Trong lúc Maxlova mệt nhoài sau một chặng đường dài cuốc bộ, đang cùng hai người lính áp giải tiến đến gần toà án tỉnh thì người cháu trai của hai bà chủ cũ, công tước Dmitri Ivanovich Nekhliuzov kẻ trước kia đã quyến rũ nàng, hãy còn nằm trong chiếc giường lò xo cao, trải đệm lông tơ. Chàng cởi khuy cổ chiếc áo ngủ bằng vải phin Hà Lan, trước ngực xếp nếp, và hút một điếu thuốc. Đôi mắt lơ đãng nhìn ra phía trước, chàng nghĩ đến những việc đã làm hôm qua và công việc sắp làm hôm nay.
Nhớ lại tối hôm qua ngồi chơi suốt buổi ở nhà Korsagin, một gia đình giàu có, danh giá mà thiên hạ đều cho rằng chàng sắp lấy con gái họ, – chàng thở dài, vứt điếu thuốc đã hút gần hết, định lấy một điếu khác trong chiếc hộp bạc, nhưng lại thôi. Chàng buông hai bàn chân trắng nõn xuống giường, quờ xỏ vào đôi dép, khoác lên đôi vai rộng chiếc áo choàng lụa, rồi bước chân thoăn thoắt nện gót xuống sàn, chàng sang phòng bên thơm nức những mùi dầu xức, nước hoa, nước cô-lô-nhơ, gôm chải đầu. Chàng đánh kỹ hàm răng đã hàn nhiều chỗ bằng một thứ bột đặc biệt, súc miệng bằng nước thơm rồi lau bằng mấy chiếc khăn. Sau khi đã rửa tay bằng xà phòng thơm sửa và chải tỉ mỉ bộ móng tay nuôi dài, rửa mặt và cổ – cái cổ béo tròn – trong chiếc chậu cẩm thạch to; chàng sang căn phòng thứ ba ở liền phòng ngủ, trong có sẵn vòi tắm hương sen. Ở đấy sau khi đã tắm rửa tấm thân cường tráng, béo tất nõn nà bằng nước lạnh và lau mình bằng một chiếc khăn bông to, chàng mặc quần áo lót sạch, là rất phẳng, đi đôi giầy bóng lộn như gương, đến ngồi trước bàn trang sức, dùng một cặp bàn chải, chải chòm râu đen ngắn và mái tóc quăn đã bắt đầu rụng lưa thưa phía trước trán.
Tất cả các thứ trang phục của chàng, từ quần áo, giầy, cravat, ghim, đến khuy ống tay áo sơ mi, đều là loại thượng hảo hạng, đã nhã nhặn, giản dị lại bền và đắt tiền.
Chàng đưa tay vào hàng chục chiếc cravat có ghim kèm sẵn, mó phải chiếc nào trước thì lấy ra đùng chiếc đó – cái kiểu chơi nầy trước kia có thời chàng thấy mới mẻ, hay hay, bây giờ hoá nhàm – rồi mặc y phục đã chải để sắp sẵn trên ghế. Tuy người chưa hẳn khoan khoái, nhưng sạch sẽ, thơm tho, chàng bước vào gian phòng ăn dài, sàn nhà đã được ba người ở trai đánh bóng từ chiều hôm trước. Trong phòng kê một tủ búp phê đồ sộ bằng gỗ sồi và một chiếc bàn ăn dài cũng đồ sộ như vậy, chân chạm hình chân sư tử đứng xoạc cẳng, nên trông càng có vẻ đường bệ, mặt bàn phủ một chiếc khăn vải nhỏ mặt, hồ cứng, có thêu những chữ cái to, đan vào nhau. Trên mặt bàn một ấm bạc đựng cà phê thơm phức, một bình đường cũng bằng bạc, một bình đựng đầy kem ngầu bọt và một chiếc lẵng đựng bánh mì mới giòn, bánh bích-côt, bích-qui. Bên cạnh bộ dao nĩa, là thư, báo và một tờ Tạp chí Hai thế giới (1) số mới ra vừa nhận được. Nekhliuzov vừa định mở mấy lá thư ra đọc thì ở cửa phòng thông ra hành lang, một người đàn bà đứng tuổi, to béo, bước vào; người nầy để tang, đầu đội chiếc khăn thùa ren che lấp cả đường ngôi mái tóc quá thưa. Đó là bà Agrafena Petrovna, người hầu phòng của bà công tước mẹ Nekhliuzov, vừa mới qua đời trong ngôi nhà nầy. Trước làm hầu phòng cho mẹ, bây giờ bà làm quản gia cho con.
