Tâm lý học căn bản
Chương 11 – Phần 7
C. THỜI KỲ KHOÁI LẠC VỚI NGƯỜI KHÁC
1. Giai đoạn sùng bái dương vật (phallic stage).
Sau giai đoạn hậu môn với đặc trưng là tình dục rất tản mác, chúng ta thấy xuất hiện một thời kỳ (từ 4 đến 6 tuổi) có đặc điểm là cơ quan sinh dục bên ngoài trở thành vùng khoái lạc quan trọng nhất.
Trong giai đoạn này, các khuynh hướng làm cho trẻ hướng về những người trong bối cảnh quanh chúng, và nội tâm của chúng diễn biến ngày càng giống với đời sống tình ái của người lớn.
Đây là giai đoạn phát sinh nhiều mặc cảm nhất trong cuộc đời của trẻ. Chúng tôi xin phép được giải thích, mặc cảm là sợi dây liên hệ chặt chẽ giữa: Một mặt, các thúc đẩy thuộc bản năng nguyên thủy nhằm vào các mục tiêu khác nhau, thường mâu thuẫn nhau, và thúc đẩy nào cũng muốn ngự trị; mặt khác, những cấm đoán của nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội, chống lại việc thực hiện một số thúc đẩy bản năng nhất định. Đặc tính quan trọng nhất của giai đoạn này là âm vang và tác động của mặc cảm Oedipus đối với đời sống tình cảm của trẻ. Oedipus là một nhân vật trong huyền thoại Hy Lạp. Ông bị cha mẹ bỏ rơi vì một lời trên tri, và được người ngoài nuôi dưỡng. Vì không biết nguồn gốc của mình nên khi lớn lên ông gặp được mặt Nữ vương và say mê bà này. Sau đó hai người chính thức thành hôn. Đến khi biết được sự thật trớ trêu rằng Nữ vương là mẹ ruột của mình. Oedipus tự chọc mù đôi mắt. Còn bà mẹ vì quá đau đớn đã treo cổ tự vẫn. Freud sử dụng huyền thoại này để lý giải những tình cảm phức tạp của trẻ: vừa thương yêu gắn bó với bậc cha mẹ khác giới tính, vừa chống đối và gây hấn với bậc cha mẹ đồng giới tính của chúng.
Trong tác phẩm La Pensée de Freud, E. Pesch tóm tắt mặc cảm Oedipus sơ lược như sau:
– Trẻ cảm thấy yêu thương gắn bó với bậc cha mẹ khác giới tính với chúng (ghi chú rằng tình cảm của trẻ thấm đượm tình dục mơ hồ);
– Do tiến trình vừa nêu, trẻ chống đối vì ghen tuông với bậc cha mẹ đồng giới tính với chúng;
– Tình cảm ngưỡng mộ và quyến luyến với bậc cha mẹ cùng giới tính xen lẫn với tình cảm chống đối họ (tình cảm lưỡng diện);
– Tình cảm tội lỗi, thường là vô thức, và là nguyên nhân của hành vì chống đối bậc cha mẹ cùng giới tính.
Để hiểu rõ hơn lược đồ này, chúng ta cần biết qua các quan hệ mới mẻ được thiết lập trong giai đoạn này giữa trẻ và cha mẹ của chúng.
Trẻ bắt đầu thủ đắc tình trạng độc lập của chúng trên phương diện vận động, và “là chủ” ngôn ngữ thông thường; vì vậy chúng bước vào cuộc khủng hoảng độc lập (lndependence crisis): Chúng muốn tự làm mọi việc, muốn bắt chước những người xung quanh, đặc biệt người lớn cùng giới tính với chúng.
Tuy vậy, trẻ vẫn còn sống trong một vu trụ hỗn mang, chúng lẫn lộn thực tại với mộng mơ, việc chính yếu với việc phụ thuộc; và phản ứng của chúng theo cảm tính, và gắn liền với tình trạng cơ thể. Chúng chưa đủ khả năng hợp lý hóa tác phong cư xử, cũng chưa đủ sức tách rời bản thân ra khỏi các biến cố, cho nên thái độ của chúng phản ảnh sự đam mê và có tính tuyệt đối.
Vì không tách rời được khỏi các biến cố để có được nhãn quan phê phán, nên trẻ bắt chước tất cả mọi hành vi, thái độ, mẫu tác phong mà gia đình cung cấp cho chúng.
