Tâm lý học căn bản

Chương 8 – Phần 3



THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TÂM LÝ HỌC

Bạn có thể đạt điểm số khả quan hơn trong các trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa không?

Mặc dù các nhà tâm lý bất đồng quan điểm với nhau về bản chất của trí thông minh, nhưng các trắc nghiệm thông minh – cũng như nhiều loại trắc nghiệm khác – vẫn cứ được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ở học đường hoặc khi đi tìm việc làm, hầu như tất cả chúng ta đều đã từng phải đối phó với các trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa và được chính thức công nhận – những trắc nghiệm đã được lập thành công thức và kiểm chứng qua rất nhiều mẫu tiêu biểu. Và hầu hết chúng ta có lẽ đều cảm thông được nỗi ưu tư của các học sinh đang tham dự các kỳ thi tuyển sinh đại học, phải làm các trắc nghiệm như Trắc nghiệm Khả năng Học tập (SAT) chẳng hạn, những người đang lo âu cho số phận tương lai treo lơ lửng bởi kết quả trắc nghiệm đã thi trong một buổi sáng.

Một hậu quả do tình hình phổ biến các trắc nghiệm trong xã hội chúng ta là sự phát triển rất nhiều dịch vụ dạy thêm nhằm giúp chúng ta có thêm cơ hội nâng được điểm số trắc nghiệm thông qua việc ôn tập các kỹ năng căn bản và rèn luyện các kỹ thuật làm trắc nghiệm. Nhưng thực tế các dịch vụ này có hiệu quả không?

Dù Sở Trắc nghiệm Giáo dục (Educational Testing Service, viết tắt là ETS), cơ quan sáng lập trắc nghiệm SAT, có lúc cho rằng loại dịch vụ dạy thêm này là vô bổ, nhưng hiện nay Sở đã có thái độ tích cực hơn. Trong khi vẫn cho rằng Trắc nghiệm SAT đặt nền tảng trên các năng lực rất căn bản đến mức một học kỳ chỉ kéo dài vài tuần lễ sẽ không đem lại lợi ích gì nhiều, nhưng Sở cũng thừa nhận rằng việc rèn luyện cách làm trắc nghiệm ở các lớp học thêm ấy cũng có đôi chút hiệu quả. Nhưng ETS vẫn tiếp tục cho rằng việc giảng dạy cần thiết để nâng điểm số trung bình lên cao hơn 20 hay 30 điểm buộc phải kéo dài bằng số thời gian cắp sách đến trường.

Hầu hết các cuộc nghiên cứu do các nhà tâm lý thực hiện đều cho thây rằng việc học thêm để dự kỳ thi SAT có kết quả rất ít – thường chỉ tăng thêm tối đa khoảng 15 điểm cho các câu trắc nghiệm viết và toán học. Ngược lại, các nghiên cứu cũng cho thấy việc học thêm đối với các loại trắc nghiệm năng khiếu và thông minh khác có kết quả tăng đáng kể các điểm số trắc nghiệm.

Bởi vì một số dịch vụ dạy thêm quả thực có giúp người ta nâng cao được điểm số trắc nghiệm, nên một ưu tư cực kỳ quan trọng là xác định cho được loại dịch vụ nào đem lại hiệu quả cao nhất. Sau đây là các điểm phải cân nhắc khi quyết định xem liệu việc học thêm có phải là biện pháp hiệu quả đó với bạn trong kỳ thi trắc nghiệm sắp tới hay không? liệu chương trình học thêm ấy có đề cập đến các lãnh vực căn bản mà bài thi trắc nghiệm nhắm đến không, đặc biệt là các điều bạn đã quên đi và cần phải ôn tập; liệu giáo viên có được các mẫu trắc nghiệm mới công bố để bạn có dịp thực tập cách làm trắc nghiệm phù hợp với đề thi sắp tới hay không; và liệu có dữ kiện nào chứng minh loại dịch vụ này trước đây đã giúp người ta nâng cao được điểm số trắc nghiệm hay không. Cuối cùng, bạn phải tự hỏi liệu việc học thêm có xứng đáng để bạn tốn thời gian và tiền của để chỉ gặt hái được đôi chút thành quả trong kỳ thi không – đặc biệt khi bạn thấy rằng thực ra đa số mọi người vẫn có thể đạt được điểm số cao hơn trong lần trắc nghiệm thứ hai dù cho họ có học thêm hay không.

