Tâm lý học căn bản

Chương 10 – Phần 8



THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TLH: CHUẨN BỊ TIẾP NHẬN CÁI CHẾT

Vào một thời điểm nào đó trong đời bạn, bạn sẽ đối mặt với cái chết – chắc hắn là của riêng bạn, cũng như những cái chết của bạn bè và những người thân thương. Trong kiếp sống tuy không có thứ gì không thể tránh né được bằng cái chết, nhưng cái chết vẫn cứ là một vấn đề trĩu nặng xúc cảm và khiến cho người ta hãi sợ. Có lẽ thái độ xem việc chuẩn bị cho cái chết là một trong số các nghĩa vụ thiết yếu nhất mà con người phải thực hiện để đi hết tiến trình phát triển của mình sẽ giúp cho bạn bớt căng thẳng trước cái chết của một người thân thương hoặc giúp bạn đủ tỉnh táo để tiếp nhận cái chết gần kề của bản thân mình.

Trước đây không lâu, nói về cái chết là một đều cấm kỵ. Người ta không bao giờ đề cập vấn đề này với những người sắp chết và các chuyên viên về hiện tượng lão hóa cũng ít bàn về vấn đề này. Nhưng sự việc đã đổi thay với công trình nghiên cứu tiên phong của Elisabeth Kubler – Ross (1969). Bà đã đưa vấn đề này ra ánh sáng và cho rằng những người đối mặt với thần chết thường phải trải qua 5 giai đoạn:

– Phủ nhận: Trong giai đoạn này, người ta cưỡng lại ý nghĩ rằng họ đang bước lần vào cõi chết. Ngay trong trường hợp được bảo rằng cơ hội sống còn của họ rất ít, họ cũng không chịu thừa nhận rằng họ đang giáp mặt với cái chết.

– Phẫn hận: Sau khi qua khỏi giai đoạn phủ nhận, người sắp chết tất phẫn hận – tức giận những người khỏe mạnh đang nhởn nhơ quanh họ, tức giận các chuyên viên y tế đã bất lực trước tình huống của họ, và tức giận cả đến Thượng đế. Trong lòng họ nổi lên câu hỏi: “Tại sao phải là tôi kia chứ?”, và không thể trả lời nổi câu hỏi hóc búa này nên họ không sao nguôi được cơn phẫn nộ.

– Mặc cả: Phẫn hận dẫn đến mặc cả, khi đó người sắp chết cố gắng nghĩ ra một cách để đẩy lùi cái chết ra xa. Họ có thể quyết định dâng hiến cuộc đời họ cho tôn giáo nếu như Thượng đế cứu vớt được họ; họ có thể nói: giá như được sống để nhìn đứa con trai thành gia lập thất, sau đó tôi sẽ cam tâm chịu chết”. Các mặc cả như thế hiếm khi hữu hiệu, hầu như thông thường do cơn bệnh của người sắp chết cứ một mực tiến triển và vô hiệu hóa bất kỳ “thỏa thuận” nào.

– Tuyệt vọng. Đến khi biết ra được mặc cả chẳng được tích sự gì, người sắp chết tiến sang giai đoạn kế tiếp là giai đoạn tuyệt vọng. Họ nhận ra được rằng quân súc sắc đã được ném xuống đĩa rồi, rằng họ sắp phải mất đi những người thương yêu và rằng cuộc đời họ thực sự sắp sứa kết thúc. Lúc ấy họ đang trải qua một kinh nghiệm mà Kũbler – Ross gọi là “nỗi thống khổ dọn mình” để đón nhận cái chết của chính bản thân.

– Chấp nhận: Trong giai đoạn cuối cùng này, người ta đã vượt qua nỗi thương tiếc trước tình trạng sắp mất đi cuộc sống đế chấp nhận cái chết trước mắt. Thông thường, họ không còn xúc cảm và không còn muốn thông đạt với người khác nữa; điều này dường như cho thấy họ dàn hòa được với bản thân để đón nhận cái chết mà không còn phẫn hận gì nữa.

Mặc dù không phải mọi người ai cũng kinh qua một giai đoạn theo cung cách giống nhau, nhưng dù sao lý thuyết của Kũbler – Ross vẫn là một thiên miêu tả sáng tỏ nhất về phản ứng của con người đối với cái chết đang đến gần. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều khác biệt giữa mọi cá nhân, tuỳ theo nguyên nhân cá biệt và thời gian hấp hối cũng như giới tính của một người, tùy theo tuổi tác, cá tính và sức hỗ trợ của gia đình cùng bạn bè của mỗi người.

