Phục Sinh

CHƯƠNG 95



Nekhliudov bước nhanh theo đoàn tù. Tuy chỉ mặc quần áo mỏng, và khoác áo ngoài một chiếc áo choàng phong phanh, mà chàng vẫn thấy nóng ghê gớm, nhất là vì bụi bậm và cái không khí im lìm, nóng như thiêu như đốt của đường phố làm chàng ngột ngạt cả người. Đi được độ khoảng ba trăm thước, chàng lại lên xe vượt lên trước đoàn tù. Ngồi trong xe đi giữa đường, chàng lại càng thấy nóng hơn.
Chàng cố nhớ lại những ý nghĩ của mình về cuộc nói chuyện ngày hôm qua với người anh rể, nhưng giờ đây, những ý nghĩ đó không còn làm chàng xúc động như ban sáng nữa. Nó đã bị lấn át vì những ấn tượng trước cảnh đoàn tù khởi hành và lũ lượt kéo nhau đi. Nhưng cái chính là vì trời nóng bức khó chịu quá.
Chàng nhìn thấy ở cạnh một cái hàng rào, dưới bóng cây có hai cậu học sinh trung học, đầu trần, đứng trước mặt một người hàng kem rong đang quỳ xuống bán hàng.
Một cậu ăn ngon lành, đang mút một chiếc thìa nhỏ bằng sừng, còn một cậu đang đợi cái cốc người bán kem đắp đầy lên quá miệng một chất màu vàng.
– Gần ở đây có chỗ nào giải khát không nhỉ? – Nekhliudov hỏi người đánh xe, chàng thấy khát không chịu được.
– Có một cái quán cũng tốt, ở gần ngay kia ạ, – anh đánh xe trả lời và đến góc phố, anh ta rẽ quặt sang, đưa Nekhliudov đến trước một cửa hiệu trên treo một tấm biển lớn.
Người chủ quán béo húp híp, mặc áo sơ-mi trần, đang ở đằng sau quầy hàng; hai anh hầu bàn bận áo choàng màu cháo lòng, vì vắng khách nên đang ngồi chơi ở bàn; thấy người khách bất thường vào, họ tò mò nhìn rồi đứng dậy đón tiếp. Nekhliudov gọi một chai soda và ngồi vào một chiếc bàn nhỏ có phủ khăn bàn, ở xa cửa sổ.
Có hai người đàn ông đang ngồi trước một bộ ấm chén uống trà, họ vừa lau mồ hôi lấm tấm trên trán vừa bình tĩnh tính toán với nhau. Một người da bánh mật và hói, đằng sau gáy có một đường viền tóc đen giống như đầu Ignati Nikiforovich. Cái điểm giống nhau đó gợi cho Nekhliudov lại nhớ tới cuộc nói chuyện với anh rể và ý định của mình muốn gặp lại hai vợ chồng chị ruột trước khi đi. “Có lẽ mình sẽ không có thời giờ trước khi tàu chạy, – chàng nghĩ; tốt hơn là ta viết một lá thư”. Chàng hỏi mua giấy, một chiếc phong bì và một con tem và nhắp từng ngụm nước mát lạnh có hơi, vừa bắt đầu nghĩ đến điều chàng sắp viết, nhưng đầu óc rối tung, chàng thấy không thể nào viết nổi.
“Chị Natasa thân yêu, em không thể ra đi mà trong lòng còn mang theo ấn tượng nặng nề của cuộc nói chuyện với anh Ignati Nikiforovich ngày hôm qua…” – chàng bắt đầu lá thư như vậy. “Nói gì nữa nhỉ? Xin lỗi ư? Nhưng mình chỉ có nghĩ thế nào nói thế. Hắn sẽ tưởng là mình chối lời đã nói chăng. Vả lại, còn cái chuyện hắn can thiệp vào những công việc riêng của mình nữa! Không, không thể được”. Và chàng lại thấy dâng lên trong lòng một mối căm ghét con người xa lạ, tự đắc, không hiểu chàng.
Nekhliudov đút lá thư mới bắt đầu viết vào túi, trả tỉền và ra khỏi nhà hàng để đuổi theo đoàn tù.
Trời càng nóng nực bội phần. Tường nhà, hè phố như đổ lửa. Gan bàn chân cháy bỏng khi đặt lên trên mặt đường nóng nực; và khi đưa bàn tay vịn vào tai xe sơn bóng Nekhliudov có cảm giác như bị bỏng.
