Tâm lý học căn bản

Chương 9 – Phần 6



3. Lý thuyết James – Lange: Phải chăng phản ứng nội tạng tương đồng với xúc cảm?

Đối với các nhà khảo cứu tiền phong thăm dò bản chất của các dạng xúc cảm như William James và Carl Lange, thì kinh nghiệm xúc cảm chẳng qua chỉ là một phản ứng bản năng của cơ thể trước một tình huống hay sự việc nào đó xảy ra trong môi trường sống, quan điểm này được tóm tắt qua một lời khẳng định của James: “… Chúng ta cảm thấy buồn bởi vì chúng ta khóc, cảm thấy tức giận bởi vì chúng ta ra tay tấn cô kẻ khác, và thấy sợ hãi vì chúng ta run rẩy.” (James, 1980).

James và Lange quan niệm rằng phản ứng bản năng là nguyên nhân gây ra xúc, như khóc do sự mất mát khiến chúng ta cảm thấy buồn rầu, ra tay tấn công kẻ khác làm cho chúng ta tức giận, và run rẩy vì sự đe dọa khiến chúng ta cảm thấy lo sợ. Họ cho rằng mỗi loại xúc cảm quan trọng đều có một phản ứng sinh lý “nội tạng đặc biệt của các cơ quan bên trong cơ thể – gọi là kinh nghiệm nội tạng (visceral experience) – gắn liền với xúc cảm ấy, và chính kiểu phản ứng nội tạng cá biệt này khiến cho chúng ta đặt tên kinh nghiệm xúc cảm ấy.

Tóm lại, James và Lange cho rằng chúng ta nhận biết xúc cảm như là hậu quả của biến đổi sinh lý gây ra một loại cảm giác đặc thù. Thế rồi, loại cảm giác này được não bộ giải thích như là một dạng xúc cảm đặc biệt (xem Hình 9 – 5). Quan điểm này được mệnh danh là lý thuyết xúc cảm của James và Lange (James – Lange theory of emotion).

Lý thuyết Jame – Lange có một số nhược điểm. Muốn cho lý thuyết chính xác, thì các biến đổi nội tạng sẽ phải diễn ra theo một tốc độ khá nhanh, bởi vì chúng ta nhận biết một số xúc cảm – như sợ hãi khi nghe bước chân của kẻ lạ đang tiến đến gần thật nhanh trong đêm tối – hầu như tức thì sau khi sự việc xảy ra. Song le, sự nhận biết xúc cảm thường phát sinh ngay trước khi nhiều biến đổi sinh lý kịp thời phát động. Bởi vì một số biến đổi nội tạng chậm xảy ra, nên thật khó lòng xem các biến đổi ấy là nguyên nhân gây ra xúc cảm tức thì ấy được.

Lý thuyết James – Lange còn vấp phải một trở ngại nữa là tình trạng cảnh giác sinh lý (Physiological arousal) không luôn gây ra xúc cảm tâm lý. Thí dụ, một người đang chạy chậm bước thì nhịp tim và nhịp thở của người ấy tăng lên, và cơ thể anh ta cũng diễn ra một số biến đổi sinh lý khác gắn liền đến một số xúc cảm. Thế nhưng, người chạy chậm bước không hề xem các biến đổi ấy là trạng thái xúc cảm gì cả. Như vậy, không thể có sự tương ứng từng đôi một giữa biến đổi nội tạng với trạng thái xúc cảm. Chỉ riêng các biến đổi nội tạng chưa đủ điều kiện để gây ra xúc cảm cho con người.

Cuối cùng các cơ quan bên trong cơ thể chúng ta phát sinh có cảm giác tương đối hạn chế. Thật khó mà hình dung được loại xúc cảm nào là hậu quả đặc thù của các biến đổi nội tạng nào. Bởi vì trên thực tế nhiều loại xúc cảm gắn liền với các dạng biến đổi nội tạng khá giống nhau, và sự kiện này đi ngược lại lý thuyết James – Lange.

