Thế Giới Nghịch
Chương 041
Những ngày đầu tiên của Dave trong gia đình Kendall diễn ra tốt đẹp đến mức đáng ngạc nhiên. Khi ra ngoài nó đội mũ lưỡi trai, chiếc mũ giúp cải thiện dáng vẻ bề ngoài của nó rất nhiều. Với bộ tóc đã được tỉa tót, cái quần jean kèm giày thể thao và một chiếc áo hiệu Quicksilver, trông nó chẳng có gì khác biệt so với những đứa trẻ khác. Và nó học rất nhanh. Nó có khả năng phối hợp thao tác rất tốt, và dưới sự hướng dẫn của Lynn, nó học viết tên mình một cách dễ dàng. Học đọc có vẻ khó khăn hơn với nó.
Dave chơi giỏi những môn thể thao cuối tuần mặc dù đôi khi việc đó cũng khiến người khác hơi bối rối. Trong một trận Little League(17), một cú ném bóng bổng rời khỏi sân bóng bay về phía khu lớp học cao hai tầng; Dave chạy lại đó, leo lên tường, và chụp bóng ở cửa sổ tầng hai. Bọn trẻ chứng kiến chiến công này bằng một cảm giác hâm mộ pha lẫn ghen tức. Làm vậy không công bằng; chúng chỉ muốn thấy cửa sổ vỡ tan ra. Nhưng ngược lại thì ai cũng muốn Dave gia nhập đội bóng chày của mình.
(17) Liên đoàn bóng chày Mỹ dành cho trẻ em.
Vì vậy nên Lynn mới ngạc nhiên khi một trưa thứ Bảy nọ, Dave về nhà sớm. Trông nó rất buồn.
“Chuyện gì vậy?” Cô hỏi.
“Con không thích nghi được.”
“Thỉnh thoảng ai cũng cảm thấy như vậy mà.” Cô nói.
Nó lắc đầu. “Tụi nó nhìn con.”
Cô ngừng lại. “Con không giống mấy đứa trẻ khác mà.”
“Ừm.”
“Tụi nó trêu chọc con à?”
Nó gật đầu. “Thỉnh thoảng.”
“Tụi nó làm gì?”
“Ném đồ. Gọi biệt hiệu của con.”
“Biệt hiệu gì?”
Nó cắn chiếc môi dày của mình. “Nhóc Khỉ.” Nó rơm rớm nước mắt.
“Vậy thì tệ quá.” Cô nói. “Mẹ tiếc lắm.” Cô gỡ mũ lưỡi trai của nó ra và bắt đầu vuốt đầu và gáy nó. “Mấy đứa nhỏ có khi cũng xấu tính lắm.”
“Thỉnh thoảng cảm xúc của con bị tổn thương.” Nó nói. Buồn bã, nó quay lưng về phía cô. Nó cởi áo ra. Cô đưa ngón tay dò khắp đám lông tìm vết bầm và những vết thương khác. Khi làm vậy, cô thấy nó đang thư giãn. Nhịp thở của nó chậm lại. Tâm trạng của nó dường như khá hơn.
Chỉ một lúc sau cô mới nhận ra mình đang chải chuốt cho nó, giống như khi chải chuốt cho nhau ngoài thiên nhiên hoang dã vậy. Con này đưa lưng ra để con kia gỡ gỡ nhặt nhặt trong đám lông tóc.
Cô quyết định sẽ làm như vậy mỗi ngày. Chỉ để cho Dave thoải mái hơn.
Từ khi Dave xuất hiện, mọi thứ trong đời Lynn đã thay đổi. Mặc dù Dave rõ ràng là trách nhiệm của Henry nhưng con tinh tinh này ít có biểu hiện quan tâm đến anh. Nó bị cô thu hút ngay lập tức. Và có gì đó trong cách cư xử của nó, hay trong dáng vẻ của nó – đôi mắt đầy xúc cảm của nó ư? Kiểu cách trẻ con của nó ư? – làm lòng cô dấy lên một mối thương cảm. Cô bắt đầu tìm hiểu về tinh tinh qua sách vở và biết rằng vì tinh tinh cái có nhiều bạn tình khác nhau nên chúng không biết con đực nào là bố của tinh tinh con cả, và do đó tinh tinh không hiểu khái niệm về cha hay tình cha là gì cả. Tinh tinh chỉ có mẹ. Dave có vẻ từng là một đứa trẻ bị ngược đãi, không được người mẹ tinh tinh thực sự của nó chăm sóc. Nó nhìn về phía Lynn với một sự khao khát không hề giấu giếm và cô đáp lại. Những cảm xúc này rất sâu sắc và hoàn toàn không một ai mong đợi trước cả.
