Thế Giới Nghịch
Chương 082
Chúng ta chẳng bao giờ muốn vậy cả, Henry Kendall nghĩ bụng. Khách khứa! Anh kinh ngạc đứng nhìn Lynn quàng tay quanh Alex Burnet rồi cúi người ôm đứa con Jamie của Alex. Alex và Jamie vừa tới, tới mà không báo trước. Hai người phụ nữ vào bếp lấy thức ăn cho Jamie, vừa đi vừa háo hức trò chuyện, vung vẩy hai tay, hớn hở vì gặp nhau. Trong khi đó, con trai Jamie của anh và Dave đang chơi trò Drive or Die! trên máy Playstation. Tiếng kim loại bị nghiền răng rắc và tiếng bánh xe rít lên tràn ngập căn phòng.
Henry Kendall cảm thấy choáng ngợp. Anh bước vào phòng ngủ và cố nghĩ thông suốt mọi chuyện. Anh vừa mới từ đồn cảnh sát về, ở đó anh đã xem lại băng ghi hình an ninh ở sân chơi vào ngày hôm kia. Chất lượng hình ảnh không tốt lắm – cảm ơn Chúa – bởi vì hình ảnh thằng nhóc Billy ấy đấm đá con anh kinh khủng đến nỗi anh hầu như không thể xem được. Anh phải quay mặt khỏi màn hình nhiều lần. Còn tụi nhóc kia, cái băng nhóm trượt ván ấy, tất cả bọn nó phải vào tù mới phải. Nếu may mắn một chút thì bọn nó cũng sẽ bị đuổi học.
Nhưng Henry biết chuyện sẽ không dừng ở đó. Chuyện chưa bao giờ dừng lại cả. Ngày nay ai cũng thích kiện cáo, và nhất định bố mẹ của mấy thằng nhóc trượt ván sẽ đâm đơn kiện xin phục hồi danh dự cho đám nhóc. Họ sẽ kiện gia đình Henry, rồi họ sẽ kiện Jamie và Dave. Và từ những vụ kiện cáo đó chắc chắn sẽ lòi ra chuyện chẳng có hội chứng nào gọi là hội chứng Gandalf-Crikey hay hội chứng gì khác mà Lynn đã bịa ra cả. Chắc chắn sẽ lòi ra chuyện Dave thực tế là một con tinh tinh chuyển gien.
Rồi thì sao nữa? Một gánh xiếc truyền thông ngoài sức tưởng tượng. Phóng viên cắm trại nhiều tuần trên bãi cỏ sân trước. Gia đình anh đi đến đâu sẽ bị săn đuổi đến đó. Họ sẽ bị ghi hình ngày đêm bằng máy quay điệp viên. Đời sống của họ bị phá hoại. Và đến lúc đám phòng viên bắt đầu chán chường thì đám người sùng giáo và những nhà môi trường sẽ nhảy vào. Henry và gia đình anh sẽ bị gọi là những Kẻ Vô thần. Họ sẽ bị gọi là tội phạm. Họ sẽ bị gọi là những kẻ nguy hiểm, là những kẻ phi Mỹ, và là những kẻ gây hiểm họa đối với sinh quyển. Trong tâm trí anh, anh hình dung ra cảnh các bình luận viên truyền hình nói nhiều thứ tiếng hỗn độn – tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Nhật – ai cũng huyên thuyên, kèm theo hình anh và Dave trên màn hình.
Và đó mới chỉ là khởi đầu.
Dave sẽ bị dẫn đi. Henry có thể sẽ phải ngồi tù. (Mặc dù anh không nghĩ vậy; các nhà khoa học đã vi phạm luật lệ về thử nghiệm gien cả hai thập kỷ nay rồi, và chưa ai đi tù cả, ngay cả khi bệnh nhân tử vong.) Nhưng chắc chắn anh sẽ bị cấm nghiên cứu. Anh có thể bị đá ra khỏi phòng thí nghiệm trong một năm hoặc hơn. Anh sẽ nuôi sống gia đình bằng cách nào đây? Lynn không thể một mình gồng gánh được và công việc làm web của cô ấy gần như chắc chắn sẽ chẳng tiến triển được. Và chuyện gì sẽ xảy ra với Dave? Rồi con trai anh nữa? Tracy nữa? Và còn cộng đồng của họ thì sao? La Jolla là thành phố khá tự do (suy cho cùng thì là nhiều vùng ở La Jolla), nhưng người ta có thể sẽ không chấp nhận cái ý niệm người tinh tinh đi học cùng con của họ. Một ý niệm cấp tiến, nhất định là vậy rồi. Người ta chưa sẵn sàng chấp nhận nó. Những người theo chủ nghĩa tự do cũng chỉ tự do đến một mức nào đó.
