Phục Sinh

CHƯƠNG 127



Khi đi qua lối vào dãy hành lang hôi thối nồng nặc đến lộn mửa, họ ngạc nhiên thấy có hai người tù đang đái bừa ra sàn. Người Anh, Nekhliudov, viên giám ngục có các viên cai ngục đi theo đưa đường cùng vào buồng giam thứ nhất, nhất tù khổ sai. Tù đã đi nằm, trên các tấm phản ở giữa phòng. Có đến bảy chục người, nằm sít vào nhau và xoay đầu lại với nhau. Thấy khách vào, mọi người nhổm dậy, xích kêu loảng xoảng, và tất cả đứng xuống ở bên dãy phản, đầu họ mới cạo, nhẵn bóng. Chỉ có hai người vẫn nằm, một người mặt đỏ bừng, rõ ràng là đương sốt nặng và một người già đang rên luôn miệng.
Người Anh hỏi người tù trẻ ốm đã lâu chưa. Viên giám ngục trả lời là mới từ sáng nay, còn người già thì đau bụng từ lâu, nhưng không thể cho đi bệnh xá được vì ở đấy đã chật chỗ. Người Anh lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý, và nói là muốn có vài lời nói chuyện với tù nhân, nhờ Nekhliudov dịch hộ. Thì ra ngoài mục đích nghiên cứu tình hình các trại tù đi đày và trại giam ở Siberi ra, người Anh nầy còn có mục đích truyền bá sự cứu rỗi bằng Đức Tin và Chuộc tội.
– Ông làm ơn bảo họ là Chúa Cơ-đốc thương yêu họ và đã chết vì họ, – người Anh nói. – Nếu họ tin thế thì họ sẽ được cứu rỗi. – Trong khi ông ta nói, tất cả tù nhân đều đứng yên lặng tại chỗ, tay buông thõng. Rồi người Anh nói tiếp – Ông nói với họ là trong cuốn sách nầy có nói tất cả những điều đó. Ở đây có ai biết đọc không?
– Có đến hơn hai mươi người đọc được.
Người Anh lấy trong chiếc túi xách tay ra vài cuốn Tân Ước đóng gáy dày; từ những ống tay áo vải, thò ra những bàn tay to khỏe, móng đen sì, tranh nhau chìa về phía người Anh. Người ấy để lại hai cuốn kinh Phúc âm rồi sang phòng bên.
Ở phòng thứ hai, quang cảnh cũng thế. Cũng hơi nóng hầm hập, cũng mùi hôi thối và, cũng y như thế, giữa hai cửa sổ có tượng Chúa; bên trái cửa là một thùng phân.
Tất cả tù nhân đều nằm sít cạnh nhau, họ cũng nhổm dậy và đứng thẳng buông thõng tay, như thế – trừ có ba người: hai người ngồi còn một người cứ nằm dài, mắt cũng không buồn ngó nhìn những người mới vào. Ba người nầy cũng ốm. Người Anh nói vẫn những lời đã nói ở phòng bên và cũng để lại hai cuốn kinh Phúc âm.
Tiếng người kêu, tiếng ầm ĩ xà lim thứ ba vang lại.
Viên giám ngục gõ cửa và quát “Nghiêm”. Khi cửa mở, khách vào thăm lại thấy tù nhân đứng thẳng bên cạnh dãy phản, trừ vài người ốm và hai người đang đánh nhau; mặt hai người cau có vì tức giận, họ đang túm lấy nhau, người nắm tóc, người nắm râu. Viên giám ngục phải chạy lại can, họ mới bỏ nhau ra. Một người mũi bị chảy máu, đương lấy tay áo quệt mũi dài đỏ lòm, còn người kia gỡ từng đám râu bị đứt ra.
– Cai đâu? – Viên giám ngục nghiêm nghị quát.
Một người phương phi, khỏe mạnh bước ra.
– Thưa quan lớn, tôi không sao dẹp yên chúng nó được? – người cai nói, khóe mắt cười ranh mãnh.
– Để tao sẽ dẹp chúng nó cho – viên giám ngục nói, mặt cau lại.
– Vì cớ gì họ đánh nhau thế? – người Anh hỏi.
Nekhliudov hỏi lại người cai.
– Vì một chiếc dải xà cạp, – người cai lại cười nói – thằng kia xoáy của thằng nầy. Thằng nầy đẩy cho nó một cái, rồi thằng kia chẳng chịu kém, cũng đẩy lại.
