Phục Sinh

CHƯƠNG 27



Công tước phu nhân Sofia Vaxilievna vừa dùng xong bữa ăn chiều gồm toàn những món rất tinh khiết và rất bổ. Bao giờ bà cũng ăn một mình, bà không muốn cho một ai trông thấy bà vào lúc bà đang làm cái việc không có gì là nên thơ ấy. Cạnh chiếc đi văng bà nằm là một chiếc bàn con, trên để một tách cà phê, bà đang hút thuốc.
Công tước phu nhân Sofia Vaxilievna có mái tóc nâu sẫm, thân hình gầy gò dài thượt; tuy nhiên, bà vẫn làm ra bộ trẻ trung với hàm răng tất và cặp mắt to đen.
Người ta vẫn thường kháo nhau là bà ta có chuyện dan díu với lão bác sĩ. Trước đây, Nekhliudov đã quên câu chuyện ấy đi; nhưng hôm nay, khi trông thấy lão bác sĩ râu cằm bóng mượt rẽ đôi, ngồi sát cạnh đi văng của bà, không những chàng nhớ lại, mà còn thấy kinh tởm nữa.
Bên cạnh Sofia Vaxilievna, Koloxov ngồi trong một chiếc ghế bành thấp lót đệm rất êm, hắn đang khuấy tách cà phê đặt trên chiếc bàn nhỏ kề bên. Trên bàn có một ly rượu mùi.
Mitxi dẫn Nekhliudov vào thăm mẹ, nhưng cô không ngồi lại đấy.
– Lúc nào mẹ mệt, mẹ mời hai anh đi thì hai anh sang chỗ em nhé, – cô ta quay về phía Koloxov và Nekhliudov nói, giọng tự nhiên, tuồng như giữa Nekhliudov và cô chưa hề xảy ra chuyện gì, rồi vui vẻ mỉm cười, nhẹ nhàng bước trên tấm thảm dày, ra khỏi phòng.
– Ô chào cậu, cậu ngồi xuống đây và kể chuyện cho tôi nghe nào, – công tước phu nhân Sofia Vaxilievna mỉm cười nói, nụ cười giả tạo cực khéo, giống hệt một nụ cười chân thật tự nhiên, để lộ những chiếc răng dài rất đẹp, lắp khéo léo, y như răng thật. – Nghe nói cậu ở toà về coi bộ rầu rĩ lắm. Tôi nghĩ rằng đối với những người giàu lòng thương người thì việc đó thật khổ tâm, – bà ta nói thêm câu nầy bằng tiếng Pháp.
– Vâng, đúng thế, – Nekhliudov nói, – nhiều khi người ta cảm thấy… cảm thấy mình không có quyền xét xử?
Thật là đúng quá! – bà ta kêu lên như rất đỗi kinh ngạc về cái chân lý mà Nekhliudov đưa ra, đó là một kiểu nịnh rất khéo bà vẫn dùng xưa nay.
– À thế còn bức tranh, cậu vẽ đến đâu rồi? Tôi muốn xem qua đấy, – bà nói thêm. – Giá như không có bệnh tật thế nầy thì tôi đã đến đằng cậu từ lâu rồi.
– Tôi bỏ hẳn nó rồi. – Nekhliudov lạnh lùng đáp; hôm nay, những lời phỉnh nịnh kia đối với chàng cũng lộ liễu như cái tuổi già mà bà ta vẫn tốn công che đậy. Cố gắng mấy, chàng cũng không sao tỏ ra lịch thiệp được nữa.
– Tiếc quá? Anh biết không, – bà ta nói với Koloxov, – chính Repin(1) đã nói với tôi rằng cậu ấy là người có thực tài!
“Khiếp chửa, bịa đến thế mà không biết ngượng?” – Nekhliudov chau mày, nghĩ.
