Tâm lý học căn bản

Chương 5. TIẾN TRÌNH HỌC HỎI



DÀN BÀI

Mở đầu

Triển khai chủ đề

I. TẠO ĐIỀU KIỆN HẠN CHẾ

1. Các điểm căn bản trong tiến trình tạo điều kiện.

2. Ứng dụng các nguyên tắc tạo điều kiện để giải thích hành vi ứng xử của con người.

3. Hiện tượng giải trừ: quên đi những điều bạn đã học hỏi được.

4. Phục hồi tự phát: sự tái hiện phản ứng có điều kiện.

5. Tổng quát hóa và phân biệt kích thích.

6. Tạo điều kiện cao cấp.

7. Vượt ngoài phạm vi tạo điều kiện hạn chế theo quan điểm truyền thống: thử thách các giả định căn bản.

8. Tóm tắt và học ôn I

II. TẠO ĐIỀU KIỆN TÁC ĐỘNG

1. Quy luật hiệu quả của Thomdike.

2. Các điểm căn bản trong tiến trình tạo điều kiện tác động.

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC: Công tác cứu nạn nhờ tiến trình tạo điều kiện tác động – các đội cá heo phòng vệ và các nhóm bồ câu truyền tin.

3. Tác nhân khích lệ tích cực, tác nhân khích lệ tiêu cực. và trừng phạt.

4. Các tập luận bênh vực và phản đối biện pháp trừng phạt: Tại sao quan điểm áp dụng khích lệ đánh bại quan điểm trừng phạt?

5. Tóm tắt và học ôn II/1–4

6. Lịch khen thưởng: ấn định thời gian khen thưởng.

7. Phân biệt và tổng quát hóa trong tiến trình tạo ĐKTĐ.

8. Hành vi mê tín.

9. Uốn nắn.

10. Vấn đề sử dụng phương pháp giảng huấn theo chương trình lập sẵn đóng vai trò giáo sư đứng lớp.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Học tập giống như con người. Thiết lập các mạng lưới thần kinh thông qua máy điện toán.

11. Phân biệt giữa tiến trình ĐKHC và tiến trình tạo ĐKTĐ.

12. Các hạn chế đối với khả năng học hỏi của sinh vật.

13. Tóm tắt và học ôn II/6–13

III. NGHIÊN CỨU TIẾN TRÌNH HỌC HỎI THEO KHẢO HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRÍ TUỆ.

1. Hiện tượng học hỏi quy luật của loài vật

2. Hình thức học hỏi do quan sát: Học hỏi qua mô phỏng.

3. Ý thức tình trạng bất lực: cam chịu những điều không thể chấp nhận.

4. Điểm mâu thuẫn chưa giải quyết được trong lý thuyết học hỏi do hoạt động trí tuệ.

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TLH: Phân tích hành vi và cải biến tác phong cư xử.

5. Tóm tắt và học ôn IV.

IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỜ

V. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI

MỞ ĐẦU

TRƯỜNG HỢP BARD GABRIELSON VÀ BO

Brad Gabrielson, 30 tuổi. Một hôm cách đây vài năm, đang di chuyển trên xe lăn anh bị ngã xuống đất và chiếc xe lăn đè lên người anh. Gabrielson là một cư dân ở thị trấn Jaamestown phía bắc tiểu bang Dakota. Chứng liệt não (cerebral palsy) đã cướp đi khả năng điều khiển cơ bắp của anh. Anh nói: “Nếu chỉ trông cậy vào bản thân, có lẽ tôi phải nằm dưới chiếc xe lăn đến 6 tiếng đồng hồ chờ người vợ chưa cưới về đến nhà. Ngoài con Bo, tôi hoàn toàn không có ai bên cạnh.”

Bo là một người bạn đường tuyệt vời, luôn túc trực bên cạnh anh với cử chỉ trìu mến, tận tâm, kiên nhẫn, và vô vị lợi. Nhưng dù sao Bo cũng chỉ là một chú chó 5 tuổi có bộ lông màu vàng kim, thuộc giống chó săn pha tạp giống chó vùng Newfoundland ở Canada. Không có tay để nâng chủ lên và cũng không biết kêu cứu thành lời, vậy Bo có thể làm gì được trong tình huống khẩn cấp này?

