Phục Sinh

CHƯƠNG 86



Nekhliudov còn phải nán ở lại Petersburg vì một việc cuối cùng, vụ án những tín đồ tông phái. Chàng có ý định nhờ người bạn đồng ngũ cũ là viên sĩ quan hầu cận Nhà vua, Bogatirev, đệ lá sớ của họ lên Hoàng đế.
Sớm hôm sau, chàng đến nhà Bogatirev, gặp lúc anh ta đang ở nhà, tuy định ăn sáng xong là ra đi. Bogatirev, người thấp, béo phục phịch, được trời cho một gân sức hiếm có, anh ta có thể vặn ngược lại một miếng sắt đóng móng ngựa – đồng thời, lại là người có phẩm chất tốt, ngay thật, thẳng thắn và có cả khuynh hướng tự do nữa. Mặc dù có những đức tính đó, anh ta vẫn là một cận thần của nhà vua: Anh ta yêu quý Đức vua và hoàng tộc và, không biết bằng cách lạ lùng nào mà sống trong giới cao sang như vậy, anh chỉ thấy cái hay, cải tốt của giới đó mà không dúng tay vào những cái xấu xa, nhơ bẩn của giới đó. Anh ta không bao giờ chê bai một ai; hoặc một việc gì. Anh ta hoặc nín thinh, hoặc bằng một giọng hùng dũng oang oang, gần như kêu rống lên những điều anh ta cho là cần nói và thường kèm theo một chuỗi cười ha hả ròn rã. Như vậy không phải là vì thủ đoạn xã giao, mà bản tính anh ta thế.
– A? Cậu lại đúng lúc quá. Điểm tâm chứ? Xuống đây. Món bít tết nầy tuyệt lắm. Mình bây giờ cũng bắt đầu và kết thúc bằng một món thật bổ. Hà! Hà? Hà? Hay là nầy, làm tí rượu vang vậy. – Anh ta kêu tướng lên và chỉ vào một cái bình rượu vang đỏ. – Mình đã nghĩ đến chuyện của cậu rồi. Mình sẽ đích thân đệ trình sớ đến tận tay Đức Vua cho chắc chắn. Chỉ có điều mình nghĩ, giá cậu đến gặp lão Toporov trước thì tốt hơn.
Nghe đến Toporov, Nekhliudov nhăn mặt.
– Việc nầy ở trong tay lão ta. Đằng nào thì lão ta cũng được vời đến để hỏi ý kiến. Có thể lão ta sẽ giúp cho cậu toại nguyện cũng nên.
– Cậu đã bảo thì mình đến vậy.
– Hay lắm. Nào cậu nói cho mình biết xem cậu thấy Petersburg như thế nào? – Bogatirev nói oang oang.
– Mình cảm thấy bị thôi miên đấy. – Nekhliudov nói.
Thôi miên à? – Bogatirev nhắc lại và phá ra cười. – Cậu không muốn ăn gì cả à?… Thôi tuỳ ý. – Anh ta cầm khăn mặt lau bộ ria. – Thế cậu đi thăm ông Toporov chứ? Nếu ông ta không bằng lòng giúp thì đưa lá sớ cho mình, ngay ngày mai, mình sẽ đệ lên, – và mồm oang oang như vậy anh ta đứng dậy, khoát tay làm dấu, cũng tự nhiên như anh ta lau mồm, đeo kiếm vây. – Và bây giờ thì tạm biệt, mình phải đi đây.
Ta cùng đi, Nekhliudov vừa nói vừa siết chặt bàn tay to, khỏe của Bogatirev, và chàng chia tay bạn trên bậc thềm. Bao giờ cũng thế, mỗi lần chia tay với Bogatirev, chàng cũng có cái cảm giác khoan khoái như thấy có cái gì lành mạnh, hồn nhiên, tươi mát.
Tuy chẳng có hy vọng gì với việc đến thăm Toporov, nhân vật có quyền định đoạt vụ án các tín đồ tông phái, Nekhliudov vẫn cứ đến.
Chức vụ của Toporov, ngay trong bản thân nó đã bao hàm một mâu thuẫn, chỉ có người nào ngu độn và mất lương tri, không còn biết đạo đức là gì nữa mới có thể không nhận thấy mà thôi. Toporov có hai nét tiêu cực nầy. Mâu thuẫn nội tại trong chức vụ của lão là: phải bằng những phương tiện vật chất, kể cả bạo lực, ủng hộ và bảo vệ Toà thánh vốn tự coi là do Chúa dựng nên mà bất chấp cả các cửa địa ngục, hoặc bất kỳ sức mạnh nào của người trần cũng không lay chuyển nổi.
