Tâm lý học căn bản

Chương 13 – Phần 4



ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC

CÁC NHÂN TỐ CHỦNG TỘC VÀ SẮC TỘC TRONG CÔNG TÁC CHỮA TRỊ: PHẢI CHĂNG THẦY THUỐC NÊN PHỚT LỜ CÁC NHÂN TỐ NÀY?

Hãy tìm hiểu đoạn miêu tả sau đây về một học sinh do một nhà tư vấn học đường viết:

Jimmy Jones là một nam học sinh da đen 12 tuổi được bà Peterson chuyển đến tôi vì tính lãnh đạm, vô cảm, và thiếu tập trung đối với các sinh hoạt trong lớp. Các thầy khác đều báo cáo rằng Jimmy không chú tâm, hay mơ mộng, và thường xuyên ngủ gật trong lớp. Rất có thể Jimmy đang che giấu một cơn phẫn nộ dồn nén cần được bộc bạch để giai quyết. Tình trạng thiếu khả năng phát tiết trực tiếp cơn phẫn nộ ấy đã khiến em có thái độ gây hấn thụ động nhằm bộc lộ tâm trạng thù địch, chẳng hạn như sự thờ ơ, mơ mộng và ngủ gật. Vì vậy, Jimmy nên được khuyên bảo thật nhiều để khám phá ra nguyên nhân của cơn phẫn nộ ấy.

Thế nhưng, nhà tư vấn ấy đã sai lầm. Sau 6 tháng chữa trị, nguyên nhân đích thực gây ra các rắc rối của Jimmy đã sáng tỏ: gia cảnh của em cực kỳ nghèo khổ và xáo trộn. Bởi vì nhà quá đông người nên em thường xuyên bị mất ngủ, và do đó rất mệt nhọc vào ngày hôm sau. Em cũng thường xuyên bị thiếu ăn. Như vậy, các rắc rối của em phần lớn do sự căng thẳng vì hoàn cảnh nghèo khổ chứ không do bất kỳ nguyên nhân tâm lý nào cả.

Trường hợp này nêu bật tầm quan trọng của việc quan tâm đến bối cảnh gia đình và văn hóa của người bệnh trong tiến trình chữa trị các rối loạn tâm lý. Đặc biệt, các thành viên thuộc một số sắc tộc thiểu số, nhất là những người nghèo khổ, chấp nhận lối ứng xử của những người cần được giúp đó để ứng phó với một xã hội vốn kỳ thị đối với họ vì xuất thân chủng tộc hay sắc tộc thiểu số của họ. Thí dụ, một số hành vi ứng xử báo hiệu rối loạn tâm lý ở các tầng lớp trung lưu và thượng lưu da trắng có lẽ đơn giản là lối cư xử thích nghi của những người này. Như vậy, một người Mỹ gốc Phi châu đa nghi và nhút nhát có thể đang biểu hiện một cơ chế sinh tồn để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương về tâm lý cũng như về thể xác.

Trên thực tế, người ta phải nghi ngờ về một số giả định căn bản nhất của nhiều liệu pháp khi đối phó với các rắc rối của các thành viên thuộc các nhóm chủng tộc, sắc tộc và văn hóa tối thiểu trong nước. Thí dụ, các nền văn hóa Á châu và Hispanics chú trọng đến tập thể, gia đình và xã hội nói chung nhiều hơn so với nền văn hóa ưu thắng trong xã hội chúng ta vốn chú trọng đến cá nhân. Khi phải chọn các quyết định cực kỳ quan trọng thì gia đình sẽ hỗ trợ cho họ. Hãy tìm hiểu xem quan điểm này khác biệt đến mức nào so với quan điểm của vị thầy thuốc trong trường hợp ở phần mở đầu chương này, người đã khuyến khích Martha có thái độ độc lập đối với gia đình.

Tương tự, khi các công dân nam và nữ người Mỹ gốc Hoa truyền thống mắc phải chứng trầm cảm hay lo âu, họ sẽ được những người khác trong gia đình khuyến khích tránh suy nghĩ đến bất kỳ điều gì làm họ buồn lòng. Hãy tìm hiểu xem loại khuyên bảo này trái ngược đến mức nào so với quan điểm của các liệu pháp nhấn mạnh đến giá trị của việc đào sâu tìm hiểu tâm hồn người bệnh.