Brad nói: “Bo tiến đến liếm mặt tôi để biết chắc rằng tôi không sao qua cách phản ứng của tôi. Sau đó, nó chạy đi tìm người giúp đỡ.” Và Brad đã không còn lo lắng nữa bởi vì anh biết chắc rằng Bo làm được việc ấy.

Gabrielson không lo âu nữa là đúng, bởi vì Bo đã hành động đúng theo những điều mà nó đã được huấn luyện. Nó rời khỏi căn chung cư, đi qua hành lang đến nhà người láng giềng. Ở đây, nó dùng chân cào cửa và sủa vang lên. Nhưng không may cho nó, bác hàng xóm lại vắng nhà.

Thật may, Bo biết phải làm gì. Sau khi quay lại liếm mặt Brad một chốc để trấn an chủ, Bo chạy lên tầng trên đến căn chung cư của một láng giềng khác. Khi người láng giềng ấy – trước đó chưa từng gặp Bo – ra cửa, Bo cẩn thận lôi tay ông ta xuống lầu. Bác láng giềng nâng Brad lên xe lăn trong khi Bo kiên nhẫn ngồi theo dõi bên cạnh.

Công trạng của Bo trong trường hợp này chỉ là một trong số rất nhiều thành tích gần như thần kỳ của nó. Nhờ được huấn luyện tỉ mỉ, Bo đã giúp cho Brad bớt lệ thuộc vào gia đình và bạn bè, đồng thời tăng thêm ý thức tự lập. Khi chuông cửa reo, Bo có thể ra đáp lại. Lúc Brad đánh rơi vật dụng, Bo lập tức nhặt lên. Nếu Brad khát nước, Bo có thể đem nước đến cho anh.

Dĩ nhiên, các năng lực kỳ diệu của Bo không phải ngẫu nhiên mà có. Chúng thành tựu qua một quá trình huấn luyện cẩn thận. Thế nhưng, đối với Brad thành tựu học tập của Bo dù đến mức nào cũng không quan trọng bằng những đổi thay đã xảy ra cho cuộc sống của anh. Sự hiện diện của Bo đã giúp cho Brad có cuộc sống khá tự lập. Đó là một món quà quý giá nhất đối với những người khuyết tật.

TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ

Các tiến trình được các nhà huấn luyện sử dụng để rèn luyện và uốn nắn thành các khả năng của Bo nhằm giúp ích cho Brad Gabrielson cũng được vận dụng trong đời sống của mỗi người chúng ta, như trường hợp chúng ta đọc một cuốn sách, lái chiếc ô tô, chơi bài, học thi, hoặc thực hiện bất kỳ loại hoạt động nào khác trong cuộc sống thường ngày. Giống như Bo, chúng ta phải tiếp thu rồi rèn luyện các kỷ xảo và năng lực thông qua tiến trình học hỏi.

Là một chủ đề căn bản đối với các nhà tâm lý, học hỏi làm nền tảng cho nhiều địa hạt khác nhau thuộc bộ môn tâm lý học được đề cập đến trong suốt cuốn sách này. Thí dụ, nhà tâm lý chuyên nghiên cứu về vấn đề nhận thức sẽ nêu ra câu hỏi: “Làm thế nào biết được một người vì đứng cách xa nên trông có vẻ nhỏ bé chứ không phải là người tí hon?”. Nhà tâm lý phát triển có thể tìm hiểu: “Trẻ sơ sinh học cách nào để phân biệt được mẹ chúng với người khác?”. Nhà tâm lý phục vụ trong lãnh vực sức khỏe tâm thần có thể thắc mắc: “Tạo sao một số người mắc chứng sợ hãi khi nhìn thấy một con nhện?”. Nhà tâm lý xã hội có thể nêu câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta biết được mình đang yêu?”. Mỗi câu hỏi như thế, dù xuất phát từ các lĩnh vực tâm lý rất khác biệt nhau, đều có thể giải đáp được nhờ tham khảo các tiến trình học hỏi (leaming processes). Trên thực tế, học hỏi đóng vai trò then chốt trong hầu hết mọi chủ đề quan tâm của các nhà tâm lý.

