Tâm lý học căn bản
Chương 1 – Phần 6
3. Tóm tắt và học ôn III
A. TÓM TẮT
– Phương pháp khoa học sử dụng bởi các nhà tâm lý gồm 3 bước: Xác lập câu hỏi thích hợp, hình thành cách giải thích, và tiến hành cuộc nghiên cứu nhằm minh chứng hoặc bác bỏ cách giải thích ấy.
– Lý thuyết là lời giải thích khái quát và các dự đoán về các hiện tượng nghiên cứu.
– Giả thuyết thoát thai từ lý thuyết. Nó phát biểu các giả định rút ra từ lý thuyết dưới dạng sao cho các giả định ấy có thể kiểm chứng được qua cuộc nghiên cứu.
– Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu là: nghiên cứu tài liệu lưu trữ (archival research), quan sát ứng dụng trong khoa học tự nhiên (naturalistic observation), nghiên cứu điều tra (survey research), và nghiên cứu trường hợp điển hình (case study).
– Theo phương pháp nghiên cứu tương quan, người ta khảo sát mối tương quan giữa hai loại biến số để xác định xem liệu chúng có liên hệ với nhau không, mặc dù người ta không thể thiết lập được mối liên hệ nhân quả (cause–and–effect relationship) giữa hai biến số ấy.
– Trong một thí nghiệm hợp quy cách khoa học – là biện pháp duy nhất để xác định mối liên hệ nhân quả – mối tương quan giữa các yếu tố được khảo sát bằng cách cố tình làm cho một yếu tố biến động và quan sát các hậu quả của biến động ấy xảy ra cho yếu tố kia.
B. HỌC ÔN
1/ Giải thích về một hiện tượng nghiên cứu được gọi là…
2/ Muốn kiểm chứng giải thích này, người ta phải phát biểu nó dưới dạng một câu hỏi có thể kiểm chứng được. Câu hỏi này được gọi là…
3/ Một nhà thí nghiệm quan tâm tìm hiểu mối tương quan giữa cảm giác đói (hunger) và hành vi gây hấn (aggression). Ông ta xác định hành vi gây hấn bằng số lần đánh vào bị cát của một đối tượng. Tiến trình xác định biến số này được gọi là gì?
4/ Cặp đôi các phương pháp nghiên cứu dưới đây với định nghĩa của chúng.
1. Nghiên cứu tài liệu lưu trữ.
2. Quan sát áp dụng trong khoa học tự nhiên.
3. Nghiên cứu điều tra.
4. Nghiên cứu trường hợp điển hình.
a. Trực tiếp đặt câu hỏi về hành vi của những người được chọn làm mẫu thí nghiệm.
b. Khảo sát các tài liệu có sẵn để chứng thực một giả thuyết.
c. Quan sát một hành vi trong bối cảnh thực tế của nó mà không can thiệp vào kết quả xảy ra.
d. Tìm hiểu sâu rộng về một cá nhân hoặc một nhóm rất ít người.
5/ Cặp đôi mỗi phương pháp nghiên cứu với một khó khăn căn bản đối với phương pháp ấy
1. Nghiên cứu tài liệu lưu trữ.
2. Quan sát áp dụng trong KH tự nhiên.
3. Nghiên cứu điều tra.
4. Nghiên cứu trường hợp điển hình.
a. Không thể tổng quát hóa để đưa ra kết luận về dân số.
b. Hành vi của con người có thể đổi khác đi nếu họ biết rằng mình bị theo dõi.
c. Các dữ kiện thiết yếu để có thể hoặc không sử dụng được.
d. Người ta có thể dối trá để phô bày hình ảnh tốt đẹp của mình.
6/ Hệ số tương quan có trị số +2,0 (A correlation of +2.0) cho thấy các biến số liên hệ chặt chẽ với nhau. Đúng hay sai?…
7/ Giáo sư của bạn nói rằng: “Lo âu khi nói chuyện trước công chúng và thành tích của buổi biểu diễn có hệ số tương quan âm. Do đó, lo âu càng nhiều hẳn phải khiến cho thành tích càng kém đi.” Câu phát biểu này đúng hay sai, tại sao?