Bà Agrafena đã từng đi theo mẹ Nekhliuzov ra ở nước ngoài nhiều lần, tất cả cũng đến mười năm, cho nên nom bà có cái tư thế, dáng dấp của một bà trong giới thượng lưu. Bà làm việc cho gia đình Nekhliuzov từ nhỏ, đã biết Dmitri Ivanovich từ lúc chàng còn là cậu bé “Mitienka”(2).
– Chào cậu Dmitri Ivanovich, – bà nói.
– Chào bà Agrafena Petrovna? Có chuyện gì mới không bà? – Nekhliuzov vui vẻ hỏi.
– Có thư của bên bà công tước đây, – bà trả lời. – Chẳng biết lá thư nầy của phu nhân hay của tiểu thư. Chị hầu phòng mang thư lại đây từ nãy, hiện còn đang chờ ở phòng tôi. – Bà Agrafena Petrovna vừa đưa thư cho Nekhliuzov vừa mỉm một nụ cười hóm hỉnh.
Nekhliuzov cầm lấy lá thư, trả lời: “Được, chờ một tí!” và nhận thấy cái cười của bà Agrafena Petrovna, nét mặt chàng bỗng sẩm ngay lại. Cái cười đó ngụ ý rằng bức thư kia là của công tước tiểu thư Korsagina, người mà bà cho là chàng sắp cưới nay mai. Ý nghĩ nầy biểu hiện trong nụ cười của bà Agrafena Petrovna làm chàng khó chịu.
– Thế thì để tôi bảo chị ta nán đợi một chút, – bà Agrafena Petrovna nói và xếp lại một chiếc bàn chải để sai chỗ, rồi bước nhẹ ra khỏi phòng.
Nekhliuzov mở chiếc phong bì thơm tho và đọc. Thư viết trên một tờ giấy xám, đường mép ngoằn ngoèo, chữ viết rắn rỏi thưa nét; trong thư nói:
“Đã nhận trách nhiệm nhắc anh công việc, em xin nhắc anh hôm nay, ngày 28 tháng Tư, anh phải làm bồi thẩm tại toà Đại hình: như vậy thì anh không thể cùng Koloxov và gia đình nhà em đi xem triển lãm tranh được, như hôm qua anh đã hứa anh hay vô tâm thế đấy, – trừ phi anh sẵn sàng đem số tiền ba trăm rúp anh đã dành để tậu ngựa nộp phạt cho toà Đại hình, vì đã vắng mặt thì không kể. Hôm qua em đã nhớ tới điều đó ngay từ lúc anh vừa ra về. Vậy anh đừng quên nhé.
Công tước tiểu thư M. Korsagina”.
Mặt sau có ghi thêm:
“Mẹ bảo em nhắn anh rằng nhà để phần cơm anh cho đến đêm. Thế nào anh cũng lại nhé, bất kỳ vào giờ nào cũng được. M.K.”
Nekhliuzov cau mày. Lá thư nầy là một trong những mánh khóe khôn khéo mà công tước tiểu thư Korsagina liên tiếp sử dụng trong hai tháng trời nay nhằm ràng buộc chàng với cô ta bằng những sợi dây vô hình ngày một chặt hơn. Song ngoài sự do dự trong việc xây dựng gia đình thường thấy ở những người đã đứng tuổi không còn yêu đương sôi nổi nữa, Nekhliuzov còn có một nguyên nhân quan trọng khác khiến chàng dù có quyết định cũng không thể cầu hôn ngay trong lúc nầy được. Không phải vì trước đây mười năm chàng đã quyến rũ, rồi bỏ rơi Katiusa, chuyện ấy chàng đã quên bẵng và không thấy nó trở ngại gì cho việc hôn nhân của mình cả. Nguyên nhân ấy là lúc nầy chàng đã dan díu với một người đàn bà có chồng, dù hiện nay về phía mình chàng đã cắt đứt, nhưng người đàn bà kia vẫn coi mối tình đó là còn.
