Cuối cùng Matvey Nikitich đến. Và viên mõ toà, một người gầy gò, cổ ngẳng, dáng đi lệch về một phía, môi dưới cũng trề sang một bên, bước vào phòng bồi thẩm.
Anh chàng mõ toà vốn là người trung thực, đã học đại học, nhưng làm ở đâu cũng bị đuổi vì tính hay rượu chè Ba tháng trước đây, một bà hầu tước đỡ đầu cho vợ của anh ta, bảo đảm kiếm việc cho anh ta vào làm mõ toà ở đây. Chân nầy cho tới nay, anh ta vẫn giữ được và lấy thế làm mừng.
– Thưa các vị, tất cả các vị đều có mặt đầy đủ cả rồi chứ ạ? – Anh ta vừa hỏi vừa đeo đôi mục kỷnh lên nhìn các viên bồi thẩm.
– Có lẽ đủ cả rồi chứ còn gì? – Nhà thương gia vui tính đáp.
– Xin điểm lại xem, – viên mõ toà nói.
Anh ta rút trong túi áo ra bản danh sách, đọc tên các bồi thẩm và nhìn lần lượt từng người qua cặp mục kỷnh, hoặc nhìn ngước trên mắt kính.
– Cố vấn quốc gia I.M. Nikiforov.
– Tôi đây! – Con người có mẽ oai vệ, sính biết các vụ án trả lời.
– Đại tá hưu trí Ivan Xemenovich Ivanov.
– Có! – Một người gầy gò, mặc binh phục, đáp.
– Thương gia “ghin” thứ hai Piotr Bakhlasov.
– Có mặt ạ? – Nhà thương gia phúc hậu nói miệng cười hớn hở. – Chúng tôi đã sẵn sàng.
– Trung uý thị vệ, công tước Dmitri Nekhliuzov.
– Là tôi, – Nekhliuzov đáp.
Mõ toà ngước trên mục kỷnh, nghiêng mình thật là cung kính, ân cần, dường như để phân biệt Nekhliuzov với các người khác.
– Đại uý Yuri Dmitrievich, thương gia Grigori Efimovich Kulesov, vân vân… vân vân.
Trừ hai người, còn tất cả đều có mặt.
– Và bây giờ, thưa các vị, – viên mõ toà nói, vừa giơ tay ân cần về phía cửa. – Xin mời các vị quá bộ sang phòng xử án.
Phòng nầy là một gian nhà lớn và dài, ở một đầu kê một bục cao có ba bậc. Giữa bục kê một cái bàn phủ thảm xanh, quanh diềm có tua cũng màu xanh nhưng thẫm màu hơn; sau bàn có ba chiếc ghế bành, lưng cao bằng gỗ sồi, có trạm trổ. Trên tường, đằng sau ba chiếc ghế, có treo một bức chân dung màu sắc rực rỡ, khung thếp vàng; đó là chân dung toàn thân Hoàng đế vận binh phục, đeo chéo trên mình bằng huân chương, một chân đứng choãi, tay tì lên đốc kiếm. Trong góc bên phải có treo một khung ảnh chúa Jesus, đầu đội vòng gai, ở dưới là một chiếc bàn đọc kinh; rồi cũng ở phía bên phải là chiếc bàn cao của Chưởng lý. Đối diện với chiếc bàn đó, ở bên trái là bàn viên lục sự, kê thụt vào trong; còn phía trước gần chỗ công chúng ngồi là chiếc ghế dài cho các bị cáo ngồi, lúc nầy chiếc ghế còn bỏ trống, – có một hàng chấn song con tiện bằng gỗ sồi ngăn hẳn ra. Phía bên phải phòng, cũng kê trên bục, là hai dãy ghế có lưng tựa cao, dành cho các bồi thẩm, và ở bên dưới gần ngay đó, là bàn các luật sư.
Toàn bộ khoảng ở phần trước của gian phòng được ngăn hẳn ra bằng một thanh lan can. Còn phần sau là những dãy ghế dài kê thành bậc tiếp nhau cao dần mãi lên cho tới sát bức tường cuối phòng. Trên mấy dãy ghế đầu có bốn người đàn bà và hai người đàn ông đang ngồi: mấy người đàn bà trông có vẻ là công nhân hay người đi ở; còn hai người đàn ông có vẻ là dân thợ.
Trước vẻ lộng lẫy, oai nghiêm của gian phòng, chắc họ thấy choáng người, nên chỉ e dè nói khẽ với nhau.
