Tâm lý học căn bản

Chương 7 – Phần 5



ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC:

CÁC LỚP HỌC BABEL: VẤN ĐỀ GIÁO DỤC SONG NGỮ

Về ngày làm việc điển hình tại trường tiểu học công lập 217 ở ngoại ô khu Brooklyn, thành phố New York, thông báo cho các bậc phụ huynh học sinh được phiên dịch thành 5 thứ ngôn ngữ. Đó là một nỗ lực đáng ca ngợi, song vẫn chưa đủ. Bởi vì hơn 40% số trẻ em theo học thuộc các gia đình di dân nhập cư, nói một trong 26 thứ ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Armenia đến tiếng Urdu.

Ở trường tiểu học Leroy D. Feinberg tại thành phố Miami, để bắt đầu lớp học một giáo viên môn khoa học tự nhiên cầm một thỏi nước đá đưa lên hỏi: “Nó có nóng không?”. Mục đích câu hỏi này nhằm giải thích từ vựng. Chỉ sau khi hiểu được các điểm căn bản như thế, các học sinh thuộc các gia đình không nói tiếng Anh mới học đến các câu hỏi như thỏi nước đá là gì chẳng hạn.

Còn lớp một ở trường tiểu học Magnolia tại thị trấn Lanham thuộc tiểu bang Maryland là một trường hợp điển hình về tinh thần hợp tác. Một bé trai gốc Hàn Quốc đã ở Hoa Kỳ được gần một năm đang kiểm tra khẩu vấn hai bé gái từ Trung Hoa lục địa mới đến cách đây 10 ngày. Gần đó, một bé trai gốc Colombia đang học đọc nhờ sự giúp đỡ của một cậu bé sinh đẻ ở Hoa Kỳ.

Từ các thành phố lớn nhất đến các vùng quê hẻo lánh nhất, bộ mặt – và nội dung của nền giáo dục ở Hoa Kỳ đang biến đổi. Những đứa trẻ có tên như Thong, Kim và Karacanicoff đang ngày càng được nghe đến thường hơn khi các làn sóng di dân trong thập niên 1980, còn lớn hơn các làn sóng di dân trong đầu những năm 1900, tràn ngập các trường học cả nước. Ở bảy tiểu bang, bao gồm Texas, New York, và Colorado, hơn 1/4 sinh viên học sinh thuộc các sắc dân không nói tiếng Anh.

Làm thế nào để đối phó một cách thích đáng và hiệu quả với số trẻ em không phải là dân bản xứ ngày càng tăng này quả là một vấn đề giáo dục quan trọng. Hầu hết các nhà giáo dục đều cho rằng biện pháp giáo dục là thích hợp nhất, theo đó các học sinh này được học một số môn bằng tiếng mẹ đẻ song hành với việc học Anh ngữ. Họ chủ trương rằng cần phải giúp cho các học sinh ấy xây dựng được nền móng vững chắc trong các lãnh vực học tập căn bản, và rằng ít ra lúc khởi đầu chỉ lối dạy học bằng tiếng mẹ đẻ của các em mới cống hiến được cho chúng nền tảng ấy. Song song đó chúng được học Anh ngữ, và mục tiêu tối hậu là chuyển toàn bộ chương trình giảng dạy sang Anh ngữ.

Ngược lại, một số nhà giáo dục lại đề nghị rằng toàn bộ các kiến thức phải được truyền dạy bằng Anh ngữ ngay từ lúc các đứa trẻ thuộc các sắc dân không nói tiếng Anh ghi tên nhập học. Đối với các nhà giáo dục này, dạy học sinh bằng các thứ ngôn ngữ khác chỉ cản trở chúng hội nhập vào xã hội chúng đang sinh sống và sau cùng chỉ làm hại chúng mà thôi.

Trong khi câu hỏi này là một vấn đề gây tranh cãi và đậm màu sắc chính trị, thì các công trình khảo cứu thuộc lãnh vực tâm lý đã cống hiến một số ý kiến sâu sắc. Trọng tâm của vấn đề này liên hệ đến mối tương quan giữa giáo dục song ngữ với khả năng trí tuệ, và ngày càng có nhiều cuộc khảo cứu cho rằng những người nói nhiều thứ tiếng rất có thể có một số lợi điểm hơn so với những người chỉ dùng một thứ ngôn ngữ.

