Tâm lý học căn bản

Chương 13 – Phần 3



b. Liệu pháp khẳng định tính hiện sinh.

Ý nghĩa cuộc sống là gì? Đôi khi tất cả chúng ta đều từng băn khoăn về điều này, nhưng đối với một số người điều này chính là vấn đề trọng tâm trong cuộc sống thưởng ngày của họ. Đối với những người mắc phải các rối loạn tâm lý vì không tìm được câu trả lời thỏa đáng, thi liệu pháp khẳng định tính hiện sinh là một liệu pháp đặc biệt thích hợp với họ, bởi vì câu hỏi này chính là trọng tâm của các kỹ thuật chữa trị thuộc liệu pháp ấy.

Ngược lại các liệu pháp nhân bản khác cho rằng ý thức tự do và tiềm năng độc đáo của con người là một lực lượng giúp cho con người vượt qua mọi khó khăn, liệu pháp khẳng định tính hiện sinh (esistential therapy) căn cứ vào tiền đề cho rằng tình trạng không đủ khả năng ứng phó với khao khát tự do ấy có thể gây ra tâm trạng thống khố, sợ hãi, và băn khoăn. Liệu pháp này nhằm mục đích giúp cho người bệnh hiểu rõ tình trạng tự do vốn có của họ, tìm hiểu cách thích nghi với tha nhân và ngoại giới, và thiết lập được một hệ thống đánh giá cho phép họ tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Các thầy thuốc theo liệu pháp này nỗ lực giúp cho bệnh nhân hiểu rõ tầm quan trọng của sự lựa chọn tự do và hiểu rõ sự kiện họ chịu trách nhiệm tối hậu đối với chọn lựa riêng tư của mình về cuộc sống.

Các tiến trình đặc biệt được sử dụng trong liệu pháp này phong phú hơn so với các kỹ thuật trong liệu pháp tập trung – vào – bệnh nhân. Thầy thuốc đóng vai trò chi phối hơn khá nhiều, thăm dò và thách thức quan điểm về ngoại giới của bệnh nhân. Ngoài ra, thầy thuốc sẽ nỗ lực thiết lập mối quan hệ sâu sắc và ràng buộc với bệnh nhân, cố gắng cảm thông càng nhiều càng tốt với tình cảm và quan điểm riêng tư của người bệnh mục đích nhằm giúp cho người bệnh thấy rằng thầy thuốc chia sẻ với họ các khó khăn và kinh nghiệm phát sinh trong nỗ lực ứng phó với các đòi hỏi để được hưởng cái tự do vốn chỉ riêng con người mới có được ấy.

c. Liệu pháp tổng thể.

Bạn đã từng hồi tưởng về một sự kiện nào đó trong thời thơ ấu trong đó bạn bị đối xử bất công và cảm nhận trở lại được cơn phẫn nộ mà bạn đã nếm qua trong dịp ấy không? Đối với các thầy thuốc theo quan điểm tống thể (gestalism), hành động lành mạnh nhất về mật tâm lý của bạn có lẽ là phát tức cơn phẫn nộ ấy ra – bằng cách đấm mạnh vào chiếc gối, đá mạnh vào chiếc ghế, hay kêu gào vô vọng chẳng hạn. Loại hành động này là một phần quan trọng trong diễn biến ở các buổi chữa trị theo quan điểm tổng thể, trong đó người bệnh được khuyến khích biểu lộ các xung đột và rắc rối trong quá khứ. Cơ sở hợp lý của lối chữa trị này là người bệnh cần phải hội nhập các ý nghĩ, tình cảm, và hành vi ứng xứ của họ thành một gestalt, là thuật ngữ trong tiếng Đức dùng để diễn tả “cái tổng thể” (như chúng ta đã đề cập khi thảo luận về vấn đề nhận thức ở chương 8). Theo Fritz Peris (1967, 1970), người xây dựng liệu pháp tổng thể (gestalt therapy), biện pháp thực hiện điều này là giúp người bệnh kiểm tra kinh nghiệm trước đây của họ để hoàn tất bất kỳ “việc làm bất thành” nào trong quá khứ vẫn còn ảnh hưởng và tô điểm các mối quan hệ trong cuộc sống hiện tại của họ. Đặc biệt, Peris cho rằng người bệnh nên tái diễn các xung đột đặc biệt mà họ đã nếm qua trước đây. Thí dụ, người bệnh trước tiên sẽ đóng vai trò người cha đang nổi giận của mình, rồi sau đó diễn lại vai trò của chính mình khi người cha quát tháo mình, nhằm mục đích hiểu rõ một khía cạnh khác nhau của cuộc xung đột. Nhờ tăng thêm các góc nhìn đối với một tình huống nào đó đã xảy ra, người bệnh sẽ có thể hiểu rõ hơn các rối loạn của mình và cảm nhận cuộc sống theo một lối thống nhất, lương thiện, và phức tạp hơn.

