Phục Sinh

CHƯƠNG 68



Đến gần sáng, chàng mới ngủ đi được và vì thế dậy rất muộn.
Giữa trưa, có bảy người nông dân được viên quản lý chọn mời, tới họp trong vườn, viên quản lý đã bố trí một cái bàn và mấy cái ghế làm bằng ván đặt trên cọc đóng xuống đất. Phải mất một lúc lâu để thuyết phục cho họ đội mũ lên và ngồi xuống ghế. Anh cựu binh hôm nay đi dép và quấn xà cạp sạch sẽ cứ khư khư trong tay cái mũ lưỡi trai rách chìa ra trước mặt, đúng phép như kiểu lính đi đưa ma. Trong bọn họ có một ông già rất tốt lão, vóc người cao to lớn, có chòm râu hầu như trắng toát giống râu pho tượng Moidơ của Michel Ange(l), với mái tóc quăn, trắng như bạc, toả xuống xung quanh vầng trán nhẵn bóng rám nắng. Đến lúc ông cụ vận chiếc áo lông Thổ Nhĩ Kỳ mới đội mũ len lên đầu, len vào sau chiếc ghế và ngồi xuống, thì những người kia mới làm theo.
Khi họ đã yên chỗ, Nekhliudov đến ngồi đối diện với họ. Tỳ khuỷu tay lên bàn, trên những trang giấy đã ghi kế hoạch của mình, chàng bắt đầu giải thích. Hoặc vì số nông dân ít hơn, hoặc vì chàng nghĩ đến công việc nhiều hơn là bản thân mình, nên lúc nầy, chàng không cảm thấy ngượng ngập chút nào. Tự nhiên, chàng thích quay về phía ông cụ có bộ râu xoắn ốc và đón chờ ở cụ một dấu hiệu tán thành hoặc phản đối. Song chàng đã đoán lầm.
Tuy ông cụ đáng kính ấy có gật gù cái đầu đẹp đẽ phúc hậu, để tỏ vẻ tán thành, hoặc lắc đầu chau mày, khi những người khác phản đối, nhưng rõ ràng là cụ hiểu rất khó khăn những lời chàng nói và cũng chỉ hiểu khi được những người khác nhắc lại cho ông cụ nghe bằng ngôn ngữ riêng của họ mà thôi.
Hiểu ý chàng nói hơn nhiều, là một ông già người bé nhỏ, chột mắt, râu thưa, mình mặc một chiếc áo choàng bằng vải Nam kinh, chân đi bốt cũ méo mó, ngồi bên cạnh ông cụ đẹp lão. Sau nầy, Nekhliudov mới biết ông ta là thợ xây bếp lò. Ông lão luôn luôn nhíu đôi lông mày lại cố gắng chăm chú lắng nghe và lần lượt truyền đạt lại những lời nói của chàng theo cách riêng của mình.
Cũng hiểu nhanh không kém, còn có một ông già khác, béo phục phịch, râu bạc trắng, hai con mắt long lanh, linh lợi; ông cụ không bỏ lỡ một dịp nào để chêm vào những nhận xét mỉa mai, trào phúng mà ông ta ra vẻ rất lấy làm hãnh diện xem chừng thì anh cựu binh đáng lý ra cũng có thể hiểu được nếu anh ta không bị cái đời lính tráng đã làm cho đần độn đi và nếu anh không bị hãm trong những lề thói ngôn ngữ vô nghĩa lý của nhà binh.
Trong tất cả các đám thính giả, người tỏ độ nghiêm túc hơn cả đối với công việc nầy là một người nông dân cao lớn giọng nói trầm trầm, mũi dài, râu ngắn, mình bận một chiếc áo lông Thổ Nhĩ Kỳ sạch sẽ và chân đi đôi giầy cổ mới. Bác ta hiểu hết cả và chỉ nói khi cần phải nói. Còn hai cụ già nữa, một người là ông cụ móm mà buổi họp hôm qua đã cương quyết phản đối tất cả những lời đề xuất của Nekhliudov, còn người thứ hai là ông già thọt chân, cao lớn, tóc bạc phơ, gương mặt phúc hậu, cẳng chân gầy guộc bó chặt trong những dải xà cạp bằng vải trắng. Cả hai người hoạ hoằn lắm mới thốt một hai lời nhưng chăm chú lắng nghe.