“Mẹ, nó không phải con của mẹ.” Tracy vừa hét lên. Tracy đang ở cái tuổi rất khát khao được bố mẹ chú ý. Con bé rất hay ghen tị với bất cứ thứ gì khiến bố mẹ chú ý tới.
“Mẹ biết, Trace.” Lynn nói. “Nhưng nó cần mẹ.”
“Mẹ! Nó không phải trách nhiệm của mẹ mà!” Con bé đưa hai bàn tay lên với một điệu bộ rất kịch.
“Mẹ biết.”
“Vậy thì mẹ để nó một mình đi được không?”
“Mẹ quan tâm tới nó quá nhiều à?”
“Ừ thì… phải đấy!”
“Mẹ xin lỗi, mẹ không biết.” Cô quàng tay quanh con gái, ôm cô bé vào lòng.
“Đừng coi con như khỉ thế.” Tracy nói rồi đẩy mẹ ra.
Nhưng suy cho cùng hai người đều là Linh trưởng cả. Con người là dã nhân. Càng gần gũi với Dave, Lynn càng ý thức được một sự thật khó chấp nhận về đặc điểm chung giữa người và dã nhân: chải chuốt, đụng chạm, chú ý về hình thể như một nguồn thư giãn. Mắt nhìn xuống khi bị dọa dẫm, hoặc khi biểu hiện sự bất mãn, hoặc khi tỏ ý phục tùng. (Khi Tracy chơi với bạn trai của con bé cũng vậy, ve vãn bằng cặp mắt nhìn xuống dưới.) Nhìn thẳng vào mắt có nghĩa là ta đang dọa dẫm, một biểu hiện của sự giận dữ. Da gà nổi lên mỗi khi ta sợ sệt hay giận dữ – cũng chính những cơ da này làm cho lông của một con Linh trưởng xù lên để tạo vẻ bề ngoài lớn hơn trước mối hiểm nguy. Ngủ chung với nhau, co cụm lại như trong tổ…
Vân vân và vân vân.
Dã nhân.
Họ đều là dã nhân cả.
Sự khác biệt lớn nhất dường như ngày càng thể hiện rõ ở lông tóc. Mình mẩy Dave đầy lông lá; những người xung quanh nó thì lại không như vậy. Theo những gì cô đọc được, quá trình rụng lông xảy ra sau khi con người tách ra khỏi tinh tinh. Lý giải thường đưa ra là đã có thời con người là sinh vật đầm lầy, hay sinh vật ưa nước. Bởi lẽ hầu hết loài thú có vú đều có lông – lớp lông của chúng cần thiết để giúp duy trì nhiệt độ cơ thể. Nhưng thú có vú dưới nước, chẳng hạn cá heo và cá voi, mất đi lớp lông này để di chuyển dưới nước dễ dàng hơn. Và cả con người nữa, con người cũng không còn lớp lông.
Nhưng đối với Lynn mà nói, điều lạ lẫm nhất chính là cái cảm giác khôn nguôi Dave vừa là người vừa không phải người. Cô cũng chẳng biết phải đối phó với cảm giác đó như thế nào nữa. Và mỗi một ngày trôi qua, cảm giác đó lại cảng khó dứt bỏ hơn.
VỤ KIỆN GIEN CANAVAN KẾT THÚC
QUY CHUẨN ĐẠO ĐỨC VỀ BẢO HỘ GIEN
GÂY NHIỀU TRANH CÃI
Bệnh Canavan là một rối loạn gien di truyền gây tử vong ở trẻ em trong những năm đầu sau khi sinh. Năm 1982, vợ chồng nhà Dan Greenberg biết tin đứa con trai chín tháng tuổi của họ mắc căn bệnh này. Khi đó do chưa có xét nghiệm gien nên gia đình Greenberg tiếp tục có thêm một đứa con nữa, lần này là một bé gái cũng bị chẩn đoán mang căn bệnh này.
Gia đình Greenberg muốn những gia đình khác tránh được trường hợp đau lòng như gia đình họ nên đã thuyết phục nhà di truyền học Reuben Matalon nghiên cứu cách xét nghiệm bệnh Canavan ở giai đoạn tiền sản. Ông bà Greenberg đã hiến mô của chính mình và của những đứa con đã chết, vận động thu thập mô từ những gia đình mắc bệnh Canavan trên khắp thế giới. Cuối cùng, vào năm 1993, gien gây bệnh Canava đã được tìm thấy. Và các gia đình trên khắp thế giới đã có thể tiến hành xét nghiệm tiền sản miễn phí để phát hiện ra bệnh này.