Chẳng hạn, những người nói hai thứ tiếng tỏ ra có trí tuệ linh hoạt hơn. Họ có sẵn nhiều công cụ ngôn ngữ hơn để cân nhắc các tình huống gặp phải nhờ khả năng đa ngôn ngữ của mình. Từ đó cho phép họ giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo và uyển chuyển hơn nhiều.

Học sinh được truyền dạy theo chương trình song ngữ cũng am tường các quy tắc ngôn ngữ nhiều hơn, và chúng tìm hiểu các khái niệm dễ dàng hơn. Thậm chí chúng còn có thể đạt được điểm số cao ở các bài trắc nghiệm trí thông minh nữa. Thí dụ, một cuộc điều tra các học sinh nói hai thứ tiếng Anh và Pháp ở Canada cho thấy các học sinh này đạt được điểm số rất cao trong các bài thi ngôn ngữ cũng như các bài thi năng khiếu vô ngôn nhằm trắc nghiệm trí thông minh, vượt hẳn các học sinh chỉ nói được một thứ tiếng.

Cuối cùng, có chứng cứ cho thấy có các nguyên tắc chung trong tiến trình thủ đắc ngôn ngữ khác nhau. Cho nên, việc khởi đầu dạy học bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh thực tế sẽ tăng thêm hiệu quả học tập ngôn ngữ thứ hai là Anh ngữ. Chắc chắn không có chứng cứ nào khẳng định rằng đứa trẻ sẽ bị tình trạng quá tải vì phải học cả tiếng mẹ đẻ lẫn Anh ngữ.

Tóm lại, các công trình khảo cứu đều cho thấy các học sinh học theo lối song ngữ thực sự có lợi hơn các học sinh chỉ nói được một thứ tiếng. Do đó, thay vì buộc các trẻ này chỉ học Anh ngữ, phương thức hiệu quả nhất có thể nâng cao năng khiếu của các em là dạy song đôi lẫn tiếng mẹ đẻ của chúng lẫn Anh ngữ.

6. Tóm tắt và học ôn III

A. TÓM TẮT:

– Ngôn ngữ (language) được đặc trưng bởi ngữ pháp/ văn phạm (grammar), một cơ cấu gồm các quy tắc ấn định cách thức diễn ta tư tưởng của con người.

– Việc thủ đắc ngôn ngữ (language – acquisition) tiến hành nhanh chóng từ lúc sơ sinh và hoàn tất phần lớn vào độ tuổi lên 5, mặc dù kho từ vựng và cách vận dụng tinh tế sau đó mới tăng thêm.

– Quan điểm lý thuyết học tập (learning – theory view) cho rằng ngôn ngữ thủ đắc được nhờ các nguyên tắc khích lệ và tạo điều kiện. Ngược lại, quan điểm của Chomsky cho rằng khả năng ngôn ngữ có tính bẩm sinh do sự hiện hữu của công cụ thủ đắc ngôn ngữ (language – acquisition device) trong não bộ.

– Vấn đề liệu ngôn ngữ quyết định tư tưởng (giả thuyết định tương đối ngôn ngữ, linguistic – hypothesic) hay tư tưởng quyết định ngôn ngữ là câu hỏi vẫn còn trong vòng tranh cãi.

B. HỌC ÔN:

1/ Cặp đôi các thành tố của ngữ pháp với định nghĩa của chúng:

a. Các quy tắc ấn định cách thức phối hợp các từ ngữ thành câu nói.

b. Các quy tắc chi phối ý nghĩa của các từ ngữ và các câu nói.

c. Liên hệ đến các đơn vị âm thanh ảnh hưởng đến lối nói.

1. Cú pháp (syntax)

2. Hệ thống âm vị (phonology).

3. Hệ thông ngữ nghĩa (sematic)

2/ Khả năng phát biểu ngôn ngữ (language production) và khả năng am hiểu ngôn ngữ (language comprehension) phát biểu gần như song hành ở tuổi ấu thơ. Đúng hay sai?…

3/… là hiện tượng trong đó trẻ thơ lược bỏ các bộ phận không quan trọng trong câu nói.

4/ Trẻ biết sau cách thêm phần đuôi “ed” vào các động từ để nói về thì quá khứ. Do đó, thay vì nói “he came” trẻ lại nói “he comed”. Đây là một thí dụ về hiện tượng…

5/ Lý thuyết… cho rằng tiến trình thủ đắc ngôn ngữ căn cứ vào các nguyên tắc học hỏi theo quan điểm tạo điều kiện tác động.