4. Lý thuyết Cannon – Bard: Phản ứng sinh lý là hậu quả của xúc cảm

Để giải quyết các trở ngại cố hữu trong lý thuyết Jame – Lange, Walter Cannon và Philip Bard sau này, đề nghị một quan điểm khác. Theo lý thuyết mệnh danh là lý thuyết xúc cảm của Cannon – Bard (Cannon – Bard theory of emotion), hai ông đề nghị mô hình nhận thức minh họa ở phần thứ hai trong hình 9 – 5. Nỗ lực chủ yếu của lý thuyết này nhằm bác bỏ quan điểm cho rằng chỉ riêng tình trạng cảnh giác sinh lý dẫn đến sự nhận thức xúc cảm. Lý thuyết nay giả định rằng cả tình trạng cảnh giác sinh lý lẫn kinh nghiệm xúc cảm đều phát sinh đồng thời bởi cùng một xung lực thần kinh, mà hai ông Cannon và Bard cho rằng xuất phát từ đồi não (brain’s thalamus).

Theo lý thuyết này, sau khi tiếp nhận một kích thích gây xúc cảm thì đồi não là căn cứ xuất phát phản ứng tình cảm. Khi ấy, đồi não gởi một tín hiệu đến nội tạng để khởi động các cơ quan này, và đồng thời chuyển một thông đẹp đến vỏ não về bản chất của xúc cảm đang diễn ra. Do đó, các dạng xúc cảm khác nhau không nhất thiết phải có những kiểu phản ứng sinh lý đặc thù gắn liền với chúng – miễn là thông điệp chuyển đến vỏ não phản ảnh cụ thể loại xúc cảm đang diễn ra.

Lý thuyết Cannon – Bard dường như chính xác khi nó bác bỏ quan điểm cho rằng chỉ riêng tình trạng cảnh giác sinh lý chịu trách nhiệm đối với xúc cảm. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu mới đây đã khiến cho lý thuyết này trải qua nhiều cải biến quan trọng. Như bạn nhớ lại ở chương 2, hiện nay người ta biết rằng cấu tạo dưới đồi (hypothalamus) và hệ bản tính (limbic system) – chứ không phải đồi não – đóng vai trò chủ yếu trong sự nhận biết xúc cảm. Ngoài ra, sự đồng thời xuất hiện của phản ứng sinh lý và phản ứng tinh cảm – một giả thiết căn bản của lý thuyết – đến nay vẫn chưa được minh chứng dứt khoát. Điểm mơ hồ này cho phép xuất hiện một lý thuyết khác nữa về xúc cảm: lý thuyết Schachter – Singer.

Hình 9–5: So sánh ba mô hình nhận thức lý giải hiện tượng xúc cảm.

5. Lý thuyết Schachter – Singer: Xúc cảm căn cứ vào cách gọi tên tình trạng cảnh giác sinh lý

Giả sử trong khi đi dọc theo một con phố tối tăm vào cuối đêm ba mươi tết, bạn để ý thấy đang bị một người đàn ông theo dõi nhờ chiếc bóng của hắn ta hắt xuống chân bạn. Bây giờ lại giả sử rằng thay vi phản ứng sợ hãi nổi lên trong lòng bạn, thi gã đàn ông ấy bắt đầu cười phá lên và có cử chỉ biểu lộ niềm hân hoan. Các phản ứng của người ấy có đủ đế trấn áp cơn sợ hãi của bạn không? Thực ra, bạn có thể khẳng định rằng không việc gì phải sợ hãi, rồi trở lại tâm trạng hạnh phúc và sung sướng hồi đầu hôm không?

Theo lối giải thích chú trọng đến vai trò của nhận định tâm trí trong lý thuyết xúc cảm của Schachter – Singer (Schachter – Singer theory of emotion), thì điều này rất có thể xảy ra. Khảo hướng cuối cùng này nhấn mạnh rằng chúng ta nhận diện được xúc cảm đang diễn ra nhờ quan sát hoàn cảnh hiện tại của chúng ta và so sánh bản thân chúng ta với người khác.

Một thí nghiệm cổ điển cho thấy chứng cứ bênh vực giả thiết này. Trong một nghiên cứu, các đối tượng tham dự thí nghiệm được bảo cho biết họ sẽ được tiêm một mũi vitamin gọi là suproxin. Thực ra, họ được tiêm epinephrine, một loại dược phẩm làm gia tăng tình trạng cảnh giác sinh lý, bao gồm gia tăng nhịp tìm và nhịp thở, đồng thời làm đỏ mặt, là các phản ứng thường xảy ra trong các phản ứng xúc cảm mạnh mẽ. Một nhóm đối tượng được thông báo tác dụng thực sự của thuốc, còn nhóm kia không được thông báo.

