Tâm lý học căn bản

Chương 12. HÀNH VI ỨNG XỬ BẤT THƯỜNG



DÀN BÀI

Mở đầu

Triển khai chủ đề

I. BÌNH THƯỜNG NGƯỢC LẠI BẤT BÌNH THƯỜNG: CÁCH PHÂN BIỆT

1. Các phương pháp giải thích tình trạng bất bình thường

TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Thảm cảnh không nhà.

2. Tình trạng phổ biến các dạng rối loạn tâm trí: Tình hình sức khỏe tâm thần của liên bang.

3. Tóm tắt và học ôn.

II. CÁC QUAN ĐIỂM VÀ TRẠNG THÁI BẤT BÌNH THƯỜNG: TỪ MÊ TÍN ĐẾN KHOA HỌC

1 Quan điểm y học.

2. Quan điểm phân tâm.

3. Quan điểm hành vi.

4. Quan điểm tiến trình trí tuệ.

5. Quan điểm nhân bản.

6. Quan điểm văn hóa xã hội.

7. Ứng dụng các quan điểm nêu trên vào trường hợp Judy Smith.

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TLH: Phải chăng bạn cảm thấy mình có hành vi ứng xử bất bình thường?

8. Tóm tắt và học ôn II.

III. PHÂN LOẠI HÀNH VI ỨNG XỬ BẤT BÌNH THƯỜNG. CÁC ĐIỂM CĂN BẢN VỀ TÀI LIỆU DSM–IV

IV. CÁC DẠNG RỐI LOẠN CHỦ YẾU

1. Các rối loạn dạng lo âu.

2. Các rối loạn biểu hiện ở cơ thể: khi rối loạn tâm lý dẫn đến rối loạn cơ thể.

3. Các rối loạn dạng phân ly.

4. Tóm tắt và học ôn III.

5. Các rối loạn tâm trạng.

6. Chứng tâm thần phân liệt: khi thực tại bị mất liên lạc.

7. Các rối loạn nhân cách: Người bệnh không cảm thấy đau khổ.

8. Các dạng rối loạn ngoài các rối loạn chủ yếu.

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ TLH:xác định thời điểm cần đến sự giúp đỡ.

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC: Tài liệu DSM và nền văn hóa – và bối cảnh văn hóa của tài liệu DSM.

9. Tóm tắt và học ôn IV.

V. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI

MỞ ĐẦU

TRƯỜNG HỢP JUDY SMITH

Ban ngày bà ta ngồi tựa vào một túi plastic đen đựng rác đặt gọn trên lề đường và mỉm cười với những người qua lại. Bằng một giọng nói tuy khản đặc nhưng đượm nét vui tươi, bà nồng nhiệt cảm ơn những người dừng lại cho bà một hoặc hai đô la. Nhiều người trong số họ sống ở khu ngoại ô quanh vùng, trong những ngôi nhà sang trọng và các cửa hàng bán đồ cổ, họ đến giúp bà để có được cảm giác như mình là người bảo vệ bà.

Đêm đến, bà gom đồ đạc của mình lại – một chiếc thùng có khóa móc, hình dạng như chiếc rương đựng quần áo đặt trên chiếc xe đẩy; một chiếc túi xách sọc màu đỏ xám; và một chiếc túi đeo trên lưng hiệu Lancome màu đen – rồi kéo lê chúng qua ba dãy nhà, đến giao điểm Đại lộ thứ hai và đường thứ 63. Ở đó bà cẩn thận đặt đồ đạc ở cổng chính một ngân hàng, bước xuống lề đường rồi tuôn ra những câu nói tục tĩu vào bóng đêm.

Ở tuổi 41, gương mặt bà ửng đỏ và đôi mắt nâu trũng sâu vì cuộc sống ngoài trời. Khi tỉnh táo, bà có nét dịu dàng tuy có vẻ tò mò và dễ thương. Bà mặc nhiều lớp quần áo – một áo đầm vải bông rộng thùng thình, một áo len dài tay nhiều màu và mới gần đây bà mặc thêm một áo khoác dài tới gối hiệu Norma Kamali màu lam ngọc. Mớ tóc nâu dài của bà được che kín bằng một chiếc mũ đan màu xanh đen trùm lên trên một chiếc mũ màu xám khác. Bà mặc quân dài màu xanh dương và đi giầy thể thao màu hồng.