8/ Một nhà tâm lý muốn tìm hiểu ảnh hưởng của nhan sắc của một người đối với sự kiện nhận được sự tình nguyện giúp đỡ giải một bài toán. Nhan sắc sẽ là biến số…, còn số hành vi giúp đỡ là biến số…
9/ Nhóm đối tượng trong thí nghiệm không tiếp nhận thao tác thí nghiệm được gọi là nhóm…
10/ Tất cả các cuộc thí nghiệm, nghiên cứu tài liệu lưu trữ, và nghiên cứu trường hợp điển hình đều có thể thiết lập được các mối liên hệ nhân quả giữa các biến số. Đúng hay sai?…
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Khi tiến hành một thí nghiệm, bạn quyết định chọn 20 đối tượng đầu tiên đưa vào nhóm thí nghiệm (experimental group) và chọn 20 đối tượng kế tiếp đưa vào nhóm kiểm soát (control group). Tại sao việc làm này có thể không phải là một ý kiến hay?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
IV. CÁC VẤN ĐỀ NẢY SINH TRONG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU
Đến đây nhà tâm lý đã có được một số công thức đơn giản để tuân thủ khi thực hiện cuộc nghiên cứu. Ông phải chọn lựa phương pháp tiến hành, các đại lượng đo lường và các phương tiện phân tích kết quả nghiên cứu. Nhưng sau khi đã đáp ứng các yêu cầu căn bản này rồi, nhà tâm lý cũng cần quan tâm đến một số vấn đề tối quan trọng. Trước tiên, chúng ta nhắm đến một trong các vấn đề quan trọng nhất: đó là vấn đề đạo đức.
1. Vấn đề đạo đức trong cuộc nghiên cứu
Nếu tự đặt mình vào địa vị một đối tượng trong cuộc thí nghiệm của Latané và Darley, bạn sẽ có cảm giác ra sao khi được biết nhân vật mà bạn tưởng rằng đang bị cơn động kinh thực ra là kẻ đồng mưu với nhà thí nghiệm?
Tuy thoạt đầu bạn có thể thấy nhẹ nhõm rằng không có tình huống khẩn cấp thực sự, nhưng rồi có lẽ bạn cũng có đôi chút bực dọc vì bị nhà thí nghiệm đánh lừa. Và có lẽ bạn cũng lo ngại rằng bạn đã bị đặt vào một tình huống không bình thường, trong đó tùy theo cung cách cư xử mà bạn có thể phải gánh chịu tổn thương đến lòng tự trọng của mình.
Hầu hết các nhà tâm lý đều cho rằng việc sử dụng thủ đoạn lừa bịp đôi khi cần thiết để tránh làm cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ rằng bản thân họ là mục đích chân chính của cuộc nghiên cứu. (Nếu biết rõ cuộc nghiên cứu của Latané và Darley thực sự liên quan đến hành vi giúp đỡ của bạn, phải chăng bạn sẽ không tự động để bị lôi cuốn xen tay vào tình huống khẩn cấp giả tạo ấy?). Để tránh những hậu quả như vậy, đôi khi các nhà nghiên cứu đành phải sử dụng thủ đoạn lừa bịp.
Tuy nhiên, bởi vì các nghiên cứu rất có thể xâm phạm đến nhân quyền của các đối tượng cộng tác, nên người ta kỳ vọng các nhà tâm lý tôn trọng triệt để một số hướng dẫn chặt chẽ về mặt đạo đức nhằm mục đích bảo vệ các đối tượng ấy. (Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, 1990). Các hướng dẫn này nhằm bảo vệ đối tượng công tác tránh bị tổn thương về cơ thể và tinh thần, quyền giữ bí mật các hành vi của đối tượng, bảo đảm rằng việc tham dự thí nghiệm là hoàn toàn do tự nguyện, và đối tượng phải được thông báo cụ thể về bản chất của các thao tác trước khi họ bước vào cuộc thí nghiệm. Mặc dù hướng dẫn này cho phép sử dụng thủ đoạn đánh lừa, nhưng cuộc thí nghiệm phải được kiểm tra bởi một ban hội thảo độc lập trước khi sử dụng thủ đoạn ấy – và mọi cuộc nghiên cứu dùng con người làm đối tượng đều bị buộc phải như vậy.
