Tâm lý học căn bản
Chương 1 – Phần 4
III. VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU TRONG LÃNH VỰC TÂM LÝ
Hôm ấy là một buổi tối mùa xuân ấm áp ở một thành phố nhỏ bé thuộc vùng New England. Chính ở thời gian và địa điểm ấy, Erica Morris đã bị cưỡng hiếp một cách dã man (Để tôn trọng bí mật của nạn nhân, dĩ nhiên đây không phải là tên thực của cô). Không cần phải nói vụ cưỡng hiếp ấy đã là đề tài giật gân cho các nhật báo phát hành ngày hôm sau đó, mà điều khiến cho công chúng kinh hoàng nhất chính là sự kiện vụ cưỡng hiếp đã xảy ra trước sự chứng kiến của rất nhiều kẻ bàng quan – không ai trong bọn họ động lòng trắc ẩn trước những lời van xin kêu cứu của Morris.
Như sau này nạn nhân tường thuật tỉ mỉ biến cố, cơn ác mộng bắt đầu khi cô tìm cách rời khỏi quán rượu. Một tên đàn ông chặn cô lại ngay cửa rồi xé toạc quần áo của cô, chỉ còn lại chiếc áo lót. Cô chống cự để tìm cách thoát thân, gào thét cầu xin ai đó trong cái quán đông đúc ấy ra tay cứu giúp. Nhưng kết quả của các lời kêu cứu của cô chỉ làm cho một vài tên khác gia nhập vào cuộc tấn công mà thôi. Bọn chúng vác cô đến một bàn bị da, rồi thay phiên nhau cưỡng hiếp cô.
Theo biên bản của cảnh sát, cô “đã la lên, khẩn cầu, và van xin cứu giúp – vậy mà không một ai chịu giúp cô”. Người duy nhất muốn giúp cô là một người khách quen của quán đã cố gọi cảnh sát. Nhưng ngay cố gắng này cũng tỏ ra vô ích, tại vì ông ta gọi nhầm số rồi ngưng luôn. Nhân viên đứng quầy yêu cầu mọi người không nên hưởng ứng lời van xin của cô bởi vì những kẻ tấn công Morris đã ngăn chặn những người có thể ra tay giúp đỡ bằng một con dao trét bơ.
Sau cùng, Morris vùng vẫy thoát khỏi bọn cưỡng dâm rồi chạy ra khỏi quán, gần như trần truồng và hoảng hốt. Nhưng lần này cô gặp may. Một người lái xe ngang qua đó đã cho cô lên xe, chở đến buồng điện thoại để kêu cứu.
Nếu đây là một biến cố hiếm khi xảy ra thì chúng ta có thể miễn cưỡng cho rằng thái độ của những kẻ bàng quan ấy là sửng sốt trước tình huống bất ngờ. Nhưng bất hạnh thay, các biến cố giống như thế – đã trở thành chất liệu cho một cuốn phim nhan đề là Bị cáo (The Accused), do Jodle Foster thủ vai chính – lại không phải là không thường xảy ra.
Chẳng hạn, trong một trường hợp khác được khá nhiều người biết đến, một phụ nữ tên là Kitty Genovese bị tấn công gần một cao ốc chung cư ở New York vào khoảng giữa thập niên 1960. Khi bị hành hung Genovese đã vùng vẫy thoát chạy được trong 30 phút. Trong thời gian đó cô kêu thét không ngừng “Chúa ơi. Nó đâm tôi. Cứu tôi!” Trong đêm tĩnh mịch, không dưới 38 người sống quanh đó đều nghe được tiếng kêu cứu của cô. Những cánh cửa sổ mở ra và ánh đèn bật lên. Một cặp vợ chồng đã kéo ghế đến bên cửa sổ và tắt đèn đi để xem cho rõ hơn. Có ai đó la lên: “Thả cô ấy ra!” Nhưng tiếng la đó không đủ sức làm tên sát nhân khiếp sợ. Hắn thản nhiên đuổi bắt cô, liên tiếp đâm cô thêm tám nhát dao rồi tiếp tục cưỡng hiếp cô trước khi bỏ cô nằm chết. Bao nhiêu trong số 38 người chứng kiến đã đến tiếp cứu cô? Giống như trường hợp Erica Morris, không có ai ra tay giúp đỡ cô cả.
