Trong toa xe hạng ba rộng lớn chật ních hành khách lại bị mặt trời nung nấu suốt một ngày, hơi nóng ngột ngạt quá nên Nekhliudov không vào trong toa mà đứng bên ngoài, chỗ nối toa. Nhưng cả ở đấy nữa cũng không có lấy một chút hơi mát. Mãi khi đoàn tàu ra khỏi thành phố và có những luồng gió thổi qua, chàng mới thấy được thở căng lồng ngực.
“Đúng, chúng đã giết họ” – chàng nhắc lại những lời đã nói với chị. Và trong trí tưởng tượng của chàng, trên tất cả những ấn tượng của ngày hôm đó, vụt hiện lên một cách sinh động khác thường cái khuôn mát đẹp đẽ của người tù thứ hai với nụ cười trên môi, với vẻ trang nghiêm trên vầng trán, với vành tai cứng cáp, xinh xinh dưới cái đầu trọc đã tím lại. “Và cái điều kinh khủng hơn cả là anh ta đã bị giết mà không người nào biết ai đã giết. Thế mà anh ta đã bị chúng giết. Theo lệnh của Maxlenikov, người ta đã dẫn anh đi như tất cả những người khác. Chắc hẳn Maxlenikov cũng chỉ đã ra lệnh như mọi bận, hắn nguệch ngoạc một chữ kí ngu ngốc trên một tờ giấy có tiêu đề và chắc chắn là hắn tuyệt nhiên không tự cho mình là kẻ có tội trong việc nầy. Còn bác sĩ khám sức khỏe tù nhân, thì lại càng không thấy có tội. Ông ta đã làm phận sự không sai một ly, đã lọc ra những người yếu sức; ông ta đoán trước sao được hôm nay trời lại nóng như thiêu như đốt như thế nầy và họ lại giải tù đi muộn như vậy, mà lại đông đến thế. Còn giám ngục? Viên giám ngục cũng chỉ là thi hành cái mệnh lệnh phải giao đi, vào ngày nào đó, một số là bao nhiêu tù khổ sai, bao nhiêu tù đi đày, bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ, thế thôi. Cũng không thể nói viên sĩ quan áp giải là có tội được; nhiệm vụ của hắn là nhận một số tù nào đó, ở một nơi đã định và giao lại đủ số đó ở một nơi nào đó.
Hắn đã giải đi như thường lệ và cũng không ngờ đâu rằng những con người khỏe mạnh, như hai người mà Nekhliudov đã trông thấy đấy, lại không chịu nổi và bị chết. Không ai có tội cả, thế nhưng lại đã có những người đã bị giết mà bị giết chính bởi ngay những kẻ không có tội lỗi gì về cái chết của họ?”.
“Sự thể nầy xảy ra, – Nekhliudov nghĩ, – chỉ tại chỗ tất cả những người đó – tỉnh trưởng, giám ngục, trưởng đồn, cảnh binh – đều cho rằng ở đời có những trường hợp mà trong quan hệ giữa con người với nhau, không bắt buộc phải có thái độ nhân đạo. Nhưng tất cả những người đó cả Maxlenikov, viên giám ngục, và viên sĩ quan áp giải nếu họ không phải là tỉnh trưởng, là giám ngục, là sĩ quan áp giải thì chắc họ phải suy nghĩ ít nhất đến hai mươi lần rằng: trời nóng như thế, có thể cho dẫn những người nầy đi đông như thế được không?. Dọc đường họ sẽ dừng lại đến hai mươi lần, và khi nhận thấy có một người lả đi,thở không ra hơi thì họ đã phải cho anh ta ra ngay khỏi hàng ngũ và dẫn anh ta vào chỗ có bóng râm, để cho anh ta uống nước, để cho anh ta nghỉ ngơi, và cuối cùng, nếu điều bất hạnh còn xảy ra, họ sẽ tỏ lòng thương xót. Điều đó chẳng những giờ đây họ sẽ không làm mà họ còn ngăn cản không cho người khác làm nữa, chẳng qua chỉ tại một điều là trước mắt họ, họ chỉ thấy chức vụ của họ và những yêu cầu của chức vụ ấy thôi; những yêu cầu đó họ đặt lên trên tất cả những yêu cầu của quan hệ con người với nhau. Tất cả là ở chỗ đó, – Nekhliudov tiếp tục nghĩ. – Một khi người ta thừa nhận, dù là chỉ trong một tiếng đồng hồ hoặc trong một trường hợp độc nhất tối đặc biệt nào đó thôi, là có một cái gì đó quan trọng hơn tình nhân loại, thì không còn có tội ác nào người ta lại không phạm được mà vẫn cho mình là vô tội.