Dù sao, chỉ những cuộc nghiên cứu thật tỉ mỉ mới có thể trả lời nổi những câu hỏi này, và quả là khôn ngoan khi bạn nghi ngờ về các luận cứ bênh vực dịch vụ dạy thêm. Nhân đây, có một số bước bạn có thể tuân theo để tối đa hóa cơ may trong kỳ thi mà không cần nhờ đến việc học thêm. Chẳng hạn, bốn điểm sau đây là lời khuyên đáng quan tâm cho bất kỳ ai phải làm các trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa – cũng như bất kỳ loại trắc nghiệm nào khác:

– Xem trước từng phần trong bài trắc nghiệm. Việc làm này không chỉ giúp bạn có dịp lấy lại bình tĩnh để khỏi quá vội vàng đi sâu vào đề thi, nó cũng cảnh giác bạn trước bất kỳ các biến thể bất ngờ trong bài trắc nghiệm. Đọc trước giúp bạn ý thức được yêu cầu của cả bài thi.

– Cẩn thận phân phối thời gian cho từng câu hỏi. Máy điện toán chấm điểm trắc nghiệm không màng đến sự việc bạn đã suy nghĩ và cân nhắc mỗi câu trả lời sâu sắc đến mức nào, nó chỉ quan tâm đến câu trả lời của bạn có chính xác hay không mà thôi. Do đó, đều quan trọng là không nên dành quá nhiều thời gian cho các câu hỏi đầu mà hy sinh các câu hỏi sau. Nếu bạn không biết chắc một câu trả lời nào đó, hãy cố thu hẹp phạm vi chọn lựa để bước sang câu hỏi kế tiếp. Cầu toàn không phải là mục tiêu, mà tối đa hóa số câu trả lời chính xác mới là đều bạn mong muốn.

– Tìm hiểu cách chấm điểm để quyết định xem việc phỏng đoán câu trả lời có thích hợp hay không. Đối với trắc nghiệm SAT, các câu trả là sai sẽ bị trừ điểm, nên việc nhắm mắt phỏng đoán sẽ là cách hành động thiếu khôn ngoan. Còn kỳ thi tốt nghiệp và nhiều loại trắc nghiệm khác lại không chế tài các câu trả lời sai của bạn. Đối với các trắc nghiệm chế tài các câu trả lời sai, bạn chỉ nên phỏng đoán trong trường hợp có thể thu hẹp phạm vi chọn lựa xuống còn hai hoặc ba cách trả lời. Ngược lại, đối với các trắc nghiệm không trừ điểm thì bạn cứ việc tha hồ phỏng đoán ngay trong trường hợp bạn không biết cách trả lời sao cho đúng.

– Hoàn toàn chính xác bảng trả lời. Dĩ nhiên, kiểm tra lại bảng giải pháp của bạn sau khi làm xong bài thi là việc làm có ý nghĩa. Viết các câu trả lời ngay vào đầu đề trắc nghiệm để bạn có thể xem xét lại các câu trả lời mà không cần phải đối chiếu với bảng giải đáp cũng là việc tốt.

Các lời khuyên này không bảo đảm rằng bạn sẽ đạt được điểm số cao trong lần thi trắc nghiệm sau này, nhưng chúng cũng giúp bạn tối đa hóa cơ may gặt hái được thành quả khả quan hơn.

6. Tóm tắt và học ôn I

A. TÓM TẮT

– Trí thông minh (intelligence) là khả năng tìm hiểu thế giới chung quanh, tư duy hợp lý, và vận dụng hiệu quả các tài nguyên có sẵn để đối phó với các thách đố gặp phải.

