Tâm lý học căn bản

Chương 14 – Phần 5



TRÍCH DẪN THỜI SỰ

PHẢI CHĂNG TRẺ THƠ CŨNG CẢM NHẬN ĐƯỢC VẺ ĐẸP

Julia Roberts, Kevin Costner, Michelle Pfeiffer, Richard Gere.

Hầu hết mọi người đều dễ tán thành rằng những cá nhân này đều khá quyến rũ. Nhưng ít người trong chúng ta có thể phát biểu được liệu chúng ta làm cách nào để biết người quyến rũ có các đặc điểm nào hoặc chúng ta căn cứ vào các tiêu chuẩn nào để đánh giá mức độ quyến rũ của mỗi người.

Từ xưa người ta vẫn cho rằng các tiêu chuẩn thẩm mỹ hình thành dần dà từ các tiêu chuẩn chung thiết lập bởi một xã hội đặc biệt. Và hầu hết các chứng cứ khoa học đều cho rằng phải đến 3 hoặc 4 tuổi trẻ mới nhận thức được các tiêu chuẩn nhan sắc ấy.

Tuy vậy, các chứng cứ mới đây cho biết thực ra không phải như vậy. Theo công trình nghiên cứu này, ngay trẻ thơ rất nhỏ tuổi cũng có khả năng phân biệt được nét mặt đẹp xấu khác nhau. Thí dụ, trong một khảo cứu trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi được cho xem các cặp ảnh chụp – mỗi cặp gồm có một tấm ảnh chụp một phụ nữ được người lớn đánh giá hấp dẫn, còn tấm ảnh kia chụp một phụ nữ kém hấp dẫn. Các em chăm chú nhìn tấm ảnh phụ nữ đẹp lâu hơn các tấm ảnh phụ nữ kém nhan sắc, cho thấy khuôn mặt hấp dẫn khiến cho chúng thích thú hơn.

Nhưng vẽ lôi cuốn còn gây ra nhiều điều hơn là chỉ thu hút chú ý lâu hơn; dường như nó khiến cho trẻ thơ có phản ứng thân thiện hơn. Thí dụ, trong một khảo cứu các trẻ một tuổi gặp một người lạ mang mặt nạ chế tạo đặc biệt hấp dẫn hoặc xấu xí. Các em gặp người lạ mang mặt nạ hấp dẫn đã biểu hiện nhiều dấu hiệu cảm tình thân thiện, không xa lánh, và chủ động chơi đùa hơn so với trường hợp người lạ mang mặt nạ kém hấp dẫn. Trong một khảo cứu thứ hai, các đứa trẻ một tuổi chơi đùa với con búp bê có khuôn mặt đẹp lâu hơn con búp bê có khuôn mặt kém hấp dẫn.

Tại sao trẻ thơ trong các thí nghiệm này tỏ ra ưa thích các gương mặt đẹp? Trước tuổi lên một, con người hơn không tài nào biết được các tiêu chuẩn thẩm mỹ đặt ra bởi xã hội. Đúng ra, ưa thích cái đẹp là thiên tính của con người, tức là dường như có nguyên nhân bẩm sinh, quyết định bởi yếu tố di truyền. Có lẽ các khuôn mặt với kích thước và đường nét đặc biệt phô bày các thông tin có lợi cho thẩm định chung của xã hội. Đến nay chúng ta vẫn chưa biết được lý do tại sao một số khuôn mặt được ưa thích hơn các khuôn mặt khác, nhưng rõ ràng rằng các khuôn mặt được đánh giá hấp dẫn khơi dậy cảm tình tốt đẹp của mọi lứa tuổi, ngay cả với trẻ thơ.

2. Cầu bao nhiêu nhịp, em yêu mình bấy nhiêu

Trong khi kiến thức của chúng ta về các nhân tố khiến cho người ta ưa thích lẫn nhau thật rộng rãi, thì tìm hiểu tình yêu là một việc làm được thực hiện trong một phạm vi còn hạn chế và tương đối mới gần đây. Đã từ lâu, nhiều nhà tâm lý xã hội cho rằng tình yêu là một hiện tượng vừa khó quan sát lẫn tìm hiểu theo phương pháp khoa học và trong một bối cảnh kiểm soát được. Tuy nhiên, tình yêu vốn là một vấn đề trọng tâm trong cuộc sống của hầu hết mọi người, nên đã đến lúc các nhà tâm lý xã hội không thể chống nổi sức cám dỗ và đã say mê chủ đề này.

