Phục Sinh

CHƯƠNG 74



Bá tước cựu bộ trưởng Ivan Mikhailovich là một người có niềm tin sắt đá.
Từ hồi niên thiếu, lão đã tin rằng nếu bản tính trời sinh ra là chim ăn sâu, thân nó có lông vũ và nó biết bay lượn trên trời, thì lão cũng thế, bản tính trời sinh ra lão là ăn những món ăn ngon nhất do đầu bếp lương cao nhất nấu, là mặc quần áo lịch sự nhất và thích hợp nhất, là cưỡi những con ngựa chạy nhanh nhất và chắc chắn nhất, và những cái đó nhất thiết lúc nào lão cần đến đều phải có ngay. Ngoài ra, lão còn cho rằng lão càng lĩnh được nhiều tiền bao nhiêu ở Ngân khố nhà nước, càng đeo nhiều huân chương (kể cả huy hiệu mặt đá nữa), càng hay gặp gỡ chuyện trò bao nhiêu với những nhân vật cao sang thuộc cả hai giới nam nữ, thì lại càng tốt cho lão bấy nhiêu. So với những điều tin cơ bản đó của lão tất cả những cái khác đều vô nghĩa và không đáng kể. Dẫu rằng những cái khác đó như thế nào đi chăng nữa, lão vẫn hoàn toàn dửng dưng. Suốt bốn mươi năm trời ở Petersburg, Ivan Mikhailovich đã sống và hành động theo đúng niềm tin đó, và tới đoạn cuối cùng của quãng thời gian bốn mươi năm ấy, lão đã ngoi lên được tới chiếc ghế bộ trưởng.
Những đức tính chủ yếu đã đưa lão lên tới địa vị đó là: thứ nhất, lão hiểu được ý nghĩa của các công văn, những điều luật và cũng thảo được, tuy lời văn còn lủng củng những văn kiện dễ, không phạm lỗi chính tả; thứ hai, nom lão đặc biệt bệ vệ và, tuỳ trường hợp, lão có thể tỏ ra không những kiêu hãnh mà còn có vẻ cao xa, vĩ đại khó mà đến gần được, hoặc tỏ ra khúm núm xun xoe (tới mức hèn hạ, vô liêm sỉ); thứ ba, bất chấp mọi nguyên lý và quy tắc chung, cả về mặt đạo đức cá nhân cũng như về mặt chính quyền, sở dĩ như vậy là để có thể tuỳ lúc, tuỳ việc cần thiết mà tán thành hay phản đối bất cứ ai.
Khi hành động như vậy, lão hết sức chú ý giữ thể diện và tránh, trong lời ăn tiếng nói, những điều tự mâu thuẫn với mình một cách quá rõ rệt, còn về những việc làm của lão, dù bản thân nó có trái với luân thường đạo lý hay không, hoặc hậu quả của những việc làm đó có đem lại cho toàn thể nước Nga hay toàn thể nhân loại một hạnh phúc cực kỳ to lớn hay một tai hoạ cực kỳ ghê gớm thì lão cũng chẳng cần biết đến.
