64 Nước Cờ Trên Bàn Thương Lượng

34. NGHỆ THUẬT HÒA GIẢI



Như đã giải thích ở Chương 12, chỉ có một cách duy nhất để giải quyết thế bế tắc đó là đưa bên thứ ba vào làm nhà hòa giải hay trọng tài. Thế bế tắc là khi “Việc thiếu tiến triển đã khiến hai bên bực bội đến mức không muốn nói chuyện với nhau nữa.” Vụ đình công của UPS cuối những năm 1990 đã đi đến giai đoạn đó. Cả hai bên đều không muốn nói đến cuộc gặp tiếp theo nữa vì sẽ chẳng đi đến đâu. Bộ trưởng Bộ Lao động Alexis Herman trở thành người hòa giải và đã khiến họ nhượng bộ, giải quyết những bất đồng. (Có lẽ tôi nói hơi quá nhưng ít nhất là bà đã giúp hai bên ký được một bản hợp đồng lao động mới).

Giữa hòa giải và trọng tài có sự khác biệt lớn và bạn cũng không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Người hòa giải không có quyền phán xét hay phán quyết về việc ai đúng ai sai. Họ sẽ dùng các kỹ năng của mình nhằm một giải pháp. Trường hợp dùng trọng tài là khi cả hai bên đều đồng ý ngay từ đầu là họ sẽ chấp nhận những gì mà trọng tài cho là công bằng. Mỗi bên đều cho trọng tài quyền được phán xét hoặc đưa ra một giải pháp. Ở đây tôi nói đến việc trọng tài có ràng buộc, hãy xem chương tiếp theo nói về sự khác biệt giữa việc trọng tài ràng buộc và không ràng buộc.

Trong trường hợp hòa giải, cả hai bên đều gặp nhau và mong muốn được thỏa hiệp. Họ muốn đạt được một thỏa thuận chấp nhận được cho cả hai bên. Một thỏa thuận không phải lúc nào cũng đạt được vì cần sự đồng ý của cả hai bên. Trong trường hợp nhờ trọng tài, hai bên đều muốn chiến thắng. Họ hy vọng trọng tài sẽ thấy họ đúng còn bên kia sai. Họ sẽ cố gắng đến cùng với hy vọng trọng tài sẽ “quyết định” ưu tiên cho mình. Với trường hợp này, hai bên luôn đạt được một thỏa thuận vì trọng tài có quyền ép hai bên phải chấp nhận “quyết định” của mình.

Bạn cũng có thể thấy cả hòa giải và phân xử được áp dụng trong cùng một vụ tranh chấp. Chẳng hạn, khi nhân viên của GM đình công năm 1997, họ và công ty đã dàn xếp nhằm tiến tới một giải pháp. Tuy nhiên, họ phải áp dụng phân xử với một phần nội dung tranh chấp. Liệu đây có phải là một cuộc đấu tranh pháp lý hay không?

Tầm quan trọng của việc hòa giải

Quá trình hòa giải đang ngày càng phổ biến. Việc giải quyết vấn đề bằng cách kiện ra tòa ngày càng trở nên ít hiệu quả. Bằng cách hòa giải một cuộc tranh chấp, các bên đang góp phần giúp cho hệ thống tòa án xử lý những vụ việc quan trọng hơn. Hòa giải có nhiều lợi thế hơn so với việc kiện tụng. Nó ít tốn kém hơn nhiều so với việc kiện tụng. Trừ khi bạn có thể thuê một luật sư làm việc cho mình trên cơ sở tùy thuộc, nghĩa là họ sẽ không được gì nếu bạn thua. Luật sư có thể tính toán với bạn rất nhiều khoản tiền cho những hoạt động điều tra trước khi xét xử đầy tốn kém để lấy lời khai từ bất kỳ ai dù chỉ liên quan chút ít và còn rất nhiều công việc chuẩn bị khác.

