Tâm lý học căn bản
Chương 10 – Phần 7
2. Phát triển xã hội tính: làm việc vì cuộc sống
Trong khi các biến chuyển cơ thể trong thời trưởng thành phản ảnh sự phát triển có bản chất định lượng, thì các bước chuyển tiếp thuộc tiến trình phát triển xã hội tính lại phản ảnh các biến chuyển thâm trầm hơn. Chính trong thời kỳ trưởng thành này con người nói chung thường lao mình vào việc thăng tiến nghề nghiệp, tạo dựng hồn nhân và ổn định gia đình.
Nhà tâm lý Daniel Levison (1986) đã đề xướng một lý thuyết nhằm giải thích tiến trình phát triển của người trưởng thành căn cứ vào một cuộc nghiên cứu toàn diện về các biến cố quan trọng trong cuộc sống của một nhóm đối tượng gồm 40 người đàn ông. Mặc dù mẫu điều tra ban đầu của ông có quy mô nhỏ và chỉ bao gồm đàn ông da trắng thuộc giai cấp trung lưu, nhưng cuộc nghiên cứu này quan trọng bởi vì nó đưa ra một miêu tả toàn diện đầu tiên về các giai đoạn mà con người phải trải qua tiếp theo sau tuổi thanh xuân. Theo Levison, từ khi bước vào ngưỡng cửa tuổi tráng niên cho đến cuối thời trung niên người ta trải qua 6 giai đoạn chính.
Sau thời kỳ chuyển tiếp vào khoảng tuổi đôi mươi, các giai đoạn trong thời tráng niên (early adulthood) liên quan đến biến cố thanh thiếu niên rời khỏi gia đình cha mẹ để hòa nhập vào thế giớl người trưởng thành. Cá nhân mơ tưởng đến điều mà Levison gọi là “Giấc Mơ” (The Dream) – một viễn cảnh bao quát toàn bộ các mục tiêu mơ ước trong đời. Người ta chọn nghề nghiệp, rồi sau đó có lẽ sẽ bỏ nghề, tất cả đều diễn ra trong thời tráng niên, mãi đến sau cùng mới đạt được quyết định lâu dài. Biến cố này dẫn đến thời kỳ an cư lạc nghiệp vào cuối những năm ba mươi. Trong thời kỳ này người ta thiết lập cho mình một số vai trò đặc biệt để bắt đầu phát triển và làm việc hướng về giấc mơ tương lai của bản thân họ.
Đến khoảng tuổi 40 hay 45, người ta thường bắt đầu đặt câu hỏi về cuộc đời khi bước vào thời kỳ gọi là bước chuyển tiếp nửa đời người (midlife transition); và quan niệm cho rằng cuộc sống có giới hạn trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong cách tư duy của họ. Không còn duy trì quan điểm về cuộc đời do tương lai định hướng nữa. Người ta bắt đầu thắc mắc về các thành tựu quá khứ của mình, đánh giá xem liệu họ đã làm được những gì và thành quả ấy làm cho họ hài lòng đến mức nào. Họ nhận thấy không phải tất cả mọi thứ mà họ đã từng mong muốn thực hiện đều sẽ hoàn tất trước khi họ tự giã cõi đời.
Trong một số trường hợp, đánh giá về cuộc đời của con người đượm màu sắc ảm đạm, và họ có thể lâm vào tình trạng mà thông thường người ta hay gọi là cơn khủng hoảng nửa đời người (middlife crisis). Đồng thời với sự xuất hiện các dấu hiệu lão hóa cơ thể, họ càng biết rõ rằng sự nghiệp của họ sẽ không còn tiến triển được bao xa nữa. Ngay trong trường hợp họ có đạt được đỉnh cao mơ ước chăng nữa – là tổng giám đốc một công ty lớn hay nhà lãnh đạo được cộng đồng tôn kính chẳng hạn – họ cũng thấy rằng thành tựu bản thân cũng chưa đủ để họ hoàn toàn thỏa nguyện. Khi nhìn lại quá khứ, họ có thể bị thúc đẩy cố gắng xác định xem liệu họ đã làm sai điều gì và làm cách nào để cứu vãn những đáng tiếc trước đây.