Một trong các nguyên tắc đạo đức then chốt mà các nhà tâm lý phải tuân thủ là phải được đối tượng thông báo ưng thuận tham dự thí nghiệm. Trước khi tham dự thí nghiệm, đối tượng phải ký một văn bản xác nhận rằng họ đã được thông báo cụ thể về nội dung căn bản của cuộc nghiên cứu, biết rõ họ sẽ làm gì trong cuộc nghiên cứu ấy, biết rõ thí nghiệm có thể xảy ra các rủi ro gì, rằng việc tham dự của họ là hoàn toàn tự nguyện và có thể chấm dứt bất cứ lúc nào họ muốn. Trường hợp duy nhất mà sự thông báo ưng thuận của đối tượng được miễn trừ là các cuộc thí nghiệm có mức rủi ro tối thiểu, như trong cuộc nghiên cứu dùng phương pháp quan sát thuần túy ở một góc phố hoặc một địa điểm công cộng nào đó. Không phải chỉ các nhà tâm lý dùng con người làm đối tượng nghiên cứu mới bị ràng buộc khắt khe về mặt đạo đức mà các nhà tâm lý sử dụng loài vật cũng có một loạt các hướng dẫn cụ thể để bảo đảm không gây đau đớn cho chúng. Đặc biệt, họ phải cố gắng giảm thiểu việc gây bất an, bệnh hoạn, và đau đớn cho con vật thí nghiệm. Đồng thời, các thao tác khiến cho con vật phải chịu đau đớn chỉ được sử dụng khi không còn biện pháp nào khác và khi mục tiêu nghiên cứu được minh chứng bởi giá trị kỳ vọng của nó. Ngoài ra, còn có một số luật lệ cấp liên bang quy định cách thức chăm sóc và bảo vệ chúng nữa. Các nhà nghiên cứu không những phải cố gắng tránh gây đau đớn cho thể xác loài vật mà còn bị buộc phải lo cải thiện đời sống tâm lý của một vài loài vật có trình độ phát triển cao khi dùng chúng làm vật thí nghiệm.
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cụ thể, các cuộc nghiên cứu dùng loài vật làm đối tượng nghiên cứu vẫn gây ra nhiều tranh cãi đến mức có một số người kêu gọi cấm chỉ hoàn toàn các cuộc thí nghiệm ấy. Nhưng hầu hết các nhà tâm lý đều cho rằng các hướng dẫn hiện hành về mặt đạo đức đã khá nghiêm ngặt, đủ để bảo vệ con vật khi tiến hành các cuộc thí nghiệm có giá trị.
2. Các trở ngại đối với cuộc thí nghiệm: kỳ vọng của nhà thí nghiệm và đối tượng cộng tác.
Ngay cả những kế hoạch thí nghiệm được chuẩn bị hoàn hảo nhất cũng dễ bị ảnh hưởng các thiên lệch tâm lý phát sinh trong cuộc thí nghiệm (experimental bias) các yếu tố làm sai lạc chủ ý của nhà thí nghiệm về cách tác động của biến số độc lập đối với biến số tùy thuộc. Một thiên lệch thông thường nhất phải loại trừ là kỳ vọng của nhà thí nghiệm (experimenter expectations), theo đó nhà thí nghiệm vô tình truyền đạt ý muốn của mình về kết quả kỳ vọng cho các đối tượng thí nghiệm. Nguy cơ là các kỳ vọng này sẽ khiến cho đối tượng thường có các hành vi “phù hợp” – thứ hành vi đáng lẽ không nên để xảy ra. Thí dụ, nếu Latané và Darley đã có hành động ngầm khiến cho các đối tượng trong nhóm 2 người chứng kiến biết rằng họ mong muốn đối tượng có hành vi giúp đỡ nạn nhân, và tiết lộ rằng họ ít kỳ vọng các đối tượng thuộc nhóm 6 người chứng kiến ra tay giúp đỡ, thì thái độ này của nhà thí nghiệm – dù vô tình đến mức nào – có lẽ sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho kết quả thí nghiệm.
