Số phận những người tù ở Petersburg hay dở đều nằm trong tay một viên tướng già, con cháu một dòng Nam tước người Đức. Lão được thưởng nhiều huân chương nhưng không đeo chiếc nào trừ cái huân chương chữ thập trắng, nhỏ, đính ở khuy áo; lão là người có công lao với tổ quốc nhưng về già sinh ra lẫn cẫn, như mọi người vẫn thường nói về lão. Hồi lão nhận chức ở Kapkaz, lão đã được thưởng tấm huân chương nầy; đặc biệt vinh dự cho lão vì đã có công chỉ huy một đám người nông dân Nga, cắt tóc ngắn, mặc quân phục, trang bị súng trường, có lắp lưỡi lê đi tàn sát hơn mười ngàn người bảo vệ tự do, nhà cửa và gia đình họ. Về sau lão làm quan ở Ba Lan(1), ở đấy lão lại bắt người nông dân Nga, làm nhiều tội đại ác khác, do đó lại được thưởng huân chương và bộ quân phục của lão cũng được thêu kim tuyến. Lão cũng làm quan ở một vài nơi nữa và nay già nua, mệt mỏi lão được lĩnh cái chức vị nầy để được ở nhà tốt, lương bổng hậu và danh giá. Lão thi hành hết sức nghiêm chỉnh những mệnh lệnh của thượng cấp và đặc biệt coi trọng việc thi hành những mệnh lệnh đó. Đối với; lão cho rằng tất cả mọi việc trên đời đều có thể từ những mệnh lệnh của thượng cấp. Nhiệm vụ của lão là giam giữ những tù nhân chính trị, cả nam và nữ, mỗi người một xà lim, làm thế nào để trong vòng mười năm trời, một nửa số tù nhân phải chết, một số hoá điên hoặc chết vì bệnh lao, một số tự tử bằng cách tuyệt thực, hoặc lấy mảnh chai rạch đứt mạch máu, hoặc thắt cổ, hoặc tự thiêu.
Viên tướng già không phải không biết tất cả những chuyện đó vì nó xảy ra ở ngay trước mắt lão, có điều là lương tâm lão không hề bị cắn rứt vì lão coi nó cũng như những tai hoạ do dông bão, lụt lội v.v… gây ra. Những điều bất hạnh đó là kết quả việc thực hiện những chỉ thị “từ trên”, nhân danh đức Hoàng đế truyền xuống. Những chỉ thị đó nhất thiết phải được thi hành và không ai lại phí công lưu tâm đến kết quả của nó. Viên tướng già nầy không cho phép mình được nghĩ đến những vấn đề đó; lão cho rằng nghĩa vụ yêu nước của lão, phận sự quân nhân của lão là phải gạt bỏ những ý nghĩ đó đi, vì chúng có thể dẫn tới một hành động nhu nhược nào đấy trong việc thi hành những nhiệm vụ mà lão coi là tối quan trọng.
Theo đúng chức trách, mỗi tuần một lần, lão đi kiểm tra một lượt các phòng giam, hỏi xem các tù nhân có yêu cầu gì không. Tù nhân trình bầy cho lão các điều thỉnh cầu Lão bình tĩnh lắng nghe, không nói một lời và cũng không bao giờ cho biết kết quả và về những yêu cầu đó, vì lẽ chúng đều không hợp lệ.
Lúc xe của Nekhliudov đến gần nhà tướng già thì từ những quả chuông thanh thanh của chiếc đồng hồ trên tháp vang lên bản thánh ca “Hãy ca ngợi Chúa” rồi điểm hai tiếng. Những tiếng chuông đó nhắc nhở Nekhliudov nhớ lại một vài đoạn trong những tập bút ký của những “đảng viên tháng Chạp” viết về âm hưởng những tiếng chuông thật êm dịu nầy, cứ từng giờ lại vang dội trong tâm hồn những người tù chung thân.
Lúc nầy viên tướng già ngồi trước mặt cái bàn tròn khảm đá trong căn phòng khách tối với một hoạ sĩ trẻ tuổi anh em với tên bộ hạ của lão. Hai người đang cùng xoay một chiếc đĩa nhỏ đặt trên một tờ giấy. Những ngón tay mảnh dẻ, yếu đuối, nhớp ướt của hoạ sĩ trẻ lồng vào những ngón tay thô cứng, xương xẩu, răn reo của viên tướng già, và những bàn tay chập lại với nhau như thế, đặt trên một cái đĩa nhỏ, cứ xoay cái đĩa trên một tờ giấy có viết tất cả những chữ trong bảng chữ cái. Chiếc đĩa trả lời câu hỏi của viên tướng, muốn biết sau khi chết linh hồn người ta làm thế nào để nhận được nhau.