Dù sao, trong đa số trường hợp con đường dẫn vào tuổi trung niên tương đối êm ả, và một số nhà TLPT thậm chí còn nêu nghi vấn liệu hầu hết mọi người có phải kinh qua cơn khủng hoảng nửa đời người không. Hầu hết những người ở tuổi bốn mươi đều quan niệm cuộc sống và thành tựu của họ một cách tích cực đủ để cho bước chuyển tiếp nửa đời người của họ diễn ra một cách khá trơn tru, và những năm bốn mươi và năm mươi mà cuộc sống đặc biệt tưởng thưởng cho họ. Thay vì hướng về tương lai, những người ở giai đoạn này chú trọng đến hiện tại, và sự cuốn hút bởi gia đình, bạn bè cùng các đoàn thể xã hội khác đóng vai trò mới mẻ trong tâm hồn họ. Thúc đẩy phát triển chủ yếu trong thời kỳ này của cuộc đời là học cách chấp nhận quân súc sắc đã được gieo xuống đã rồi, và rằng mọi người ai cũng phải hài lòng với cảnh ngộ của mình.
Cuối cùng, trong các giai đoạn chót của tuổi trung niên – các năm năm mươi – người ta nói chung đều dễ chấp nhận người khác cũng như cuộc sống của chính họ, và bớt quan tâm đến các vấn đề hoặc các nan giải đã từng quấy nhiễu họ trước đây. Thay vì bị thúc đẩy lao lên tranh đoạt như đã từng kinh qua hồi tuổi ba mươi, giờ đây họ đã nhận thức được rằng cái chết là điều tất định, và họ cố gắng tìm hiểu các thành tựu trong đời họ theo ý nghĩa thoáng đạt hơn về cuộc sống. Mặc dù, đây là lần đầu tiên có lẽ con người bắt đầu tự nhận mình “đã già”, nhưng nhiều người cũng đã khôn ngoan hơn để cảm nhận được họ đã nhẹ gánh hơn để tận hưởng cuộc sống.
Bởi vì đa số các công trình nghiên cứu về các giai đoạn phát triển xã hội (nhờ tuổi trưởng thành đều căn cứ vào việc tìm hiểu cuộc sống của nam giới, cho nên điều quan trọng phải làm ở đây là tìm hiểu xem liệu cuộc sống của nữ giới có diễn ra tương tự như thế không. Chúng ta có thể thấy rằng về một số mặt có những dị biệt quan trọng do sự khác biệt giới tính. Một mặt, nữ giới thường đóng các vai trò khác hẳn nam giới trong xã hội, hoặc do sự lựa chọn của bản thân họ hoặc do kỳ vọng của xã hội. Mặt khác, vai trò của nữ giới trong xã hội đã đổi thay nhanh chóng trong thập niên vừa qua, như chúng ta sẽ bàn đến ở đoạn ngay dưới đây, đã phản ánh khái quát về các rối loạn trong tiến trình phát triển của nam giới ở tuổi tráng niên và trung niên.
Mặc dù đến nay vẫn chưa có giải đáp sáng tỏ cho câu hỏi liệu tiến trình phát triển xã hội tính của nữ giới khác biệt ra sao so với nam giới, nhưng một số dữ kiện khẳng định rằng nữ giới phải gánh chịu các biến chuyển quan trọng thuộc tiến trình phát triển ở tuổi trung niên. Thí dụ, một số nghiên cứu chứng minh rằng nữ giới đã quan tâm đến nghề nghiệp nhiều hơn vào đầu các năm ba mươi, nhưng sau đó chuyển sang các ưu tư về lối sống vào đầu các năm bốn mươi. Dù sao, các tác phẩm về tiến trình phát triển xã hội tính của nữ giới ở tuổi trưởng thành cũng vẫn còn khá hạn chế.
