Những Sự Thật - Làm Giàu Từ Mạng Xã Hội

Sự thật 4. Với mạng xã hội, sự thay đổi chính là hằng số duy nhất



Năm 2007 được gọi là “năm của mạng xã hội” với lý do chính đáng. Năm này chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ của những trang mới ra đời, và rất nhiều thông cáo của các liên minh chiến lược, hợp tác và những vụ đầu tư vốn cổ phần. Đây cũng là năm mà một trong những nhân vật chính trong ngành công nghiệp này, Facebook, thú nhận những sai lầm của mình và ngay lập tức thay đổi chính sách, nhờ vào sức mạnh của dư luận.

Từ sự khởi đầu này, mạng xã hội đã trở thành một điểm đặc trưng với những thay đổi và không thể đoán trước, nhanh chóng công bố những đổi mới, xuất hiện trên những tít lớn của báo chí truyền thông, thu hút hàng trăm triệu người tham gia, và tạo nên một hiệu ứng đặc biệt – hầu hết là tích cực, nhưng đồng thời đôi khi vẫn có những tiêu cực. Với mạng xã hội, sự thay đổi chính là hằng số duy nhất.

Mặc dù 2007 có thể là năm của mạng xã hội, nhưng hiện tượng này thực sự đã bắt đầu từ 12 năm trước. Một trong những trang đầu tiên sử dụng mô hình kinh doanh trên mạng xã hội là Classmates.com. Ra mắt năm 1995, trang này chủ yếu phục vụ việc liên lạc lại giữa những người bạn học cũ. Classmates đã bị lu mờ bởi sức mạnh của những trang như MySpace hay Facebook, nhưng nó vẫn có 50 triệu người đăng ký và giữ vị trí vững chắc trong bảng xếp hạng mười trang mạng xã hội hàng đầu ở Mỹ.

Hai năm sau, năm 1997, SixDgrees.com được thành lập dựa trên ý tưởng rằng mọi người không thể cách nhau quá sáu mối liên kết trên thế giới. Hiện SixDegrees.com không còn tồn tại nữa – YouthStream Media Networks đã mua lại trang này năm 2000 – nhưng công nghệ của nó thì vẫn được áp dụng. YouthStream đã bán giấy phép độc quyền nhãn hiệu trang mạng xã hội mà nó giành được từ SixDegrees cho các trang như LinkedIn và Tribe vào tháng Chín năm 2003, tiếp tục ý tưởng về “sáu mối quan hệ riêng biệt” cho tới ngày nay.

SixDegrees.com thực sự đã tiến trước một chút so với thời của nó. Không phải cho tới năm 2003 mạng xã hội mới bắt đầu trở lại với sự ra đời của những trang như MySpace, LinkedIn, và OpenBC (giờ là XING). Từ đó, số người truy cập mạng vẫn tăng theo cấp số mũ, và khi truy cập băng thông rộng trở nên phổ biến, mở ra những cánh cửa cho việc thu được nhiều lợi nhuận hơn trong các dạng thức trải nghiệm mà mạng xã hội mang lại.

Năm 2004 và 2005, mạng xã hội chứng kiến sự phát triển bổ sung, với sự ra đời của Facebook trong căn phòng ký túc xá của ba sinh viên năm cuối Đại học Harvard, những người không có mấy nhận thức về việc rồi đây điều này sẽ thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. Cùng lúc, Google cho ra mắt trang mạng xã hội của mình – thứ đã trở thành nỗi thất vọng lớn trong suốt lịch sử của mạng xã hội. Mặc cho sự bành trướng rộng khắp của mình, mạng xã hội Orkut của Google không bao giờ được phổ biến trên toàn thế giới. Giờ đây, Orkut trở thành một trang chuyên biệt, tập trung phần lớn vào những người sử dụng ở Brazil và châu Á.

Nhưng cũng chẳng phải đợi đến khi tập đoàn News Corporation của ông trùm truyền thông Rupert Mudoch, công ty mẹ của Fox Interactive Media, giành được MySpace vào tháng Bảy năm 2005 thì mọi người mới bắt đầu nhận ra rằng mạng xã hội còn hơn cả một trò giải trí, tiêu khiển đơn thuần. Thương vụ mua lại trị giá 580 triệu đô-la báo hiệu rằng mạng xã hội thực sự là một công việc kinh doanh nghiêm túc. Nó có thể hái ra tiền, cả cho người sở hữu trang đó – những người thu lợi từ quảng cáo –lẫn những người tìm kiếm một công cụ quảng bá mới mẻ cho những sản phẩm và dịch vụ của họ. Mạng xã hội với tư cách là một công cụ kinh doanh khả thi và có thể phát triển đã ra đời.