Các trường hợp Erica Morris và Kitty Genovese đều là các thí dụ khiến người ta thất vọng và hoang mang về “thực trạng thiếu lòng vị tha”. Công luận cũng như các nhà tâm lý đều thấy khó lòng lý giải được nguyên nhân nào khiến cho quá nhiều người chứng kiến như thế lại nỡ đứng xuôi tay bàng quan chứ không chịu đến giúp đỡ các nạn nhân đáng thương ấy.
Các nhà tâm lý đặc biệt bối rối đối với vấn đề này trong nhiều năm và sau cùng họ đã đi đến một kết luận không ai ngờ đến là: cả hai cô Erica Morris và Kitty Genovese lẽ ra sẽ may mắn hơn nếu chỉ có ít người chứng kiến hoặc nghe được tiếng kêu cứu của họ. Thực ra, nếu chỉ có một người chứng kiến trong một trường hợp ấy, thì xác suất người chứng kiến can thiệp có lẽ sẽ khá cao. Hóa ra, càng ít người chứng kiến trong một tình huống giống như hai trường hợp nghiên cứu thì nạn nhân càng có nhiều cơ hội nhận được sự giúp đỡ hơn.
Nhưng làm thế nào các nhà tâm lý đã đi đến một kết luận kỳ lạ như vậy? Dù sao, logic và cảm nghĩ thông thường hiển nhiên sẽ cho rằng càng có nhiều người chứng kiến thì xác suất một người nào đó ra tay giúp đỡ nạn nhân càng lớn hơn. Nghịch lý biểu kiến này – và cách lý giải của các nhà tâm lý – minh chứng một công việc tối quan trọng trong lãnh vực tâm lý: nỗ lực nêu ra và lý giải các câu hỏi thích hợp.
1. Nêu ra câu hỏi thích hợp: lý thuyết và giả thuyết
Nỗ lực nêu ra được câu hỏi thích hợp và giải đáp hợp lý câu hỏi ấy thực hiện được nhờ sử dụng phương pháp khoa học. Phương pháp khoa học (Scientific method) là phương pháp được những người hành nghề tâm lý, cũng như các chuyên viên thuộc các bộ môn khoa học khác, vận dụng để tiến hành tìm hiểu thế giới chung quanh. Như minh họa ở Hình 1–2, phương pháp này gồm có ba bước chủ yếu: (1), xác lập câu hỏi thích hợp, (2) hình thành cách giải thích, và (3) thực hiện cuộc nghiên cứu nhằm minh chứng hoặc bác bỏ cách giải thích ấy.
Hình 1–2: Các bước thực hiện phương pháp khoa bọc.
Xác lập câu hỏi thích hợp –> Hình thành cách giải thích: Xây dựng lý thuyết; Xây dựng giả thuyết –> Thực hiện cuộc nghiên cứu: Toán tử hóa giả thuyết; Chọn lựa phương pháp nghiên cứu; Thu thập dữ kiện; Phân tích dữ kiện
a/ Xây dựng lý thuyết: Định rõ cách lý giải khái quát.
Khi vận dụng phương pháp khoa học, các nhà tâm lý khởi đầu công việc bằng cách quan sát hành vi ứng xử quen thuộc đối với tất cả chúng ta. Nếu bạn đã từng tự hỏi tại sao một vị giáo sư của bạn lại quá dễ nổi cáu, tại sao một người bạn nào đó cứ luôn luôn trễ hẹn, hoặc làm cách nào để con chó hiểu được các mệnh lệnh của bạn, ấy là bạn đã nêu ra các câu hỏi về hành vi ứng xử. Cũng vậy, các nhà tâm lý nêu ra các câu hỏi về bản chất và nguyên nhân gây ra các hành vi, dù các câu hỏi của họ thường trừu tượng hơn so với các câu hỏi của bạn.