Chúng ta ám chỉ điều gì khi đề cập đến vấn đề học hỏi? Mặc dù các nhà tâm lý đã nhận diện ra được nhiều dạng học hỏi khác nhau, nhưng một định nghĩa bao quát được tất cả các dạng ấy là: Học hỏi (leaming) là sự biến đổi tác phong cư xử hầu như vĩnh viễn nhờ kinh nghiệm từng trải. Định nghĩa này có điểm quan trọng đặc biệt là nó cho phép chúng ta phân biệt được giữa những thay đổi về thành tích do sự trưởng thành (maturation, sự biểu lộ các khuôn mẫu hành vi tiền định về mặt sinh lý cơ thể chỉ nhờ vào quá trình sống lâu) với những thay đổi phát sinh do kinh nghiệm từng trải. Thí dụ, trẻ con có thể trở thành đấu thủ quần vợt khá hơn khi chúng lớn lên. phần nào do sức mạnh của chúng tăng lên theo tầm vóc cơ thể của chúng – hiện tượng trưởng thành. Các biến đổi do trưởng thành như thế phải được phân biệt với những tiến bộ nhờ học hỏi, là thành quả của quá trình rèn luyện.

Tương tự, chúng ta cũng phải phân biệt giữa các biến chuyển hành vi ứng xử ngắn hạn gây ra do các nhân tố khác với học tập, như thành tích sa sút do nhọc mệt hay thiếu cố gắng chẳng hạn, với những biến đồi thành tích thực sự do tiến trình học hỏi gây ra. Thí dụ, nếu Jennifer Capriati tỏ ra sút kém trong một trận đấu quần vợt ấy là cô bị căng thắng hay nhọc mệt, chứ không có nghĩa là cô đã không tập luyện thành thạo hoặc cô đã quên đi kỹ năng của mình.

Sự phân biệt giữa học hỏi và thành tích có tầm quan trọng quyết định, và không luôn luôn dễ dàng thực hiện. Đối với một số nhà tâm lý, học hỏi chỉ có thể suy đoán ra được một cách gián tiếp nhờ quan sát các biến chuyển thành tích. Bởi vì không luôn luôn có tinh trạng tương ứng từng đôi một giữa học hỏi và thành tích, nên việc tìm hiểu khi nào tiến trình học hỏi đích thực xảy ra quả là rất khó khăn. (Những người có thành tích thi cử kém vì nhọc mệt đã phạm các sai lầm do bất cẩn sẽ hiểu cách phân biệt này rất rõ. Như vậy, thành tích tồi không nhất thiết là dấu hiệu học hỏi kém.

Ngược lại, một số nhà tâm lý tiếp cận vấn đề học hỏi theo một con đường khác hẳn. Xem học hỏi đơn thuần chỉ là bất kỳ một thay đổi nào trong tác phong hay hành vi, nên họ cho rằng học hỏi và thành tích chỉ là một mà thôi. Một khảo hướng như thế thường gạt bỏ các yếu tố tâm trí trong tiến trình học hỏi và chỉ chú ý đến các thành quả quan sát được mà thôi. Như chúng ta sẽ thấy, mức độ am tường có thể đạt tới mà không cần các tiến trình tâm trí phản ảnh một trong các lĩnh vực quan trọng gây bất đồng quan điểm giữa các lý thuyết gia nghiên cứu vấn đề học hỏi theo các khảo hướng khác nhau.

Trong chương này, chúng ta khảo xét các tiến trình học hỏi căn bản nhằm giải đáp một số câu hỏi chủ yếu sau:

– Học hỏi là gì?

– Chúng ta học hỏi theo cách thức nào để thiết lập được các liên kết giữa kích thích và phản ứng?

– Khen thưởng và trừng phạt đóng vai trò gì trong học hỏi?

– Nhận định (cognition) và tư duy (thought) đóng vai trò gì trong tiến trình học hỏi?

– Một số phương pháp thực tiễn nhằm gây biến đổi hành vi ứng xử của chính bản thân chúng ta cũng như của người khác là các phương pháp nào?

I. TẠO ĐIỀU KIỆN HẠN CHẾ

Điều gì xảy ra khi bạn trông thấy bảng hiệu mạ vàng của cửa hàng thực phẩm Mac Donald? Nếu chỉ nhìn sơ qua thôi đã khiến cho bạn chảy nước bọt và tưởng tượng đến những chiếc hamburgers và khoai tây chiến, tức là bạn đang biểu lộ một hình thức học hỏi sơ đẳng gọi là tạo điều kiện hạn chế.

