Nekhliudov có ba việc phải làm ở Petersburg: đệ đơn kháng án của Maxlova lên Khu mật viện, đệ sớ thỉnh nguyện của Fedoxia Biriukov lên Ban Khiếu tố, và đến sở Hiến binh xin trả tự do cho Suxtova và xin cho một bà mẹ được phép vào thăm con trai, bị giam ở pháo đài, theo lời yêu cầu của Bogodukhovxkaia. Đối với chàng hai việc sau nầy chỉ là một. Còn vụ thứ tư là những tín đồ tông phái bị bức phải lìa bỏ gia đình đày đi Kapkaz vì đã đọc và bình luận kinh Phúc âm. Nekhliudov tự hứa với mình nhiều hơn là với họ, sẽ hết sức làm sáng tỏ vụ nầy.
Từ sau buổi đến thăm Maxlenikov lần cuối cùng, và nhất là từ sau lần về thăm nông thôn, Nekhliudov tuy chưa quyết định hẳn ra sao, nhưng chàng đã cảm thấy ghê tởm hết sức cái xã hội mà chàng sống cho tới ngày nay, cái xã hội đã che đậy kín đáo tất cả nỗi khổ đau mà hàng triệu con người phải chịu đựng để đảm bảo cho một thiểu số sống an nhàn, sung sướng, cái xã hội con người không thấy và không thể nào thấy được những nỗi khổ đó cũng như tính chất tàn bạo và tội lỗi của cuộc sống bản thân họ. Từ nay chàng không thể giao dịch, tới lui với những con người trong cái xã hội đó mà không thấy ngượng, không thấy phải tự trách mình được. Tuy vậy, những thói cũ, những quan hệ bằng hữu, họ hàng, và nhất là ý thức thực hiện điều mà chàng đang quan tâm nhất lúc bấy giờ là giúp đỡ Maxlova, giúp đỡ tất cả những người bất hạnh kia, chàng phải cầu cạnh sự che chở và giúp đỡ của những kẻ chẳng những chàng không: thấy kính trọng mà còn thấy đáng giận và đáng khinh.
Lúc đến Petersburg, Nekhliudov lại ở nhà bà bá tước dì chàng, vợ viên cựu bộ trưởng Tsacky. Chàng bỗng thấy mình lại rơi vào giữa cái xã hội thượng lưu giờ đây trở nên xa lạ đối với chàng. Tuy rất khó chịu, nhưng chàng không thể làm khác được. Không đến ở nhà bà dì mà ở khách sạn thì bà ta sẽ mếch lòng, nhất là bà ta lại có nhiều người quen thuộc trong hàng ngũ các quan to, do đó sẽ có thể giúp đỡ rất nhiều cho tất cả những công việc vận động của chàng.
– Nầy, người ta đồn đại về anh nhiều lắm đấy? Đủ thứ chuyện kỳ lạ? – Nữ bá tước Katerina Ivanovna hỏi ngay và bảo dọn cà phê cho Nekhliudov khi chàng vừa bước chân đến. – Anh đóng một vai Howard(1) cứu giúp người tù tội lui tới các trại giam sửa chữa những việc sai trái đấy ư?
– Có đâu ạ cháu không hề nghĩ tới thế.
– Sao? Việc đó tốt chứ! Chỉ có điều, hình như trong đó còn có một chuyện lãng mạn gì nữa. Nào, hãy kể cho dì nghe đi.
Nekhliudov kể tất cả sự thật về mối tình dan díu của chàng với Maxlova.
– Ờ, ờ, dì nhớ? Bà Elena, mẹ anh, lúc còn sống có nói cho dì biết về chuyện ấy, lúc anh còn đang ở đằng nhà các bà cô anh; có phải các bà ấy muốn gả cô con gái nuôi của họ cho anh không? (Nữ bá tước Katerina Ivanovna vẫn khinh rẻ các bà cô của Nekhliudov). Vậy là về chuyện cô gái ấy đấy phải không? Con bé vẫn xinh đẹp chứ?