d. Triển vọng của các liệu pháp nhân bản.

Có lẽ bạn bận tâm vì tình trạng thiếu cụ thể của các lối chữa trị theo quan điểm nhân bản, và đây là một vấn đề cũng gây phiền hà cho những người phê phán liệu pháp này. Các liệu pháp nhân bản không được chính xác lắm và có lẽ là loại chữa trị được xây dựng thiếu khoa học và thuần lý thuyết nhất. Ngoài ra, hình thức chữa trị này phù hợp nhất với những bệnh nhân có năng khiếu ngôn ngữ, là những người cũng thích hợp nhất với lời chữa trị theo quan điểm phân tâm.

Ngược lại, sự nhấn mạnh vào bản chất độc đáo chỉ con người mới có cũng như quan điểm cho rằng tự do sở đắc của chúng ta có thể gây ra rối loạn tâm lý của các liệu pháp tâm lý vốn trình bày một bối cảnh hỗ trợ mạnh mẽ cho việc chữa trị. Và chính bầu không khí này sẽ giúp cho người bệnh tìm được giải pháp để khắc phục vấn đề tâm lý cam go của mình.

Liệu pháp tâm lý đóng kịch (Psychodrama). Một dạng tâm lý trị liệu theo nhóm, trong đó bệnh nhân có dịp nhìn rõ lại chính mình bằng cách tạo dựng lại các tình huống trong quá khứ của họ cùng với các thành viên khác trong nhóm (theo Từ điển Y học).

6. Liệu pháp nhóm

Hầu hết các lối chữa trị đều diễn ra giữa một bệnh nhân duy nhất với thầy thuốc, nhưng một số hình thức bao gồm một nhóm nhiều người cùng nhau tìm cách chữa trị. Theo liệu pháp nhóm therapy (group). Một số bệnh nhân không quen biết nhau hội họp với một thầy thuốc để cùng thảo luận một khía cạnh nào đó trong sinh hoạt tâm lý của họ.

Điển hình, người bệnh thảo luận các vấn đề của mình với nhóm, thường xoay quanh một khó khăn đặc biệt, như chứng nghiện rượu hay tình trạng kém khả năng tương tác xã hội chẳng hạn. Các thành viên khác trong nhóm nói về sự ủng hộ tình cảm và đưa ra lời khuyên về biện pháp họ đã từng dùng để đối phó hiệu quả với các khó khăn tương tự.

Các nhóm khác biệt nhau rất nhiều không những về quan điểm đặc biệt được vận dụng (có các nhóm phân tâm, nhóm nhân bản, và các nhóm tương ứng với các liệu pháp khác) mà còn về mức độ hướng dẫn của thầy thuốc nữa. Trong một số nhóm, thầy thuốc đóng vai trò chi phối hoàn toàn; ở các nhóm khác, các thành viên trong nhóm lập chương trình nghị sự riêng và cách thức tiến hành phiên họp.

Bởi vì một số bệnh nhân được chữa trị đồng thời trong liệu pháp nhóm, nên đây là một liệu pháp ít tốn kém hơn nhiều so với liệu pháp tâm lý cho từng người. Ngược lại, những người phê phán cho rằng các bối cảnh nhóm không quan tâm đến từng cá nhân người bệnh vốn có trong liệu pháp từng người, và nhất là người bệnh có tính nhút nhát và xa lánh mọi người sẽ không được sự quan tâm đúng mức trong một nhóm như thế.