Như vậy, để trả lời câu hỏi nêu ở nhan đề đoạn này, thầy thuốc không thể có thái độ “phớt lờ các nhân tố chủng tộc”. Ngược lại, họ phải quan tâm đến hoàn cảnh chủng tộc, sắc tộc thiểu số, văn hóa, và tầng lớp xã hội của bệnh nhân mình khi quyết định về bản chất của dạng rối loạn tâm lý và tiến trình chữa trị.

10. Tóm tắt và học ôn II

A. TÓM TẮT

– Quan điểm nhân bản xem liệu pháp là phương thức giúp cho người bệnh giải quyết các vấn đề riêng tư của họ. Thấy thuốc chỉ hành động như người hướng dẫn hoặc người tạo điều kiện thuận lợi mà thôi.

– Các liệu pháp nhân bản bao gồm liệu pháp tập trung – vào – người bệnh (client – centered therapy), liệu pháp khẳng định tính hiện sinh (existential therapy, và liệu pháp tổng thể (gestalt therapy).

– Các chiều kích chủ yếu để đánh giá các liệu pháp là chi phối ngược lại không chi phối, kiểm soát ý nghĩa bên trong ngược lại kiểm soát biểu hiện bên ngoài của hành vi ứng xử, thời hạn chữa trị kéo dài ngược lại thời hạn chữa trị ngắn chữa trị ngắn hạn, trọng tâm lịch sứ ngược lại trọng tâm hiện tiền, và cải sửa lề lối suy nghĩ ngược lại cải sửa lề lôi cư xử. Một vấn đề còn lâu mới có được câu trả lời thỏa đáng là liệu tâm lý liệu pháp có hiệu nghiệm không, và nếu có thì liệu pháp nào ưu việt nhất.

B. HỌC ÔN

1/ Cặp đôi các liệu pháp dưới đây với câu phát biểu mà bạn kỳ vọng nghe được ở thầy thuốc

a– “Nói khác, bạn bất hòa với thân mẫu bạn bởi vì bà căm ghét cô em gái của em, phải thế không?”

b– Tôi muốn tất cả các bạn luân phiên nói về lý do khiến bạn quyết định đến đây, và điều mà bạn hy vọng gặt hái được trong việc chữa trị

c– “Tôi có thể hiểu được lý do khiến bạn muốn phá hỏng chiếc ôtô của cô bạn gái sau khi cô ấy làm tổn thương tình cảm của bạn. Giờ đây hãy nói cho tôi nghe thêm về tai nạn ấy”.

d– “Đó không phải là lối ứng xử thích hợp. Hãy nỗ lực thay thế nó bằng một lối cư xử khác

e– “Hãy nhớ lại cơn phẫn nộ của bạn và gào lên cho đến khi bạn cảm thấy khá hơn”.

1. Liệu pháp tổng thể (gestalt therapy)

2. Liệu pháp nhóm (group therapy)

3. Chăm sóc tích cực vô điều kiện (unconditional positive regard)

4. Liệu pháp cư xử/liệu pháp theo quan điểm tác phong (behavioral therapy)

5. Khuyên bảo không chi phối (nondirective counseling)

2/ Các liệu pháp… giả định rằng con người chịu trách nhiệm về cuộc sống riêng tư cũng như về các quyết định của họ.

3/ Liệu pháp… chú trọng đến việc hợp nhất ý nghĩ, tình cảm, và lề lối ứng xử

4/ Một trong các luận cứ phê phán chủ yếu về các liệu pháp nhân bản là:

a–Các liệu pháp này thiếu chính xác và chủ quan quá mức.

b–Các liệu pháp này chỉ chữa trị triệu chứng của rối loạn mà thôi.

c–Thầy thuốc chi phối sự tương tác giữa người bệnh với thầy thuốc.

d–Chỉ hiệu nghiệm đối với người bệnh thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội.