5. Tóm tắt và học ôn IV

A. TÓM TẮT

– Tuổi vị thành (adolescence) là giai đoạn phát triển giữa tuổi ấu thơ (child–hood) và tuổi trưởng thành (adulthood).

– Một vài chuyển biến thể xác cực kỳ quan trọng xảy ra ở tuổi dậy thì (puberty). Trưởng thành sớm (early maturing) thông thường có lợi về mặt tương tác xã hội, còn muộn trưởng thành (late maturing) thường là bất lợi cho thanh thiếu niên.

– Theo Kohlberg, tiến trình phát triển nhận thức luân lý (moral developmeno trải qua một số cấp bậc có mức tinh tế cao dần. Còn theo quan điểm trái ngược của Gilligan, nữ giới chú trọng đến các nguyên tắc liên quan đến lòng trắc ẩn dành cho cá nhân trong khi nam giới chú trọng đến các nguyên tắc trừu tượng về công lý hay công bằng.

– Tuy ngày xưa người ta cho rằng giai đoạn vị thành niên là một thời kỳ nổi loạn đầy sóng gió, nhưng hiện nay các nhà tâm lý đều cho rằng quan điểm ấy chỉ là hư cấu chứ không phản ảnh thực tế.

– Đỉnh cao sức mạnh thể chất xảy ra vào thời điểm từ khoảng tuổi 18 đến 25, sau đó thể lực và sức khỏe tổng quát sẽ suy thoái dần.

– Theo quan điểm của Levinson, tiến trình phát triển xã hội tính trong thời tráng niên và trung niên (early and middle adulthood) trải qua nhiều giai đoạn.

– Các hoạt động giải trí của người cao tuổi không khác biệt lắm so với người trẻ tuổi nhưng thể lực của người cao tuổi sút giảm đi rất nhiều theo tuổi tác. Hai lý thuyết giải thích hiện tượng sút giảm này là: lý thuyết tiền định di truyền (Senetic preprogramming theory) và lý thuyết hao mòn do sử dụng (wear–and– tear theory).

– Người sắp chết trải qua một số giai đoạn.

B. HỌC ÔN

1/… là thời kỳ các cơ quan sinh dục (sexual organs) bắt đều trưởng thành.

2/… chủ trương tiến trình phát triển nhận thức luân lý trải qua 6 giai đoạn, từ lý luận căn cứ vào thưởng phạt cho đến tư duy trừu tượng bao gồm các khái niệm về công lý.

3/ Trong thời vị thành niên, Erikson cho rằng thanh thiếu niên phải tìm cách…, còn trong các năm ở đại học thì công việc chủ yếu là truy tìm…

4/ Cặp đôi mỗi giai đoạn phát triển nhận thức luân lý của nữ giới theo Gilligan với định nghĩa về giai đoạn ấy.

a. Chú trọng đến thứ gì có lợi nhất cho bản thân nữ giới

b. Phải hy sinh nhu cầu bản thân cho ước muốn của tha nhân

c. Cây tổn thương cho bất kỳ ai, kế cả bản thân, đều là hành vi phi luân lý.

1… nền luân lý phi bạo lực (morality of nonvioience)

2… định hướng bởi tồn tại cá nhân (orientation toward individual survival)

3… Đức hạnh do hy sinh bản thân (Goodness as self–sacrifice)

5/ Các biến chuyển tình cảm và tâm lý đôi khi phát sinh song hành với hiện tượng mãn kinh (menopause) có lẽ không do bởi hiện tượng này. Đúng hay Sai?

6/ Mới đây người đàn ông 40 tuổi thấy mình đang kiểm điểm lại các mục tiêu và thành tựu trong đời của ông ta cho đến nay. Tuy đã thực hiện được khá nhiều việc nhưng ông lại nhận thấy nhiều mục tiêu sẽ không hoàn tất được trong đời sống, Levinson sẽ gọi giai đoạn mà Rob đang trải qua trong đời ông ta là…

7/ Lý thuyết… cho rằng có một thời hạn tối đa trong đó tế bào cơ thể còn sản sinh được. Thời hạn này giải thích được hiện tượng hư hoại tối hậu xảy ra đối với cơ thể người cao tuổi.

8/ Ngược lại lý thuyết trên, lý thuyết… phát biểu rằng cơ thể đơn giản sẽ kém hiệu quả hơn sau một thời gian hoạt động.