Thấy rõ rằng Nekhliudov có điều buồn bực và không thể gợi chuyện gì vui vẻ, lý thú với anh ta được, Sofia Vaxilievna quay sang hỏi ý kiến Koloxov về vở kịch mới.
Giọng bà ta nói làm như ý kiến của Koloxov sẽ giải quyết dứt khoát bất cứ mối phân vai nào và mỗi một lời hắn nói là một lời sẽ được lưu truyền hậu thế. Koloxov chỉ trích vở kịch và nhân đó phát biểu những ý kiến của mình về nghệ thuật. Công tước phu nhân Sofia Vaxilievna tỏ ra hết sức kinh ngạc trước những lời phê phán đúng đắn của Koloxov, mấy lần bà tìm cách bào chữa cho tác giả vở kịch để rồi ngay sau đó, nếu không chịu thua hẳn thì cũng nói mấy câu lấp lửng. Nekhliudov nhìn và nghe họ nói. Nhưng điều mà chàng trông thấy và nghe lại khác hẳn những gì đang diễn ra trước mắt.
Hết nghe Sofia Vaxilievna, lại nghe Koloxov nói, Nekhliudov thấy rằng: trước hết, cả Sofia Vaxilievna và Koloxov chẳng ai thiết gì đến vở kịch, mà họ cũng chẳng thiết gì đến nhau, còn họ có nói gì thì chẳng qua cũng chỉ để thoả mãn cái nhu cầu sinh lý sau bữa ăn là phải cử động các cơ của lưỡi và yết hầu một lúc; hai là, Koloxov vừa nốc rượu mạnh, rượu nho, rượu mùi vào xong, có ngà ngà chút đỉnh, nhưng cái say của hắn không như cái say của con nhà nông lâu lắm mới được một bữa tuý luý, mà là cái say của những người đã quen uống rượu. Hắn không loạng choạng, không nói nhảm, mà ở trong tình trạng khoan khoái, thoả thích không bình thường; ba là trong khi nói chuyện, công tước phu nhân cứ lo lắng nhìn ra phía cửa sổ, vì qua đó những tia nắng xế chênh chếch đang soi đến chỗ bà và có thể bộc lộ quá rõ ràng những nét nhăn trên khuôn mặt bà.
– Đúng quá đấy, – bà đồng ý với một nhận xét của Koloxov và đưa tay bấm nút chuông điện đặt trên tường, bên cạnh chiếc đi văng bà nằm.
Lão bác sĩ liền đứng dậy, lẳng lặng đi ra khỏi phòng, thản nhiên như người nhà. Sofia Vaxilievna đưa mắt nhìn theo, miệng vẫn tiếp tục câu chuyện.
– Filip, anh hãy buông giúp tấm rèm cửa kia xuống, – bà ta đưa mắt về phía tấm rèm cửa sổ và bảo anh đầy tớ đẹp trai nghe tiếng chuông gọi vừa vào. – Không, anh nói gì thì nói, nó vẫn có cái thần bí, mà không có cái thần bí thì làm gì có thơ, – bà ta nói đôi mắt đen vẫn lo lắng theo dõi theo cử động của người đày tớ đang buông rèm. – Thần bí mà không có thơ tức là mê tín, nhưng thơ mà không có thần bí thì lại hoá ra vô vị, – bà mỉm cười, một nụ cười ảo não, mắt vẫn không rời người đầy tớ đang sửa tấm rèm cho thẳng. – Filip! Không phải cái rèm ấy; cái ở cửa sổ lớn kia mà, – Sofia Vaxilievna nói, giọng đau đớn, hẳn là bà thương hại cho thân mình đã phải bỏ ra bao nhiêu sức lực để nói lên mấy tiếng đó và, để lấy bình tĩnh, bà lập tức đưa lên môi điếu thuốc lá thơm phức đang toả khói giữa những ngón tay đeo đầy nhẫn.