Trong bước đầu, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực nhận diện các đặc điểm phân biệt giữa ưa thích đơn thuần với tình yêu say đắm. Dùng phương pháp này, họ đã khám phá được rằng yêu thương không chỉ là ưa thích đậm đà, mà còn là một trạng thái tâm lý khác biệt với ưa thích về mặt tính chất nữa. Chẳng hạn, ít ra trong giai đoạn đầu tiên tình yêu bao gồm các trạng thái như rung động khá mãnh liệt, quan tâm toàn diện đến đối tượng, mơ tưởng sâu sắc và dao động tình cảm khá mạnh. Hơn nữa, không giống với ưa thích, tình yêu bao gồm các yếu tố đam mê, gần gũi, lôi cuốn, độc chiếm, dục vọng và chiếu cố thiết tha.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng rung động sinh lý mãnh liệt là yếu tố then chốt để nhận diện được tình yêu lãng mạn. Dù vậy, điều thú vị là sự rung động ấy không đơn thuần là trạng thái rung động thể xác có bản chất tình dục. Berscheld và Walster (1974) đã đưa ra lý thuyết cho rằng khi chúng ta tiếp cận bất kỳ kích thích nào làm tăng mức rung động hay cảnh giác sinh lý – như nguy hiểm, sợ hãi, hoặc tức giận chẳng hạn – chúng ta có thể đặt tên tình cảm của chúng ta là tình yêu đối với một cá nhân khác hiện diện vào thời điểm rung động ấy. Điều này rất có thể xảy ra nếu như có các gợi ý hoàn cảnh cho rằng “tình yêu” là một tên gọi thích hợp cho thứ tình cảm đang diễn ra. Tóm lại, chúng ta cảm thấy mình đang yêu khi trạng thái rung động sinh lý xảy ra kèm theo ý nghĩ cho rằng nguyên nhân gây rung động ấy rất có thể là tình yêu.

Lý thuyết này giải thích được lý do tại sao một cá nhân luôn bị người khác hất hủi hay làm tổn thương mà cứ vẫn cảm thấy “yêu” người ấy. Nếu như sự hất hủi gây ra tình trạng rung động sinh lý, và sự rung động ấy lại tình cờ còn lệ thuộc vào tình yêu – chứ không vào sự hất hủi – thì cá nhân sẽ vẫn cảm thấy mình “đang yêu”.

Các nhà nghiên cứu khác đưa ra lý thuyết cho rằng thực tế có một vài loại tình yêu. Một số người chủ trương có hai loại tình yêu chính: tình yêu nam nữ và tình thương. Tình yêu nam nữ lãng mạn (passionate/romantic love) là trạng thái bị thu hút mãnh liệt bởi một cá nhân khác giới tính. Nó bao gồm sự rung động sinh lý mãnh liệt, quan tâm về một tâm lý, và lo lắng đến nhu cầu của đối tượng. Ngược lại, tình thương (compassionate love) là tình cảm mãnh liệt mà chúng ta dành cho những người gắn liền sâu sắc với cuộc sống của mình. Tình yêu chúng ta dành cho cha mẹ, các thành viên khác trong gia đinh, và thậm chí cho một số bạn bè thân thiết thuộc vào loại tình thương.

Theo nhà tâm lý Robert Sternberg (1986), sự phân biệt thậm chí còn tế nhị hơn là tình yêu được chia ra nhiều loại khác nhau theo thứ tự cường độ từ thấp đến cao. Ông cho rằng tình yêu hình thành bởi ba yếu tố: mật thiết (intimacy), bao gồm các cảm giác gần gũi và gắn liền; đam mê (passion), cấu thành bởi các động lực thúc đẩy liên quan đến tình dục, sự gần gũi thể xác và tình cảm lãng mạn; và yếu tố ràng buộc (decision/commitment component), bao gồm nhận định sơ khởi về tình yêu giữa hai cá nhân, và tình cảm ràng buộc lâu dài nhằm duy trì mối tình ấy. Như trình bày ở Bảng 14–1, các phối hợp đặc biệt ba yếu tố này xác định 8 loại tình yêu.