– Đại lượng đo lường trí thông minh dùng trong các trắc nghiệm là chỉ số thông minh (intelligence quotient, viết tắt IQ).

– Có nhiều cách hình dung khác nhau về trí thông minh, từ quan điểm chú trọng đến các thành tố của trí thông minh cho đến quan điểm cho rằng phương pháp xử lý thông tin giúp người ta tìm hiểu trí thông minh thuận lợi nhất.

– Việc học thêm có đôi chút hiệu quả giúp người ta nâng cao điểm số thi trắc nghiệm thông minh, mặc dù mức hiệu quả vẫn chưa được khẳng định.

B. HỌC ÔN

1/… là biện pháp đo lường trí thông minh chú trọng đến số tuổi đời lẫn số tuổi trí tuệ của mỗi người.

2/ Biện pháp trắc nghiệm thông minh tổ chức cho từng nhóm nói chung có ưu điểm hơn so với việc trắc nghiệm từng cá nhân. Đúng hay Sai?…

3/ Trắc nghiệm… dự đoán khả năng của mỗi người trong một lãnh vực chuyên môn, còn trắc nghiệm… xác định trình độ kiến thức về một lãnh vực học thuật.

4/ Một số nhà tâm lý phân biệt giữa trí thông minh… liên hệ đến việc ghi nhớ thông tin và các kỹ năng, với trí thông minh là khả năng đối phó với các vấn đề mới lạ.

5/ Các nhà tâm lý chuyên về hoạt động tâm trí sử dụng khảo hướng.. để đo lường trí thông minh.

6/ Trí thông minh… là dạng thông minh liên hệ đến thành công trong cuộc mưu sinh thường ngày.

7/ Chỉ số thông minh (IQ) không có liên hệ gì đến sự thành công trong nghề nghiệp của mỗi người. Đúng hay Sai?…

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Nếu khái niệm trí thông minh hoạt tính và tinh luyện quả thực chính xác, làm cách nào để trắc nghiệm được các dạng thông minh này? Các dạng thông minh này có các ứng dụng nào?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

II. CÁC MỨC ĐỘ KHÁC BIỆT VỀ KHẢ NĂNG TRÍ TUỆ

Bill không hề thích thú đối với việc học tập. Trong vài năm cậu bé còn có gắng vượt qua được, mặc dù cha mẹ cậu đã phải khó nhọc thúc ép cậu đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu ở năm lớp một và lớp hai. Dường như cậu bé chậm hiểu mọi bài học hơn các đứa trẻ khác, và dù cậu không hẳn là đứa bé có hạnh kiểm xấu cậu không sao chú tâm lâu vào việc học và cũng khó lòng theo kịp bài giảng trong lớp. Nhiều khi cậu có dấu hiệu rất mệt nhọc, nhưng kiểm tra sức khỏe tổng quát cho thấy cậu không hề mắc bệnh gì về mặt thể chất. Các giáo viên đều cho rằng chẳng qua cậu lười biếng và không ham học, mặc dù đôi khi cậu bé tỏ ra bị cuốn hút khá nhiều vào các bài học liên hệ đến lao động chân tay. Sau cùng quá tuyệt vọng các giáo viên hội ý cùng cha mẹ cậu nhờ một nhà tâm lý khám cho cậu bé. Họ ngạc nhiên điểm số trắc nghiệm thông minh của cậu bé chỉ đến 63 điểm – thấp hơn mức trung bình rất nhiều và rơi vào dạng chỉ số là của những trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Bill là một trong số hơn 7 triệu người Mỹ đã được xác nhận là có mức thông minh thấp hơn bình thường rất nhiều, và được xem là bị khuyết tật nghiêm trọng. Những người có điểm số là thấp, gọi là thiểu năng tâm trí, cũng như những người có điểm số là rất cao, gọi là thiên bẩm trí tuệ, đều là các đối tượng cần được quan tâm đặc biệt để giúp họ phát triển toàn diện.

