A ông trọ nhà nào? Khách sạn Dyukov? Ở đấy thì khổ quá. Đến năm giờ, lại chơi dùng cơm với chúng tôi nhé. – Tướng thống đốc nói khi tiễn Nekhliudov ra cửa. – Năm giờ đấy. Ông nói được tiếng Anh chứ?
– Thưa có, tôi nói được.
– Thế thì hay lắm. Có một nhà du lịch người Anh vừa đến đây. Ông ta nghiên cứu vấn đề tù đi đày và các trại giam ở Siberi. Tối hôm nay ông ta sẽ dùng cơm với chúng tôi, vậy thế nào ông cũng đến nhé. Chúng tôi thường ăn cơm lúc năm giờ và bà nhà tôi muốn mọi người sẽ đúng giờ. Nhân thể tôi sẽ trả lời ông về việc người phụ nữ và cả người tù ốm nữa. Có lẽ để một người nào đó ở lại với anh ta cũng được.
Từ biệt viên tướng, Nekhliudov cảm thấy hết sức phấn khích, người hoạt bát hẳn lên, chàng đi đến nhà bưu điện.
Nhà bưu điện là một phòng thấp xây cuốn. Người đông nghịt, có mấy nhân viên ngồi sau cái quầy. Một người ngồi, đầu ngoẹo sang một bên, đang luôn tay đóng dấu vào các phong bì và đưa dần ra một cách mau lẹ.
Nekhliudov không phải đợi lâu. Chàng vừa nói tên là được nhận ngay tất cả thư từ gửi đến cho chàng. Có rất nhiều thứ: tiền, thư, sách, và một số mới tập san “Tổ quốc”.
Nhận xong, Nekhliudov đem mọi thứ ra một cái ghế gỗ, ở đấy có một người lính đang ngồi đợi, tay cầm quyển sách. Nekhliudov ngồi xuống bên cạnh và soạn thư; trong số thư nhận được, chàng thấy có một lá gửi bảo đảm, bì rất đẹp, có một dấu xi gắn đỏ tươi. Chàng bứt bỏ dấu xi, bóc thư; nhìn bức thư của Xelenin kèm theo một bản công văn, chàng thấy máu bừng lên mặt và trái tim se lại. Đó là quyết định về việc của Katiusa.
– Quyết định thế nào đây? Chắc đơn không đến nỗi bị bác?
Nekhliudov vội vã đọc lướt qua lá thư, chữ viết nhỏ nhắn, gẫy nét, nhưng cứng cáp, tuy khó đọc; đọc xong, chàng thở dài khoan khoái. Một tin tốt lành. Xelenin viết:
“Bạn thân mến. Câu chuyện giữa chúng ta gần đây làm tôi rất cảm động. Về việc Maxlova, anh nói đúng tôi đã thẩm kỹ vụ án và thấy cô ta bị oan uổng quá đáng. Chỉ có bản khiếu tố mà anh đã đệ sớ là có thể sửa lại được án quyết thôi. Tôi đã tìm cách để được tham gia quyết định việc nầy. Và kèm theo đây tôi gửi cho anh một bản sao bản quyết định ân xá theo địa chỉ mà nữ bá tước Ekaterina Ivanovna đã cho tôi biết. Bản chính đã gửi về nơi cô ta bị giam giữ khi xử án và chắc chắn ở đó người ta sẽ gửi ngay đến Nha Thống đốc Siberi. Tôi vội báo ngay cho anh biết tin mừng nầy và thân ái bắt tay anh. Bạn anh.
Xelenin”.
Bản công văn thì nội dung như sau: “Ngự tiền Văn phòng chấp nhận sớ thỉnh nguyện đệ trình Đức Chí tôn Hoàng đế bệ hạ. Hồ sơ vụ án… Phòng… sô… ngày… tháng… năm… Thừa lệnh quan Chủ sự Ngự tiền Văn phòng nhận sớ thỉnh nguyện đệ trình Đức Chí tôn Hoàng đế bệ hạ, bằng công văn nầy, báo cho Ekaterina Maxlova, dân nghèo thành thị, là chiểu theo sớ tâu trình lên Hoàng đế bệ hạ, chiếu cố tới lời kêu xin của Maxlova, Đức Hoàng thượng đã rủ lòng thương ra lệnh chuyển án khổ sai thành án phát lưu ở một nơi gần, tại Siberi”.