Trẻ phóng ngoại nội tâm của chúng lên sự vật, như búp bê, hình ảnh, v.v…; đồng thời chúng cũng bắt chước và đồng hóa với người lớn bằng sự phóng nội. Chúng lần hồi đưa vào nội tâm những cấm đoán và các mẫu tác phong của cha mẹ, chính sự việc này góp phần hình thành siêu ngã của chúng.
Trong khi cho đến nay chính bà mẹ là trung tâm của vũ trụ, thì càng lúc vai trò của người cha càng quan trọng hơn. Người cha xuất hiện như một nhân vật quyền uy với nhiều khả năng bí ẩn. Vừa đáng ngại vữa hấp dẫn, người cha làm cho trẻ yên lòng đồng thời cưỡng chế chúng. Người cha ảnh hưởng nhiều đến tác phong của trẻ, nhưng đồng thời chúng lại căm ghét ông do những quan hệ giữa ông với mẹ của chúng, những quan hệ mà mãi đến nay chúng mới bắt đầu khám phá ra.
Sau cùng, chúng ta nên lưu ý rằng vào thời kỳ này đồng thời với việc trẻ khám phá ra cái tôi (self) của mình, chúng cũng khám phá những thứ thầm kín trong cơ thể của chúng. Nhờ khả năng vận động, nhờ hành vi sờ mó vọc phá đồ đạc, nhờ sự bắt chước hành vi và thái độ của người lớn, trẻ dần dà thiết lập cho mình những khuôn mẫu tổ chức và biểu tượng ấn xác của bản thân (sơ đồ cơ thể). Chúng vẽ hình người, khám phá hình ảnh của mình trong kiếng. Cuối cùng, đây là lúc khám phá cơ quan sinh dục của bản thân, việc này giúp cho chúng bắt đầu ý thức được sự khác biệt giới tính, và khiến cho trẻ bắt đầu đặt những câu hỏi “tại sao” đầu tiên về vấn đề này.
Tất cả những sự kiện vừa nêu hình thành một bầu không khí tình cảm, trong đó mặc cảm Oedipus xuất hiện. Những quan hệ với người Mẹ (đối với bé trai) hay với người cha (đối với bé gái) đượm màu sắc tình dục tản mác, sự việc này đôi khi dẫn đến những can thiệp ngăn cấm của người lớn mà trẻ hoàn toàn không hiểu tại sao. Sự tò mò của chúng đó với cơ thể của bản thân hay của người khác giới tính, đôi khi dẫn đến những câu trả lời đầy đe dọa, tình trạng này có thể gây cho chúng mặc cảm tội lỗi. Trong trường hợp hiếu kỳ tình dục của trẻ bị đàn áp một cách nghiêm khác, hoặc vì các bậc cha mẹ quá “đạo đức” hoặc vì họ cũng bị mặc cảm tội lỗi một cách vô thức, trẻ có thể nảy sinh tâm trạng sợ hãi bị thiến. Chúng tưởng tượng người cha trả đũa lòng căm ghét của chúng mà ra tay cắt bỏ bộ phận sinh dục của chúng (lo sợ bị thiến ở các bé trai), hay tưởng tượng đã bị cắt mất cơ quan sinh dục rồi (mặc cảm bị thiến ở các bé gái). Sự lo sợ hay mặc cảm này tăng cường tình cảm tội lỗi của trẻ, liên hệ mật thiết với mặc cảm Oedipus.
Dù vậy, mặc cảm Oedipus thật ra không có gì là bất bình thường cả. Nó chỉ là một bước chuyển tiếp cần thiết trong tiến trình phát triển nhân cách. Sự tai hại chỉ xảy ra khi nào sự xung đột giữa tính gây hấn và tình thương không khắc phục được mà thôi.
Thế nhưng, bình thường sự xung đột này sẽ tan biến đi, một mặt do sự kiện những thúc đẩy tình dục giảm bớt cường độ trong thời kỳ tiềm phục tiếp nối giai đoạn sùng bái dương vật, và mặt khác do tiến trình đồng hóa với bậc cha mẹ đồng giới tính trong đó trẻ bắt chước hành vi ứng xử của cha hoặc mẹ, nhờ đó trẻ đạt được tâm trạng độc lập đối với bậc cha mẹ khác giới tính.