Khi lão được cử giữ chức bộ trưởng, không phải chỉ cái số đông những nhân viên tuỳ thuộc, những bộ hạ hoặc những người thân cận của lão, mà tất cả mọi người nói chung, và chính bản thân lão nữa, đều yên trí tin rằng lão là một chính khách rất sáng suốt. Nhưng sau một thời gian, thấy lảo chẳng xây dựng được cái gì, chẳng thi thố được điều gì, và theo quy luật đấu tranh sinh tồn, khi những viên chức khác cũng có khả năng thạo và hiểu được những công văn giấy tờ như lão, cũng oai vệ và cũng sống vô nguyên tắc như lão, đã cài bẫy gạt được lão ra khỏi cái ghế bộ trưởng, và lão phải về hưu thì mọi người thấy rõ rằng không những lão ta chẳng phải là người đặc biệt sáng suốt, uyên thâm gì, mà chỉ là người rất thiển cận, học thức ít ỏi, tuy có rất nhiều tự tin; những kiến thức của lão không vượt quá những bài xã luận của mấy tờ báo bảo thủ tầm thường nhất. Bấy giờ người ta mới thấy là lão chẳng có gì khác với những viên chức cũng ít học và nhiều tự tin khác tranh chân của lão. Và chính lão cũng hiểu rõ thế. Nhưng cái đó không hề lay chuyển được mảy may niềm tin của lão về việc hàng năm phải lĩnh những món tiền kếch sù của công quỹ và những tấm huân chương mới để tô điểm cho bộ lễ phục. Niềm tin đó của lão mãnh liệt đến nỗi không ai dám có can đảm chối lão điều gì. Mỗi năm lão lĩnh hàng mấy vạn “rúp” vừa tiền hưu bổng, vừa tiền phụ cấp làm uỷ viên những cơ quan tối cao của nhà nước và chủ tịch nhiều uỷ ban, hội đồng, và ngoài ra lão còn được cái quyền – mà lão coi là rất quý – hàng năm; đính những cấp hiệu kim tuyến mới lên cầu vai, lên nẹp quần, và cái quyền đeo lên ngực bộ lễ phục, những tấm bội tinh, những huy chương tráng men. Vì thế cho nên bá tước Ivan Mikhailovich có những quan hệ rất là rộng rãi.
Lão nghe Nekhliudov nói với cái vẻ như xưa kia lão nghe các bản báo cáo công việc của những viên trưởng phòng và để kết luận, lão nói, sẽ viết cho chàng hai lá thư giới thiệu: một lá gửi cho ông nghị Von, trong phán ban phá án.
Lão nói:
– Về ông nầy, người ta đơn đại nhiều chuyện lắm đấy nhưng dù sao, ông ta vẫn là người rất mực thước, ông ta chịu ơn chú và thế nào cũng hết sức giúp anh.
Lá thứ thứ hai gửi cho nhân vật có thế lực trong Ban Khiếu tố. Câu chuyện của Fedoxia Biriukov, qua lời Nekhliudov kể, có vẻ làm cho lão rất chú ý; và khi biết chàng định đệ sớ kêu lên Hoàng hậu, lão bảo quả là một việc rất thương tâm và có dịp, thế nào lão cũng tâu lên bề trên. Tuy nhiên, lão không thể hứa hẹn gì được. Cứ để cho họ tiến hành điều tra đi? Theo lão nghĩ, nếu có dịp, nếu lão được triệu tập đến họp với các vị cận thần trong cung Hoàng hậu, vào thứ năm sắp tới chẳng hạn, thì có lẽ lão sẽ nói về chuyện đó.
Được hai lá thư của bá tước và lá thiếp của bà dì viết cho Mariet, Nekhliudov tức thì đi đến ngay những nơi đó.
Trước tiên chàng đến nhà Mariet, người mà chàng quen biết từ lúc nàng còn là một thiếu nữ. Xuất thân từ một gia đình quý tộc không giàu có lắm, nàng đã lấy một người chồng làm nên sự nghiệp; chàng nghe người ta đồn đại nhiều về người nầy rất nhiều điều không tốt, nhất là hắn nhẫn tâm tàn ác với hàng trăm hàng nghìn chính trị phạm, nhiệm vụ đặc biệt của hắn là hành hạ những người nầy. Đối với Nekhliudov, bao giờ chàng cũng thấy khổ tâm khi phải đứng về phía những kẻ đi áp bức, như vậy hoá ra thừa nhận những hành động của chúng là hợp pháp, bằng cái việc cầu xin những kẻ đã quen tàn ác đến mức không biết mình là tàn ác nữa hãy nới tay, đặc biệt đối với một vài người nào đó. Trong những trường hợp như vậy, chàng cảm thấy bứt rứt, bực dọc với chính bản thân mình và cứ phân vân lưỡng lự không biết có nên yêu cầu họ giúp hay không? Nhưng rồi bây giờ chàng lại quyết định là nên. Đến chơi nhà vợ chồng Mariet, chàng sẽ ngượng nghịu, sẽ thấy hổ thẹn, khó chịu, nhưng trái lại, nhờ vậy mà may ra người phụ nữ bất hạnh, đang đau khổ trong ngục lại có thể được thả ra và cùng thân quyến khỏi phải đau khổ.