BẢNG 14–1

Các kiểu yêu thương

 

Các thành tố *

Mật thiết

Đam mê

Ràng buộc

Không yêu thương (Nonlove)

Ưa thích (Liking)

+

Tình yêu đam mê (infatuated love)

+

Tình yêu đơn thuần (Empty love)

+

Tình yêu lãng mạn (Romantic love)

+

+

Tình thương (Compassionate lo ve)

+

+

Tình yêu cuồng si (Fatuous love)

+

+

Tình yêu tuyệt đỉnh (Consummate love)

+

+

+

Dấu +: yếu tố hiện diện

Dấu –: yếu tố không hiện diện

(Xuất xứ. Sternberg, 1986. Bảng 2)

3. Theo dõi tiến trình quan hệ tình cảm: Các bước thăng trầm của ưa thích và yêu đương

Nhiều cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị và các trường hợp đổ vỡ tình yêu là một hiện tượng thường thấy, nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi các nhà tâm lý xã hội bắt đầu ngày càng chú trọng tìm hiểu xem liệu các mối quan hệ tình cảm được thiết lập duy trì – và trong một số trường hợp, kết thúc ra sao.

Cách cư xử của các cặp đối tượng trong giai đoạn xây dựng quan hệ tình cảm biến đổi theo các khuôn mẫu hoàn toàn có thể đoán biết trước được. Khuôn mẫu thường thấy nhất diễn biến theo tiến trình sau đây:

– Tương tác thường xuyên hơn, kéo dài hơn, và trong nhiều bối cảnh hơn.

– Tìm cách gần gũi nhau hơn.

– Ngày càng “cởi mở” với nhau hơn, tiết lộ cho nhau nhiều bí mật và chia sẻ các cơ hội thân mật thể xác. Sẵn lòng chia sẻ các nỗi vui buồn và ngày càng ca ngợi cũng như phê phán lẫn nhau hơn.

– Bắt đầu tìm hiểu quan điểm và sau cách nhận định của nhau về thế giới chung quanh.

– Mục tiêu và cách cư xử hòa điệu hơn, và bắt đầu có nhiều điểm tương đồng hơn về thái độ sống và thang giá trị.

– Đầu tư vào mối quan hệ tăng lên – về thời gian, năng lực và ràng buộc.

– Bắt đầu cảm thấy tâm trạng hạnh phúc riêng tư của bản thân gắn bó với tình trạng hạnh phúc trong mối quan hệ. Đến mức xem một quan hệ tình cảm ấy là độc nhất vô nhị và không gì thay thế được.

– Bắt đầu cư xử giống như một cặp hôn nhân, và không còn giống như hai cá nhân riêng biệt nữa.

Tuy tiến trình bao gồm các bước chuyển tiếp này là điển hình, nhưng người ta khó lòng biết được chính xác thời điểm diễn ra của mỗi bước trong mối quan hệ. Một lý do quan trọng là đồng thời với sự tiến triển mối quan hệ tình cảm thì bản thân hai cá nhân trong cuộc cũng trải qua chuyển biến phát triển con người của họ. Ngoài ra, hai người trong cuộc sống cũng có thể nhắm đến các mục tiêu khác nhau về kết quả của mối quan hệ; một đối tượng chú trọng đến hôn nhân, trong khi đối tượng kia chỉ muốn có quan hệ ngắn hạn mà thôi.

Sau cùng, ngay trong trường hợp cả hai cá nhân đều muốn tìm đối tượng kết hôn, loại người mà họ ao ước tìm kiếm cũng rất khác biệt. Chẳng hạn, một cuộc điều tra gần đến 10.000 người thuộc các quốc tịch khác nhau trên khắp thế giới đã khám phá được con người có sở thích rất khác biệt nhau về các đặc tính cần có ở người phối ngẫu, tùy thuộc vào phương diện văn hóa cũng như giới tính. Thí dụ, đối với người Mỹ thì yếu tố thu hút lẫn nhau và tình yêu là đặc điểm quan trọng nhất. Ngược lại, nam giới ở Trung Quốc đánh giá sức khỏe tốt là điều kiện quan trọng nhất, trong khi nữ giới đánh giá sự ổn định và trưởng thành về mặt tình cảm là đức tính quan trọng hàng đầu. Còn ở Zulu thuộc Nam Phi, nam giới cho rằng sự ổn định tinh cảm là điều kiện quan trọng nhất và nữ giới xem tính chất đáng tin ấy là yếu tố quan trọng hàng đầu (Xem Bảng 14–2).