1. Hiện tượng thiểu năng tâm trí

Dù đôi khi được xem là hiện tượng hiếm thấy, số người thiểu năng tâm trí chiếm từ 1 đến 3% dân số cả nước. Giữa những người này khả năng trí tuệ cũng rất khác biệt nhau, phần lớn do quan điểm xếp loại theo định nghĩa của Hiệp hội Chăm sóc Người Khuyết tật Tâm thần Hoa Kỳ (American Association On Mental Deficiency). Hiệp Hội này chủ trương tình trạng thiểu năng tâm trí (mental retardation) hiện hữu khi ”hoạt động trí tuệ nói chung khá thấp dưới mức trung bình xuất hiện đồng thời với các dấu hiệu sút kém về hành vi thích nghi với xã hội trong suốt thời kỳ phát triển”. Định nghĩa này cho rằng những người được xem là thiểu năng tâm trí bao gồm từ những cá nhân có hành vi đôi chút kỳ lạ so với người bình thường cho đến những người hoàn toàn không có khả năng tiếp nhận chương trình giáo dục bình thường và phải được xã hội quan tâm chữa trị suốt đời.

Phần lớn những người thiểu năng tâm trí bị khuyết tật tương đối không đáng kể và được xếp vào loại thiểu năng nhẹ (mild retardation). Những cá nhân này có điểm số IQ từ 55 đến 69 điểm, chiếm tỷ lệ khoảng 90% số người thiểu năng tâm trí nói chung. Mặc dù tình trạng phát triển tâm trí của họ thường chậm hơn những người đồng trang lứa, nhưng đến khi trưởng thành họ vẫn có thể sống hoàn toàn độc lập, có nghề nghiệp nhất định, và lập gia đình như mọi người bình thường khác.

Ở các mức độ thiểu năng trầm trọng hơn – thiểu năng vừa phải (moderate retardation, có điểm số IQ từ 40 đến 54), thiểu năng khá nặng (severe retardation, có điểm số IQ từ 25 đến 39), và thiếu năng trầm trọng (profound retardation, có điểm số IQ dưới 25) – các khó khăn mới đáng lo ngại hơn. Ở những người thiểu năng vừa phải, các dấu hiệu khuyết tật xuất hiện rất sớm trong đời, gồm các kỹ năng ngôn ngữ và vận động tụt hậu so với người bình thường đồng trang lứa. Dù những người này có thể làm được các loại nghề thủ công đơn giản, nhưng họ vẫn cần được giám sát suốt đời ở mức vừa phải. Còn những người thiểu năng khá nặng và trầm trọng nói chung không đủ khả năng sinh sống độc lập. Những người này thường không có khả năng ngôn ngữ, khả năng vận động cũng rất kém, thậm chí không biết tự chăm sóc vệ sinh cá nhân nữa. Những người nay phải được các tổ chức y tế chăm sóc đến mãn đời.

* Tình trạng thiểu năng (retardation): tình trạng chậm lại của một tiến trình phát triển. Thuật ngữ thiểu năng tam trí (mental retardation) được dùng đồng nghĩa với thuật ngữ dưới bình thường về tam trí (mental subnormality), có nghĩa là tình trạng dưới mức bình thường được coi như là do chậm phát triển chứ không phải là do một khuyến tật bản tính (a qualitative defect). Thiểu năng tâm lý vận động (psycho – motor retardation) biểu hiện bởi sự chậm chạp rõ rệt về hành động và ngôn ngữ cơ thể đến mức độ bệnh nhân không còn khả năng chăm sóc cho bản thân. Đây là một triệu chứng của trầm cảm nặng (severe depression) (theo Từ điển Y học).

Nguyên nhân nào gây ra các hiện tượng thiểu năng tâm trí như thế? Gần một phần ba các trường hợp đều có nguyên nhân sinh lý, mà nguyên nhân thường thấy nhất là hội chứng Down. Hội chứng Down** (Down syndrome), trước đây thường gọi là chứng Mông Cổ (mongolism, bởi vì những người bị chứng này có đặc trưng cơ thể là mặt mũi trông giống người Mông Cổ, gây ra bởi sự hiện diện của nhiễm sắc thể thứ ba (bình thường chỉ có hai mà thôi). Trong các trường hợp thiểu năng tâm trí khác, tình trạng bất bình thường phát sinh ở cấu trúc của nhiễm sắc thể. Các biến chứng trong khi sanh đẻ, như trường hợp tạm thời thiếu oxygen chẳng hạn cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu năng.