Con ngựa uể oải nước kiệu, lóc cóc gõ đều những chiếc móng sắt trên con đường gồ ghề, đầy cát bụi, anh xà-ích lim dim ngủ, Nekhliudov đầu óc không nghĩ ngợi gì, hững hờ nhìn ra trước mặt. Đến cuối một phố, trước cổng một ngôi nhà lớn, thấy có một đám đông xúm lại, và có một người lính áp giải mang súng đứng cạnh, chàng bảo cho xe đỗ lại.
– Có chuyện gì thế? – Chàng hỏi người gác cổng.
Có một người tù làm sao ấy.
Chàng bước xuống xe và lại gần đám đông. Trên mặt đường đá mòn, gồ ghề gần vỉa hè, có một người tù khổ sai nằm sõng sượt, đầu dốc xuống thấp hơn chân. Anh ta đã đứng tuổi, vai rộng, râu hung hung, mặt đỏ gay, mũi tẹt mình vận chiếc áo choàng và quần màu xám, hai bàn tay úp sấp lấm tấm vết tàn nhang. Bộ ngực vạm vỡ nở nang nhô lên, xẹp xuống đều đều, anh ta vừa thở nấc lên vừa trừng trừng giương cặp mắt đỏ ngầu những tia máu nhìn lên trời. Đứng xung quanh anh ta là một viên cảnh binh, lông mày nhíu lại, một người đưa thư, một người thư ký hiệu buôn, một bà lão đi ô và một thằng bé con tóc cắt ngắn cắp chiếc thúng không.
– Họ đã bị yếu ở trong tù, yếu kiệt sức rồi, vậy mà dẫn họ đi dưới trời nắng như thiêu như đốt thế nầy còn gì? – Người thư ký hiệu buôn, giọng gay gắt, nói với Nekhliudov đang tiến lại gần.
– Anh ta chắc chết mất thôi. – Bà cụ đi ô nghẹn ngào nói.
– Phải cởi khuy áo cánh cho anh ta, – người đưa thư bảo viên cảnh binh. Viên cảnh binh đưa những ngón tay thô kệch, run rẩy, vụng về với những chiếc dải thắt quanh cái cổ gân guốc đỏ gay của người tù. Người ta thấy rõ là hắn cảm động và ngượng nghịu, nhưng hắn vẫn thấy cần phải lên giọng quát mọi người.
– Xúm lại làm gì thế nầy? Trời nóng chết cha, các người còn chặn mất cả gió!
– Lẽ ra phải để thầy thuốc khám tất cả đã. Rồi những ai yếu phải để lại. Vậy mà họ bắt cả những người đã ngắc ngoải như thế nầy đi, – người thư ký hiệu buôn lại nói, vẻ hãnh diện về sự hiểu biết pháp luật của mình.
Sau khi đã cởi xong những dải áo cánh, viên cảnh binh đứng dậy liếc nhìn xung quanh.
– Các người tản ra đi, tôi đã bảo rồi mà! Không phải công việc của các người. Có gì mà ngó nào? – Hắn vừa nói vừa quay lại nhìn Nekhliudov để tìm một sự đồng tình nhưng không thấy có chút nào, hắn liền nhln sang người lính áp giải.
Nhưng anh nầy đứng lánh ra một nơi, đang mải xem xét cái gót giẩy của mình đã bị long ra, hoàn toàn không để ý đến sự bối rối của viên cảnh binh.
– Những kẻ có trách nhiệm không trông nom gì đến…
– Có phép nào để chết người như vậy không?
– Người tù là người tù, nhưng họ cũng vẫn là một con người. – Có tiếng nói trong đám đông ngày càng ồn ào.
– Nâng đầu anh ấy lên cho anh ấy uống nước! – Nekhliudov nói.
– Có người đi lấy nước rồi, – viên cảnh binh trả lời, rồi hắn lấy tay nâng người tù dậy và khó nhọc lắm mới nâng được cao hơn một chút.
– Xúm lại làm gì thề nầy? – Bỗng có một giọng nói đanh thép và hách dịch, và viên đồn trưởng cảnh sát, áo quần sạch trắng, đôi ủng bóng nhoáng, rảo bước lại gần đám người đang vây quanh nạn nhân.
– Đi chỗ khác! Không việc gì đến các người ở đây – chưa biết chuyện gì hắn đã quát xua mọi người đi.
