Phục Sinh

CHƯƠNG 36



Từ giã viên trưởng lý, Nekhliudov đi thẳng đến nhà tạm giam. Nhưng không có ai là Maxlova ở đây cả. Viên giám mục bảo Nekhliudov là chắc nàng ở ngôi nhà cũ giam tù phát vãng. Nekhliudov bên đi tới đó.
Ekaterina Maxlova ở đấy thật.
Viên chưởng lý quên mất là sáu tháng trước đây, sở hiến binh bày ra một vụ án chính trị và kích lên thật to khiến trại tạm giam chật ních những sinh viên, thầy thuốc, công nhân, nữ học sinh trung học và nữ y sĩ. Trại tạm giam cách trại giam tù phát vãng khá xa nên mãi gần tối Nekhliudov mới tới nơi. Chàng đang định bước vào cửa ngôi nhà âm u to lớn nọ thì tên lính gác không cho vào mà chỉ bấm chuông gọi. Nghe tiếng chuông, một cai ngục ra. Nekhliudov đưa giấy phép vào cửa, nhưng viên cai ngục trả lời là phải có phép của giám ngục mới được vào. Nekhliudov đến gặp giám ngục. Còn đang bước trên bậc hành lang đã nghe thấy lọt ra từ sau nách cửa tiếng đàn dương cầm xa xa, khúc nhạc nghe hùng tráng, phức tạp. Khi người hầu gái, mắt bịt một bên, vẻ cáu kỷnh, ra mở cửa thì tiếng nhạc như từ trong phòng ùa ra đáp mạnh vào tai chàng. Đó là bản “Khúc cuồng tưởng” của Lizt (1) mọi người đã từng nghe chán cả rồi: tiếng dàn đánh rất hay, nhưng có cái lạ là chỉ tấu đến có một chỗ nhất định thôi. Cứ đến chỗ đó lại nhắc lại đoạn đầu như cũ. Nekhliudov hỏi ông giám mục có nhà không. Người hầu gái bảo không.
– Ông ấy sắp về chưa?
“Khúc cuồng tưởng” lại ngừng và trở về đoạn cũ, rộn ràng, thánh thót cho tới cái chỗ quen thuộc thì lại thôi.
– Để tôi hỏi xem sao.
Và người hầu gái quay vào.
Khúc nhạc vừa mới bắt đầu lại thì bỗng nhiên chưa đến cái chỗ quen thuộc đã ngừng bặt. Có tiếng nói vọng ra:
– Bảo người ta là ông không có nhà và nội ngày hôm nay không về được. Ông còn đi thăm bạn. Sao mà người ta cứ quấy rầy thế, – có tiếng người phụ nữ ở sau cánh cửa nói vọng ra. Sau đó lại thấy tiếng dạo bản đàn nọ.
Nhưng tiếng đàn lại dừng lại và có tiếng xê dịch ghế.
Chắc hẳn người phụ nữ chơi dương cầm ấy bực tức muốn tự thân ra trách người khách quấy rầy, đến không phải lúc.
– Cha tôi không có nhà, – một thiếu nữ bước ra, cáu kỷnh nói. Người con gái trông thảm hại, xanh xao, đầu tóc rối bù, đôi mắt thâm quầng, buồn nản. Nhác thấy khách là một người đàn ông trẻ, mặc chiếc áo khoác choàng sang trọng, cô ta dịu giọng. – Xin mời ông vào. Ông cần hỏi gì ạ?
– Tôi cần xin phép gặp một nữ tù nhân giam trong ngục.
– Chắc là tù chính trị?
– Không không phải tù chính trị. Tôi có giấy phép của ông chưởng lý.
– Ồ tôi không rõ đâu. Cha tôi đi vắng. Nhưng xin mời ông cứ vào. – Cô ta đứng ở phòng ngoài nhỏ hẹp, mời chàng lần nữa. – Nếu không xin mời ông đến nói với ông phó giám ngục. Ông ấy đang ở văn phòng. Xin ông cho biết quý danh là gì ạ.
– Xin cảm ơn cô, – Nekhliudov nói, không trả lời câu cô ta hỏi và đi ra.
Chàng vừa ra, cửa chưa kịp đóng thì những tiếng nhạc vui vẻ rộn ràng lúc trước lại vang lên. Những tiếng nhạc ấy không hợp chút nào với người con gái đáng thương kia đang cắm đầu luyện tập thật công phu. Ra đến sân, Nekhliudov gặp một sĩ quan trẻ có bộ ria mép vuốt sáp uốn vểnh lên; chàng hỏi thăm chỗ ở viên phó giám ngục. Lại chính người ấy là phó giám ngục. Y cầm giấy xem qua và nói rằng đây là giấy phép vào trại tạm giam nên y không thể cho vào được. Vả lại cũng muộn rồi!
– Sáng mai, mời ông đến. Mai mười giờ là giờ vào thăm tự do ông cứ đến đây, ông giám mục cũng sẽ có nhà. Mai ông có thể gặp tù nhân ở phòng công cộng, mà nếu ông giám mục cho phép thì sẽ gặp riêng ở văn phòng được.
Thế là ngày hôm ấy không gặp được. Nekhliudov trở về nhà. Chàng đi trên đường phố, nghĩ đến việc sắp gặp mặt nàng, lòng những nao nao. Bây giờ chàng nhớ lại, không phải những công việc ở toà án, mà là nhớ lại những lời đã nói với chưởng lý và mấy người coi ngục. Việc chàng tìm cách gặp nàng, việc chàng nói ý định của mình với chưởng lý, việc chàng đã đến hai nhà giam tìm gặp nàng, tất cả những điều đó khiến chàng bồn chồn mãi, không sao bình tĩnh lại được: Về đến nhà chàng lập tức lôi cuốn nhật ký đã từ lâu không mó đến ra, đọc lại một vài đoạn ở trong rồi viết tiếp như sau:.
“Hai năm nay ta không ghi nhật ký và tưởng rằng không bao giờ còn quay lại cái trò trẻ con nầy nữa. Nhưng đâu phải là trò trẻ con, mà là câu chuyện tự nói với mình, với cái “ta” chân chính, thiêng liêng nằm trong mỗi con người Suốt thời gian qua, cái “ta” ấy đã ngủ và mình không có ai để trò chuyện cả. Bỗng có sự bất ngờ xẩy ra từ ngày hai mươi tám tháng tư, hôm mình làm bồi thẩm ở toà án, đã đánh thức cái “ta” ấy dậy. Mình nhìn thấy nàng ngồi trên ghế bị cáo, thấy Katiusa, – người đã bị mình lừa dối, – mặc áo tù. Chỉ vì một sự sơ ý lạ lùng và do lỗi tại mình mà nàng bị kết án khổ sai. Hôm nay, mình đến gặp trưởng lý và đến nhà giam. Họ chưa cho mình vào gặp, nhưng mình sẽ làm mọi cách để được gặp nàng, ăn năn tội lỗi với nàng và dù có phải cưới nàng để đền tội, mình cũng sẵn sàng. Lạy chúa! Xin người giúp đỡ con! Con thấy lúc nầy tâm hồn rất thanh thoát vui mừng.
Chú thích:
(1) Lizt (1811-1886): Nhạc sĩ Hungary

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.