** Hội chứng Down (Down syndrome): Một dạng bất bình thường tâm trí do khuyết tật về nhiễm sắc thể (chromosome defect, có đến ba nhiệm sắc thể số 21 thay vì bình thường chỉ có hai mà thôi). Các đặc trưng cơ thể chính là mắt hơi xếch như người Mông Cổ (vì vậy trước đây hiện tượng này có tên là Mongolism – chứng Mông Cổ) đầu tròn, sống mũi dẹp, lưỡi có rãnh, bàn tay dị dạng gồm các rãnh đơn nằm ngang và các lằn gợn đặc biệt, vành tai tròn hay có mấu, và vóc người ngắn. Nhiều đặc trưng trên đây đã thấy khi sinh nên có thể định bệnh sớm, tình trạng này cũng có thể chẩn đoán trước khi sanh bằng cách chọc dò màng ối (amniocentesis). Mức trưởng thành trí tuệ cực điểm là mức của đứa trẻ lên năm, tức chỉ có IQ từ 50 đến 60. Cũng có dạng nhẹ của hội chứng Down có IQ cao hơn một chút. Tên y học là Trisomy 21 (theo Từ điển Y học).

Đại đa số các trường hợp thiểu năng tâm trí đều được xem là thiểu năng gia tộc. Trong trường hợp thiểu năng gia tộc (familial retardation), những người thiểu năng đều không có khuyết tật sinh lý rõ rệt, nhưng lại có lịch sử thiểu năng trong nội bộ gia tộc họ. Người ta thường không thể khẳng tính được tình trạng thiểu năng của gia đình họ gây ra hoặc bởi các yếu tố hoàn cảnh, như hoàn cảnh nghèo khổ cực kỳ đưa đến tình trạng thiếu dinh dưỡng lâu dài chẳng hạn, hoặc bởi yếu tố di truyền nào đó. Dù đặc trưng là gì, tình trạng thiểu năng gia tộc được khẳng định do sự hiện diện của nhiều người thiểu năng trong thế hệ hiện tại của gia tộc.

Bất kể nguyên nhân nào gây ra tình trạng thiểu năng tâm trí, các tiến bộ quan trọng trong lãnh vực chăm sóc và chưa trị dành cho những người này đã được thực hiện trong 15 năm qua. Phần lớn thay đổi này biến thành hiện thực nhờ Đạo luật Giáo dục Thiếu nhi Khuyết tật 1975. Trong đạo luật cấp liên bang này, Quốc hội quy định rằng người thiểu năng tâm trí được quyền hưởng nền giáo dục toàn diện, họ phải được giáo dục và huấn luyện trong một bối cảnh ít khắt khe nhất (least – restrictive environment). Đạo luật nhằm tăng thêm cơ hội thụ hưởng giáo dục cho những người thiểu năng, tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể hội nhập vào các lớp học bình thường càng nhiều càng tốt – theo một tiến trình gọi là hòa nhập vào hoàn cảnh học tập bình thường (mainstreaming).

Triết lý hậu thuẫn cho tiến trình hòa nhập này chủ trương rằng sự tương tác giữa các học sinh thiểu năng với các học sinh bình thường trong các lớp học bình thường sẽ cải thiện cơ may được giáo dưỡng cho người thiểu năng tâm trí, làm tăng thêm cơ hội chấp nhận của xã hội, và tạo thuận lợi để họ hội nhập toàn diện vào đời sống xã hội. Trước đây triết lý này đã từng chủ trương tách biệt người thiểu năng vào các lớp học theo chế độ giáo dục đặc biệt, ở đó họ có thể học tập theo tốc độ riêng cùng với các học sinh khuyết tật khác. Tiến trình hòa nhập này nỗ lực triệt phá tính cô lập cố hữu trong các lớp học đặc biệt ấy và giảm bớt mặc cảm xã hội đối với tình trạng thiểu năng bằng cách để cho trẻ khuyết tật có dịp tương tác với các trẻ bình thường đồng trang lứa càng nhiều càng tốt.