Lối đối thoại của bà từ những câu trao đổi hợp lý cho đến những câu nói lẫn lộn đủ thứ.

Một ngày nọ bà yêu cầu một ký giả: “Ông biết khu ngoại ô này không? Đó là một khu ngoại ô có lịch sử rất tốt đẹp, và đúng ra ông nên viết về nó.”

Một phút sau đó, bà khoe rằng toàn bộ đất đai trong khu ngoại ồ ấy đều thuộc sở hữu của bà, và bà đã sinh sống ở góc phố ấy từ nhiều thế kỷ nay. Bà long trọng giải thích rằng bà gắn liền với đường tàu ngầm dưới đất.

Trước đây Judy Smith (Smith không phải là họ thật của bà) không luôn luôn cư xử như thế. Sinh trưởng ở miền trung tây Hoa Kỳ, tuổi thơ ấu và thời thanh xuân của bà cũng bình thường như bao người khác. Bà hát trong ca đoàn nhà thờ và được theo học ở trường trung học của giới thượng lưu. Bà thành hôn với con trai của một cư dân nổi tiếng trong thị trấn và hai vợ chồng hạ sinh được một cô con gái.

Nhưng sau đó lối ứng xử của Judy bắt đầu có một vài thay đổi kỳ lạ. Người chồng mà bà thành hôn ngay sau khi tốt nghiệp trung học, là ông chồng đầu tiên trong số 3 ông chồng trong đời bà, bảo rằng chính bà đã làm đổ vỡ cuộc hôn nhân. Bà bắt đầu nói chuyện một mình, mặc dù hầu như mọi lúc bà cư xử khá bình thường. Bà đã tốt nghiệp bậc cử nhân, và lấy đủ tín chỉ để được cấp bằng cao học. Theo lời thân mẫu của bà, bà tổ chức những buổi dạ tiệc kỳ diệu và là người nội trợ tuyệt vời.

Tuy nhiên hành vi ứng xử của bà lại bắt đầu tồi tệ hơn, và sau vài năm tình hình đối thoại với những cá nhân tưởng tượng trở nên thường xuyên hơn – và sôi nổi hơn. Thân mẫu bà đã không thuyết phục bà đi bệnh viện tâm thần được. Đến khi bà đồng ý chịu đi bệnh viện thì một luật sư đến giúp bà làm thủ tục xin được tòa phán xử và khuyên bà không nên nhập viện. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của vị luật sư, quan tòa phán rằng bà không đe dọa cho bản thân cũng như cho người khác nên không cần phải cưỡng bách bà nhập viện.

Từ đó, Judy sống lang thang ngoài đường phố. Đôi khi dường như bà cư xử hoàn toàn hợp lý, mặc cả với người chủ tiệm giặt ủi về giá giặt thuê, hoặc gửi bưu phẩm qua United Parcel Service về cho gia đình. Bà quá tỉ mỉ trong việc giữ cơ thể sạch sẽ, ngày nào cũng tắm rửa bằng nước khoáng Evian đóng chai.

Tuy vậy, Judy còn có một bộ mặt khác nữa. Đêm đến, bà gào thét trong nhiều giờ liền, tuôn ra đủ thứ lời lẽ tục tĩu. Bà cũng đã xây dựng một nhân cách khác, với nó bà tranh luận cãi vã kịch liệt. Bà cho rằng mình đã tham dự vào một âm mưu lường gạt chính quyền Mỹ.

Thế nhưng, Judy khước từ sự giúp đỡ về mặt tâm lý. Bà thấy không cần thiết.

TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ

Hầu hết chúng ta có lẽ đều không tán thành cách đánh giá sức khỏe tâm thần bản thân của Judy. Nhưng trường hợp của bà nêu lên một loạt nghi vấn nghiêm trọng không dễ gì giải đáp thỏa đáng. Tại sao Judy sống lang thang ngoài đường phố? Tại sao bà khước từ một sự giúp đỡ của người khác? Tại sao lối ứng xứ của bà bình thường vào ban ngày, nhưng lại trở thành tồi tệ đến mức gào thét những lời lẽ tục tĩu vào ban đêm? Nguyên nhân nào khiến cho bà có lối ứng xử như thê? Phải chăng bà có lẽ đã không sống lang thang ngoài đường nếu được chữa trị sớm hơn? Nói chung, chúng ta làm cách nào để phân biệt được giữa hành vi ứng xử bình thường với bất bình thường, và có thể xếp hành vi của Judy vào loại nào cũng như biết được bản chất rối loạn của bà đích thực là gì?

Tuy không câu hỏi nào trên đây được giải đáp dứt khoát, đặc biệt trong trường hợp phức tạp như Judy, nhưng chúng ta có thể nhờ đó để khai mào một số vấn đề nêu lên bởi hành vi ứng xứ bất bình thường của bà trong chương này và một chương sau. Chúng ta khởi đầu bằng thảo luận về cách phân biệt giữa lối ứng xử bình thường và bất bình thường, tìm hiểu xem cách phân biệt tế nhị ấy phải được tiến hành ra sao. Chúng ta khảo xét nhiều phương pháp khác nhau đã được sử dụng để giải thích hành vi ứng xử bất bình thường, từ cách giải thích căn cứ vào mê tín cho đến các lối lý giải căn cứ vào các khảo hướng khoa học đương đại, và ứng dụng các phương pháp này vào trường hợp của Judy cho thấy các lối lý giải khác nhau này bổ sung cho nhau ra sao.

Trọng tâm của chương này nhằm miêu tả các loại hành vi ứng xử bất bình thường khác nhau. Nhờ hệ thống phân loại sử dụng bởi các chuyên viên y tế tâm thần, chúng ta tìm hiểu được các dạng rối loạn quan trọng nhất. Chương này cũng thảo luận đến các khó khăn và nguy hiểm của việc tự chẩn đoán, cũng như các dấu hiệu của bản thân khiến người ta lưu tâm tìm sự giúp đỡ của các chuyên viên sức khỏe tâm thần.

Tóm lại, đọc xong chương này bạn có đủ sức giải đáp một số cầu hỏi căn bản về sức khỏe tâm thần như sau:

– Làm cách nào phân biệt được hành vi ứng xử bình thường và bất bình thường?

– Các chuyên viên sức khỏe tâm thần theo các quan điểm chủ yếu nào để chẩn đoán hành vi ứng xử bất bình thường, và các quan điểm ấy được ứng dụng ra sao vào các trường hợp đặc biệt?

– Người ta sử dụng hệ thống xếp loại nào để phân loại các hành vi bất bình thường, và các rối loạn sức khỏe tâm thần có các dạng chủ yếu nào?

– Những dấu hiệu chủ yếu nào cho thấy người ta đến lúc cần đến sự giúp đỡ của các chuyên viên sức khỏe tâm thần?

* James Augustine Aloysius Joyce(1882 – 1941): Tiểu thuyết gia, thi sĩ và nhà soạn kịch lreland. Ông sống ở Âu châu từ năm 1904, xuất bản tập truyền ngắn đầu tay Dubliners vào năm 1914, và tiểu thuyền đậm màu sắc tự truyện đầu tay nhan đề Portrait of the Artist as a Youngman vào năm 1916. Ông nổi tiếng nhất nhờ tác phẩm Ulysses (1922), một cuốn tiểu thuyết miêu tả tỉ mỉ các biến cố xảy ra trong một ngày duy nhất ở thành phố Dublin và được mọi người chú ý vì lối dùng ngôn ngữ tân kỳ.