6/ Chomsky cho rằng thủ đắc ngôn ngữ là khả năng bẩm sinh gắn liền với cấu trúc não bộ. Đúng hay sai?…

7/ Người ta đã chứng minh rằng tư tưởng ảnh hưởng đến ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ lại dường như không có ảnh hưởng gì đến tư tưởng. Đúng hay sai?

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Các nhà khoa học đã nghiên cứu vấn đề thủ đắc ngôn ngữ ở loài vật trong nhiều năm nhưng vốn chưa gặt hái được kết quả dứt khoát. Giả sử bạn thấy báo chí nói rằng trong tương lai không xa một cặp hắc tinh tinh sẽ thành thạo Anh ngữ (nhờ bộ phận giao tiếp điện toán, a computer console) ngay với một học sinh lớp 8 (ở Mỹ). Sự kiện này sẽ gây ra hậu quả gì đến các lý thuyết hiện hành về vấn đề thủ đắc ngôn ngữ? Làm cách nào ứng dụng kiến thức này cho con người?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

– Làm cách nào để tư duy, lý luận và đề ra quyết định

1. Các nhà tâm lý chuyên về hoạt động tâm trí tìm hiểu các tiến trình tâm trí cao cấp. Các tiến trình này bao gồm cách thức con người trí thức và tìm hiểu thế giới chung quanh, xử lý thông tin, quyết định và phán đoán, cũng như phô diễn kiến thức và cảm nghĩ của mình cho người khác.

2. Tư duy là sự vận dụng khéo léo các biểu tượng của thông tin trong tâm trí con người. Tư duy chuyển hóa các biểu tượng này thành các dạng mới lạ và khác biệt hẳn, cho phép chúng ta trả lời các câu hỏi, giải các bài toán, hoặc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

3. Khái niệm (concept), nền tảng cấu thành tư duy, là sự phạm trù hóa các đồ vật sinh vật, sự việc, hoặc con người có chung một số tính chất giống nhau. Khái niệm tự nhiên (natural concept), là khái niệm đơn giản và biểu thị cho các đối tượng quen thuộc có cùng một loạt các nét biểu trưng đặc thù) bao gồm các nguyên mẫu (prototypes), là các thí dụ đặc trưng cho khái niệm tự nhiên.

4. Theo phép suy luận (dedudive reasoning), người ta căn cứ vào một số giả định để rút ra kết luận. Ngược lại, theo phép quy nạp (inductive reasonning) người ta suy ra một quy tắc chung từ các trường hợp riêng biệt, phương pháp quy nạp cho phép con người vận dụng sự quan sát, kiến thức, kinh nghiệm, và niềm tin của mình về thế giới để đưa ra những kết luận tóm tắt.

5. Các quyết định có thể sáng suốt và hiệu quả hơn nhờ sử dụng algorithms (thuật toán) và heuristics (thuật phát minh). Algorithms là các quy tắc nếu được tuân thủ sẽ bảo đảm giúp chúng ta tìm được giải pháp, còn heuristics là các quy tắc chỉ đạo có thể chứ không nhất thiết giúp chúng ta tìm ra được giải pháp.

6. Có vài loại heuristics. Theo heuristic đặc trưng (representativeness heristic), người ta quyết định xem liệu một thí dụ nào đó có phải là một phần tử thuộc một chủng loại đặc biệt không nhờ thẩm định mức độ đặc trưng của thí dụ vừa nói cho chủng loại ấy. Còn heuristic khả dụng (availability heuristic) bao gồm việc phán đoán xác suất xảy ra một sự việc nhờ đánh giá mức dễ dàng nhớ lại sự việc ấy.

– Người ta tiếp cận và giải bài toán bằng cách nào?

7. Tiến trình giải bài toán (problem solving) tiêu biểu gồm 3 bước chính: chuẩn bị, tìm ra giải đáp, và thẩm định các giải pháp vừa tìm được. Giai đoạn chuẩn bị khởi đầu vào lúc người ta nỗ lực tìm hiểu bài toán. Một số bài toán minh bạch yêu cầu đưa ra các giải pháp dứt khoát; còn các bài toán khác thì mơ hồ, vừa mơ hồ về một các thông tin cần thiết để tìm ra giải pháp, vừa mơ hồ về bản thân giải pháp nữa.