Ngoài cái cảm giác thấy mình ở vào tình thế giả dối của một anh chàng đi cầu cạnh những kẻ mà mình không còn coi là người cùng giới, chàng còn có cảm giác là vào trong giới những con người ấy, chàng lại rơi vào vết xe cũ đã quen và bất giác đã lại dùng cái giọng khinh bạc, bất nhân quen thuộc của giới đó. Ở nhà bà dì, chàng đã có cảm giác đó; sáng hôm sau khi nói chuyện với bà về những vấn đề hết sức nghiêm túc chàng đã dùng giọng bông đùa.
Nói chung, thành phố Petersburg, nơi đã lâu chàng không bước chân tới, đã gây cho chàng một cảm giác quen thuộc: kích động về thể xác, uỷ mị về tinh thần. Tất cả ở đấy đều sạch sẽ, tiện lợi làm sao, tất cả được sắp đặt khéo léo làm sao, và nhất là về con người thì hầu như không đòi hỏi một tí gì về đạo đức, cho nên cuộc sống có vẻ đặc biệt nhẹ nhàng, dung dị.
Một anh xà ích bảnh bao, sạch sẽ, lễ độ, đánh xe đưa chàng đi qua trước mặt những viên cảnh sát cũng bảnh bao, sạch sẽ và lễ độ, trên một đường phố mới tưới nước sạch bóng, hai bên nhà cửa lộng lẫy, sạch sẽ, tới một toà nhà bên con sông đào; nơi Mariet ở. Trước thềm nhà một cặp ngựa nòi Anh thắng sẵn vào xe đang đứng đợi gã xà ích mình mặc áo dấu, tay cầm roi, dáng dấp tựa một người Anh với bộ ria mép chìa ra đến nửa má, ngồi trên ghế, vẻ khinh người ra mặt.
Một anh gác cổng trong bộ đồng phục cực kỳ sạch sẽ ra mở cửa trước, nơi đã có một anh đầy tớ mặc áo dấu có đính lon còn sạch sẽ gấp bội, với bộ ria mép chải chuốt cẩn thận và anh lính gác thường trực mặc bộ quân phục mới, súng cắm lưỡi lê.
– Tướng quân hôm nay không tiếp khách, cả phu nhân cũng không tiếp. Các ngài sắp đi ra.
Nekhliudov đưa bức thư của nữ bá tước Katerina Ivanovna và rút lấy trong ví một tấm danh thiếp, đến gần một chiếc bàn nhỏ, trên có quyển sổ để ghi tên những người đến thăm. Chàng bắt đầu viết là rất tiếc không gặp được ai thì, bỗng nhiên, thấy anh đầy tớ chạy về phía cầu thang, và anh gác cổng chạy về phía bậc thềm, mồm hô to: “Tiến lại”, trong khi đó, anh lính gác thường trực quay người lại đứng nghiêm, hai tay để dọc theo đường khâu ống quần, mắt nhìn theo một người đàn bà nhỏ nhắn, mảnh mai, đang thoăn thoắt xuống thang gác, dáng điệu không có gì là tương xứng với cái địa vị quan trọng của bà ta.
Mariet đội một chiếc mũ to vành có điểm một cái lông chim, ngoài chiếc áo dài đen khoác một cái áo choàng ngắn, cùng màu, đi bao tay đen; chiếc mạng mỏng tang che kín khuôn mặt.
Trông thấy Nekhliudov, nàng vén mạng lên, để lộ một khuôn mặt rất xinh tươi, với cặp mắt long lanh. Nàng chăm chú nhìn chàng, vẻ dò hỏi:
– A! Công tước Dmitri Ivanovich? – Nàng vui vẻ kêu lên, giọng lanh lảnh dễ thương. – Tôi không nhận ra ông nữa.
– Ồ bà còn nhớ cả tên tôi cơ à?