9/ Trong thời vãn niên, trí thông minh… của con người tiếp tục phát triển, còn trí thông minh… sẽ giảm sút đi.

10/ Trong giai đoạn… theo quan điểm Kũbler – Ross, con người cưỡng lại ý nghĩ họ sắp phải chết. Trong giai đoạn… họ cố gắng vùng vẫy để hòng tránh được chết, còn trong giai đoạn… họ thụ động chờ chết.

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Nhiều nền văn hóa có “nghi thực qua ải” (giống như các nghi thức đã miêu tả trên đây trong Chương này) nhờ đó người ta được chính thức công nhận là người trưởng thành (an adult). Bạn có cho rằng nghi thức ấy có lợi gì cho họ không? Nếu như tuổi vị thành niên quả là một thời kỳ khiến người ta dễ lầm lạc như vậy, thì nghi lễ đặt tên chính thức cho tình trạng “trưởng thành” liệu có phải là một điều tốt cho cả thanh thiếu niên trong nền văn hóa của chúng ta không?

(Giải đáp câu hỏi học ôn cuối chương)

VII. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

– Các nhà tâm lý làm cách nào để tìm hiểu mức độ phát triển của con người trong điều kiện tiến trình phát triển ấy là một hàm số liên kết của các yếu tố di quyền và hoàn cảnh sống?

1. Tâm lý phát triển (developmental psychology) là một chuyên ngành thuộc bộ môn TLH nhằm nghiên cứu hiện tượng tăng trưởng và biến chuyển trong suốt cuộc đời con người. Câu hỏi căn bản mà chuyên ngành này phải giải đáp là liệu biến chuyển thuộc tiến trình phát triển của con người chịu ảnh hưởng bởi bẩm sinh hay tự nhiên – các yếu tố di truyền – đến mức nào và bởi cách dưỡng dục – các yếu tố hoàn cảnh – đến mức nào. Hầu hết các nhà TLPT đều cho rằng yếu tố di truyền ấn định các giới hạn cao nhất cho sự tăng trưởng và biến chuyển của chúng ta, còn yếu tố hoàn cảnh tác động đến mức độ vươn đến các giới hạn cao nhất ấy.

2. Nghiên cứu tiết diện (cross–sedion research) so sánh các nhóm đối tượng thuộc các lứa tuổi khác nhau vào cùng một thời điểm. Ngược lại, nghiên cứu trường độ (longitudinal research) theo dõi hành vi chuyển biến của một hay nhiều đối tượng nghiên cứu qua thời gian dài cho đến khi các đối tượng ấy trưởng thành hay cao tuổi hơn. Cuối cùng nghiên cứu chuỗi tiết diện (cross sequential research) phối hợp hai phương pháp trên bằng cách chọn ra một vài nhóm đối tượng thuộc các lứa tuổi khác nhau để tìm hiểu qua một số thời điểm.

– Bản thất của tiến trình phát triển trước khi chào đời là gì, và các yếu tố nào ảnh hưởng đến đứa trẻ suốt thời gian còn nằm trong bụng mẹ?

3. Vào thời điểm thụ tinh, một tế bào tinh trùng nam giới và một tế bào noãn của nữ giới hợp nhất lại, và mỗi tế bào ấy đóng góp vào thành phần cấu tạo di truyền của một cá nhân mới. Tế bào mới này gọi là hợp tử (zygote) lập tức bắt đầu phát triển, thành phôi (embryo) dài khoảng 10,5cm sau bốn tuần lễ. Đến tuần lễ thứ 9, phôi được gọi là thai nhi (fetus) rất nhạy cảm với xúc chạm và các kích thích khác. Vào khoảng tuần lễ thứ 28, thai nhi tiến đến độ tuổi đủ sức sống còn (age of viabllity), tức là thời điểm đứa trẻ có khả năng sống sót trong trường hợp đẻ non. Thai nhi sanh nở bình thường sau 38 tuần lễ thai kỳ, cân nặng khoảng 3,178kg và cao khoảng 50,8 cm.

– Tiến trình phát triển cơ thể, nhận thức, và xã hội tính của trẻ sau khi chào đời trải qua các bước ngoặt quan trọng nào?