Anh chàng Filip đẹp trai, cường tráng, có bộ ngực nở rang, khẽ gật đầu như để xin lỗi rồi ngoan ngoãn và lặng lẽ anh cất bộ giò chắc nịch có bắp chân to, nhẹ nhàng bước trên tấm thảm, đi sang khung cửa sổ thứ hai và vừa thận trọng nhìn công tước phu nhân, vừa sửa tấm rèm sao cho không một tia nắng nào bén mảng đến được chỗ bà. Nhưng anh ta vẫn làm ăn chẳng ra đâu vào đâu và bà Sofia Vaxilievna nhọc mệt đành phải ngừng câu chuyện về xu hướng thần bí lại để chỉ bảo cho cái anh chàng Filip đần độn đang làm bà bực quá chừng. Trong một loáng, một đốm lửa bùng lên trong mắt Filip.
“Con mẹ nầy! Quỉ bắt mày đi, không biết mày đòi hỏi cái gì nữa, – hẳn là anh ta đang tự nói như vậy trong lòng, – Nekhliudov nghĩ thế trong khi nhìn xem cả tấn trò đó. Nhưng anh chàng Filip đẹp trai, lực lưỡng giấu ngay sự bực dọc của mình và lại bình tĩnh vâng lời mụ công tước Sofia Vaxilievna suy nhược, yếu đuối, giả dối trăm phần trăm ấy.
– Đương nhiên là học thuyết Darwin có nhiều cái đúng sự thật, – Koloxov vươn dài người ngồi cho thoải mái trong chiếc ghế bành thấp, ngước đôi mắt buồn ngủ nhìn phu nhân Sofia Vaxilievna. – Nhưng ông đã đi quá xa. Đúng là như vậy.
– Còn cậu, cậu tin là có di truyền chứ? – thấy Nekhliudov cứ ngồi im, phu nhân Sofia Vaxilievna cũng thấy khó chịu, quay sang hỏi chàng.
– Di truyền ư? – Nekhliudov hỏi lại. – Không, tôi không tin, – chàng nói, lúc nầy không hiểu vì sao, những hình ảnh kỳ quái cứ hiện lên, tràn ngập trong trí óc chàng.
Bên cạnh anh chàng Filip lực lưỡng, đẹp như một pho tượng sống kia, chàng hình dung thấy Koloxov trần truồng, bụng như một quả dưa hấu, đầu hói nhẵn, đôi cánh tay gầy xác, khẳng khiu như cái que. Chàng còn lơ mơ hình dung đến đôi vai trần của mụ Sofia Vaxilievna nấp dưới những nếp lụa và nhung, nhưng hình ảnh ấy ghê rợn quá, chàng cố xua đuổi nó đi.
Sofia Vaxilievna đưa mắt nhìn Nekhliudov từ đầu đến chân.
– À mà em Mitxi nó đang đợi cậu đấy, – bà ta nói. – Cậu sang với em một tí, nó định đàn cho cậu nghe một bản nhạc mới của Suman… Hay lắm.
“Cô ấy chẳng đàn địch gì hết. Cứ bịa ra thế làm gì?” – Nekhliudov nghĩ bụng. Chàng đứng dậy, bắt bàn tay xanh ngắt chỉ còn da bọc xương, đeo kín những nhẫn của Sofia Vaxilievna.
Ở phòng khách, Nekhliudov gặp Katerina Alekxeyevna; mụ nầy nói luôn bằng tiếng Pháp như mọi bận:
– Tôi thấy rằng việc làm bồi thẩm đã đè nặng lên tâm hồn anh thì phải.
– Vâng, xin bà thứ lỗi cho, hôm nay tôi có điều không vui và tôi không có quyền làm cho người khác phải phiền lòng, – Nekhliudov nói:
– Sao lại không vui?
– Bà cho phép tôi không phải nói lý do tại sao, – chàng vừa nói, vừa tìm chiếc mũ.