Ngoài việc đỡ tốn kém hơn, việc hòa giải cũng nhanh chóng hơn. Để một vụ án dân sự được mang ra xét xử phải mất hàng tháng, có thể hàng năm và trước khi xét xử thẩm phán vẫn sẽ yêu cầu hai bên trước tiên hãy cố gắng hòa giải. Có thể hòa giải một vấn đề chỉ mất vài tiếng sau khi hai bên đồng ý hòa giải. Người hòa giải không cần nhiều thời gian để chuẩn bị vì như thế sẽ làm mất đi tính trung lập. Họ chỉ chuẩn bị bằng cách tìm hiểu quan điểm của hai bên. Một vụ án dân sự ít khi được mang ra tòa xét xử. Do những vấn đề chi phí, chờ đợi kéo dài và việc thẩm phán không muốn đưa vào lịch xét xử những vấn đề có thể giải quyết được bằng hòa giải hay phân xử nên rất ít tranh chấp dân sự được mang ra tòa.

Hai bên không thể kháng cáo phương án giải quyết thông qua hòa giải. Trong một vụ kiện, bạn có thể giành được kết quả có lợi cho mình nhưng kết quả đó có thể bị trì hoãn hoặc thậm chí là đảo ngược khi bị kháng cáo. Bị đơn có thể làm hồ sơ phá sản để không phải trả tiền theo kết quả vụ kiện. Còn với việc hòa giải, cả hai bên đều đồng ý với phương án giải quyết và có nhiều khả năng sẽ tuân theo phương án đó. Nếu cả hai bên đồng ý trước là họ sẽ hòa giải bất kỳ tranh chấp nào, họ có thể tiến hành một cách tự tin là sẽ không bao giờ phải dính vào một vụ kiện khó chịu nào nữa.

Người hòa giải hiểu vấn đề tốt hơn một thẩm phán vì thường mọi người sẽ chọn người hòa giải là một chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến tranh chấp. Một chuyên gia bất động sản sẽ hòa giải về vấn đề xây dựng. Một chuyên gia lao động việc làm sẽ hòa giải tranh chấp lao động. Người hòa giải là chuyên gia sẽ hiểu rõ vấn đề hơn một thẩm phán. Việc hòa giải cũng ít ảnh hưởng đến quan hệ của các bên hơn. Bạn chỉ có thể đạt được thỏa thuận thông qua hòa giải khi cả hai bên đều đồng ý với thỏa thuận đó. Với việc phân xử hoặc vụ kiện dân sự thì lại khác. Các bên trong một cuộc hòa giải có thể tiếp tục mối quan hệ mà không có hận thù, ganh ghét. Tất cả các chi tiết đều được giữ bí mật. Các nhà hòa giải đều hiểu rằng họ không bao giờ được tiết lộ các thông tin về cuộc hòa giải kể cả nhiều năm sau này. Tất cả những ghi chép của người hòa giải đều được hủy đi, chỉ còn thỏa thuận cuối cùng được giữ lại. Trong khi đó, các vụ kiện tụng sẽ trở thành vấn đề công khai. Việc giữ bí mật có thể là một lợi thế quan trọng cho người hoặc công ty không muốn bị phát hiện là mình từng mắc sai lầm hoặc không muốn tiết lộ rằng họ đã từng đưa ra một đề nghị hòa giải.

Tại sao hòa giải lại có hiệu quả?

Đừng ngần ngại khi dùng phương pháp hòa giải để giải quyết một tranh chấp. Đừng nghĩ là: “Tôi không muốn đưa sếp mình vào việc này vì như thế có nghĩa là tôi thừa nhận mình không biết cách thương lượng tốt để dàn xếp vụ này.” Điều đó không có nghĩa là bạn phải đưa vào một Nhà thương lượng giỏi hơn chỉ vì có nhiều lý do khiến cho việc thương lượng hiệu quả hơn khi ban đầu các bên không thể đi đến thống nhất.

Một nhà hòa giải có thể đến gặp riêng từng bên và gợi ý để họ có quan điểm hợp lý hơn. (Một trọng tài thậm chí có thể buộc hai bên phải tuân theo điều này bằng cách đề nghị mỗi bên đưa ra một giải pháp cuối cùng trong vòng 24 giờ để anh ta chọn ra phương án giải quyết hợp lý khiến cho mỗi bên phải cố đưa ra một kế hoạch hấp dẫn hơn, gần như một cuộc đấu giá ý tưởng không công khai).