Cái tổ chức do Chúa dựng nên và không gì lay chuyển nổi ấy lại phải dựa vào sự ủng hộ và bảo vệ của một tổ chức do người trần lập nên, đứng đầu là Toporov có một số viên chức giúp việc. Lão không nhìn thấy mâu thuẫn đó mà cũng không muốn nhìn thấy nó, bởi thế, lão chỉ một niềm lo sao ngăn cấm không để cho một linh mục nào, hoặc một mục sư nào, hay một tín đồ tông phái nào phá hoại Toà thánh, cái Toà thánh mà ngay cả cửa địa ngục không làm gì nổi. Như bất cứ kẻ nào đã mất hết tình cảm tôn giáo cơ bản, không biết gì đến bình đẳng và bác ái giữa con người, Toporov tin tưởng rằng quần chúng nhân dân là những sinh linh khác hẳn lão: họ có những nhu cầu rất cần thiết, mà đối với lão lại có thể bỏ đi được, không sao cả. Trong thâm tâm lão, lão không có tín ngưỡng gì hết và thấy như thế là tiện và dễ chịu: nhưng, sợ rằng quần chúng cũng lại noi gương lão chăng nên theo lời lão nói, lão coi mình có nghĩa vụ thiêng liêng phải giữ cho quần chúng nhân dân khỏi sa vào tình trạng đó.
Cũng như trong một quyển sách dạy khoa nấu nướng, có nói giống tôm được nấu khi còn tươi, lão tin một cách sâu sắc không phải theo nghĩa bóng như phải hiểu câu nói trên trong quyển sách dạy nấu ăn, mà theo nghĩa đen, – nên lão vẫn nghĩ và nói là quần chúng nhân dân ưa mê tín.
Lão đối với tôn giáo mà lão phải bảo vệ cũng như người nuôi gà đối với những xác chết thối dùng để làm thức ăn cho gà; xác thối thì kinh tởm đấy, nhưng gà thích ăn, vậy phải lấy nó mà nuôi gà: Tất cả những chuyện thờ cúng tượng thánh Đức mẹ nữ đồng trinh ở Iberi, ở Kazan, ở Xmolenxk, cố nhiên chỉ là sự sùng bái thô kệch; nhưng quần chúng thích thế và tin, cho nên phải duy trì những chuyện mê tín đó.
Toporov nghĩ vậy, lão không hiểu rằng sở dĩ quần chúng thích mê tín chính chỉ tại từ trước kia bao giờ cũng đã có và hiện nay cũng vẫn có những kẻ tàn nhẫn như lão Toporov, những kẻ có học thức, lại dùng học thức của chúng không phải việc đáng phải dùng như giúp nhân dân thoát ra ngoài vòng tối tăm ngu dốt, mà trái lại, để hãm chặt nhân dân vào vòng ngu dốt tối tăm.
Lúc Nekhliudov vào phòng khách, Toporov đang nói chuyện trong văn phòng với một bà bề trên của nhà tu kín, một bà quý phái hoạt bát, lanh lẹn, đang truyền bá và bảo vệ chính giáo ở những vùng miền Tây nước Nga trong đám những người phái Uniat(1) bị cưỡng bức quay về theo chính giáo.
Viên thư ký riêng đang làm việc trong phòng khách hỏi Nekhliudov xem chàng đến về vấn đề gì. Được biết chàng muốn đệ lên Hoàng đế một tờ sớ thỉnh nguyện của những tín đồ tông phái, anh ta bảo chàng cho xem trước, Nekhliudov trao tờ sớ cho người thư ký cầm vào văn phòng Toporov.
Chiếc mấn cao đội trùm đầu, tấm mạng che mặt bay lất phất và dải áo đen dài lượt thượt kéo lê phía sau, bà bề trên rời khỏi phòng làm việc đi ra; hai bàn tay bà trắng muốt, móng tay trau chuốt tinh vi, chắp trước ngực và cầm một chuỗi tràng hạt bằng hoàng ngọc. Nekhliudov ngồi chờ Toporov đọc sớ thỉnh nguyện và lắc đầu; lão bực bội, sửng sốt trước câu văn tờ sớ viết trong sáng, rắn rỏi.
Lão nghĩ: “Nếu muốn một mà sớ nầy tới tay Hoàng đế nó có thể đẻ ra nhiều vấn đề rất phiền và gây ra nhiều sự hiểu lầm, lão để tờ sớ xuống bàn, bấm chuông và ra lệnh mời Nekhliudov vào.
