Phục Sinh

CHƯƠNG 113



Trong hai người, một người còn trẻ, gầy gò, thấp bé; anh ta mặc cái áo da cừu ngắn và đi giầy ống cao; bước đi nhanh nhẹn. Anh ta cầm hai ấm trà nóng đang bốc khói và cắp nách một chiếc bánh mì quấn trong một chiếc khăn.
– A, Công tước của chúng ta đã lại tới, – anh ta nói, vừa đặt ấm trà vào giữa bộ chén, vừa đưa chiếc bánh cho Ranxeva. – Chúng tôi vừa mua được những thức rất tuyệt, anh ta nói tiếp, đoạn cởi chiếc áo da cừu ra quẳng nó lên trên phản, qua đầu mấy người kia. – Marken mua được sữa và trứng. Tối nay ta sẽ làm tiệc chén cho thích. Mà chị Kirilovna (tức Ranxeva) đang trổ tài bày biện mỹ thuật ra rồi đấy? – Anh ta nói và nhìn Ranxeva mỉm cười. – Và bây giờ thì chị pha trà cho.
Từ tất cả diện mạo hình dáng anh chàng nầy, từ cử chỉ, tiếng nói, khóe mắt của anh ta đều toát ra niềm phấn khởi tươi vui, còn người thứ hai thì cũng thấp bé gẩy gò nhưng trái hẳn lại, có dáng buồn rầu chán nản; da mặt tai tái, gò má nhô cao trên đôi má hóp, anh nầy có đôi mắt xanh to đẹp, cách xa nhau và hai vành môi mỏng. Anh ta mặc áo khoác cũ và đi đôi ủng cao su. Anh ta mang hai bình sữa với hai chiếc làn đem lại đặt trước mặt Ranxeva, nghiêng mình chào Nekhliudov, đầu hơi cúi xuống nhưng mắt vẫn nhìn chàng chằm chằm. Anh ta miễn cưỡng đưa bàn tay ướt đẫm mồ hôi ra bắt tay Nekhliudov, đoạn từ từ bỏ thức ăn ở trong làn ra.
Cả hai người tù chính trị nầy đều xuất thân từ trong quần chúng. Người thứ nhất là Nabatov, một nông dân, còn người thứ hai, là Marken Kondratiev, một công nhân.
Đến năm ba mươi lăm tuổi, Marken mới tham gia, còn Nabatov thì năm mười sáu tuổi đã gia nhập phong trào cách mạng. Sau khi ở trường làng ra, nhờ có tài năng xuất sắc Nabatov được học ở trường trung học. Suốt trong thời kỳ nầy anh vừa học, vừa dạy học để lấy tiền sinh sống. Anh tốt nghiệp với huy chương vàng, nhưng không xin vào đại học vì ngay khi còn ở lớp bảy, anh đã định tâm sẽ trở về tầng lớp xuất thân của mình để giảng dạy cho những người anh em của mình là những người không được ai chăm sóc đến. Và anh đã làm đúng như vậy.
Nhưng anh bị bắt ngay vì đã đọc sách cho nông dân nghe và đã tổ chức một hợp tác xã tiêu thụ và sản xuất. Lần đầu anh bị giam tám tháng, rồi được thả ra, nhưng bị quản thúc bí mật. Vừa được thả ra, anh đi ngay sang một tỉnh khác, đến một làng khác; anh làm giáo viên và lại làm đúng những việc trước anh đã làm. Anh lại bị bắt và lần nầy bị giam mười bốn tháng; ở tù, chính kiến của anh càng thêm vững mạnh hơn trước.
Sau khi bị giam lần thứ hai, anh bị đày đi Perm; anh trốn, song lại bị bắt, bị giam bảy tháng rồi bị đày đến Arkhagen. Vì anh từ chối không chịu thề nguyện trung thành với Sa hoàng mới lên ngôi, nên bị đày đi Irkusk.