Liệu pháp gia đình. Một hình thức liệu pháp nhóm đặc biệt là liệu pháp gia đình. Như danh xưng ám chỉ, liệu pháp gia đình (family therapy) bao gồm hai hay nhiều thành viên trong gia đình, ở đó một (hay nhiều) vấn đề của họ được hướng dẫn chữa trị. Nhưng thay vì chỉ chú trọng đến thành viên bị rối loạn tâm lý, thầy thuốc xem gia đình ấy như một đơn vị tổng thể hình thành do sự đóng góp của từng thành viên. Nhờ hội họp với toàn bộ gia đình, thầy thuốc cố gắng tìm hiểu cách thức mọi thành viên trong gia đình tương tác với nhau.

* Liệu pháp nhóm (Group therapy)

1. (liệu pháp tâm lý theo nhóm) một liệu pháp tâm lý bao gồm ít nhất hai bệnh nhân với một thầy thuốc. Các bệnh nhân được khuyến khích tìm hiểu và phân tích các vấn đề của mình và của người khác (cũng xem nhóm gặp gỡ và liệu pháp tâm lý dựng kịch).

2– Liệu pháp cho nhiều người bị cùng một rối loạn, như nghiện rượu chẳng hạn, gặp nhau để cùng thảo luận các khó khăn của bản thân, và tìm biện pháp để khắc phục chúng.

Nhóm gặp gỡ (encounter group) Một dạng liệu pháp tâm lý theo nhóm. Đặc biệt nhấn mạnh đến việc khuyến khích thiết lập các quan hệ mật thiết giữa các thành viên trong nhóm và đến việc thố lộ tình cảm. Để đạt được mục đích này, người trưởng nhóm sẽ thu xếp các cuộc tiếp xúc và đương đầu về thể chất giữa các thành viên trong nhóm. Stress do thí nghiệm này có thể gây tổn thương cho những người kém khả năng thích nghi.

Thầy thuốc theo liệu pháp gia đình xem gia đình như là một “hệ thống”, và ông giả định rằng riêng từng cá nhân trong gia đình sẽ không đủ sức cải thiện tình hình nếu không hiểu rõ các xung đột đã hình thành do các tương tác của các thành viên trong gia đình. Do đó ông kỳ vọng từng thành viên đóng góp vào nỗ lực giải quyết các khó khăn của cá nhân người bệnh.

Nhiều thầy thuốc cho rằng các thành viên trong gia đình thường cư xử nghiêm khắc hoặc thiết lập các lề lối ứng xử trong đó một cá nhân biến thành kẻ chịu đòn, còn người khác thành kẻ chuyên ra sức đàn áp, bắt nạt, và vân vân. Theo quan niệm của các thầy thuốc, các rắc rối trong gia đình bị kéo dài mãi do hệ thống vai vế này. Do đó, mục tiêu của loại liệu pháp này buộc các thành viên trong gia đình phải chấp nhận tư thế và lối cư xử mới mẻ và có tính xây dựng hơn.

Liệu pháp tâm lý dựng kịch(Psychodrama) Một dạng tâm lý trị liệu theo nhóm, trong đó bệnh nhân có dịp nhìn rõ lại chính mình bằng cách tạo dựng lại các tình huống trong quá khứ của họ cùng với các thành viên khác trong nhóm (theo Từ điển Y học)

7. So sánh các liệu pháp tâm lý

Chúng ta đã biết có nhiều hình thức liệu pháp tâm lý. Muốn so sánh các liệu pháp này, chúng ta phải xếp loại chúng theo một số chiều kích khác nhau. Dưới đây là các chiều kích quan trọng nhất.

– Chi phối ngược lại không chi phối. Trong một số liệu pháp, thầy thuốc tỏ ra có trách nhiệm khá nhiều đối với bệnh nhân hơn hẳn các biện pháp khác. Trong liệu pháp chi phối, thầy thuốc đóng vai trò chủ động; còn trong liệu pháp không chi phối, thầy thuốc hành động như là người tạo điều kiện thuận lơi nhằm giúp đỡ người bệnh hiểu rõ tình cảm của mình hơn. Các liệu pháp theo quan điểm hành vi và quan điểm tiến trình trí tuệ là các liệu pháp chi phối. Ngược lại, các liệu pháp theo quan điểm động lực tâm lý và quan điểm nhân bản là các liệu pháp kém chi phối hơn nhiều.

