người trong bọn họ.

TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ

Chúng ta biết được những điểm tương đồng – và dị biệt – ở một cặp song sinh nhờ sự tham dự của họ vào các công cuộc khảo cứu quy mô lớn cả nước về hiện tượng song sinh ở Trung tâm Nghiên cứu Trẻ song sinh và Con nuôi thuộc tiểu bang Minnesota tổ chức tiến hành. Trong cuộc khảo cứu này, các nhà khảo cứu khám phá được nhiều cặp song sinh giống nhau lạ thường như trường hợp Levey và Newman chẳng hạn. Nhưng đồng thời họ cũng phát hiện được những cặp song sinh có các đặc điểm chủ yếu khác biệt nhau hoàn toàn. Người ta tìm hiểu các điểm tương đồng và dị biệt nhau này không phải chỉ vì hiếu kỳ đơn thuần, mà vì chúng cống hiến cho chúng ta các manh mối quan trọng về một trong những vấn đề căn bản nhất mà các nhà tâm lý phải tìm cách giải đáp là: hoàn cảnh sinh sống và thiên tư bẩm sinh của con người tương tác với nhau như thế nào để hình thành một cá nhân độc đáo.

Câu hỏi này và các câu hỏi khác nữa đều thuộc lãnh vực nghiên cứu của ngành tâm lý phát triển. Ngành tâm lý phát triển (developmental psycholosy) là chuyên ngành thuộc bộ môn tâm lý học tìm hiểu các kiểu mẫu phát triển và biến chuyển diễn ra trong suốt đời người. Nói chung, các nhà tâm lý phát triển nghiên cứu sự tương tác giũa các tiến trình phát triển các kiểu hành vi tiền định về mặt sinh vật với hoàn cảnh sinh sống không ngừng biến động. Họ tìm hiểu xem liệu nền tảng di truyền ảnh hưởng ra sao đến tác phong cư xử của chúng ta trong suốt cuộc sống, liệu tiềm năng của chúng ta có bị hạn chế bởi yếu tố di truyền không, và liệu tình trạng tiền định bẩm sinh tác động thế nào đến tiến trình phát triển hàng ngày trong đời sống chúng ta. Tương tự, họ cũng nỗ lực tìm hiểu xem liệu hoàn cảnh sinh sống tác động hỗ trợ – hay chống lại – các khả năng di truyền của chúng ta theo cách thức nào, liệu thế giới chúng ta đang sống ảnh hưởng ra sao đến tiến trình phát triển của chúng ta và liệu chúng ta có thể được khích lệ bằng cách nào để phát triển trọn vẹn tiềm năng của mình.

Không như mọi nhà tâm lý khác, các nhà tâm lý phát triển tìm hiểu các kiểu mẫu và biến chuyển trong hành vi ứng xử thường ngày diễn ra suốt cuộc đời con người. Chương này chú trọng đến chu kỳ đời sống, khởi đi từ lúc chào đời, trải qua các giai đoạn phát triển cho đến tuổi già, rồi nhắm mắt qua đời.

Chúng ta bắt đầu chương này bằng việc khám phá vấn đề bẩm sinh và dưỡng dục (the nature – nurture issue), qua đó tìm hiểu ảnh hưởng tương đối của hoàn cảnh sống với yếu tố di truyền đến với tiến trình phát triển của con người. Kế đó, chúng ta khảo xét các hiện tượng phát triển về mặt thể chất và nhận thức của trẻ sau khi chào đời, phản ánh tình trạng tăng trưởng lớn lao và nhanh chóng diễn ra qua các giai đoạn đầu tiên của đời người. Chúng ta cũng chú trọng đến các tương tác xã hội và thế giới chung quanh của đứa trẻ đang phát triển cũng như đến tình hình tăng trưởng trí tuệ của nó, qua đó theo dõi các biến chuyển trong cách tư duy về ngoại giới của trẻ.

Sau đó, chúng ta thảo luận đến các chuyển biến quan trọng về mặt thể chất, tinh thần; và trí tuệ diễn ra từ khi con người bước vào đời và trải qua suốt thời kỳ trưởng thành. Chúng ta khảo xét thời thanh xuân và tiếp tục tìm hiểu các giai đoạn sau đó trong đời người. Cuối cùng, trong thảo luận về tuổi già, chúng ta tìm hiểu các dạng thay đổi về mặt thể chất, trí tuệ, và xã hội tính xảy ra do hậu quả các tiến trình lão hóa.