Đến đây, chúng ta ghi nhận thêm rằng sự phát triển những mặc cảm của các bé gái về một lý thuyết có tính đối xứng với các bé trai. Nhưng trên thực tế, diễn biến này phức tạp hơn. Các bé gái phải trải qua thêm một thời kỳ gắn bó với người cha, và xem bà mẹ như tình địch. Đó là mặc cảm Electre*. Tiến triển mặc cảm của các bé gái cũng phức tạp hơn do sự kiện mặc cảm Electre khiến cho chúng chống đối với bà mẹ, đối tượng yêu thương đầu đời của chúng trong khi các bé trai trước sau gì cũng vẫn gắn bó với bà mẹ. Ngoài ra, khác biệt về mặt cơ thể so với các anh em trai được chúng nhận định và chôn giấu trong lòng như là một điểm yếu kém của mình, nhất là trong bối cảnh gia đình trọng nam và cho rằng nam giới biểu tượng cho uy quyền và sức mạnh. Mặc cảm thua sút này có thể vượt qua được nếu gia đình khuyến khích chúng ganh đua khôn khéo với các bé trai.
* Electre: Theo huyền thoại Hy lạp, Electre là em của Oreste. Electre thúc đẩy Oreste ám sát mẹ và chồng sau của mẹ để trả thù cho người cha bị lường gạt và giết chết.
Như vậy, những hậu quả của mặc cảm Oedipus và mặc cảm Electre rất khác biệt nhau tùy theo mức độ trí thức của gia đình. Và nhiều người đã phê phán Freud khi ông quan niệm các mặc cảm ấy có tính phổ biến, trong khi các mặc cảm này thực ra chỉ hiện hữu ở các gia đình thuộc các nền văn hóa phương Tây mà thôi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền văn minh hiện tại của chúng ta, bậc cha mẹ thiếu hiểu biết có thể vô tình làm cho xung đột do mặc cảm Oedipus trầm trọng thêm qua việc đàn áp quá nghiêm khắc các khuynh hướng tự nhiên của trẻ. Khi ấy trẻ sẽ sống trong tâm trạng tội lỗi tiềm phục, khiến cho chúng có khuynh hướng náu thân trong cuộc sống mộng tưởng thầm kín.
Sau cùng, mặc cảm Oedipus ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thích nghi với xã hội của cá nhân trong tương lai. Do sự kiện các bậc cha mẹ là những biểu hiện đầu tiên của sự kiểm duyệt độc đoán của xã hội, nhằm cưỡng chế và chống đối lại các thúc đẩy bản năng của trẻ, cho nên tâm trạng lo âu căng thẳng mà những can thiệp của các bậc cha mẹ gây ra cho trẻ, sau này có thể di chuyển đến các biểu tượng khác của quyền uy xã hội, như thầy cô, cấp chỉ huy trực tiếp, lãnh tụ các đoàn thể trong xã hội và các giới chức trong chính quyền. Cơ chế chuyển di này mà Freud đã vạch rõ chỉ là sự di chuyến những thái độ đối với các bậc cha mẹ trong thời thơ ấu qua các nhân vật hay các định chế xã hội.
Chẳng hạn, trong thời kỳ chữa trị bằng liệu pháp phân tâm, bệnh nhân thường di chuyển một cách vô thức các quan hệ tình cảm trước đây đối với cha mẹ mình qua nhà phân tâm, và ông này trở thành người đại biểu cho uy quyền của người cha. Tình trạng này giải thích lý do tại sao người bệnh kháng cự, không chịu tiếp tục bộc lộ tâm tính của mình. Sự di chuyển này cũng có thể xảy ra đối với nhiều nhân vật khác trong các khung cảnh khác. Thí dụ, nếu trẻ không thể vượt qua được tình cảm lệ thuộc đối với bà mẹ, sau này khi lớn lên nó có thể tìm kiếm nơi người vợ những tình cảm bảo bọc của người mẹ chứ không phải là những tình cảm vợ chồng bình thường. Nêu người cha tài giỏi quá, cao xa quá, ông có thể khiến cho trẻ tin tưởng rằng ông là một khuôn mẫu xa vời, không với tới được, vì vậy chúng cảm thấy yếu kém và tự ti. Tình trạng này làm cho trẻ có khuynh hướng tức giận những người chỉ huy mình hay những người minh hằng ngưỡng mộ sau này.