Dĩ nhiên, hiện nay vẫn còn có các lớp học theo chế độ giáo dục đặc biệt dành cho một số cá nhân thiểu năng trầm trọng không có ích lợi gì nếu được xếp vào các lớp học bình thường. Ngoài ra, các em thiểu năng tuy được ăn nhập vào các lớp học binh thường cũng thường xuyên được tham dự các lớp học đặc biệt ít nhất một buổi trong một ngày. Tuy vậy, tiến trình hòa nhập học tập vẫn hứa hẹn tăng thêm mức hội nhập của người thiểu năng vào đời sống xã hội nhằm giúp đỡ họ có cơ hội đóng góp nhiều nhất.

2. Những người thiên bẩm trí tuệ

Trong khi tính độc đáo của những người thiểu năng tâm trí rất dễ được nhận biết, thì các thành viên thuộc một nhóm người cũng khác lạ ngang như thế so với tình trạng phát triển trí tuệ bình thường. Thay vì kém thông minh hơn, những người thiên bẩm trí tuệ hay thiên tài (Intellectually gifted) thông minh hơn người bình thường rất nhiều.

Chiếm tỷ lệ khoảng từ 2 đến 4% dân số cả nước, những người thiên bẩm trí tuệ có điểm số IQ cao hơn 130. Quan điểm thông thường đều cho rằng loại người này là những người vụng về, nhút nhát, thiếu xã giao đến mức khó lòng hòa hợp với các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, hầu hết các công trình nghìn cứu đều chủ trương ngược hẳn: những người thiên tài là những người dễ mến, dễ hòa đồng, và xuề xòa, những người có khả năng làm hầu hết mọi việc khác hẳn người bình thường.

Thí dụ, trong một công trình khảo cứu dài hạn của Lewis Terman khởi đầu từ đầu thập niên 1920 đến nay vẫn còn tiếp tục, 1500 thiếu nhi có điểm số là trên 140 đã được theo dõi và kiểm tra định kỳ suốt hơn 60 năm qua. Ngay từ đầu những người này đều có năng lực thể chất, học vấn, và địa vị xã hội hơn hẳn các bạn bình thưởng đồng trang lứa khác. Nói chung, họ đều có sức khỏe dồi dào hơn, cao to hơn, nặng cân hơn, và khỏe mạnh hơn bình thường. Dĩ nhiên, thành tựu học vấn của họ cũng khả quan hơn. Họ cũng tỏ ra dễ hòa đồng với xã hội. Và tất cả mọi ưu điểm này đều được đền bù bằng sự thành công trong nghề nghiệp. Nói chung những người thiên tài đều được ưu đãi, kiếm được lương cao bổng hậu, đồng thời đóng góp cho nghệ thuật và văn chương hơn hẳn người bình thường. Chẳng hạn, vào độ tuổi tứ thập nhóm người này đã sáng tác được hơn 90 tác phẩm văn học, 375 vở kịch và truyện ngắn, 2.000 bài báo, và được cấp hơn 200 bằng sáng chế. Theo họ thuật lại, có lẽ điểm quan trọng nhất là họ hài lòng với cuộc sống hơn người bình thường nhiều.

Thế nhưng, bức tranh về những người thiên bẩm trí tuệ không phải lúc nào cũng sáng sủa, Không phải bất kỳ thành viên nào thuộc nhóm người Terman nghiên cứu đều thành công cả, và thực tế một số người đã bị thất bại ê chề. Ngoài ra, các khảo cứu khác cho rằng thông minh không phải là tính chất phân bố đều cho mọi khía cạnh: một người có điểm số IQ cao toàn diện không nhất thiết có năng khiếu về bất kỳ môn học thuật nào, mà có lẽ chỉ xuất sắc ở một hay hai mặt mà thôi. Như vậy, điểm số IQ cao không bảo đảm thành công trong mọi việc.

