Tâm lý học căn bản
Chương 6 – Phần 2
c) Động tác diễn tập để ghi nhớ. Việc chuyển ghi thông tin từ kho ký ức ngắn hạn vào kho ký ức lâu dài tiến hành phần lớn trên cơ sở động tác diễn tập để ghi nhớ (rehearsal), là hành vi nhắc lại thông tin đã được lưu trữ trong ký ức ngắn hạn. Hành vi này đòi hỏi hai điều kiện. Trước hết, cho đến khi được nhắc lại thông tin ấy vẫn còn được lưu giữ trong ký ức ngắn hạn. Nhưng quan trọng hơn là, động tác diễn tập này phải tạo điều kiện cho thông tin ấy được chuyển ghi vào ký ức lâu dài.
Vấn đề liệu việc chuyển ghi thông tin từ ký ức ngắn hạn vào ký ức lâu dài có thực hiện được hay không dường như tùy thuộc rất nhiều vào cách thức nhắc lại thông tin ấy. Nếu như thông tin chỉ đơn thuần được nhắc đi nhắc lại nhiều lần – giống trường hợp chúng ta vừa lẩm bẩm số điện thoại vừa chạy bổ từ cuốn niên giám điện thoại sang máy điện thoại – thì thông tin ấy được giữ hiện hành trong ký ức ngắn hạn vào lúc ấy, nhưng nó sẽ không nhất thiết được chuyển vào bộ nhớ lâu dài. Mà ngay khi chúng ta gọi điện xong, loạt số điện thoại ấy rất có thể đã bị thế chỗ bằng thông tin khác và hoàn toàn bi quên đi.
Ngược lại, nếu như thông tin trong ký ức ngắn hạn được nhắc lại theo một tiến trình gọi là diễn tập tỉ mỉ để ghi nhớ, thì thông tin ấy sẽ có khá nhiều khả năng được chuyển ghi vào ký ức lâu dài. Tiến trình diễn tập tỉ mỉ để ghi nhớ (elaborative rehearsal) diễn ra khi thông tin được tìm hiểu và sắp xếp theo một cách thức nào đó. Việc sắp xếp này có thể bao gồm việc triển khai nội dung thông tin nhằm khiến cho nó phù hợp với một cơ cấu luận lý, liên kết nó với một ký ức khác, chuyển hóa nó thành một hình ảnh, hoặc cải biến nó theo một phương thức nào khác. Thí dụ, nhiều mặt hàng rau quả sẽ phải mua ở một cửa hàng có thể được đan bện với nhau trong ký ức dưới dạng gồm các loại rau sẽ được dùng để chuẩn bị món salad chế biến công phu; các mặt hàng ấy cũng có thể được liên kết với các món đã được mua sắm trong một lần đi siêu thị trước đây; hoặc giả chúng có thể được hình dung dưới dạng một hình ảnh về một nông trại có những luống trồng từng loại rau quả ấy chẳng hạn.
Nhờ vận dụng các phương pháp khôn khéo gọi là các kỹ thuật tàng hình (mnemonics), chúng ta có thể cải thiện khá nhiều khả năng lưu giữ thông tin của mình. Tượng hình là kỹ thuật hợp lệ nhằm sắp xếp nội dung thông tin theo một phương thức khiến cho thông tin ấy có nhiều khả năng được ghi nhớ hơn. Thí dụ, khi một nhạc sinh mới bắt đầu học nhạc ghi nhớ số khoảng trống trên một khuông nó theo cách đánh vần từ ngữ “FACE”, hoặc khi chúng ta học thuộc giai điệu: “Chín, tư, sáu, và mười một có 30 ngày; các tháng còn lại có…”, chúng ta đang dùng kỹ thuật tượng hình để ghi nhớ.
d) Ký ức lâu dài: kho tàng tối hậu. Thông tin tìm đường từ ký ức ngắn hạn đến ký ức lâu dài sẽ nhập vào một kho tàng có sức chứa gần như vô giới hạn. Giống như trường hợp một quyển sách mới mua cho vào một thư viện, thông tin đưa vào ký ức lâu dài sẽ được lưu trữ và phân loại đế có thể được truy xuất khi cần đến.