8. Trong các bài toán sắp xếp (arrangement problems), một nhóm yếu tố phải được sắp xếp lại hay phối hợp lại cho phù hợp với một tiêu chuẩn nhất định. Trong các bài toán có cấu trúc gợi ý (problem of inducing structure), người ta phải nhận diện ra các mối tương quan giữa các yếu tố cho sẵn để thiết lập một tương quan mới giữa các yếu tố ấy. Cuối cũng các bài toán theo phép biến đổi (transformation problems) bao gồm một tình huống ban đầu, một tình huống mục tiêu đã một loạt biện pháp nhằm biến đổi tình huống ban đầu thành tình huống mục tiêu.

9. Khía cạnh cốt yếu của giai đoạn chuẩn bị là cách biểu thị và tổ chức bài toán. Đôi khi việc tái thiết bài toán từ dạng ngôn ngữ sang dạng biểu đồ hay toán học có thể gợi ý cho việc tìm ra giải pháp.

10. Trong giai đoạn tìm giải pháp (production stage), người ta có gắng tìm ra giải đáp cho bài toán. Giải pháp cho một số bài toán có thể đã có sẵn trong ký ức lâu dài và người ta có thể trực tiếp nhớ lại. Ngoài ra, một số bài toán có thể tìm được giải pháp nhờ phương pháp thăm dò đơn giản. Nhưng các bài toán phức tạp hơn buộc người ta phải dùng algorlthms và heuristics.

11. Theo phép phân tích biện pháp – mục tiêu (means – ends analysis), người ta sẽ kiểm chứng nhiều hơn các dị biệt giữa kết quả mong muốn và kết quả hiện có một lần thử thách sẽ đưa chúng ta đến gần mục đích hơn. Một heuristic khác là tách bài toán ra thành các bước không gian (intermediste steps) hay các mục tiêu nhất thời (subgoals) để tìm giải pháp cho từng bước.

12. Một phương pháp khác để giải bài toán điển hình bởi công trình khảo cứu loài hắc tinh tinh của Kohler, trong đó các yếu tố trong một tình huống phải được thao tác theo một cách thức kỳ lạ để cho các chú hắc tinh tinh tìm cách giải bài toán. Kohler gọi các tiến trình tâm trí này là nền tảng của tia chớp trí tuệ giúp cho chú hắc tinh tinh chọn được hành vi thích hợp. Tia chớp trí tuệ này là một trí thức đột ngột nảy ra về các mối tương quan giữa các yếu tố trước đây dường như không có dính líu gì với nhau cả.

– Tiến trình giải bài toán thường gặp các trở ngại chủ yếu nào?

13. Có một số yếu tố gây trở ngại cho tiến trình giải bài toán. Định kiến chức năng (functional fixedness, khuynh hướng chỉ xem xét một vật theo công dụng thông thường nhất của nó) là thí dụ của một hiện tượng phổ quát hơn là định kiến tâm trí (mental set). Định kiến tâm trí là khuynh hướng cố chấp vào các mô hình tìm giải pháp trước đây. Trường hợp sử dụng algorithms và heuristics không phù hợp cũng tác động gây trở ngại cho việc tìm ra giải pháp. Cuối cùng, thiên kiến cố chấp (confirmation bias) xem trọng giả thuyết ban đầu và không chịu để mắt đến các thông tin cũng như giả thuyết trái ngược cũng có thể gây trở ngại cho việc thẩm định chính xác các giải pháp tìm được.

14. Óc sáng tạo (creativity) là khả năng phối hợp các câu trả lời hay các ý kiến theo những cách thức tân kỳ. Tư duy mở rộng (divergent thinking) là khả năng tìm ra được các giải đáp cho bài toán hoặc câu trả lời cho các câu hỏi tuy kỳ lạ nhưng lại phù hợp; và khả năng này liên hệ đến óc sáng tạo. Còn năng lực suy tư phong phú (cognitive complexity) là óc hiếu học và khả năng vận dụng các lối tư duy tinh tế, đa dạng, và phức tạp; năng lực này cũng liên hệ đến óc sáng tạo.

15. Ngày càng có nhiều chứng cứ hậu thuẫn cho quan điểm chủ trương rằng con người có thể học tập cách hành động thuận lợi hơn trong các tình huống giải bài toán. Nhờ học hỏi được các nguyên tắc trừu tượng về logic và lý luận, con người có khả năng tư duy có phê phán về các nguyên nhân căn bản của các sự việc xảy ra trong cuộc sống thường ngày.