Trước hết, Nekhliudov nói rõ quan điểm của mình về quyền sở hữu ruộng đất:
– Theo ý tôi, – chàng nói, – thì người ta không ai có quyền bán; quyền mua ruộng đất, bởi vì chừng nào còn có thể làm được điều đó, thì những người có tiền của sẽ tậu hết ruộng đất, và như vậy họ sẽ bức được những ai không có ruộng đất mà muốn được quyền cày cấy phải nộp trả tiền mới được đứng trên mảnh đất – chàng dùng luận chứng của Spencer nói thêm.
– Chỉ còn có cách chắp cánh vào mà bay đi thôi, – ông già râu bạc có cặp mắt ranh mãnh ngắt lời.
– Đúng thế đấy, – người có cái mũi dài và giọng trầm nói.
– Hoàn toàn đúng! – Anh cựu binh nói.
– Một người đàn bà cắt một ít cỏ cho con bò cái cũng bị người bị người ta tóm ngay bỏ tù, – ông lão thọt chân nói.
– Ruộng nương của chúng tôi ở cách xa làng hơn năm dặm, còn thuê thêm thì đừng có hòng; họ đòi giá cao quá đến nỗi chẳng bao giờ chúng tôi gỡ lại đủ vốn. Người ta vắt kiệt sức chúng tôi như đánh thừng đánh chão không bằng tệ hơn cả chế độ tô lao dịch.
– Tôi cũng nghĩ như các người, – Nekhliudov nói, – và tôi coi việc chiếm hữu ruộng đất là một tội ác. Bởi vậy, tôi muốn đem nó trao lại cho các người.
– Được đấy! Việc đó hay đấy! – ông cụ có chòm râu dài như râu tượng Môidơ nói; rõ ràng cụ tưởng Nekhliudov muốn đem cho thuê đất.
– Tôi về đây là vì việc đó, tôi không muốn có ruộng đất nữa, có điều là cũng phải nghĩ xem dứt khoát bỏ ruộng đất bằng cách nào cho thoả đáng.
– Ngài cứ việc đem nó cho nông dân chúng tôi thế là xong! – ông lão móm hay cáu kỷnh nói.
Nghe những lời đó, thoạt tiên Nekhliudov hơi bối rối vì chàng cảm thấy trong đó có sự ngờ vực những ý định chân thành của mình, nhưng chàng trấn tĩnh được ngay và lợi dụng ngay điều nhận xét để nói hết những gì cần phải nói.
– Tôi sung sướng được đem cho ruộng đất đi, nhưng cho ai và cho như thế nào? – Chàng nói tiếp, – cho người nông dân nào? Tại sao lại cho nông dân xã ta mà lại không cho nông dân xã Deminxkoie (một làng bên cạnh, ruộng chỉ có một khoảnh xơ xác).
Mọi người im lặng, chỉ có một mình anh cựu binh nói:
– Hoàn toàn đúng.
– Nầy! – Nekhliudov nói tiếp, – các người hãy cho tôi biết: nếu Sa hoàng ra lệnh lấy lại đất đai của địa chủ và đem chia cho nông dân thì các người sẽ làm thế nào?
– Có tin đồn thế à? – Vẫn ông già ấy hỏi.
– Không. Sa hoàng không có lệnh gì cả, đó là tôi ví dụ thế thôi: giả sử Sa hoàng ra lệnh lấy lại ruộng đất của địa chủ và đem chia cho nông dân thì các người sẽ làm thế nào?
– Chúng tôi sẽ làm thế nào ư? Chúng tôi sẽ chia đều cho tất cả mọi người, nông dân cũng như trang chủ! – ông thợ xây bếp lò vừa nói, vừa nhíu đôi lông mày lại.
– Còn có cách nào khác nữa?
– Chúng tôi sẽ chia đều cho tất cả mọi người, – ông già có bộ mặt phúc hậu phụ hoạ thêm.
Tất cả đều cho cách giải quyết đó là thoả đáng và tán thành.