Sau khi đọc xong chương này, bạn sẽ có đáp án cho một số câu hỏi căn bản về tiến trình phát triển:

– Các nhà tâm lý làm cách nào để tìm hiểu mức độ phát triển của con người trong điều kiện tiến trình phát triển ấy là hàm số liên kết của các yếu tố di truyền và hoàn cảnh sống?

– Bản chất của tiến trình phát triển trước khi chào đời là gì, và các yếu tố nào ảnh hưởng đến đứa trẻ trong suốt thời gian còn nằm trong bụng mẹ?

– Tiến trình phát triển cơ thể, nhận thức, và xã hội tính của trẻ sau khi chào đời trải qua các bước ngoặt quan trọng nào?

– Làm cách nào miêu tả sáng tỏ nhất tiến trình phát triển trí tuệ, và các bậc cha mẹ làm được đều gì thích hợp để khích lệ con cái phát triển trí tuệ?

– Những bước chuyển tiếp nào về mặt thể chất, xã hội tính, và tình cảm đặc trưng cho tuổi thanh xuân?

– Các dạng biến chuyển nào về mặt cơ thể, xã hội tính, và trí tuệ xảy ra trong thời tráng niên và trung niên, và nguyên nhân nào gây ra các biến chuyển ấy?

– Sự thật về tuổi già khác biệt ra sao đối với quan điểm thông thường của một người về thời kỳ này?

– Làm cách nào để chuẩn bị chấp nhận cái chết

I. BẨM SINH VÀ DƯỠNG DỤC – MỘT VẤN ĐỀ CĂN BẢN CỦA NGÀNH TÂM LÝ PHÁT TRIỂN

Các điểm tương đồng mà chúng ta đã thấy trên đây giữa cặp song sinh Gerald Levey và Mark Newman nổi bật ngang với các điểm dị biệt giữa cặp song sinh Jean Nelson và Joan Gardiner. Các trường hợp điển hình như thế minh chứng một cách sinh động cho một trong các câu hỏi căn bản nêu ra bởi các nhà tâm lý phát triển là: Làm sao phân biệt được giữa các nguyên nhân gây ra hành vi ứng xử là có tính hoàn cảnh (environmental, tức là ảnh hưởng của cha mẹ, anh chị em ruột, gia đình, bè bạn, học đường, lề lối dinh dưỡng và tất cả mọi kinh nghiệm khác mà đứa trẻ tiếp nhận trong cuộc sống) với các nguyên nhân có tính di truyền (hereditary, các nguyên nhân căn cứ vào thành phần cấu tạo di truyền ảnh hưởng đến tiến trình phát triển suất đời người)? Câu hỏi này, chúng ta đã gặp phải lần đầu khi tìm hiểu các yếu tố quyết định trí thông minh ở Chương 8, được gọi là vấn đề bẩm sinh và dưỡng dục (the nature – nurture issue), trong đó thuật ngữ bẩm sinh/thiên phú/tự nhiên (nature) liên hệ đến tính di truyền (heredity) và thuật ngữ dưỡng dục/nuôi dạy (nurture) liên hệ đến các ảnh hưởng thuộc hoàn cảnh sống.

Vấn đề này có nguồn gốc triết học sâu xa. Triết gia Anh John Locke vào đầu thế kỷ 17 đã lập luận rằng trẻ sơ sinh trinh nguyên giống như tờ giấy trắng (tabula rasa), trên đó nó bắt đầu viết nên lịch sử kinh nghiệm cá nhân của mình. Nói khác đi, ông tin tưởng rằng hoàn cảnh tác động như một ảnh hưởng duy nhất đối với tiến trình phát triển đời người. Ngược lại, triết gia Pháp Jean Jacques Rousseau đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác biệt về hiện tượng phát triển vào đầu thế kỷ 18. Ông này tin rằng các đặc điểm “tự nhiên” của con người (tức là, các yếu tố di truyền) có ảnh hưởng nhiều nhất, dù tiến trình phát triển cũng lệ thuộc vào các yếu tố mà Rousseau cho là ảnh hưởng hư hỏng của hoàn cảnh.

