Tâm lý học căn bản
Chương 1 – Phần 7
V. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ
* Tâm lý học là gì và tại sao nó là một bộ môn khoa học?
1. Mặc dù định nghĩa của TLH – nghiên cứu khoa học về tác phong cư xử và các tiến trình tâm trí – sáng tỏ và dứt khoát, nhưng định nghĩa ấy cũng dễ khiến người ta hiểu nhầm, bởi vì thuật ngữ “hành vi ứng xử” (behavior) không chỉ gồm các hành vi của con người mà còn bao quát cả những ý nghĩ (thoughts), cảm xúc (feelings), nhận thức (perceptions), lý luận (reasoning), ký ức (memory), cũng như các hoạt động sinh lý (biological activities) của con người nữa.
* Lĩnh vực môn tâm lý học gồm các chuyên ngành khác nhau nào?
2. Môn TLH có một số chuyên ngành chính. Các nhà tâm sinh lý chú trọng đến nền tảng sinh học của hành vi ứng xử, còn các nhà tâm lý thực nghiệm nghiên cứu các tiến trình cảm giác, nhận thức, học hỏi, và tư duy về thế giới chung quanh. Ngành tâm lý về hoạt động trí tuệ, thoát thai từ ngành tâm lý thực nghiệm, nghiên cứu các tiến trình cao cấp bao gồm tư duy, ngôn ngữ, ký ức, giải quyết vấn đề, tìm hiểu, lý luận, phán đoán, và đề ra quyết định.
3. Các chuyên ngành tâm lý nghiên cứu về các tình trạng chuyển biến và các điểm dị biệt cá nhân là ngành tâm lý phát triển và ngành tâm lý cá tính. Các nhà tâm lý phát triển tìm hiểu cách thức trưởng thành và chuyển biến của con người qua suốt cuộc sống của họ. Còn các nhà tâm lý cá tính khảo xét về tính thống nhất cũng như tình trạng chuyển biến trong hành vi ứng xử của một cá nhân khi cá nhân đó trải qua các tình huống khác nhau; họ cũng khảo sát các dị biệt cá nhân giúp phân biệt hành vi của người này với hành vi của kẻ khác, khi hai người cùng lâm vào một tình huống tương tự.
4. Các nhà tâm lý y tế, điều dưỡng, và tư vấn chủ yếu quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe thể xác và tinh thần của con người. Các nhà tâm lý y tế nghiên cứu các yếu tố tâm lý tác động gây ra các chứng bệnh về thể xác, còn các nhà tâm lý điều dưỡng thì tìm hiểu phép chẩn đoán và cách chữa trị hành vi ứng xử bất bình thường (abnormal behavior). Các nhà tâm lý tư vấn chú trọng đến các vấn đề giáo dục, xã hội, và chọn nghề nghiệp.
5. Các nhà tâm lý giáo dục điều tra tìm hiểu xem tiến trình giáo dục ảnh hưởng ra sao đến học sinh và sinh viên nói chung, còn các nhà tâm lý học đường chuyên đánh giá và giúp đỡ các học sinh trung – tiểu – học khi các em gặp khó khăn về học tập hoặc tình cảm.
6. Ngành tâm lý xã hội nghiên cứu các trường hợp trong đó tư tưởng, cảm xúc, và hành động của con người bị ảnh hưởng ra sao bởi người khác. Các nhà tâm lý tổ chức – công nghiệp chú trọng đến cách ứng dụng các khám phá về tâm lý vào bối cảnh lao động, còn các nhà tâm lý khách hàng thì khảo cứu thói quen mua sắm của con người. Ngành tâm lý giao lưu văn hóa khảo xét các điểm tương đồng và dị biệt khi vận dụng các khám phá về tâm lý ở các nền văn hóa khác biệt nhau.
* Các nhà tâm lý được tuyển dụng để đảm nhận công diệc gì?
7. Các nhà tâm lý được tuyển dụng vào rất nhiều bối cảnh làm việc khác nhau. Mặc dù bối cảnh làm việc chủ yếu là các viện đại học và các trường cao đẳng, người ta thấy nhiều nhà tâm lý làm việc ở các bệnh viện, dưỡng đường (clinic), các trung tâm y tế tâm thần của cộng đồng, và các trung tâm tư vấn. Cũng có nhiều người hành nghề thầy thuốc độc lập.
* Môn tâm lý học có nguồn gốc lịch sử ra sao?
8. Nền tảng của TLH được xây dựng bởi Wilhelm Wundt ở Đức vào năm 1879. Các mô hình nhận thức hướng dẫn công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý hồi ban đầu là lý thuyết kết cấu, lý thuyết chức năng, và lý thuyết Gestalt. Lý thuyết kết cấu (structuralism) chú trọng nhận diện các yếu tố căn bản thuộc tâm trí đại khái bằng phương pháp nội quan (introspection). Lý thuyết chức năng (functionalism) chú trọng đến các chức năng của hoạt động tâm tư. Còn tâm lý học Gestalt chú trọng xem nhận thức được tổ chức thành các đơn vị có ý nghĩa bằng cách nào. Các nhà tâm lý hiện đại căn cứ chủ yếu vào năm mô hình nhận thức: mô hình sinh học, động cơ tâm lý, hoạt động trí tuệ, hành vi, và nhân bản.