Khi một tên thuộc hạ làm nhiệm vụ hầu phòng mang vào tấm thiếp của Nekhliudov, thì linh hồn Jeandra đang nói qua chiếc đĩa. Lúc trước, hồn đã đọc đánh vần từng chữ, câu: “Chúng sẽ nhận ra nhau…” và những chữ đó đã được ghi lại. Lúc tên thuộc hạ vào thì chiếc đĩa đã đứng yên trên chữ “n” rồi chữ “o” và đến chữ “c” thì nó dừng lại, ngập ngừng lúc thiên về bên nọ, lúc thiên về bên kia. Nó còn ngần ngừ về chữ sau, vì theo ý viên tướng phải là một chữ “L”, nghĩa là Jeandra theo đúng như ý viên tướng – phải nói rằng những linh hồn sẽ nhận ra được sau khi đã được giải tội, hoặc một điều gì tương tự như vậy. Trái lại, nhà hoạ sĩ trẻ tuổi thì lại nghĩ là chữ “B” nghĩa là hồn nói rằng chúng sẽ nhận ra được nhau nhờ cái ánh sáng phát ra từ bản thể siêu thăng của chúng.
Viên tướng cau đôi mày rậm trắng xoá, chăm chú nhìn vào những bàn tay và tưởng tượng như trông thấy chiếc đĩa tự nó di chuyển, liền kéo nó về chữ “L”, trong khi đó thì nhà hoạ sĩ trẻ xanh xao, mớ tóc thưa vắt ra đằng sau tai, đôi mắt xanh lờ đờ nhìn vào một góc phòng tối, bực tức mấp máy đôi môi, đưa chiếc đĩa về chữ “B”. Bực mình vì bị quấy nhiễu, viên tướng cau mặt lại và sau một phút im lặng, lão cầm lấy tấm thiếp, đeo chiếc kính kẹp mũi lên, khẽ bật ra một tiếng rên vì đau lưng, lão đứng dậy vươn thẳng cả cái thân hình to lớn lên, nắn bóp những ngón tay tê cứng.
– Mời ông ta vào văn phòng.
– Thưa đại nhân, ngài cho phép tôi hoàn thành một mình, – nhà hoạ sĩ trẻ tuổi vừa nói vừa đứng dậy. Tôi cảm thấy có linh khí đến nơi rồi.
– Được anh cứ kết thúc một mình, – viên tướng nói, giọng cương quyết và nghiêm khắc; lão cất đôi chân cứng thẳng, bước những bước dài, đều đặn và mạnh mẽ, đi về phía văn phòng.
– Rất sung sướng được gặp anh. – Những lời khả ái đó lão nói với một giọng thô lỗ, cục cằn; và chỉ chiếc ghế bành cạnh bàn giấy, lão mời Nekhliudov ngồi. – Anh đến Petersburg lâu chưa?
Nekhliudov nói là chàng chỉ vừa mới đến.
– Lệnh đường công tước phu nhân vẫn mạnh khỏe chứ?
– Thưa, mẹ tôi đã tạ thế.
– Anh thứ lỗi cho. Tôi lấy làm buồn. Thằng con tôi nói là nó có gặp anh.
Người con trai của viên tướng cũng đi theo cái nghề của bố. Tốt nghiệp xong trường Quân sự cao cấp, hắn vào cục Tình báo và tỏ ra hãnh diện với những nhiệm vụ được giao phó. Hiện hắn phụ trách tiểu ban đặc vụ.
– Ờ phải, trước tôi đã cũng làm việc với lệnh tôn. Chúng tôi là bạn đồng niên, và là bạn thân với nhau. Còn anh, anh đang giữ một chức vụ gì đấy chứ?
– Thưa không ạ, tôi ở nhà.
Viên tướng già gật gật đầu một cái, vẻ không tán thành.
– Thưa tướng quân, tôi có một việc đến để yêu cầu ngài.
– Rất hân hạnh. Tôi có thể giúp anh việc gì?
– Nếu như lời yêu cầu của tôi có không đúng chỗ thì cũng xin ngài tha lỗi cho. Song tôi buộc lòng phải trình bày với ngài.
– Việc gì thế?
– Trong số những tù nhân của ngài có một người tên là Gurkeich. Mẹ anh ta muốn xin phép được vào thăm anh ta, hoặc không thì ít nhất cũng được phép gửi cho anh ta vài quyển sách.