Nữ bá tước Katerina Ivanovna đã sáu mươi tuổi, một con người đầy sinh lực, vui tính, cương nghị và hay nói; người bà cao lớn, to béo, môi trên điểm một hàng ria đen sẫm. Nekhliudov rất quý mến bà ngay từ hồi còn thơ ấu, chàng đã thích tiêm nhiễm được cái tính tình cương nghị và vui vẻ của bà.
– Không phải đâu, dì ạ, tất cả chuyện đó đã qua rồi. Giờ đây, cháu chỉ muốn giúp đỡ cô ấy thôi, trước hết là vì cô ấy đã bị kết tội oan, mà cái đó là đó lỗi ở cháu, cũng như tất cả số phận của cô ấy cũng do lỗi tại cháu mà ra. Cháu thấy có nghĩa vụ phải làm tất cả những điều có thể làm được đệ giúp đỡ cô ấy mà.
– Nhưng dì nghe thấy người ta nói anh định lấy nó cơ đấy?
– Vâng, cháu muốn lấy, nhưng cô ta từ chối.
Trán nhô ra phía trước, cặp mắt nhìn xuống, bà Katerina Ivanovna nín lặng nhìn cháu, kinh ngạc. Thốt nhiên vẻ mặt bà tươi hẳn lên.
Nầy thế là nó khôn ngoan hơn anh đấy! Chà! Anh thật là thằng ngốc! Thế anh đã định lấy nó thật à?
– Vâng, đương nhiên là phải thế à.
– Sau khi nó đã bị như thế rồi, anh vẫn định cứ lấy nó à?
– Lại càng phải lấy chứ ạ! Chẳng phải chính cháu là kẻ đã gây ra tất cả nông nỗi ấy cho cô ta hay sao?
– Không, anh ơi, anh chỉ là một thằng ngốc, – bà vừa nói vừa cố nhịn không mỉm cười, – một thằng ngốc kinh khủng, nhưng chính vì thế mà ta mến anh, chính vì anh là thằng ngốc kinh khủng, – bà ta nhắc lại, vẻ thích thú hiện rõ ra mặt, vì đã tìm được một danh từ, đối với bà, diễn tả được thật đầy đủ cái trạng thái tinh thẩn và đạo đức của đứa cháu bà. – Thôi, nầy anh, thật là may, và việc đó đến vừa đúng lúc. – Bà nói tiếp. – Bà Alin mở một nhà thật tuyệt cho các cô Madeleine(2). Dì có đến đó một lần. Bọn chúng thật tởm quá. Về nhà, dì phải tắm gội kỳ cọ khắp người không biết bao nhiêu lượt. Nhưng Alin thì dốc cả thể xác lẫn tâm hồn vào công việc ấy. Ta sẽ giao con bé của cháu cho cô ta. Nếu có một người làm nó trở thành người lương thiện được thì người đó chính là Alin.
– Nhưng cô ấy bị kết án khổ sai. Cháu đến đây cũng chỉ cốt vận động phá được cái án đó thôi. Đây là việc thứ nhất xin phiền dì giúp cho?
– À ra thế. Thế hồ sơ của nó ở đâu?
– Ở Khu mật viện ạ.
– Ở Khu mật viện? Dì có người em họ thân là Levusca ở Khu mật viện, nhưng nó ở trong cái phân ban của bọn vô tích sự, cái bọn chuyên trách về huân chương còn những ngài Khu mật thực sự là Khu mật, dì chẳng quen ai cả. Người ta chỉ thấy những người ở đâu đâu; có những người Đức: Ghê, Phê, Đê… tất cả một bảng chữ cái, hay là đủ những thứ Ivanov, Ximonov, Nikitin, hoặc để thay đổi cho khỏi đơn điệu thì có những Ivanenko, Ximonenko, Nikitenko… Những con người ở một giới khác hẳn. Nhưng thôi có hề chi điều đó? Dì sẽ nói với ông chú, ông ấy có quen biết, ông ấy thì quen đủ hạng người. Dì sẽ nói với ông ấy. Còn cháu sẽ trình bày sự việc, vì ông ấy không bao giờ hiểu dì cả bất cứ dì nói điều gì, ông ấy cũng bảo là không hiểu đấy là do thành kiến. Dì thì ai cũng hiểu, chỉ trừ có ông ấy.
