Tâm lý học căn bản

Chương 5 – Phần 3



1. Quy luật hậu quả của Thorndike

Nếu bạn nhốt một con mèo đói vào cũi rồi để một chút thức ăn ở bên ngoài, sự việc xảy ra là chú mèo sẽ nóng lòng tìm cách tháo cũi xổ lồng. Trước tiên, nó sẽ cào vào thành cũi hoặc đẩy cửa cũi. Giả sử, bạn đã sắp đặt sao cho chú mèo chỉ thoát ra được bằng cách dẫm chân lên một đòn bẩy nối với chốt cửa cũi (xem Hình 5–3). Sau cùng, khi đi quanh quẩn trong cũi chú mèo tình cờ dẫm phải đòn bẩy khiến cho cánh cửa bật mở, và thế là nó vồ lấy thức ăn.

Hình 5–3: Edward L. Thorndike phát minh chiếc cũi thử thách này nhằm nghiên cứu tiến trình học hỏi cách dẫm chân lên đòn bẩy để thoát ra khỏi cũi và lấy thức ăn (Thorndike. 1S32; Sepp Seitz/woodfin Camp & Associates).

Điều gì sẽ xảy ra nếu như sau đó bạn nhốt con mèo vào cũi trở lại? Lần này có lẽ chú mèo ít tốn thời gian hơn mới dẫm chân lên đòn bẩy để thoát ra ngoài. Sau một vài lần thử thách, chú mèo sẽ cố ý dẫm chân lên đòn bẩy để thoát ra ngay khi bị nhốt vào cũi. Theo Eward L Thorndike (1932), người đã nghiên cứu sâu rộng trường hợp này, điều xảy ra chính là con mèo sẽ học được cách kết hợp hành vi dẫm lên đòn bẩy với thành quả mong muốn là lấy được thức ăn. Thorndike đã suy đoán ra được mối liên hệ đó nhờ xây dựng quy luật hiệu quả (law of effect). Quy luật này cho rằng các phản ứng được thỏa mãn thường hay được tái diễn, còn các phản ứng không được thỏa mãn ít được tái diễn.

Thorndike tin tưởng rằng quy luật hiệu quả vận hành tự động giống như hiện tượng lá rơi vào mùa thu vậy. Sinh vật không cần phải tìm xem liệu có mối liên hệ giữa phản ứng và phần thưởng cho phản ứng ấy không. Trái lại, ông cho rằng qua thời gian và nhờ kinh nghiệm, sinh vật sẽ hình thành mối liên kết trực tiếp giữa kích thích và phản ứng mà không cần biết chút gì về vấn đề liệu mối liên kết có hiệu quả hay không.

2. Các điểm căn bản trong tiến trình tạo điều kiện tác động

Nghiên cứu sơ bộ của Thomdike đã đặt nền móng cho công trình nghiên cứu của một trong các nhà tâm lý có ảnh hưởng lớn nhất là B.F. Skinner. Ông này qua đời hồi năm 1990. Có lẽ bạn đã từng nghe nói đến chiếc hộp Skinner (một dạng hộp này được trình bày ở Hình 5–4), một loại hộp có kết cấu đặc biệt dùng để nghiên cứu các tiến trình tạo điều kiện tác động ở các loài vật nuôi trong phòng thí nghiệm. Trong khi mục đích của Thomdike là buộc các chú mèo của ông học cách lấy thức ăn bằng hành vi thoát ra khỏi chiếc cũi, thì các con thú trong chiếc hộp Skinner học cách lấy thức ăn bằng hành vi tác động vào hoàn cảnh sống của nó bên trong chiếc hộp. Skinner lưu ý đến từng chi tiết biến đổi trong hành vi của con vật do hậu quả của các cải biến trong môi trường bên trong chiếc hộp.