VI. NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI NGƯỜI: LÃO SUY
Cho đến nay tôi vẫn luôn ưa thích tiêu khiển ở các vùng núi non – đi bộ đường dài, hay mới đây, chủ động leo lên các mõm đá. Khi leo một đoạn đường núi dù gian nan ra sao, điều tối cần thiết là phải đặt toàn tâm toàn ý vào việc bạn đang làm. Bạn tìm cho được một khe hở để có thể bám tay vào. Bạn phải nghĩ đến việc đặt chân ở chỗ kia có ổn không. Nếu không, bạn có thể rơi vào tình huống nan giải. Và nếu bạn không nhớ được chỗ bám tay hay chỗ đặt chân vài phút trước đây, sau đó thật rất khó leo trở xuống.
Càng khó leo thì càng phải chú tâm hơn. Những cuộc leo núi mà tôi còn nhớ lại được chính là những lần tôi đã phải nỗ lực thật gian nan. Có lẽ đoạn đường đặc biệt nào buộc tôi phải thử đi thử lại hai hoặc ba lần mới tìm được cách phối hợp cử động hợp lý sẽ giúp tôi leo lên được dễ dàng – và thấy thích hơn, thấy mình cừ hơn. Niềm phấn khởi thật là kỳ diệu khi lên được đỉnh cao, ngồi nghỉ mệt và có lẽ ăn trưa rồi nhìn xem phong cảnh phía dưới chân và thật cảm kích vì tôi vẫn còn đủ sức làm được việc đại loại như thế.
Lyman Spizer, 74 tuổi.
Nếu như bạn hoàn toàn không thể hình dung được một người 74 tuổi còn leo núi được, thì có lẽ quan điểm của bạn về tuổi già nên xét lại đôi chút mới hợp lý. Mặc dù quan điểm thông thường của xã hội cho rằng tuổi già là thời kỳ kém năng động và suy thoái về thể chất cũng như trí tuệ, nhưng các nhà chuyên môn nghiên cứu về hiện tượng lão suy (gerontologists) lại đang phác họa một bức chân dung hoàn toàn khác hẳn về người già. Nhờ chú trọng đến quãng đời khởi đi vào khoảng tuổi 65, các nhà chuyên môn này có những đóng góp quan trọng trong việc làm sáng tỏ các năng lực của người già và minh chứng rằng các tiến trình phát triển quan trọng vẫn còn tiếp diễn ngay trong tuổi già.
1. Các biến chuyển thể chất ở người già: Cơ thể lão hóa
Ngủ ngày, ăn uống, đi dạo, chuyện trò. Có lẽ bạn không lấy làm lạ rằng các sinh hoạt tương đối nhẹ nhàng này tượng trưng cho các hoạt động giải trí điển hình của lớp người cao tuổi. Thế nhưng, điểm nổi bậc ở bảng liệt kê này là các sinh hoạt nêu ở đây lại giống hệt như các hoạt động giải trí thông thường nhất được báo cáo trong một thiên điều tra về các sinh viên đại học. Tuy các sinh viên cũng nêu ra các thú vui năng động hơn – như bơi thuyền và chơi bóng rổ chẳng hạn – như là sở thích của họ, nhưng trên thực tế họ tham gia vào các môn thể thao ấy tương đối không thường xuyên, mà họ dành hầu hết thời gian rỗi rảnh đề ngủ nghê, ăn uống, đi đứng, và chuyện trò.
Mặc dù sinh hoạt giải trí của người cao tuổi có thể không khác biệt lắm so với người trẻ tuổi, nhưng dĩ nhiên nhiều biến chuyển thể chất đã phát sinh do tiến trình lão hoá. Chuyển biến hiển nhiên nhất là các thay đổi ngoại hình – tóc thưa đi và bạc ra, da nhăn nheo dần, và đôi khi hơi giảm bớt chiều cao khi các đĩa đệm trong cột sống thoái hóa dần – nhưng cũng có các thay đổi khó thấy hơn về chức năng sinh vật của cơ thể.