Sau đó các đối tượng thuộc cả hai nhóm từng người được đưa vào một tình huống nơi đó người điều khiển thí nghiệm hành động theo một trong hai cách. Trong trường hợp đầu, người ấy có hành vi giận dữ và thù địch, than phiền rằng ông ta sẽ tự chối trả lời các câu hỏi có tính riêng tư trong vấn đề học mà nhà thí nghiệm đã yêu cầu hoàn tất. Còn trong trường hợp kia, hành vi của ông ta trái ngược hắn, Ông ta tỏ ra phấn khởi, phóng máy bay giấy và tung các cuộn giấy lên, nói chung tỏ ra hoàn toàn sung sướng với tình huống gặp phải.

Mục đích chủ yếu của nhà thí nghiệm nhằm xác định xem các đối tượng sẽ phản ứng xúc cảm ra sao đối với hành vi của người điều khiển ấy. Khi được yêu cầu miêu tả trạng thái xúc cảm riêng của họ vào cuối cuộc thí nghiệm, các đối tượng đã được thông báo về tác dụng của thuốc tương đối không bị ảnh hưởng bởi hành vi của người đều khiển ấy. Họ cho rằng tình trạng cảnh giác sinh lý của họ do thuốc gây ra và do đó họ không thấy cần phải tìm ra lý do để giải thích tình trạng cảnh giác ấy. Như vậy, họ báo cáo kinh nghiệm nhận thức tương đối ít phản ánh dấu hiệu xúc cảm phát sinh.

Ngược lại, các đối tượng không được thông báo tác dụng thực sự của thuốc đã bị ảnh hưởng bởi hành vi của người điều khiển. Các đối tượng gặp phải người điều khiển có thái độ tức giận báo cáo rằng họ cảm thấy tức giận, trong khi các đối tượng gặp phải người điều khiển có thái độ phấn khởi báo cáo rằng họ cảm thấy vui sướng. Tóm lại, kết quả cho thấy các đối tượng không được thông báo tác dụng của thuốc ấn cứ vào hoàn cảnh và thái độ của người khác để giải thích trình trạng cảnh giác sinh lý mà họ đang cảm nhận.

Như vậy, kết quả thí nghiệm Schachter – Singer hậu thuẫn cho quan điểm nhận thức trí tuệ về xúc cảm, theo đó các xúc cảm được phối hợp xác định bởi một trạng thái cảnh giác sinh lý không lấy gì làm đặc biệt cho lắm và cách gọi tên tình trạng cảnh giác ấy căn cứ vào các dấu hiệu từ hoàn cảnh bên ngoài (xem phần thứ ba trong Hình 9 – 5).

Lý thuyết Schachter – Singer đã khiến cho người ta thực hiện một số thí nghiệm thú vị trong nhiều lãnh vực thuộc môn tâm lý học. Thí dụ, các nhà tâm lý khảo cứu các yếu tố quyết định sức lôi cuốn giữa các cá nhân với nhau đã rút ra được các ứng dụng từ lý thuyết này. Trong một thí nghiệm thú vị và đầy ấn tượng, một thiếu nữ nhan sắc trông có vẻ hấp dẫn đứng ở một đầu cầu treo lắc lư, dài gần 80m, bắc qua một hẻm núi sâu. Thiếu nữ này trông như đang tiến hành một cuộc điều tra, cô yêu cầu những người đàn ông vừa đi qua cầu trả lời một số câu hỏi. Sau đó, cô cho họ số điện thoại, bảo rằng nếu quan tâm đến kết quả thí nghiệm họ sẽ tiếp xúc với cô vào tuần tới.

So sánh với nhóm kiểm soát gồm những người đàn ông trả lời số câu hỏi trên sau khi đi qua một chiếc cầu vững chắc bắc qua một con suối cạn rộng khoảng hơn 3m phía dưới cầu, những người đàn ông đi qua chiếc cầu nguy hiểm tỏ ra khác biệt rất đáng kể về kết quả phỏng vấn: khả năng tưởng tượng về tình dục của họ cao hơn nhiều. Ngoài ra, số người vượt qua cầu treo nguy hiểm đã gọi đến tiếp xúc với cô gái nhiều hơn hẳn so với số người trong nhóm kiểm soát, cho thấy họ bị cô lôi cuốn nhiều hơn. Những người đàn ông có tình trạng cảnh giác tăng lên do chiếc cầu nguy hiểm dường như muốn kiếm nguyên nhân lý giải tình trạng cảnh giác sinh lý của họ – và đã kết luận quy nguyên nhân ấy cho cô gái có nhan sắc hấp dẫn kia. Như vậy, kết quả thí nghiệm này phù hợp với lý thuyết Schachter – Singer, phản ứng xúc cảm của những người đàn ông này căn cứ vào cách gọi tên tình trạng cảnh giác của họ.