Khi lại gần và trông thấy người hấp hối, hắn khẽ gật đầu làm ra vẻ hắn biết từ lâu rồi.
– Làm sao lại thế nầy?
Viên cảnh binh báo cáo là lức đoàn tù đi qua đây, người tù nầy ngã xuống và viện sĩ quan chỉ huy đã ra lệnh để người nầy lại.
– Ừ thế thì sao? Phải chở nó về đồn cảnh sát. Gọi một chiếc xe lại đây.
– Người gác cổng đã chạy đi gọi rồi ạ, – viên cảnh sát vừa nói vừa đưa tay lên mép mũ chào.
Người thư ký hiệu buôn định bắt đầu nói về trời nóng nực.
– Việc của anh đấy à? Đi đi! – Viên trưởng đồn quát lên và trợn mắt dữ dội nhìn người thư ký làm cho anh nầy tịt mất.
– Phải cho anh ta uống nước mới được, – Nekhliudov nói.
Viên trưởng đồn nghiêm mặt nhìn chàng nhưng không nói gì.
Khi người gác cổng mang bình nước về, hắn bảo người cảnh binh cho người tù uống. Viên cảnh binh nâng cái đầu đã ngoẹo của người tù lên, cố đổ nước vào mồm, nhưng người tù không uống được. Nước trào ra ngoài chảy xuống râu làm ướt cả chiếc áo cánh và mảnh áo lót bằng vải gai đầy bụi.
– Dội lên đầu cho nó, – viên trưởng đồn ra lệnh, và người cảnh binh trật cái mũ hình bánh đa ra, đổ cả bình nước lên cái đầu hói và mái tóc xoăn vàng hung hung.
Mắt người bất hạnh mở to ra như khiếp sợ, nhưng người anh vẫn không động đậy. Trên mặt, nước lẫn cát bụi chảy ròng ròng, nhưng mồm vẫn tiếp tục thở ra những tiếng khò khè đều đều, toàn thân run bật lên.
– Thế còn chiếc xe kia thế nào? Gọi nó lại dây! – Viên trưởng đồn vừa ra lệnh cho viên cảnh binh vừa chỉ vào anh đánh xe của Nekhliudov. – Ê! Thằng kia! Đánh xe lại đây!
– Xe tôi có khách rồi, – anh đánh xe sẩm mặt lại, trả lời mắt không nhìn lên.
– Xe tôi thuê đấy, – Nekhliudov nói, – nhưng ông cứ lấy đi! Tôi sẽ trả tiền anh! – Nekhliudov quay lại nói với người đánh xe.
– Thế chúng bay còn đợi gì nữa? – Viên trưởng đồn quát lên. – Khiêng nó đi!
Viên cảnh binh, người gác cổng và anh lính áp giải nâng người sắp chết lên, khiêng ra xe và vực anh ta đặt ngồi trên chiếc ghế. Nhưng anh ta không thể ngồi lấy một mình được, đầu thì ngoẹo ra đằng sau và toàn thân cứ tụt xuống khỏi ghế.
– Để nó nằm xuống! – Viên trưởng đồn ra lệnh.
– Bẩm quan, không sao ạ, tôi đưa về đồn như thế nầy được! – viên cảnh binh vừa nói vừa ngồi xuống cạnh người sắp chết và lấy cánh tay phải ôm xốc nách người anh ta.
Người lính nhấc hai bàn chân không bít-tất xỏ trong đôi giầy nhà tù, lùa xuống ghế xe.
Viên trưởng đồn liếc mắt nhìn quanh, hắn trông thấy cái mũ của người tù rớt ở dưới đường, liền nhặt lấy và chụp nó vào cái đầu ướt át, lả ngoẹo ra đằng sau xe.
– Thôi, đi! – Hắn ra lệnh.
Anh xà-ích cáu kỷnh ngoái lại nhìn quanh, lắc đầu và đánh xe đi bước một về đồn cảnh sát, người lính áp giải đi kèm bên. Viên cảnh binh ngồi bên cạnh người tù, luôn luôn phải xốc cái thây chỉ chực trườn xuống khỏi ghế, trong khi đó, cái đầu của nạn nhân lả bên nọ, lật bên kia. Người lính đi theo bên cạnh xe, chốc chốc lại đặt lại chân cho người tù. Nekhliudov bước theo sau xe.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.