Nhà hòa giải biết lắng nghe mỗi bên tốt hơn vì anh ta không phải sàng lọc thông tin qua cái nhìn định kiến. Vì không liên quan nhiều nên anh ta có thể nghe thấy những điều mà người đối lập sẽ không thể nghe thấy. Anh ta có thể thuyết phục tốt hơn vì cả hai bên đều coi anh ta là không có gì nhiều để mất. Như tôi đã từng chỉ ra trong cuốn sách Bí quyết thuyết phục hiệu quả, bạn sẽ mất đi đáng kể khả năng thuyết phục nếu người nghe nghĩ là bạn có lợi ích gì ở đây. Chẳng hạn, một khách hàng sẽ dễ tin vào một người bán hàng hơn nếu anh ta biết là người bán hàng đó không được hoa hồng từ vụ mua bán.

Khi thương lượng trực tiếp, bạn thường giả định là nếu đối phương “quăng chài” nghĩa là họ sẽ dễ dàng chấp nhận những gì họ đề xuất hơn. Nhà hòa giải có thể đến gặp từng bên và đề xuất một giải pháp mà không cần phải cho biết là đối phương của họ có sẵn sàng tuân theo hay không. Anh ta cũng có thể khiến hai bên quay lại bàn thương lượng mà không cần phải hứa sẽ nhân nhượng. Anh ta thường là một chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, có thể mang lại một cái nhìn mới mẻ cho cả hai bên và có kinh nghiệm giải quyết những tranh chấp tương tự. Ngoài những kỹ năng mà kinh nghiệm này mang lại, người hòa giải còn có thể mang lại tầm nhìn về một giải pháp công bằng và hợp lý.

Việc nhà hòa giải được coi là trung lập rất quan trọng

Như tôi đã nói ở Chương 12, nhà hòa giải hoặc trọng tài phải được hai bên coi là trung lập. Nếu không được coi là trung lập thì anh ta sẽ không thể làm việc hiệu quả. Vì lý do đó, nhà hòa giải phải ra sức củng cố hình ảnh trung lập. Nhà hòa giải chuyên nghiệp sẽ không nhận nhiệm vụ này nếu họ đã từng có quan hệ làm ăn hoặc thân quen với một bên chứ không phải cả hai bên. Không phải tình thân hay quan hệ công việc mà hình ảnh trung lập mới là vấn đề. Nếu thân quen hoặc đã từng làm ăn với cả hai bên với mức độ như nhau thì anh ta vẫn có thể hoạt động hiệu quả.

Đôi khi nhà hòa giải bắt đầu quá trình với sự tin tưởng rồi nhận ra mình biết một trong những người liên quan thì anh ta nên giải thích tình thế cho cả hai bên và xin rút lui. Nếu không ai phản đối thì anh ta vẫn có thể tiếp tục nhưng sẽ phải giải quyết dứt điểm vấn đề trên. Một nhóm các nhà tâm lý từng tiến hành một nghiên cứu xác định tác động của một nhà hòa giải trung lập đối với quá trình hòa giải. Một trong những điều họ cần tìm hiểu là sẽ phải làm gì nếu nhà hòa giải không được coi là trung lập. Câu trả lời mà họ gặp chỉ là điều bình thường khi bạn nghĩ đến. Nhà hòa giải có thể vượt qua cảm giác thiên vị một bên bằng cách nhanh chóng nhân nhượng cho bên kia. Câu chuyện sau đây sẽ minh họa điều này trong thực tế.

Tôi từng tham gia một cuộc thương lượng trong vụ mua bán công ty này cho công ty khác. Chúng tôi có hai nhóm luật sư tham gia, cố gắng giải quyết những bất đồng giữa hai bên. Sau nhiều tuần thương lượng, có vẻ như chúng tôi đã hoàn toàn bế tắc. Một luật sư rất thông minh giải quyết được thế bế tắc này khi nói: “Việc này rõ ràng sẽ mất nhiều thời gian hơn tôi nghĩ. Chiều nay tôi phải tới tòa nên đồng nghiệp của tôi, Joe, sẽ thay tôi chiều nay.”