Hình 5–4: Chiếc hộp Skinner dùng để nghiên cứu tiến trình tạo điều kiện tác động. Các con vật nuôi trong thí nghiệm học cách nhấn đòn bẩy để lấy thức ăn rơi ra trên một chiếc khay (Sepp Seitz/ Woodfin Camp & Associates)

Với công trình nghiên cứu hoàn hảo hơn rất nhiều so với thiết bị nghiên cứu sơ bộ của Thomdike, Skinner được xem là cha đẻ của cả một thế hệ các nhà tâm lý chuyên về tiến trình tạo điều kiện tác động. Để minh họa công lao đóng góp của Skinner, chúng ta hãy tìm hiểu xem điều gì xảy đến cho một chú bồ câu bị nhốt trong chiếc hộp Skinner điển hình.

Giả sử bạn muốn dạy một con bồ câu đói biết cách mổ vào chiếc khoen gắn trong hộp. Thoạt đầu, chú bồ câu đi quanh chiếc hộp để thăm dò môi trường theo cung cách khá ngẫu nhiên. Nhưng vào một thời điểm nào đó nó tình cờ mổ trúng chiếc khoen, và thế là nó nhận được một hạt ngũ cốc. Trong lần đầu sự kiện này xảy ra, chú bồ câu chưa biết được mối liên kết giữa hành vi mổ vào khoen với sự kiện nhận được thức ăn, nên nó sẽ tiếp tục thăm dò chiếc hộp. Sớm muộn gì chú bồ câu cũng sẽ lại mổ trúng chiếc khoen và nhận được thức ăn, và sau một thời gian số lần tần số phản ứng mổ vào khoen sẽ tăng lên. Cuối cùng, chú bồ câu sẽ mổ vào khoen liên tục cho đến khi nào thỏa mãn xong cơn đói. Sự kiện này minh chứng nó đã biết được rằng thức ăn nhận được tùy thuộc vào hành vi mổ vào khoen.

Khích lệ hành vi mong muốn. Trong tình huống như vậy, thức ăn được gọi là tác nhân khích lệ. Tác nhân khích lệ (reinforcer) là bất kỳ kích thích nào làm tăng thêm xác suất tái diễn một hành vi đã xảy ra trước đây. Ở đây, thức ăn là tác nhân khích lệ bởi vì nó làm tăng thêm xác suất tái diễn của hành vi mổ vào khoen (được chính thức gọi là “phản ứng” mổ vào khoen). Tiền thưởng, đồ chơi, và điểm số cao cũng có thể đóng vai trò tác nhân khích lệ nếu như chúng ta thúc đẩy phản ứng xảy ra trước khi được xuất trình cho sinh vật. Trong một trường hợp, điều tối quan trọng là sinh vật ấy biết rằng sự xuất hiện của tác nhân khích lệ còn tùy thuộc vào phản ứng xảy ra trước đó.

Dĩ nhiên, chúng ta không sinh ra đã biết ngay rằng khoảng trên 75 cents mua được một hộp chocolat. Nhờ kinh nghiệm chúng ta mới biết được tiền của là vật đáng giá do sự kết hợp tiền của với các loại kích thích như thực phẩm, nước uống, và nhà ở, những tác nhân khích lệ tự nhiên. Sự kiện này cho thấy có thể phân biệt được loại nào là tác nhân khích lệ chủ yếu và vật gì là tác nhân thứ yếu. Tác nhân khích lệ chủ yếu (primary reinforcer) thỏa mãn một nhu cầu sinh lý nào đó và phát sinh hiệu lực một cách tự nhiên, không cần đến kinh nghiệm trước đây của con người. Thức ăn đối với người đói, chỗ ấm áp đối với người bị lạnh cóng, và sự xoa dịu đối với người bị thương tích, tất cả những thứ đó đều được xếp vào loại tác nhân khích lệ chủ yếu. Ngược lại, tác nhân khích lệ thứ yếu (secondary reinforcer) là loại kích thích được xem là có hiệu lực khích lệ do nó kết hợp với tác nhân khích lệ chủ yếu. Thí dụ, chúng ta biết rằng tiền bạc có giá trị bởi vì nó giúp chúng ta sở hữu được các vật dụng mong muốn khác, bao gồm các tác nhân khích lệ chủ yếu như thực phẩm và nhà ở chẳng hạn; như vậy, tiền bạc trở thành tác nhân khích lệ thứ yếu.