Khác với ký ức ngắn hạn, chứng cứ về sự hiện hữu của ký ức lâu dài xuất phát từ nhiều trường hợp. Thí dụ, những người bị một vài dạng tổn thương ở bộ não, như trường hợp Pamllia Smith (ở đoạn mở đầu chương này) chẳng hạn, không duy trì được trí nhớ đời với các thông tin mới tiếp nhận, sau khi bị tổn thương, dù ký ức về những con người và sự việc ghi nhớ trước khi bị bệnh vẫn còn nguyên vẹn. Bởi vì ký ức ngắn hạn sau khi bị tổn thương dường như vẫn còn hoạt động được – vẫn có thể nhớ lại được các thông tin mới trong khoảng thời gian rất ngắn – và bởi vì các thông tin tiếp nhận được trước khi bị tổn thương cũng còn nhớ lại được, nên chúng ta có thể suy luận có hai loại ký ức khác biệt nhau, một để ghi nhớ ngắn hạn và một để ghi nhớ lâu dài.
Chứng cứ do các cuộc thí nghiệm đem lại cũng phù hợp với quan điểm về hai loại ký ức riêng biệt ngắn hạn và lâu dài. Thí dụ, trong một loạt khảo cứu các đối tượng thí nghiệm được yêu cầu nhớ lại một khối lượng thông tin tương đối ít (như một nhóm gồm 3 mẫu tự chẳng hạn) – nhưng khi ấy để ngăn chặn thói quen lặp lại các thông tin ban đầu, các đối tượng bị buộc phải lặp lại to tiếng một nội dung không dính dấp gì đến thí nghiệm, như đọc ngược lại cách từng 3 mẫu tự chẳng hạn. Bằng cách thay đổi thời gian cách quãng giữa lần đầu tiếp nhận thông tin với lần nhớ lại, các nhà khảo cứu nhận thấy việc nhớ lại diễn ra rất thuận lợi trong trường hợp quãng cách ấy khá ngắn ngủi, nhưng sau đó khả năng nhớ lại giảm đi nhanh chóng. Sau 15 giây đã trôi qua, khả năng nhớ lại chỉ đạt được vào khoảng 10% khối lượng thông tin tiếp nhận ban đầu.
Hiển nhiên, hiện tượng xao nhãng do hành vi đọc ngược đã ngăn chặn hầu như toàn bộ các thông tin ban đầu vào được ký ức lâu dài. Lúc đầu, việc nhớ lại diễn ra thuận lợi bởi vi thông tin xuất ra từ ký ức ngắn hạn, nhưng sau đó chúng nhanh chóng bị mất đi. Cuối cùng, tất cả những gì còn có thể nhớ lại được chính là một số ít thông tin tìm đường tiến vào kho ký ức lâu dài bất chấp hiện tượng xao nhãng do các lần cố tình đọc ngược nói trên.
e) Ký ức tình tiết và ký ức ý nghĩa. Thực tế có hai lại ký ức lưu giữ trong kho ký ức lâu dài là ký ức tình tiết và ký ức ý nghĩa. Ký ức tình tiết (episodic memories) liên hệ đến cuộc sống riêng tư của chúng ta, gợi nhớ lại những việc chúng ta đã làm và những kinh nghiệm chúng ta đã từng trải. Khi nhớ lại cuốc hẹn hò lần đầu, lúc bị ngã xe đạp, hoặc cảm tưởng vào lúc nhận bằng tốt nghiệp trung học, là bạn đang gợi lại ký ức tình tiết. Như vậy, các thông tin thuộc ký ức tình tiết gắn liền với các thời điểm và địa điểm cụ thể. Ngược lại, ký ức ý nghĩa (semantic memories) bao gồm kiến thức cũng như các sự việc được hệ thống hóa về thế giới chung quanh; nhờ loạt ký ức này chúng ta biết được 2 x 2 = 4, quả đất hình cầu, và những từ ngữ sai chính tả.
