Phục Sinh

CHƯƠNG 64



Nói chuyện với trẻ con, Nekhliudov cảm thấy thoải mái hơn là với người lớn và chàng đã nói chuyện với chúng suốt dọc đường. Lúc nầy thằng nhỏ không cười nữa và ăn nói cũng minh mẫn, khôn ngoan chẳng kém gì thằng lớn.
– Ai là người nghèo nhất ở cái làng nầy, các em nhỉ? – Nekhliudov hỏi.
– Nghèo nhất ạ? Có bác Mikhail. Cả bác Xemion Makerov nữa; và còn bà Marfa, bà ấy thì nghèo nhất.
– Còn bác Anixia nữa, bác ấy còn nghèo hơn cơ. Bác ấy không có con bò nào, phải đi ăn xin! – thằng Feka nói.
– Không có bò cái, nhưng nhà bác ấy chỉ có ba miệng ăn, còn nhà bác Marfa thì những năm cơ, – thằng lớn cãi lại.
– Thế nhưng mà bác ta goá chồng, – thằng bé áo hồng bênh vực cho bác Anixia.
– Mày bảo là bác Anixia goá chồng, nhưng bác Marfa thì cũng vậy thôi; bác ấy có chồng cũng như không.
– Thế chồng bác ấy ở đâu? – Nekhliudov hỏi.
– Đang nuôi rận ở trong nhà lao ấy, – thằng lớn dùng câu châm biếm mọi người vẫn dùng để trả lời.
– Mùa hè năm ngoái, chồng bác ấy chặt hai cây phong ở trong rừng ông chủ, cho nên bị bỏ tù, thằng nhỏ vội vã giải thích. – ông ta bị giam sáu tháng rồi, vợ phải đi ăn xin; bác ấy có ba đứa con dại và một mẹ già ốm yếu.
– Bác Marfa ở chỗ nào? – Nekhliudov hỏi.
Trong cái sân kia kỳa, – thằng nhỏ vừa nói vừa chỉ vào một cái nhà, ở ngay trên con đường ba người đang đi; trước nhà có một thằng bé con tóc gần như bạc trắng, đứng không vững, lắc la lắc lư trên đôi cẳng nhỏ bé vòng kiềng.
– Vatka, thằng ranh con, mày lỏn đi đâu rồi thế? – Một người đàn bà mặt lem luốc, bẩn thỉu, tưởng như trát đầy bồ hóng, vừa bước ra khỏi gian lều; vừa kêu. Chị ta chạy xổ ra đường, vẻ mặt bãi hùng, tóm lấy thằng bé trước lúc Nekhliudov bước tới cắp nó vào trong nhà, dường như sợ Nekhliudov sẽ làm gì con mình chăng.
– Chính chị là người đàn bà có chồng bị bắt giam vì đã chặt cây phong trong rừng của Nekhliudov.
– Còn bà Matrena, bà ấy có nghèo không? – Chàng hỏi khi ba người sắp tới gần nhà bà nầy.
– Bà ấy nghèo là thế nào? Bà ấy bán rượu kia mà! – Thằng nhỏ mặc áo cánh hồng trả lời, giọng quả quyết.
Tới nơi, Nekhliudov để hai đứa trẻ ở ngoài, bước qua cửa vào bên trong lều. Lòng gian lều chỉ dài chừng sáu arsin; một chiếc giường kê ở đằng sau lò sưởi, một người đàn ông to lớn nằm khó mà duỗi thẳng chân ra được “Katiusa đã ở cữ rồi đau ốm trên chiếc giường nầy đây” -Nekhliudov thầm nghĩ trong bụng. Chàng bước vào trong lều, đầu va phải chiếc khung cửa quá thấp, đúng lúc bà lão cùng với một đứa cháu gái đang mải sửa chữa cái khung cửi choán chật gần hết gian lều. Hai đứa cháu gái khác chạy xô vào nhà theo vị quý tộc, đứng dừng lại, đằng sau chàng, ngay trong lối ra vào, tay vịn vào thành khung cửi.