5/ Trong một cuộc khảo cứu gây nhiều tranh luận, Eysenck đã khám phá rằng một số người bệnh… hay phục hồi không cần chữa trị, nếu họ cứ việc bỏ mặc chẳng cần chữa trị gì cả.

6/ Một số liệu pháp thích hợp với một vài loại rối loạn hơn các rối loạn khác. Đúng hay Sai?

7/ Những lối chữa trị phối hợp các kỹ thuật thuộc tất cả các liệu pháp được gọi là các biện pháp.

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Phải chăng liệu pháp nhóm là một biện pháp hiệu nghiệm? Làm thế nào người bệnh có thể được chữa trị khả quan trong các nhóm khi mà mọi người tuy cùng bị một rối loạn giống nhau” nhưng lại quá khác biệt nhau về cá tính? Liệu pháp nhóm (group therapy) có các ưu điểm gì hơn liệu pháp cá nhân (individual therapy)?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

II. CÁC LIỆU PHÁP SINH HỌC: VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM Y HỌC

Nếu thận của bạn bị nhiễm trùng, bạn sẽ được chữa trị bằng một liều lượng penicillin, và may ra khoảng một tuần lễ sau đó thận của bạn sẽ hoạt động khả quan như được thay thận mới vậy. Nếu ruột thừa của bạn bị viêm, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ nó đi và cơ thể bạn lại hoạt động bình thường như trước. Phải chăng một biện pháp tương tự, chú trọng đến tình trạng sinh lý cơ thể, cũng có thể áp dụng để chữa trị các rối loạn tâm lý?

Theo các liệu pháp sinh học, câu trả lời là được. Thực tế, các liệu pháp sinh học được sử dụng thường xuyên đối với một số rối loạn tâm trí. Quan điểm y học cho rằng thay vì chú trọng đến các xung đột tâm lý, các chấn thương trong quá khứ, hay các nhân tố hoàn cảnh khiến cho người bệnh có hành vi ứng xử bất bình thường, thì trong một số trường hợp biện pháp hợp lý hơn là đối phó trực tiếp với tình trạng mất cân bằng hóa chất trong não bộ và các nhân tố thần kinh khác. Biện pháp này có thể thực hiện được nhờ sử dụng dược phẩm, giật điện, hoặc giải phẫu.

1. Liệu pháp dược phẩm

Phải chăng chúng ta sắp tiến đến thời đại cứ mỗi bữa sáng là phải uống một viên thuốc để duy trì sức khỏe tâm thần, giống như hiện nay chúng ta uống vitamin để duy trì sức khỏe thể chất. Dù ngày đó chưa đến, nhưng hiện này một liệu pháp khá mới mẻ gọi là liệu pháp dược phẩm (drug therapy) đã thành công trong việc làm giảm bớt các triệu chứng của nhiều dạng rối loạn tâm lý.

a. Dược phẩm ức chế tâm thần.

Có lẽ không có chuyển biến nào to tát hơn biến cố đã xảy ra trong các bệnh viện tâm thần vào giữa thập niên 1950 khi người ta đưa vào sử dụng thành công loại dược phẩm ức chế tâm thần (antipsychotic drugs) – loại dược phẩm dùng để làm giảm bớt các triệu chứng rối loạn nghiêm trọng như mất khả năng tiếp xúc với thực tại, tâm trạng kích động, và hoạt động quả mức chẳng hạn. Trước đó, các bệnh viện tâm thần nói chung đều áp dụng các liệu pháp điển hình của một nhà thương điên, với những bệnh nhân gào thét, kêu rên, và cấu xé, biểu hiện các hành vi kỳ quái nhất. Đột nhiên, chỉ trong vòng vài tháng các phòng bệnh biến thành những nơi yên tĩnh hơn khá nhiều, nhờ đó các nhà chuyên môn có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ cố sức giữ cho bệnh nhân qua được một ngày mà không gây tổn thương cho bản thân hoặc cho người khác.