BẢNG 14–2

Thứ tự đánh giá các đức tính cần thiết ở người phối ngẫu

 

Trung Quốc

Zulu ở Nam Phi

Hoa Kỳ

Nam

Nữ

Nam

Nữ

Nam

Nữ

Thu hút lẫn nhau–tình yêu

4

8

10

5

1

1

Tin cậy được, nương nhờ được

6

7

3

1

3

3

Ổn định và trưởng thành tình cảm

5

1

1

2

2

2

Vui tính

13

16

4

3

4

4

Trình độ giáo dục và trí thông minh

8

4

6

6

5

5

Sức khỏe tốt

1

3

5

4

6

9

Chan hòa, thích giao du

12

9

11

8

8

8

Ước muốn có gia đình và con cái

2

2

9

9

9

7

Tế nhị, trang nhã

7

10

7

10

10

12

Tham vọng và chuyên cần

10

5

8

7

11

6

Nhan sắc

11

15

14

16

7

13

Trình độ học vấn tương đương

15

12

12

12

12

10

Triển vọng tài chánh khả quan

16

14

18

13

16

11

Bếp núc và quản lý gia đình giỏi

9

11

2

15

13

16

Địa vị xã hội khả quan

14

13

17

14

14

14

Tín ngưỡng giống nhau

18

18

16

11

15

15

Trinh tiết (không có giao hợp tiền hôn nhân)

3

6

13

18

17

18

Lập trường chính trị tương đồng

17

17

15

17

18

17

(Xuất xứ: Buss et al, 1990)

Một khi mối quan hệ đã tiến triển, chúng ta làm cách nào nhận định được mối quan hệ nào cuối cùng sẽ thành công hay thất bại? Một giải đáp là tìm hiểu mức độ phát triển của các yếu tố cấu thành tình yêu. Theo lý thuyết tình yêu của Stemberg, ba thành tố của tình yêu – mật thiết, đam mê và ràng buộc – khác biệt nhau về ảnh hưởng qua thời gian và diễn biến khác hẳn nhau, như minh họa ở Hình 14–7. Chẳng hạn, trong các mối quan hệ yêu đương mãnh liệt, mức ràng buộc tăng lên đến đỉnh cao rồi sau đó vẫn duy trì ổn định; trong khi yếu tố cần thiết tiếp tục phát triển mãi trong tiến trình quan hệ. Ngược lại, yếu tố đam mê có chiều hướng sụt giảm qua thời gian, xuống thấp khá sớm trong tiến trình quan hệ. Tuy vậy, nó vẫn cứ là một thành tố quan trọng trong các quan hệ yêu đương.

Hình 14–7. Chuyển biến trong các yếu tố cấu thành tình yêu. Ba thành tố này biến đổi mức độ ảnh hưởng qua tiến trình quan hệ (Sternberg, 1986)

4. Sụt giảm mối quan hệ

Nguyên nhân nào khiến cho mối quan hệ gặp rắc rối? Nhà tâm lý xã hội George Levinger (1983) đã phỏng đoán các lý do khiến cho tình hình quan hệ tồi tệ đi. Một nhân tố quan trọng dường như là sự thay lòng đổi dạ trong cách phán đoán ý nghĩa lối cư xử của một đối tượng. Lối cư xử một thời từng được xem là “mê hoặc đến quên cả mọi thứ” nay đã trở thành “vô cảm thô lỗ”, và đối tượng ấy bị đánh giá thấp đi. Ngoài ra, tình hình cảm thông có thể bị gián đoạn. Thay vì lắng nghe người kia nói, thì mỗi đối tượng có khuynh hướng chứng tỏ bản thân, và tình hình cảm thông càng tồi tệ hơn. Sau cùng, một đối tượng có thể trông đợi và tán thành người ngoài phê phán đối tượng kia, và đi tìm những cá nhân khác để thỏa mãn các nhu cầu căn bản mà trước kia đã từng được đối tượng kia đáp ứng.