Thí dụ, mức nhạy bén của các giác quan giảm đi do hậu quả của hiện tượng lão hóa; thị lực và thính lực kém tinh nhuệ hơn. Đồng thời khẩu giác cùng vị giác không còn nhạy cảm như xưa nữa. Phản ứng chậm đi. Khả năng chịu đựng cũng giảm bớt. Bởi vì mức hấp thu oxygen và khả năng bơm máu của tim suy giảm, nên cơ thể không đủ sức phục hồi các dưỡng chất mất đi nhanh như trước nữa – và do đó sự hồi phục sau các hoạt động cơ thể cũng chậm hơn. Dĩ nhiên trong các biến chuyển này không có chuyến biển nào đột ngột xuất hiện vào tuổi 65; hiện tượng suy thoái dần của một số chức năng đã khởi sự phát sinh từ trước rồi. Phải đến khi tuổi tác đã cao thì các biến chuyển này mới xuất hiện rõ hơn.
Nguyên nhân nào gây ra các dạng suy thoái thể chất này? Có hai lối giải thích chính: các lý thuyết tiền định di truyền và các lý thuyết hao mòn do sử dụng. Các lý thuyết tiền định di truyền về hiện tượng lão hoa (Genetic preprogramming theories of aging) cho rằng có một thời hạn bẩm sinh đối với sự tái tạo các tế bào cơ thể, và rằng sau một thời gian nhất định các tế bào ấy không còn đủ sức phân bào nữa. Một quan điểm khác xuất xứ từ các lý thuyết này chủ trương một số tế bào có cấu trúc di truyền khiến cho sau một thời gian hoạt động nhất định bản thân chúng sẽ thúc đẩy hiện tượng sinh hóa nội bộ vận hành theo chiều hướng “tự hủy hoại” gây tổn thương cho cơ thể.
Khảo hướng thứ nhì nhằm tìm hiểu các hiện tượng suy thoái cơ thể do tiến trình lão hóa căn cứ vào một nhân tố tương tự như động cơ khiến người ta mua ôtô mới khá thường xuyên: các bộ phận máy móc bị hao mòn hỏng hóc sau một thời gian sử dụng. Theo các lý thuyết hao mòn do sử dụng về hiện tượng lão hóa (wear–and– tear theories of aging), các vận hành máy móc của cơ thể chỉ đơn thuần hoạt động kém hữu hiệu đi. Hơn nữa, các phó sản dư thừa trong quá trình sản xuất năng lượng cần thiết cho cơ thể tích luỹ dần dần, cùng với các sai lầm xảy ra trong quá trình tái sản sinh các tế bào qua hiện tượng phân bào cũng đều là các nguyên nhân khiến cho cơ thể hoạt động kém hiệu quả. Cuối cùng, cơ thể thực sự kiệt quệ hẳn.
Chúng ta không biết lý thuyết nào đưa ra lối giải thích hợp lý hơn; có lẽ cả hai khảo hướng đều góp phần giúp chúng ta hiểu rõ tiến trình lão hóa cơ thể. Tuy nhiên điều quan trọng là phải nhận thức rằng hiện tượng lão hóa cơ thể là một tiến trình sinh lý tự nhiên chứ không phải là một dạng bệnh tật. Nhiều chức năng thể chất không suy giảm theo tuổi tác. Thí dụ, tình dục vẫn còn thú vị cho đến khi người ta già hẳn đi (dù tân số sinh hoạt tình dục có giảm đi), và một số người thậm chí còn báo cáo rằng mức khoái lạc tình dục của họ lại tăng thêm nữa.
Ngoài ra, cả lý thuyết tiền định di truyền lẫn lý thuyết hao mòn do sử dụng đều không giải thích thành công một sự kiện khá hiển nhiên đối với bất kỳ ai quan tâm đến hiện tượng lão hóa: đó là nữ giới sống thọ hơn nam giới. Ở các nước công nghiệp hóa, nữ giới sống lâu hơn nam giới khoảng từ 4 đến 10 năm. Lợi thế của nữ giới đã có từ ngay sau khi được thụ thai. Mặc dù tỷ lệ thụ thai của nam giới cao hơn nữ giới, nhưng nam giới lại có tỷ lệ tử vong trước khi chào đời, lúc sơ sinh, và ở tuổi ấu thơ cao hơn, và đến độ tuổi 30 thì tỷ lệ tử vong của nam giới ngang bằng nữ giới đến khoảng tuổi 65 thì tinh thế lại đảo ngược: 84% nữ giới và 79% nam giới còn sống.