Ký ức tình tiết có thể rành mạch lạ thường. Thí dụ, hãy xem xét nội dung câu trả lời của chính bạn khi bạn được yêu cầu xác nhận những việc do chính bạn đã làm vào một ngày nào đó trước đây hai năm. Phải chăng đây là một việc làm không tài nào thực hiện nổi? Bạn có thể suy nghĩ khác đi khi bạn đọc đoạn đối thoại giữa nhà nghiên cứu với một đối tượng được phỏng vấn trong một thí nghiệm ký ức về những việc mà đối tượng ấy đã làm “vào ngày thứ hai thuộc tuần lễ thứ ba trong tháng 9 trước đây hai năm”.
Đối tượng: Xem nào. Tôi phải nói sao đây?
Nhà thí nghiệm: Dù sao, hãy cứ thử xem.
Đối tượng. Được. Để xem. Hai năm trước đây… Tôi đang học trung học ở Pittsburgh… Năm ấy tôi học lớp 12. Tuần lễ thứ ba trong tháng 9 – vừa mới hết hè – thuộc học kỳ mùa thu… Để xem. Tôi nhớ rằng mình có giờ thí nghiệm hóa học vào những ngày thứ hai. Tôi không biết. Có lẽ hôm ấy tôi đang dự giờ thí nghiệm hóa học. Chờ đã – có lẽ hôm ấy rơi vào tuần lễ thứ hai trong học kỳ. Tôi còn nhớ thầy hướng dẫn bắt đầu giới thiệu bảng tuần hoàn nguyên tố – một sơ đồ vừa kỳ lạ vừa to lớn. Tôi đã nghĩ rằng ông ấy có điên mới ép chúng tôi ghi nhớ thứ đó. Tôi cho rằng tôi còn nhớ mình ngồi ở…
Như vậy, ký ức tình tiết có thể cung cấp các thông tin ghi lại các biến cố đã xảy ra khá xa trong quá khứ. Nhưng ký ức ý nghĩa cũng nổi bật không kém: nhờ gợi lại ký ức này, tất cả chúng ta đều có thể nhớ lại hàng ngàn sự việc đã bị chôn vùi đi từ ngày sinh của chúng ta cho đến loại kiến thức như 1 đô la có giá trị kém hơn 5 đô la chẳng hạn. Cả những mảnh vụn thông tin lẫn các quy tắc luận lý dùng để suy ra những sự việc khác đều được lưu trữ trong ký ức ý nghĩa.
Sử dụng các mô hình kết hợp (associative models) về ký ức, nhiều nhà tâm lý cho rằng ký ức ý nghĩa bao gồm các mối liên kết giữa các biểu tượng trong tâm trí về nhiều chi tiết thông tin khác nhau. Chẳng hạn, hãy xem xét Hình 6 – 6 về một số tương quan trong ký ức liên hệ đến “loài động vật”.
Hình 6–6: Các mô hình kết hợp cho thấy ký ức ý nghĩa bao gồm các mối tương quan giữa các chi tiết thông tin, như các chi tiết liên hệ đến khái niệm “loài động vật” trình bày trong hình vẽ này chẳng hạn
Những người đề xướng các mô hình kết hợp về ký ức ý nghĩa nhấn mạnh rằng khi chúng ta hình dung một khái niệm đặc biệt nào đó thì các khái niệm liên hệ đến nó sẽ được khởi động và được nhớ lại dễ dàng hơn. Thí dụ, khái niệm “chim cổ đỏ” sẽ khởi động các khái niệm liên hệ như “ăn côn trùng” và “ức màu đỏ” chẳng hạn. Do đó, khi chúng ta cố nhớ lại một chi tiết thông tin đặc biệt nào đó, thì việc khởi động các khái niệm liên hệ có thể giúp chúng ta dễ dàng nhớ lại chi tiết ấy hơn.
Trong các trường hợp như vậy, nếu không có các thông tin liên hệ ấy tác động gợi ý có lẽ chúng ta không tài nào nhớ lại được chi tiết thông tin cần thiết. Trong kỹ thuật tác động trí nhớ (priming), việc xuất trình trước một số thông tin sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhớ lại các khái niệm liên hệ đến các thông tin ấy, ngay cả trong trường hợp chúng ta chưa từng chủ ý tiếp nhận các thông tin ban đầu ấy.