Nguyên nhân khiến cho một sự vật nào đó trở thành tác nhân khích lệ thường có tính chất hoàn toàn cá nhân. Trong khi hộp kẹo Hershey có thể là tác nhân khích lệ đối với một người nào đó, thì cá nhân ghét ăn chocolat có thể cảm thấy thích giữ lại 75 cents hơn. Cách hay nhất để tìm hiểu liệu một kích thích có phải là tác nhân khích lệ đối với một sinh vật nào đó hay không chính là quan sát xem mức độ phán ứng hành vi xảy ra trước đây có tăng thêm sau khi xuất hiện kích thích ấy không.

Thế nhưng, khi đã nhận diện ra được một tác nhân khích lệ hữu hiệu, thì phạm vi các loại hành vi có thể đào tạo được mới đáng quan tâm. Như trình bày ở đoạn ứng dụng tâm lý học dưới đây, các kỹ thuật tác động môi trường đã được vận dụng để đào luyện rất nhiều hành vi phi thường.

3. Tác nhân khích lệ tích cực và tác nhân khích lệ tiêu cực, và trừng phạt

Về nhiều khía cạnh, tác nhân khích lệ có thể được xem là phần thưởng; bởi vì cả hai loại tác nhân khích lệ và phần thưởng đều làm tăng thêm xác suất tái diễn một phản ứng xảy ra trước đây. Nhưng từ “phần thưởng” lại bị giới hạn vào ý nghĩa tích cực, và điều này khiến cho nó khác biệt với tác nhân khích lệ – bởi vì thực ra các tác nhân khích lệ có thể có ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực.

Tác nhân khích lệ tích cực (positive reinforcer) là một kích thích thêm vào môi trường để khiến cho một phản ứng trước đây tăng thêm xác suất tái diễn. Nếu như thực phẩm, thức uống, tiền của, hoặc lời ngợi khen nhận được tiếp theo sau một phản ứng, thì rất có thể phản ứng ấy sẽ xảy ra trở lại trong tương lai. Thí dụ, chi phiếu trả lương mà người công nhân nhận được vào ngày cuối tuần sẽ làm tăng thêm xác suất trở lại làm việc vào tuần tới của công nhân ấy.

Ngược lại, tác nhân khích lệ tiêu cực (negative reinforces) liên hệ đến sự biến mất của một kích thích là tác nhân khích lệ dẫn đến sự tăng thêm xác suất tái diễn một phần phản ứng xảy ra trước đây. Thí dụ, nếu thấy triệu chứng cảm sốt giảm đi khi uống thuốc, thì bạn sẽ thường uống thuốc (một tác nhân khích lệ tiêu cực) khi thấy các triệu chứng ấy xuất hiện trở lại. Tương tự, nếu chiếc radio quá ồn ào làm chói tai bạn, ắt bạn thường tìm cách vặn thấp xuống để cho khung cảnh được thoải mái hơn. Hành vi hạ thấp âm thanh là tác nhân khích lệ tiêu cực và bạn sẽ thường xuyên lặp lại hành vi này trong tương lai. Như vậy, sự khích lệ tiêu cực huấn luyện một cá nhân thực hiện một hành vi nào đó để loại trừ một tình huống tiêu cực, kém thoải mái hiện hữu trong môi trường.

Khích lệ tiêu cực xảy ra dưới hai dạng chủ yếu: tạo điều kiện đào thoát và tạo điều kiện lẩn tránh. Trong tiến trình tạo điều kiện đào thoát (escape conditioning) một sinh vật học cách phản ứng nhằm đạt được các kết quả là một hoàn cảnh ngược hẳn lại tình huống khó chịu đang gặp phải. Tiến trình tạo điều kiện đào thoát là phổ biến, và nó thường diễn ra nhanh chóng. Thí dụ, trẻ không mất bao nhiêu thời gian mới học được cách rụt tay khỏi một lò lửa – đây là một thí dụ về một hiện tượng tạo điều kiện đào thải. Tương tự, các sinh viên bận bịu thường hay tìm cách nghỉ ngơi một ngày để giảm bớt stress do làm việc quá nhiều cũng chứng minh hiện tượng tạo điều kiện đào thoát.