Lão nhớ lại vụ án những tín đồ tông phái nầy: lão đã nhận được một lá đơn xin ân xá của họ. Đây là những người đã lìa bỏ chính giáo; họ đã bị khiển trách và đưa ra toà, nhưng toà án đã tha bổng họ. Thế là đức tổng giám và viện thống đốc bên căn cứ ngay vào chỗ các cuộc hôn nhân của họ mang tính chất bất hợp pháp mà quyết định, bắt họ đi đày khiến vợ chồng con cái họ phải chia lìa mỗi người một ngả. Giờ đây chính những người cha người mẹ đó đòi được vợ chồng, con cái sum họp với nhau.
Toporov nhớ lại tình hình án nầy lúc nó mới đến tay lão, lão đã trù trừ không biết có nên chấm dứt ngay đi hay không. Nhưng lúc đó lão nghĩ phê chuẩn cái án đó, đày những con người thuộc gia đình nông dân đó đi mỗi người một ngả cũng chẳng có hại gì; còn như để họ ở lại nơi cũ thì có thể có tai hại cho những người khác trong vùng, những người nầy rồi cũng lìa chính giáo mất. Vả dĩ, sự kiện nầy cũng chứng tỏ nhiệt tâm của đức tổng giám mục, cho nên lão bỏ mặc cho câu chuyện muốn đến đâu thì đến.
Song giờ đây một người bênh vực như Nekhliudov là người có ít nhiều thế lực ở Petersburg, vụ án có thể được đệ trình lên Hoàng thượng như một hành động tàn bạo, hoặc rơi vào tay báo chí ngoại quốc. Vì vậy, lão quyết định ngay lập tức một cách giải quyết không ngờ.
– Chào ông, lão nói, làm ra vẻ một con người rất bận; lão cứ đứng mà tiếp Nekhliudov và đề cập ngay tới vấn đề. – Tôi biết chuyện nầy. Nhìn qua mấy tên người là tôi nhớ lại hết câu chuyện rủi ro. – Lão cầm tờ sớ thỉnh nguyện và đưa cho Nekhliudov. – Và xin rất cảm ơn ông đã nhắc tôi. Cái đó là do chính quyền địa phương họ nhiệt tâm quá đáng. – Nekhliudov lặng thinh và nhìn không chút thiện cảm cái vẻ bì bì của bộ mặt tai tái kia. – Tôi sẽ ra lệnh huỷ bỏ biện pháp ấy ngay để cho những người đó ai được về nhà nấy.
– Như vậy tôi không cần phải đệ sớ nầy lên nữa phải không ạ?
– Vâng không cần. Tôi đoan chắc với ông như vậy, – lão nói và nhấn mạnh đặc biệt vào chữ “tôi”; rõ ràng là lão tin rằng đức trung thực “của lão”, lời nói “của lão” là những bảo đảm chắc chắn nhất. – Mà tốt hơn hết là tôi viết ngay bây giờ. Ông chịu khó ngồi chơi tạm một chút.
Lão lại gần bàn và bắt đầu viết. Nekhliudov không ngồi, đưa mắt nhìn cái trán hẹp và nói, cái bàn tay to, nổi gân xanh đang đưa nhanh ngòi bút, và lấy làm lạ rằng con người nầy, vốn dửng dưng với tất cả mọi sự, nay lại chú ý quá đáng tới việc nầy. Tại sao vậy?
– Đây! – Toporov vừa nói vừa dán phong thư lại. – Ông báo tin cho “khách hàng” của ông đi, lão nói thêm, môi chúm lại làm ra vẻ mỉm cười.
Nekhliudov cầm lấy chiếc phong bì và hỏi:
– Nhưng vì lẽ gì những người nầy đã phải chịu đau khổ.
Toporov ngẩng đầu lên và mỉm cười, dường như câu hỏi của Nekhliudov làm lão hài lòng.
– Cái đó tôi không thể nói với ông được. Điều duy nhất tôi có thể trả lời ông là những quyền lợi quốc gia, mà chúng tôi bảo vệ, rất đỗi quan trọng, nên đối với những vấn đề tín ngưỡng, nếu có lòng nhiệt thành quá đáng dù cũng không đáng sợ và không hại bằng cái thái độ hiện nầy đang phổ biến là dửng dưng quá đỗi đối với những vấn đề nầy.
– Nhưng cớ làm sao người tả lại lấy danh nghĩa tôn giáo để vi phạm đến ngay cả những yêu cầu cơ bản của đạo nhân nghĩa, làm tan nát nhiều gia đình như vậy?