Thí nghiệm tiêu biểu nhằm minh chứng kỹ thuật tác động trí nhớ góp phần làm sáng tỏ hiện tượng này. Trong thí nghiệm, đối tượng trước tiên được cho tiếp xúc với một kích thích nhất định. Kích thích ấy có thể là một từ ngữ đặc biệt, một sự vật, hoặc một bức chân dung. Giai đoạn hai của thí nghiệm tiến hành sau đó một thời gian, từ vài giây đến vài tháng sau. Đến lúc đó, người ta xuất trình cho đối tượng các thông tin tuy thiếu sót nhưng liên hệ đến kích thích lúc đầu và yêu cầu đối tượng trả lời liệu có nhận ra được thông tin ấy không. Thí dụ, thông tin thiếu sót ấy có thể là mẫu tự đầu của từ ngữ đã xuất trình trước đây, hoặc một phần khuôn mặt trong bức chân dung trước kia.
Nếu đối tượng có thể nhận ra được kích thích lúc đầu dễ dàng hơn so với trường hợp trước đây không xuất trình kích thích ấy, người ta nói rằng hiện tượng tác động trí nhớ đã xảy ra. Điều thú vị về hiện tượng này là nó vẫn xảy ra ngay trong trường hợp đối tượng báo cáo chưa hề suy nghĩ rằng mình đã từng thấy qua kích thích ấy trước đây.
Khám phá rằng con người có ghi nhớ về các sự vật mà họ không từng chủ ý tiếp nhận là một khám phá quan trọng. Nó dẫn đến giả thiết về một dạng ký ức, được mệnh danh là “ký ức mặc nhiên”, có thể hiện hữu song hành với ký ức minh thị. Chúng ta sẽ thảo luận đến khả năng này trong đoạn Trích Dẫn Thời Sự dưới đây.
f) Vấn đề lưu trữ thông tin trong kí ức lâu dài. Các thông tin tình tiết và thông tin ý nghĩa được lưu trữ trong kho ký ức lâu dài theo một vài phương thức. Một phương thức chủ yếu là lập mã ngôn ngữ (linguistic code) hoàn toàn nhờ vào ngôn ngữ. Mã ngôn ngữ cho phép chúng ta ghi nhớ thông tin một cách trừu tượng, không cần phải nhờ đến một hình ảnh cụ thể nào cả. Thí dụ, chúng ta có thể nhớ lại ai đó đã nói về loài cù lần (sloth) trong lúc thảo luận về động vật, mặc dù chúng ta không thể tưởng tượng ra hình dạng đặc biệt của loài động vật này.
Ngược lại, lập mã tượng hình (imaginal code) là phương thức ghi nhớ căn cứ các hình ảnh trông thấy được. Nếu ai đó yêu cầu bạn miêu tả con đường bạn phải đi từ lớp học môn tâm lý này về đến nhà hay ký túc xá của bạn, bạn sẽ phải nhớ lại các hình ảnh mà bạn đã quan sát trước đây khi đi qua con đường ấy.
Cách lập mã thứ ba để ghi nhớ lâu dài là lập mã vận động (motor code), là phương thức ghi nhớ dựa vào các ký ức về hoạt động của cơ thể. Khả năng đi xe đạp của bạn chủ yếu căn cứ vào các ký ức vận động; có lẽ bạn sẽ khó lòng nhớ lại bằng ngôn ngữ để diễn tả rằng bạn phải hành động cách nào để làm được việc này. Các mã vận động được ghi nhớ đặc biệt bền vững. Thậm chí sau nhiều năm không đi xe đạp, bạn vẫn không gặp khó khăn gì khi có dịp sử dụng lại chiếc xe đạp.