4. Trẻ sơ sinh (neonate) có rất nhiều khả năng. Trong số đó là phản xạ sục sạo (rooting reftex), phản xạ giật mình (starle reflex), và phản xạ Babinski. Sau khi chào đời, tiến trình phát triển cơ thể diễn ra rất nhanh chóng; sau một năm trẻ bình thường có thể trọng bằng gấp ba lần mức thể trọng sơ sinh. Năng lực cảm nhận cũng phát triển nhanh chóng; chỉ sau một tháng tuổi là trẻ phân biệt được màu sắc và chiều sâu. Các năng lực giác quan khác cũng thật kỳ diệu ngay lúc mới chào đời; trẻ nhận biết được âm thanh và phân biệt được mùi vị không bao dù sau khi lọt lòng mẹ. Tuy nhiên, sự phát triển năng lực cảm nhận tinh vi hơn lại tùy thuộc vào tình trạng phát triển năng lực trí tuệ.

5. Tình trạng phát triển xã hội tính ở tuổi ấu thơ được đánh dấu bởi hiện tượng quyến luyến (phenomenon of attachment) – sự ràng buộc tình cảm tích cực giữa đứa trẻ với một cá nhân đặc biệt.

6. Khi trẻ lớn lên, bản chất các tương tác xã hội của chúng với trẻ đồng trang lứa sẽ thay đổi đi. Ban đầu hành vi chơi đùa của chúng diễn ra tương đối độc lập, nhưng ngày càng có tính hợp tác hơn. Hành vi nô đùa giúp trẻ tăng thêm khả năng công tác xã hội và tính tự chủ.

7. Theo Erikson, 8 giai đoạn phát triển tâm lý bao quát tình trạng chuyển biến cách tương tác và tình trạng tìm hiểu bản thân cũng như tìm hiểu tha nhân của con người. Trong thời ấu thơ, tiến trình phát triển tâm lý bao gồm 4 giai đoạn, và mỗi giai đoạn ấy đều có một khủng hoảng cần được giải quyết. Ông gọi các giai đoạn này là tin cậy – ngược lại – mất lòng tin (trust–versus– mistrust stage, từ lúc chào đời đến 18 tháng tuổi), tự chủ – ngược lại – xấu hổ – và nghi ngờ bản thân (autonomy – versus – shame – and – doubt stage, từ 18 tháng tuổi đến tuổi lên ba), sáng kiến – ngược lại – mặc cảm tội lỗi (initiative – versus – guilt, từ 3 đến 6 tuổi), và chuyên cần – ngược lại – mặc cảm thấp kém (industry – versus – inferiority stage, 6 đến 12 tuổi).

– Làm cách nào để miêu tả sáng tỏ nhất tiến trình phát triển trí tuệ, và các bậc cha mẹ làm được điều gì thích hợp để khích lệ con cái phát triển trí tuệ?

8. Lý thuyết của Piaget cho rằng sự phát triển trí tuệ xúc tiến qua 4 giai đoạn trong đó tư duy của con người biến chuyển về mặt phẩm chất. Trong giai đoạn vận động cảm giác (sensorimotor stage, từ lúc chào đời đến tuổi lên hai), trẻ phát triển khả năng lưu giữ bền vững đối tượng nhận thức (object permanence), tức khả năng nhận biết rằng các đồ vật và con người tiếp tục hữu hiệu trong trường hợp các đối tượng ấy khuất khỏi tầm nhìn của trẻ. Trong giai đoạn chuẩn bị vận dụng năng lực tư duy (preoperational stage, 2 đến 7 tuổi), trẻ xây dựng lối tư duy quy ngã (egocentric thinking), và đến cuối giai đoạn này trẻ bắt đầu hiểu được nguyên tắc bảo tồn (principle of conservation) – tức khả năng am hiểu rằng số lượng không liên hệ gì đến cách bố trí cũng như hình dáng vật lý của đồ vật. Trẻ chỉ hoàn toàn hiểu rõ nguyên tắc này khi chúng bước sang giai đoạn vận dụng năng lực tư duy trong bối cảnh cụ thể (concrete operational stage, 7 đến 12 tuổi), khi ấy trẻ bắt đầu tư duy logic hơn, và hiểu được khái niệm nghịch đảo (concept of reversibility). Trong giai đoạn cuối, tức thời kỳ vận dụng năng lực tư duy chân chính (formal operational stage, từ 12 tuổi đến lúc trưởng thành), lối tư duy có tính trừu tượng, hợp thức, và hoàn toàn logic.