Người dịch để nguyên đoạn văn này vì biết rằng không tài nào dẫn dịch trọn vẹn thâm ý của tác giả, lại cũng muốn cho độc giả biết qua văn phong kỳ lạ của tác giả từ cú pháp cho đến cách vận dụng ngữ nghĩa hiếm thấy (chú của người dịch).

I. BÌNH THƯỜNG NGƯỢC LẠI BẤT BÌNH THƯỜNG: CÁCH PHÂN BIỆT

Có lẽ người ta dễ dàng kết luận rằng các lời lẽ này là các lời nói lảm nhảm của một người điên. Bởi vì ít ra thoạt nhìn đoạn văn này dường như chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng các học giả văn học sẽ không tán thành lối kết luận như thế. Thực ra đoạn văn này trích từ tác phẩm cổ điển Ulysses của văn hào James Joyce*, đã được mọi người nồng nhiệt chào đón như là một trong các công trình lớn trong văn chương thế kỷ 20 (Joyce, 1934, trang 377).

Như thí dụ này minh họa, tìm hiểu qua loa đoạn văn của một người nào đó không đủ để xác định mức độ “bình thường” của người ấy. Nhưng ngay cả trong trường hợp tìm hiểu sâu rộng hơn các màu hành vi ứng xử của một người, chúng ta thấy rằng có lẽ chỉ có một làn ranh mỏng manh giữa các hành vi được xem là bình thường với các hành vi được xem là bất bình thường.

1. Các phương pháp giải thích tình trạng bất bình thường

Tình trạng khó khăn trong việc phân biệt hành vi bình thường với bất bình thường đã làm nảy sinh rất nhiều cách phác họa một định nghĩa khoa học và chính xác về “hành vi ứng xử bất bình thường”. Thực tế, qua nhiều năm tháng các định nghĩa về hành vi ứng xử bình thường và bất bình thường đều đã trải qua nhiều lần sửa đổi. Dưới đây chúng ta tìm hiểu bốn cách giải thích chủ yếu thường được vận dụng nhiều nhất.

a. Lệch khỏi mức trung bình: Lối giải thích có lẽ hiển nhiên nhất là định nghĩa cho rằng bất bình thường là tình trạng lệch khỏi mức trung bình – một định nghĩa đậm màu sắc thống kê. Nhằm mục đích xác định tính bất bình thường, chúng ta chỉ cần quan sát những hành vị nào hiếm khi xảy ra trong một xã hội hay một nền văn hóa nhất định, rồi gán cho các trường hợp lệch khỏi chuẩn mực là bất bình thường.

Tuy định nghĩa này hợp lý trong một số trường hợp, nhưng nhược điểm của nó là có một số hành vi tuy hiếm hoi về mặt thống kê nhưng hiển nhiên không thể xếp vào loại hành vi bất bình thường được. Nếu như hầu hết mọi người đều thích dùng nước cam vắt trong buổi điểm tâm thì việc bạn thích dùng nước táo khó mà nói là hành vi bất bình thường được. Tương tự, một khái niệm như vậy về tình trạng bất bình thường sẽ gán ghép bất hợp lý một người có điểm số IQ cao lạ thường là người bất bình thường, đơn giản chỉ vì trường hợp của người này hiếm thấy về mặt thống kê. Như vậy, định nghĩa tính chất bất bình thường căn cứ vào tình trạng lệch khỏi mức trung binh là một định nghĩa còn thiếu sót.

b. Lệch khỏi mức lý tưởng. Thái độ cầu toàn. Một lối định nghĩa khác về tính chất bất bình thường là định nghĩa chú trọng đến không chỉ các mức mà hầu hết mọi người đều thực hiện được (mức trung bình), mà còn đến một tiêu chuẩn mà hầu hết mọi người đều mong muốn đạt đến – mức lý tưởng. Theo cách định nghĩa này, hành vi bị xem là bất bình thường nếu như nó lệch khỏi một mức lý tưởng hay tiêu chuẩn nào đó. Không may thay, định nghĩa này còn gặp nhiều trở ngại hơn cả định nghĩa lệch khỏi mức trung bình nữa, bởi vì xã hội có quá ít tiêu chuẩn mà mọi người đồng lòng tán thành. Hơn nữa, các tiêu chuẩn nổi bật lại thường biến đổi theo thời gian, khiến cho định nghĩa lệch khỏi mức lý tưởng thành thiếu chính xác.