Năm 2006, mạng xã hội đã chuyển dịch sang một cơ cấu mới. Facebook mở rộng phạm vi đăng ký của nó ra công chúng và vượt qua sự tăng trưởng ba con số. MySpace từng là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Internet. Dù vậy năm 2006 không phải là một năm chỉ toàn những tin tốt đối với các công ty mạng xã hội. Xanga buộc phải trả khoản phạt 1 triệu đô-la bởi cáo buộc vi phạm Đạo luật Bảo vệ Quyền riêng tư trên mạng dành cho Trẻ em (Children’s Online Privacy Protection Act). Hình phạt này đã chuyển đến một thông điệp hết sức rõ ràng với ngành công nghiệp này, đó là: Sẽ có những hậu quả nếu không tuân thủ những nguyên tắc đảm bảo mạng xã hội trở nên an toàn đối với tất thảy những người tham gia.

Năm 2007, hiện tượng mạng xã hội xuất hiện ở khắp mọi nơi. Cơn sốt này nhanh chóng lan rộng như virus, thông qua những chiến dịch marketing truyền miệng. Mạng xã hội thậm chí còn là một chủ đề chuyện phiếm trên khắp thế giới, khi những người đi làm bắt đầu tranh luận xem làm cách nào họ cũng có thể thu lợi từ nền tảng giao tiếp phát triển này. Những trang mạng mới ra mắt với tần suất thường xuyên, bao gồm cả New England Venture Network chuyên dành cho các nhà đầu tư vốn mạo hiểm, CarFolks dành cho những người yêu xe ô tô, và thậm chí Raxxle dành cho nhưng người háo hức muốn tìm kiếm “anh chị em song sinh” của mình nhờ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Còn trang MilitaryPlanet, ra mắt trong ngày Cựu chiến binh, đã kết nối những người lính hiện trong quân ngũ lẫn các cựu binh.

Tín hiệu về xu thế hướng tới một môi trường mạng xã hội cởi mở hơn, cả Facebook lẫn Google đều thông báo những nền tảng phát triển vào năm 2007. Google cho ra mắt OpenSocial, một giao diện chung để phát triển những ứng dụng xã hội, được hỗ trợ bởi một danh sách dài các nhà lãnh đạo nền công nghiệp này như: Bebo, Friendster, LinkedIn, MySpace, Ning hay XING. Mặt khác, Facebook đã đưa ra công bố về “Nền tảng Facebook” của mình, một nền tảng phát triển có thể cho phép một trang mạng tương tác với Facebook. MySpace tuyên bố về nền tảng phát triển của riêng mình vào tháng Hai năm 2008, được thiết kế để mở rộng OpenSite của Google. Mặc cho những thay đổi của việc có đa nền tảng, tin tốt là họ có thể cho phép các nhà phát triển tạo ra những ứng dụng mạng xã hội đơn giản hơn, và kết quả là có thể mang đến những tính năng chất lượng cao hơn, hấp dẫn hơn với người sử dụng.

Năm 2007 cũng là một mốc quan trọng trong câu chuyện mang tên mạng xã hội. Khi Facebook thông báo rằng dịch vụ Beacon là một phần của chương trình Facebook Ads mới, công chúng gần như ngay lập tức phản đối. Facebook lắng nghe tất thảy những lời phàn nàn đối với Beacon và đề ra những mối quan tâm về bảo mật. Một tháng sau, CEO Mark Zuckerberg đã lên tiếng xin lỗi và thông báo rằng người sử dụng có thể bỏ qua lựa chọn Beacon. Sự đảo ngược tình thế nhanh chóng này của Facebook trong vụ việc Beacon là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức mạnh của những người tạo ra nội dung chính là nền tảng cho sự phổ biến và thông dụng của mạng xã hội trên khắp thế giới.

Điều diễn ra tiếp theo đối với mạng xã hội trong vòng một vài năm tới vẫn còn trong suy đoán của bất cứ ai. Các trang mạng chắn chắn sẽ xuất hiện rồi biến mất. Những công nghệ mới sẽ cải thiện một cách rõ ràng mạng xã hội mà chúng ta biết hiện nay. Dù vậy, một điều chắc chắn là mạng xã hội vẫn sẽ tiếp tục phát triển, thay đổi và không khỏi khiến tất cả chúng ta ngạc nhiên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.