Biến chuyển đầy ấn tượng này phát sinh nhờ việc đưa vào sử dụng một loại dược phẩm thuộc nhóm phenothiazine gọi là chiorpromazine. Loại thuốc này, và các loại thuốc tương tự khác nhanh chóng trở thành loại thuốc chữa trị phổ biến và hiệu nghiệm nhất đối với chứng tâm thần phân liệt. Hiện nay, liệu pháp dược phẩm là lối chữa trị ưu tiên đối với hầu hết các trường hợp tác phong cư xử bất bình thường nghiêm trọng, áp dụng cho gần 90% số bệnh nhân điều trị nội trú ở các bệnh viện tâm thần.

Các loại dược phẩm ức chế tâm thần hiệu nghiệm đến mức nào? Dường như chúng phát sinh hiệu quả nhờ phong tỏa việc sản sinh chất dopamine ở các khu vực mà xung lực điện di chuyển qua các thụ thể thần kinh theo tiến trình mà chúng ta đã thảo luận ở chương 12. Không may thay, các loại thuốc này không:”chữa lành” giống như trường hợp penicillin chữa lành chứng nhiễm trùng. Ngay khi ngưng dùng thuốc các triệu chứng ban đầu thường tái phát. Ngoài ra, các loại thuốc này còn có những tác dụng phụ lâu dài, như tình trạng khô miệng và cuống họng, choáng váng, và thậm chí phát sinh các cơn run giật cũng như mất kiểm soát bắp thịt chẳng hạn. Các tác dụng phụ này xảy ra ngay sau khi kết thúc việc chữa trị bằng thuốc.

* Chiorpromazine: Một loại thuốc an thần và ức chế chứng loạn tâm trí. Thuốc này được dùng để chữa trị chứng tâm thần phân liệt và chứng hưng cảm, để làm giảm tình trạng lo âu và kích động, chống ói mửa và buồn nôn. Thuốc này cũng làm tăng hiệu quả của thuốc giảm đau (anaigesics), cũng được dùng trong giai đoạn cuối của người bệnh và chuẩn bị gây mê (anaesthesica) Chiorpromazine được dùng riêng hoặc tiêm trực tiếp vào trực tràng. Tác dụng phụ thường thấy là lơ mơ buồn ngủ và khô miệng. Nó cũng khiến cho bệnh nhân có cử động bất bình thường, nhất là chứng rối loạn trương lúc cơ (dystonia), chứng rối loạn vận động (dyskinesia), và bệnh Parkinson (parkinsonism) (theo Từ điển Y học).

Có lẽ còn tai hại hơn các tác dụng phụ thể chất này là các tác dụng làm tê liệt các phản ứng xúc cảm của người bệnh. Thí dụ, Mark Vonnegut (con trai của tác giả Krut Vonnegut) miêu tả các phản ứng của mình đối với loại thuốc ức chế tâm thần Thorazine trong thời gian nằm viện chữa trị chứng tâm thân phân liệt như sau:

Người ta cho rằng công dụng của loại thuốc này là xua tan ảo giác. Nhưng tôi cho rằng công dụng của nó chỉ làm cho tâm trí bạn tăm tối đến mức không còn để ý đến ảo giác hay nhiều thứ khác… Khi dùng Thorazine, mọi thứ đều trở nên khó chịu. Chính xác không phải là cơn khó chịu, mà là cơn khó chịu làm mất kiên nhẫn. Bạn có thể đọc truyện hài hước… bạn có thể chịu đựng các cơn co giật kéo dài vô tận… bầu trời xám xịt, hoa cỏ héo tàn, không thứ gì gợi cảm cả.

b. Thuốc chống trầm cảm.