c. Bất bình thường là ý thức được tình trạng bất an hay khó chịu có tính chủ quan

Do nhược điểm của cả hai lối định nghĩa trên, chúng ta phải quay về các lối định nghĩa chủ quan hơn. Một trong các định nghĩa thường dùng nhất về hành vi bất bình thường là định nghĩa chú trọng đến các hậu quả tâm lý của hành vi đối với cá nhân ấy. Theo lối định nghĩa này, hành vi bị xem là bất bình thường nếu như nó khiến cho người ta nảy sinh cảm nghĩ đau buồn, lo âu, hoặc tội lỗi – hoặc nếu như nó phương hại đến người khác về một khía cạnh nào đó.

Ngay một định nghĩa căn cứ vào tình trạng bất an hay khó chịu chủ quan cũng có nhược điểm. Bởi vì trong một số trường hợp rối loạn tâm trí đặc biệt nghiêm trọng người bệnh báo cáo rằng họ cảm thấy phấn chấn và có tâm trạng đạt được đỉnh cao thế giới – thế nhưng đối với người khác, hành vi ứng xử của họ lại rất kỳ quặc. Như vậy, trong trường hợp này có tình trạng hạnh phúc chủ quan, vậy mà hành vi lại thuộc lãnh vực gồm các sắc thái mà hầu hết mọi người đều xem là bất bình thường. Điều này hàm ý rằng một định nghĩa về tình trạng bất bình thường không chú trọng đến khả năng hành xử đúng đắn của con người sẽ là định nghĩa thiếu chính xác. Do đó các nhà tâm lý đã xây dựng một lối phân biệt sau cùng giữa hành vi ứng xử bình thường và bất bình thường.

d. Bất bình thường là thiếu khả năng hành xử hữu hiệu. Hầu hết mọi người đều có khả năng nuôi sống bản thân, làm một nghề nghiệp nào đó, sống hòa thuận với người khác, và nói chung sống như những thành viên hữu dụng trong xã hội. Vậy mà có những người không đủ sức thích nghi với các nhu cầu của xã hội hoặc không có khả năng hành xử hữu hiệu.

Theo quan điểm cuối cùng này về tình trạng bất bình thường, những người thiếu khả năng hành xử hữu hiệu và thích nghi với các yêu cầu của xã hội sẽ bị xem là bất bình thường. Thí dụ, người phụ nữ thất nghiệp vô gia đình sống lang thang trên hè phố như máy Smith chẳng hạn, có thể bị xem là thiếu khả năng hành xử hữu hiệu. Do đó, hành vi ứng xứ của bà sẽ bị xem là bất bình thường, ngay cho dù bà đã tự ý chọn lựa lối sống đặc biệt này. Theo lời định nghĩa này, chính tình trạng thiếu khả năng thích nghi với các yêu cầu của xã hội đã khiến bà bị xem là “bất bình thường”.

e. Thang đánh giá hành vi bình thường và bất bình thường. Vạch một giới tuyến cho tình trạng bất bình thường: Riêng bất kỳ định nghĩa nào trong số bốn định nghĩa nêu trên cũng đều không đủ bao quát để phản ảnh đầy đủ mọi trường hợp hành vi ứng xứ bất bình thường, và tình hình phân biệt giữa lối ứng xử bình thường và bất bình thường vẫn cứ chưa được minh bạch, đôi khi đối với cả giới chuyên môn được huấn luyện kỹ lưỡng nữa. Hơn nữa, cách đặt tên hành vi bất bình thường bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các kỳ vọng của nền văn hóa về những hành vi được xem là tiêu biểu trong xã hội.