Một vấn đề có liên quan khác là kỳ vọng của đối tượng (subject expectation) về hành vi mà họ cho là phù hợp, là nên có trong cuộc thí nghiệm. Nếu đã từng là đối tượng trong một thí nghiệm, khi ấy bạn nhanh chóng biết rằng người ta mong muốn bạn làm điều gì. Và thường thì đối tượng hay có quan điểm riêng tư về điều mà nhà thí nghiệm hy vọng xảy ra trong cuộc thí nghiệm. Nếu các kỳ vọng này ảnh hường đến hành vi của đối tượng thì đây quả là điều đáng lo ngại, bởi vì khi ấy thao tác thí nghiệm sẽ không còn gây hậu quả vô tư đối với biến số tuỳ thuộc nữa, mà chính kỳ vọng của đối tượng mới là tác nhân chân chính trong cuộc thí nghiệm.
Để tránh các trở ngại gây ra do kỳ vọng của đối tượng làm sai lạc kết quả thí nghiệm, nhà thí nghiệm có thể cố gắng che đậy mục tiêu tích thực của cuộc thí nghiệm. Chẳng hạn, không biết rằng hành vi cứu giúp của họ đang được quan sát thì các đối tượng sẽ dễ dàng hành động “tự nhiên” hơn. Do đó, Latané và Darley đã quyết định đánh lừa các đối tượng bằng cách bảo họ rằng mục đích thí nghiệm là tổ chức thảo luận về các vấn đề riêng tư trong đời sống sinh viên. Làm như thế, họ hy vọng các đối tượng sẽ không thắc mắc gì về mục tiêu đích thực của cuộc thí nghiệm.
Trong một số thí nghiệm người ta không thể che đậy được mục đích chân chính của cuộc nghiên cứu. Đối với các trường hợp đó lại có các thủ thuật khác. Thí dụ, bạn quan tâm thử nghiệm hiệu lực của một loại dược phẩm mới nhằm làm giảm các triệu chứng trầm uất. Nếu bạn chỉ đơn thuần cho phân nửa số đối tượng dùng thuốc và phân nửa kia không dùng thuốc, thì các đối tượng dùng thuốc có lẽ sẽ báo cáo cảm giác bớt sa sút tinh thần đơn giản chỉ vì họ nghĩ rằng họ đã dùng thuốc. Tương tự các đối tượng không dùng thuốc sẽ báo cáo cảm giác không khả quan gì hơn trước vì họ biết rằng họ thuộc nhóm không được chữa trị và chỉ nhằm mục đích kiểm soát kết quả thí nghiệm mà thôi.
Muốn khắc phục khó khăn này, các nhà tâm lý thường dùng một biện pháp theo đó các đối tượng thuộc nhóm kiểm soát cũng được dùng thuốc, đôi khi dưới dạng loại thuốc vờ. Loại thuốc vờ (placebo) là loại thuốc không có tác dụng hóa học gì quan trọng hay không có thành phần trị liệu gì cả. Các đối tượng thuộc cả hai nhóm đều được xếp đứng trong bóng tối khi nhận các viên thuốc thật hay giả, mọi dị biệt về hiệu quả chỉ lệ thuộc vào tính chất thuốc chứ không do tác dụng tâm lý của việc dùng thuốc hay không dùng thuốc.