Khi luật sư đầu tiên đến tòa chiều hôm đó, Joe đã tới thay anh ta. Joe hoàn toàn là người mới trong tình huống này. Do đó mỗi bên lại phải giải thích tình hình thương lượng và Joe đã phải rất vất vả để định vị mình là người trung lập. Anh đã làm được điều này bằng cách nói: “Chúng ta ép họ thế có công bằng không? Có lẽ chúng ta nên nhượng bộ một chút ở đây.” Điều này sẽ khiến đối phương nghĩ: “Anh ta có vẻ biết điều hơn người trước.

Có lẽ cuối cùng chúng ta sẽ có cách giải quyết.” Bằng cách định vị mình là người trung lập, Joe đã có thể tìm ra những điểm chung trong cuộc thương lượng để giúp hai bên vượt qua thế bế tắc. Bất cứ khi nào bị rơi vào thế bế tắc, bạn hãy thử đưa người thứ ba là người được đối phương coi là tương đối trung lập vào cuộc.

Việc định vị mình là trung lập có thể mất nhiều năm

Tổng thống Carter đã rất thành công khi đứng ra hòa giải giữa người Israel và người Ai Cập ở Trại David cuối những năm 1970 vì ông được cả hai bên coi ở vị trí trung lập. Mỹ phải mất nhiều năm mới có thể định vị mình là trung lập đối với Ai Cập. Các nhà lãnh đạo Ai Cập luôn coi người Mỹ là kẻ thù còn Liên Xô là bạn của họ. Henry Kissinger nhận thấy một cơ hội quan trọng để thay đổi điều này và đã nắm ngay lấy nó. Đó là lần ông ở văn phòng của Anwar el Sadat khi Sadat đang cố gắng thuyết phục Liên Xô dọn dẹp khu Kênh đào Suez đang bị đóng cửa do xác tàu đắm trong chiến tranh. Họ muốn nhanh chóng đưa kênh đào này trở lại hoạt động vì các khoản lệ phí từ tàu bè qua lại con kênh này vốn là xương sống của nền kinh tế Ai Cập.

Liên Xô có lẽ cũng sẵn sàng làm việc này nhưng vì hệ thống quan liêu quá lớn nên họ chưa thể làm nhanh được. Khi Kissinger hỏi: “Các ông có muốn chúng tôi giúp không?”, Sadat trả lời: “Ông sẽ giúp chứ?” Kissinger nhấc ngay điện thoại ở văn phòng của Sadat lên và gọi cho Tổng thống Nixon ở Nhà Trắng. Chỉ trong một vài ngày, hạm đội 6 đã lên đường tới kênh đào Suez. Kissinger và Nixon bắt đầu quá trình định vị Mỹ là một người trung lập hợp lý giữa người Israel và người Ai Cập – một cử chỉ cuối cùng đã giúp Tổng thống Carter hòa giải thành công ở Trại David.

Ngày nay, cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel vẫn tiếp tục và tôi thấy Mỹ ít có khả năng hòa giải hiệu quả để đưa tới một giải pháp vì các nước khác ở Trung Đông không coi người Mỹ là trung lập mà chỉ coi là bạn của Israel. Tôi không thấy có nhiều cơ hội tiến tới một giải pháp nếu không có một nước Ả Rập (như Ả Rập Xê-út hay Liên minh các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE) tiến tới thúc đẩy việc hòa giải vấn đề này.

QUÁ TRÌNH HÒA GIẢI

Neil Berman là một người bạn của tôi làm nghề tâm lý trị liệu đã từng nói với tôi rằng, để việc trị liệu tâm lý có hiệu quả, nhà tâm lý trị liệu phải thuyết phục bệnh nhân rằng anh ta biết mình đang làm gì và anh ta đang áp dụng một liệu trình sẽ có hiệu quả đối với bệnh nhân. Bệnh nhân không cần hiểu liệu trình đó thế nào mà chỉ cần tin là có một liệu trình. Khi tiến hành trong thực tế thậm chí cũng chẳng cần có liệu trình nào cả. Điều quan trọng duy nhất là bệnh nhân phải tin rằng có một liệu trình như vậy. Tương tự, người tham gia hòa giải cũng phải tin là người hòa giải có những kỹ năng đặc biệt và anh hay chị ta đang áp dụng một hệ thống được chứng minh là có hiệu quả cho cả hai bên liên quan trong cuộc thương lượng. Người hòa giải phải thể hiện là họ:

Trung lập.