– Thế nào, chia đều cho tất cả mọi người ư? – Nekhliudov hỏi, – Chia cả cho những gia nhân đầy tớ trong các trang ấp nữa à?
– Chắc hẳn là không rồi, – anh cựu binh nói, cố tạo ra vẻ mặt khoai khoái.
Nhưng người nông dân cao lớn, vẻ mặt chín chắn lại không đồng ý với anh ta:
– Nếu chúng ta chia thì phải chia đều cho tất cả mọi người chứ, – bác ta cất giọng trầm trầm nói, sau một phút suy nghĩ.
– Cái đó không thể được. – Nekhliudov nói, chàng đã chuẩn bị sẵn từ trước lời phản đối. – Nếu chúng ta chia đều thì tất cả những người không lao động, không biết cày cấy các ông chủ, các gia nhân bồi bếp, các viên chức, thư ký hiệu buôn, tất cả những người ở tỉnh thành họ sẽ đem phần của họ bán cho nhà giàu và những người nầy lại chiếm lấy hết ruộng đất. Rồi những người sống bằng phần đất của mình lại sẽ sinh con đẻ cái, mà đất đai thì đã chia rồi. Thế là nhà giàu lại nắm được trong tay họ những kẻ cần phải có ruộng đất để sinh sống.
– Hoàn toàn đúng, – anh cựu binh vội vàng xác nhận.
– Phải cấm chỉ không cho bán ruộng đất, trừ những người tự tay mình cày cấy lấy thì không kể, – ông lão thợ xây bếp lò bực tức ngắt lời anh cựu binh.
Nhưng Nekhliudov vặn lại rằng không thể nào kiểm soát được để biết xem một người nào đó cày cho mình hay cày cho người khác.
Lúc đó, người nông dân cao lớn chín chắn đề nghị phải cày cấy chung.
– Chỉ có người nào đi cày người đó mới được chia, ai không cày thì không được, – bác ta nói, vẻ quyết liệt, giọng trầm trầm.
Để đối phó với chủ trương ấy, Nekhliudov cũng đã chuẩn bị sẵn những lý lẽ, chàng trả lời là trong trường hợp đó, tất cả mọi người đều phải có những chiếc cày như nhau, có ngựa như nhau và không ai được đi làm muộn hơn người khác, hoặc là cả ngựa nghẽo, cày cuốc, máy đập lúa và tất cả những súc vật nông cụ khác đều sẽ chung đụng hết. Muốn đi tới điều đó, trước hết mọi người phải thoả thuận với nhau đã.
– Không đời nào dân làng ta lại thoả thuận với nhau đâu! Sẽ xảy ra đánh nhau ngay, – ông già có chòm râu bạc và con mắt cười tinh ranh, nói. – Bọn đàn bà lại không móc mắt nhau ra ấy à?
– Và rồi ruộng đất tốt xấu khác nhau chia ra làm sao? – Nekhliudov nói. – Tại sao người nầy được đất đẹp màu mỡ, kẻ kia thì đất thó lẫn cát.
– Sẽ phải chia ra thành từng mảnh cùng một loại, – ông cụ thợ xây bếp lò nói.
Nekhliudov đáp lại rằng không phải chỉ là vấn đề phân chia ở trong một thôn xã, mà là phân chia ở khắp cả các tỉnh. Nếu đem ruộng đất cho không nông dân thì sao lại cho những người nầy ở chỗ đất tốt, những người kia chỗ đất xấu. Ai mà chả muốn được ruộng tốt.
– Hoàn toàn đúng, – anh cựu binh nói.
Những người khác im lặng.
– Các người thấy rõ đấy, nó không giản dị như ta tưởng đầu, – Nekhliudov đáp. – Và không phải chỉ riêng có chúng ta mới nghĩ đến vấn đề nầy. Có một người Mỹ tên là Georges đã nghĩ ra cách giải quyết như thế nầy, và tôi cũng đồng ý với ông ta.
– Ngài là chủ ruộng đất, ngài chỉ có việc cho nó đi. Ai làm gì được ngài? Ngài muốn thế nào thì tuỳ ý ngài? – ông già bẳn tính nói.