– Kiểm soát ý nghĩa bên trong ngược lại kiểm soát biểu hiện bên ngoài của hành vi ứng xử.

Theo các liệu pháp theo quan điểm động lực tâm lý và quan điểm nhân bản, người ta xem người bệnh có nhiều khả năng kiểm soát được hành vi ứng xử của mình. Mặc dù thầy thuốc theo liệu pháp động lực tâm lý cho rằng nguyên nhân của hành vi ứng xử không nhất thiết thuộc tầng ý thức. Ngược lại các liệu pháp theo quan điểm tác phong xem hành vi ứng xử chủ yếu là hậu quả của các nhân tố hoàn cảnh. Còn các liệu pháp theo quan điểm tiến trình trí tuệ lại có chủ trương chiết trung, xem hành vi ứng xử không chỉ do các nhân tố hoàn cảnh mà còn do các lề lối suy nghĩ nội tâm quy định.

– Liệu pháp kéo dài ngược lại liệu pháp ít tốn thời gian: Các phương pháp chữa trị khác biệt nhau rất nhiều về thời gian chữa trị. Liệu pháp phân tâm truyền thống là liệu pháp kéo dài nhất, thời gian chữa trị có thể kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các liệu pháp đều đã rút ngắn thời gian chữa trị đi rất nhiều, đến mức chỉ còn phải mất hai hoặc ba buổi chữa trị tùy theo bản chất của chứng bệnh mắc phải.

– Trọng tâm lịch sự ngược lại trọng tâm hiện tiền. Một số liệu pháp quan tâm chủ yếu đến các biến cố trong quá khứ giả định tác động đến lối ứng xử hiện tại của người bệnh. Các liệu pháp theo quan điểm động lực tâm lý thuộc loại này. Ngược lại, các liệu pháp theo quan điểm tác phong và quan điểm tiến trình trí tuệ nhấn mạnh đến hiện tại trước mắt, tối thiểu hóa hậu quả do các kinh nghiệm quá khứ trước đây của người bệnh. Còn các liệu pháp khác rơi vào quãng giữa.

– Cải sửa lề lối suy nghĩ ngược lại cải sửa lề lối cư xử. Một số liệu pháp, nhất là các liệu pháp theo quan điểm động lực tâm lý và quan điểm tiến trình trí tuệ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải sửa thái độ, nhận thức, tình cảm, và các lề lối suy nghĩ về thế giới xung quanh. Các liệu pháp ấy cho rằng cải sửa được các phương diện ấy sẽ giúp cho bệnh nhân có hành vi ứng xử thích nghi hơn. Ngược lại, các liệu pháp theo quan điểm tác phong nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải sửa chính hành vi ứng xử của người bệnh.

Điều quan trọng phải ghi nhớ là mặc dù được trình bày theo các cung cách khác biệt nhau, nhưng mỗi chiều kích ấy đều nằm ở một cực điểm của thang đánh giá. Hầu hết các liệu pháp đều không rơi vào cực điểm này hoặc cực điểm kia của thang đánh giá, mà sẽ rơi vào một điểm nào đó ở giữa hai cực điểm ấy.

8. Đánh giá liệu pháp tâm lý

Người bạn học thân nhất của bạn là Ben đến nhờ bạn chỉ vì gần đây anh ấy cảm thấy bất ổn về mọi việc. Anh buồn rầu vì bất hòa với cô bạn gái, nhưng các rắc rối của anh còn đi xa hơn thế nữa. Anh không tập trung được tâm tư vào việc học hành, rất khó vỗ giấc ngủ, và – đây mới là điều thực sự làm anh bực bội – anh bắt đầu cho ràng người ta đang kéo bè chống lại anh, gièm pha sau lưng anh. Dường như chẳng ai thực sự quan tâm đến anh hoặc cảm thông với anh, hoặc chịu khó tìm hiểu xem tại sao anh đau khổ đến thế.