Cũng giống như trường hợp xây dựng quan hệ tình cảm thường diễn ra theo một khuôn mẫu phổ biến, chiều hướng sụt giảm quan hệ cũng tuân theo một khuôn mẫu bao gồm một số giai đoạn (xem Hình 14–8). Giai đoạn thứ nhất xảy ra khi một cá nhân trong cuộc cảm thấy không thể kéo dài quan hệ được nữa. Trong giai đoạn này, trọng tâm nhằm vào lối cư xử của đối phương và mức độ đánh giá lối cư xử này sẽ là cơ sở để kết thúc một quan hệ.

Hình 14–8: Kết thúc quan hệ: Các giai đoạn trong tiến trình tan vỡ quan hệ (phỏng theo Duck, 1982, trang 16).

Giai đoạn nội tâm

Chú trọng riêng tư đến cách cư xử của đối tượng kia.

Đánh giá tính thỏa đáng của lối cư xử ấy.

Xem xét các khía cạnh tồi tệ trong mối quan hệ

Ước tính cái giá phải trả cho việc rút lui.

Đánh giá các mặt khả quan của các mối quan hệ chọn lựa khác.

Giai đoạn lưỡng lự:

Công khai đối chọi với đối tượng kia

Dàn xếp với đối tượng kia.

Quyết định xem liệu có nên cố gắng hàn gắn, tái xác định ranh giới, hay chấm dứt quan hệ không.

Giai đoạn công khai cho xã hội:

Dàn xếp tình trạng hậu tan vỡ với đối tượng kia.

Công khai cứu vãn thể diện/quy trách.

Xem xét ảnh hưởng đối với các mối quan hệ xã hội khác.

Tiếp nhận lời khuyên, sự giúp đỡ về mặt pháp lý.

Giai đoạn tang tóc

Kết thúc mối quan hệ về mặt thể xác và tâm hồn

Xét lại toàn bộ mối quan hệ

Khẳng định chủ quan về sự tan vỡ

Trong giai đoạn kế tiếp, một cá nhân quyết tâm đối chọi với đối tượng kia để xác định xem liệu có thể nỗ lực hàn gắn, tái xác định, hay kết thúc quan hệ. Thí dụ, sự tái xác định có thể là sự thay đổi tính chất quan hệ (“Chúng ta vẫn có thể là bạn bè!” có thể thay cho “Anh sẽ yêu em mãi mãi!” chẳng hạn).

Nếu quyết định kết thúc quan hệ, sau đó cá nhân sẽ bước vào thời kỳ công khai cho mọi người biết tình hình đổ vỡ quan hệ và quy trách các biến cố dẫn đến việc kết thúc quan hệ. Giai đoạn cuối cùng là một giai đoạn “đượm màu tang tóc”, trong đó hành động chủ yếu nhằm kết thúc một quan hệ về thể xác cũng như tâm lý. Một trong các ưu tư quan trọng trong thời kỳ này là xét lại toàn bộ mối quan hệ, để củng cố tính hợp lý cho sự kiện đã xảy ra và để duy trì các nhận định về bản thân của mình.

Người ta cảm thấy đau buồn đến mức nào khi kết thúc một quan hệ tình cảm? Mức độ đau đớn tùy thuộc vào mức độ và hình thức quan hệ trước khi xảy ra biến cố kết thúc. Trong trường hợp các cặp sinh viên hò hẹn đổ vỡ, các đối tượng báo cáo đau khổ nhất là những người đặc biệt gần gũi nhau trong một thời gian dài và đã có rất nhiều giây phút đầm ấm riêng tư bên nhau. Họ đã từng tham dự chung với đối tượng của mình trong nhiều sinh hoạt và thuật lại rằng đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi nhau. Cuối cùng, mức độ đau khổ còn liên hệ đến tình trạng ôm ấp kỳ vọng rằng sẽ rất khó tìm được một đối tượng mới để lấp vào khoảng trống. Nếu như triển vọng không có mối quan hệ thay thế nào khác, người ta thường hay ôn lại những kỷ niệm mà họ đã từng sở hữu hơn.

5. Tóm tắt và học ôn IV

A. TÓM TẮT

– Các khảo cứu về sự lựa chọn giữa con người và các mối quan hệ gần gũi nhằm tìm hiểu hiện tượng mến thích (liking) và yêu thương (loving).