Thế nhưng, vẫn còn một điều mà nhà nghiên cứu phải thận trọng thực hiện trong quá trình thí nghiệm. Điều ấy là, để khắc phục khả năng các kỳ vọng của nhà thí nghiệm có thể ảnh hưởng đến tâm lý của đối tượng, những người dùng thuốc không nên được cho biết rằng họ dùng thuốc thực hay thuốc giả. Nhờ biện pháp tránh cho cả hai bên đối tượng và nhà thí nghiệm ảnh hưởng lẫn nhau bằng cách khiến cho các đối tượng “mù đặc” về bản chất của loại thuốc họ đã dùng, các nhà nghiên cứu có thể đánh giá chính xác hơn về hiệu lực của loại thuốc thử nghiệm. Biện pháp này gọi là kỹ thuật tung hỏa mù (double–blind procedure).
THÀNH QUẢ CỦA TÂM LÝ HỌC: TƯ DUY CÓ PHÊ PHÁN VỀ CÔNG CUỘC NGHIÊN CỨU
Nếu có dự tính mua ôtô, chắc hẳn bạn sẽ không đến đại lý bán xe ở gần nhà bạn nhất và bạn sẽ không lái ngay chiếc ôtô đầu tiên mà nhân viên bán hàng giới thiệu cho bạn. Thay vì thế, có lẽ bạn sẽ suy đi nghĩ lại về quyết định mua xe, đọc kỹ các tài liệu về ôtô, cân nhắc mọi giải pháp, hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm sử dụng ôtô, và cuối cùng bạn hẳn phải ưu tư khá nhiều trước khi đi đến quyết định một hành động quan trọng như vậy.
Thế mà, nhiều người trong chúng ta lại vô cùng bất cẩn khi có dịp phung phí các tài sản tinh thần. Người ta thường vội vàng đưa ra kết luận căn cứ vào các thông tin không đầy đủ và thiếu chính xác, và hiếm khi dành thời giờ để thận trọng đánh giá các cuộc nghiên cứu cũng như các dữ kiện quan sát được.
Bởi vì lãnh vực tâm lý học đặt nền tảng trên nội dung tích lũy được từ các cuộc nghiên cứu, nên điều tối quan trọng là phải cẩn thận cân nhắc toàn diện từ các phương pháp áp dụng, đến các kết quả gặt hái được, cũng như đến các luận cứ của nhà nghiên cứu. Dù vậy, không phải chỉ riêng các nhà tâm lý mới cần biết cách thận trọng đánh giá các cuộc nghiên cứu, mà tất cả chúng ta cũng phải luôn luôn cố gắng vạch trần các luận điểm của người khác nữa. Biết cách tìm hiểu cuộc nghiên cứu và các dữ kiện quan sát được cũng hữu ích trong các phạm vi vượt ngoài lãnh vực tâm lý.
Có một số câu hỏi căn bản có thể giúp chúng ta gạn lọc được điều gì có giá trị và điều gì không. Sau đây là một vài câu hỏi quan trọng nhất cần phải nêu ra.
* Cuộc nghiên cứu đặt trên nền tảng gì? Công trình nghiên cứu phải xuất phát từ một lý thuyết hoàn toàn cụ thể. Ngoài ra, giả thuyết được kiểm chứng cũng phải được quan tâm đến. Nếu không biết giả thuyết nào đang được chứng nghiệm, chúng ta sẽ không thể nào phán đoán được cuộc nghiên cứu sẽ thành công đến mức nào. Chúng ta cần phải có đủ khả năng tìm hiểu xem bằng cách nào giả thuyết đã được rút ra từ một lý thuyết căn bản, và sau đó chúng ta cũng cần phải xem xét kế hoạch đã vạch ra trong cuộc nghiên cứu để kiểm chứng giả thuyết ấy hoàn hảo đến mức nào.
* Cuộc nghiên cứu đã được tổ chức hoàn hảo ra sao? Hãy xem xét các đối tượng thí nghiệm để biết họ là ai và gồm có bao nhiêu người; người ta sử dụng phương pháp nghiên cứu nào, và các khó khăn nào về vấn đề thu thập dữ kiện mà nhà nghiên cứu phải đối đầu. Chẳng hạn, có những khác biệt quan trọng giữa một nghiên cứu trường hợp điển hình nhằm báo cáo về các điểm phụ của một số người với một cuộc đều tra thu thập dữ kiện từ vài ngàn người.