Như tên gọi, thuốc chống trầm cảm (antidepressant drugs) là loại thuốc dùng trong các trường hợp trầm cảm nghiêm trọng để cải thiện tâm trạng của người bệnh. Loại thuốc này được khám phá hoàn toàn do tình cờ: Người ta thấy bệnh nhân nào được chữa trị bằng thuốc iproniazid đột nhiên vui tươi và lạc quan hơn. Khi loại thuốc ấy được thử nghiệm trên người bị trầm cảm thì kết quả tương tự đã xảy ra, thế là loại dược phẩm này được công nhận là phương thuốc chữa trị chứng trầm cảm. Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có hiệu lực làm gia tăng nồng độ một số chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ (xem chương 2). Thí dụ, loại thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricydic drugs) làm thay đổi lượng norepinephrine và serotonin bên trong não bộ. Các loại thuốc khác. Như bupropion chẳng hạn, phát sinh hiệu lực nhờ ảnh hưởng đến nồng độ chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Tuy các loại thuốc chống trầm cảm gây ra các tác dụng phụ như lơ mơ buồn ngủ và suy nhược, nhưng nói chung tỷ lệ thành công của chúng rất khả quan. Không giống như các loại thuốc ức chế tâm thần, thuốc chống trầm cảm có thể giúp cho người bệnh phục hồi lâu dài. Trong nhiều trường hợp, thậm chí sau khi không còn dùng thuốc nữa mà tình trạng trầm cảm cũng không tái phát (Xin xem đoạn trích dẫn thời sự dưới đây thảo luận về Prozac, một trong các loại thuốc chống trầm cảm mới nhất và phổ biến rộng rãi nhất).

* Thuốc chống trầm cảm(antidepressant drug) một loại thuốc nhằm làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Loại thuốc được dùng rộng rãi nhất là một nhóm thuốc có cấu trúc hóa học căn bản gồm ba vòng benzen, gọi là thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressants), chứa đựng amitriptyline và imipramine. Các loại thuốc này hữu ích trong điều trị nhiều triệu chứng trầm cảm khác nhau. Tác dụng phụ thường là khô miệng, mờ mắt (blurred vision) táo bón (constipatiơn), buồn ngủ (drowsiness), và khó bài niệu. Nhóm thuốc chống trầm cảm khác là các chất ức chế MAO có tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhiều (theo Từ điển Y bọc).

Lithium*, một dạng muối mỏ có thành phần cấu tạo đơn giản, là loại thuốc dùng rất hiệu nghiệm trong các trường hợp rối loạn lưỡng cực (bipolar disorders). Mặc dù không ai biết chắc tại sao loại thuốc này hiệu nghiệm (không biết chức năng sinh lý cụ thể của nó), lithium rất hiệu nghiệm trong việc làm giảm các cơn hưng cảm, trị dứt lối cư xử hưng cảm khoảng 70% hiện nay. Ngược lại, hiệu nghiệm của thuốc trong điều trị chứng tâm cảm không khả quan lắm. Thuốc chỉ hiệu nghiệm trong một số trường hợp, và giống như các loại thuốc chống trầm cảm khác, nó gây ra nhiều tác dụng phụ.

Lithium có một đặc điểm khác hẳn các loại thuốc khác. Hơn hẳn bất kỳ loại thuốc nào, nó là loại thuốc ngừa bệnh. Những người đã từng mắc phải chứng hưng cảm – trầm cảm trong quá khứ, sau khi phục hồi trạng thái bình thường có thể dùng đều đặn hàng ngày để ngăn ngừa bệnh tái phát. Như vậy, lithium biểu thị một triển vọng tương lai phù hợp với chủ trương của quan điểm y học đối với việc chữa trị hành vi ứng xử bất bình thường: một tương lai mà con người dùng thuốc đều đặn để duy trì sức khỏe tâm thần. Dù sự thực đó tốt hay xấu thế nào chăng nữa thì tương lai ấy cũng còn khá xa.

* Lithium (lithium carbonate) Một loại thuốc uống để ngăn ngừa chứng loạn tâm thần hưng cảm – trầm cảm và để chữa chứng hưng cảm. Tác dụng phụ gồm run giật (tremors), yếu ớt buồn nôn (nausea), khát nước và bài niệu quá mức (excessive urination). Thuốc có thể gây trở ngại cho chức năng tuyến giáp trạng (thyroid function), và khi chữa tri dài hạn có thể gây biến chứng ở thận. Liều quá cao có thể gây bệnh não (encephalophathy) và thậm chí tử vong. Vì vậy cần kiểm soát mức lithium trong máu khi điều trị lâu dài. Tên thương mại: Camcolit, Priadel (theo Từ điển Y bọc).

c. Thuốc trị lo âu.