Ngược lại, tiến trình tạo điều kiện lẩn tránh (avoidance conditioning) xảy ra một khi sinh vật học cách phản ứng đối với một dấu hiệu về một biến cố khó chịu sắp xảy đến theo cách thức giúp cho sinh vật ấy lẩn tránh được biến cố ấy. Thí dụ, con chuột sẽ dễ dàng học được cách dẫm lên một thanh chắn để tránh một cú giật điện được báo hiệu bằng một tiếng chuông. Tương tự, các tài xế ô tô đều biết rằng đổ đầy xăng sẽ giúp họ tránh khỏi bị ngừng xe dọc đường vì hết nhiên liệu.

Điều quan trọng phải lưu ý ở đây là các tác nhân khích lệ tiêu cực bao gồm trường hợp tạo điều kiện đào thoát hoặc tạo điều kiện lẩn tránh đều không giống với biện pháp trừng phạt. Trừng phạt (punishment) liên hệ đến các kích thích gây chó chịu hoặc đau đớn – được gọi bằng thuật ngữ “kích thích gây chán ghét” (aver–sive stimuli) – được thêm vô môi trường nếu như một hành vi nào đó xảy ra. Kết quả có chủ đích của sự trừng phạt là sự giảm bớt xác suất tái diễn một hành vi nào đó. Ngược lại, tác nhân khích lệ tiêu cực liên hệ đến sự tiêu trừ một kích thích gây khó chịu hoặc đau đớn nhằm làm tăng thêm xác suất tái diễn một hành vi để chấm dứt kích thích gây khó chịu ấy. Nếu chúng ta bị điện giật sau khi có một hành vi xấu xa nào đó tức là chúng ta đang nhận lãnh sự trừng phạt: nhưng nếu chúng ta đang bị điện giật và chúng ta làm đều gì đó để chấm dứt tình trạng bị điện giật, thì hành vi ấy được xem là tác nhân khích lệ tiêu cực. Trong trường hợp đầu, một hành vi đặc biệt sẽ giảm đi nhờ trừng phạt; còn trong trường hợp sau, chúng ta sẽ gia tăng hành vi do tác nhân khích lệ tiêu cực.

Mặc dù biện pháp trừng phạt thường được xem là áp dụng một kích thích gây chán ghét – đánh đòn vào mông vì hạnh kiểm xấu hoặc 10 năm tù vì phạm hình tội – nhưng nó cũng có thể bao gồm sự tiêu trừ một kích thích tích cực nào đó. Thí dụ, khi một cơ gái bị cấm không được sử dụng chiếc ô tô của gia cảnh vì thành tích học tập kém, hoặc khi một nhân viên được thông báo bị giáng chức và trừ lương vì thành tích công tác tồi tệ. Thì người ta áp dụng biện pháp trừng phạt dưới dạng tiêu trừ một tác nhân khích lệ tích cực.

Sự khác biệt các loại trừng phạt, cũng như giữa khích lệ tích cực và tiêu cực thoạt nhìn nó có vẻ rối rắm, nhưng các quy tắc chủ đạo sau đây (được tóm tắt trong Bảng 5–1) có thể giúp bạn phân biệt được các khái niệm ấy:

– Khích lệ làm tăng thêm khả năng tái diễn hành vi xảy ra trước đây; còn trừng phạt làm giảm khả năng tái diễn xảy ra trước nó.

– Việc áp dụng một kích thích tích cực làm tăng thêm xác suất tái diễn một hành vi nên được xem là khích lệ tích cực; còn sự tiêu trừ một kích thích tích cực làm giảm xác suất tái diễn một hành vi nên được gọi là trừng phạt bằng biện pháp tiêu trừ.

– Việc áp dụng một kích thích tiêu cực làm giảm xác suất tái diễn một hành vi nên được gọi là trừng phạt bằng biện pháp áp dụng; còn sự tiêu trừ một kích thích tiêu cực gây ra hậu quả làm gia tăng xác suất tái diễn một một hành vi nên được gọi là khích lệ tiêu cực.