* Các nhà tâm lý sử dụng các mô hình nhận thức quan trọng nào?
9. Mô hình sinh học (biogical model) chú trọng đến các chức năng sinh học ở con người và loài vật, tinh giản hành vi ứng xử xuống đến các thành phần căn bản nhất. Mô hình động cơ tâm lý (psychodynamic model) lại theo khảo hướng khác hẳn; nó chủ trương có các lực lượng nội tâm vô thức (unconscious inner forces) mà con người biết rất ít hoặc hoàn toàn không biết đến, các lực lượng này chủ yếu quyết định hành vi của con người.
10. Mô hình hoạt động tâm trí (cognitive model) khảo xét cách thức con người nhận biết, tìm hiểu, và tư duy về thế giới chung quanh. Thoát thai từ công trình nghiên cứu dựa vào phép nội quan trước đây và các công trình nghiên cứu sau này của các nhà tâm lý theo thuyết kết cấu và thuyết Gestalt, các mô hình hoạt động tâm trí nghiên cứu cách thức con người tìm hiểu và biểu thị thế giới để thông đạt với nhau.
11. Mô hình hành vi (Behavioral model) ít nhấn mạnh đến các tiến trình bên trong con người mà ngược lại chú trọng đến tác phong biểu kiến (quan sát được). Các mô hình nhận thức này chủ trương nếu tìm hiểu và kiểm soát được hoàn cảnh sống của con người thì hoàn toàn giải thích và cải biến được hành vi ứng xử của con người.
12. Mô hình nhân bản (humanistic model) là các mô hình nhận thức quan trọng và mới mẻ nhất. Các mô hình này nhấn mạnh rằng con người có khuynh hướng tự nhiên phát triển tâm lý để thỏa mãn các ước vọng cao cả và con người sẽ nỗ lực vươn đến mức toàn bích.
* Phương pháp khoa học là gì; và các nhà tâm lý vận lý thuyết và nghiên cứu ra sao để giải đáp các câu hỏi đã đề ra?
Phương pháp khoa học là khảo hướng được nhà tâm lý sử dụng để tìm hiểu thế giới chung quanh. Nó gồm ba bước: xác lập câu hỏi thích hợp; hình thành cách giải thích, và tiến hành cuộc nghiên cứu nhằm minh chứng cách giải thích ấy.
Cuộc nghiên cứu trong lãnh vực tâm lý được hướng dẫn bởi các lý thuyết (các giải thích và dự đoán khái quát về hiện tượng nghiên cứu) và các giả thuyết (các suy luận rút ra từ lý thuyết, chúng là các dự đoán được phát biểu dưới hình thức sao cho có thể kiểm chứng được).
* Các nhà tâm lý sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau nào?
15. Phương pháp nghiên cứu tài liệu lưu trữ (archival research) sử dụng các tài liệu sẵn có như báo cũ và các hồ sơ khác để chứng thực giả thuyết. Theo phương pháp quan sát tự nhiên (naturalistic observation), nhà nghiên cứu hành động chủ yếu với tư cách là nhà quan sát, không thực hiện cải biến gì cả đối với tình huống xảy ra trong tự nhiên. Theo phương pháp nghiên cứu điều tra (survey research), con người được yêu cầu trả lời một loạt câu hỏi về hành vi, tư tưởng, hoặc thái độ của mình. Nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) nhằm phỏng vấn và khảo xét sâu rộng về một cá nhân. Các phương pháp này đều dựa vào kỹ thuật tương quan (correlational technique) để miêu tả các mối liên hệ giữa nhiều yếu tố khác nhau, nhưng không thể xác định được mối liên hệ nhân quả (cause–and–effect relationships).
* Các nhà tâm lý làm cách nào để thiết lập mối liên hệ nhân quả trong các công trình nghiên cứu?
16. Trong một thí nghiệm khoa học đúng nghĩa, mối tương quan giữa các yếu tố được xem xét bằng cách cố tình gây ra sự biến đổi – gọi là thao tác thí nghiệm – ở một yếu tố rồi quan sát biến động ở yếu tố kia. Các yếu tố biến động được gọi là biến số (variables) – gồm các hành vi, biến cố, hoặc con người có thể thay đổi hay biến động theo cách thức nào đó. Muốn kiểm chứng một giả thuyết, người ta phải toán tử hóa giả thuyết ấy: tức là các khái niệm trừu tượng của giả thuyết được chuyển đổi thành các biểu thức cụ thể được sử dụng trong cuộc nghiên cứu.