Ben biết rằng anh cần phải được giúp đỡ theo lối nào đó, nhưng anh không biết phải tìm đến đâu. Anh vốn rất nghi ngờ các nhà tâm lý, cho rằng những điều họ nói ra chẳng qua chỉ là những lới vô nghĩa, nhưng anh sẵn sàng gạt các nghi ngờ ấy qua một bên và sẵn lòng thử qua mọi thứ miễn là cải thiện được tình trạng của anh. Anh ấy cũng biết nhiều loại liệu pháp khác nhau, nhưng không biết chắc loại liệu pháp nào thích hợp nhất với mình. Thế là anh ấy tìm đến bạn để được khuyên bảo, bởi vì anh ấy biết bạn đang học môn tâm lý. Anh ấy hỏi: “Loại liệu pháp nào công hiệu nhất?”.

Loại câu hỏi như vậy thật khó lòng tim lời giải đáp hợp lý. Thực tế, việc xác định xem loại liệu pháp nào thích hợp nhất là một vấn đề đang trong vòng tranh cãi và vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng đối với các nhà tâm lý chuyên nghiên cứu hành vi ứng xử bất bình thường. Thí dụ, ngay trước khi cho rằng bất kỳ một liệu pháp nào hiệu nghiệm hơn một liệu pháp khác, chúng ta đã phải xác định xem liệu bất kỳ cách chữa trị nào thuộc liệu pháp tâm lý cũng hiệu nghiệm không, tức là nói chung liệu pháp tâm lý có hiệu nghiệm trong việc làm giảm bớt các rối loạn tâm lý không.

Cho đến thập niên 1950, hầu hết mọi người do phán đoán hời hợt đều một mực cho rằng liệu pháp tâm lý là một phương thuốc hiệu nghiệm để giải quyết các khó khăn tâm lý. Nhưng vào năm 1952, nhà tâm lý Hans Eysenck đăng tải một bài báo chấn động dư luận nhằm tái thẩm định các tác phẩm viết về chủ đề tâm lý trị liệu, thách thức chủ trương này của đồng đảo một người. Ông khẳng định rằng những người được chữa trị theo liệu pháp động lực tâm lý và các liệu pháp có liên hệ sau thời gian trị liệu không gặt hái được thành quả khả quan gì hơn những người đang chờ đợi được chữa trị – mà thực tế không bao giờ được chữa trị gì cả. Theo phân tích này của ông, khoảng 2/3 số người báo cáo bị các triệu chứng “rối loạn tâm thần nhẹ” tin tưởng rằng các triệu chứng ấy đã biến mất sau hai năm, dù họ có được chữa trị hay không. Eysenck kết luận rằng những người mắc phải các triệu chứng rối loạn tâm tư nhẹ sẽ tự động thuyên giảm (spontaneous rémission), phục hồi sức khỏe không cần chữa trị gì cả, nếu cứ bỏ mặc không cần quan tâm gì đến các triệu chứng ấy – chắc chắn đây là một biện pháp ít tốn kém nhất và đơn giản hơn một biện pháp khác.

Như bạn có thể hình dung, ngay từ đầu quan điểm Eysenck đã gây rất nhiều tranh luận, và các kết luận của ông nhanh chóng bị phản bác. Các nhà phê phán đều nhằm vào tình trạng thiếu chính xác của các dữ kiện do ông viện dẫn, cho rằng các kết luận của ông đều căn cứ vào các cuộc điều tra nghiên cứu phạm rất nhiều sai sót.

Các nghiên cứu về công hiệu của liệu pháp tâm lý đều phạm rất nhiều sơ hở. Thường thấy nhất là các dữ kiện đều căn cứ vào các bảng tự khai báo của thà thuốc và người bệnh, vốn rất thiên lệch và không đáng tin cậy. Cả hai phía đều có động cơ để tin rằng họ đều thành công, cho nên mọi người đều báo cáo tình trạng cải thiện về sinh hoạt tâm lý trong khi thực ra chẳng có cải thiện gì cả. Chỉ khi nào các vị thẩm phán độc lập đứng ra xác định mức độ tiến bộ của người bệnh thì chúng ta mới có thể tin chắc vào báo cáo của họ là chính xác. Tuy vậy, ngay trong trường hợp này cũng vấp phải các nhược điểm, bởi vì cho đến nay vẫn chưa có các tiêu chuẩn nào được mọi người tán thành có khả năng xác định được thế nào là tình trạng tâm trí lành mạnh và tồi tệ cả. Vì tất cả các lý do này, những người phê phán Eysenck đều bác bỏ các khám phá của ông.