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC

CÔNG TÁC CỨU NẠN NHỜ TIẾN TRÌNH TẠO ĐIỀU KIỆN TÁC ĐỘNG CÁC ĐỘI CÁ HEO PHÒNG VỆ VÀ CÁC NHÓM TRUYỀN TIN

Một thợ lặn đang bơi ra khơi bên ngoài bờ biển Thái Bình dương. Đang bơi dưới làn nước độ vài giờ, bỗng nhiên anh nhận thấy mình bị tách khỏi đội thợ lặn. Ngoài từng đàn cá bơi ngang, anh hoàn toàn cô độc. Hầu như hốt hoảng, anh nhìn quanh chẳng còn biết phải làm cách nào để thoát khỏi cảnh tiến thoái lưỡng nan này.

Đột nhiên, một con cá heo xuất hiện, bơi thẳng đến. Chú cá heo chạm nhẹ vào người anh, rồi dùng miệng gắn chiếc hộp nhỏ vào vai anh. Cơn hốt hoảng của anh thợ lặn tan biến đi nhanh chóng, bởi vì anh biết rằng anh đã dược cứu.

Cơn khuây khỏa đột ngột hiện ra trong tâm trí anh thợ lặn nhờ anh hiểu rõ chương trình nghiên cứu động vật biển có vú của hải quân – và hiệu quả của tiến trình tạo điều kiện tác động. Chương trình này nhằm huấn luyện các chú cá heo cách tìm kiếm các tay thợ lặn “có buộc thẻ” bị thất lạc ở các độ sâu dưới lòng đại dương.

Các chú cá heo dược huấn luyện thông qua vận dụng các nguyên tắc cơ bản thuộc tiến trình tạo điều kiện tác động, chủ yếu dưới dạng khen thường tích cực ngay sau khi chúng thực hiện được hành vi mong muốn. Giống hệt trường hợp con bồ câu mổ vào khoen để nhận được hạt ngũ cốc các chú cá heo biết rằng chúng sẽ nhận được phần thường thức ăn khi chúng xác định được vị trí của một thợ lặn hay một vật gì khác dưới biển.

Nhờ bẩm sinh có năng khiếu dưới nước vượt xa con người hoặc bất kỳ loại máy móc nào, cá heo là loài vật duy nhất có đủ năng lực xác định được vị trí các vật dưới nước. Thí dụ, thính giác dưới nước của chúng rất tinh nhuệ – chúng nghe được các âm thanh ở cách xa 1/4 hải lý – và không giống như người, chúng có thể lặn dưới nước rất sâu và ít phải trồi lên mặt nước để nghĩ xả hơi.

Lợi dụng tiến trình tạo điều kiện tác động, các nhà tâm lý thuộc hải quân đã huấn luyện các chú cá heo thực hiện dược kỳ tích vang dội. Chẳng những có thể tìm dược các thợ lặn bị lạc đường (hoặc những kẻ tìm cách phá hoại tàu), chúng còn có thể nhận dạng được các tiềm thủy đỉnh và tìm kiếm các mảnh rocket chìm dưới đáy biển. Thậm chí chúng có thể phát hiện ra vị trí của vật cần tìm rồi người ta đến bằng cách dùng mỏ gõ liên tục vào thành tàu. Dù hải quân Mỹ không chịu tiết lộ bí mật, nhưng một vài quan sát viên nghi ngờ rằng các chú cá heo đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 để dò ra các vị trí đặt mìn trong vịnh Ba Tư. Sau đó, lính hải quân mới được phái đến tháo ngòi hoặc cho nổ tung.

Cá heo không phải là loài vật duy nhất sử dụng trong hải quân. Trong một chương trình, các nhà tâm lý đã huấn luyện bồ câu mổ vào khoen khi nhìn thấy chiếc áo cứu nạn màu cam. Các chú bồ câu này được nhốt ở khoan bụng phi cơ dò tìm các thuỷ thủ bị mất tích ở đại dương. Nhờ thị lực tinh nhuệ hơn con người rất nhiều, các chú bồ câu truy tìm ra vị trí các thủy thủ thất lạc dễ dạng hơn các phi công.