– Ông hỏi ai? Bà lão đang bực mình vì chiếc khung cửi của bà không chạy, hỏi giọng gắt gỏng. Hơn nữa, bà ta lại bán rượu lậu, nên thấy bất kỳ người lạ nào bước vào nhà, bà cũng nghi ngại.
– Tôi là chủ trang ấp ở đây, tôi muốn được nói chuyện với cụ?
Bà lão im lặng nhìn chàng và bỗng nhiên vẻ mặt biến đổi hẳn đi.
– Trời ơi, cậu đấy ư? Thế mà tôi ngốc quá lại không nhận ra được, tôi cứ nghĩ ông khách qua dường nào – bà lão bắt đầu nói với một giọng ngọt ngào. – Trời ơi, thì ra là cậu quý hoá quá!
Làm thế nào để khỏi có người nghe lỏm chuyện, hở cụ? – Nekhliudov vừa nói vừa đưa mắt nhìn ra phía cửa để ngỏ, trẻ em đang đứng chen chúc và đằng sau chúng là một người đàn bà gầy gò ẵm một đứa bé ốm yếu, miệng thằng bé lúc nào cũng cười, mặt mày xanh xao bệnh tật, đầu đội một chiếc mũ khâu bằng mụn vải.
– Có cái gì mà chúng bay nhìn? Để tao cho chúng mày một trận, đưa cái nạng đây cho tao, bà lão quay lại phía bọn trẻ, quát lên:
– Khép cửa lại!
Lũ trẻ biến mất, người đàn bà bế đứa bé khép cửa lại.
– Tôi còn đang nghĩ: người kia là ai nhỉ? Ra chính là cậu chủ của tôi, cậu vàng, cậu ngọc của tôi, tươi đẹp quá, quý hoá quá! – Bà lão nói. – Cậu đã đến chơi, cậu đã có lòng đoái tưởng. Trời ơi? Quý hoá quá! Ngồi xuống đây cậu, cậu ngồi lên trên cái hòm nầy, – bà lão vừa tiếp vừa lau mặt hòm bằng cái màn che cửa. – Thế mà tôi cứ nghĩ: ai thế nhỉ? Thì ra chính là đức ông, chính là cậu chủ, ân nhân của chúng tôi, cha nuôi của chúng tôi. Cậu tha lỗi cho mụ già lẩn thẩn ngu muội nầy nhé. Già có mắt cũng như mù thôi.
Nekhliudov ngồi xuống, bà lão đứng trước mặt chàng, bàn tay phải chống vào má, bàn tay trái đỡ lấy cái khuỷu nhọn hoắt của cánh tay phải và lại bắt đầu nói với một giọng du dương.
– Trông cậu có già đi, xưa kia cậu tươi trẻ bao nhiêu, bay giờ thì thế. Chắc cũng lo nghĩ nhiều.
– Tôi đến hỏi cụ về việc nầy đây, cụ còn nhớ cô Katiusa Maxlova không?
– Katerina à? Sao lại không, nó là cháu tôi… quên nó sao được; bao nhiêu là nước mắt, tôi đã thương khóc nó hết bao nhiêu nước mắt. Câu chuyện ấy tôi biết hết. Ai mà không có tội với Chúa, ai mà chẳng phạm phép vua, thưa cậu. Thời son trẻ ấy mà! Ta uống chè, uống cà-phê với nhau, thế mà ma quỷ nô làm cho mê muội, mà kể ra mà quỷ nó cũng mạnh lắm kia! Biết làm thế nào, phải đâu cậu đã bỏ mặc nó, cậu đã thưởng tiền cho nó, đã cho nó một trăm “rúp” cơ mà? Còn nó, nó đã làm gì? Nó không biết điều hơn lẽ thiệt: giá nó nghe lời tôi thì nó cũng khá rồi. Nó là cháu tôi thật đấy, nhưng tôi cũng xin nói thẳng: nó là đồ hư hỏng. Sau đó, tôi cô giới thiệu nó đến làm ở một chỗ thật tốt nhưng nó không chịu nghe người ta, nó đã chửi lại chủ nhà? Thế là người ta tống khứ nó đi. Sau nó đến nhà ông kiểm lâm, kể nó cũng có thể ở được, nhưng nó chẳng chịu ở.