2. Các mức xử lý thông tin sâu nông khác nhau
Đến đây, chúng ta đã vận dụng quan điểm cho rằng việc xử lý thông tin trong ký ức tiến hành theo 3 giai đoạn liên tiếp nhau, khởi đầu bằng ký ức cảm giác, tiến đến ký ức ngắn hạn, và sau cùng kết thúc ở ký ức lâu dài. Thế nhưng, không phải tất cả các nhà tâm lý chuyên về lãnh vực ký ức đều tán thành quan điểm này. Một số nhà tâm lý chủ trương rằng dù cho thông tin được ghi nhớ khả quan đến mức nào cũng chỉ được xử lý theo một tiến trình duy nhất mà thôi. Theo quan điểm này, muốn được ghi nhớ trước hết thông tin phải được nhận thức, khảo sát và tìm hiểu.
Lý thuyết nhiều mục xử lý thông tin (levels–of–processing theory) chú trọng đến mức độ phân tích tiến trình diện tâm trí đối với thông tin mới nhận được. Ngược lại quan điểm ba loại ký ức cảm giác, ngắn hạn, và lâu dài, lý thuyết này cho rằng việc xử lý khối lượng thông tin diễn ra ngay khi tiếp nhận thông tin ban đầu mới là trọng tâm đế quyết định xem các thông tin ấy được ghi nhớ nhiều ít ra sao và hoàn hảo đến mức nào. Theo khảo hướng này, mức xử lý nông sâu trong khi tiếp nhận thông tin – nghĩa là mức độ phân tích và tìm hiểu thông tin – là điều kiện quyết định. Cường độ xử lý ban đầu càng lớn thì mức độ ghi nhớ thông tin càng nhiều.
Bởi vì chúng ta không chú ý nhiều lắm đến thông tin trong lần tiếp nhận ban đầu, nên việc xử lý chỉ diễn ra hời hợt trong tâm trí, và hầu như chúng ta quên chúng đi ngay sau đó. Nhưng khi chúng ta quan tâm nhiều hơn thì thông tin được xử lý toàn diện hơn. Khi ấy thông tin sẽ đi sâu hơn vào ký ức – và khó quên hơn so với thông tin được xử lý ở các mức nông cạn.
Đi xa hơn, lý thuyết này còn cho rằng có các dị biệt đáng kể về phương thức xử lý thông tin ở các mức ký ức nông sâu khác nhau. Ở mức nông cạn, thông tin chỉ được xử lí theo khía cạnh vật lí và cảm giác mà thôi. Thí dụ chúng ta có thể chỉ chú ý đến hình thù của các mẫu tự trong từ “CHÓ” chẳng hạn. Ở mức xử lý trung gian, các hình thù ấy được phiên dịch thành các đơn vị có ý nghĩa – trong trường hợp này, các đơn vị có ý nghĩa là các mẫu tự trong bảng chữ cái. Các mẫu tự này được khảo xét trong bối cảnh phới hợp thành các từ ngữ, và người ta có thể gán cho các mẫu tự ấy cách phát âm trong bối cảnh phát âm cụ thể của một từ ngữ.
Ở mức xử lý sâu xa nhất, thông tin được phân tích theo ý nghĩa của chúng. Thông tin sẽ được khảo xét trong một bối cảnh rộng lớn hơn, và tâm trí sẽ hình thành các liên kết giữa ý nghĩa của thông tin ấy với các hệ thống kiến thức bao quát hơn. Thí dụ, chúng ta có thể suy nghĩ rằng giống chó không đơn thuần là loài động vật có bốn chân và một cái đuôi, mà còn liên tưởng đến mối tương quan giữa chúng với loài mèo và các loài động vật có vú khác: Chúng ta có thể thiết lập một hình ảnh về chú chó thuộc sở hữu của chúng ta, rồi liên hệ hình ảnh đó với cuộc sống riêng tư của chúng ta.
Theo khảo hướng nhiều mức xử lý, cách xử lý ban đầu đối với một thông tin đặc biệt nào đó càng sâu sắc chừng nào thì thông tin ấy sẽ được lưu giữ lâu dài chừng ấy. Như vậy, khảo hướng này cho rằng phương pháp tối ưu để ghi nhớ thông tin mới là tìm hiểu chúng thật toàn diện trong lần đầu tiếp nhận – phản ánh mức độ tương quan giữa thông tin mới tiếp nhận với các thông tin bạn hiện đang sở hữu.