Việc sử dụng loài vật như cá heo và bồ câu thường hiệu quả hơn, đáng tin cậy hơn, và ít tốn kém hơn so với sử dụng con người và máy móc thiết bị. Do đó, quân đội cũng như các cơ quan nhà nước khác – đang tiếp tục thăm dò và huấn luyện các loài vật khác căn cứ vào các nguyên tắc tạo điều kiện tác động.

Bảng 5–1: Các loại khích lệ và trừng phạt

Bản chất kích thích

Áp dụng

Tiêu trừ hay chấm dứt

Tích cực

Khích lệ tích cực.

Thí dụ: Cho tăng lương vì thành tích khả quan.

Kết quả: Gia tăng tần số phản ứng (thành tích khả quan).

Trừng phạt bằng biện pháp tiêu trừ.

Thí dụ: Lấy đi một món đồ chơi vì hạnh kiểm xấu.

Kết quả: Làm giảm tần số phản ứng (hạnh kiểm xấu).

Tiêu cực

Trừng phạt bằng biện pháp áp dụng.

Thí dụ: Đánh vào mông vì hạnh kiểm xấu

Kết quả: Làm giảm tần số phản ứng (hạnh kiểm xấu).

Khích lệ tiêu cực.

Thí dụ: Chấm dứt cơn nhức đầu nhờ uống aspirin.

Kết quả: Gia tăng tần số phản ứng (uống aspirin).

4. Các lập luận bênh vực và phản đối biện pháp trừng phạt: tại sao quan điểm áp dụng khích lệ đánh bại quan điểm trừng phạt?

Phải chăng trừng phạt là biện pháp hữu hiệu để cải sửa một hành vi? Trừng phạt thường là con đường ngắn nhất để làm thay đổi một hành vi mà nếu cứ để cho tiếp tục sẽ nguy hiểm cho một cá nhân. Thí dụ, có lẽ chúng ta sẽ không còn cơ hội thứ hai để cảnh cáo một đứa bé đừng chạy ra đường đông đúc xe cộ, cho nên trừng phạt ngay lần đầu xảy ra hành vi này là biện pháp khôn ngoan. Hơn nữa, việc sử dụng biện pháp trừng phạt để trấn áp hành vi, dù là tạm thời, cũng tạo cơ hội khích lệ người ta cư xử theo đường lối tốt đẹp hơn.

Có một số trường hợp, trong đó trừng phạt có lẽ là biện pháp nhân đạo nhất để chữa trị một số rối loạn tâm lý nghiêm trọng. Thí dụ, một số trẻ em mắc phải chứng tự kỷ (autism)*, một rối loạn tâm lý hiếm thấy trong đó các em có thể tự hủy hoại bản thân, cào rách da hoặc đập đầu vào tường, tự gây tổn thương nặng khi lên cơn. Trong các trường hợp như thế. biện pháp trừng phạt dưới dạng một cú điện giật cường độ cao nhằm ngăn chặn hành vi tự gây tổn thương đôi khi đem lại kết quả khả quan trong khi mọi biện pháp chữa trị khác đều bị thất bại. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt như vậy chỉ được dùng như là biện pháp chữa trị sau cùng, nhằm giữ cho đứa trẻ được an toàn cho đến khi tìm ra được các biện pháp khích lệ tích cực.

Một số nhược điểm khiến cho người ta nghi ngờ việc sử dụng thường xuyên biện pháp trừng phạt. Một mặc, nó thường tỏ ra vô hiệu, đặc biệt khi trừng phạt không được thực thi ngay sau khi hành vi xấu xảy ra hoặc khi cá nhân bị khiển trách rời bỏ nơi thi hành trừng phạt. Một nhân viên bị chủ nhân hay thượng cấp khiển trách có thể bỏ việc: một thiếu niên bị cấm dùng chiếc ô tô của gia đình có thể bỏ nhà ra đi. Trong các trường hợp này, hành vi lúc đầu (bị trừng phạt) có thể được thay thế bằng một hành vi khác còn bất lợi hơn nữa.