Bị ngắt lời, Nekhliudov bối rối, nhưng chàng rất hài lòng khi nhận thấy không phải chỉ riêng chàng mới thấy khó chịu về sự ngắt lời đó.
– Hãy khoan, ông Xemion, để cho ngài nói đã, – người nông dân chín chắn cất giọng trầm trầm nói.
Những lời nói khích lệ Nekhliudov, và chàng bắt đầu giải thích cho họ nghe về các dự kiến thuế “đơn nhất” theo Henry Georges.
– Ruộng đất không phải của riêng một ai. Nó là của Chúa – chàng bắt đầu nói.
– Đúng thế! Hoàn toàn đúng! – Mấy người lên tiếng công nhận.
Tất cả ruộng đất là của chung mọi người. Mỗi người chúng ta có quyền như nhau về ruộng đất, nhưng có ruộng tốt có ruộng xấu. Ai cũng muốn lấy ruộng tốt. Vậy làm thế nào cho công bằng? Nên làm thế nầy: người được ruộng tốt phải trả cho người không có ruộng một số tiền ngang với giá trị ruộng của mình. – Nekhliudov tự trả lời câu hỏi của mình. – Nhưng vì rằng thật khó mà xác định được xem ai phải trả tiền cho ai, thế mà đằng nào ta cũng phải thu một số tiền để chi vào những việc cần thiết của hàng xã, cho nên ta phải làm thế nầy: người được ruộng đóng cho xã một số tiền ngang với giá trị lô đất của mình. Như thế sẽ công bằng với tất cả mọi người.
– Anh muốn có ruộng à? Hãy trả một số tiền, ruộng tốt thì trả nhiều, ruộng xấu thì trả ít. Nếu anh không muốn có ruộng thì không trả gì cả, còn tiền đóng góp để chi tiêu các khoán của hàng xã thì những người có ruộng sẽ phải đóng cho anh.
– Đúng đấy! Ai có ruộng đất tốt sẽ trả nhiều hơn, – ông cụ thợ xây bếp lò vừa nổi vừa nhíu đôi lông mày lại.
– Cái anh chàng Georges nầy đầu óc ghê thật! – ông già tốt lão có bộ râu xoắn ốc nói.
– Miễn là tiền thuê đất phải nhè nhẹ vừa sức người thuê. – Người nông dân cao lớn có giọng trầm trầm nói, bác ta ra vẻ nhìn thấy trước được câu chuyện Nekhliudov sẽ đưa đến vấn đề gì.
– Tiền thuê phải tính thế nào cho không nặng quá, cũng không nhẹ quá… Nếu nặng quá, người ta sẽ khó mà trả được và sẽ lỗ vốn; nếu nhẹ quá, sẽ sinh ra chuyện tậu ruộng lẫn nhau, sẽ có chuyện buôn bán đất. Đó, cái mà tôi muốn thiết lập ở làng ta là như thế.
– Công trình hợp lý và đúng đấy. Được Hay lắm. – Mọi người cùng nói.
– Đầu óc ghê thật! – ông già râu xoắn ốc nhắc lại.
– Cái anh chàng Georges nầy: Điều anh nghĩ ra thật là thần tình.
– Thế nếu tôi cũng muốn được ruộng đất thì sao? – Viên quản lý mỉm cười nói.
Nếu có mảnh đất nào chưa ai làm thì anh lấy mà cày cấy? – Nekhliudov trả lời.
– Anh cần gì ruộng đất? Cứ thế nầy anh đã no nê chán ra rồi? – ông già có đôi mắt cười ranh mãnh nói.
Đến đó, cuộc thảo luận kết thúc.
Nekhliudov nhắc lại một lần cuối cùng ý kiến của mình nhưng không yêu cầu họ trả lời ngay. Chàng khuyên họ bàn bạc với dân làng rồi sau hãy trả lời cho chàng biết.
Những người nông dân đáp họ sẽ bàn bạc với dân làng và sẽ trả lời.
Họ chào rồi ra về, rất phấn khởi tiếng nói vang suốt dọc đường. Mãi đến đêm, tiếng cười ròn rộn rã, vang dội từ trong làng ra đến ngoài sông.