Như vậy, anh sống gần như nửa quãng đời trưởng thành trong cảnh tù đày. Tất cả những chuyện rủi ro đó không mảy may làm anh bực tức và nhụt mất nhuệ khí; trái lại nó càng làm cho ý trí của anh thêm mãnh liệt. Anh vốn là người nhanh nhẹn, ăn uống rất khỏe, lúc nào cũng hoạt bát, vui tươi, hăng hái. Không bao giờ hối tiếc về điều gì cả; không bao giờ nhìn trước quá xa, anh đem tất cả sức lực khôn khéo, kiến thức thực tế để hành động trong hiện tại. Khi tự do, anh hoạt động theo mục đích đã định, làm sao cho những người lao động, đặc biệt là nông dân, được học và doàn kết lại với nhau. Khi đi tù, anh cũng vẫn hoạt dộng cương quyết và tỏ ra thực tế trong việc tìm những biện pháp liên lạc với người của mình ở bên ngoài, và trong việc thu xếp đời sống trong tù không những cho bản thân mình mà còn cho cả anh em tù khác, sao cho được dễ chịu nhất, theo hoàn cảnh.
Trước hết, anh là con người đặt xã hội lên trên, một người của công xã. Anh không cần gì cho riêng mình, chỉ được một chút cũng đủ thoả mãn rồi, nhưng anh đòi hỏi rất nhiều cho tập thể anh em trong nhóm; và anh có thể đã mất cả sức lực và tinh thần ra làm việc cho tập thể, làm cả ngày lẫn đêm, không ăn không ngủ. Vì anh là nông dân, nên anh cần cù, tinh khôn, và khéo léo trong công việc làm. Anh là người bản tính ăn uống điều độ, lễ phép một cách tự nhiên, anh chẳng những tôn trọng tình cảm của người khác mà cả những ý kiến của họ nữa. Anh còn mẹ, một bà cụ nhà quê mù chữ và hay mê tín.
Nabatov chăm sóc, đỡ đần mẹ, những khi được tự do anh vẫn về thăm bà cụ. Khi ở nhà, anh chú ý đến cả những cái vặt vãnh trong đời sống của mẹ, giúp đỡ mẹ trong việc làm, lui tới chơi với các bạn bè cũ cũng con nhà nông, hút thuốc lá sừng bò và đấu quyền với họ, rồi giải thích cho họ biết họ đang bị lừa như thế nào và họ phải làm gì để thoát khỏi cảnh bị lừa dối. Khi anh nghĩ hoặc nói đến cách mạng sẽ mang lại gì cho nhân dân thì anh hình dung ngay là tầng lớp dân thường từ đó anh đã xuất thân vẫn sẽ sống trong những điều kiện gần giống như trước, chỉ khác ở chỗ là có đủ ruộng đất để cày và không còn có bọn quý tộc, quan lại nữa mà thôi. Theo anh, cách mạng không nên thay đổi những hình thức cơ bản của đời sống nhân dân, không nên phá đổ toàn bộ toà nhà, mà chỉ nên phân phối lại những gian bên trong của toà nhà cổ tráng lệ kiên cố, nguy nga mà anh rất đỗi yêu thích. Chính ở chỗ nầy, anh khác với Novotvorov và đồ đệ của anh nầy là Marken Kondratiev. Về mặt tôn giáo, Nabatov cũng là một người nông dân điển hình; anh không bao giờ nghĩ đến những vấn đề siêu hình, đến nguồn gốc của mọi nguồn gốc, đến kiếp sau nầy. Đối với anh, cũng như đối với Arago(1), Thượng đế chỉ là một giả thuyết mà anh chưa cần đến. Anh không quan tâm đến “Nguồn gốc của thế giới” và không cần biết Môidơ(2) đúng hay Darwin(3) đúng; đối với các bạn anh, đó cũng chỉ là một trò vui của trí óc như là chuyện sáng tạo ra thế giới trong sáu ngày vậy.