Dù sao, điều may mắn nhất là khoảng cách biệt về mặt giới tính ấy không còn tăng thêm nữa – phần lớn các chuyển biến tích cực trong tập quán sức khỏe của nam giới như bớt hút thuốc lá, giảm tiêu thụ các chất chứa nhiều cholesterol, và tập thể dục nhiều hơn chẳng hạn. Nhưng các thói quen sức khỏe không lý giải thỏa đáng khoảng cách ấy, và việc giải thích nguyên nhân khiến cho nữ giới sống thọ hơn nam giới vẫn còn là một vấn đề cần phải nỗ lực khám phá. Điều hiển nhiên là hơn hẳn nam giới, nữ giới thường phải trải qua các thử thách tâm lý xâu sắc sau cái chết của người bạn đời. Cuộc sống kéo dài hơn của nữ giới là điều gì đó giống như một ân huệ khó hiểu: họ thường phải đối mặt với thần chết trong cảnh quạnh hiu.
2. Các chuyển biến trí tuệ suy nghĩ về – và suy nghĩ trong cảnh tuổi già
Ba phụ nữ đang mạn đàm về các bất lợi do ngày càng già đi.
Một trong ba người thú nhận: “Đôi khi, khi đi đến tủ lạnh tôi không thể nhớ được mình muốn lấy thứ gì ra hay cất thứ gì vào.”
Người thứ hai nói: “Ồ, điều đó chưa tệ hại làm. Có nhiều lúc, khi thấy mình đứng ở chân cầu thang tôi chợt tự hỏi không biết mình sẽ đi lên hay mình mới vừa đi xuống.”
Bà thứ ba kêu lên: “Tạ ơn Chúa! Tôi thật tình sung sướng đã không phải gặp tình huống nào giống như thế!” Và bà làm dấu thánh giá như để xua tan ám ảnh đen tối đi. Nhổm dậy khỏi ghế ngồi, bà nói: “Ồ, có ai ngoài cửa kia đấy!”.
Có một thời nhiều chuyên viên nghiên cứu hiện tượng lão hóa đã tán thành quan điểm – đề cập ở câu chuyện vừa kể – cho rằng người cao tuổi thường hay quên và nhầm lẫn. Nhưng ngày nay hầu hết các công trình nghiên cứu đều nói rằng điều này chưa phải là một đánh giá chính xác về năng lực của người già.
Một nguyên nhân khiến cho người ta thay đổi quan điểm là việc sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu tinh vi hơn. Thí dụ, nếu yêu cầu một nhóm người già làm một trắc nghiệm IQ thì chúng ta sẽ thấy điểm số trung bình của họ thấp hơn so với một nhóm người trẻ tuổi hơn. Chúng ta có thể kết luận rằng sự kiện này phản ảnh hiện tượng giảm sút trí thông minh. Nhưng nếu tìm hiểu cẩn thận hơn bài trắc nghiệm đặc biệt ấy, chúng ta sẽ thấy kết luận như vậy là không có căn cứ xác đáng. Chẳng hạn nhiều loại trắc nghiệm bao gồm các câu hỏi căn cứ vào khả năng thể chất (như sắp xếp một nhóm các hình khối hay các câu hỏi căn cứ vào tốc độ phản ứng. Trong trường hợp đó, thành tích kém đối với trắc nghiệm là có thể do phản ứng chậm – một dạng suy thoái thể chất song hành với tuổi tác – và có ít hoặc không liên hệ đến năng lực trí tuệ của người già.