Mặc dù hồi đầu vấn đề này được nêu ra dưới dạng câu hỏi thiên phú – ngược lại dưỡng dục, nhưng các nhà tâm lý phát triển ngày nay đều tán thành rằng cả hai yếu tố bẩm sinh và dưỡng dục tương tác lẫn nhau để hình thành các kiểu phát triển đặc thù. Câu hỏi đã biến dạng từ yếu tố nào gây ảnh hưởng đến hành vi ứng xử thành ra yếu tố hoàn cảnh và yếu tố di truyền cùng tác động ra sao và gây ảnh hưởng đến mức nào. Không ai trưởng thành mà không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh sinh sống, và cũng không ai phát triển mà không bị ảnh hưởng bởi cấu tạo di truyền (Senetic/inherited makeup). Tuy nhiên, cuộc tranh luận về ảnh hưởng tương đối của hai yếu tố này vẫn còn là vấn đề thời sự, với các khảo hướng và lý thuyết khác nhau nhấn mạnh đến yếu tố hoàn cảnh hay yếu tố di truyền theo các mức độ nhiều ít khác nhau.

Thí dụ, một số lý thuyết phát triển nhấn mạnh đến vai trò của tiến trình học hỏi trong việc gây ra các thay đổi về hành vi ứng xử ở đứa trẻ đang phát triển, căn cứ vào các nguyên tắc học tập căn bản đã được thảo luận ở Chương 5. Các lý thuyết ấy chú trọng đến vai trò của yếu tố hoàn ảnh trong công trình lý giải tiến trình phát triển của con người. Ngược lại, các khảo hướng khác lại nhấn mạnh đến ảnh hưởng gây ra bởi cấu tạo và hoạt động sinh lý của con người đối với tiến trình phát triển. Các lý thuyết này chú trọng đến vai trò của tính di truyền và hiện tượng trưởng thành (maturation) – tiến trình phát triển các kiểu hành vi về mặt sinh học – trong việc gây ra biến chuyển trong tiến trình phát triển của con người. Chẳng hạn, người ta có thể thấy được hiện tượng trưởng thành trong tiến trình phát triển các đặc điểm giới tính (như vú nở to hoặc lông tóc mọc dài ra chẳng hạn) xảy ra vào lúc khởi đầu tuổi thanh xuân.

* Hiện tượng trưởng thành(maturation): tiến tình đạt đến tình trạng phát triển đầy đủ (full development). Thuật ngữ này dùng đặc biệt cho sự phát triển các tế bào mầm trưởng thành (the development of mature gern cells – ova and sperm (noãn và tinh trùng) (theo Từ điển Y học)

Thế nhưng, về một số điểm thì các nhà tâm lý phát triển đồng ý với nhau trên bình diện lý thuyết. Dường như hiển nhiên rằng các yếu tố di truyền không những chỉ đem đến tiềm năng nẩy nở các tác phong hoặc sắc thái độc đáo, mà chúng còn đặt các giới hạn đối với tình trạng nẩy nở các tác phong hay sắc thái ấy nữa. Thí dụ, yếu tố di truyền ấn định mức độ thông minh tổng quát của con người, thiết lập một giới hạn cao nhất mà – dù bản chất hoàn cảnh sinh sống ra sao người ta không cách nào vượt qua được. Yếu tố di truyền cũng ấn định các giới hạn đối với các năng lực thể chất; con người đơn giản không thể chạy nhanh đến mức khoảng 96,5 cây số một giờ, và cũng không thể cao đến khoảng 3 mét, dù bản chất hoàn cảnh sinh sống có là gì đi nữa.

Bảng 10–1 liệt kê một số đặc điểm chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi yếu tố di truyền. Khi tìm hiểu các mục này, điều quan trọng phải ghi nhớ là các đặc điểm này không hoàn toàn bi quy định bởi yếu tố di truyền – chúng chỉ là các chứng cứ vững chắc nhất cho thấy đặc điểm này khác biệt nhau phần lớn đều do cấu tạo di truyền của cá nhân.

BẢNG 10–1

Các đặc điểm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cấu tạo di truyền

Các đặc điểm thể chất: Chiều cao, Thể trọng, Chứng béo phì, Giọng nói, Huyết áp, Mức hư răng, Năng khiếu điền kinh, Mức bắt tay chặt chẽ, Tuổi thọ, Cường độ hoạt động.