Lý thuyết nhiều mức xử lý xem việc ghi nhớ đòi hỏi các tiến trình tâm trí hoạt động tích cực hơn so với khảo hướng ba giai đoạn ghi nhớ. Tuy nhiên, các công trình khảo cứu hiện hành không hoàn toàn thuận lợi cho khảo hướng nhiều mức xử lý. Thí dụ, trong vài trường hợp thông tin xử lý ở mức nông cạn lại được ghi nhớ hoàn hảo hơn so với các thông tin được xử lý ở mức sâu xa hơn.
Tóm lại, mô hình nhiều mức xử lý cũng như mô hình ba giai đoạn ghi nhớ đều không thể lý giải được tất cả các hiện tượng liên quan đến ký ức. Cho nên, người ta đã đề nghị các mô hình khác nhằm giải thích tiến trình ghi nhớ cụ thể hơn. Thí dụ, nhà tâm lý Nelson Cowan (1988) cho rằng cách hình dung ký ức chính xác nhất xuất phát từ mô hình theo đó ký ức ngắn hạn được xem là một bộ phận thuộc ký ức lâu dài, chứ không phải là một giai đoạn ghi nhớ riêng biệt. Riêng về lãnh vực ký ức hãy còn quá sớm để kết luận rằng mô hình nào mang lại cho chúng ta một biểu thị chính xác nhất cho ký ức.
TRÍCH DẪN THỜI SỰ
KÝ ỨC MẶC NHIÊN LƯU GIỮ MÀ KHÔNG GHI NHỚ
Nếu bạn đã từng trải qua một cuộc phẫu thuật, có lẽ bạn sẽ thắc mắc không biết các bác sĩ và y tá đã nói những gì trong khi họ thọc lưỡi dao mổ sâu vào cơ thể bạn. Dù có lẽ bạn cho rằng không bao giờ biết được câu trả lời hoặc có lẽ chẳng bao giờ bạn thực sự muốn biết – nhưng các chứng cứ mới đây lại cho rằng bạn có thể nhớ lại được nhiều điều hơn bạn nghĩ.
Theo một cuộc khảo cứu của các nhà nghiên cứu ký ức John Kihlstrom, Daniel Schacter, và các đồng sự, các bệnh nhân bị gây mê thực ra vẫn có thể ghi nhớ các thông tin mà họ vô tình tiếp nhận được. Trong cuộc khảo cứu họ cho một nhóm bệnh nhân bị giải phẫu nghe 15 cặp từ ngữ trong lúc bi gây mê ở nhiều ca phẫu thuật khác nhau. Các cặp từ ngữ ấy bao gồm 15 từ ngữ miêu tả kích thích, gọi là các từ gợi ý, và 15 từ ngữ phản ứng, gọi là các từ mục tiêu (các từ mục tiêu là các từ thường được các bệnh nhân trong các ca mổ bình thường dùng đến khi được nghe các từ gợi ý). Các cặp từ ngữ này được phát âm liên tục trong suốt thời gian giải phẫu – trung bình mỗi bệnh nhân phải chịu 50 phút giải phẫu. Các bệnh nhân được nghe một trong hai loạt từ cặp đôi này.
Các bệnh nhân này đã chứng thực có nhớ lại những từ đã nghe nhưng chỉ với mức độ nhất định thôi – mặc dù những cách đánh giá dưới đây không xác nhận được hiện tượng nhớ lại ấy. Khi đơn giản được yêu cầu nhớ lại bất kỳ từ ngữ nào đã nghe được trong ca mổ, các bệnh nhân đều tỏ ra không nhớ được gì cả. Tương tự, khi xuất trình các từ gợi ý trong cả loạt từ ngữ mà họ đã được nghe lẫn loạt từ ngữ mà họ không được nghe trong ca mổ, họ đều phản ứng giống nhau đối với cả hai loạt từ ngữ ấy. Sau cùng, khi xuất trình một số từ ngữ và hỏi xem liệu mỗi từ ngữ có nhắc họ nhớ lại một từ ngữ nào đó đã được nghe trong ca mổ không, họ cũng không phân biệt các từ ngữ đã được nghe với các từ ngữ không được nghe.