Nekhliudov nói lại cho người Anh hiểu.
– Tôi muốn nói với họ mấy lời, – người Anh nói với viên giám ngục, Nekhliudov dịch lại. Viên giám ngục nói: “Được, ông cứ nói”. Người Anh lấy ra một cuốn kinh Phúc âm bọc da.
– Nhờ ông dịch họ cho đoạn nầy, – ông ta nói với Nekhliudov – Các anh đã cãi nhau rồi đánh nhau, nhưng Chúa Cơ đốc là người đã chết cho chúng ta, dạy ta một cách khác để giải quyết sự tranh giành cãi cọ. Ông hỏi xem họ có biết theo luật của Chúa thì ta phải xử sự thế nào đối với kẻ làm nhục ta không?
Nekhliudov dịch lời nói và câu hỏi của người Anh.
– Kêu với cấp trên phân rõ phải trái, có phải thế không ạ? – Một tù nhân hỏi, đồng thời liếc nhìn viên giám ngục oai vệ.
– Cho nó một quả vào quai hàm để nó chừa, lần sau đừng có láo nữa, – một người khác nói.
Trong phòng có nhiều tiếng cười, tỏ ý tán thành.
Nekhliudov dịch những câu trả lời của họ cho người Anh.
– Ông bảo với họ là theo luật của Chúa thì họ phải làm trái hẳn lại; nếu anh bị tát vào một bên má thì phải chìa nốt má bên kia ra, – người Anh vừa nói, vừa chìa má mình ra để diễn tả.
Nekhliudov dịch lại.
– Thế thì anh ta hãy cứ thử làm trước đi xem sao có tiếng nói.
– Nhưng nếu nó lại tát vào cả má kia thì sau đó chìa cái gì ra. – một người ốm đang nằm hỏi vặn lại.
– Thế thì nó trần cho anh nhừ tử.
– Nầy thôi, hãy cứ thử đi đã, – có người nào nói ở phía sau và cười sằng sặc. Mọi người trong phòng đều không nhịn được cười; cả anh chàng bị đánh, cũng cười. Mấy người ốm cũng cười.
Nhưng người Anh không hề bối rối. Ông ta nhờ Nekhliudov nói là đối với những người tin theo Chúa thì những điều tưởng là khó không thể làm được vẫn có thể làm được, mà còn dễ dàng nữa là khác.
– Ông hỏi xem họ có uống rượu không?
– Hẳn là có rồi, – có tiếng nói, rồi tiếp theo là tiếng khịt mũi chế nhạo và tiếng cười rộ.
Trong phòng có bốn người ốm. Người Anh hỏi sao không tập trung tất cả những người ốm vào một buồng thì viên giám ngục trả lời là tù họ không muốn thế, vả lại vẫn có y sĩ trông nom thuốc thang cho họ.
– Đã hai tuần nay có trông thấy mặt nó đâu? – Một người nói.
Viên giám ngục không trả lời và dẫn khách sang xà lim bên cạnh. Lại mở khoá cửa, lại tù lặng lẽ đứng dậy.
Và người Anh lại phát mấy cuốn kinh Phúc âm. Cứ như thế đến phòng thứ năm, thứ sáu, ở cả hai bên phải, và bên trái hành lang.
Họ đi từ xà lim tù khổ sai đến xà lim tù bị đày; từ xà lim tù bị đày đến xà lim tù bị hàng xã trục xuất, rồi đến phòng các người tự nguyện đi theo thân nhân, đến chỗ nào cũng thấy những người đói rét, ngồi rỗi, ốm đau, tủi nhục, giam cầm – chẳng khác những loài dã thú.
Người Anh khi đã phân phát đủ số kinh Phúc âm dự định phát rồi, thôi không phát thêm nữa, và cũng không thuyết nữa. Hẳn là những cảnh buồn thảm, nhất là không khí ngột ngạt, nghẹt thở đã làm cho nghị lực ông ta mềm nhũn ra. Ông ta đi từ xà lim nọ sang xà lim kìa và khi viên giám ngục giới thiệu tù nhốt trong mỗi phòng, ông ta chỉ nói gọn một tiếng “Tốt”.
Nekhliudov bước đi như người trong mộng, không đủ sức cáo từ không đi nữa, hoặc bỏ ra về; chàng vẫn cảm thấy mệt mỏi và tuyệt vọng như trước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.