– Chứ sao! Hai chị em tôi trước kia còn phải lòng ông nữa là đằng khác, – nàng nói bằng tiếng Pháp, – nhưng, trời ơi, giờ đây ông khác trước nhiều quá! Thật đáng tiếc, tôi có việc cấn phải đi ngay bây giờ. Nhưng mà ta hãy lên gác cái đã – nàng đứng dừng lại nói, vẻ tần ngẩn do dự, rồi đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ trên tường.
– Không, không thể được. Tôi phải đến nhà bà Kamenxkaia dự tang lễ. Bà ta đau khổ quá.
Bà Kamenxkaia là ai vậy?
– Sao? Ông không biết chuyện gì à. Con trai bà ta bị giết trong một cuộc thách đấu, anh ta đấu súng với Pozen. Nhà con một, thật thảm quá. Bà mẹ đau khổ đến tuyệt vọng.
– Vâng, tôi có nghe thấy nói…
– Thôi, tôi phải đi thôi, nhưng ngày mai hoặc tối nay, thế nào ông cũng đến chơi nhé, – nàng nói và nhẹ nhàng thoăn thoắt bước ra cửa.
– Tối nay thì tôi không thể đến được, – chàng vừa trả lời vừa đi theo ra đến bậc thềm, – nhưng tôi có việc phải nhờ bà, – chàng vừa nói thêm vừa nhìn đôi ngựa hồng đứng đợi kề trước bậc thềm.
– Việc gì thế?
Dì tôi có mấy chữ gửi cho bà đây. Bà xem trong đó sẽ rõ.
Nekhliudov nói và đưa cho Mariet một chiếc phong bì hẹp khổ, có đóng con dấu riêng thật to.
– Tôi biết, nữ bá tước Katernia Ivanovna ngỡ rằng đối với nhà tôi, tôi có thể ảnh hưởng nào đó trong công việc của ông ấy. Bà ấy lầm rồi. Tôi không thể làm gì được và cũng không muốn nhúng vào công việc của nhà tôi. Nhưng vì bá tước phu nhân, vì ông thì nhất định tôi sẵn sàng đi trái lại nguyên tắc đó. Chuyện gì vậy? Nàng vừa nói vừa lấy bàn tay đi găng đen dò tìm miệng túi mãi chẳng thấy.
– Một thiếu nữ bị giam trong pháo đài, cô ta ốm và thực ra chẳng có tội tình gì cả.
– Tên cô ta là gì?
– Suxtova. Lida Suxtova. Có ghi trong thư.
– Được rồi. Tôi sẽ cố gắng, – nàng vừa nói vừa nhẹ nhàng bước lên cỗ xe ngựa bốn bánh có mui, lót đệm rất êm, cánh gà xe sơn bóng loang loáng dưới ánh mặt trời.
Nàng ngồi xuống và giương dù ra. Anh đầy tớ trèo lên ghế, ra hiệu bảo người xà ích cho xe đi. Cỗ xe chuyển bánh, nhưng ngay lúc đó, Mariet lại lấy mũi dù khẽ chạm vào anh xà ích, hai con ngựa Anh da mịn tuyệt đẹp dưới sức ghì mạnh của hàm thiếc cúi gằm đầu xuống và đứng đừng lại, giậm giậm chân.
– Ông nhớ tới chơi nhé, nhưng lần nầy đừng có mục đích vụ lợi cơ! – nàng mỉm cười, biết rõ mãnh lực nụ cười của mình. Và cũng như khi đã biểu diễn xong một tiết mục thì hạ màn, nàng lại buông cái mạng che mặt xuống.
– Nào ta đi thôi, – và nàng lại lấy mũi dù khẽ chạm vào người xà ích.
Nekhliudov cất mũ chào. Hai con ngựa nòi, miệng thở phì phì bước đi, bốn cặp móng nhỏ nện xuống mặt đường lát đá; cỗ xe băng đi nhẹ nhàng, bánh xe cao su mới, thỉnh thoảng gặp những quãng đường mấp mô lại nẩy lên nhè nhẹ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.