Hiểu về chủ đề thương lượng, có thể là chủ đề về xây dựng, bán lẻ, xung đột trong gia đình hay bất cứ vấn đề gì liên quan đến xung đột.

Có kinh nghiệm tích cực trong việc hòa giải những vấn đề tương tự.

Sẽ áp dụng một tiến trình được chứng minh là thành công.

Tiếp xúc ban đầu với các bên

Người hòa giải làm được điều này bằng cách tổ chức một cuộc họp. Dù họ có thể tiếp xúc với các bên từ trước đó nhưng điều này không mấy khi là ý hay. Nếu một bên cảm thấy người hòa giải quá thân mật với bên kia trước khi bắt đầu hòa giải thì tính trung lập sẽ không còn. Trong cuộc họp đó, người hòa giải sẽ tái khẳng định rằng hòa giải bao hàm sự sẵn sàng thỏa hiệp. Tiến trình này sẽ không có hiệu quả nếu mỗi bên cứ khăng khăng giữ nguyên lập trường ban đầu của mình và chỉ muốn cố chứng minh là bên kia sai. Điều này là vô cùng quan trọng đối với tiến trình hòa giải.

Sau đó, người hòa giải sẽ giải thích tiến trình cho mỗi bên (chẳng hạn, khi nào gặp và trao đổi bằng cách nào). Anh ta nhấn mạnh lại rằng tiến trình này đã được chứng thực và nếu được áp dụng sẽ mang lại khả năng thành công khá cao. Tiếp theo, người hòa giải cần tìm cách để từng bên không thể áp dụng chiêu Quyền lực cao hơn (xem Chương 7). Anh ta cần khẳng định là những người tham gia hòa giải có quyền đưa đến một giải pháp. Có lẽ anh ta không thể áp đặt được điều này vì có khi một công ty lớn không sẵn sàng trao toàn quyền quyết định cho người làm việc trực tiếp nhưng cũng cứ nên thử xem sao. Ít nhất là điều này sẽ giúp loại bỏ những thứ quyền lực cao hơn nhưng mang tính hư cấu nào đó và tránh được những điều ngạc nhiên không thú vị trong tiến trình hòa giải.

Sau đó người hòa giải sẽ yêu cầu mỗi bên gửi cho mình một văn bản trình bày đề nghị của mình bao gồm bất kỳ tài liệu hỗ trợ cần thiết nào cho việc hiểu rõ đề nghị đó. Anh ta đề nghị họ chuẩn bị một văn bản ngắn gọn – không quá 4-5 trang. Mỗi bên cũng nên gửi thông tin đó cho bên kia. Việc biết là bất kỳ thông tin nào gửi cho người hòa giải cũng sẽ phải được gửi cho bên kia sẽ ngăn cho mỗi bên cố tìm cách tác động đến người hòa giải. Anh ta sẽ không khuyến khích các bên gửi nhiều tài liệu hỗ trợ kèm theo. Văn bản của hai bên nên bao gồm những thông tin sau:

♦ Tranh chấp về vấn đề gì.

♦ Những vấn đề mà bên đó muốn được giải quyết.

♦ Họ bị ảnh hưởng thế nào bởi tranh chấp.

♦ Thỏa thuận mà mỗi bên đang đề nghị.