Các tiến trình làm nền tảng cho việc tạo điều kiện hạn chế giải thích được nhiều hiện tượng khác nhau như khóc khi nhìn thấy cô dâu bước trên lối đi ở giáo đường trong ngày cưới, sợ bóng đêm, và yêu chàng trai hay cô gái bên cạnh nhà. Tuy nhiên, muốn tìm hiểu vấn đề tạo điều kiện hạn chế cần phải ngược dòng thời gian trở về hồi đầu thế kỷ này ở Nga.

1. Các điểm căn bản trong tên trình tạo điều kín

Nhà sinh học Nga lvan Pavlov* đã không hề có ý định thực hiện cuộc nghiên cứu về tâm lý. Năm 1904 ông được trao giải thưởng Nobel cho công trình về chức năng tiêu hóa để ghi nhớ công lao đóng góp của ông vào lĩnh vực sinh lý học. Thế nhưng, Pavlov lại được người đời nhớ đến tên tuổi không phải nhờ công cuộc nghiên cứu sinh lý; mà vì các thí nghiệm về các tiến trình học hỏi căn bản – công trình mà ông khởi xướng một cách hoàn toàn tình cờ.

* lvan PetroVich Pavlov (1849 – 1936): Nhà sinh lý học và tâm lý thực nghiệm Nga. Ông được trao giải thưởng Nobel về lãnh vực sinh lý và y học năm 1904. Ở đây, chúng tôi dùng từ “Phản xạ” để dịch thuật ngữ “reflexes”(phản xạ là các cử động đơn giản thực hiện bởi tuỷ sống và không cần đến các tín hiệu vận động chuyển từ não bộ đến), và dùng từ “đáp ứng” để dịch thuật ngữ “response” (thuật ngữ “đáp ứng” chỉ các dạng phản ứng của một sinh vật hay một cơ chế đối với một kích thích cụ thể. (Chú của người dịch)

Pavlov nghiên cứu hiện tượng tiết ra acid trong dạ dày và nước bọt trong miệng loài chó để phản ứng với các số lượng và các loại thực phẩm khác nhau mà chúng ăn vào. Khi tiến hành thí nghiệm này, ông quan sát được một hiện tượng kỳ lạ: Đôi khi dịch vị và nước bọt của chúng cũng tiết ra mặc dù chúng không thực sự ăn vào món gì cả. Chỉ cần thấy bát thức ăn, người thường mang thức ăn đến, hoặc thậm chí cả tiếng bước chân của người ấy cũng khiến lũ chó phản ứng sinh lý ấy. Thiên tài của Pavlov chính là khả năng nhận diện được các ngụ ý trong khám phá căn bản này. Ông nhận thấy lũ chó không những chỉ phản ứng trên cơ sở một nhu cầu sinh lý (cơn đói) mà còn là như hậu quả của một quá trình học hỏi – hoặc như một hiện tượng gọi là tạo điều kiện hạn chế.

Trong tiến trình tạo điều kiện hạn chế (classical conditioning), một sinh vật học cách phản ứng đối với một kích thích trung tính, bởi vì bình thường kích thích ấy không khiến cho sinh vật có phản ứng.

Để minh chứng và phân tích tiến trình tạo điều kiện hạn chế, Pavlov đã tiến hành một loạt thí nghiệm. Trong một thí nghiệm, ông gắn một ống cao su vào tuyến nước bọt của một con chó để đo lường chính xác lượng nước bọt tiết ra. Kế đó, ông rung chuông điện trong một vài giây rồi cho con chó một đĩa thịt. Cặp động tác này được trù liệu rất cẩn thận để cho việc lặp đi lặp lại thí nghiệm luôn giữ đúng khoảng cách thời gian giữa sự xuất hiện âm thanh và đĩa thịt. Thoạt đầu, chú chó chỉ chảy nước bọt khi thấy thịt, nhưng chẳng bao lâu sau nó bắt đầu chảy nước bọt khi nghe tiếng chuông. Thực ra, cả khi Pavlov ngưng đưa thịt đến chú chó vẫn chảy nước bọt khi nghe tiếng chuồng.