Vallum, Xanax, Librium – có lẽ bạn quen thuộc với các tên thuốc này, bởi vì chúng là các loại thuốc thông dụng mà các bác sĩ thường kê toa cho bạn. Phải chăng chúng là phương thuốc trị lây nhiễm? Làm giảm cơn cảm lạnh thông thường? Ngược lại, các loại thuốc này không ăn nhập gì với các triệu chứng thể xác. Đúng ra, chúng thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc trị lo âu – thường được các bác sĩ gia đình kê toa – nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng và lo âu của người bệnh trong những thời kỳ đặc biệt khó khăn trong cuộc sống của họ. Thực tế, hơn phân nửa số gia đình người Mỹ đều có các thành viên thỉnh thoảng phải dùng đến loại thuốc này.

Như tên gọi, thuốc trị lo âu (anti anxiety drugs) tác dụng làm giảm mức lo âu, đặc biệt nhờ làm giảm mức độ khích động và phần nào làm tăng tình trạng buồn ngủ. Chúng không chỉ được dùng để xoa dịu tình trạng căng thẳng nói chung ở những người đang gặp phải các khó khăn tạm thời mà còn giúp chữa trị các rối loạn dạng lo âu nghiêm trọng hơn.

Mặc dù tính phổ biến của loại thuốc trị lo âu khiến cho người ta tin rằng chúng tương đối ít nguy hiểm, nhưng chúng có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Thí dụ, chúng có thể gây ra các cơn mệt, và dùng lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng nghiện ngập. Ngoài ra, dùng chung với rượu một vài loại thuốc trị lo âu có thể gây tử vong. Nhưng một nghi vấn quan trọng hơn liên quan đến việc dùng chúng để trấn áp tình trạng lo âu. Bởi vi mọi khảo hướng lý thuyết về rối loạn tâm lý đều xem tình trạng lo âu kéo dài là một triệu chứng của một dạng rối loạn nào đó, nên các loại thuốc ngăn chặn tình trạng lo âu có thể che giấu các khó khăn mà lẽ ra biện pháp thích hợp hơn là đối mặt đế giải quyết – chứ không nên chỉ ngăn chặn mà thôi.

2. Liệu pháp co giật điện

Quan niệm nhầm lẫn cho rằng những người bị chứng động kinh (epilepsy – một dạng rối loạn đặc trưng bởi các cơn co giật được miễn dịch đối với chứng tâm thần phân liệt đã dẫn đến việc xây dựng liệu pháp co giật điện vào thập niên 1930. Một nhóm bác sĩ tâm thần lập luận rằng nếu tìm được biện pháp gây ra những cơn co giật thực sự cho người bệnh tâm thần phân liệt, thì các cơn co giật ấy có thể chữa lành chứng bệnh này. Để thử nghiệm giả thuyết, họ đã cho dòng điện đi vào đầu bệnh nhân để gây ra các cơn co giật – và thành công phần nào trong việc làm giảm các triệu chứng bệnh.

Liệu pháp co giật điện*: (electro convulsive therapy – viết tắt là ECT) được sử dụng cho đến hiện nay, tuy cách thức tiến hành đã được cải tiến. Người ta cho dòng điện từ 70 đến 150 volts đi qua đầu của người bệnh trong thời gian kéo dài khoảng 1/25 giây, làm cho bệnh nhân bất tỉnh và lên cơn co giật. Thông thường, người ta giúp cho người bệnh bớt căng thẳng và dùng thuốc giãn cơ trước khi cho dòng điện chạy nhằm ngăn chặn các cơn co thắt dữ dội. Bệnh nhân điển hình tiếp nhận khoảng 10 lần chữa trị như thế trong thời gian một tháng, nhưng một số người khác vẫn phải tiếp tục chữa trị trong nhiều tháng sau đó.