Đúng lúc đó, một người hầu mặc quấn nịt bưng vào một khay bạc trên có một lá thư.
– Nầy đây, một lá thư của Alin. Như vậy anh có dịp nghe cả Kizvete nói chuyện.
– Kizvete là ai ạ?
– Kizvete à? Chiều nay anh lại đây, anh sẽ biết Kizvete là ai. Ông ấy nói hay đến nỗi bọn phạm nhân chai đá nhất cũng quỳ xuống khóc và ăn năn hối lỗi.
Nữ bá tước Katerina Ivanovna là một tín đồ nhiệt thành của học thuyết coi tinh tuý của đạo Cơ đốc là ở đức tin vào sự chuộc tội, tuy rằng điều đó xem ra thật là kỳ quái và không phù hợp mấy với tính tình của bà. Bà hay đi dự các cuộc họp truyền bá học thuyết ấy, rất thịnh hành thời bấy giờ, và cũng hay hội họp “thiện nam tín nữ” tại chính nhà bà.Tuy rằng theo học thuyết đó thì không phải bỏ tất cả các nghi thức lễ bái, các thần thượng mà còn bỏ cả các lễ ban phước nữa, vậy mà ở tất cả các phong nhà bà: và ngay cả trên đầu giường bà cũng vẫn có treo thần tượng; và bà giũ trọn tất cả những điều răn của nhà thờ mà không hề thấy mâu thuẫn trong việc làm của mình…
– Nếu cô Madeleine nhà anh mà được nghe ông ta nói chuyện, thì nó sẽ thay đổi ngay cho mà xem. Còn anh thì chiều nay thế nào cũng đến nhé. Anh sẽ được nghe ông ta nói. Thật là một con người phi thường.
– Những chuyện đó cháu không thích, dì ạ.
– Dì thì bảo là anh sẽ thích. Thế nào anh cũng phải đến đây. Thế ngoài ra, anh còn muốn dì giúp anh việc gì nữa nào, hãy nói hết cả đi?
– Cháu còn một việc về một người bị phạt giam trong pháo đài.
– Trong pháo đài à? Việc ấy dì có thể viết một câu giới thiệu cháu với nam tước Krichxmut. Ông ấy là một người trung hậu. À mà chính cháu cũng quen mà. Trước kia ông ấy là bạn của cha cháu đấy. Ông ta mê thuật chiêu hồn lắm đấy. Cái đó không hề gì, ông ấy là người tốt. Anh có việc gì ở đó?
– Cháu muốn xin phép cho một bà cụ được vào thăm con trai bị giam ở đó. Nhưng người ta bảo với cháu là ông Krichxmut không có quyền cho phép mà ông Secvianxky!
– Secvianxky? Dì không ưa cái lão nầy, nhưng lão ta là chồng cô Mariet. Có thể nhờ cô ấy được. Thế nào cô ấy cũng giúp dì. Cô ấy tử tế lắm.
– Cháu còn muốn xin cho một người phụ nữ đã bị giam từ bao nhiêu tháng nay rồi mà không biết lý do vì sao cả.
– Không phải thế đâu, bản thân họ biết rõ tại sao họ bị giam chứ! Chúng nó biết rõ lắm. Những con tóc ngắn ấy đáng kiếp lắm.
– Họ có đáng kiếp hay không, cái đó chưa biết. Nhưng họ đang đau khổ. Dì là người theo đạo Cơ đốc và tin kinh Phúc âm thế mà dì lại tỏ ra không có chút từ tâm nào.
– Hai cái đó không liên quan gì đến nhau, kinh Phúc âm là kinh Phúc âm, còn cái đáng ghê tởm vẫn đáng ghê tởm. Nếu dì vờ yêu thương những quân theo chủ nghĩa hư vô, nhất là những quân theo chủ nghĩa hư vô lại cắt tóc ngắn, trong khi dì không thể chịu được chúng thì còn tệ hơn nữa.
– Thế tại sao dì lại không thể chịu được họ?
– Sau chuyện xảy ra ngày mồng một tháng Ba(3), anh còn hỏi dì tại sao à?
– Nhưng không phải tất cả họ đều đã tham gia vào vụ mồng một tháng Ba.