– Các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hiện tượng mến thích là gần gũi (proximity), tiếp xúc đơn thuần (mere exposure), Giống nhau (similanty), và sức quyến rũ thể chất (physical attractiveness).

– Yêu thương được xem là khác biệt với mến thích về các khía cạnh định tính cũng như định lượng. Ngoài ra, người ta có thể phân biệt được một vài dạng yêu thương khác nhau.

– Các nhà tâm lý xã hội đã bắt đầu quan tâm ngày càng nhiều đền các nhân tố ảnh hưởng đến sự duy trì và sụt giảm các mối quan hệ tình cảm.

B. HỌC ÔN

1/ Chúng ta có khuynh hướng ưa thích những người giống minh. Đúng hay Sai?

2/… cho rằng chúng ta sẽ bị lôi cuốn bởi những người có nhu cầu khác biệt hẳn chúng ta.

3/ Hiện tượng ưa thích những người có sức quyến rũ dường như bắt đầu xuất hiện vào độ tuổi lên 3 hoặc lên 4. Đúng hay Sai?…

4/ Theo Berscheid, một cá nhân có thể vẫn còn cảm thấy yêu một người khác ngay cả trong trường hợp luôn luôn bị hất hủi nếu như… còn hiện hữu và bị giải thích lầm lạc là tình yêu”.

5/ Sternberg đề nghị ba yêu tố nào cấu thành tình yêu nêu dưới đây?

a. Đam mê, gần gũi, tình dục (Passion, doseness, sexuality).

b. Lôi cuốn, khát vọng, bổ sung nhu cầu (Attraction, desire, Complementarity).

c. Đam mê, mật thiết, ràng buộc (Passion, intimacy, commitmen).

d. Ràng buộc, chăm sóc, tình dục (Commitment, caring, sexuality).

6/ Theo cuộc nghiên cứu thăm dò, con người có sở thích giống nhau về người phối ngầu, tương đối không lệ thuộc vào giới tính và bối cảnh văn hóa. Đúng hay Sai?…

7/ Tình hình nào dưới đây là nguyên nhân gây đổ vỡ quan hệ tình cảm theo quan điểm của Levinger?

a. Sút giảm trong sinh hoạt tình dục và lòng thương yêu.

b. Sự biến đổi về ý nghĩa trong lối cư xử của đối tượng kia.

c. Tình trạng khốn quẫn về tài chánh.

d. Xảy ra tình trạng chia rẻ vì lý do chi tiêu trong gia đình.

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Tình yêu có thể được nghiên cứu tìm hiểu đúng mức không? Phải chăng tình yêu có một khía cạnh vô hình khiến cho nó ít ra có phần nào không thế hiểu rõ được? Bạn sẽ định nghĩa ra sao về hiện tượng “yêu”. Bạn sẽ làm cách nào để tìm hiểu nó?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

V. LỐI CƯ XỬ GÂY HẤN VÀ PHỤNG SỰ XÃ HỘI, GÂY TỔN THƯƠNG VÀ GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC

Kenny trải qua hai kỳ Giáng sinh đầu đời trong bệnh viện Harlem nơi em bị mẹ bỏ rơi, trong một phòng bệnh đầy ắp trẻ sơ sinh mắc bệnh AIDS. Đến lễ Giáng sinh thứ ba em ở viện mồ côi Albany. Nơi đó em đã may mắn gặp được vị thiên thần đầu tiên trong đời em.

Gertrude Lewis hàng ngày lái chiếc xe bus trong thành phố, và mỗi thứ bảy hàng tuần bà tình nguyện phục vụ ở Viện mồ côi Albany. Bà nhớ lại: “Tôi thấy cậu bé này có đôi mắt tuyệt đẹp, lúc nào em cũng ngước nhìn lên và toét miệng cười.” Năm ấy bà đã 47 tuổi, chưa từng kết hôn, và chưa hề có mái ấm gia đình. Ngay lúc ấy bà quyết định trở thành bà mẹ nuôi.