Hơn nữa, việc nghiên cứu hoạt động trí tuệ của người già cũng vấp phải một số trở ngại khác. Chẳng hạn, người già thường kém sức khỏe hơn người trẻ. Một khảo cứu về IQ trong quá khứ lại vô tình so sánh một nhóm người trẻ tuổi khỏe mạnh về thể lực với một nhóm người già, là những người vốn kém sức khỏe hơn, kết quả là nhóm người già có điểm số thấp hơn nhiều. Nhưng nếu nhóm người già ấy chỉ gồm những người cao tuổi nhưng vốn còn khỏe mạnh mà thôi, thì hiện tượng suy thoái trí tuệ sẽ khó thấy rõ hơn. Ngoài ra, thì không công bằng khi so sánh kết quả trắc nghiệm của nhóm người già với nhóm người trẻ khi mà (do hoàn cảnh lịch sử) trình độ giáo dục của nhóm người già có lẽ thấp hơn nhóm người trẻ.
Tương tự, nguyên nhân khiến cho điểm số IQ của người già bị hạ thấp có thể là so với người trẻ tuổi động lực thúc đẩy đạt thành tích khác về trắc nghiệm thông minh đã giảm đi ở người già. Sau cùng, các trắc nghiệm IQ truyền thống có lẽ không phải là biện pháp đo lường trí thông minh hữu hiệu nhất đối với người già. Thí dụ, như chúng ta đã thảo luận ở Chương 8, một số nhà nghiên cứu khẳng định rằng thực tế có đến vài dạng trí thông minh và các nhà nghiên cứu khác đã khám phá rằng người già đạt điểm số cao đối với các câu trắc nghiệm về các vấn đề thường nhật cũng như về khả năng đối nhân xử thế trong xã hội hơn so với người trẻ tuổi.
Hình 10–8: Dù trí thông minh tinh luyện vẫn còn bền vững và thậm chí dường như tăng thêm đôi chút theo tuổi tác, nhưng trí thông minh lưu hoạt quả thực đã suy thoái đi (Horn & Donaldson, 1980).
Ngược lại, người ta cũng đã khám phá được một vài dạng suy thoái trí tuệ ở người già, ngay trong trường hợp đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu tiến bộ hơn trước đây. Như bạn còn nhớ ở Chương 8, trí thông minh có thể chia ra làm hai loại: trí thông minh lưu hoạt (fluid intelligence – khả năng đối phó với các khó khăn và tình huống mới lạ) và trí thông minh tinh luyện (crystillized Intelligence – trí thông minh có được nhờ sự tích luỹ các loại kiến thức kinh nghiệm đặc thù của mỗi người cũng như các khôn khéo gặt hái được qua quá trình sử dụng trí thông minh lưu hoạt). Các trắc nghiệm cho thấy hiện tượng suy thoái rõ rệt, dù không quan trọng lắm, về trí thống mình lưu hoạt ở người già. Nhưng điều đáng lưu ý là các biến chuyển ấy thực sự bắt đầu xuất hiện ngay từ thời tráng niên, như nêu rõ ở Hình 10–8.
Ngược lại trí thông minh tinh luyện không bị suy thoái; thực tế nó cải thiện theo tuổi tác như trình bày ở hình 10–8. Thí dụ, một phụ nữ cao tuổi được yêu cầu giải một bài toán hình học (liên hệ đến trí thông minh lưu hoạt) có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bà đã từng làm ngày xưa, nhưng bà sẽ dễ dàng hơn khi giải quyết các vấn đề thuộc lãnh vực ngôn ngữ đòi hỏi các kết luận hợp lý.
Một nguyên nhân khả dĩ lý giải được các khác biệt về tiến trình phát triển giữa trí thông mình lưu hoạt với trí thông minh tinh luyện trong thời vãn niên là trí thông minh lưu hoạt có lẽ nhạy cảm đối với các biến đổi trong hệ thần kinh hơn so với trí thống minh tinh luyện. Một nhân tố khác có lẽ là mật độ sử dụng hai dạng trí thông minh trong cuộc đời con người. Dù vì nguyên nhân nào đi nữa, con người vẫn có thể khắc phục tình trạng suy thoái ấy. Họ vẫn có thể học tập được điều muốn học, chỉ có điều là phải mất nhiều thời gian hơn mà thôi.