Không may là, các chứng cứ thu nhập nhằm minh chứng lý thuyết Schachter – Singer không luôn luôn phù hợp. Ngay thí nghiệm ban đầu cũng đã bị phê phán về cơ sở phương pháp và vì một số điểm mơ hồ trong kết quả thí nghiệm. Hơn nữa, có chứng cứ cho thấy rằng trong một số trường hợp kinh nghiệm xúc cảm xảy ra không cần thiết phải có tình trạng cảnh giác sinh lý và bản thân các nhân tố sinh lý ấy cũng có thể lý giải cho trạng thái xúc cảm của con người trong các trường hợp khác. Thí dụ, một vài loại dược phẩm luôn luôn gây ra trạng thái trầm cảm như một tác dụng phụ bất kể bản chất của tình huống gặp phải hay các gợi ý thuộc hoàn cảnh hiện hữu có là gì đi nữa.

Tuy nhiên nói chung lý thuyết Schachter – Singer vẫn là một lý thuyết quan trọng bởi vì ít ra trong một số trường hợp nó cho rằng kinh nghiệm xúc cảm đóng vai trò phối hợp giữa tình trạng cảnh giác sinh lý với cách gọi tên tình trạng cảnh giác ấy. Khi nguyên nhân gây ra tình trạng cảnh giác sinh lý không rõ rệt đối với chúng ta, thì chúng ta có thể trông cậy vào hoàn cảnh gặp phải để xác định đúng những gì chúng ta đang cảm nhận được. Hơn nữa, lý thuyết Schachter – Singer đã mở đường cho một số lý thuyết đương đại về xúc cảm nhấn mạnh đến vai trò của sự đánh giá hoàn cảnh gặp phải trong việc xác định các phản ứng xúc cảm.

6. Tóm tắt các lý thuyết giải thích hiện tượng xúc cảm

Cho đến đây, bạn có lý do vững chắc để nêu ra câu hỏi tại sao có quá nhiều lý thuyết xúc cảm đến thế, và có lẽ câu hỏi còn quan trọng hơn nữa là, lý thuyết nào đúng nhất. Thực ra, chúng ta chỉ vừa bàn sơ qua mà thôi; thực tế số lý thuyết giải thích hiện tượng xúc cảm còn nhiều hơn thế nữa.

Cách giải thích câu hỏi tại sao có nhiều lý thuyết cảm xúc đến thế và câu hỏi lý thuyết nào đúng nhất thực ra tương tự nhau: Xúc cảm là hiện tượng phức tạp đến mức không một lý thuyết đơn độc nào đủ sức giải thích hoàn toàn thỏa đáng tất cả mọi khía cạnh thuộc kinh nghiệm xúc cảm. Đối với mỗi lý thuyết quan trọng vừa nêu đều có các chứng cứ trái ngược nhau về khía cạnh này hay khía cạnh khác và vì vậy không lý thuyết nào tỏ ra luôn luôn chính xác trong các dự đoán của mình cả. Ngược lại, sự kiện này không phải là lý do khiến chúng ta thất vọng – hay khó chịu, sợ hãi, hoặc có bất kỳ thứ tâm trạng tiêu cực nào khác. Nó chỉ đơn thuần phản ảnh sự thật rằng tâm lý học là một khoa học đang phát triển, đang trên đà tiến triển. Chắc chắn khi thu thập được nhiều chứng cứ hơn nữa, thì giải đáp cụ thể đối với các câu hỏi về bản chất của xúc cảm sẽ trở nên sáng tỏ.

Trong khi đó, kiến thức của chúng ta về xúc cảm còn tiếp tục tăng thêm, và nó đã vạch ra được một vài hướng đi khá thú vị. Thí dụ, như chúng ta sẽ thảo luận trong đoạn Trích Dẫn Thời Sự dưới đây, các nhà khảo cứu đang tìm hiểu các biểu lộ trên nét mặt như là các dấu hiệu gợi ý để phán đoán các xúc cảm của chúng ta.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ

PHẢI CHĂNG CÁC BIỂU LỘ XÚC CẢM

VÔ NGÔN PHỔ BIẾN QUA CÁC NỀN VĂN HÓA

Các tác phẩm văn học Sanskrit cổ đại viết một nhân vật thốt ra một câu trả lời thoái thác như sau: “Anh ta chà ngón chân cái trên mặt đất, rồi rùng mình.” Shakespear miêu tả nét mặt của nàng Macbeth như là “một khuôn mặt mà những người đàn ông đều có thể đọc thấy những điều kỳ lạ”. Còn các bài hát của kẻ thất tình ngày xưa đều có câu: “Mắt em là đôi mắt của người phụ nữ đang yêu.” Các thí dụ ấy đều chứng tỏ rằng hành vi vô ngôn (nonverbal behavior) đã từ lâu đời được xem là cách tiểu lộ phổ biến về các trạng thái xúc cảm của con người.