– Mặc! Tại sao chúng nó lại dúng tay vào những việc không phải của chúng. Những chuyện đó không phải là của đàn bà.
– Nhưng như Mariet chẳng hạn thì dì lại thừa nhận là cô ấy có thể đảm đang được những việc nầy việc nọ? – Nekhliudov nói.
– Mariet? Mariet là Mariet. Còn bọn chúng thì có trời biết chúng là loại người gì; cái giống rởm đời ấy, chúng muốn lên mặt dạy đời.
– Không phải là dạy đời mà chỉ là giúp mọi người thôi.
– Không cần đến những ngữ ấy người ta mới biết được cần giúp ai và không cần giúp ai…
– Nhưng hiện nay nhân dân đang khổ cực? Cháu vừa ở nhà quê ra. Có nên để cho nông dân phải làm kiệt sức mà ăn chẳng đủ no, trong khi chúng ta sống một cách xa hoa ghê gớm như vậy? – Nekhliudov tiếp tục nói, thấy bà dì rộng lượng chàng dần dần thổ lộ hết những ý nghĩ của mình.
– Vậy anh muốn gì nào? Muốn tao nhịn đói mà làm chứ gì?
– Không, cháu không muốn dì phải nhịn đói, – Nekhliudov không nén được nụ cười – Cháu chỉ muốn người ta ai cũng làm và ai cũng có ăn.
Bà đi lại ngạc nhiên nhìn cháu, trán nhô ra phía trước, cặp mắt nhìn xuống.
– Anh ơi, đời anh rồi chẳng ra gì đâu?
– Tại sao ạ?
Vừa lúc đó, một người cao lớn vai rộng, bước vào trong phòng. Đó là tướng Tsacky, cựu bộ trưởng, chồng nữ bá tước.
– A! Dmitri, chào anh – ông ta vừa nói vừa chìa cái má mới cạo ra cho Nekhliudov hôn. – Anh đến từ bao giờ?
Và ông lặng lẽ ra hôn lên trán vợ.
– Đừng có tưởng, anh ấy ghê lắm nhá! – Nữ bá tước vừa nói vừa quay về phía chồng. – Anh ấy nhất định bắt tôi phải giặt giũ lấy quần áo và ăn khoai mà sống thôi. Thật là ngu kinh khủng.
– Ừ thật là kinh khủng. – Chồng bà trả lời.
– Thôi, ông đi mà nói chuyện với anh ấy, để tôi viết mấy bức thư.
Nekhliudov vừa bước sang phòng bên cạnh phòng khách, thì bà dì đã hỏi sang:
– Thế có phải viết thư cho cô Mariet không?
– Vâng, xin dì viết cho.
– Vậy dì sẽ để trống, tuỳ anh muốn nói gì về con tóc ngắn thì điền vào đấy, để cô ấy ra lệnh cho chồng phải làm: ông ta sẽ làm thôi. Đừng có cho dì là độc ác nhé; tất cả cái lũ được cháu bênh vực ấy đều đáng ghét lắm, nhưng dì cũng không muốn làm hại gì chúng cả. Lạy Chúa, hãy ban phước lành cho chúng. Thôi, bây giờ cháu đi đi, nhưng chiều nay nhớ phải đến, thế nào cũng phải đến đấy. Anh sẽ nghe Kizvete và dì cháu mình sẽ cùng cầu kinh. Chỉ cần cháu đừng cưỡng lại là bổ ích cho cháu rất nhiều. Dì biết lắm, bà Elena và anh vẫn rất lạc hậu về các vấn đề nầy. Thôi, tạm biệt!
Chú thích:
(1) Howard John Howard (1726-1790), một nhà từ thiện người Anh đấu tranh cho sự giảm nhẹ chế độ lao tù
(2) Saint Marie Madeleine, một phụ nữ có tội đã được Chúa Jesus cảm hoá, cải tà quy chính (Theo kinh thánh)
(3) Ngày 1 tháng Ba là ngày Nga hoàng Alekxandr II bị giết. Vua nầy đã bị Uỷ ban Đảng “Tự do nhân dân” lên án tử hình (Theo chú thích của bản dịch Pháp văn của Edourad Bcaux)