* Liệu pháp co giật điện (electro convulsive therapy): Một phương pháp điều trị chứng trầm cảm nặng, và đôi khi cũng dùng chữa trị chứng tâm thần phân liệt và chứng hưng cảm. Người ta gây co giật bằng cách cho một dòng điện chạy qua não bộ, tình trạng co giật được cải biến bằng cách dùng thuốc giãn cơ (muscle relaxant drug) và thuốc gây mê (anaesthetic), cho nên trên thực tế chỉ có một số ít cơ bị co giật. Chưa rõ cơ chế tác động của ECT. Phương pháp này có thể khiến cho người bệnh bị lẫn lộn, mất trí nhớ, và nhức đầu; các chứng này thường mất đi trong vài giờ. Các tác dụng phụ này có thể giảm đi khi dùng liệu pháp một bên, tức chỉ cho dòng điện đi qua bán cầu não không chiếm ưu thế (theo Từ điển Y học).

Như bạn biết, ECT là một kỹ thuật gây nhiều tranh luận. Không kể khía cạnh ghê tởm hiển nhiên của một lối chữa trị khiến cho người ta liên tưởng đến hình ảnh các tội nhân bị nhục hình, kỹ thuật này đã gây ra nhiều tác dụng phụ thường xuyên. Chẳng hạn, sau khi chữa trị người bệnh thường bị mất định hướng, lẫn lộn, và đôi khi mất trí nhớ; và các chứng này kéo dài trong nhiều tháng. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân kinh sợ ECT cho dù họ có bị gây mê trong thời gian chạy điện để không thấy đau đớn. Cuối cùng, chúng ta vẫn chưa biết rõ liệu ECT hiệu nghiệm đến mức nào và nguyên nhân tại sao: và dù nghi vấn đó chưa hề được làm sáng tỏ, người ta vẫn hợp lý khi e ngại rằng lối trị liệu này có thể làm tổn thương não bộ vĩnh viễn.

ECT đã vấp phải các nhược điểm như thế, tại sao nó vẫn cứ được dùng đến? Lý do căn bản là trong nhiều trường hợp dường như nó vẫn là một lối chữa trị hiệu nghiệm đối với chứng trầm cảm nghiêm trọng. Thực ra, tuy hiện nay đã kém phổ đến hơn trước đây, một số điều tra cho thấy việc áp dụng ECT đã tăng lên trong thập niên 1980. Dù sao, ECT chỉ được dùng khi các lối chữa trị khác tỏ ra vô hiệu.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ

PROZAC: LOẠI DƯỢC PHẨM KỲ DIỆU HAY CƠN ĐIÊN RỒ CỦA GIỚI TRUYỀN THÔNG?

Susan A. đã phí mất hầu hết tuổi xuân để đấu tranh với mọi người – cha mẹ, láng giềng, đồng sự, và cả đến chồng bà nữa. Người phụ nữ 39 tuổi ở thành phố Seattle này mắc phải chứng trầm cảm, chứng ăn vô độ (bulimia), lạm dụng thuốc và nghiện rượu. Đã hai lần bà thực hiện ý định tự vẫn nhưng bất thành. Trước đó bà đã từng cảm thấy dịu bớt các triệu chứng nhờ một loại thuốc chống trầm cảm gọi là dopexin, nhưng bà không thích loại cảm giác mà nó gây ra cho mình.

Hai năm trước đây thầy thuốc của bà, bác sĩ Michael Norden, khuyên bà thử qua một loại thuốc mới tên là Prozac. Bà nghe theo. Trong vòng một tháng, Susan đã ngưng chữa trị tâm lý để đi học và làm công việc toàn thời gian. Bà cũng ngưng dùng các loại thuốc an thần và các loại ma túy gây nghiện. Bà ghi lại trong sổ tay: “Tôi cảm thấy khỏe khoắn gấp bội. Giờ đây tôi thực sự giống Cha Mẹ tôi, rất thích làm việc, không còn ưu tư dằn vặt về những chuyện bất hạnh nữa, không còn những cơn phẫn nộ chết người nữa, và cuộc hôn nhân của tôi hạnh phúc gấp năm lần so với lúc trước.” Khi một loại thuốc được những lời khen tặng của giới tiêu thụ đến mức xuất hiện trên trang bìa tạp chí Newsweek, hiển nhiên nó là loại dược phẩm đáng để chúng ta suy ngẫm. Nhưng hãy gạt chiến dịch khuyến mãi ồ ạt ấy qua một bên, phải chăng loại thuốc chống trầm cảm fluxetine, lưu hành dưới nhãn hiệu Prozac, có thực là loại dược phẩm gây cuộc cách mạng như những người chế tạo nó khoa trương không?