Một khi đã nêu ra được câu hỏi thích hợp rồi, bước kế tiếp trong phương pháp khoa học là xây dựng lý thuyết để giải thích hiện tượng đã được quan sát. Lý thuyết (theory) là cách giải thích và dự đoán khái quát về hiện tượng nghiên cứu. Xuất phát từ các mô hình nhận thức tâm lý khác nhau đã đề cập trên đây, các lý thuyết sẽ khác biệt nhau cả về tầm bao quát lẫn mức độ sử dụng chi tiết của chúng. Thí dụ, một lý thuyết có thể tìm cách giải thích và dự đoán một hiện tượng khái quát như một kinh nghiệm xúc cảm nói chung nào đó chẳng hạn. Một lý thuyết có tầm bao quát hẹp hơn có thể nhằm dự đoán cách biểu lộ vô ngôn một cảm giác sợ hãi sau khi người ta bị đe dọa. Một lý thuyết còn cụ thể hơn nữa có thể nỗ lực giải thích các cơ trên khuôn mặt vận động liên tục ra sao để biểu lộ cảm giác sợ hãi khi người ta ở trong tâm trạng sợ hãi.
Tất cả chúng ta đều đã xây dựng cho riêng mình các lý thuyết không chính thức về hành vi ứng xứ, như “con người có tính bổn thiện” hoặc “Hành vi của con người thường có động cơ vị kỷ”. Nhưng các lý thuyết do các nhà tâm lý xây dựng lại có tính hợp thức và có mục tiêu rõ rệt hơn. Chúng được thiết lập trên cơ sở am hiểu tường tận các lý thuyết và các nghiên cứu tâm lý liên hệ đã được thực hiện trước đây, cũng như trên cơ sở kiến thức tổng quát của nhà tâm lý về lãnh vực khoa học của mình.
Thí dụ, các nhà tâm lý Bibb Latané và John Darley xúc động trước các thảm trạng điển hình của trường hợp Erica Morris và Kitty Genovese đã xây dựng một lý thuyết căn cứ vào một hiện tượng mà họ mệnh danh là khuếch tán trách nhiệm (diffusion of responsibility). Theo lý thuyết này càng có nhiều người chứng kiến một biến cố cần đến hành vi giúp đỡ thì cảm nghĩ tránh né trách nhiệm cứu giúp của tất cả những người chứng kiến ấy càng mạnh. Như vậy, do cảm nghĩ tránh né trách nhiệm này mà càng nhiều người có mặt tại hiện trường khẩn cấp thì mỗi người ở đó cảm thấy mình càng ít trách nhiệm cá nhân – và xác suất một cá nhân đơn độc nào đó ra tay cứu giúp càng thấp đi.
b/ Giả thuyết: Khéo léo đề ra các dự đoán kiểm chứng được.
Mặc dù một lý thuyết dễ hiểu như vậy, nhưng nó chỉ mới biểu thị giai đoạn khởi đầu trong tiến trình nghiên cứu của Latané và Dasley mà thôi. Bước kế tiếp của họ là hoạch định một đường lối để kiểm chứng xem liệu lập luận đưa ra có chính xác không. Muốn vậy, họ cần đưa ra một giả thuyết. Giả thuyết (hypothesis) là một dự đoán được phát biểu sao cho người ta có thể kiểm chứng nó trong thực tế. Giống như khi xây dựng các lý thuyết khái quát riêng cho mình về ngoại giới, chúng ta cũng đưa ra giả thuyết về sự tương quan giữa các biến cố với hành vi (từ những sự việc tầm thường như tại sao vị giáo viên Anh ngữ của chúng ta lại có hành vi lập dị như thế, cho đến những sự việc tế nhị như phương pháp nào giúp người ta học tập hữu hiệu nhất). Mặc dù hiếm khi kiểm chứng các giả thuyết ấy một cách có hệ thống, chúng ta quả cũng đã nỗ lực xác định xem chúng đúng hay sai. Chẳng hạn, để kiểm chứng một phương pháp học tập chúng ta có thể thử hạn định giờ giấc học tập trong một kỳ thi rồi kéo dài thời gian học tập trong một kỳ thi khác. Qua đánh giá các thành quả, chúng ta đã xây dựng được một phương pháp so sánh hai kế hoạch học tập ấy.