Tuy nhiên, công trình tái thẩm định đầu tiên của Eysenck quả thực đã kích thích một trào lưu liên tục nhằm thực hiện các cuộc khảo cứu tổ chức cẩn thận hơn và kiểm tra số liệu hoàn bị hơn về mức độ hiệu nghiệm của liệu pháp tâm lý, và ngày nay hầu hết các nhà tâm lý đều nhất trí cho rằng: Liệu pháp tâm lý hiệu nghiệm trong việc giảm bớt các rối loạn tâm lý. Mới đây, một số bài phê bình có giá trị nêu rõ liệu pháp tâm lý giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân khá hơn nhiều so với trường hợp không được chữa trị gì cả, và tỷ lệ tự động thuyên giảm (phục hồi không cần chữa trị) thực ra rất thấp. Như vậy, trong hầu hết các trường hợp các triệu chứng hành vi ứng xử bất bình đều không tự động biến mất – mặc dù vấn đề này vẫn còn gây tranh luận kịch liệt.

9. Liệu pháp nào hiệu nghiệm nhất?

Tuy hầu hết các nhà tâm lý đều tin tưởng rằng cách chữa trị theo liệu pháp tâm lý nói chung đều hiệu nghiệm hơn trường hợp không chữa trị gì cả, nhưng câu hỏi liệu hình thức chữa trị nào hiệu nghiệm nhất chưa có câu trả lời dứt khoát. Câu hỏi này phần nào thuộc về vấn đề phương pháp luận. Chẳng hạn, thật khó lòng xem các “phương thuốc” thuộc các liệu pháp khác nhau có giá trị ngang nhau. Bởi vì các liệu pháp này rất khác biệt nhau về mặt tính chất. Phải chăng hiệu quả giảm bớt tình trạng lo âu do trầm cảm nhờ liệu pháp động lực tâm lý được xem có giá trị tương đương với hiệu quả giảm bớt lo âu do ám ảnh sợ hãi nhờ liệu pháp theo quan điểm tác phong? Trong cả hai trường hợp các rối loạn đều được giảm bớt – nhưng nếu chúng ta lập thống kê kết quả chữa trị ngược lại trường hợp không chữa trị đối với hai hình thức liệu pháp nói trên thì liệu hai lối chữa trị này có thành tích giống nhau không? Bạn có thể thấy được các khó khăn trong việc so sánh các loại liệu pháp.

Tuy nhiên, các khó khăn ấy không phải là không khắc phục được. Một giải pháp là so sánh tỷ lệ “lành bệnh” đối với một liệu pháp đặc biệt với tỷ lệ “lành bệnh” của một nhóm kiểm soát gồm những người không được chữa trị. Kế đến, chúng ta có thể làm tương tự với một liệu pháp khác và so sánh tỷ lệ lành bệnh này với nhóm kiểm soát gồm những người không được chữa trị. Cuối cùng, chúng ta có thể thấy được liệu pháp nào có tỷ lệ lành bệnh cao hơn. Thí dụ, chúng ta có thể chọn một mẫu nghiên cứu gồm những người do bản chất rối loạn của họ “thích hợp” với liệu pháp động lực tâm lý, chữa trị cho nửa nhóm, rồi so sánh kết quả với nửa nhóm còn lại gồm những người không được chữa trị. Lặp lại các thao tác tương tự với một nhóm người “thích hợp” với một liệu pháp khác, chúng ta có thể kết luận liệu pháp nào thành công nhất.