Ngược lại, chứng cứ về sự hiện hữu của loại ký ức này phát sinh khi các đối tượng được xuất trình một loạt từ gợi ý rồi được yêu cầu báo cáo từ ngữ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí họ. Không giống như những cách đánh giá ký ức như trên đây, các bệnh nhân nói ra được khá nhiều từ ngữ đã được nghe hơn so với các từ ngữ không được nghe trong ca mổ. Tóm lại, họ quả thực có nhớ lại được phần nào số thông tin đã tiếp nhận trong lúc bị gây mê.
Sự khác biệt giữa kết quả của các cuộc trắc nghiệm ký ức khác nhau là chứng cứ cho thấy sự hiện hữu hai loại ký ức riêng biệt. Ký ức minh thị (explicit memory) liên hệ đến hiện tượng hồi tưởng có chú ý. Ngược lại, ký ức mặc nhiên (implicit memory) liên hệ đến các điều ghi nhớ mà người ta vô tình tiếp nhận được, nhưng loại ký ức này cũng ảnh hưởng đến tác phong cư xử sau này của con người.
Các quan điểm rất trái ngược nhau về cơ sở dị biệt giữa hai dạng ký ức minh thị và mặc nhiên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có hai hệ thống ghi nhớ khác biệt nhau, một để ghi nhớ âm thầm và hệ thống kia để ghi nhớ có chủ ý (thí dụ, Weisknantz, 1989). Ngược lại, các nhà khảo cứu khác lại cho rằng hai hệ thống ghi nhớ ấy chỉ khác biệt nhau do cách xử lý thông tin khác nhau mà thôi (thí dụ, Roediger, Weldon, & Challins, 1989). Theo quan điểm sau, các yêu cầu ghi nhớ khác biệt nhau muốn được hoàn tất mỹ mãn buộc phải tiến hành vài tiến trình xử lý căn bản khác nhau. Từ đó, những dị biệt giữa nhiều kết quả trắc nghiệm ký ức khác nhau đều do sự kiện là các yêu cầu ghi nhớ khsác nhau buộc tâm trí phải vận dụng những cách xử lý thông tin khác biệt nhau.
Vẫn còn quá sớm để nói rằng quan điểm nào sẽ chiếm ưu thế trong lãnh vực nghiên cứu ký ức. Hiện nay hai phái vẫn đang tổ chức các cuộc khảo cứu để bênh vực quan điểm của mình. Trong khi đó, công trình khảo cứu trong một vài địa hạt tâm lý đang minh chứng rằng ký ức mặc nhiên quả thực ảnh hưởng đáng kể đến hành vi ứng xử của con người. Chẳng hạn, các nhà tâm lý xã hội nêu ra câu hỏi chúng ta làm cách nào để ghi nhớ diện mạo của người khác, và ký ức mặc nhiên của chúng ta về người khác sẽ ảnh hưởng ra sao đến cách cư xử của chúng ta đối với họ sau này. Tương tự, các nhà tâm lý chuyên về tiến trình học tập đang nghiên cứu tìm hiểu cách vận hành của ký ức mặc nhiên để ứng dụng vào việc huấn luyện các kỹ năng hữu hiệu hơn. Các công trình khảo cứu này hứa hẹn nhiều thành tựu quan trọng.
3. Tóm tắt và học ôn I
A. TÓM TẮT
– Ký ức là tiến trình nhờ đó chúng ta lập mã thông tin tiếp nhận được, lưu trữ, và truy xuất sau này.
– Ký ức cảm giác (sensory memory) chứa đựng một dấu hiệu tuy tạm thời nhưng chính xác biểu thị cho kích thích vật lý mà con người tiếp nhận được. Mỗi dấu hiệu biểu thị ấy cứ luôn luôn được thay thế bằng một biểu thị khác mới mẻ hơn.
– Ký ức ngắn hạn (short–term memory) có khả năng lưu trữ bảy (cộng thêm học trừ đi hai) mẫu thông tin. Các ghi nhớ lưu lại trong kho ký ức ngắn hạn trong khoảng thời gian kéo dài từ 15 đến 25 giây, và sau đó sẽ được chuyển vào ký ức lâu dài hoặc biến mất đi.