Giả thuyết của Latané và Darley là một suy luận trực tiếp từ một lý thuyết tổng quát hơn của họ về hiện tượng khuếch tán trách nhiệm: càng có nhiều người chứng kiến có mặt tại hiện trường khẩn cấp thì nạn nhân càng ít cơ hội được cứu giúp hơn. Dĩ nhiên, hai ông có thể chọn một giả thuyết khác (thí dụ, những người có tài năng đặc biệt rơi vào tình huống khẩn cấp như thế sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của những kẻ khác), nhưng suy luận ban đầu của họ đường như nhằm giúp cho lý thuyết được kiểm chứng trực tiếp.
Có một số lý do khiến nhà tâm lý tin cậy vào các lý thuyết và giả thuyết được xây dựng đúng theo yêu cầu khoa học. Một mặt, các lý tuyết và giả thuyết như vậy giúp họ nhìn thấy các điều quan sát rời rạc và các mảnh vụn thông tin có một ý nghĩa nào đó bằng cách đặt chúng vào một cơ cấu mạch lạc và cố kết. Ngoài ra chúng còn giúp cho nhà tâm lý có dịp vượt ra ngoài các sự kiện đã được biết về thế giới chung quanh để đưa ra được các kết luận về các hiện tượng đến nay chưa được lý giải. Bằng cách này, các lý thuyết và giả thuyết hợp quy cách đem đến một kim chỉ nam hợp lý để định hướng cuộc điều tra cần phải thực hiện trong tương lai.
Tóm lại, lý thuyết và giả thuyết giúp nhà tâm lý nêu ra được các câu hỏi thích hợp. Nhưng làm thế nào để giải đáp các câu hỏi ấy? Như chúng ta sẽ thấy, các giải đáp có được nhờ cuộc nghiên cứu (research), là một điều tra thăm dò có hệ thống nhằm khám phá các kiến thức mới mẻ.
2. Tìm giải đáp: Nghiên cứu trong lãnh vực tâm lý
Giống như khi xây dựng lý thuyết và giả thuyết để giải thích một hiện tượng đặc biệt nào đó, chúng ta cũng có thể sử dụng rất nhiều biện pháp chọn lựa khác nhau để tiến hành cuộc nghiên cứu. Nhưng dù sao, việc làm trước tiên là phải phát biểu lại giả thuyết theo thủ tục gọi là toán tử hóa để cho giả thuyết ấy có thể kiểm chứng được. Toán tử hóa (operationalization) là tiến trình diễn dịch một giả thuyết thành các công thức cụ thể, kiểm chứng được bằng cách đo đạc và quan sát. Để toán tử hóa một giả thuyết, người ta không bị buộc phải tuân thủ một đường lối nhất định nào. Việc làm này tùy thuộc vào logic, vào thiết bị và phương tiện sẵn có, vào mô hình nhận thức tâm lý được vận dụng, và sau cùng tùy thuộc vào tài trí của nhà nghiên cứu.
Chúng ta sẽ khảo sát một số công cụ chủ yếu được nhà tâm lý sử dụng trong nghiên cứu của mình.
a. Nghiên cứu tài liệu lưu trữ (Archival Reseach).