* Việc trình bày thành quả nghiên cứu căn cứ vào các giả định nào? Cần phải đánh giá xem các phát biểu thành quả nghiên cứu phản ảnh dữ kiện thực tế cũng như cơ sở logic của các phát biểu ấy hoàn hảo đến mức nào. Chẳng hạn, khi nhà sản xuất mặt hàng thuốc aspirin nhãn hiệu X khoa trương rằng: “Không có loại aspirin nào khác có hiệu lực giảm đau sánh bằng nhãn hiệu X.”, thì câu nói này không có nghĩa là loại aspirin nhãn hiệu nào khác có hiệu lực tốt hơn – hoặc phát biểu theo cách khác rằng nhãn hiệu X không tốt hơn gì so với bất kỳ loại aspirin nào khác. Phát biểu theo lối sau thì khám phá dường như không đáng để khoa trương.
Các nguyên tắc căn bản này có thể giúp bạn đánh giá được giá trị của cuộc nghiên cứu mà bạn tình cờ gặp phải – kể cả bên trong hoặc bên ngoài lãnh vực tâm lý. Thực tế, bạn càng am tường cách đánh giá cuộc nghiên cứu nói chung chừng nào thì bạn sẽ càng có khả năng đánh giá thành quả mà lãnh vực tâm lý sẽ cống hiến chừng ấy.
3. Tóm tắt và học ôn IV
A. TÓM TẮT
Các vấn đề đạo đức quan trọng mà nhà tâm lý phải đối mặt là thủ đoạn đánh lừa và vấn đề sử dụng loài vật làm đối tượng thí nghiệm.
Các trở ngại đối với cuộc thí nghiệm bao gồm kỳ vọng của nhà nghiên cứu và kỳ vọng của đối tượng thí nghiệm.
Các nhà tâm lý sử dụng các công thức toán học để xác định xem liệu cuộc nghiên cứu có ý nghĩa về một thống kê khoa học không.
B. HỌC ÔN
1/ Cuộc nghiên cứu hợp đạo đức khởi sự tiến hành khi đối tượng thông báo tình nguyện tham dự thí nghiệm. Trước khi ký tên vào văn kiện tình nguyện tham dự, các đối tượng phải được thông báo:
a. Tổng quát về thủ tục nghiên cứu.
b. Các rủi ro có thể xảy ra.
c. Họ có quyền tùy ý rút lui bất cứ lúc nào.
d. Tất cả các điều nêu trên.
2/ Mỗi nhà tâm lý đều phải định đoạt các hướng dẫn đạo đức cho riêng mình trong cuộc thí nghiệm. Đúng hay Sai?…
3/ Thủ đoạn đánh lừa là một biện pháp mà các nhà thí nghiệm có thể sử dụng để thử thách và loại trừ kỳ vọng của đối tượng. Đúng hay sai?…
4/… xảy ra khi nhà thí nghiệm vô tình tiết lộ cho đối tượng các gợi ý về cách ứng xử trong cuộc thí nghiệm.
5/ Một kỹ thuật theo đó nhà thí nghiệm không biết rõ liệu các đối tượng có nhận được trị liệu thực sự hay không được gọi là kỹ thuật…
6/ Trong kỹ thuật miêu tả ở câu 5, đôi khi người ta sử dụng loại thuốc viên không có tính chất hóa học gì đáng kể cho nhóm kiểm soát. Loại thuốc này thường được gọi là gì?…
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Một nhà tâm lý bảo bạn rằng bởi vì kết quả nghiên cứu của ông có ý nghĩa về một thống kê, nên ông có thể khẳng định các kết quả ấy tuyệt đối chính xác. Ông ta đúng hay sai, tại sao?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.