Có lẽ phương pháp tối ưu để đối phó với tình trạng thiếu chính xác này là không nên xem hành vi ứng xử bình thường và bất bình thường là những tình trạng tuyệt đối. Đúng ra, nên xem chúng là hai đối cực của một thang đánh giá hành vi, với khả năng hành xử hoàn toàn bình thường nằm ở một cực, còn hành vi hoàn toàn bất bình thường nằm ở đối cực kia. Hiển nhiên, các hành vi nói chung thường rơi vào một điểm nào đó nằm giữa hai cực.

Bởi vì sự khác biệt giữa hành vi ứng xử bình thường và bất bình thường không được minh bạch, cho nên vấn đề liệu vào thời điểm nào xã hội nên can thiệp để yêu cầu chữa trị cho những người có biểu hiện ứng xử bất bình thường cũng thật là mơ hồ. Thí dụ, các viên chức y tế tâm thần có nên đứng ra cưỡng bách Judy phải chấp nhận chữa trị về mặt tâm lý không?

Không có một câu trả lời dứt khoát cho nghi vấn này, cả trong trường hợp của Judy lẫn trường hợp của những người khác bị rối loạn tâm lý đến phải lâm vào tình cảnh vô gia đình. Tuy nhiên, các luật sư và các nhà tâm lý pháp y – những nhà tâm lý chuyên nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến pháp luật – đã nỗ lực xác định các trường hợp hành vi ứng xử bất bình thường mà luật pháp phải ra tay can thiệp. Trong hầu hết các trường hợp, một người phải hội đủ bốn điều kiện tiêu chuẩn sau đây thì luật pháp mới ra tay can thiệp: Người ấy phải (1) tỏ ra nguy hiểm cho bản thân; (2) không đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu căn bản của bản thân; (3) không đủ lý trí để quyết định bản thân có nên được chữa trị không; và (4) thật sự cần được chữa trị hay chăm sóc. Dĩ nhiên, bản tiêu chuẩn này vẫn chưa phải là câu trả lời sáng tỏ cho nghi vấn liệu lúc nào nên áp dụng biện pháp chữa trị cho một cá nhân bởi vì các tiêu chuẩn ấy đầy dẫy các điểm mơ hồ. Như vậy, vấn đề xác tính thời điểm nào xã hội nên can thiệp vào các trường hợp có hành vi ứng xử bất bình thường rõ ràng là một việc khó thực hiện vậy (cũng xem đoạn trích dẫn thời sự dưới đây).

2. Tình trạng phổ biến các dạng rối loạn tâm trí: Tình hình sức khỏe tâm thần của liên bang

Nếu như việc định nghĩa thỏa đáng khái niệm bất bình thường gặp nhiều trở ngại, thì người ta ắt sẽ không ngạc nhiên khi thấy vấn đề xác định con số người có các dấu hiệu hành vi ứng xử bất bình thường cũng không phải là một công tác đơn giản. Thế nhưng một cuộc điều tra do chính phủ Hoa Kỳ tổ chức vào giữa thập niên 1980 đem đến cho chúng ta một khái niệm về con số người Mỹ có dấu hiệu bị rối loạn tâm trí.

Cuộc điều tra đã tiến hành ở 5 cộng đồng trong nước và bao gồm khoảng 18.000 người Mỹ. Trong những cuộc phỏng vấn cá nhân kéo dài hai giờ đồng hồ, mỗi đối tượng phỏng vấn phải trả lời 200 câu hỏi về các vấn đề đặc biệt, như cảm thấy hoang mang sợ hãi khi phải rời khỏi nhà hoặc không còn quan tâm gì đến các sinh hoạt tiêu khiển bình thưởng. Nhờ sử dụng các tiêu chuẩn phân loại rối loạn tâm trí mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau trong chương này, các nhà nghiên cứu có thể phác họa được sơ lược về tinh hình sức khỏe tâm thần của Liên Bang.