Tệ hại hơn nữa, hình phạt thân thể có thể gieo vào tâm hồn kẻ thụ hình ý nghĩ rằng sự hung bạo có thể chấp nhận được và có lẽ còn cần thiết nữa. Một người cha thường xuyên đánh chửi sẽ khiến cho con cái có cảm nghĩ rằng sự hung bạo là phản ứng thích đáng của người lớn, vã chẳng bao lâu đứa trẻ sẽ bắt chước y hệt hành vi của cha nó đến mức có hành động gây hắn với người khác. Ngoài ra, nhục hình thường được hành xử bởi những người có tính khí dễ cáu giận hoặc dễ nổi khùng. Do đó, không chắc rằng những cá nhân trong tình trạng xúc cảm như thế lại có thể suy nghĩ thông suốt để biết rằng mình nên làm gì hoặc nên cẩn thận hạn chế trừng phạt đến mức nào.

Việc áp dụng nhục hình phát sinh nguy cơ rằng những người đứng ra thực thi trừng phạt sẽ dần dà nuôi lớn lòng sợ hãi. Hơn nữa, nếu người bị trừng phạt không hiểu rõ nguyên nhân bị trừng phạt – rằng trừng phạt nhằm cải sửa một hành vi xấu và việc trừng phạt độc lập đối với quan điểm cá nhân của những người thi hành biện pháp trừng phạt – thì biện pháp này sẽ dẫn đến tình trạng lòng tự trọng bị hạ thấp.

Cuối cùng, trừng phạt không truyền đạt được bất cứ thông tin nào về các đặc điểm mà một hành vi phải có để xứng đáng thay thế cho hành vi bị trừng phạt. Muốn đạt được hiệu quả xây dựng một hành vi tốt đẹp hơn trong tương lai, biện pháp trừng phạt phải được thực hiện kèm theo các thông tin cụ thể về hành vi bị trừng phạt cũng như về hành vi mong muốn. Trừng phạt một đứa trẻ hay nhìn ra ngoài cửa sổ trong giờ học có thể khiến nó phản kháng bằng hành vi nhìn xuống đất. Nếu không dạy đứa trẻ cách phản ứng thích hợp, chúng ta sẽ chỉ tạo ra tình huống thay thế một hành vi không mong muốn này bằng một hành vi bắt lợi khác mà thôi. Sẽ ít thành công nếu trừng phạt không kết hợp với khuyến khích thực hiện một hành vi thay thế thích hợp. Tóm lại, so với trừng phạt thì khích lệ thực hiện một hành vi mong muốn là một biện pháp thích đáng hơn trong việc cải sửa một hành vi xấu. Như vậy, dù bên trong hay vượt ngoài lĩnh vực khoa học, khích lệ thường chiếm ưu thế hơn trừng phạt.

* Chứng tự kỷ (autism) có hai nghĩa:

(1) [Hội chứng Kanner, gọi là tự kỷ trẻ thơ (infantil autism)] một rối loạn tâm thần nghiêm trọng và hiếm thấy ở trẻ thơ, phát ra trước khi trẻ được hai tuổi rưỡi. Bệnh có dấu hiệu là không có khả năng truyền đạt bằng lời cũng như hình thành các khái niệm trừu tượng; cư xử theo cung cách giới hạn và lặp đi lặp lại; và bị ám ảnh chống lại mọi thay đổi dù nhỏ nhất trong môi trường quen được. Trẻ bị bệnh tự kỷ không xây dựng được các mối quan hệ cá nhân bình thường nhưng lại có thể quá gắn bó tình cảm với các vật dụng đặc biệt của chúng. Hầu hết (trường hợp thằng ngốc bác học). Các nhân tố di truyền và tổn thương não có lẽ là các nguyên nhân quan trọng. Điều trị không có gì đặc biệt, nhưng biện pháp giáo dục chuyên biệt và lâu dài thườn tỏ ra cần thiết. Các khó khăn về cư xử và lo âu có thể khống chế được bằng liệu pháp cư xử (behavior therapy) và thuốc men (như phenothiazines).

(2) Tình trạng rút lui từ những ý tưởng thực tế trở về ý nghĩa phi thật tự cho mình là cái rốn của vũ trụ; một triệu chứng rối loạn nhân cách (personlity disorder) và tâm thần phân lặp (schizophrenia) (theo Từ điển Y học).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.