Giả sử giống như các nhà tâm lý Latané và Darley, bạn quan tâm tìm hiểu nhiều điều hơn nữa về các tình huống khẩn cấp trong đó những người chứng kiến đã không chịu ra tay cứu giúp nạn nhân. Một trong những địa chỉ đầu tiên mà bạn phải hướng đến có lẽ là các tư liệu. Thí dụ, nhờ các bản tin tường thuật của báo chí bạn có thể tìm được chứng cứ biện minh cho quan điểm chủ trương rằng sự giảm thiểu hành vi ra tay cứu giúp nạn nhân đã đi đôi với sự gia tăng số người chứng kiến có mặt tại hiện trường khẩn cấp.
Việc sử dụng các bài báo là một thí dụ về biện pháp nghiên cứu tư liệu lưu trữ. Trong biện pháp nghiên cứu tư liệu lưu trữ các hồ sơ và tư liệu có sẵn như các dữ kiện đều tra dân số (census data). Các giấy khai sinh, hoặc các mẫu báo lưu trữ chẳng hạn, được xem xét cẩn thận để xác minh một giả thuyết. Nghiên cứu tư liệu lưu trữ là một biện pháp kiểm chứng giả thuyết tương đối ít tốn kém, bởi vì người khác đã làm công việc thu thập dữ kiện căn bản cho bạn rồi. Dĩ nhiên, việc sử dụng các dữ kiện sẵn có như thế có một vài nhược điểm. Một mặt, các dữ kiện có thể không ở dạng cho phép nhà nghiên cứu kiểm chứng giả thuyết một cách toàn diện. Mặt khác, thông tin ấy có thể chưa hoàn chỉnh, không đầy đủ, hoặc đã được thu thập một cách tình cờ mà thôi.
Dù sao, trong hầu hết mọi trường hợp thì biện pháp nghiên cứu tư liệu lưu trữ đều bị bế tắc do một sự kiện đơn giản là các hồ sơ lưu trữ các thông tin cần thiết thường không có sẵn. Gặp phải các trường hợp này, nhà nghiên cứu thường quay sang một phương pháp nghiên cứu khác là quan sát theo phương pháp áp dụng trong khoa học tự nhiên.
b. Phương pháp quan sát áp dụng trong khoa học tự nhiên (Naturalistic Observation).
Theo phương pháp này, nhà nghiên cứu chỉ việc quan sát một hành vi nào đó khi nó xảy ra một cách ngẫu nhiên và không ra tay can thiệp vào diễn biến của tình huống. Thí dụ, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu hành vi ra tay cứu giúp có thể tìm đến một khu vực có mức độ phạm pháp cao trong thành phố để quan sát cách thức giúp đỡ mà các nạn nhân trong các vụ phạm pháp nhận được. Điểm quan trọng cần ghi nhớ về phương pháp quan sát này là nhà nghiên cứu phải có thái độ thụ động và chỉ đơn thuần ghi nhận tỉ mỉ những gì đang xảy ra ở hiện trường mà thôi.
Mặc dù ưu điểm của phương pháp quan sát này là hiển nhiên – chúng ta lấy một mẫu gồm những hành vi mà con người thực hiện trong “bối cảnh sống tự nhiên” (natural habitat) – nhưng cũng có một nhược điểm quan trọng: đó là không thể khống chế được bất cứ một nhân tố quan trọng nào cả. Thí dụ, chúng ta có thể chỉ khám phá được quá ít trường hợp trong đó hành vi cứu giúp xảy ra một cách tự nhiên, nên sẽ không thể rút ra được bất kỳ một kết luận nào có tính thuyết phục. Bởi vì phương pháp quan sát này ngăn cấm thực hiện các thay đổi cần thiết trong một tình huống đã xảy ra, nên nhà nghiên cứu phải chờ đợi cho đến khi các điều kiện thích hợp xảy ra. Tương tự, nếu người ta biết được mình bị theo dõi, có thể họ sẽ phản ứng khác đi khiến cho hành vi của họ không tiêu biểu thực sự cho mẫu quan sát.