Như bạn thấy ở Hình 5–1, các tiến trình tạo điều kiện hạn chế làm nền tảng cho khám phá của Pavlov không phức tạp, dù thuật ngữ do ông chọn đặt tên có vẻ rất kỹ thuật. Trước tiên, hãy xem xét sơ đồ ở Hình 5–1 (a). Trước khi hiện tượng tạo điều kiện hạn chế xảy ra, chúng ta có hai kích thích không liên hệ gì với nhau: tiếng chuông điện và đĩa thịt. Chúng ta biết rằng tiếng chuông điện không làm cho chú chó chảy nước bọt, mà làm cho nó có một số phản ứng không phù hợp với thí nghiệm, như đôi tai dựng đứng lên hoặc có lẽ phản ứng giật mình chẳng hạn. Do đó trong trường hợp này tiếng chuông được gọi là kích thích trung tính (neutral stimulas) bởi vì nó chẳng có hiệu quả gây ra phản ứng mong muốn. Chúng ta cũng biết rằng thịt khiến cho chú chó vì bản chất sinh lý là loài động vật ăn thịt sẽ tự nhiên chảy nước bọt – là phản ứng mong muốn của chúng ta trong thí nghiệm tạo điều kiện. Thịt được xem là kích thích không điều kiện (unconditioned stimulus), vì thịt khiến cho chó tự nhiên chảy nước bọt. Phản ứng do thịt gây ra được gọi là phản ứng không điều kiện (unconditioned response) – một phản ứng không liên can gì đến quá trình học hỏi trước đây. Các phản ứng KĐK là các phản ứng tự nhiên. Xảy ra do bẩm sinh, không cần học hỏi mới có được. Chúng luôn luôn phát sinh khi tiếp xúc với các kích thích KĐK.

Hình 5–1 (b) minh họa sự việc xảy ra trong tiến trình tạo điều kiện. Người ta lặp đi lặp lại nhiều lần việc cho chuông điện reo ngay trước khi đưa thịt cho chú chó. Mục đích của việc tạo điều kiện nhằm khiến cho tiếng chuông trở nên có liên hệ với kích thích KĐK (thịt) và do đó gây ra phản ứng tương tự như kích thích KĐK. Trong giai đoạn này, lượng nước bọt tiết ra dần dần tăng lên mỗi khi chuông điện reo, cho đến khi chỉ nghe tiếng chuông thôi chú chó cũng chảy nước bọt.

Khi tiến trình tạo điều kiện đã hoàn tất, thì từ một kích thích trung tính giờ đây tiếng chuông điện đã trở thành loại kích thích được gọi là kích thích có điều kiện (conditioned stimulus). Vào lúc này, hiện tượng chảy nước bọt xảy ra như một phản ứng đối với kích thích CĐK (tiếng chuông) được xem là phản ứng có điều kiện (conditioned response). Tình trạng này được minh họa trong Hình 5–1 (c). Như vậy, sau tiến trình tạo điều kiện, kích thích CĐK gây ra phản ứng CĐK.

Hình 5–1: Tiến trình tạo điều kiện hạn chế căn bản (a) Trước khi tiến trình tạo điều kiện xảy ra, tiếng chuông không khiến cho các chú chó chảy nước bọt nên được xem là kích thích trung tính. Ngược lại, thịt khiến cho chú chó tự nhiên chảy nước bọt nên được gọi là kích thích KĐK, còn hiện tượng chảy nước bọt gọi là phản ứng KĐK. (b) Trong tiến trình tạo điều kiện, tiếng chuông điện reo lên ngay trước khi đưa thịt cho chú chó. (c) Sau cùng, chỉ cần nghe tiếng chuông là chú chó chảy nước bọt. Giờ đây chúng ta có thể nói rằng tiến trình tạo điều kiện đã hoàn tất: kích thích trung tính trước đây (tiếng chuông) bây giờ được xem alf kích thích có điều kiện gây ra hiện tượng tiết nước bọt gọi là phản ứng có điều kiện.