Đó là một tin mừng và quan trọng. Thế là tất cả những điều mà Nekhliudov có thể cẩu mong cho Katiusa và cho chính bản thân, chàng đã đạt được. Thực ra thì sự thay đổi hoàn cảnh của nàng lại tạo ra những điều rắc rối mới trong quan hệ giữa hai người. Khi nàng còn là tù khổ sai, thì việc chàng đề nghị cưới nàng chỉ là một chuyện chưa thực tế, nó chỉ có mỗi một ý nghĩa là làm sao cho tình cảm của nàng giảm bớt đau khổ. Nhưng bây giờ thì không thể ngăn cản hai người sống chung với nhau. Mà Nekhliudov thì chưa chuẩn bị gì cho việc đó. Vả lại, còn mối quan hệ của nàng với Ximonxon thì thế nào? Mấy câu nàng nói tối hôm qua nghĩa là gì? Và nếu nàng bằng lòng lấy Ximonxon thì điều đó là hay hay dở? Chàng không sao gỡ thoát ra được những điều nghĩ ngợi ngổn ngang trong tâm trí ngay lúc nầy, nên đành tạm gác bỏ không nghĩ đến nó nữa. “Tất cả sau nầy hẵng hay”, – chàng bụng bảo dạ, “và bây giờ, ta cần gặp nàng càng sớm càng hay báo cho nàng biết tin mừng đó để cho nàng được tha đã”. Chàng cứ tưởng có bản sao bức công văn cầm trong tay là đủ để người ta thả nàng ra, nên ra khỏi. bưu điện, chàng bảo xe đưa chàng đến ngay trại giam.
Tuy là hồi ban sáng chưa được tướng thống đốc cho phép vào thăm, nhưng Nekhliudov đã có kinh nghiệm là thường công việc xin với nhân viên cao cấp không được, song nói với nhân viên cấp dưới lại được một cách dễ dàng, nên chàng cứ đi, thử vào nhà tù ngay bây giờ để báo cho Katiusa biết tin mừng và biết đâu chẳng nói được với họ thả nàng ra, đồng thời hỏi thăm xem tình hình sức khỏe của Krinxov, và nói cho anh ta và Maria Paplovna biết những điều tướng thống đốc đã nói với chàng.
Viên giám ngục là một người cao, bệ vệ, để ria mép và râu quai nón từ mang tai đến khóe miệng. Hắn tiếp Nekhliudov một cách lạnh nhạt và nói thẳng là không có lệnh của của trên thì người lạ không được vào thăm. Khi Nekhliudov nói ngay là ở thủ đô, chàng cũng được vào thăm, hắn trả lời: Có thể như vậy, nhưng ở đây không cho phép. – Và giọng hắn như muốn nói: “Các ông ở thủ đô tưởng có thể lòe làm tôi sợ hãi chăng, nhưng, tuy chúng tôi ở tận miền Đông Siberi thật, chúng tôi cũng hiểu thế nào là luật pháp và còn có thể dạy cho các ông nữa là khác”.
Nekhliudov đưa bản sao công văn của Ngự tiền Văn phòng cũng không làm cho hắn thay đổi ý kiến. Hắn nhất
quyết từ chối không cho Nekhliudov vào nhà lao. Khi Nekhliudov ngây thơ nêu lên là có bản sao công văn mà chàng vừa nhận được là đủ làm cho Maxlova được thả thì hắn cười khẩy và tuyên bố là muốn thả ai ra phải có lệnh trực tiếp của cấp trên của hắn. Hắn chỉ nhận lời là sẽ báo nếu được lệnh của cấp trên thả nàng ra, hắn sẽ không giữ lại thêm một giờ.
Hắn cũng từ chối không cho biết một tí gì về tình hình sức khỏe của Krinxov và nói là ngay cả đến có người tù đó ở đây hay không hắn cũng không thể nói được. Thế là Nekhliudov không biết làm thêm được gì hơn, chàng lên xe quay về khách sạn.
Sở dĩ người giám ngục khắt khe là vì trong nhà tù đang có bệnh dịch chấy rận, số tù nhất trong đó đông gấp hai lần mức bình thường. Dọc đường người đánh xe cho Nekhliudov kể lại với chàng: “Trong nhà tù có vô số người chết. Hình như có bệnh dịch gì đó, mỗi ngày họ mang đi chôn có đến hai chục người”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.