c. Nghiên cứu điều tra (Survey Research)
Không một phương pháp nào nhằm tìm hiểu xem con người tư duy, cảm nhận và hành động đều gì trực tiếp bằng phương pháp đặt câu hỏi ngay với họ. Vì lý do này, các cuộc đều tra được xem là phương pháp nghiên cứu quan trọng. Trong nghiên cứu điều tra (survey research), một nhóm người được chọn tiêu biểu cho một dân số (population) lớn hơn nhóm ấy được yêu cầu trả lời một loạt câu hỏi về hành vi (behavior), ý nghĩ (thoughts), hoặc thái độ (attitudes) của chính họ. Các phương pháp điều tra đã tiến bộ tinh vi đến mức thậm chí chỉ cần sử dụng một mẫu rất nhỏ cũng đủ để suy luận khá chính xác về cách thức phản ứng của một khối dân số lớn hơn mẫu (sample) rất nhiều. Thí dụ, chỉ cần chọn mẫu gồm vài ngàn cử tri là đủ để dự đoán với sai số khoảng 0,01 hoặc 0,02% ai sẽ là người thắng cuộc trong cuộc tranh cử Tổng thống – với điều kiện mẫu điều tra được chọn thật cẩn thận.
Nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu hành vi ra tay cứu giúp có thể mở một cuộc điều tra để phỏng vấn những người chứng kiến về lý do khiến họ không muốn ra tay cứu giúp một cá nhân khác. Tương tự, các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu tập quán tình dục đã thực hiện nhiều cuộc điều tra để tìm hiểu tập quán nào phổ biến và tập quán nào không phổ biến, rồi vẽ biểu đồ diễn tả biến chuyển quan điểm luân lý về vấn đề tình dục trong vài thập niên trước đây.
Tuy việc phỏng vấn trực tiếp để tìm hiểu hành vi của đối tượng về một số mặt có vẻ là con đường ngắn nhất, nhưng phương pháp nghiên cứu điều tra cũng có một vài nhược điểm. Một mặt, các đối tượng có thể cung cấp thông tin thiếu chính xác vì trí nhớ nhầm lẫn hoặc vì họ không muốn cho nhà nghiên cứu biết rõ quan điểm hay niềm tin thực sự của họ về một vấn đề đặc biệt nào đó. Ngoài ra, đôi khi các đối tượng đưa ra câu trả lời mà họ cho rằng nhà nghiên cứu muốn nghe – hoặc ngược lại, đưa ra những câu trả lời mà họ cho nhà nghiên cứu không muốn phơi bày ra.
d. Nghiên cứu trường hợp điển hình (Case study)
Khi bọn cưỡng hiếp Erica Morris bị sa lưới pháp luật, nhiều người cảm thấy thắc mắc rằng do cá tính hoặc hoàn cảnh giáo dục nào khiến cho bọn chúng có hành vi dã man như thế. Để trả lời câu hỏi này, các nhà tâm lý có thể dùng phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình. Ngược lại phương pháp nghiên cứu điều tra trong đó người ta phải tìm hiểu nhiều người, nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) là phương pháp tìm hiểu sâu rộng một cá nhân hoặc một nhóm rất ít người. Theo phương pháp này, nhà tâm lý thường phải thực hiện một trắc nghiệm tâm lý, trong đó nhà tâm lý sử dụng một loạt câu hỏi được soạn thảo cẩn thận để tìm hiểu sâu sắc cá tính của đối tượng nghiên cứu.