Anh không quan tâm đến vấn đề thế giới từ đâu mà ra, chính là vì luôn luôn anh còn bận nghĩ đến vấn đề làm sao sống cho tốt hơn ngay trên cõi đời nầy. Anh cũng không bao giờ nghĩ đến kiếp sau; cũng như mọi người nông dân, anh luôn luôn có một mềm tin chắc chắn và bình tĩnh, – niềm tin nầy được thừa hưởng của ông cha, là không có gì ngừng sống trong giới thực vật và động vật mà mọi vật luôn luôn thay đổi hình dạng; tỷ dụ như phân biến thành hạt lúa, hạt lúa thành con gà, nòng nọc, thành nhái, sâu thành bướm, hạt sồi thành cây sồi; người cũng vậy, người không chết mà chỉ biến hoá đi thôi. Anh tin thế nên luôn luôn coi thường cái chết, nhìn cái chết một cách vui vẻ. Anh gan dạ chịu đựng mọi gian khổ đưa đến cái chết, nhưng anh không thích, không biết nói gì về cái chết. Anh ưa thích làm việc, bao giờ cũng bận làm một công việc thực tế, và anh thúc đẩy bạn bè đi vào hướng đó.
Người tù chính trị kia là Marken Kondratiev, cũng xuất thân từ tầng lớp bình dân, nhưng tính cách khác hẳn. Mười lăm tuổi, anh đã đi làm và đã hút thuốc, uống rượu để xua tan cái cảm giác lờ mờ bị tủi nhục. Lần đầu tiên, anh cảm thấy tủi nhục là lần các trẻ trong xưởng được đến dự chia quà trong dịp lễ Giáng sinh do vợ người chủ xưởng tổ chức. Anh và các bạn anh được họ cho một cái còi một xu, một quả táo, một quả hồ đào nhuộm vàng và một quả dâu; còn quà của các con chủ thì như từ thiên đường gửi xuống, sau nầy anh biết là mỗi món quà đó đáng giá hơn năm mươi rúp. Khi anh mười hai tuổi, có một nữ đồng chí cách mạng nổi tiếng đến xưởng anh cùng làm; chị nầy nhận thấy anh có nhiều khả năng, liền đưa sách báo và tài liệu cho anh đọc, và thường nói chuyện với anh, giảng cho anh thấy rõ địa vị của anh, tại sao lại như vậy và phải làm thế nào cho nó khá hơn. Khi anh thấy rõ là có thể tự giải phóng cho mình và cho những người khác khỏi bị áp bức thì anh càng thấy tình trạng bất công đó tàn nhẫn ghê gớm hơn trước, và anh hết lòng mong muốn không những được giải phóng mà còn muốn trừng trị những kẻ đã gây ra và đang duy trì sự bất công hà khắc nầy. Người ta bảo anh muốn làm được như thế thì phải có tri thức. Anh chưa thấy rõ tri thức sẽ giúp anh thực hiện lý tưởng xã hội đó như thế nào, nhưng anh tin là tri thức đã cho anh thấy sự bất công của hoàn cảnh anh đang sống thì tri thức cũng lại sẽ sửa được sự bất công đó, vả lại, theo anh, tri thức nâng cao phẩm giá mình lên trên những người khác. Do đó, anh chừa hút thuốc, chừa uống rượu, để thì giờ vào việc học và, nhân được chuyển sang thành thủ kho, anh lại càng có nhiều thì giờ hơn để học. Nữ đồng chí cách mạng dạy anh học phải lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh có năng khịếu đặc biệt tiếp thu tất cả mọi kiến thức. Trong hai năm học, anh đã nắm vững đại số, hình học và lịch sử (anh đặc biệt thích môn nầy) và anh đọc qua một lượt tất cả các sách văn nghệ và phê bình văn học, đặc biệt là các tác phẩm có tính chất xã hội.