Toporov vẫn mỉm cười, khoan dung, ra vẻ cho rằng những điều Nekhliudov nói thật dễ thương. Nekhliudov nói gì thì nói, từ trên địa vị cao cả chính quyền của lão, như lão nghĩ, vẫn chỉ thấy những lời nói đó dễ thương và thiên lệch.
– Cứ theo như quan điểm cá nhân thì sự thể có thể hình dung như vậy được đấy, nhưng theo quan điểm của Nhà nước, thì sự thể có khác ít nhiều. Thôi, xin kính chào ông. – Toporov vừa nói vừa cúi đầu chào và chìa tay ra bắt.
Nekhliudov lặng lẽ nắm lấy rồi vội vã đi ra, lòng ân hận là đã trót nắm lấy bàn tay ấy.
“Quyền lợi quốc gia?” – Chàng chắc lại những lời nói của Toporov. Chàng nghĩ, trong khi bước ra khỏi nhà Toporov. Và chàng ôn lại một lượt trong óc, tất cả những người ở dưới quyền các cơ quan có trách nhiệm phục hồi công lý bảo vệ tín ngưỡng và giáo dục quần chúng; từ người đàn bà quê mùa bị phạt vì đã bán rượu lậu, gã thanh niên vì tội trộm cắp, từ anh chàng vô gia cư đi lang thang, người đốt nhà vì đã cố ý phóng hoả, từ anh chủ ngân hàng vì đã biển thủ, cho tới cô gái bất hạnh Lydia nọ phải ngồi tù chỉ vì chúng muốn moi ở cô ta những lời khai cần thiết, rồi đến những tín đồ tông phái bị bắt vì đã chống lại chính giáo, cho tới những anh chàng Gurkevich vì đã mơ ước một hiến pháp, Nekhliudov thấy rõ mồn một như ban ngày rằng tất cả những con người đó đã bị bắt, hoặc bỏ tù hoặc bị đi đày, hoàn toàn không phải vì họ đã vi phạm công lý hoặc vi phạm pháp luật, mà chỉ vì họ làm trở ngại việc vơ vét của cải nhân dân của bọn viên chức, quan lại và bọn nhà giàu.
Và người đàn bà quê mùa buôn lậu, tên ăn cắp đi lang thang trong thành phố, cô bé Lydia với những bản tuyên ngôn, những tín đồ tông phái đả phá mê tín, Gurkevich đòi hỏi hiến pháp, – tất cả đều trở ngại cho công việc của chúng. Chính vì vậy mà Nekhliudov thấy thật rõ ràng tất cả bọn quan lại viên chức, bắt đầu từ ông chồng của bà dì chàng, từ những viên Khu mật, từ lão Toporov, cho đến những quan ngài nho nhỏ, thật sạch sẽ; thật tề chỉnh, ngồi trước bàn làm việc trong các bộ, họ chẳng hề bận lòng mảy may về chuyện những người vô tội phải chịu đau khổ, mà chỉ lo tìm cách trừ khử tất cả những người nào coi là nguy hiểm mà thôi.
Như thế thì ra không những người ta đã bỏ, không theo cái đạo lý: thà tha cho mười kẻ có tội để tránh không trừng phạt oan uổng một người vô tội, mà trái hẳn lại, để trừ khử được một phần tử thực sự nguy hiểm thì dù có phải trừng phạt oan cả mười người vô tội họ cũng cứ làm, cũng như là để cắt bỏ một bộ phận ung thối, người ta phải cắt ngay cả vào đến phần lành mạnh của cơ thể
Nekhliudov thấy cách giải thích tất cả những sự việc xảy ra theo lối như vậy thì dường như rất giản dị và rõ ràng, nhưng chính cái lối giản dị rõ ràng đó lại làm cho chàng do dự không dám thừa nhận cách giải thích ấy.
Không thể nào một hiện tượng phức tạp dường ấy lại có cách cắt nghĩa giản dị và kinh khủng như vậy được; không thể nào mà tất cả những lời đẹp đẽ về công lý, về lòng tốt, luật pháp, về tín ngưỡng, về Chúa v.v… lại chỉ là những lời nói suông để che đậy cho cái lòng tham lam bỉ ổi nhất và sự tàn bạo ghê tởm nhất.
Chú thích:
(1) Uniates: “phái liên hợp” là một tông phái công nhận quyền tối cao của Giáo hoàng nhưng vẫn giữ các nghi lễ tôn giáo cũ. (theo chú thích bản dịch Hoa văn).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.