Hiện nay Kenny nằm trong chiếc giường có chấn song trên lầu, trong ngôi nhà mà Lewis đang trọ chung với người khác. Ở một đường phố có trồng cây hai bên… Căn phòng dành cho trẻ này tràn đầy tươi vui với các bức tường quét vôi màu cam, dán la liệt hình ảnh, và bày 27 con thú nhồi bồng trong chừng em. Bà Gertrude nói: “Thiếu vắng cháu sẽ thật khó chịu đối với tôi.”

Chính tội ác đã khiến cho bản thân nó bị gán cho cái danh xưng đặc biệt là “man rợ”. Theo các thủ phạm gây ra một loạt hành vi ghê tởm diễn ra vào một buổi tối mùa xuân ở Công Viên Trung Tâm của thành phố New York, hình dung từ man rợ nhằm miêu tả hành động của một nhóm người chạy như điên, đập phá lung tung, hành hung và cướp bóc các nạn nhân nào tình cờ gặp phải chúng. Những kẻ tham dự có thói quen xem hành động này chỉ là “trò vui đùa”.

Đối với một phụ nữ chạy chậm bước rủi ro gặp phải chúng, thì sự việc diễn ra không là gì khác ngoài trò vui đùa của băng cướp này. Bị tấn công liên tục bằng ống nước và gạch đá, cô bị chúng cưỡng hiếp rồi bỏ nằm chờ chết. Ba phần tư máu trong người có bị mất đi vì các vết thương và có phải chịu tổn thương não bộ suốt đời

Hai đoạn trích dẫn này trình bày các góc nhìn rất khác biệt nhau về bản chất hành vi ứng xử của con người. Một mặt, chúng ta thấy khía cạnh tử tế, vị tha của nhân tính. Mặt khác, chúng ta gặp phải khía cạnh thiếu suy nghĩ, bạo hành điên rồ.

Các biến cố này nêu ít các nghi vấn căn bản về bản chất hành vi ứng xử của con người. Từ lâu các nhà tâm lý đã ưu tư về các vấn đề liệu động lực nào thúc đẩy người ta có hành động giúp đỡ người khác, và hành động ngược lại là gây hấn hay hiếu chiến. Rất nhiều công trình đã được gợi hứng từ một biến cố – đã miêu tả ở chương 1 – xảy ra hơn 20 năm trước đây khi thiếu nữ Kitty Genovese thét lên cầu cứu: “Chúa ơi! Nó đâm tôi!” và “Cứu tôi với!”. Không ai trong số 38 người lân cận chứng kiến sự việc chịu ra tay giúp đỡ cô, và phải đến 30 phút trôi qua thậm chí chỉ có một người chịu mất công gọi điện thoại cho cảnh sát. Sau đó, Genovese đã gục chết ở một lối đi trước khi cảnh sát kịp đến nơi – là nạn nhân của cuộc tấn công ghê tởm bởi một tên cướp xấu xa.

Nếu như các biến cố như thế chỉ giúp chúng ta giải thích được khía cạnh bi quan và u ám của bản chất con người, thì các sự kiện khác cũng gây ấn tượng ngang như thế khích lệ người ta có một cái nhìn lạc quan hơn về nhân loại. Chẳng hạn, hãy xét trường hợp những con người như Raoul Wallenberg đã hy sinh tính mệnh để giúp người Do Thái trốn tránh bọn quốc Xã ở các quốc gia bị Đức chiếm đóng trong thời Thế Chiến II. Hoặc giả hãy tìm hiểu các cử chỉ hảo tâm đơn giản trong cuộc sống như: cho mượn chiếc máy cassette đắt tiền, dừng chân giúp đỡ một bé gái bị ngã xe đạp, hay đơn giản chia một thỏi kẹo cho bạn cùng ăn. Các trường hợp vị tha này đặc trưng cho hành vi ứng xử của con người không kém gì so với các thí dụ kinh tởm kia. Trong đoạn này chúng ta tìm hiểu công trình nghiên cứu mà các nhà tâm lý xã hội đã tiến hành nhằm nỗ lực giải thích các trường hợp gây hấn cũng như giúp đỡ người khác.