17. Trong một thí nghiệm, người ta phải so sánh ít nhất hai nhóm với nhau mới đánh giá được mối liên hệ nhân quả. Nhóm tiếp nhận thao tác (một thủ thuật đặc biệt do nhà thí nghiệm hoạch định) gọi là nhóm thí nghiệm (treatment group), còn nhóm thứ hai (không tiếp nhận thao tác) là nhóm kiểm soát (control group). Cũng có thể có nhiều nhóm thí nghiệm, mỗi nhóm tiếp nhận một thao tác khác nhau, và sau đó có thể được so sánh với các nhóm khác. Biến số bị thao tác gọi là biến số độc lập (independent variable), còn biến số được quan sát và kỳ vọng biến động như là hậu quả do thao tác ở biến số độc lập gây ra được gọi là biến số tùy thuộc (dependent vadable).
18. Trong một thí nghiệm khoa học đúng nghĩa, các đối tượng phải được tuyển chọn ngẫu nhiên để tiếp nhận các điều kiện thí nghiệm sao cho các đặc điểm của các đối tượng được phân bố đồng đều qua các nhóm thí nghiệm khác nhau.
19. Mặc dù việc sử dụng sinh viên đại học làm đối tượng thí nghiệm có ưu điểm là dễ dàng tuyển dụng, nhưng ngược lại cũng có các nhược điểm. Chẳng hạn, giới sinh viên không nhất thiết biểu trưng được mọi đặc điểm của dân số tổng quát. Việc sử dụng loài vật làm đối tượng thí nghiệm cũng tốn kém công sức tổng quát hóa khám phá gặt hái được, dù lợi ích của việc sử dụng loài vật trong nghiên cứu có giá trị lớn lao.
* Các vấn đề chủ yếu nào làm nền tảng cho tiến trình tổ chức nghiên cứu?
20. Một trong các nguyên tắc đạo đức chủ yếu mà các nhà tâm lý phải tuân thủ là đối tượng thông báo ưng thuận tham dự thí nghiệm. Trước khi tham dự, các đối tượng phải được thông báo về nội dung căn bản của cuộc thí nghiệm, về các rủi ro cũng như lợi ích có thể có của việc tham dự. Các nhà nghiên cứu dùng loài vật làm đối tượng thí nghiệm cũng phải tuân thủ một loạt hướng dẫn chặt chẽ nhằm bảo vệ chúng.
21. Các thí nghiệm tâm lý có nguy cơ bị sai lạc bởi một số thiên kiến (bias). Thiên kiến của nhà thí nghiệm phát sinh khi nhà thí nghiệm vô tình truyền đạt cho các đối tượng các gợi ý về kỳ vọng của mình đối với cách ứng xử của họ trong tình huống thí nghiệm nhất định. Còn kỳ vọng hay thiên kiến của đối tượng cũng có thể làm sai lạc kết quả thí nghiệm. Muốn loại trừ các thiên kiến này, các nhà nghiên cứu sử dụng loại thuốc vờ (placebo) và kỹ thuật tung hỏa mù (double–blind procedure).
VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP
I.
1/ Cấu trúc hóa.
2/ Nội quán.
3/ Thuyết chức năng.
4/ Gestalt
5/ Động cơ tâm lý.
6/ d.
7/ Thuộc về sinh học.
8/ Thuộc về nhân văn.
9/ Sai; mỗi phân ngành tâm lý học đều có thể cho chúng ta cả năm mẫu hình tâm lý.
10/ Đúng.
II.
1/ Lý thuyết kết cấu.
2/ phương pháp nội quan.
3/ Lý thuyết chức năng.
4/ Lý thuyết Gestalt.
5/ Động cơ tâm lý.
6/ d.
7/ Mô hình sinh học.
8/ Mô hình nhân bản.
9/ Sai; hầu như mọi chuyên ngành tâm lý đều có thể và thường sử dụng cả năm mô hình nhận thức tâm lý chủ yếu.
10/ Đúng.
III.
1/ Lý thuyết.
2/ Giả thuyết.
3/ Toán tử hóa.
4/ 1–b; 2–c; 3–a; 4–d.
5/ 1–c; 2–b;3–d;4–a.
6/ Sai; hệ số tương quan cao nhất là +1. Hệ số tương quan +2 có nghĩa là bạn cần phải làm thêm một phép tính nữa.
7/ Sai – tương quan không hàm ý có liên hệ nhân quả. Đơn giản vì khi 2 biến số tương quan với nhau không có nghĩa là biến số này là nguyên nhân của biến số kia. Có thể thành tích biểu diễn tồi khiến cho người ta càng lo âu hơn nữa, hoặc giả có một yếu tố thứ ba là nguyên nhân của cả hai hậu quả này.
8/ Độc lập; tùy thuộc.
9/ Kiểm soát.
10/ Sai – chỉ các thí nghiệm đúng nghĩa mới làm được điều này.
IV.
1/ d.
2/ Sai; có một loạt hướng dẫn nghiêm ngặt áp dụng phổ biến, do Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ xây dựng, mà tất cả các nhà tâm lý đều phải tuân thủ.
3/ Đúng.
4/ Thiên lệch do nhà thí nghiệm.
5/ Tung hỏa mù.
6/ Loại thuốc vờ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.