Diễn biến và giờ giấc xuất hiện kích thích KĐK và bản thân các loại kích thích CĐK đều có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình tạo ra điều kiện hạn chế. Giống như trường hợp đường sắt hoạt động không ăn khớp, đèn báo hiệu trên giao lộ chỉ sáng sau khi con tàu đã đi qua, kích thích trung tính theo sau kích thích KĐK sẽ ít có cơ hội trở thành kích thích CĐK. Ngược lại, giống như trường hợp đèn báo hoạt động hữu hiệu nhất nếu như nó rực sáng ngay trước khi tàu hỏa chạy qua, kích thích trung tính xuất hiện ngay trước khi xuất hiện kích thích KĐK mới dễ thành công nhất trong tiến trình tạo điều kiện. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng tiến trình tạo điều kiện sẽ đạt đến mức hữu hiệu nhất nếu như kích thích CĐK xuất hiện trước kích thích KĐK từ nửa giây đến vài giây đồng hồ, tùy theo loại phản ứng được tạo điều kiện.

Thoạt nghe, thuật ngữ do Pavlov chọn dùng để miêu tả tiến trình tạo điều kiện hạn chế có vẻ mơ hồ, nhưng các quy tắc chỉ đạo sau đây giúp cho các mối quan hệ giữa các loại kích thích và phản ứng dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn:

– Kích thích KĐG dẫn đến phản ứng KĐK.

– Các cặp kích thích KĐK – phản ứng KĐK không cần phải học hỏi cũng như huấn luyện.

– Trong tiến trình tạo điều kiện, kích thích trung tính trước đây sẽ được chuyển hóa thành kích thích CĐK.

– Kích thích CĐK dẫn đến các phản ứng CĐK, và các cặp kích thích CĐK – phản ứng CĐK là thành quả của quá trình học hỏi và huấn luyện.

– Các phản ứng KĐK tương đồng với phản ứng CĐK (như hiện tượng hết nước bọt trong thí dụ miêu tả trên đây), nhưng phản ứng CĐK do học hỏi mà có, còn phản ứng kđk phát sinh tự nhiên.

2. Ứng dụng các nguyên tắc tạo điều kiện để giải thích tác phong cư xử của con người

Khởi đầu các thí nghiệm tạo điều kiện hạn chế được thực hiện với loài vật, nhưng chẳng bao lâu sau đó người ta phát hiện rằng các nguyên tắc làm nền tảng cho công trình nghiên cứu ban đầu ấy giải thích được nhiều khía cạnh trong hành vi ứng xử thường ngày của con người. Chẳng hạn, hãy nhớ lại thí dụ nêu ra trên đây về trường hợp người ta có thể chảy nước bọt khi thoáng nhìn thấy bảng hiệu của cửa hàng Mc Donald. Nguyên nhân gây ra phản ứng này là tiến trình tạo điều kiện hạn chế: bảng hiệu trung tính trước đây nay đã trở nên gắn liền với thực phẩm bên trong cửa hàng (kích thích KĐK), khiến cho bảng hiệu trở thành kích thích CĐK gây ra phản ứng CĐK là hiện tượng chảy nước bọt.

Các phản ứng thuộc phạm vi xúc cảm (emotional responses) đặc biệt dễ học hỏi được qua các tiến trình tạo điều kiện hạn chế. Thí dụ, nếu suy nghĩ cặn kẽ ắt chúng ta sẽ thắc mắc tự hỏi làm thế nào một số người lại sợ loài chuột, loài nhện, và các loài động vật khác trong khi về mặt bản chất những con vật ấy dường như không hung dữ bằng hoặc không có khả năng gây tổn thương cho chúng ta bằng một con vật nuôi như chó hay mèo chẳng hạn. Trong một thí nghiệm nổi tiếng hiện nay nhằm chứng minh rằng tiến trình tạo điều kiện hạn chế là nguyên nhân gây ra cơn sợ hãi đó: một cậu bé 11 tháng tuổi tên là Albert ban đầu không biết sợ chuột đã giật mình vì tiếng động thật to cùng một lúc với sự xuất hiện của con chuột. Tiếng động (kích thích KĐK) gây ra cơn sợ hãi (phản ứng KĐK). Chỉ sau vài lần xuất hiện cặp đôi gồm tiếng động và chuột, Albert bắt đầu tỏ ra sợ cả chuột. Như vậy, con chuột đã biến thành kích thích CĐK gây ra phản ứng CĐK là cơn sợ hãi. Tương tự, sự xuất hiện cặp đôi gồm một loài vật nào đó (như chuột hoặc nhện) cùng với lời đe dọa gây sợ hãi của người lớn có thể khiến cho trẻ hình thành các cơn sợ hãi mà cha mẹ chúng mong muốn.