Điều mà gia đình Greenberg không biết đó là Bệnh viện Nhi đồng Miami đã đăng ký bảo hộ gien này và sau đó đòi hỏi mức phí cao cho các xét nghiệm tiếp theo. Nhiều gia đình trước đây đã góp mô và ngân sách nhằm giúp tìm ra gien này giờ đây không đủ khả năng tài chính để làm xét nghiệm. Năm 2003, gia đình Greenberg và các bên liên đới khác kiện Matalon và Bệnh viện Nhi đồng Miami, cáo buộc họ đã vi phạm giao ước ưng thuận có ý thức, làm giàu bất chính, che giấu các vụ lừa đảo, và biển thủ bí mật kinh doanh. Vụ kiện được dàn xếp ngoài tòa. Hệ quả là, xét nghiệm này càng được phổ biến rộng hơn, mặc dù Bệnh viện Nhi đồng Miami vẫn thu phí. Quy chuẩn đạo đức trong cách hành xử của các bác sĩ và bệnh viện liên quan trong vụ việc này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Tin tâm lý học
NGƯỜI LỚN KHÔNG CÒN TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN NỮA
Nhà nghiên cứu người Anh chỉ trích Giáo dục Chính quy, các Giáo sư, các Nhà khoa học là “non nớt thấy rõ”
Nếu bạn tin những người trưởng thành xung quanh bạn hành xử như trẻ con, có lẽ bạn đúng. Trong thuật ngữ kỹ thuật, hành vi đó gọi là “hình thái ấu trùng tâm lý”, trong đó hành vi trẻ con vẫn tồn tại trong giai đoạn trưởng thành. Và hiện tượng này đang ngày càng tăng.
Theo bác sĩ Bruce Charlton, nhà tâm thần học tiến hóa tại Đại học Newcastle upon Tyne, ngày nay con người trải qua quá trình lâu hơn để đạt đến độ chín chắn về mặt tinh thần – và nhiều người chẳng bao giờ đạt đến giai đoạn này cả.
Charlton tin rằng đây là sản phẩm phụ ngẫu nhiên của giáo dục chính quy đã tồn tại đến tận những năm hai mươi. “Giáo dục chính quy đòi hỏi người học phải có một trạng thái tâm lý tiếp nhận cái mới như ở trẻ con.” Mà trạng thái này “sẽ đối nghịch với quá trình đạt được độ chín chắn về tâm lý” thường xảy ra ở cuối độ tuổi thiếu niên hoặc trong hai mươi năm đầu đời.
Ông lưu ý rằng “các nhà học thuật, giáo viên, nhà khoa học và nhiều chuyên gia khác thường có hành vi non nớt dễ nhận thấy”. Ông gọi họ là những người “khó đoán, không cân bằng trong việc sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên, và có khuynh hướng phản ứng thái quá”.
Xã hội nguyên thủy, như thời kỳ con người còn hái lượm, ổn định hơn bây giờ và do đó con người đạt tới giai đoạn trưởng thành ở độ tuổi thiếu niên. Ngày nay, với tốc độ phát triển xã hội nhanh chóng và con người ngày càng ít dựa vào sức mạnh thể chất, giai đoạn trưởng thành thường bị trì hoãn, ông nhấn mạnh rằng những cột mốc đánh dấu giai đoạn trưởng thành như tốt nghiệp đại học, hôn nhân, và sinh con đầu lòng nếu trước đây xảy ra ở những độ tuổi nhất định thì ngày nay lại trải dài nhiều chục năm.
Do đó, ông nói: “Hiểu theo một ý nghĩa quan trọng về mặt tâm lý, một số người hiện đại chưa bao giờ thực sự trở thành người lớn.”
Charlton cho rằng hiện tượng này có thể mang tính chất thích nghi. “Sự linh hoạt về tác phong, hành vi, và kiến thức mang hơi hướng trẻ con” có thể giúp ích trong việc tìm ra phương hướng giải quyết nhiều biến đổi không ổn định của thế giới hiện đại, một thế giới mà theo lời ông người ta thường xuyên thay đổi công việc, học những kỹ năng mới, dọn tới chỗ ở mới. Nhưng để thích nghi được như vậy con người phải đánh đổi lấy “một nhịp chú ý ngắn, một thôi thúc cuồng điên muốn tìm kiếm những thứ mới lạ, những chu kỳ thay đổi thời trang tùy tiện càng lúc càng thu hẹp, và… một sự nông cạn về cảm xúc và đời sống tinh thần trong mọi khía cạnh”. Ông nói thêm rằng con người hiện đại “thiếu sự sâu sắc trong tính cách thường thấy trong quá khứ”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.