Đối với phụ nữ, Nekhliuzov rất nhút nhát; chính cái tính đó đã gợi cho người đàn bà kia ý muốn dắt mũi chàng…
Chị chàng nầy là vợ viên thống lĩnh quý tộc tại quận mà Nekhliuzov đến để tham gia một cuộc tuyển cử. Chị ta đã lôi cuốn chàng vào một cuộc dan díu ngày càng khó xử mà cũng ngày càng thấy dơ dáy ghê tởm. Ban đầu, chàng không cưỡng lại được sự quyến rũ, về sau cảm thấy mình có lỗi với chị ta, cho nên chàng không đủ can đảm cắt đứt khi chị ta chưa thoả thuận. Chính vì lẽ đó, dù có muốn, Nekhliuzov cũng thấy không có quyền cầu hôn với cô Korsagina.
Trên bàn lại có đúng ngay bức thư của chồng chị ta.
Vừa trông thấy nét chữ và dấu đóng. Nekhliuzov đỏ bừng mặt, lập tức lấy can đảm như mỗi khi phải sẵn sàng đối phó với một điều không lành sắp xẩy đến. Nhưng thực ra chàng đã lo hão: người chồng – tức viên thống lĩnh quý tộc tại quận trong đó có phần lớn đất đai của Nekhliuzov chỉ báo cho chàng biết sẽ có một khoá họp bất thường của hội đồng hành chính địa phương vào cuối tháng năm và yêu cầu chàng thể nào cũng đến dự để “giúp ông ta một tay”. Hai vấn đề quan trọng – vấn đề trường học và vấn đề đường giao thông liên xã – sẽ đưa ra thảo luận trong cuộc họp, và nhất định sẽ bị phái phản động chống đối kịch liệt.
Viên thống lĩnh nầy là người thuộc phái tự do. Hiệp lực với một số người cùng xu hướng, ông ta đấu tranh chống lại lực lượng phản động đã phát sinh (từ đời Alekxandr III). Để hết tâm trí vào công việc, ông ta không hay biết gì về điều bất hạnh trong gia dình.
Nekhliuzov hồi tưởng lại tất cả những phút lo âu khắc khoải có liên quan đến con người nầy: có lần chàng tưởng như câu chuyện đã vỡ lở, chàng đã chuẩn bị chờ đón một cuộc đấu súng với ông ta và đã định tâm, khi đấu sẽ bắn chỉ thiên; rồi lại cái phút khủng khiếp khi chị ta, trong cơn tuyệt vọng, đã chạy ra vườn sau, định gieo mình xuống hồ tự tử và chàng đã phải chạy đi tìm mãi.
Nekhliuzov thầm nghĩ: “Chưa nhận được thư trả lời của chị ta thì lúc nầy chưa thể đến đó được, mà cũng chưa thể làm trò gì được”. Trước đấy một tuần chàng đã viết cho chị ta một bức thư dứt khoát, trong đó nhận lỗi về phía mình và ngỏ ý sẵn lòng chuộc lại lỗi lầm bằng bất cứ giá nào; cuối thư chàng tha thiết nêu rõ vì lợi ích của bản thân chị ta, hai người ngay từ nay phải chấm dứt cuộc tình duyên bất chính. Chàng vẫn ngóng chờ mãi chưa nhận được thư trả lời. Điều đó đối với chàng có phần nào lại là dấu hiệu tốt. Quả vậy, nếu như chị ta không thuận tình cắt đứt thì có lẽ chị ta đã trả lời ngay rồi; mà hơn nữa, có lẽ chị ta đã đến thẳng ngay nhà như mấy lần trước. Nekhliuzov còn được tin có một anh võ quan nào đó đã ve vãn chị ta, chàng cảm thấy vừa bực vì ghen, nhưng lại vừa khoan khoái vì thấy có hy vọng thoát khỏi mọi sự dối trá cắn dứt lương tâm.