Khi các bồi thẩm đã vào phòng xử, viên mõ toà có đáng đi lệch về một bên liền tiến ra giữa phòng, hô to như muốn làm cử toạ phải kinh hoàng:
– Toà thăng đường!
Mọi người đều đứng dậy, các quan toà bước lên bục.
Đi đầu là viên chánh án, bắp tay nở nang, hai chòm râu tốt mượt; rồi đến viên thẩm phán đăm chiêu sầu khổ, đeo kính gọng vàng, giờ đây, lại càng có vẻ sầu khổ hơn vì đúng lúc bước vào phòng họp, lão gặp người em vợ hiện đang tập sự trong ngành tư pháp. Cậu em vừa mới gặp bà chị cho biết sẽ không có cơm chiều.
– Chúng ta đành phải đi ăn hiệu thôi, – người em vợ vừa nói vừa cười.
– Thế thì còn gì mà cậu cười? – Viên thẩm phán nói, vẻ càng thêm sầu khổ.
Sau cùng là viên thẩm phán thứ ba, chính lão Matvey Nikitich, con người suốt đời đến chậm. Lão có bộ râu rậm, cặp mắt to hiền từ, đuôi mắt cụp xuống hai bên.
Lão bị bệnh đau dạ dày và chính buổi sáng hôm đó, bác sĩ đã bắt lão phải chữa theo cách mới, vì vậy, lão buộc phải nán lại ở nhà lâu nên càng đến chậm hơn mọi khi.
Lúc nầy, lão bước lên với vẻ đặc biệt tư lự vì lão có tính lẩn thẩn hay tìm những cách hết sức kỳ khôi để giải đáp những vấn đề lão tự đặt ra. Lần nầy, lão tự nhủ rằng nếu đi từ phòng giấy đến ghế ngồi mà số bước chân chia chẵn cho ba thì lão sẽ khỏi bệnh đau dạ dày bằng cách chữa mới; nếu không thì sẽ vô hiệu. Nhưng vì chỉ có hai mươi sáu bước thôi cho nên đến bước cuối cùng, lão ăn gian bước thêm một bước ngắn nữa và thế là được hai mươi bảy bước khi tới ghế.
Lão chánh án cùng hai viên thẩm phán bước trên bục cao trong bộ đồng phục, cổ thêu kim tuyến, trông thật oai vệ. Chính họ cũng biết thế và cũng thấy ngượng về địa vị cao cả của mình nên cả ba vội vã đưa mắt nhìn xuống, vẻ khiêm tốn, và ngồi vào mấy chiếc thế bành chạm trổ, sau chiếc bàn phủ thảm xanh, trên bàn có bày một vật hình tam giác đội một con phượng hoàng, mấy chiếc bình thuỷ tinh giống như những bình đựng kẹo thường thấy ở các hiệu bán thực phẩm, một lọ mực, vài ngòi bút, mấy thếp giấy trắng tinh và một số bút chì mới gọt đủ các loại dài ngắn khác nhau.
Phó chưởng lý vào cùng một lúc với các quan toà.
Bước đi vẫn vội vã, tay vẫn vung mạnh, cái cặp da kẹp dưới nách, hắn tiến đến chỗ hắn ở gần cửa sổ. Vừa ngồi xuống, không bỏ phí một phút hắn cắm đầu vào đọc ngay hồ sơ vụ án để chuẩn bị lời buộc tội. Hắn ngồi ghế chưởng lý lần nầy mới là lần thứ tư. Vốn nhiều tham vọng, hắn rắp tâm quyết làm nên công danh sự nghiệp; vì thế hắn cho rằng đã đúng vào vụ nào thì phải có kết tội mới được.
Về vụ đầu độc hắn đã biết những nét đại cương, hắn đã dựng được một khung dàn ý cho lời buộc tội, chỉ còn cần một số chi tiết nữa; và chính lúc nầy, hắn đang vội vã trích lấy các chi tiết đó trong tập hồ sơ.
Còn viên lục sự ngồi ở đầu bục bên kia, sau khi đã sắp đặt sẵn sàng các giấy tờ có thể phải đem đọc, anh ta xem lướt qua một bài báo cấm, mới nhận được và đã đọc chiều hôm qua. Anh ta định sẽ trao đổi với lão thẩm phán rậm râu là người cùng chính kiến, nên muốn xem kỹ lại bài báo trước khi trao đổi.