Ngoài ra một chứng cứ mới đây cho thấy các dạng suy thoái cơ thể chữa trị được bằng cách tăng thêm lượng máu tuần hoàn trong não bộ của người cao tuổi, để minh chứng lập luận này, trong một thí nghiệm người ta cho một nhóm thỏ già tiêm loại thuốc Nimodipine – làm tăng tuần hoàn máu. Các chú thỏ được tiêm thuốc học cách phản ứng theo tiến trình tạo điều kiện hạn chế nhanh chóng hơn rất nhiều so với một nhóm kiểm soát gồm các chú thỏ không được tiêm thuốc. Thực tế các chú thỏ già được tiêm thuốc học cách phản ứng cũng nhanh ngang với một nhóm thỏ non.
3. Các chuyển biến ký ức ở tuổi vãn niên: phải chăng nói Già bị tật hay quên?
Một trong các đặc điểm thường thấy nhất ở người cao tuổi là hiện tượng hay quên. Giả định này chính xác đến mức nào?
Hầu hết các chứng cứ đều cho thấy rằng chuyển biến ký ức không phải là một hiện tượng nhất định phải xảy ra trong tiến trình lão hóa. Và ngay cả trong trường hợp người già có hiện tượng suy thoái ký ức, thì khiếm khuyết này cũng giới hạn vào loại ký ức đặc biệt nào đó. Thí dụ, năng lực ký ức ngắn hạn hiếm khi bị suy thoái ngoại trừ các trường hợp bệnh tật. Ngược lại, nếu trường hợp mất trí nhớ có xảy ra thì tình trạng này cũng thường hạn chế trong phạm vi ký ức lâu dài. Ngoài ra, các trường hợp mất trí nhớ thường có thể phục hồi được và thậm chí có thể ngăn ngừa được nhờ biện pháp tập luyện.
Khi tình trạng mất trí nhớ xảy ra trong phạm vi ký ức lâu dài. thì tình trạng này thường giới hạn vào dạng ký ức tình tiết (episodic memory), là loại ký ức liên hệ đến các kinh nghiệm đặc thù trong cuộc sống chúng ta. Còn các dạng ký ức khác như ký ức ý nghĩa (semantic memory, liên hệ đến kiến thức và sự việc) và ký ức mặc nhiên (implicit memory, liên hệ đến các sự việc vô tình ghi nhận được) nói chung không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác.
Dĩ nhiên, trong một số trường hợp tình trạng mất trí xảy ra nguyên do bởi các rối loạn thể chất thực sự. Thí dụ, bệnh Alzheimer (Alzheimer’s disease) đã đề cập lần đầu ở Chương 2 là một rối loạn tiệm tiến ở não bộ dẫn đến tình trạng suy thoái năng lực trí tuệ dần dà và không thể vãn hồi được. Ngoài ra, các loại bệnh tật khác cũng khiến người ta bị mất trí nhớ theo các mức độ nhiều ít khác nhau. Tuy vậy, hiện tượng mất trí nhớ đáng kể vẫn cứ là một ngoại lệ, chứ không phải là phổ biến, đối với người cao tuổi.
4. Bối cảnh xã hội của Người Cao Tuổi: Già cả nhưng không cô độc
Giống như quan điểm cho rằng tình trạng lão suy (senility) là một hậu quả không thể tránh được của tuổi già, quan điểm cho rằng tuổi già nhất định sẽ phát sinh tâm trạng cô đơn cũng đã tỏ ra sai lầm. Hầu hết người cao tuổi thường xem bản thân họ là các phần tử có nhiệm vụ đối với xã hội, và nhận định này căn cứ vào một cuộc thăm dò tiêu biểu cho thấy chỉ có 12% số người thuộc độ tuổi 65 trở lên xem tình trạng cô đơn là một vấn đề nghiêm trọng.
Tuy vậy, tác phong và hành vi xã hội của người cao tuổi khác với người trẻ tuổi về một số phương diện. Hai khảo hướng đã được đề nghị nhằm giải thích bối cảnh xã hội của người cao tuổi: đó là lý thuyết lánh đời và lý thuyết nhập cuộc.