9. Tuy lý thuyết của Piaget có ảnh hưởng vô cùng lớn lao, nhưng một số lý thuyết gia cho rằng quan điểm tiến trình phát triển trải qua các giai đoạn rời rạc như thế thì không chính xác. Họ chủ trương hiện tượng phát triển diễn ra liên tục, và các chuyển biến xảy ra bên trong và giữa các giải đoạn phản ảnh các bước tiến bộ về mặt định lượng trong tiến trình phát triển trí tuệ chứ không phải về mặt phẩm chất tư duy.

10. Khảo hướng xử lý thông tin (in–formation – processing approach) cho rằng các biến chuyển số lượng xảy ra đối với khả năng tổ chức và vận dụng thông tin về ngoại giới của trẻ, như các gia tăng đáng kể về tốc độ xử lý, thời gian tập trung chú ý, và khả năng ghi nhớ. Ngoài ra, trẻ cũng đạt được các bước tiến bộ về trí tuệ siêu nghiệm (metacognition), tức là khả năng nhận định và tìm hiểu các tiến trình trí tuệ của chính bản thân con người.

11. Bởi vì các yếu tố hoàn cảnh đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển trí tuệ, nên các tập quán nuôi dạy trẻ có thể ảnh hưởng quyết định đến mức độ thể hiện tiềm năng di truyền của trẻ. Các bậc cha mẹ có thể hỗ trợ bằng cách tạo cơ hội để trẻ khám phá hoàn cảnh xung quanh của chúng, tỏ lòng quyến luyến và yêu thương con cái, cho chúng các phương tiện chơi đùa thích hợp, chấp nhận cho trẻ phạm phải sai lầm để chúng có dịp sửa đổi và đặt kỳ vọng cao ở trẻ.

– Những bước chuyến tiếp nào về mặt thể chất, xã hội tính, và tình cảm đặc trưng cho tuổi vị thành niên

12. Thời vị thành niên (adolescence), giai đoạn phát triển giữa tuổi ấu thơ (childhood) và tuổi trưởng thành (adulthood), được đánh dấu bởi tuổi dậy thì (puberty), là thời gian trưởng thành về mặt tình dục (sexual maturity). Tuổi dậy thì có nhiều ý nghĩa đối với lối nhận định của thanh thiếu niên về chính bản thân họ cũng như đối với lối nhận định của xã hội về thanh thiếu niên.

13. Các thẩm định luân lý trong giai đoạn vị thành niên phát triển thật tinh tế theo mô hình 3 cấc bậc – 6 giai đoạn của Kohlberg. Tuy các giai đoạn theo quan điểm của Kohlberg là một miêu tả khá chính xác về cách thẩm định luân lý của nam giới, nhưng các giai đoạn này dường như không áp dụng được cho việc miêu tả cách thẩm định luân lý của nữ giới. Đặc biệt, Gilligan cho rằng nữ giới quan niệm luân lý dưới dạng mối quan tâm đến con người cụ thể, chứ không theo các nguyên tắc phổ quát, chung chung về công lý và công bằng; theo quan điểm của bà, phát triển nhận thức luân lý trải qua 3 giai đoạn.

14. Theo lý thuyết phát triển tâm lý của Erikson, giai đoạn thanh xuân thường xảy ra cơn khủng hoảng tìm cách khẳng định bản thân, dù hiện tượng này không phổ biến lắm. Tiếp sau đó, thanh thiếu niên sẽ trải qua ba giai đoạn phát triển bao quát cả quãng đời còn lại của con người.

– Các dạng biến chuyển nào về mặt thể chất, xã hội tính, và trí tuệ xảy ra trong thời tráng niên và trung niên, và nguyên nhân nào gây ra các biến chuyển ấy?

15. Thời tráng niên (early adulthood) đánh dấu đỉnh cao sức khỏe thể chất. Các chuyển biến thể chất xảy ra tương đối dần dà đối với nam và nữ giới trong suốt giai đoạn trưởng thành, mặc dù một biến chuyển quan trọng xảy ra vào cuối thời kỳ trung niên (middle adulthood) của nữ giới: nữ giới bắt đầu mãn kinh (menopause). Đối với nam giới, tiến trình lão hóa tế nhị hơn bởi vì họ vẫn còn khả năng làm cha.