Viên tướng không tỏ ra một tí gì gọi là tán thành hay phản đối lời yêu cầu đó, lão chỉ cúi nghiêng đầu và nhắm mắt lại làm như đang suy nghĩ. Thực ra, lão chẳng suy nghĩ gì hết và cũng chẳng để ý cả đến lời yêu cầu của Nekhliudov, vì lão biết chắc chắn là sẽ chiểu theo pháp luật để trả lời chàng. Lão chỉ có việc để cho đầu óc thảnh thơi; không nghĩ ngợi gì hết. Sau đó một lát lão nói:
– Cái đó anh thấy đấy, không thuộc quyền hạn của tôi Còn việc vào thăm tù thì đã có điều lệ quy định theo sắc chỉ của nhà vua. Tất cả những gì mà điều lệ đã quy định thì được. Còn về sách đọc, thì ở đấy chúng tôi đã có một thư viện và chúng tôi vẫn cho tù nhân mượn những sách được phép đọc.
– Thưa đúng thế, nhưng anh ta còn cần những sách khoa học; anh ta muốn nghiên cứu.
– Đừng có tin lời họ. – Viên tướng nín lặng một lát. – Không phải để nghiên cứu đâu, mà chỉ là để gây phiền nhiễu mà thôi.
– Sao lại thế ạ. Dù sao họ cũng phải có việc gì để qua thì giờ trong cảnh khổ cực chứ? – Nekhliudov nói.
– Bọn chúng luôn mồm kêu ca. Chúng tôi thừa biết – Lão nói về những tù nhân như là nói đến một loại người hết sức xấu xa ở đây, chúng đã có những tiện nghi ít khi thấy có ở trong những chốn giam cầm khác, – viên tướng nói tiếp.
Như để biện bạch cho mình, lão liền kể lể ra đủ thử những tiện nghi dành cho tù nhân được hưởng, tưởng chừng như mục đích chủ yếu của cái nhà tù nầy là tổ chức cho tù nhân nơi ăn chốn ở dễ chịu vậy.
– Trước kia, quả có phần khắc nghiệt thật, nhưng bây giờ thì bọn chúng được đối đãi hết sức tử tế. Một bữa ba món ăn, bữa nào cũng có món thịt, thịt băm hoặc sườn. Ngày chủ nhật, được thêm một món nữa, món ăn ngọt. Lạy Chúa thương cho tất cả mọi người Nga ai cũng được ăn uống như vậy!
Cũng như các cụ già khác, khi viên tướng đã lao vào nói về vấn đề quen thuộc, thì lão nhắc đi nhắc lại những điều mà lão đã nói không biết bao nhiêu lần để chứng minh các tù nhân thường yêu sách vô lý và họ toàn là những người vong ân bội nghĩa.
– Còn về sách đọc, – lão nói, – chúng tôi để cho họ mượn đọc những tác phẩm tôn giáo, cùng các báo chí cũ.
Chúng tôi có cả một thư viện sách tốt. Nhưng họ đọc ít lắm. Mới đầu, có vẻ như họ cũng thích, nhưng rồi sau sách bỏ nằm đó, những quyển mới thì đến quá nửa số trang chưa đọc, quyển cũ để nguyên, một trang cũng chẳng giở tới. Chúng tôi đã có thử, – viên tướng nói, trên mặt thoáng hiện như một nụ cười xa thẳm, – Chúng tôi cho kẹp vào giữa sách những mảnh bìa con đánh dấu, nhưng dấu đặt ở đâu vẫn nằm nguyên đó. Còn viết lách, không ai cấm. Họ được phát bảng đá và phấn, như vậy là có thể viết để tiêu khiển rồi. Họ có thể xoá đi viết lại. Nhưng họ cũng chẳng viết. Rồi họ thoắt trở nên yên lặng hẳn. Chỉ có buổi đầu là họ băn khoăn lo lắng, – viên tướng nói, lão không ngờ đến ý nghĩa khủng khiếp bao hàm trong lời nói của mình.
Nekhliudov lắng nghe cái giọng khàn khàn già nua ngắm nhìn những cánh tay cẳng chân cứng nhẳng, hai con mắt lờ đờ, hết tinh thẩn dưới hàng lông mày xám màu tro, đôi má chảy xệ và nhẵn nhụi được chiếc cổ áo cứng của bộ quân phục đỡ lên, nhìn tấm huân chương chữ thập trắng mà con người đó rất lấy làm vênh vang, cái huân chương đã có được vì cái công đặc biệt tàn sát không biết cơ man nào là sinh linh. Chàng biết rằng trả lời và giải thích cho một con người như vậy về ý nghĩa những lời nói của chính hắn ta là vô ích, tuy nhiên, chàng cũng cố gắng nói với lão về một việc khác, về người nữ tù nhân Suxtova mà theo như chàng được biết sáng nay thì đã có lệnh tha rồi.
– Suxtova? Suxtova… Tôi không thể nhớ hết được các tên, họ đông quá thể, – lão nói như trách sao họ lại đến thế. Rồi bấm chuông ra lệnh đòi viên thư ký đến.
