Ngày hôm sau, Nekhliudov đến gặp trạng sư, kể cho y nghe việc mẹ con Melsov và nhờ y biện hộ cho cả việc ấy nữa. Viên trạng sư lắng nghe và nói rằng y sẽ xem, và nếu đúng như lời Nekhliudov nói, – và rất có thể là như thế thì y sẽ nhận giúp không. Nhân tiện, Nekhliudov kể cho viên luật sư nghe về số một trăm ba mươi người bị giam chỉ vì một sự ngộ nhận và hỏi rằng việc ấy thuộc thẩm quyền ai, và ai là người có lỗi. Viên luật sư im lặng, chắc là muốn trả lời cho thật đúng.
– Ai có lỗi à? Không ai có lỗi cả! – y trả lời quả quyết. – Ngài nói với chưởng lý thì ông ta sẽ bảo tỗi ở tỉnh trưởng. Ngài nói với tỉnh trưởng thì ông ta sẽ bảo là lỗi ở chưởng lý rút lại không ai có lỗi cả.
– Tôi sẽ đến Maxlenikov bây giờ và tôi sẽ nói với ông ta.
– Ồ! Vô ích! Luật sư mỉm cười, can ngăn. – Hắn là… à… mà không phải bà con hay bạn bè gì với ngài chứ? Hắn là… xin ngài bỏ ngoài tai, một thằng ngu xuẩn, đồng thời là một thằng súc sinh láu cá.
Nekhliudov sực nhớ Maxlenikov đã nói về viên luật sư như thế nào nên chàng không trả lời, chỉ chào và lên xe đi đến nhà Maxlenikov.
Nekhliudov yêu cầu Maxlenikov hai việc: xin chuyển Maxlova sang bệnh viện và hỏi về số một trăm ba mươi người không có giấy tờ, vô tội mà vẫn bị giam ở nhà lao.
Phải nhờ vả một người mà mình không phục thì thật là một điều khổ tâm. Nhưng dù khổ tâm đến mấy đi nữa, chàng cũng vẫn phải nhờ, vì chỉ có cách đó mới đạt được mục đích mà thôi.
Gần tới nhà Maxlennikov, Nekhliudov nhìn thấyvài cỗ xe ngựa đậu ở cửa: xe nhỏ, xe không mui và xe có mui.
Chàng sực nhớ hôm nay đúng là ngày vợ Maxlenikov tiếp khách, chính Maxlenikov đã mời chàng đến vào ngày nầy. Đúng lúc xe Nekhliudov chạy đến gần nhà thì một chiếc xe ngựa mui kín đỗ lại ở cạnh cửa, tên đầy tớ đội mũ có phù hiệu và mặc áo khoác ngoài ngắn đang đỡ một bà xuống xe ở chỗ bậc cửa. Bà ta vén vạt áo sau dài lê thê lên, để lộ đôi mắt cá nhỏ nhắn trên đôi giẩy không cổ Trong số xe đỗ ở cửa: chàng nhận ra cỗ xe kín bốn chỗ của nhà Korsagin. Ông lão đánh xe hồng hào tóc bạc, kính cẩn và niềm nở ngả mũ chào chàng như chào một vị quí tộc quen thuộc. Nekhliudov chưa kịp hỏi người gác cổng xem Mikhail Ivanovich (Maxlenikov) ở đâu: thì chính anh ta đã ra đứng trên bậc thang gác trải thảm, đang tiễn chân một vị khác; theo cung cách anh ta đưa tiễn đến tận tầng dưới cùng chứ không phải chỉ đến cầu thang, thì đó là một thượng khách. Người nầy vừa đi xuống vừa nói tiếng Pháp về cuộc xổ số tổ chức để giúp nhà tế bần đang được xây dựng trong thành phố, theo ý ông ta thì đó là một việc rất tốt để các bà làm:
– Họ vừa được mua vui mà lại vừa thu được lắm tiền.