1. Làm tổn thương kẻ khác: Hành động gây hấn

Chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa ngoài các tờ nhật báo hay các bản tin hàng đêm đầy dẫy những thí dụ về hành động gây hấn, cả trên bình diện xã hội (chiến tranh, xâm lăng, khủng bố) lẫn ở mức độ cá nhân (tội phạm hình sự, lạm dụng thiếu nhi, và nhiều loại tội ác khác mà con người có thể gây ra cho nhau). Phải chẳng khía cạnh gây hấn ấy là một bộ phận không thế thiếu được thuộc bản tính của con người? Hoặc giả, phải chăng hành động gây hấn chủ yếu là hậu quả của các hoàn cảnh đặc biệt mà nếu được cải biến sẽ khiến cho nó giảm bớt đi?

Những câu hỏi nan giải như thế sẽ nhanh chóng được giải đáp khi chúng ta tìm ra được định nghĩa sáng tỏ nhất cho thuật ngữ “gây hấn”. Tùy theo cách định nghĩa thuật ngữ này, nhiều trường hợp đau đớn hay tổn thương do người khác gây ra có thể giải thích là đích thực hậu quả của hành động gây hấn hay không (xem Bảng 14–3). Chẳng hạn, tuy hiển nhiên là tên hiếp dâm có hành động gây hấn hay bạo hành đối với nạn nhân của hắn, nhưng chúng ta lại không dám khẳng định rằng trường hợp một bác sĩ thực hiện một thủ thuật cấp cứu không dùng thuốc gây mê, do đó khiến cho bệnh nhân đau đớn không thể chịu đựng nổi, phải được xem là gây hấn hay không.

Hầu hết các nhà tâm lý xã hội đều định nghĩa tính gây hấn tùy theo chừng mực và mục đích ẩn ở phía sau cách cư xử. Gây hấn (aggression) là hành động cố tình gây thương tích hay thiệt hại cho người khác. Theo định nghĩa này, rõ ràng tên cưỡng dâm trong thí dụ của chúng ta có hành động gây hấn, còn người bác sĩ gây đau đớn trong thao tác chữa trị không bị xem là có tính gây hấn.

a. Khảo hướng bản năng: Gây hấn là hiện tương phát tiết năng lực. Nếu bạn đã từng đấm trúng mũi đối thủ, hẳn bạn cũng cảm thấy khoái trá trong lòng, dù bạn nhận thức được hành động như vậy là thiếu lòng nhân đạo. Nhận thấy tính gây hấn không chỉ hiện hữu ở con người mà cũng phổ biến ở loài vật nữa. Các lý thuyết bản năng cho rằng gây hấn chủ yếu là hậu quả của các thúc đẩy bẩm sinh.

Người đề xướng chủ yếu của khảo hướng này là nhà phong tục học (ethoingist, nhà khoa học chuyên nghiên cứu tập tính của động vật) – Konrad Lorenz, ông này cho rằng cùng với các giống loại khác con người có bản năng chiến đấu, nhờ đó mà ngày xưa họ bảo đảm được nguồn lương thực và loại trừ kẻ suy nhược ra khỏi bộ tộc. Quan điểm gây tranh cãi xuất phát từ khảo hướng bản năng của Lorenz cho rằng năng lực gây hấn tích lũy liên tục bên trong con người cho đến khi được phóng thích theo một tiến trình gọi là phát tiết (catharsis). Lorenz nói rằng năng lực này tích lũy càng lâu ngày thì mức độ biểu hiện gây hấn càng cao khi được phát tiết ra.

Có lẽ ý kiến thoát thai từ các lý thuyết bản năng về tính gây hấn gây tranh cãi nhiều nhất là chủ trương của Lorenz cho rằng xã hội có nhiệm vụ đề nghị một biện pháp khả dĩ chấp nhận được, như để cho năng lực ấy phát tiết qua việc tham gia vào các môn thể thao và các trò chơi chẳng hạn, nhằm ngăn chặn nó phát tiết vào các phương thức bất lợi cho xã hội. Tuy quan điểm này hợp lý, nhưng không có cách gì thực hiện được một thí nghiệm nào phù hợp để chứng nghiệm nó. Trên thực tế, nói chung rất ít người ủng hộ các lý thuyết bản năng, bởi vì người ta khó tìm được các chứng cứ xác nhận bất kỳ nguồn năng lực bị dồn nén nào cả. Hầu hết các nhà tâm lý xã hội đều cho rằng chúng ta nên trông cậy vào các khảo hướng khác để giải thích tính gây hấn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.