Mặc dù có rất nhiều chương trình đặc biệt nỗ lực giúp người thiểu năng tâm trí khắc phục nhược điểm, nhưng chỉ mới đây người ta mới đề ra các biện pháp khích lệ tài năng của những người thiên bẩm trí tuệ. Tình trạng thiếu quan tâm khác biệt này phần lớn do quan điểm đã từ lâu cho rằng nên để cho người thiên tài “tự do phát triển”; nếu không được, ắt họ không phải là thiên tài thực sự. Tuy nhiên, các khảo hướng nghiên cứu sáng suốt hơn đều đã thừa nhận rằng nếu không được quan tâm đặc biệt thì người thiên bẩm trí tuệ có thể trở nên chán nản và thất vọng về sự tiến bộ học vấn của họ và có thể không tài nào vươn được đến tiềm năng toàn diện của họ.

Một chương trình thành công đặc biệt dành cho người thiên bẩm trí tuệ là dự án mệnh danh Nghiên cứu về Thiếu niên Thiên tài Toán học (Study of Mathematically Precoclous Youth, viết tắt là SMPY). Theo chương trình này, học sinh lớp 7 nào chứng tỏ có khả năng toán học phi thường đều được quyền theo học các lớp hè, ở đó chúng được cấp tốc truyền dạy các kỹ năng toán học phức tạp, đặc biệt là toán vi tích phân bậc đại học. Ngoài ra, các em cũng được dạy nhiều môn khác, bao gồm khoa học và ngôn ngữ. Mục tiêu tối hậu của chương trình này, và các chương trình tương tự khác, là trang bị đầy đủ và nhanh chóng cho các thiên tài nhằm tạo điều kiện để tài năng của các em nẩy nở, và nhằm tăng thêm cơ hội để các em vươn đến tiềm năng cực điểm của mình. Mặc dù vẫn còn quá sớm để nói rằng các chương trình bồi dưỡng như SMPY chẳng hạn có hiệu quả hay không – bởi vì các em trúng tuyển vào các chương trình này vẫn chưa đến tuổi trưởng thành – nhưng các chương trình đặc biệt này được những người tham dự đánh giá cao.

3. Tóm tắt và học ôn II

A. TÓM TẮT:

– Hiện tượng thiểu năng tâm trí (mental retardation) được định nghĩa là tình trạng hoạt động trí tuệ nói chung khá thấp dưới mức bình thường xuất hiện đồng thời với các dấu hiệu sút kém về hành vi thích nghi với cuộc sống xã hội.

– Các mức độ thiểu năng bao gồm người thiểu năng nhẹ (mild retarded, có điểm số iq từ 55 đến 69), người thiểu năng vừa phải (moderately retarded, có điểm số IQ từ 40 đến 54), người thiểu năng khá nặng (severely retarded, có điểm số IQ từ 25 đến 39), và người thiểu năng nghiêm trọng (profoundly retarded, có điểm số IQ dưới 25).

– Các nguyên nhân thường thấy nhất của tình trạng thiểu năng tâm trí là hội chứng Down (Down syndrome) và di truyền gia tộc.

– Những người thiên bẩm trí tuệ hay thiên tài (intellectually gifted) có điểm số IQ cao hơn 130 và chiếm tỷ lệ từ 2 đền 4% dân số cả nước.

B. HỌC ÔN:

1/ Thuật ngữ thiểu năng tâm trí đề cập đặc biệt đến những ngườl có điểm số IQ dưới 60. Đúng hay Sai?…

2/… là dạng rối loạng gây ra bởi sự hiện diện một nhiễm sắc thể dư thừa chịu trách nhiệm đối với một số trường hợp thiểu năng tâm trí.