Sử dụng cách so sánh này, Smith, Glass, và Miller (1980) đã đưa ra kết luận như trình bày ở Hình 13–1. Như bạn thấy, tuy có một vài khác biệt trong số các tỷ lệ thành công của nhiều liệu pháp khác nhau, hầu hết các liệu pháp đều đạt được thành quả xấp xỉ nhau, từ tỷ lệ khoảng 70 cho đến 85% hay hơn đối với những người được chữa trị. Các liệu pháp theo quan điểm tác phong và quan điểm tiến trình trí tuệ chiếm tỉ lệ thành công cao hơn một chút, mặc dù sự kiện này có lẽ do các khác biệt về mức độ nghiêm trọng trong các trường hợp chữa trị gây ra.

Hình 13–1: Các con số ước tính mức hiệu nghiệm của các liệu pháp khác nhau, khi so sánh với các nhóm kiểm soát gồm những người không được chữa trị. Các tỷ lệ thành công cho thấy mức hiệu nghiệm của một liệu pháp đối với bệnh nhân trung bình so với trường hợp không được chữa trị. Thí dụ, các bệnh nhân chữa trị theo liệu pháp động lực tâm lý tính trung bình đạt được kết quả khả quan cao hơn 75% so với số người không được chưa trị (phỏng theo Smith, Glass & Miller, 1980).

Một công trình nghiên cứu khác, căn cứ vào các kỹ thuật toán học trong đó khá nhiều cuộc khảo cứu được đúc kết theo kỹ thuật thống kê để rút ra một kết luận toàn diện, cũng đi đến những kết luận tổng quát tương tự. Tuy vậy, liên quan đến vấn đề liệu loại tâm lý liệu pháp nào là tối ưu thì kết luận của các cuộc khảo cứu ấy lại luôn luôn không nhất trí với nhau.

Trong một nỗ lực nhằm khám phá dứt khoát về mức độ hiệu nghiệm của các liệu pháp đặc biệt, Viện Y tế Tâm thần quốc gia Hoa Kỳ hiện đang tổ chức nghiên cứu sâu rộng. Trong phần đầu của cuộc nghiên cứu kéo dài 16 tuần lễ, bệnh nhân trầm cảm được chọn tình cờ để chữa trị theo một trong hai liệu pháp: liệu pháp tác phong trí tuệ hoặc “liệu pháp tương tác xã hội”, một loại liệu pháp tâm lý chú trọng đến các vấn đề tương tác cá nhân và sinh hoạt xã hội của người bệnh. Còn các đối tượng khác được chọn tình cờ để đưa vào hai nhóm kiểm soát, hoặc được cho uống các loại thuốc trầm cảm (mà chúng ta sẽ bàn đến sau trong chương này) hoặc được cho uống một loại thuốc vờ (placebo – một loại thuốc không có thành phần tác động dược lý).

Các khám phá ban đầu cho thấy loạt liệu pháp nói trên đều hiệu nghiệm gần như tương đương nhau, tuy liệu pháp tương tác xã hội hiệu nghiệm (có tỷ lệ phục hồi 43%) hơn đôi chút so với liệu pháp hành vi trí tuệ (tỷ lệ phục hồi 36%). Nhóm dùng thuốc cũng gặt hái thành công với tỷ lệ phục hồi 42%, trong khi nhóm dùng thuốc trá hình chỉ đạt tỷ lệ phục hồi 21 %. Tuy nhiên, các khám phá ấy chưa đưa ra được kết luận dứt khoát và các cuộc khảo cứu tiếp sau đó nhằm trắc nghiệm kết quả dài hạn của các liệu pháp lại đang được tiến hành.