Cuộc điều tra cho thấy gần 20% số người trưởng thành được phỏng vấn hiện đang bị rối loạn tâm trí, và gần 1/3 đã từng bị rối loạn tâm thần vào một thời điểm nào đó trong quá khứ. Các tỷ lệ hiện đang mắc phải rối loạn tâm trí của nam giới và nữ giới gần bằng nhau, mặc dù trong quá khứ số nam giới bị bệnh nhiều hơn nữ giới.

Suy rộng các kết quả ấy cho cả nước, người ta tính được có hơn 29 triệu người Mỹ đang bị một hay nhiều dạng rối loạn tâm thần hoặc đã từng bị một dạng rối loạn trong vòng 6 tháng qua. Thí dụ, 13 triệu người bị các rối loạn liên hệ đến chứng lo âu, 10 triệu người nghiện rượu hay nghiện 1 loại ma túy, và khoảng 11 triệu người bị các cơn sợ hãi vô lý. (Bởi vì các đối tượng có thể báo cáo nhiều chứng rối loạn, nên ở đây chắc chắn có sự trùng lắp về số liệu thống kê). Kỳ lạ thay, chỉ có khoảng 1/5 số người ấy tìm cách chữa trị mà thôi.

Không phải chỉ những người trưởng thành mới có tỷ lệ rối loạn tâm lý ở mức cao. Thí dụ, một cuộc điều tra quan trọng cho thấy khoảng 20% thiếu nhi Mỹ đã từng có triệu chứng rối loạn phát triển, gặp trở ngại trong tiến trình học tập, hay gặp rối loạn tình cảm. Ngoài ra, các vấn đề này có khuynh hướng nhiều gấp đôi ở các gia đình bị lâm vào cảnh đổ vỡ hạnh phúc (như ly dị hoặc cha mẹ ở góa nuôi con) so với các gia đình có đầy đủ cha mẹ.

Những kết quả điều tra này cho thấy hành vi ứng xử bất bình thường không phải là hiện tượng hiếm thấy. Hơn nữa, trong các cuộc điều tra sâu rộng hơn hiện nay vẫn còn đang tiến hành, các nhà nghiên cứu đang thu thập các thông tin về các trường hợp rối loạn tâm thần được chữa trị lành bệnh và về các trường hợp người bị bệnh tâm thần khước từ chữa trị, cũng như các thông tin về những biến cố quan trọng trong đời (như hôn nhân và cái chết của những người thân trong gia đình chẳng hạn) ảnh hưởng ra sao đến các dạng rối loạn tâm thần. Công trình này hứa hẹn xác định được loại biến cố đặc biệt nào là nguyên nhân gây ra các hành vi bất bình thường và tìm cách ngăn chặn chúng xảy ra.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ

THẢM CẢNH KHÔNG NHÀ

Một phụ nữ đẩy một chiếc xe chở đầy những thứ nhặt nhạnh được ở những thùng rác như quần áo cũ, túi đủ cỡ, và các đồ vật linh tinh phế thải. Một người đàn ông nằm dài trên một khung lưới sắt ở đường xe điện ngầm vào một buổi tối giá rét, lẩm bẩm nói một mình. Một người đàn ông khác ăn mặc lôi thôi, ngồi trên một chiếc băng ở trạm xe buýt, liên tục đập con ruồi bay vo ve là sinh vật duy nhất mà ông ta đang thấy trên đời.

Những hình ảnh ấy cứ luôn luôn ám ảnh khiến chúng ta không sao quên được. Chúng cũng là một trong những vấn đề xã hội và y tế nổi cộm nhất mà hiện nay Hoa Kỳ phải đương đầu.