Nekhliudov đắm đuối suy nghĩ, nên không nhận thấy tiết trời thay đổi. Một đám mây đầu tiên tả tơi lan tới, thấp là là, che lấp cả mặt trời, rồi một đám mây dày dặc, mầu xám nhạt từ phương tây kéo nhanh đến: ở nẻo xa một trận mưa nặng hạt, xiên xiên đã trút xuống đồng ruộng, rừng cây. Hơi ẩm từ mây hoà vào không khí. Chốc chốc những tia chớp sáng loáng lại rạch xé mây đen. Tiếng sấm ầm ầm mỗi lúc một mau hoà lẫn với tiếng xe lửa chạy rầm rầm. Đám mây càng ngày càng lại gần; những giọt nước mưa xiên xiên, bị gió thổi bạt đi, bắt đầu lấm tấm rơi trên sàn chỗ nối toa và trên áo khoác ngoài của Nekhliudov. Chàng đổi chỗ sang phía bên kia, phồng ngực hít lấy hơi mát rượi, ẩm ướt và mùi lúa mạch ngọt ngào trên đồng ruộng đang chờ mưa; chàng nhìn những mảnh vườn, những khu rừng, những cánh đồng lúa mạch vàng hoe, những dải lúa kiều mạch xanh tươi và những luống khoai tây xanh thẫm đang nở hoa, lướt vụt qua trước mặt. Có thể nói là tất cả đều được phủ một lớp sơn bóng: màu xanh hoá ra xanh ngắt, vàng hoá ra vàng tươi, còn chỗ nào đen thì đen thẫm lại.
– Mưa nữa đi, mưa nữa đi. – Nekhliudov nói, lòng khoan khoái thấy đồng ruộng, vườn tược sống lại dưới trận mưa phúc đức. Cơn mưa rào tạnh ngay. Đám mây lớn, một phần trút xuống thành mưa, còn thì bay tản mạn ra xa, và những giọt mưa cuối cùng đã rớt thẳng thưa thớt, nhỏ hạt xuống mặt đất ướt át.
Mặt trời lại ló ra, làm cho muốn vật sáng loáng; đằng đông, trên đường chân trời, một cái mống cụt, không cao lắm, nhưng tươi sáng, đặc biệt có màu tím là thắm hơn ca.
“Nhưng ta đã nghĩ gì thế nầy?” Nekhliudov tự hỏi mình khi tất cả những biến đổi trong thiên nhiên đó đã chấm dứt và đoàn tàu bắt đầu chạy vào trong một đường hẻm, hai bên sườn vách cheo leo.
“Ừ! Phải, ta vừa nghĩ rằng tất cả những con người ấy giám ngục, sĩ quan, lính áp giải tất cả những viên chức đó, phần lớn vốn hiền lành, giờ đây, họ trở thành độc ác chỉ vì họ làm viên chức nhà nước thôi”.
Chàng nhớ lại thái độ lãnh đạm của Maxlenikov khi chàng kể cho hắn nghe những chuyện xảy ra ở trong nhà lao, nhớ lại sự khắc nghiệt của tên giám ngục, sự tàn nhẫn của viên sĩ quan áp giải từ chối không cho những người xin hắn được đi xe và chẳng đoái hoài chi tới người phụ nữ đau đớn, trở dạ đẻ ở trên tầu.
“Tất cả những con người đó, rõ ràng là tim họ trơ như đá rắn như sắt, không một chút tình thương xót đơn giản nào thấm được vào lòng họ, chỉ vì họ là viên chức nhà nước: Tình yêu thương nhân loại không thấm vào được lòng họ – những viên chức nhà nước – cũng như nước mưa không thể thấm được vào vách đá kia, – chàng nghĩ vậy khi nhìn hai bên vách xây bằng đá màu sắc sặc sỡ, trên đó nước mưa chảy ròng ròng như suối, không thấm vào đất ở bên trong được. – Có thể việc xây những vách đá kia là cần thiết, nhưng nhìn cả dải đất trơ trụi, không cây cối ta không khỏi đau lòng, vì trên mặt nó cũng có thể mọc xum xuê đầy lúa mạch, cỏ xanh, um tùm cây cối như ở trên đỉnh vách kia. Đối với con người cũng như thế, – Nekhliudov nghĩ – có thể những viên tỉnh trưởng, giám ngục, cảnh binh kia là cần phải có, nhưng nhìn thấy họ trơ như đá, không còn bản chất chủ yếu của con người nữa, không còn tình thương yêu giữa đồng loại với nhau nữa, thì thật là đáng ghê sợ
“Tất cả đều do ở chỗ những con người đó công nhận là luật pháp cái không phải là luật pháp và lại không công nhận là luật pháp cái luật pháp vĩnh cửu, bất biến, đương nhiên mà chính Thượng đế đã khắc sâu vào tâm khảm con người. Chính vì thế mà khi gần họ ta thấy khó chịu, chàng nghĩ. – Chỉ là ta sợ họ thôi. Những con người đó quả thật đáng ghê sợ, đáng ghê sợ hơn cả những tên trộm cướp. Tên trộm cướp dù sao đi nữa cũng còn có thể có từ tâm, chứ bọn họ thì không thể có được. Họ kỵ từ tâm cũng như những tảng đá kia kỵ cây cỏ. Chính vì thế mà họ đáng sợ. Người ta thường bảo là bọn Pugasev, bọn Razin là đáng sợ. Nhưng chính họ còn đáng sợ hơn gáp nghìn lần.