Người hòa giải nói với mỗi bên rằng, trong cuộc họp chung đầu tiên, họ nên đưa ra lời đề nghị mở đầu để trình bày lập trường của mình. Do đó người hòa giải nên lên kế hoạch cho cuộc gặp chung đầu tiên này càng sớm càng tốt. Nếu các bên muốn bắt đầu và có nhiều hy vọng là thỏa thuận sẽ đạt được thì tốt hơn là hành động càng nhanh càng tốt. Người hòa giải thường sẽ dành ra nguyên một ngày để hòa giải nên cuộc gặp đầu tiên nên được tổ chức vào buổi sáng, ở văn phòng của người hòa giải hoặc nếu không thì ở một địa điểm trung lập. Người hòa giải sẽ bắt đầu với một đề nghị mở đầu, trong đó anh ta hay chị ta sẽ nhấn mạnh vào những điểm sau:

♦ Kiến thức nền của anh hay chị ta trong lĩnh vực đang tranh chấp và thành tích trong việc hòa giải tranh chấp.

♦ Anh ta hay chị ta không phải là một trọng tài hay thẩm phán và các bên chưa trao cho mình quyền áp đặt một giải pháp.

♦ Các bên không ở đây để thuyết phục người hòa giải hay bên kia là mình đúng hay sai.

♦ Họ đang trong quá trình thảo luận lập trường của mình với hy vọng rằng họ có thể đạt được một thỏa thuận cùng có lợi.

Các bên nên trình bày lập trường cho nhau nghe hơn là đề nghị với người hòa giải. Người hòa giải xin phép được ghi chép nhưng đảm bảo với họ là các bản ghi chép đó sẽ bị hủy và mọi điều được nói ra sẽ được giữ bí mật và không được sử dụng tại tòa. Mỗi bên sẽ bắt đầu bằng cách đưa ra một tuyên bố mở đầu. Đó là một điểm quan trọng trong việc hòa giải. Các bên có thể đã xung đột trong nhiều tháng nên có khả năng là họ chưa trao đổi gì với nhau. Bây giờ cuối cùng thì họ đã có cơ hội trực tiếp trình bày với bên kia. Điều này rất có tác dụng đối với các bên. Cả hai bên đều thấy nhẹ nhõm vì đã có quyền được nói ra quan điểm của mình. Họ thở phào vì những căng thẳng khi phải trình bày đề nghị đã qua đi. Điều này giúp họ có một trạng thái tốt để chấp nhận một thỏa thuận. Nếu mỗi bên trình bày một lập luận mà không thể chứng minh được thì người hòa giải sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở rằng họ chỉ nên dựa vào những dữ liệu thực tế và có thể chứng minh được. Trong lúc đó, người hòa giải có thể tìm hiểu cá tính của các bên. Nếu họ chỉ dựa trên thực tế và tôn trọng đối phương thì có nhiều khả năng nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Nếu các bên chỉ tập trung công kích nhau thì người hòa giải sẽ phải ra tay hành động. Đây là tóm tắt những kết quả cần có của cuộc gặp đầu tiên:

♦ Mọi người đều hiểu rõ vấn đề dẫn đến tranh chấp.

♦ Mỗi bên biết rõ điều bên kia muốn đề nghị.

♦ Người hòa giải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào các dữ kiện thực tế chứ không phải cảm xúc.

♦ Người hòa giải tỏ ra thấu hiểu hai bên như nhau. Anh ta “đồng cảm” với khó khăn củ họ.

♦ Cả hai bên cảm thấy đang đi theo một tiến trình và cũng hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận.

Cuộc gặp riêng đầu tiên

Tiếp theo, người hòa giải sẽ gặp riêng mỗi bên trong khi để bên kia chờ ở một phòng khác.

Anh ta sẽ yêu cầu mỗi bên tự sắp xếp các vấn đề theo thứ tự quan trọng rồi tự tìm hiểu để xác định giá trị của từng vấn đề. Anh ta xem xét sức nặng trong lập trường của mỗi bên về những vấn đề này nếu tranh chấp cuối cùng vẫn phải đưa ra tòa. Bằng cách đặt câu hỏi về sức nặng trong lập luận của mỗi bên, người hòa giải sẽ ép mỗi bên có lập trường ôn hòa hơn khi họ sẵn sàng nhân nhượng hơn để tiến tới một giải pháp.