– Ký ức lâu dài (long–term memory) gồm các thông tin tình tiết họặc ý nghĩa. Các thông tin này nhập vào kho ký ức lâu dài nhờ tiến trình diễn tập (rehearsal).
– Ký ức mặc nhiên (implicit memory) liên hệ đến các thông tin con người không chủ ý ghi nhớ, nhưng loại ký ức này lại cải thiện thành tích kỹ năng cũng như biến cải hành vi ứng xử sau này của con người.
– Khác với quan điểm ba giai đoạn ghi nhớ, khảo hướng nhiều mức xử lý cho rằng thông tin được phân tích theo các mức nông sâu khác nhau trong tiến trình ghi nhớ. Thông tin nào được xử lý sâu xa như sẽ được lưu giữ lâu dài nhất.
B. HỌC ÔN:
1/ Tiến tính theo đó thông tin tiếp nhận ban đầu được lưu trữ vào ký ức được gọi là… Còn… là tiến trình nhờ đó các nội dung lưu trữ trong ký ức được đẩy lên tầng ý thức để sử dụng.
2/ Cặp đôi loại ký ức với định nghĩa của nó:
1…… ký ức lâu dài (long – term memory)
2. Ký ức ngắn hạn (short – term memory)
3. Ký ức cảm giác (Sensory memory)
a. Lưu giữ thông tin trong khoảng thời gian chỉ kéo dài từ 15 đến 25 giây đồng hồ.
b. Ghi nhớ lâu dài, nhưng lại khó truy xuất thông tin.
c. Ghi nhớ thông tin ban đầu, nhưng chỉ kéo dài một giây đồng hồ.
3/ Ký ức tượng hình (iconic memory) liên hệ đến các kích thích cảm giác do… tiếp nhận vào, còn ký ức tượng thanh (echoic memory) liên hệ đến các kính thích do… tiếp nhận vào.
4/… là một nhóm kích thích có ý nghĩa có thể cùng được lưu trữ vào ký ức ngắn hạn.
5/ Bạn sắp đi dự một buổi tiệc. Một người bạn gọi điện báo cho bạn biết địa điểm. Trên đường lái xe đến đó, bạn lẩm bẩm địa chỉ ấy nhiều lần để khỏi quên. Hiện tượng này gọi là gì?
6/… là kỹ thuật dùng để tổ chức, sắp xếp thông tin nhằm tăng thêm khả năng ghi nhớ các thông tin ấy.
7/ Ký ức lâu dài dường như được chia ra làm hai bộ phận: ký ức… bao gồm kiến thức và các sự kiện, và ký ức… chứa đựng các kinh nghiệm riêng tư.
8/ Mô hình… về ký ức cho rằng ký ức lâu dài lưu giữ các mối liên kết giữa các mảnh vụn thông tin.
9/ Một đối tượng cộng tác trong một cuộc thí nghiệm tâm lý nghe được từ ngữ “Kem lạnh” ngay sau khi được cho xem một bảng kê gồm nhiều vần (syllables) để ghi nhớ. Một tuần lễ sau, cô ấy tự mình không nhớ là được bất kỳ một vần nào, nhưng khi nhà thí nghiệm nói cho cô từ ngữ “kem lạnh” thì cô nhớ lại được một phần bảng kê ấy. Hiện tượng này được giải thích bằng tác dụng gì?
10/ Cặp đôi hệ thống lưu trữ thông tin vào ký ức với định nghĩa của nó:
1… lập mã vận động (motor code)
2… lập mã tượng hình (imaginal code)
3… lập mã ngôn ngữ (linguistic code)
a. Việc ghi nhớ căn cứ vào ký ức về các hoạt động thân thể.
b. Lưu trữ thông tin không cần nhờ đến một hình ảnh cụ thể
c. Lập mã căn cứ vào các hình ảnh cụ thể
11/ Bạn đọc được một bài báo nói rằng một người càng phân tích một lời phát biểu nhiều chừng nào thì người ấy sẽ càng ghi nhớ được nhiều chừng ấy. Bài báo này đề cập đến lý thuyết nào?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.