Gia đình anh có thể sẽ phải dọn nhà đi nơi khác. Họ có thể sẽ phải bán nhà và đi đến một nơi xa xôi nào đó, như bang Montana chẳng hạn. Mặc dù ở đó có lẽ người ta thậm chí sẽ còn ít chấp nhận họ hơn.
Những ý nghĩ này với nhiều ý tưởng khác vụt qua tâm trí anh, giữa tiếng xe rít bánh và đâm vào nhau, và giữa tiếng vợ anh và cô bạn đang cười đùa trong bếp. Anh cảm thấy choáng ngợp. Và giữa cảm giác ấy, giữa tâm điểm của mọi thứ, là cảm giác tội lỗi sâu sắc trong anh.
Có một điều rất rõ ràng. Anh phải trông coi mấy đứa con của mình. Anh phải biết chúng ở đâu. Anh không thể mạo hiểm để những sự cố như chuyện đã xảy ra ngày hôm kia tái diễn. Lynn đã giữ các con ở nhà thêm một thời gian nữa, định bụng sau một thời gian mới cho chúng đi học, để không xảy ra sự cố nào với những đứa lớn khác ở trường. Thằng nhóc Cleever ấy là một mối họa, và không nhiều khả năng nó sẽ bị bỏ tù. Người ta chắc sẽ dọa cho nó một trận rồi giao cho bố nó trông nom là xong. Bố nó, Henry biết, là một nhà phân tích quốc phòng làm việc cho một nhóm chuyên gia cố vấn ở địa phương và là một gã thích súng ống cực kỳ. Một trong những gã trí thức có sở thích bắn cái này cái kia. Một nhà tri thức đầy nam tính. Không thể nói trước được chuyện gì có thể xảy ra.
Anh quay sang kiện hàng mà anh đã mang về từ phòng thí nghiệm. Trên kiện có ghi TrackTech Industries, thành phố Chiba, Nhật Bản. Bên trong là năm ống bạc sáng bóng dài 2,54 cm, nhỏ hơn ống hút một chút. Anh lôi mấy cái ống ra nhìn. Những tuyệt tác thu nhỏ này có tích hợp công nghệ định vị toàn cầu, cũng như có cả thiết bị theo dõi nhiệt độ, mạch đập, hô hấp và huyết áp. Chúng được kích hoạt bằng cách chạm vào một miếng nam châm ở một đầu. Đầu ống ánh lên màu xanh dương một lần rồi tắt ngóm.
Chúng được thiết kế để theo dõi những con Linh trưởng trong phòng thí nghiệm, khỉ và khỉ đầu chó. Ống được cấy vào con vật bằng một dụng cụ giải phẫu đặc biệt trông như một ống tiêm quá cỡ. Ống được đặt dưới lớp da ở phần cổ, ngay trên xương đòn. Henry dĩ nhiên không thể làm vậy với bọn trẻ. Vì vậy câu hỏi đặt ra là, phải đặt ống ở đâu?
Anh vào lại phòng khách nơi tụi nhỏ đang chơi. Để cảm biến trong cặp sách bọn nó ư? Không được. Để ở dưới cổ áo bọn nó ư? Anh lắc đầu. Bọn nó sẽ thấy cộm và phát hiện ra.
Vậy thì ở đâu?
Cái dụng cụ giải phẫu ấy rất được việc. Thiết bị được cài suôn sẻ vào phần cao su dưới gót giày thể thao. Anh nhét dưới giày của Dave, rồi giày của Jamie, và rồi, trong một cơn bốc đồng, anh ra ngoài lấy cả chiếc giày của Jamie, con trai Alex.
“Để làm gì ạ?” Jamie nói.
“Chú cần đo nó. Chút nữa chú trả lại.”
Anh nhét một thiết bị cảm biến vào chiếc giày thứ ba.
Còn lại hai thiết bị. Henry nghĩ ngợi một hồi lâu. Anh nghĩ ra được nhiều khả năng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.