16. Các phương pháp đề nghị nhằm tăng cường khả năng sáng tạo trong việc giải bài toán bao gồm: xác định lại các điều kiện của bài toán, vận dụng phép loại suy (analosy,) tư duy mở rộng, chấp nhận quan điểm của người khác, và thử nghiệm qua nhiều giải pháp khác nhau.

– Con người sử dụng ngôn ngữ ra sao, và ngôn ngữ hình thành như thế nào?

17. Ngôn ngữ (language) là cách sắp xếp các biểu tượng theo một hệ thống có ý nghĩa. Mọi thứ ngôn ngữ đều có một ngữ pháp/ văn phạm (grammar) – một cơ cấu gồm các nguyên tắc quy định cách thức phô diễn tư tưởng của con người – bao gồm ba thành tố chủ yếu của ngôn ngữ là: hệ thống âm vị (phonology), cú pháp (syntax), và hệ thống ngữ nghĩa (semantics). Hệ thống âm vị bao gồm các đơn vị âm thanh (gọi là các âm vị, phonemes) mà chúng ta tạo ra khi nói chuyện và cách sử dụng các âm thanh này nhằm phát biểu ý nghĩa muốn nói; cú pháp là các nguyên tắc quy định cách thức liên kết các từ ngữ với nhau để hình thành các câu nói; còn hệ thống ngữ nghĩa bao gồm các quy tắc chi phối ý nghĩa của các từ ngữ và các câu nói trong ngôn ngữ.

18. Sự hình thành ngôn ngữ, đi trước bởi sự am hiểu ngôn ngữ, phát triển nhờ hiện tượng bi bô tập nói (babling, thốt ra các âm thanh vô nghĩa nhưng lại giống như tiếng nói), dẫn đến sự hình thành các từ ngữ thực sự. Sau một năm, trẻ sử dụng được các phối hợp gồm hai từ ngữ và kho ngữ vựng của chúng tăng lên. Trước hết chúng sử dụng lối nói trên báo (telegraphic speech), trong đó các từ ngữ không quan trọng cho thông điệp sẽ bị lược bỏ đi. Đến tuổi lên năm, sự thủ đắc các quy tắc ngôn ngữ mới tương đối hoàn tất.

19. Có hai lý thuyết chủ yếu về hiện tượng thủ đắc ngôn ngữ. Các lý thuyết gia theo quan điểm học tập chủ trương rằng ngôn ngữ được thủ đắc nhờ biện pháp khích lệ và tạo điều kiện. Ngược lại Chomsky cho rằng có một công cụ thủ đắc ngôn ngữ bẩm sinh (an innate language acquisition device) chỉ đạo tiến trình phát triển ngôn ngữ. Vấn đề liệu ngôn ngữ có phải là một năng khiếu độc đáo chỉ riêng con người mới có hay không vẫn còn là một câu hỏi đang trong vòng tranh cãi.

20. Giả thuyết tính tương đối ngôn ngữ (the linguistic – relativity hypothesls) cho rằng ngôn ngữ định hình và có thể quyết định lối tư duy của con người về thế giới chung quanh. Hầu hết các chứng cứ đều cho rằng mặc dù ngôn ngữ không quyết định tư tưởng nhưng nó quả thực có ảnh hưởng đến cách ghi nhớ thông tin vào ký ức lâu dài cũng như mức độ dễ nhớ lại thông tin ấy.

V. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP

I.

1/ Khái niệm

2/ Giả lập

3/ Nguyên mẫu

4/ 1 –a; 2–b

5/ Sai, có thể có nhiều trở ngại, như không dùng lý luận trừu tượng hoặc tiền đề không đúng chẳng hạn

6/ Algorithm

7/ Heuristics

8/ Khả dụng.

II.

1/ Chuẩn bị; sáng tạo giải pháp; phán đoán

2/ 1–c; 2–b; 3–a

3/ Phép phân tích biện pháp – mục tiêu

4/ Tia chớp trí tuệ

5/ Định kiến chức năng; định kiến tâm trí

6/ Thiên kiến cố chấp

7/ Tư duy mở rộng

8/ Sai; Trí thông minh không liên quan mật thiết với óc sáng tạo.

III.

1/ 1 a; 2–c; 3–b

2/ Sai; sự am hiểu ngôn ngữ xuất hiện trước sự thủ đắc ngôn ngữ

3/ Lối nói điện báo

4/ Thái quy định

5/ Học tập

6/ Đúng

7/ Sai; ngôn ngữ và tư tưởng dường như tương tác với nhau theo nhiều cách thức khác nhau


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.