Các đặc điểm trí tuệ: Ký ức, Năng khiếu được đánh giá bởi các trắc nghiệm thông minh, Tuổi thủ đắc ngôn ngữ, Thiếu khả năng đọc, Chậm phát triển trí tuệ.

Các đặc điểm và rối loạn về mặt tình cảm: Tính nhút nhát, Tính hướng ngoại*, Tính đa cảm, Tính dễ kích động, Chứng tâm thần phân liệt, Chứng lo âu, Chứng nghiện rượu.

Trong hầu hết các trường hợp, yếu tố hoàn cảnh đóng một vai trò quyết định trong việc tạo điều kiện giúp con người vươn đến các khả năng tiềm ẩn cống hiến bởi cơ sở di truyền của họ. Nếu như Albert Einstein hồi nhỏ không được khuyến khích về mặt tinh thần và không được đi học có lẽ ông không tài nào vươn đến thành tựu vĩ đại nhờ tiềm năng di truyền của ông. Tương tự, vận động viên lớn như ngôi sao bóng rổ Michael Jordan có lẽ không thi triển được năng khiếu thể chất cao siêu nếu như anh không được trưởng thành trong một bối cảnh nuôi dưỡng tài năng bẩm sinh và cống hiến cho anh cơ hội để rèn luyện và kiện toàn khả năng thiên phú của anh.

* Tính hướng ngoại (extraversion/extroversion) Một nét nhân cách (personality trait) bền vững có đặc điểm quan tâm đến thế giới bên ngoài hơn là đến chính bản thân. Người có mức độ hướng ngoại cao được đánh giá quaa các vấn đề tra vấn (ques–tionnaires) và trắc nghiệm tâm lý, thích giao du và đi đây đi đó, thích thường xuyên thay đổi cách sinh hoạt, và không dễ bị tiến trình tạo điều kiện vững chắc (permanent conditioning) ảnh hưởng đến. Tính hướng ngoại được Carl Jung miêu tả lần đầu tiên như một khuynh hướng thích hành động hơn suy tư, thích khoa học hơn triết học, và phản ứng theo xúc cảm hơn theo lí trí.

Tóm lại, các nhà tâm lý phát triển đều chọn lập trường tương tác (interactlonist position) đối với vấn đề bẩm sinh và dưỡng dục, cho rằng một phối hợp gồm yếu tố tiền định di truyền và các ảnh hưởng thuộc hoàn cảnh sống quyết định tiến trình phát triển của con người. Thách đố mà các nhà tâm lý phát triển đương đầu là phải nhận diện được dạng phát triển đặc thù và mức độ tương đối của từng loại ảnh hưởng này đối với mỗi cá nhân. (Một thí dụ về các công trình khảo cứu mới đây cho thấy mức độ ảnh hưởng tương đối của các yếu tố di truyền và hoàn cảnh sống được trình bày trong đoạn Trích Dẫn Thời Sự dưới đây).

** Tính dễ kích động (neuroticism): Chiều kích nhân cách suy ra từ kết quả tra vấn và trắc nghiệm tâm lí. Người có điểm số cao về chiều kích này thường hay lo âu và dễ kích động mạnh, nên dễ bị loạn thần kinh (neurosis).

Cuộc thăm dò tìm hiểu các ảnh hưởng tương đối của yếu tố bẩm sinh và dưỡng dục không đơn thuần là việc làm thuộc lãnh vực học đường. Các tiến bộ quan trọng về kiến thức của chúng ta về phương pháp dưỡng dục tối ưu dành cho thiếu nhi đã thực hiện được nhờ kết quả khám phá gặt hái từ các cuộc nghiên cứu về yếu tố di truyền và hoàn cảnh. Thí dụ, phương pháp giáo dục thiếu nhi, phương thức nuôi dạy thiếu nhi ở các cơ sở như viện mồ côi và nhà trẻ chẳng hạn, được xem là tốt hảo đều chịu ảnh hưởng bởi công cuộc tìm hiểu của chúng ta về sự tương tác giữa các yếu tố duy truyền và hoàn cảnh dưỡng dục.