Dù vậy, chỉ gần đây các nhà tâm lý mới chứng minh được giá trị của phỏng đoán này. Họ đã khám phá được rằng hành vi vô ngôn không chỉ biểu trưng một biện pháp chủ yếu nhờ đó mà chúng ta truyền đạt xúc cảm của mình, mà còn khám phá được các điểm tương đồng qua các nền văn hóa về cách thức truyền đạt cảm xúc vô ngôn của con người.

Hãy dành một phút để tìm hiểu 6 tấm ảnh trình bày trong hình 9 – 6. Bạn có thể nhận ra được trạng thái xúc cảm biểu lộ của nhân vật trong mỗi tấm ảnh không?

Hình 9–6: Các tấm ảnh này chứng minh 6 trạng thái xúc cảm căn bản: hạnh phúc, tức giận, buồn rầu, ngạc nhiên, ghê tởm, và sợ hãi.

Nếu là người giỏi phán đoán các biểu lộ trên nét mặt, bạn sẽ kết luận 6 trạng thái xúc câm căn bản biểu lộ ở các tấm ảnh ấy là: hạnh phúc, tức giận, buồn rầu, ngạc nhiên, ghê tởm, và sợ hãi. Đây là các trạng thái xúc cảm được hàng trăm cuộc khảo cứu nhất trí phân biệt và xác nhận, ngay cả bởi các quan sát viên bình thường.

Điều đặc biệt thú vị về 6 trạng thái xúc cảm này là chúng không giới hạn trong phạm vi các sắc dân thuộc các nền văn hóa phương Tây, mà dường như còn tiêu biểu cho các loại xúc cảm căn bản được biểu lộ phổ biến trên phạm vi cả nhân loại, bất kể các chủng tộc này sinh trưởng ở đâu và đã từng học hỏi qua loại kinh nghiệm gì.

Điểm này đã được nhà tâm lý Paul Ekman chứng minh rất thuyết phục. Ông này đã từng du hành đến Tân Guinea để tìm hiểu các thành viên thuộc một bộ lạc sống cô lập trong rừng sâu và hầu như chưa hề tiếp xúc với người phương Tây. Người dân bộ lạc này không hiểu và không nói được tiếng Anh, họ chưa từng xem phim, và rất ít gặp qua người da trắng trước khi Ekman đến với họ.

Để tìm hiểu cách thức sử dụng hành vi vô ngôn để biểu lộ tình cảm của người Tân Guinea, Ekman kể cho họ nghe một câu chuyện liên quan đến một dạng xúc cảm rồi đưa cho họ xem ba tấm ảnh chụp người phương Tây; một trong ba tấm ảnh ấy biểu lộ dạng tình cảm phù hợp với câu chuyện. Thí nghiệm này yêu cầu chọn khuôn mặt trong tấm ảnh nào có biểu lộ phù hợp nhất.

Kết quả cho thấy các câu trả lời của dân Tân Guinea hoàn toàn giống như các đối tượng thí nghiệm thuộc các nền văn hóa phương Tây. Và các thiếu nhi Tân Guinea thậm chí còn tỏ ra có năng khiếu nhận diện các dạng xúc cảm giỏi hơn người trưởng thành nhiều. Điều thú vị là dân bộ lạc thường nhầm lẫn nét mặt sợ hãi với nét mặt ngạc nhiên, và đây là khác biệt duy nhất so với người phương Tây.