Trong tập thư còn có một bức thư của người quản lý ruộng đất. Người nầy yêu cầu chàng phải đích thân về ấp để chính thức xác lập quyền thừa hưởng gia tài và ngoài ra, còn để quyết định cách tiếp tục kinh doanh đất đai: một là cứ theo cách quản lý như hồi công tước phu nhân còn sống; hai là theo ý kiến hắn đã đề đạt với phu nhân trước kia nay lại đề đạt với chàng, tức là tậu thêm ngựa, sắm thêm nông cụ, thu hồi ruộng đất đã phát canh cho nông dân để tự mình kinh doanh lấy, như vậy thì lợi hơn nhiều. Hắn còn xin lỗi vì có phần nào chậm trễ chưa gửi được cho chàng ba nghìn rúp đúng kỳ hạn vào ngày mồng một; số tiền đó sẽ gửi tới chàng kỳ thư sau. Sở dĩ chậm trễ là vị bọn nông dân cứ lần khân, hắn phải cậy đến áp lực chính quyền mới thu nổi tiền. Bức thư nầy làm Nekhliuzov vừa hài lòng, lại vừa bực mình. Hài lòng vì được làm chủ một sản nghiệp lớn lao; còn bực mình thì vì lẽ hồi niên thiếu chàng đã từng là tín đồ nhiệt thành các học thuyết xã hội của Spencer(3) nhất là bản thân vốn là một đại địa chủ, chàng đã rất xúc động khi liên hệ địa vị mình với luận điểm “Đạo lý không thừa nhận quyền chiếm hữu cá nhân về ruộng đất” trình bày trong cuốn “Tình thái xã hội”(4) của Spencer. Hồi đó, với tính thẳng thắn, cương quyết của tuổi trẻ: chẳng những chàng đã tuyên bố ruộng đất không thể là đối tượng chiếm làm của riêng, chẳng những chàng đã viết luận văn về vấn đề đó ở trường đại học, mà còn bằng hành động thực tế, đem một phần nhỏ đất đai, không phải của mẹ mà là thừa hưởng của cha để lại, hiến cho nông dân; chàng không muốn chiếm hữu ruộng đất, đi ngược lại niềm tin của mình. Bây giờ, do nhận thừa tự, chàng thành một điền chủ lớn, chàng phải chọn một trong hai cách. Một là làm như mười năm về trước, khước từ hai trăm mẫu(5) ruộng đất của cha để lại. Hai là thừa nhận với mình rằng những quan niệm của chàng trước kia là sai lầm và giả dối.
Cách thứ nhất không thể chấp nhận được, vì chàng chỉ trông cậy vào lợi tức ruộng đất, chẳng còn cách sống nào khác. Ra làm quan thì chàng không thích; hơn nữa, chàng không thể dễ dàng bỏ lối sống nhàn hạ, xa hoa đã quen rồi. Vả lại làm như vậy cũng chẳng ích gì, vì bây giờ chàng không còn lòng tin mãnh liệt, chí cương quyết, tính hiếu thắng bồng bột, muốn làm cho thiên hạ phải kinh ngạc, như hồi còn ít tuổi nữa. – Còn cách thứ hai, nghĩa là phải phủ nhận những lý lẽ chắc nịch, đanh thép, rành rọt chứng minh tính chất bất hợp lý của sự chiếm hữu tư nhân về ruộng đất, những lý lẽ chàng đã rút ra từ cuốn Tình thái xã hội của Spencer, về sau lại được chứng minh một cách đanh thép hơn trong các tác phẩm của Henry Georges. Cách thứ hai nầy chàng cũng thấy không thể được.
Chú thích:
(1) Revue des deux mondes, một tạp chí tư sản Pháp
(2) Tên gọi thân mật Dmitri khi còn nhỏ.
(3) Herbert Spencer (1820-1903), nhà triết học Anh
(4) Social Statics: tên một tác phẩm của H. Spencer.
(5) Dexiatin (mẫu) bằng 1,092 héc ta.