Phải, đối với đám thanh niên giam cầm riêng mỗi người một xà lim như vậy là ghê rợn, – người dì lắc đầu và cũng cầm lấy một điếu thuốc châm lửa hút.
– Tôi nghĩ rằng nó ghê rợn với tất cả mọi người, – Nekhliudov trả lời.
– Không, không phải đối với tất cả mọi người, – người dì trả lời. – Đối với những nhà cách mạng chân chính thì, theo như lời người ta bảo tôi, ở tù là nghỉ ngơi, là tĩnh dưỡng. Đối với ai bị bọn cảnh sát truy lùng, thì cuộc sống luôn luôn bị đe doạ, đẩy lo lắng và thiếu thốn, đầy sợ hãi, sợ hãi cho mình, cho người khác, cho sự nghiệp. Một khi bị bắt thì hết cả những thứ đó, trên vai không còn có trách nhiệm gì nữa: anh hãy ngồi đây và nghỉ ngơi. Nhiều người nói với tôi rằng: khi bị bắt họ thấy vui mừng thực sự. Nhưng đối với những thanh niên, những người vô tội bắt đầu bao giờ chúng cũng bắt những người vô tội như cháu Lydia – thì lần va chạm đầu tiên thực là khủng khiếp. Không phải vì bị tước mất tự do, vì bị ngược đãi, vì bị không khí hôi hám, vì ăn uống khổ sở hay vì mất hết mọi thứ nói chung, tất cả những cái đó không đáng kể. Ngay cả như có bị thiếu thốn nặng nề gấp hơn hai lần đi nữa, vẫn có thể dễ dàng chịu đựng được nếu như không phải chịu cái va chạm về tinh thần khi mới bị bắt lần đầu.
Bà đã cảm thấy thế bao giờ chưa?
– Tôi ấy à? Tôi đã bị ngồi tù hai lần, – người dì Lydia vừa nói vừa mỉm cười, nụ cười buồn và dịu dàng. – Lần thứ nhất, tôi bị bắt oan. Năm ấy tôi hăm hai tuổi, đã có một cháu nhỏ và đang có mang. Dù bị mất tự do, dù phải xa con, xa chồng, cực khổ đến đâu, tất cả những nỗi khổ đó có thấm vào đâu so với cảm giác khi thấy rõ mình không còn là con người nữa, mà chỉ là một con vật. Tôi muốn có đôi lời từ biệt với đứa con gái nhỏ, họ ra lệnh bắt tôi lên xe. Tôi hỏi xem người ta đưa tôi đi đâu, họ trả lời đến đấy thì khắc biết. Tôi hỏi xem tôi bị kết tội gì, họ không trả lời. Hỏi cung xong, người ta lột bộ quần áo tôi vẫn mặc ra, bắt mặc bộ quần áo nhà tù có đánh số, họ dẫn tôi đến một cái vòm đá, mở cửa, đẩy tôi vào trong, họ khoá trái cửa lại rồi đi; chỉ còn một người lính gác mang súng lặng lẽ đi đi lại lại, thỉnh thoảng ghé mắt nhìn vào, qua cái lỗ nhỏ ở cánh cửa: lúc đó, tôi cảm thấy thật nặng nề, khủng khiếp. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ có một điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là trong khi hỏi cung, tên sĩ quan hiến binh đã mời tôi hút thuốc. Hắn biết con người thích hút thuốc, vậy chắc hắn cũng biết con người thích tự do, thích ánh sáng và cũng biết mẹ yêu con và con yêu mẹ biết chừng nào chứ. Thế mà họ nhẫn tâm bắt tôi xa lìa tất cả mọi người thân yêu và nhốt lại như một con thú rừng. Không thể chịu đựng như vậy mà không bị hại gì nếu trước kia người ta tin ở Chúa, ở con người, tin rằng loài người thương yêu nhau, thì sau những chuyện đó, sẽ không còn tin nữa. Từ đấy, tôi không còn tin ở con người nữa và hoá ra nhẫn tâm. – Bà ta mỉm cười kết luận.
Qua cái cửa lúc ấy Lydia vừa chạy ra, bà mẹ cô trở vào cho biết Lydia vật vã bực dọc không trở lại đây được.
– Vì sao mới ít tuổi như thế mà cuộc đời đã có thể bị đập nát? – Bà dì nói tiếp. – Tôi hết sức đau xót vì đã vô tình gây nên nông nỗi nầy.
– Nếu Chúa thương thì về quê tĩnh dưỡng, cháu sẽ khỏi, chúng tôi sẽ cho cháu về ở với bố cháu, – bà mẹ nói.
– Không có ông thì chắc cháu chết mất, – người dì nói. – Chúng tôi rất cảm ơn ông. Tôi muốn gặp ông là để nhờ ông chuyển giúp bức thư nầy cho chị Efremovna, bà ta vừa nói vừa rút một lá thư ở trong túi ra. – Thư chưa dán, ông có thể đọc rồi hoặc huỷ bỏ đi hoặc chuyển giúp, tùy ý ông. Cũng chẳng có gì nguy hại đâu.
Nekhliudov cầm lấy lá thư, và sau khi hứa sẽ chuyển lá thư tới nơi, chàng đứng dậy cáo từ ra về.
Ra đến phố, không đọc thư, chàng dán nó lại và quyết định sẽ chuyển đến tay người nhận.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.