Ngoài việc tìm hiểu xem liệu thổ dân Tân Guinea có suy diễn biểu lộ xúc cảm giống như người phương Tây không, điều quan trọng mà cuộc khảo cứu cần khám phá là liệu người phương Tây và thổ dân có tương đồng với nhau trong cách biểu lộ các phản ứng vô ngôn hay không. Để làm việc này, một số thổ dân khác được nghe kể các câu chuyện mà Ekman đã kể trước đây và họ được yêu cầu biểu lộ xúc cảm ra nét mặt cho phù hợp với nội dung câu chuyện. Các biểu lộ này đã được thu hình vào băng video, và một nhóm đối tượng ở Hoa Kỳ được yêu cầu quan sát các khuôn mặt ấy rồi nhận diện loại xúc cảm được biểu lộ. Kết quả thật rõ ràng: khán giả phương Tây – những người chưa từng gặp người Tân Guinea trước đây – phán đoán chính xác đến ngạc nhiên, ngoại trừ các biểu lộ ở các nét mặt sợ hãi và nét mặt ngạc nhiên.

Tóm lại, có chứng cứ thuyết phục về tính phổ biến qua các nền văn hóa trong cách thức biểu lộ và phán đoán các dạng xúc cảm căn bản. Bởi vì dân Tân Guinea sống cô lập như thế, nên họ không thể nào bắt chước được người phương Tây để nhận biết và diễn tả qua nét mặt. Trái lại, khả năng và cách thức phản ứng xúc cảm tương đồng ấy của họ có lẽ do bẩm sinh mà có. Dĩ nhiên, có thể áp luận rằng các kinh nghiệm học hỏi tương đồng trong cả hai nền văn hóa đã khiến cho hai dân tộc có hành vi vô ngôn giống nhau. Nhưng lập luận này dường như không đúng, bởi vì hai nền văn hóa rất khác biệt nhau về nhiều mặt. Như vậy, có thể kết luận rằng cách biểu lộ các dạng xúc cảm căn bản được xem là phổ biến khắp các chủng tộc.

7. Tóm tắt và học ôn III

A. TÓM TẮT:

– Xúc cảm là trạng thái tình cảm thường bao gồm cả yếu tố sinh lý lẫn yếu tố thuộc hoạt động trí tuệ.

– Xúc cảm đảm nhận một số chức năng, bao gồm vai trò chuẩn bị cho hành động của chúng ta, uốn nắn hành vi tương lai của chúng ta, và quy định tương tác xã hội.

– Một số biến đổi sinh lý xảy ra kèm theo trạng thái xúc cảm mạnh, bao gồm thở gấp, nhịp tim tăng lên, con ngươi mở lớn, miệng khô, mồ hôi toát ra, và cảm giác lông tóc “dựng đứng lên”.

– Các lý thuyết giải thích hiện tượng xúc cảm chủ yếu là lý thuyết James – Lange, lý thuyết Cannon –Bard, và lý thuyết Schachter – Singer.

B. HỌC ÔN:

1/ Xúc cảm luôn luôn được kèm theo bởi một phản ứng nhận thức trên bình diện trí tuệ. Đúng hay sai?…

2/ Lý thuyết… về xúc cảm phát biểu rằng xúc cảm là phản ứng đối với các sự kiện có tính bản năng của cơ thể.

3/ Các sự kiện cơ thể miêu tả ở câu hỏi 2 được xem là các phản ứng…

4/ Mỗi dạng cảm xúc đi kèm bởi một số phản ứng sinh lý đặc thù, và như vậy minh chứng cho lý thuyết James – Lange về hiện tượng xúc cảm. Đúng hay Sai?

5/ Theo lý thuyết xúc cảm của…, cả phản ứng xúc cảm lẫn tình trạng cảnh giác sinh lý đều phát sinh đồng thời do các xung lực thần kinh tác động. Lúc đầu người ta cho rằng các xung lực thần kinh xuất phát từ…

6/ Một người bạn bảo bạn rằng: “Đêm qua tôi đã dự một buổi tiệc. Trong suốt buổi tối, nói chung tôi cảm thấy phấn khởi. Bởi vì buổi tiệc gồm toàn những người hạnh phúc, nên tôi chắc rằng mình hẳn phải sung sướng. Người bạn ấy muốn ám chỉ đến lý thuyết xúc cảm nào?

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Căn cứ vào kiến thức sẵn có về phản ứng sinh lý liên hệ đến cảm xúc, bạn có cho rằng nên sử dụng máy dò nói dối hoặc nhiều biểu đồ đo lường biến đổi của một số yếu tố sinh lý vào các trường hợp phạm pháp để xác định một cá nhân có tội hay vô tội không? Có nên sử dụng các phương tiện này vào lãnh vực kinh doanh để chứng thực lời khai của nhân viên về các vấn đề như sử dụng ma túy, hoặc dùng như một biện pháp đề tuyển dụng và thuê mướn nhân viên không?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.