Nữ đồng chí cách mạng bị bắt, và anh cũng bị bắt vì người ta khám thấy có sách cấm ở trong nhà anh. Hai người bị bỏ tù rồi bị đày đến tỉnh Volgorod. Đến đây, Kondratiev gặp Novotvorov, lại được đọc nhiều sách cách mạng nữa, anh nhớ tất cả, và chính kiến xã hội chủ nghĩa của anh lại càng được củng cố thêm. Sau khi đi đày về, anh lãnh đạo một cuộc bãi công lớn. Kết thúc bằng việc phá xưởng và giết chết người giám đốc. Anh lại bị bắt, bị tước quyền công dân và bị đi đày.
Đối với tôn giáo, anh cũng không thừa nhận như đối với cơ cấu kinh tế hiện hành. Khi thấy được rằng lòng tin đạo của mình trước kia, hồi còn nhỏ, là ngu xuẩn, anh đã rũ bỏ được niềm tin đó – lúc đầu có sợ hãi thật, nhưng về sau lại thấy vui thích. Và để trả thù cho bản thân mình và cả ông cha mình đã bị lừa bịp, anh không ngớt bài xích chế giễu một cách cay độc bọn cha cố và các tín điều.
Anh quen sống khổ hạnh và chi dùng rất ít: cũng như những người quen lao động từ tấm bé; anh có thân hình vạm vỡ; những công việc bằng chân tay, anh làm được nhiều, nhanh và khéo, nhưng anh rất quý những phút rảnh rang ở trong tù hay ở trạm nghỉ để tiếp tục học. Hiện nay anh đang nghiên cứu cuốn đầu của Marx, anh giấu cuốn sách cẩn thận trong bọc, coi như một vật rất quý. Đối với các bạn bè, anh tỏ ra dè dặt, lạnh nhạt, không vồn vã thân mật. Chỉ riêng có Novotvorov là anh gần gũi thân thiết; anh coi bất cứ ý kiến gì của Novotvorov về bất cứ vấn đề nào, cũng đều là những chân lý không thể bác đi được.
Anh cho là phụ nữ làm cản trở mọi hoạt động có ích nên anh rất khinh họ. Nhưng anh lại thương Maxlova và đối xử tử tế với nàng vì anh cho nàng là một điển hình của con người giai cấp dưới bị tầng lớp trên bóc lột. Cũng vì thế anh ghét Nekhliudov, ít khi nói chuyện với chàng, và không bao giờ bắt tay chàng; khi gặp nhau, Nekhliudov có đưa tay bắt, anh chỉ miễn cưỡng đưa tay ra để chàng nắm mà thôi.
Chú thích:
(1) Arago: một nhà thiên văn học và vật lý học người Pháp (1786-1853). Khi Laplace, một nhà toán học và thiên văn học có tiếng người Pháp (1749-1827) đem cuốn “Cơ học thiên thể” (Mécanique Céleste) của mình tặng Napoleon, Napoleon nói: “Thưa tiên sinh, tôi nghe nói tiên sinh sáng tác được bộ sách lớn nầy nói về hệ thống vũ trụ, vậy mà trong sách không có lấy một câu nói đến đấng sáng tạo ra vũ trụ?”. Laplace bèn trả lời: “Thưa ngài, tôi không cần đến giải thuyết đó làm gì”. Câu nói nầy, người đời sau cứ gán lầm cho Arago, không thấy rằng Arago lúc đó hãy còn nhỏ. (Theo bản dịch Hoa văn).
(2) Môixe: một nhân vật kiệt xuất trong Cựu ước, đã được Chúa trời truyền dạy cho người điều luật ở trên núi Xinai bèn làm ra bộ “Thánh luật thập điều” (Décalogue) (N.D)…
(3) Darwin: nhà sinh vật học duy nhất trứ danh người Anh (1809-1882) đã giải thích lịch sử giới tự nhiên, phản đối quan niệm tôn giáo, chứng minh người là do giống vượn người biến thành. Ông đã viết cuốn “Nguồn gốc muôn loài”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.