Lý thuyết tuổi già lánh đời(disengagement theory of aging) xem hiện tượng lão hóa là tình trạng dần dần rút ra khỏi bối cảnh sống về các mặt thể chất, tâm lý, và xã hội. Về mặt thể chất, năng lực suy thoái khiến cho người cao tuổi bớt hoạt động đi; về mặt tâm lý, trọng tâm chú ý của họ di chuyển từ tha nhân quay về bản thân; đồng thời về mặt xã hội, mức độ tương tác với tha nhân giảm đi và mức độ tham gia sinh hoạt xã hội cũng sút giảm. Nhưng thay vì nhận định nó dưới một nhãn quan ảm đạm, các lý thuyết gia lại cho rằng tình trạng lánh đời này là một hiện tượng có lợi, bởi vì nó giúp cho người cao tuổi có cơ hội suy gẫm thêm về cuộc đời và giảm bớt đầu tư tình cảm vào những người khác vào một thời điểm trong cuộc đời khi mà các mối quan hệ xã hội của họ nhất định sẽ kết thúc bởi cái chết.
Lý thuyết lánh đời đã bị phê phán bởi vì nó cho rằng hiện tượng xa lánh cuộc sống là một tiến trình tự động, đánh dấu tình trạng từ bỏ hẳn các khuôn mẫu hành vi trước đây. Trong khi đó, sự thật đáng quan tâm chính là các dữ kiện cho thấy những người cao tuổi khẳng định rằng họ đang hạnh phúc nhất lại là những người còn năng động nhất.
Các phê phán ấy đã khiến người ta đề xướng một khảo hướng khác nhằm miêu tả tình trạng người cao tuổi thích nghi với bối cảnh xã hội của họ. Lý thuyết tuổi già nhập cuộc (activity theory of aging) cho rằng những người cao tuổi bước vào tuổi vãn niên thành công nhất chính là những người vẫn còn duy trì được các mối quan tâm và hoạt động mà họ đã từng theo đuổi trong thời trung niên và cưỡng lại được bất kỳ tình trạng sút giảm nào trong tương tác xã hội của họ với tha nhân. Theo lý thuyết nhập cuộc, tuổi vãn niên phải phản ảnh được tình trạng tiếp diễn, càng nhiều càng tốt, các hoạt động mà con người đã tham gia trong các đoạn đời trước đây của mình, cũng như các hoạt động nhằm thay thế cho những hoạt động đã bị mất mát do các biến cố trong cuộc sống, như do tình trạng hưu trí chẳng hạn.
Lý thuyết nhập cuộc không phải là không bị chỉ trích. Chẳng hạn, người ta cho rằng chỉ một mình hoạt động ắt không đủ bảo đảm đem lại hạnh phúc cho con người. Đúng ra, bản chất các hoạt động xã hội của con người có lẽ mới là yếu tố có tính quyết định hơn. Ngoài ra, không phải mọi người cao tuổi đều cần phải có một cuộc sống tràn đầy hoạt động và tương tác xã hội mới có hạnh phúc; bởi vì trong mọi giai đoạn của cuộc đời, có những người thích cuộc sống cô đơn và tương đối êm ả, đồng thời cũng có những người khác thích cuộc sống tràn đầy hoạt động và quan hệ xã hội.
Chúng ta không thể nói lý thuyết lánh đời hay lý thuyết nhập cuộc trình bày quan điểm chính xác hơn về người cao tuổi, có lẽ bởi vì có rất nhiều biện pháp đối phó với tình trạng lão hóa của con người. Thế nhưng, hiển nhiên tuổi vãn niên không phải chỉ đơn thuần là thời điểm đánh dấu sự việc con người đang bước dần về cái chết. Đúng ra, tuổi vãn niên là thời kỳ tiếp diễn hiện tượng tăng trưởng và phát triển, cũng quan trọng ngay với bất kỳ thời kỳ nào trong cuộc đời vậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.