– Tôi muốn hỏi cụ về cháu bé. Cô ấy đã sinh nở tại nhà cụ có phải không ạ. Thế cháu bé đâu rồi?
– Cậu ạ Về cháu bé, tôi đã nghĩ chu đáo. Mẹ nó ốm quá coi chừng không qua khỏi được nên tôi xin rửa tội cho cháu, cho phải phép và sau đó, gửi nó đến nhà dục anh. Mẹ nó ốm sắp chết mà lại còn để cho đứa bé đẹp như thiên thần ấy phải héo hon nữa hay sao, người khác thì nó làm thế nầy: cứ để nó đấy, không cho nó ăn uống gì, thế rồi nó chết: Nhưng tôi thì tôi nghĩ: nếu sự thể đã như vậy ta phải làm thế nào chứ, ta phải gửi nó vào nhà dục anh Vả lại lúc đó tiền có sẵn, thế là tôi gửi ngay cháu đi.
– Thế ở nhà dục anh người ta có ghi số cháu là bao nhiêu không ạ?
– Số thì có. Nhưng cháu chết ngay. Bà ta nói với tôi: vừa tới nơi thì cháu mất.
– Bà ta là ai?
– Là cái bà ở Xkorotnoie. Bà ta chuyên làm nghề nầy. Tên bà tà là Melani. Bây giờ thì bà ta cũng mất rồi. Thật là một người đàn bà khôn khéo. Bà ta vẫn làm như thế nầy: hễ có ai mang lại cho bà ta một đứa bé, bà ta hẵng giữ lấy sau nầy mới đưa đi. Đợi được ba hay bốn đứa như thế, bà ta mang chúng đi một thể. Ở nhà bà ta, tất cả mọi thứ được sắp đặt thật khéo! Có một chiếc nôi lớn bằng chiếc giường hai người nằm, đặt chỗ nào cũng được. Cái nôi có cả tay nắm… Bà ta đặt bốn đưa bé vào trong đó đầu mỗi đứa một ngả, chân chụm vào nhau để khỏi đứa nọ đạp vào đầu đứa kia và cứ thế mang chúng đi. Bà ta nhét vào những cái miệng xinh xinh của trẻ, mỗi đứa một đầu vú sữa, thế là các cháu nằm im thin thít.
– Thế rồi sao ạ?
– Thế rồi bà ta đưa thằng cháu con Katerina đi cũng như thế. Nhưng có lẽ bà ta đã giữ nó ở nhà đến hai tuần lễ. Ngay từ khi đến ở nhà bà ta, nó đã bắt đầu yếu rồi.
– Đứa bé có xinh không ạ?
– Xinh lắm, không thấy đứa bé nào xinh như thế. Nó giống cậu như đúc ấy, – bà lão vừa nói thêm vừa nháy, mặt già nhăn nheo.
– Nhưng vì sao nó yếu đi ạ? Chắc họ cho ăn uống tồi quá?
– Chao ôi! Ăn với chả uống! Chỉ gọi là có một chút làm vị có phải con họ rứt ruột đẻ ra đâu… Miễn là đến nơi đứa bé còn sống thôi mà… bà ta bảo với tôi là vừa đến Moskva thì nó chết ngay. Bà ta đã mang về giấy chứng nhận, thật là hợp lệ! Một người đàn bà khôn khéo làm sao!
Tất cả những điều mà Nekhliudov có thể biết được về đứa con của mình là như vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.