Trong độ tuổi thành niên, sự học hỏi thông qua tiến trình đào tạo điều kiện hạn chế xảy ra tế nhị hơn nhiều. Chẳng hạn, dần dà bạn biết được rằng tâm trạng của một vị giáo sư sẽ đặc biệt đe dọa khi giọng nói của vị ấy đổi khác đi, bởi vì trong quá khứ có lẽ bạn đã chứng kiến nhiều lần vị giáo sư ấy chỉ dùng giọng nói ấy khi sắp sửa phê phán việc làm của ai đó. Tương tự, bạn ít khi đến nha sĩ hơn so với mức cần thiết có lẽ do vì trước đây tâm trí bạn đã hình thành một liên kết giữa nha sĩ và cơn đau đớn. Hoặc giả, bạn đặc biệt ưa thích màu xanh dương có lẽ vì trước đây nó là màu trang trí phòng ngủ của bạn trong thời thơ ấu. Như vậy, tiến trình do điều kiện hạn chế giải thích được nhiều phản ứng của chúng ta đối với các kích thích trong thế giới chung quanh.

3. Hiện tượng giải trừ: Quên đi những điều bạn đã học hỏi được

Bạn còn nhớ rằng bạn rất ghét món bông cải broccoli. Chỉ cần nhìn nó là bạn cảm thấy buồn nôn rồi. Thế nhưng, cha mẹ của người bạn trai mới của bạn lại có vẻ ưa thích nó, cứ mỗi khi bạn đến nhà dùng cơm là họ dọn món này ra. Để tỏ ra lịch sự bạn thấy nên ăn một ít. Mấy lần đầu việc làm này quả thực là đau khổ cho bạn; bạn cảm thấy ngượng ngùng vì muốn nôn ra tại bàn ăn, nhưng bạn cố kiềm hãm để nuốt món broccoli chết tiệt ấy xuống, sau vài tuần sự việc trở nên dễ dàng hơn. Rồi sau một hai tháng, bạn ngạc nhiên thấy rằng bạn không còn cảm thấy buồn nôn khi ăn món broccoli ấy nữa.

Hành vi của bạn có thể lý giải được nhờ một hiện tượng căn bản là giải trừ. Hiện tượng giả trừ (extinction) xảy ra khi một phản ứng CĐK trước đây bớt tái diễn và sau cùng biến mất. Muốn tạo ra hiện tượng giải trừ, người ta cần kết thúc mối liên kết giữa các kích thích CĐK và KĐK. Nếu trước đây chúng ta đã huấn luyện một chú chó tiết ra nước bọt bằng tiếng chuông, chúng ta có thể giải trừ bằng cách ngưng đưa thịt sau khi rung chuông. Thoạt đầu chú chó sẽ tiếp tục chảy nước bọt khi nghe tiếng chuông, nhưng sau vài lần lượng nước bọt tiết ra sẽ giảm đi, và sau cùng chú chó sẽ ngưng phản ứng với tiếng chuông. Vào thời điểm đó, chúng ta có thể nói rằng phản ứng CĐK đã bị giải trừ. Tóm lại, hiện tượng giải trừ xảy ra khi kích thích CĐK được lặp lại nhiều lần không kèm theo kích thích KĐK.

Như sẽ miêu tả đầy đủ hơn ở Chương 13, các nhà tâm lý đã chữa trị các bệnh nhân mắc phải các chứng sợ hãi vô cớ hoặc bị các ám ảnh sợ hãi (phobias) bằng một dạng liệu pháp gọi là giải trừ cảm thụ có hệ thống. Mục đích của kỹ thuật giải trừ cảm thụ có hệ thống (Systematic desensitization) là tạo ra hiện tượng giải trừ đối với ám ảnh sợ hãi. Thí dụ, thầy thuốc cho bệnh nhân tiếp xúc nhiều lần với vật hay tình huống gây sợ hãi, ban đầu tiếp cận ở mức ít nhất với các khía cạnh của vật gây sợ, rồi dần dà tiếp xúc nhiều hơn và ngày càng gần hơn nữa. Khi các hậu quả sợ hãi do việc tiếp cận với vật hay tình huống gây sợ biến mất đi, thì các ám ảnh sợ hãi đã bị trừ hẳn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.