Ngày hôm sau, nông dân không đi làm họ ở nhà bàn bạc về lời đề nghị của chủ trang ấp. Dân làng chia ra làm hai phe: một phe cho rằng đề nghị của chủ trang áp là có lợi, chấp nhận cũng không hại gì, phe kia thì thấy trong đó có một âm mưu lừa lọc gì họ không nắm được thực chất nên nghi ngại.
Tuy nhiên, đến ngày thứ ba thì tất cả mọi người đều thuận tình chấp nhận và đến báo cáo cho Nekhliudov biết quyết định của cả làng. Có sự thoả thuận nầy là phần lớn nhờ ý kiến của một bà cụ nói về hành động của chủ trang ấp được các người già cả đồng tình; ý kiến nầy đã làm tiêu tan tất cả những nỗi lo ngại về âm mưu lừa lọc: Bà cụ cho rằng chủ trang ấp đã bắt đầu lo lắng đến phần hồn và sở dĩ làm như vậy là để cứu vớt linh hồn anh ta. Lời giải thích đã được chứng thực bằng việc Nekhliudov khi tới Panovo đã bỏ ra những món tiền lớn để bố thí cho người nghèo khó. Lần đầu tiên ở đây chàng nhận thấy tất cả nỗi cùng khổ cơ cực của đời sống nông dân, tình trạng khổ cực nầy đã khiến chàng rất đỗi kinh ngạc và xúc động, nó đã thôi thúc chàng đem tiền ra bố thí. Tuy biết rằng là làm như vậy là không hợp lý, chàng vẫn không thể không đem phân phát tất cả số tiền lớn đang có trong tay, tiền bán khu rừng ở Kuzminxkoie từ năm trước mới thu được và tiền người ta đặt trước để mua lại nông cụ.
Được tin ông chủ trang ấp cho tiền những ai đến hỏi xin, rất đông người nghèo khổ, phần lớn là phụ nữ, từ khắp miền chạy tới xin giúp đỡ. Thực ra chàng không biết đói xử với họ như thế nào. Căn cứ vào đâu để biết cho ai và cho bao nhiêu là phải. Chàng cảm thấy không thể không đem số tiền rất lớn có trong tay để cứu giúp những người đến xin, những người nầy coi bộ nghèo khổ thật. Mà phân phát bừa đi cho bất cứ ai đến hỏi thì cũng không có nghĩa gì cả. Chỉ còn mỗi một cách thoát khỏi tình thế đó là đi khỏi chỗ nầy. Và chàng vội vã làm ngay thế.
Ngày cuối cùng ở Panovo, Nekhliudov điểm lại những đồ vật còn lại trong ngôi nhà cũ. Trong ngăn kéo dưới cùng của một chiếc tủ nhỏ dùng để đựng đồ vặt vãnh, bằng gỗ đào hoa tâm, thân tủ phình ra đằng trước, có điểm những hình đầu sư tử, mõm ngậm vòng đồng, chàng tìm thấy trong một tập thư có tấm ảnh chàng vận bộ y phục sinh viên chụp chung với Sofia Ivanovna, bà Maria Ivanovna và Katiusa thanh tân yểu điệu say đắm yêu đời. Trong số tất cả các đồ vật, chàng chỉ lấy có tập thư có chiếc ảnh đó. Còn tất cả chàng nhường lại cho người xay bột và nhờ có lời yêu cầu khẩn khoản của viên quản lý người nầy chỉ phải trả một số tiền bằng một phần mười thực giá.
Giờ đây, nhớ lại những cảm giác luyến tiếc tài sản của mình khi ở Kuzminxkoie, Nekhliudov lấy làm ngạc nhiên sao mình lại có những cảm nghĩ như thế được. Giờ đây chàng thấy vui sướng vô hạn vì được giải thoát, được sống một cuộc sống mới, giống như niềm vui của người khách du lịch khi phát hiện ra được một vùng đất mới.
Chú thích:
(1) Michel Ange (1475-1516), danh hoạ người Ý, đồng thời là nhà điêu khắc, nhà kiến trúc sư kiệt xuất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.