Nên ghi nhớ rằng giai đoạn này là thời kỳ trẻ đồng hóa với các bậc cha mẹ của chúng. được quan niệm như khuôn mẫu cư xử, và tiến trình đồng hóa này rất phức tạp. Khi bắt chước hành vi ứng xử của cha mẹ, trẻ cũng bắt chước cả những tình cảm của họ và điều này làm biến đổi các quan hệ tình cảm của nó với người khác giới tính. Khi trẻ ganh đua với bậc cha mẹ cùng giới tính với chúng, thì bầu không khí tội lỗi tăm tối do sự ghen tuông sẽ phát sinh. Nhưng chính trong giai đoạn này khuôn mẫu của chúng cũng được phóng nội dưới hình thức giá trị của bản ngã lý tưởng, hình thành ý thức đạo đức nơi trẻ, giúp cho chúng kiểm soát và phê bình những khát vọng có tính bản năng.
2. Giai đoạn tiềm phục (latency stage)
Giai đoạn này kéo dài từ tuổi lên 6 đến lúc dậy thì. Trong giai đoạn này người ta nhận thấy tình trạng lắng dịu những xung đột giữa các thúc đầy bản năng với những ràng buộc xã hội thể hiện qua khung cảnh gia đình.
Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu đi học, nhờ vậy chúng hội nhập vào các nhóm xã hội bên ngoài gia đình. Năng lực của trẻ được động viên vào các công việc tri tuệ, và những tiến trình thích nghi như các trò chơi và tình bạn chẳng hạn. Dần dà trẻ hội nhập nhiều hơn vào cuộc sống xã hội; và cuộc sống này thiết lập các hàng rào đạo đức chống lại các thúc đẩy bản năng của chúng” (Lasache).
Đặc điểm của giai đoạn này là trẻ chấp nhận những chuẩn mực hành vi ứng xử do bối cảnh văn hóa đề nghị. Thực ra, các thúc đẩy bản năng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tâm hồn của trẻ, tuy chúng ít mãnh liệt hơn và ít độc đoán hơn giai đoạn trước. Mọi việc diễn biến như là trẻ cảm thấy sung sướng vì đã ức chế được những thèm muốn của mình và làm chủ được bản thân; vì thế chúng lợi dụng tình trạng này để hợp lý hóa hành vi ứng xử của mình.
Trong thời kỳ này trẻ có vẻ quên lãng đi những xung đột trước đây, tuy chúng vẫn còn ẩn náu đâu đó trong vùng vô thức. Chịu ảnh hưởng của khung cảnh học đường, trẻ thiết lập những quan hệ mật với con người và sự vật ngoài gia đình, bằng cách phân biệt rạch ròi hơn giữa thế giới khách quan và thế giới chủ quan, tức là giữa thế giới thực tế và thế giới gồm các khát vọng. Khát vọng thỏa mãn và chiếm hữu giờ đây được tăng hoa thành ham muốn trí thức. Lúc này chúng bắt đầu trải động tâm hồn ra để chào đón thế giới bên ngoài, và chấm dứt tình trạng độc quyền của các mối quan hệ gia đình như trước đây. Chúng bắt đầu hướng đến tình trạng độc lập.
Thực ra, tiến trình mở rộng này với các nhóm xã hội khác cũng như với thế giới bên ngoài có thể bị trở ngại bởi hành vi can thiệp và thái độ của các giáo viên. Các giáo viên có thể làm sống lại những tương quan uy quyền mà chúng đã từng nếm qua với các bậc cha mẹ trong gia đình. Các giáo viên cũng có thể áp dụng thứ kỷ luật độc đoán đáng ghét, cũng như khuyến khích chúng ganh đua với bạn bè để được điểm tốt. Trong các trường hợp này, các giáo viên đã cản trở tiến trình mở rộng tâm hồn của trẻ. Muốn đối thoại với trẻ, các giáo viên phải làm sao được chúng thương mến và tin cậy, chứ không nên tự xem mình là một con người hoàn hảo hay siêu việt. Uy quyền thường đào hố sâu ngăn cách, bóp chết những quan hệ đích thực và hữu ích, để thay thế vào đó bằng các quan hệ gượng ép và cưỡng chế.