Về một số khía cạnh, Prozac quả thực xứng đáng với lời khen tặng. Tuy chỉ mới được giới thiệu vào năm 1987, hiện nay nó là loại thuốc chống trầm cảm được kê toa thường xuyên nhất. Dù giá cả hơi đắt với tiêu dùng mỗi ngày tốn gần đến 2 đô la, nó đã cải thiện đáng kể cuộc sống của hàng ngàn người bị chứng trầm cảm.

Prozac hiệu nghiệm nhờ phong tỏa hiện tượng tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Không giống các loại thuốc chống trầm cảm khác, Prozac dường như ít có tác dụng phụ, và xác suất nguy hiểm vì vô ý dùng quá liều không đáng kể. Hơn nữa, những người không có phản ứng đối với các loại thuốc chống trầm cảm khác lại thấy Prozac rất hiệu nghiệm.

Tuy vậy, thuốc lưu hành chưa đủ lâu để người ta phát hiện được mọi tác dụng phụ khả dĩ của nó, và một số báo cáo cho rằng Prozac có thể gây tai hại. Thí dụ, một số người dùng Prozac đã bị kích động hay run giật dữ dội, trong khi một số khác dường như bị ám ảnh bởi ý tưởng tự gắn. Thậm chí một vài người bệnh còn cho rằng Prozac khiến họ dễ lên cơn bạo hành, và các bị cáo trong một vài vụ ám sát nhận đã dùng một “liều Prozac phòng vệ” khẳng định thuốc quả thực thúc đẩy họ ra tay giết người.

Hầu hết các chuyên gia đều bác bỏ các báo cáo này và mới đây một nhóm chuyên gia của chính phủ Hoa Kỳ, do Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược liệu (FDA) triệu tập hội thảo, không tìm ra được chứng cứ như xác nhận tác dụng phụ gây kích động mạnh mẽ (FDA, 1991). Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng có đến 15% người tiêu thụ bị một vài tác dụng phụ.

Bất hạnh thay, nhiệt tình của công chúng dành cho Prozac lại làm cho giới chức chăm sóc sức khỏe gặp khó khăn. Tình trạng sôi động của công luận về loại thuốc này làm gia tăng số bệnh nhân bị các chứng trầm cảm nhẹ hoặc ngay cả các chứng rối loạn khác đã từ bỏ các liệu pháp khác thích hợp hơn, như liệu pháp tâm lý chẳng hạn, để cuồng nhiệt tìm đến Prozac. Dù Prozac có một số ưu điểm quan trọng, nhưng nó vẫn chưa phải là phương thuốc thần diệu. Giống như chứng cảm sốt thông thường, trước mắt người ta vẫn chưa có một phương thuốc thập toàn để chữa trị chứng trầm cảm.

3. Phẫu thuật tâm thần

Nếu như ECT khiến bạn cho là một kỹ thuật đáng ngờ vực, thì phẫu thuật tâm thần* (psychosurgely) – là phẫu thuật não bộ nhằm làm giảm bớt các triệu chứng rối loạn tâm trí – thậm chí còn đáng e ngại hơn nữa. Một phẫu thuật hầu như đã biến mất, phẫu thuật tâm thần lần đầu tiên được giới thiệu như là một liệu pháp “sau cùng” vào thập niên 1930. Thao tác phẫu thuật cắt bỏ bạch chất ở thùy não trước trán (prefrontal locotomy) nhằm cắt bỏ một số mô thần kinh thuộc thùy trán của người bệnh, các bộ phận này chi phối tình cảm của con người. Cơ sở hợp lý biện minh cho thao tác này là hủy bỏ các đường nối kết giữa nhiều bộ phận khác nhau trong não bộ sẽ giúp cho người bệnh bớt lệ thuộc vào các xung động tình cảm, nhờ đó hành vi ứng xứ nói chung của họ sẽ được cải thiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.