– Phải để cho các bà vui chơi và Chúa hãy phù hộ cho các bà… A, Nekhliudov, chào ông! Sao lâu nay không thấy ông đâu? – Ông ta chào Nekhliudov. – Ông hãy vào chào bà chủ đi! Có cả gia đình Korsagin cũng ở trong ấy đấy. Và có cả Nadin Bucsevden. Đủ các mặt hoa khôi của thành phố. – Ông ta vừa nói vừa khẽ đưa đôi vai nhà binh rộng đón tấm áo ngoài lộng lẫy, đính lon vàng mà người đầy tớ choàng lên cho ông ta.
– Thôi chào ông bạn nhé! – Ông khách bắt tay Maxlenikov một lần nữa rồi ra về.
– Ta lên trên kia đi! Cậu đến, mình mừng quá? – Maxlenikov hớn hở nói. Hắn nắm tay Nekhliudov và mặc dù thân hình phục phịch hắn kéo chàng thoăn thoắt lên thang.
Nỗi vui mừng phấn khởi của Maxlenikov là do ân huệ của nhân vật quan trọng kia đã để mắt tới hắn. Phục vụ trong một trung đoàn thị vệ ở gần hoàng gia nên đối với Maxlenikov sự tiếp xúc với hoàng gia đã thành thói quen từ lâu; song cũng vì thế mà hắn càng đê tiện, cho nên bất cứ một sự lưu ý nào của bề trên đều làm Maxlenikov mừng mừng rỡ rỡ như con chó con được chủ vuốt ve xoa vỗ, gãi tai cho. Nó vẫy đuôi, co rúm lại uốn éo cụp tai và chạy quanh cuống cuồng. Maxlenikov cũng sẵn sàng làm những trò như vậy. Hắn không nhận thấy vẻ nghiêm trang của Nekhliudov; hắn không nghe chàng nói và kéo chàng bằng được vào phòng khách khiến Nekhliudov không thể từ chối được, đành phải đi theo.
Công việc hẵng để sau: cậu ra lệnh gì rồi mình cũng sẽ làm tuốt. – Maxlenikov nói, cùng đi với Nekhliudov qua gian phòng rộng. – Vào bẩm với “bà nguyên soái” là có công tước Nekhliudov, – đang đi, hắn bảo với một người hầu. Người nầy tức thì lon ton chạy vượt lên trước. Cậu chỉ việc ra lệnh. Nhưng thế nào cậu cũng phải đến gặp vợ mình một chút. Mình đã bị bà ta trách mãi vì hôm trước không dẫn được cậu vào.
Người hầu đã kịp bẩm và khi hai người vào thì Anna Ignatievna, phó tỉnh trưởng phu nhân, “bà nguyên soái”, như mụ tự xưng, đã mỉm cười rạng rỡ, nhã nhặn cúi đầu giữa đám mũ và đầu người lố nhố vây quanh mụ, ở cạnh chiếc đi văng. ỏ đầu phòng khách đằng kia, chung quanh bàn trà, các tiểu thư đang ngồi, có các ông ăn mặc quân phục hay thường phục đang đứng gần bên. Những tiếng cả nam lẫn nữ nhao nhao lên.
– Đây rồi! Tại sao công tước lại không muốn đoái hoài đến chúng tôi? Chúng tôi có làm gì để công tước giận?
Anna Ignatievna đón khách mới vào bằng những lời nói như ngụ ý giữa mụ với Nekhliudov xưa nay vẫn là chỗ thân tình, nhưng thật ra chưa hề có thế.
– Các bạn quen nhau cả chứ? Đây là bà Beliapxkaia, đây là ông Mikhail Ivanovich Tsecnov. – Xin mời ngồi gần lại cả đây. – Mitxi, mời cô lại đây cùng chúng tôi. Sẽ có người mang trà đến cho cô, cả ông. Mụ nói với viên sĩ quan đang nói chuyện với Mitxi, chắc là mụ quên tên ông ta. – Xin mời hai người lại cả đây. Công tước dùng trà chứ ạ?