*** Chứng lo âu (anxiety): Tình trạng sợ hãi thâm nhập toàn diện. Đây là một dạng rối loạn thần kinh trong đó tình trạng lo âu chi phối cuộc sống của bệnh nhân. Có thể chữa trị bằng liệu pháp tâm lí. Liệu pháp cư xử và thuốc an thần (tranquillizing drugs) (theo Tử điển Y học).

1. Thảo luận về câu hỏi bẩm sinh và dưỡng dục

Các nhà tâm lý phát triển đã nỗ lực xác định ảnh hưởng tương đối của các yếu tố di truyền và hoàn cảnh đối với hành vi ứng xử của con người bằng nhiều phương thức khác nhau, dù không kỹ thuật nào là dễ hiểu. Thí dụ, chúng ta có thể kiểm soát cấu tạo di truyền của các loài vật nuôi thí nghiệm, cẩn thận gây giống để chúng có các nét đặc thù. Giống như nhà nông nuôi giống gà tây Butterfall đã học được cách gây giống gà lớn thật nhanh (để họ có thể đưa ra thị trường với giá rẻ hơn), các nhà tâm lý có thể gây nhiều giống vật nuôi thí nghiệm có cấu tạo di truyền giống nhau. Quan sát các con vật có cơ sở di truyền giống nhau nuôi trong các hoàn cảnh khác biệt nhau cho phép các nhà nghiên cứu khẳng định được ảnh hưởng của các dạng kích thích hoàn cảnh đặc biệt. Dĩ nhiên, sau cùng chúng ta gặp phải vấn đề tổng quát hóa các khám phá gặt hái được từ nghiên cứu loài vật để ứng dụng cho con người, nhưng các khám phá về loài vật cống hiến các thông tin căn bản vì lý do đạo đức không thể thu thập được bằng cách dùng con người làm đối tượng nghiên cứu.

Trẻ sinh đôi cũng mang đến cho chúng ta một nguồn thông tin quan trọng về ảnh hưởng tương đối của các yếu tố di truyền và hoàn cảnh sống. Nếu trẻ sinh đôi đơn hợp tử (identical twins, tức các trẻ có cơ sở di truyền giống hệt nhau) phản ảnh các kiểu phát triển khác biệt nhau, chúng ta phải quy các điểm dị biệt ấy cho các khác biệt về hoàn cảnh dưỡng dục chúng. Các dữ kiện hữu ích nhất xuất phát từ các cặp sinh đôi đơn hợp tử (như Gerald Levey và Mark Newman) được các gia đình khác nhau nhận làm con nuôi ngay từ lúc chào đời và được nuôi lớn trong các hoàn cảnh khác hẳn nhau. Các cuộc nghiên cứu về anh chị em bình thường khác (siblings) được dưỡng dục trong các hoàn cảnh khác biệt nhau cũng rọi vài tia sáng vào vấn đề này. Bởi vì những người này cũng có cơ sở di truyền khá giống nhau, những anh chị em ruột bình thường khi trưởng thành cho thấy các điểm giống nhau cũng đã đưa ra chứng cứ vững chắc về tầm quan trọng của yếu tố di truyền.

Cũng có thể nghiên cứu vấn đề theo đường lối ngược lại. Thay vì tập trung vào những người có cơ sở di truyền giống nhau được nuôi lớn trong các hoàn cảnh khác hệt nhau, chúng ta có thể tìm hiểu những người được nuôi lớn trong các hoàn cảnh giống nhau nhưng lại có cơ sở di truyền hoàn toàn khác biệt nhau. Thí dụ, nếu chúng ta thấy rằng hai đứa trẻ được nhận làm con nuôi – có cơ sở di truyền khác biệt nhau hoàn toàn – lớn lên trong cùng một gia đình có kiểu phát triển giống nhau, thì chúng ta có chứng cứ về tầm quan trọng của yếu tố hoàn cảnh đối với tiến trình phát triển. Ngoài ra, có thể thực hiện nghiên cứu loài vật có cơ sở di truyền khác biệt nhau; bằng cách hoán vị nhằm mục đích thí nghiệm hoàn cảnh nuôi dưỡng, chúng ta có thể xác định ảnh hưởng của yếu tố hoàn cảnh đối với tiến trình phát triển độc lập với yếu tố di truyền.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.