Khi sử dụng các nghiên cứu điển hình, mục tiêu của nhà tâm lý không chỉ tìm hiểu về một vài đối tượng nghiên cứu mà còn nhằm sử dụng các điều hiểu biết sâu sắc đạt được để hiểu rõ hơn về con người nói chung. Tuy nhiên, phép loại suy (extrapolation) như thế phải được thực hiện hết sức dè dặt. Thí dụ, mức độ tiêu biểu cho dân số nói chung của bọn cưỡng hiếp trong vụ Erica Morris chắc chắn là vấn đề dễ gây tranh cãi.
e. Nghiên cứu tương quan (Correlational Research)
Khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu mà chúng ta vừa miêu tả, các nhà nghiên cứu thường muốn xác định được mối tương quan giữa hai hành vi hoặc giữa các phản ứng đối với hai câu hỏi nêu trong bảng lục vấn (a questionaire). Chẳng hạn, chúng ta muốn tìm hiểu xem liệu những đối tượng khai rằng họ thường xuyên đi lễ nhà thờ có hay giúp đỡ người lạ trong các tình huống khẩn cấp không. Nếu quả thực chúng ta tìm được một mối tương quan như thế, chúng ta có thể nói rằng có sự kết hợp – hoặc tương quan (correlation) – giữa hiện tượng đi lễ nhà thờ với hành vi cứu giúp trong các trường hợp khẩn cấp.
Trong nghiên cứu tương quan, mối tương quan giữa hai loại yếu tố được khảo sát để xác định xem liệu chúng có kết hợp, hoặc có “tương quan” với nhau không? Cường độ tương quan được biểu thị bởi một hệ số toán học có trị số trong khoảng xác định từ +1,0 đến –1,0. Hệ số có trị số dương hàm ý rằng khi trị số của một yếu tố tăng lên chúng ta có thể dự đoán rằng trị số của yếu tố kia cũng tăng lên.
Thí dụ, nếu chúng ta dự đoán rằng thời gian học tập càng nhiều thì điểm thi càng cao và thời gian học tập càng ít thì điểm thì càng thấp, chúng kỳ vọng sẽ tìm được mối tương quan có hệ số dương. (Trị số cao của yếu tố thời lượng học tập kết hợp với trị số cao của yếu tố điểm thi, trị số thấp của thời lượng học tập kết hợp với trị số thấp của điểm thi). Do đó, mối tương quan sẽ được biểu thị bằng một hệ số có trị số dương, và sự kết hợp giữa thời lượng học tập và điểm thi càng chặt chẽ thì hệ số ấy có trị số càng gần bằng + 1,0.
Ngược lại, mối tương quan có hệ số âm cho thấy rằng khi trị số của một yếu tố tăng lên thì trị số của yếu tố kia giảm đi. Thí dụ, chúng ta có thể dự đoán rằng khi thời lượng học tập tăng lên thì thời lượng giải trí sẽ giảm đi. Khi đó, chúng ta kỳ vọng một hệ số tương quan âm có trị số từ 0 đến –1: Học nhiều hơn sẽ khiến cho thời lượng giải trí ít đi, và học ít đi sẽ khiến cho thời lượng giải trí tăng thêm. Sự kết hợp giữa học tập và giải trí có cường độ càng mạnh thì hệ số tương quan có trị số càng gần bằng –1.0.
Dĩ nhiên, rất có thể giữa hai loại yếu tố không có mối liên hệ nào cả, do đó chúng ta nói chúng không có tương quan. Chẳng hạn, có lẽ chúng ta không kỳ vọng tìm ra được mối tương quan giữa thời lượng học tập và chiều cao của sinh viên. Trường hợp này sẽ được biểu thị bằng hệ số tương quan có trị số gần bằng hoặc bằng zéro; bởi vì chúng ta biết rằng thời lượng học tập không hề phản ảnh điều gì về chiều cao của sinh viên cả.