Người hòa giải biết rằng mỗi bên đều có những điểm yếu trong lập luận của mình. Có lẽ họ đã không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Có lẽ họ biết có những chỗ khó hiểu trong hợp đồng nhưng lại quyết định không chỉ ra. Có lẽ họ đã quay ngoắt với tuyên bố ban đầu của mình. Chẳng hạn, trước đó, họ có thể đã nói: “Chúng tôi không biết rằng điều này có thể xảy ra.” Trong giai đoạn hòa giải này, họ sẵn sàng thay đổi lập trường đó. Giờ nó sẽ trở thành: “Chúng tôi nhận thức là điều này có thể xảy ra.” Việc có thể bộc lộ điểm yếu của lập luận trong bối cảnh bí mật rất có tác dụng. Các bên sẽ cảm thấy tốt hơn khi được thoải mái bộc lộ.

Cuộc gặp riêng thứ hai

Trong lần gặp thứ hai, người hòa giải sẽ cố gắng để mỗi bên đề xuất một giải pháp trong khi hứa hẹn không tiết lộ giải pháp được đề xuất cho bên kia. Anh ta để cho họ đưa ra giải pháp hơn là tự mình đưa ra giải pháp vì anh ta biết rằng việc đưa ra giải pháp đầu tiên có thể thuận lợi một cách bất ngờ.

Tiếp theo, người hòa giải sẽ để mỗi bên mơ hồ biết là họ còn cách biệt nhau bao xa. Với những đề nghị đã đưa ra, cuộc hòa giải đã chuyển sang một giai đoạn mới quan trọng – giai đoạn thương lượng. Tất cả các chiêu thương lượng mà tôi chỉ cho bạn trước đó đều có thể vào cuộc.

Giai đoạn giải pháp

Sau khi các bên đạt được thỏa thuận, họ nên viết ra một bản thỏa thuận và ký vào đó. Có thể họ còn muốn luật sư của mình dự thảo thỏa thuận cuối cùng để có tính pháp lý tại tòa. Người hòa giải không chuẩn bị dự thảo thỏa thuận dù anh ta hay chị ta có là luật sư. Việc họ đại diện cho cả hai bên là không phù hợp và sẽ khiến người hòa giải dễ bị buộc tội xung đột lợi ích. Việc giới thiệu khái quát về tiến trình hòa giải này có vẻ còn mơ hồ nhưng hãy xem những gì mà người hòa giải đã làm được. Anh ta bắt đầu với những người bị bế tắc trong cuộc xung đột mà họ thậm chí còn không nói chuyện với nhau. Từ vị trí vô vọng đó, người hòa giải đã làm được những việc sau:

♦ Buộc họ phải nói chuyện với nhau.

♦ Buộc họ phải đồng ý đưa ra nhượng bộ.

♦ Cho phép họ gác lại thù hận trong một môi trường có kiểm soát.

♦ Để họ tập trung vào vấn đề hơn là cá tính và cảm xúc.

♦ Để họ tin tưởng vào khả năng đưa tới một giải pháp của người hòa giải.

♦ Thuyết phục họ rằng tiến trình hòa giải có ý nghĩa và hiệu quả.

♦ Để họ tập trung vào lợi ích chung hơn là sự khác nhau về quan điểm.

♦ Để họ đưa ra đề xuất giải pháp ban đầu.

♦ Để các bên tin tưởng rằng bên kia sẽ tôn trọng thỏa thuận đạt được.

Các điểm chính cần nhớ

1. Hòa giải và phân xử có sự khác nhau đáng kể.

2. Người hòa giải không có nhiều quyền lực. Anh ta chỉ có mặt để thúc đẩy một giải pháp.

3. Trọng tài có nhiều quyền lực. Với việc trọng tài có ràng buộc, sẽ phải có người thắng và kẻ thua.

4. Hòa giải ngày càng phổ biến vì nó nhanh và đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc kiện ra tòa.

5. Trong hòa giải không có giai đoạn kháng cáo vì cả hai bên đều đạt được thỏa thuận.

6. Các nhà hòa giải có thể hoạt động hiệu quả hơn các thẩm phán vì họ thường có chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể.

7. Không giống như phiên xử công khai, chứng cứ đưa ra trong quá trình hòa giải có thể được giữ bí mật.

8. Một nhà hòa giải không thể phát huy vai trò nếu anh ta không được hai bên coi là trung lập.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.