16. Lý thuyết phát triển của Levinson cho rằng tuổi tráng niên và trung niên bao gồm 6 giai đoạn chính, khởi đầu bước vào thời tráng niên ở khoảng tuổi đôi mươi và kết thúc trung niên vào khoảng tuổi 60 hoặc 65. Một trong các bước chuyển tiếp cực kỳ quan trọng – ít ra đối với nam giới – xảy ra vào khoảng giữa đời người (từ 40 đến 45 tuổi), khi người ta thường trải qua bước chuyển tiếp nửa đời người (midlife transition) trong đó quan niệm rằng cuộc đời không phải là vô hạn trở nên quan trọng nhất đối với con người. Trong một số trường hợp quan điểm này dẫn đến cơn khủng hoảng nửa đời người (mldlife crisis); thế nhưng, bình thường con đường tiến vào tuổi trung niên tương đối êm ả. Mặc dù Levinson cho rằng cuộc sống của nữ giới căn bản diễn biến tương tự nam giới, nhưng rất có thể có một số dị biệt do giới tính.

17. Khi hiện tượng lão hóa tiếp diễn trong giai đoạn trung niên, thì đến tuổi ngũ thập người ta nhận ra rằng cuộc đời và các thành tựu của họ gần như đã tất định rồi, và họ cố gắng thích nghi với chúng.

– Sự thật về tuổi già khác biệt ra sao với quan điểm thông thường của mọi người về thời kỳ này?

18. Tuổi vãn niên có thể diễn ra các suy thóai rõ rệt về mặt thể chất. Tuy các hạt động của người cao tuổi không hoàn toàn khác biệt với người trẻ tuổi nhưng người cao tuổi phản ứng chậm hơn, các giác quan của họ bị suy thoái, và khả năng chịu đựng cũng giảm đi. Các suy thoái có thể do yếu tố tiền định di truyền gây ra, nhân tố này ấn định một thời hạn nhất định cho sự sản sinh các tế bào cơ thể, hoặc đơn giản cơ thể do hiện tượng hao mòn do sử dụng các bộ phận máy móc trong cơ thể gây ra.

19. Mặc dù các suy thoái trí tuệ trước đây bị xem là hiện tượng không thể tránh được trong tiến trình lão hóa, nhưng hầu hết các công trình nghiên cứu hiện nay đều cho rằng hiện tượng này không nhất thiết luôn luôn xảy ra. Trí thông mình lưu hoạt (fluid intelligence) tuy có sút giảm theo tuổi tác, và ký ức lâu dài (long–term memory) đôi khi bị tổn thương. Nhưng trí thông minh tinh luyện (crystallized intelligence) lại tăng cường theo tuổi tác. Và ký ức ngắn hạn (short–term memory) hầu như không bị suy suyển.

20. Lý thuyết lánh đời (disengage–ment theory) cho rằng hiện tượng lão hóa diễn tiến thuận lợi là một tiến trình từ bỏ dần thế giới chung quanh về mặt thể chất, tâm lý, và tương tác xã hội. Ngược lại, lý thuyết nhập cuộc (activity theory) cho rằng sự duy trì các mối quan tâm và hoạt động từ các năm trước đây sẽ dẫn đến hạnh phúc trong tuổi già. Bởi vì rất nhiều khác biệt giữa mọi người nên người ta không biết rõ liệu lý thuyết nào trong hai lý thuyết này chính xác hoàn toàn.

– Làm cách nào để chuẩn bị chấp nhận cái chết?

21. Theo Kũbler – Ross, người sắp chết trải qua 5 giai đoạn khi đối mặt với tử thần là: phủ nhận, phẫn hận, mặc cả, tuyệt vọng và chấp nhận.

VIII. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP

I.

1/ Yếu tố di truyền; yếu tố hoàn cảnh

2/ Trinh nguyên

3/ Đúng

4/ Đúng

5/ Trường độ; tiết diện

6/ 1–b; 2–a; 3–c

7/ Thời kỳ quyết định

8/ Thai nhi

II.

1/ 1–b; 2–c; 3–a;

2/ Quen thuộc

3/ Hiện tượng quyến luyến

4/ Sai; sự quyến luyến đối với người cha cũng vững chắc ngang với người mẹ.

5/ Đúng

6/ Tâm lý xã hội.

III.

1/ Piaget

2/ 1 –c; 2–a; 3–b

3/ Đúng

4/ Xử lý thông tin

IV.

1/Tuổi dậy thì

2/ Kohlberg

3/ Khẳng định bản thân; quan hệ gần gũi 4/ 1 –c; 2–a; 3–b.

5/ Đúng

6/ Bước chuyển tiếp nửa đời người

7/ Tiền định di truyền

8/ Hao mòn vì sử dụng

9/ Tinh luyện; lưu hoạt

10/ Phủ nhận; mặc cả; chấp nhận


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.