Khi thấy rằng giữa hai biến số (variables) có mối tương quan chặt chẽ với nhau, chúng ta thường hay cho rằng yếu tố (biến số) này là nguyên nhân gây ra yếu tố (hay biến số) kia. Thí dụ, khi thấy rằng thời lượng học tập càng nhiều có liên hệ với điểm thi càng cao, chúng ta có khuynh hướng phỏng đoán rằng thời lượng học tập nhiều hơn là nguyên nhân khiến cho điểm thi càng cao. Mặc dù không phải là một linh cảm tệ hại (a bad hunch), nhưng nó vẫn chỉ là một phỏng đoán mà thôi – bởi vì phát hiện rằng giữa hai yếu tố có mối tương quan không có nghĩa là có mối liên hệ nhân quả (a causal relationship) giữa hai yếu tố ấy. Tương quan chặt chẽ hàm ý rằng biết được thời lượng học tập có thể giúp chúng ta dự đoán sinh viên sẽ thi cử hiệu quả ra sao, chứ không có ý nói rằng thời lượng học tập là nguyên nhân của thành tích thi cử. Chẳng hạn, người thông minh hơn thường học hỏi được nhiều hơn so với người kém thống minh; cho nên, chính trí thông minh mới là nguyên nhân để đạt được thành tích thi cử, chứ không phải là thời lượng học tập. Đơn giản là vì sự kiện hai yếu tố xảy ra song hành với nhau không có nghĩa là phải kết luận yếu tố này là nguyên nhân gây ra yếu tố kia.
Điểm tối quan trọng cần ghi nhớ là phương pháp nghiên cứu tương quan không thông báo cho chúng ta đều gì về nguyên nhân (cause) và hậu quả (effect), thực ra nó chỉ cống hiến một phương tiện đo lường cường độ liên hệ giữa hai loại yếu tố mà thôi. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy rằng trẻ con xem nhiều chương trình TV có nội dung bạo lực tương đối dễ có hành vi gây hấn (aggressive behavior), còn những trẻ em ít xem các chương trình ấy lại tương đối ít biểu lộ loại hành vi này (xem Hình 1–3). Chúng ta không thể nói rằng hành vi gây hấn có nguyên nhân ở việc xem TV, bởi vì nguyên nhân của loại hành vi này rất có thể xuất phát từ một yếu tố nào khác. Thí dụ, chúng ta có thể biết rằng những đứa trẻ có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp kém mà lại xem nhiều chương trình TV có nội dung bạo lực thì sẽ dễ có hành vi gây hấn hơn. Như vậy, các yếu tố liên quan đến hoàn cảnh kinh tế xã hội của gia đình có thể là nguyên nhân thực sự khiến cho các đứa trẻ có hành vi gây hấn. Thực ra, có thể có một số yếu tố hậu thuẫn cho cả hành vi gây hấn lẫn việc xem TV. Thậm chí, có thể nói rằng những người dễ có hành vi gây hấn thích xem các chương trình TV có nội dung bạo lực bởi vì họ là những người hiếu chiến. Như vậy, rõ ràng rằng bất kỳ chuỗi sự kiện có liên hệ nhân quả nào cũng có thể xảy ra – và không thể bị loại trừ bởi phương pháp nghiên cứu tương quan.
Sự bất lực của phương pháp nghiên cứu tương quan trong việc giải đáp các câu hỏi có bản chất liên hệ nhân quả chính là nhược điểm của phương pháp này vậy. Song le, có một kỹ thuật khác thiết lập được mối liên hệ nhân quả, đó là phương pháp nghiên cứu thực nghiệm.
Có thể là nguyên nhân |
Có thể là hậu quả |
1. Thích xem các chương trình TV có nội dung bạo lực |
Người xem có hành vi gây hấn |
2. Hoàn cảnh kinh tế xã hội |
Thích xem các chương trình TV có nội dung bạo lực |
Người xem dễ có hành vi gây hấn |
|
3. Người hay có hành vi gây hấn |
Thích xem các chương trình TV có nội dung bạo lực |
Hình 1–3: Khi khám phá thấy sự kiện thường xuyên xem các chương trình TV có nội dung bạo lực có liên hệ đến mức độ dễ có hành vi gây hấn, chúng ta có thể nêu ra được một số nguyên nhân có vẻ hợp lý, như trình bày ở hình này. Như vậy, các khám phá do phương pháp nghiên cứu tương quan không giúp chúng ta quyết định được mối liên hệ nhân quả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.