Tóm lại, điểm nổi bật của công trình nghiên cứu này cho thấy chỉ có những dị biệt không đáng kể giữa các tỷ lệ thành công của nhiều loại liệu pháp khác nhau. Tuy vậy, điều quan trọng phải ghi nhớ là không phải mọi rối loạn tâm lý đều sẽ được giải quyết khả quan tương đương bởi một loại liệu pháp. Hãy nhớ lại phương pháp điển hình của các cuộc khảo cứu nhằm so sánh các liệu pháp đã đề cập ở trên. Khởi đầu các cuộc khảo cứu này chỉ xét đến các rối loạn phù hợp với một liệu pháp nhất định, rồi so sánh các bệnh nhân được chữa trị với các bệnh nhân không được chữa trị theo liệu pháp ấy để biết nhóm bệnh nhân nào đạt được kết quả khả quan hơn. Các khảo cứu như thế cho biết rất ít về vấn đề liệu dạng rối loạn đặc biệt nào được chữa trị hiệu nghiệm hơn bởi liệu pháp này hay liệu pháp khác. Hơn nữa, trong một số trường hợp – có lẽ đến 10% trường hợp – liệu pháp tâm lý gây tác hại cho bệnh nhân. Tình trạng rối loạn của họ thực sự tồi tệ hơn sau khi được chữa trị, và có lẽ người bệnh sẽ khả quan hơn nếu không theo lối chữa trị ấy.

Như vậy, hiển nhiên các liệu pháp đặc biệt phù hợp với một số dạng rối loạn này hơn các dạng rối loạn khác. Thí dụ, hãy tìm hiểu các ưu tư của Ben mà chúng ta đã miêu tả ở đoạn trên. Nếu có người nào mắc phải loại rối loạn dạng thiếu hạnh phúc và lo âu vô cớ như Ben tâm sự thì các liệu pháp theo quan điểm động lực tâm lý hay quan điểm nhân bản, là các liệu pháp chú trọng đến việc tìm hiểu sâu xa các khó khăn của người bệnh, có lẽ thích hợp nhất. Ngược lại, nếu như các rắc rối của Ben tập trung nhiều hơn vào một loạt tình huống đặc biệt gây ra tình trạng lo âu của anh ta – như một ám ảnh sợ hãi hoặc tình trạng học vấn yếu kém khiến anh không đạt được kết quá khả quan – thì liệu pháp theo quan điểm tác phong có lẽ hợp lý hơn.

Tương tự, thầy thuốc có một số đặc điểm cá tính có lẽ phù hợp hơn với các người bệnh đặc biệt nào đó, và các bệnh nhân thuộc hạng người nào đó có lẽ thích hợp với liệu pháp này hơn liệu pháp khác (Cũng nên xem đoạn ứng dụng TLH dưới đây). Thí dụ, liệu pháp theo quan điểm tác phong có lẽ phù hợp hơn với những người khó bộc bạch tâm trạng bằng lời nói hoặc những người thiếu kiên nhẫn hay thiếu khả năng chịu đựng phương pháp nội quan, là các phẩm chất cần thiết để áp dụng liệu pháp động lực tâm lý.

Cuối cùng ngày càng có nhiều phương pháp chữa trị theo quan điểm chiết trung, trong đó thầy thuốc sử dụng các kỹ thuật thuộc nhiều liệu pháp khác nhau để chữa trị các rắc rối của một bệnh nhân. Nhờ sử dụng các biện pháp chiết trung này, thầy thuốc có thể chọn được một phối hợp thích đáng chiếu theo các yêu cầu đặc biệt của từng người bệnh.

Các công trình nghiên cứu mới đây cũng cho rằng tiến trình chữa trị có lẽ cũng quan trọng ngang với thành quả đặc biệt của liệu pháp. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng của tiến trình chữa trị đối với cuộc sống hàng ngày, tình cảm, và lối suy nghĩ về thế giới xung quanh của người bệnh có lẽ phần nào khiến cho liệu pháp áp dụng tỏ ra hữu ích và quan trọng đối với họ. Nhờ tìm hiểu cặn kẽ các diễn biến xảy ra trong khi tiến hành các loại liệu pháp khác nhau, người ta có thể hiểu rõ hơn về tiến trình chữa trị.

Do đó, câu hỏi liệu pháp nào hiệu nghiệm nhất không thể giải đáp được nếu không xét đến nhiều nhân tố khác nhau. Sự hội đủ đến mức nào các điều kiện phù hợp như loại rối loạn tâm lý, phương pháp chữa trị, và các đặc điểm của thầy thuốc cũng như của người bệnh sẽ quyết định mức độ thành công. Dù vậy, hiển nhiên liệu pháp tâm lý nói chung đã đem đến một biện pháp giải quyết hiệu quả các rối loạn tâm lý.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.