– Thế anh còn nhớ là trước kia anh vẫn bảo rằng lúc nào cũng phải nói thật cả không? Và anh còn kể cho chúng tôi nghe những sự thật ghê gớm như thế nào. Sao bây giờ anh lại không muốn nói? Nầy Mitxi, cô còn nhớ chứ? – Katerina Alekxeyevna quay về phía Mitxi mới ở buồng ra, đang đi lại chỗ hai người.
Vì lúc đó chỉ là chuyện đùa Nekhliudov nghiêm giọng đáp.
– Lúc đùa thì có thể được. Nhưng trong thực tế thì chúng ta còn tồi lắm, nghĩa là tôi còn tồi lắm, cho nên ít nhất là tôi, tôi cũng không thể nói sự thật được.
– Thôi đừng chữa nữa, tốt hơn là anh cứ nói xem chúng ta tồi ở chỗ nào? – Katerina Alekxeyevna nói với vẻ đùa, vờ như không nhận thấy thái độ nghiêm trang của Nekhliudov.
– Không gì khổ hơn là tự thú rằng mình không vui, – Mitxi nói. – Em thì không bao giờ tự thú với em như thế cả Thành thử lúc nào em cũng vui. Thôi, anh hãy sang phòng em, em sẽ xua tan cơn buồn bực cho anh.
Cái cảm tưởng của Nekhliudov lúc nãy cũng là cảm tưởng của một con ngựa lúc được người ta vuốt ve để thắng cương rồi dắt ra đóng vào xe. Và hôm nay, hơn bao giờ hết nó không muốn kéo một tí nào. Chàng xin lỗi, nói là cần phải về nhà và chào hai người: Mitxi giữ lấy bàn tay chàng lâu hơn mọi khi.
– Anh đừng quên rằng việc gì hệ trọng đối với anh cũng là hệ trọng đối với bạn anh, – cô ta nói. – Mai anh đến chứ?
– Chưa chắc đâu, – Nekhliudov nói và bỗng thấy ngượng, chàng cũng không hiểu là ngượng cho mình hay ngượng thay cho Mitxi; chàng đỏ mắt và hấp tấp đi ra.
– Thế là thế nào nhỉ? Thật lạ quá, – Katerina Alekxeyevna nói khi Nekhliudov vừa đi khỏi. – Thế nào tôi cũng phải dò ra manh mối mới được. Lại một chuyện tự ái chứ gì. Cậu Mitia nầy là hơi một tí cũng giận.
“Một câu chuyện tình ái dơ bẩn thì đúng hơn” – Mitxi toan nói thế nhưng lại thôi; cô đăm đăm nhìn ra phía trước, vẻ mặt ngán ngẩm, không còn một dấu vết nào như lúc cô ngước nhìn Nekhliudov. Nhưng, dù là với Katerina Alekxeyevna, cô cũng không nói cái câu chơi chữ khiếm nhã kia, mà chỉ nói:
– Chúng ta ai cũng có những lúc buồn và những lúc vui.
“Chẳng lẽ anh chàng nầy cũng lừa dối ta sao, – cô ta nghĩ. – Sau cả một quá trình như vậy giữa hai người, mà anh ta lại thế thì thật là tồi”.
Nếu bắt Mitxi phải nói rõ là muốn ngụ ý gì trong cái câu: “Sau cả một quá trình như vậy giữa hai người” thì có lẽ cô ta sẽ không nói ra được điều gì rành mạch. Tuy nhiên, cô thấy rất rõ rằng Nekhliudov chẳng những đã khơi lên trong lòng cô những hy vọng, mà hầu như còn hứa hẹn với cô ta nữa. Chưa có những lời nói rõ ràng, nhưng đã có những cái nhìn, những nụ cười, những câu bóng gió, những phút trầm ngâm. Chỉ thế thôi, nhưng cô đã coi Nekhliudov là của mình, và nếu mất chàng, cô sẽ rất đỗi khổ tâm.
Chú thích:
(1) Tên một nhà danh hoạ Nga thời ấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.