“Giả sử người ta đặt một vấn đề tâm lý: làm thế nào để tạo những con người ở thời đại chúng ta, những người theo đạo Thiên Chúa, những người theo chủ nghĩa nhân đạo những người chất phác lương thiện, thành những người làm được những việc đại gian, đại ác mà không thấy mình là có tội, thì chỉ có một giải đáp là làm cho những con người ấy trở thành tỉnh trưởng, những sĩ quan, những giám mục, nghĩa là thứ nhất: họ tin chắc rằng có một loại công việc gọi là viên chức nhà nước nó cho phép người ta đối xử với con người như đối xử với đồ vật, không có tình nhân loại, nghĩa bác ái gì hết; thứ hai: những con người làm việc cho nhà nước đó phải liên kết chặt chẽ với nhau như thế nào, để cái trách nhiệm về hậu quả những hành vi của họ sẽ không rơi xuống đầu riêng một người nào cả. Không có những điều kiện đó thì ở thời đại chúng ta, không thể nào có thể có được những hành vi ghê gớm như là ta đã chứng kiến ngày hôm nay. Tất cả là do người ta tưởng rằng có những trường hợp có thể đối xử với đồng loại không cần tình thương yêu. Nhưng làm gì có trường hợp như vậy. Người ta có thể đối xử không chút tình thương yêu đối với những vật vô tri vô giác; người ta có thể chặt cây, nung gạch, rèn sắt không chút tình thương; nhưng trong việc đối xử với con người không thể không có tình thương yêu được, cũng như người ta không thể nào chăm sóc ong mật lại không thận trọng. Bản tính của ong mật là như vậy. Nếu anh không cẩn thận với chúng thì anh sẽ làm hại chúng và làm hại cả chính bản thân anh nữa. Đối với con người cũng thế, không thể nào cư xử khác được, bởi vì lòng thương yêu lẫn nhau của con người là định luật cơ bản của đời sống loài người. Cố nhiên ta không thể buộc người khác phải thương yêu mình, như buộc người khác phải làm việc cho mình, nhưng không phải vì thế mà có thể đối xử với mọi người không có tình thương yêu, nhất là khí còn muốn đòi hỏi ở người khác một điều gì đó. Nếu anh không cảm thấy có tình thương yêu đối với mọi người, thì anh hãy ngồi yên đó, Nekhliudov tự nói với mình, – anh hãy chăm chút đến bản thân anh, trông coi đến những vật dùng của anh, đến tất cả những gì anh muốn, nhưng đừng động đến con người. Cũng như chỉ khi ta thấy đói cần ăn thì ăn mới có lợi mà vô hại, việc đối xử của con người cũng vậy nó chỉ có lợi mà không có hại khi anh yêu thương con người. Hãy thử đối xử với mọi người không chút tình thương yêu, như ta đã đối xử với người anh rể của ta hôm qua, thì sự độc ác tàn bạo trong cách ăn ở của mọi người sẽ không còn biết đâu là giới hạn nữa, như những sự việc chính mắt ta trông thấy trong ngày hôm nay, và nỗi đau khổ cho bản thân mình cũng không còn biết đâu là bến bờ nữa, như ta đã thấy rõ trong cả cuộc đời ta như vậy phải, phải, đúng là như vậy, – Nekhliudov nghĩ.
“Đúng! Đúng lắm!” – chàng tự nhắc lại và cảm thấy hai niềm khoan khoái: một là vì người được mát mẻ sau cơn nóng bức; hai là vì đã hiểu thấu được rất rõ ràng minh bạch một vấn đề từ lâu chàng vẫn băn khoăn.