Tùy theo quan điểm đánh giá tình trạng không nhà, các con số thống kê cho thấy thấp nhất có khoảng vài trăm ngàn người cho đến cao nhất có khoảng ba triệu người lâm vào thảm cảnh không nhà ở Mỹ. Hầu hết các cuộc điều tra đều cho thấy rất ít người trong số người không nhà ấy bị một dạng rối loạn tâm lý nào đó. Chỉ vào khoảng 10% đến 40% số người không nhà bị các rối loạn tâm lý kinh niên nghiêm trọng. Có lẽ từ 20 đến 30% mắc phải các trường hợp nghiện rượu hay nghiện ma túy và khoảng từ 10 đến 20% biểu hiện các dấu hiệu khó khăn nghiêm trọng như nghe được tiếng nói từ cõi hư vô hoặc có cảm giác bị các lực lượng vô hình ngược đãi. Khoảng từ 1/4 đến 1/3 số người không nhà đã từng được chữa trị các rối loạn tâm lý ở các cơ sở y tế trước đây. Dĩ nhiên, điều cũng quan trọng là đa số người không nhà hiện tại không bị các rối loạn tâm lý nghiêm trọng.

Đối với những người bị các dạng rối loạn tâm lý, thảm cảnh không nhà chính là bước cuối cùng trong tiến trình suy sụp tâm lý dài dằng đặc. Và đối với nhiều người, chiều hướng suy sụp ấy khởi đầu từ thời thơ ấu. Thí dụ, một khảo cứu đã khám phá được gần đến phân nửa những người vào trú ngụ ở những địa điểm nương náu công cộng đều là những người trước đây đã từng được các cơ quan y tế tâm thần chữa trị và chăm sóc, hoặc là những người xuất thân từ các viện mồ côi. Bất kể nguyên nhân nào gây ra tình trạng không nhà, có thể do các biến cố mới đây như bị mất sở làm hay bị đuổi nhà chẳng hạn, hầu như người lâm vào thảm cảnh không nhà nào cũng đều bị các rối loạn tâm lý trong các thời kỳ kéo dài.

Trong một số trường hợp, chính những người không nhà chọn cho mình giải pháp vô gia cư. Thi dụ, Judy Smith là người được nêu ra trong trường hợp điển hình mở đầu chương này. Khước từ mọi quan tâm chăm sóc của gia đình cũng như của những cư dân ở khu ngoại ô mà bà đang nương náu về đêm hiện nay. (Theo lời thân mẫu bà Smith không chịu về nhà hoặc sống chung với bất kỳ ai bởi vì bà không thích quan hệ với loại người ở những nơi đó!)

Một trong các vấn đề quan trọng liên quan đến tình trạng không nhà chính là mức độ can thiệp và cưỡng bách những người bị rối loạn tâm trí phải rời khỏi đường phố của các cơ quan phúc lợi do nhà nước thiết lập. Như trong trường hợp bà Smith, nhiều điểm trong hệ thống luật pháp hiện hành chống lại các nỗ lực cưỡng bách những người không nhà phải nhập viện chữa trị. Nếu những người không nhà như Smith là những người không phạm tội và tỏ ra không nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác, một số chuyên viên pháp luật cho rằng người ta không tìm được lý do để hạn chế tự do của họ và buộc họ phải sống trong các viện tế bần hay nhập viện chữa trị. Lối lý luận như vậy khắng định rằng những người không nhà được phép sống lang thang ngoài đường phố, ngay trong trường hợp hành vi của họ có vẻ làm phiền người khác, nếu không nói là khiến cho người ta cảm thấy khó chịu. Ngược lại, một số nhà tâm lý lập luận rằng những người sống lang thang ngoài trời phải trải qua những đêm dông giá rét và phải hứng cái nóng bức của những ngày hè rực nắng rõ ràng đã có nguy cơ tổn thương cho bản thân của họ rồi. Đối với những chuyên viên này, trách nhiệm của xã hội là cưỡng bách những người không nhà phải chấp nhận một tình huống ít nguy hiểm hơn cho bản thân họ.

Hiển nhiên, các vấn đề ấy không dễ gì giải quyết ngã ngũ được, bởi vì chúng khiến cho tự do cá nhân đối đầu với quyền hạn của tập thể xã hội. Dù sao, hiển nhiên là thảm cảnh không nhà vẫn sẽ tiếp tục là một vấn đề xã hội quan trọng trong một thời gian dài, và rằng rất ít người trong số những người sống lang thang ngoài đường trong các đô thị và tỉnh thành mắc phải các rối loạn tâm lý nghiêm trọng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.