Trong tác phẩm “Tiến triển tình cảm của thiếu nhi qua hình vẽ”, M. Pigeon nêu ra nhận xét: “Trong hệ thống giáo dục của chúng ta (Pháp), một hệ thống mà kỷ luật được chú trọng quá mức, tình trạng ức chế lo âu thường có khuynh hướng thế chỗ cho khả năng làm chủ bản thân bằng ý chí.” Khuôn mẫu mà chúng ta đề nghị với trẻ, với các bậc cha mẹ, với những người có uy quyền xã hội v.v… ở đây phải là một khuôn mẫu sống động. Thế nhưng, cuộc sống không bao giờ toàn hảo. Nó luôn luôn bao hàm những khiếm khuyết khiến cho con người phải luôn luôn tự vượt thoát
Một khuôn mẫu không khuyết điểm chính là khuôn mẫu thiếu sống động. Do đó, nhà giáo không nên tự coi mình là đại biểu cho đức hạnh và trí thức để có thể mở rộng phạm vi đối thoại với trẻ, bằng cách thẳng thắn thừa nhận các khuyết điểm của mình. Khi đối thoại với trẻ, nhà giáo phải bỏ bớt uy quyền của mình và không nên coi mình hơn trẻ, mà ngược lại cần hòa nhập vào thế giới của trẻ để khéo léo khuyến khích chúng. Như vậy, trẻ dễ dàng chấp nhận chúng ta là khuôn mẫu hơn.
Như nhà phân tâm D. Lagache nhận xét: “Thông đạt tức là làm cho nội dung do thông đạt xuống ở mức độ bình thường… Tính hỗ tương giữa am tường và diễn đạt giả định những kinh nghiệm đồng hóa phần nào với khuôn mẫu.” Nếu những kinh nghiệm đồng hóa này không thể có được, và nếu những khuôn mẫu vẫn có được lý tưởng hóa một cách huyền thoại, thì điều kiện cần thiết cho sự thông đạt và cảm thông không được đáp ứng. Do đó, người đối thoại được lý tưởng hóa phải hiện hữu như một con người sống động. Như vậy, giai đoạn tiềm phục này cực kì quan trọng trong tiến trình hình thành nhân cách của trẻ, bởi vì trong thời kỳ này trẻ thay thế sự đồng hóa với cha mẹ chúng bằng sự tìm kiếm riêng tư. Thế nhưng, nỗ lực tìm hiểu này thường bị xáo trộn bởi ảnh hưởng của bạn bè lớn tuổi hơn, của những phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, phát thanh, truyền hình, và phim ảnh. Thêm vào đó, cần phải kể đến những câu chuyện cha mẹ của trẻ trao đổi với nhau trước mặt chúng, mà nội dung câu chuyện có thể gây chấn động tâm hồn vốn rất mỏng manh của chúng. Thường thường, vì muốn báo trước những hiểm họa chúng có thể gặp các bậc cha mẹ hay các giáo viên, những người có khuynh hướng làm cho cuộc sống xuất hiện dưới một khía cạnh đáng sợ, do đó khiến cho trẻ hình thành một tâm trạng lo âu bệnh hoạn, dẫn đến các phản ứng hồi quy (hay thoái hóa) hoặc các phản ứng gây hấn. Vì sợ hãi nên trẻ phải xông tới trước để tấn công thường trực, và tấn công như thế thực ra chỉ là tác phong tự vệ mà thôi.
Chính trong giai đoạn nhạy cảm đối với sự lo âu này, siêu ngã của trẻ được củng cố. Nếu siêu ngã hình thành trong một bối cảnh lo âu, thì những thúc đẩy bản năng của chúng sẽ trở thành lực lượng tăm tối và tội lỗi, nhất là khi trẻ chứng kiến những xung đột trong đời sống gia đinh. Chứng kiến những màn cãi vã giữa cha mẹ, trẻ sẽ phán đoán và đồng tình với người này và không tán thành với người kia trong một giai đoạn mà trí phán đoán của chúng chưa trưởng thành đúng mức. Như vậy, chúng sẽ sở đắc một hình ảnh xáo trộn về gia đình và uy quyền, và chính sở đắc đó sau này sẽ ảnh hưởng đến với các quan hệ với tha nhân cũng như với những hình thức uy quyền xã hội. Hình ảnh về những quan hệ với tha nhân thiết lập trong lúc này chỉ là bảng tóm tắt những tình huống diễn ra thường ngày và hình ảnh này sẽ tác động gây chấn thương tâm hồn non nớt của trẻ nhiều hơn nếu như các tình huống này tạo ra một bầu không khí bất an chung quanh chúng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.