– Không đờỉ nào, không đời nào tôi tán thành ý kiến đó, thật ra chị ta có yêu đâu! – một giọng đàn bà nói.
– Có chứ? Có yêu bánh ngọt vẫn lại những câu đùa dại dột, – một bà khác đội mũ cao, đầy người gấm vóc, óng ánh vàng đeo ngọc giắt, cười khanh khách.
– Thật ngon tuyệt, những chiếc bánh quế nầy, và thật là nhẹ. Xin cho thêm lại đây.
– Thế ông bà sắp đi?
– Vâng, hôm nay là ngày cuối cùng. Chính vì thế mà chúng tôi đến đây.
– Mùa xuân tuyệt quá, ở nông thôn thì phải biết là thú!
Mitxi rất đẹp. Cô đội mũ và mặc áo dài may bằng một thứ hàng kẻ thẫm màu, phẳng lì, không một nếp nhăn, bó lẳn tấm thân mảnh mai, tưởng chừng như áo với người đã hợp nhau từ thuở cô mới sinh ra. Nhìn thấy Nekhliudov, cô ta đỏ bừng mặt lên.
– Thế mà tôi cứ tưởng công tước đi rồi, – cô ta nói với chàng.
– Suýt nữa thì tôi đi rồi, – Nekhliudov nói. – Vì còn vướng công việc: Tôi đến đây cũng là có việc.
– Trước khi lên đường, mời công tước tạt qua thăm mẹ tôi. Mẹ tôi rất mong gặp công tước, – cô nói và cảm thấy mình nói dối và Nekhliudov cũng biết thế nên cô càng đỏ mặt.
– Chưa chắc tôi đã đến được, – Nekhliudov buồn bã nói. Chàng làm cố ra bộ như không thấy cô ta đỏ mặt.
Mitxi cau mày tức giận, nhún vai rồi quay sang với viên sĩ quan thanh lịch. Anh chàng nầy đỡ lấy chiếc chén không trong tay cô rồi mang để sang bàn khác, bước đi hùng dũng, thanh gươm anh ta đeo chạm vào chiếc ghế bành.
– Ngài cũng cần phải cúng ít nhiều cho nhà tế bần chứ?
– Tôi không từ chối, nhưng muốn để đành cái hào phóng vào cuộc chơi xổ số. Khi ấy tôi sẽ xin phóng tay thả hết.
– Được, rồi sẽ xem, – một tiếng nói đáp lại với một giọng cười chế nhạo.
Buổi tiếp khách thật là tưng bừng. Và Anna Ignatievna rất hoan hỉ.
– Mika có nói cho tôi biết là công tước bận việc ở mấy cái nhà lao. Tôi hiểu điều đó, mụ nói với Nekhliudov. – Mika (tức là Maxlenikov, ông chồng to béo của mụ) có thể có những sai lầm, nhưng công tước biết đấy, anh ấy là người nhân hậu. Anh ấy coi tất cả đám tù nhân bất hạnh đó như con đẻ, chứ không phải là gì khác. Anh ấy phúc hậu như…
Bà ta dừng lại không tìm được lời nào có thể diễn tả nổi được đức tốt của ông chồng, con người từng hạ lệnh phạt roi người ta. Và ngay lúc đó, bà mỉm cười quay lại nói với một bà cụ già, da mặt nhăn nheo, đeo những chiếc nơ màu hoa cà, vừa mới bước vào.
Sau khi trao đổi vài câu bâng quơ cho phải phép, Nekhliudov đứng dậy và đến gần Maxlenikov.
– Bây giờ cậu có thể nghe mình nói được không?
– Được chứ? Sao lại không? Ta vào đây.
Hai người vào một phòng làm việc nhỏ kiểu Nhật và ngồi xuống bên cạnh cửa sổ.