3/… là tiến trình nhờ đó học sinh thiểu năng tâm trí được xếp vào các lớp học bình thường nhằm tạo thuận lợi cho việc học và giảm bớt tình trạng cô lập của các em.

4/ Tình trạng thiểu năng có thể do nguyên nhân di truyền, và có thể xảy ra đối với mọi phần tử trong gia tộc. Đúng hay Sai?…

5/… là thuật ngữ dùng để nói về những người có điểm số IQ bằng hoặc trên 130.

6/ Những người thiên tài thông thường đều nhút nhát và xa lánh mọi người. Đúng hay Sal?…

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Hiện nay chính phủ liên bang đã công bố một chương trình 10 tỷ đô la để tài trợ cho các trường học đặc biệt dành cho các học sinh thiên tài. Các trường này sẽ được tổ chức nhằm giúp cho các học sinh thiên tài phát triển tiềm năng đến mức tối đa trong các lãnh vực các em có năng khiếu đặc biệt nhất. Các trường này sẽ cho các em học miễn phí, và một cách thức đặc biệt được ban hanh nhằm gây quỹ tài trợ cho chương trình này. Luận cứ hậu thuẫn cho các trường học này là thành quả gặt hái được sau này của các em ấy sẽ còn trội hơn chi phí hiện nay nhiều. Chương trình này sẽ đem lại lợi ích gì? Có thể có bất lợi gì?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

III. DỊ BIỆT THÔNG MINH GIỮA CÁC CÁ NHÂN – DO DI TRUYỀN, DO HOÀN CẢNH – HOẶC DO CẢ HAI

Kwang thường tắm bằng một pleck gắn chặt vào một…

(a) rundel

(b) plink (các từ pleck, rundel, plink, pove, và quirj đều vô nghĩa)

(c) pove

(d) quirj

Nếu thấy loại câu hỏi này trong trắc nghiệm thông minh, có lẽ bạn sẽ than phiền rằng trắc nghiệm ấy hoàn toàn vô lý và không dính líu gì đến trí thông minh của bạn học của bất kỳ người nào khác. Làm sao kỳ vọng bất cứ ai cũng có thể giải đáp được các câu hỏi trình bày bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ đến như thế?

Nhưng giả sử bạn thấy đề mục dưới đây, loại câu hỏi mới thoạt nhìn cũng xa lạ y như vậy:

Từ ngữ nào không phù hợp nhất ở đây?

(a) splib (vô nghĩa)

(b) máu

(c) màu xám

(d) ma quỷ

Cũng vô lý như câu hỏi trên, phải không? Trái lại, so với thí dụ thứ nhất nêu trên đó gồm các vần vô nghĩa (nonsense syllables) thì việc dùng câu hỏi thứ hai này trong trắc nghiệm thông minh xét ra còn hợp lý hơn nhiều. Mặc dù câu hỏi thứ hai dường như không có ý nghĩa gì, giống như câu hỏi thứ nhất, đối với hầu hết dân da trắng ở Hoa Kỳ, nhưng đối với dân Mỹ gốc Phi ở thành thị thì câu hỏi này có thể là một đề mục trắc nghiệm kiến thức hợp lý.

Câu hỏi thứ hai trên đây được rút ra từ một trắc nghiệm do nhà xã hội học Adrian Dove sáng tạo. Ông này cố gắng minh họa một vấn đề đã từng khiến cho những người xây dựng các trắc nghiệm IQ từ buổi ban đầu phải bối rối. Bằng cách sử dụng các từ ngữ quen thuộc với dân Mỹ gốc Phi có trình độ hiểu biết của thị dân, nhưng thường là xa lạ với dân da trắng (cũng như với dân da đen trưởng thành trong bối cảnh văn hóa da trắng), ông bi kịch hóa sự kiện để chứng minh rằng kinh nghiệm văn hóa có thể đóng một vai trò quyết định trong việc đánh giá điểm số trắc nghiệm thông minh (Nhân đây, giải đáp cho câu hỏi nêu trên là (c). Để thử làm quen với các đề mục khác trong trắc nghiệm của Dove, hãy xem bảng 8–2)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.