Trong khi người ta đi tìm viên thư ký thì lão khuyên Nekhliudov nên ra làm việc. Lão nói rằng những người chính trực, dòng dõi trâm anh – lão tự cho mình cũng ở trong hạng người đó – rất cần thiết cho Nga hoàng, – và để câu nói được bóng bẩy văn hoa, lão thêm “và cho Tổ quốc”.
Viên thư ký, một người gẩy gò, khô cằn, với đôi mắt tinh nhanh luôn luôn sợ sệt vào báo cáo là Suxtova bị giam trong một lầu đặc biệt và chưa một lệnh nào về cô ta gửi tới.
– Khi nào nhận được lệnh, chúng tôi sẽ thả cô ta ra ngay… Chúng tôi chẳng giữ làm gì họ ở đây thì có quý báu gì cho chúng tôi. – viên tướng nói với một nụ cười vui vẻ gượng gạo chỉ làm cho khuôn mặt già cỗi của lão càng rúm ró khó coi.
Nekhliudov vừa đứng dậy, vừa cố hết sức nén không để lộ cái cảm giác kinh tởm xen lẫn thương hại đối với lão già khủng khiếp đó. Còn lão lại nghĩ là đối với đứa con nông nổi và rõ ràng là đang lầm lạc của một người bạn đồng liêu lão không nên tỏ ra quá nghiêm khắc mà phải khuyên bảo nó lấy một câu khi tiễn nó về.
– Chào anh nhé. Đừng có giận tôi về những lời tôi vừa nói. Chính vì yêu anh tôi mới nói. Đừng có đi lại với những kẻ bị giam giữ ở đây làm gì. Không có đứa nào oan cả đâu. Toàn là những quân đốn mạt. Chúng tôi biết rõ chúng lắm, – lão nói với một cái giọng không cho ai được phép nghi ngờ một chút nào. Và đúng là lão không nghi ngờ gì hết, không phải vì sự thật là như vậy mà bởi vì nếu khác đi thì lão sẽ phải thừa nhận rằng lão không phải là một vị anh hùng cao quý, xứng đáng hưởng nốt cuộc đời cao đẹp như bây giờ, mà lại là một thằng vô lại, đã bán lương tâm mình và còn đang tiếp tục bán nữa khi về già.
– Tốt hơn cả là anh lại ra làm việc đi thôi, – lão nói tiếp. – Những người chính trực là cần cho nhà vua – lão nói thêm: và cho Tổ quốc. Nếu tôi, nếu những người khác, cũng như anh cũng không ra phụng sự việc nước, thì còn ai nữa? Chúng ta chỉ biết chỉ trích các chế độ hiện hành, nhưng chúng ta lại không muốn giúp đỡ chính phủ.
Nekhliudov thở thật dài một cái, cúi rạp mình xuống nắm bàn tay xương xẩu của lão già chìa ra với dáng điệu kẻ cả, và ra khỏi phòng.
Viên tướng lắc đầu tỏ vẻ không tán thành, rồi vừa xoa lưng vừa quay về phòng khách; nhà hoạ sĩ đang đợi lão anh chàng đã ghi xong cầu trả lời của Jeandar. Lão đeo chiếc kính đẹp mũi lên và đọc: “Nhận ra được nhau bằng ánh sáng phát ra từ bản thể siêu thăng của chúng”.
– Chà! – Lão vừa nói vừa nhắm mắt lại, vẻ tán thưởng. – Nhưng làm thế nào mà nhận ra được nếu ánh sáng của bản thể nào cũng giống nhau? – Lão lại lồng những ngón tay của lão với những ngón tay của nhà hoạ sĩ, và ngồi xuống chiếc bàn tròn.
Người xà ích của Nekhliudov đánh xe ra khỏi cổng toà pháo đài.
– Đây sao mà buồn thế, thưa ngài, – anh ta vừa nói vừa ngoái lại phía Nekhliudov – Suýt nữa thì tôi định bỏ đi không đợi ngài nữa.
– Phải, buồn thật, – Nekhliudov gật đầu nói. Chàng hít một hơi dài hít một hơi dài cho không khí vào đầy lồng ngực. Lòng yên tĩnh trở lại, chàng đưa mắt nhìn theo mấy đám mây xám lững lờ trôi trên nền trời và những lớp sóng bạc trên mặt sông Neva nhấp nhô cuốn theo sau những con thuyền và những chiếc tàu đang chạy.
Chú thích:
(1) Ba Lan xưa là thuộc địa của Nga. Năm 1830 nhân dân khởi nghĩa chống nền thống trị của Nga hoàng. Nga hoàng đã phái quân đến tàn sát.