64 Nước Cờ Trên Bàn Thương Lượng
35. NGHỆ THUẬT PHÂN XỬ
Trong chương trước, tôi đã nói với bạn về tiến trình hòa giải. Phân xử cũng tương tự như hòa giải xét về một số khía cạnh nhưng về những khía cạnh còn lại thì rất khác nhau. Điểm giống nhau là cả hai hình thức trên cùng nhanh hơn và ít tốn kém hơn việc kiện tụng pháp lý. Điểm khác nhau đáng kể là với phân xử sẽ phải có người thắng kẻ thua. Các bên không muốn qua trọng tài và để trọng tài đề nghị họ chia đôi khoảng cách và cùng dàn xếp đi đến một thỏa thuận. Trọng tài có thể khiến cho một bên hoặc cả hai bên phải thay đổi lập trường nhưng cuối cùng anh ta sẽ phải chọn ưu tiên lập trường của một bên. Tôi sẽ giới thiệu qua về quá trình phân xử để bạn có thể thấy nó khác với hòa giải (vốn đơn giản hơn) và kiện tụng (vốn phức tạp hơn) như thế nào.
Chuẩn bị cho vụ phân xử
Mỗi bên đều cố thống nhất về một trọng tài mà cả hai bên đều tin tưởng và tôn trọng. Tôi gợi ý các bạn nên chọn một thành viên của Hiệp hội Trọng tài Mỹ để đảm bảo là anh ta tuân theo những chuẩn mực đạo đức cao nhất. Hiệp hội này có quy định rất chặt chẽ cho các thành viên về cách làm trọng tài và cách đưa ra một quyết định có giá trị pháp lý. Trọng tài phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp.
Bạn có thể cần ba trọng tài nếu:
♦ Cả hai bên đều không thể thống nhất về một trọng tài mà họ tin tưởng và tôn trọng. Trong trường hợp này, mỗi bên sẽ chọn ra một trọng tài và các trọng tài này sẽ chọn ra người thứ ba.
♦ Đây là một tranh chấp phức tạp khi cần nhiều trọng tài trong nhiều lĩnh vực chuyên môn.
♦ Khi có hơn một trọng tài thì đó phải là số lẻ để tránh thế bế tắc. Thường là ba. Họ sẽ chọn một trọng tài làm chủ tọa. Người này sẽ theo dõi tiến trình và nghe các bên trình bày. Với sự tham gia đồng thời của các trọng tài khác, anh ta sẽ có quyền xử lý những vấn đề thủ tục cho cả nhóm như việc sắp xếp lịch gặp hay việc cấp trát hầu tòa.
Tính trung lập của trọng tài
Trọng tài phải trung lập, được nguyên đơn, bị đơn và tất cả những người liên quan coi là trung lập và được thừa nhận là trung lập. Điều này trong việc phân xử còn quan trọng hơn trong hòa giải vì bản chất đối kháng của quá trình phân xử. Cuối cùng, một bên sẽ không vui vẻ vì trọng tài quyết định thiên về bên kia. Rất khó trải qua toàn bộ tiến trình này mà có thể đảo ngược lại quyết định bằng cách kháng cáo chỉ vì bên thua cuộc nói rằng trọng tài không trung lập.
Trọng tài phải tiết lộ mọi mối quan hệ trước đây với các bên. Anh ta phải tiết lộ mọi thông tin có thể cho thấy khả năng thiên vị. Anh ta phải tránh bất kỳ tiếp xúc nào với một bên khi bên kia không có mặt (được gọi là tiếp xúc một bên – ex parte contact). Để tránh tiếp xúc một bên, một Trợ lý Hành chính sẽ chịu trách nhiệm về mọi chi tiết hành chính như việc hỏi về địa điểm, thời gian cuộc gặp.
Cuộc gặp ban đầu
Nguyên đơn – người lập hồ sơ đưa ra yêu cầu phân xử và tìm kiếm sự hỗ trợ và bị đơn được gọi tới một cuộc gặp ban đầu. Việc này có nhiều mục đích. Nó cho phép các bên giải tỏa tâm trạng và thăm dò khả năng hòa giải tranh chấp thay vì phân xử vốn là một quá trình có tính đối đầu nhiều hơn.
Sau khi được giải tỏa, cả hai bên đều thấy lợi ích của việc tìm ra một giải pháp đôi bên cùng có lợi thông qua hòa giải hơn là để mình rơi vào một quyết định về cơ bản là theo kiểu được ăn cả ngã về không. Nếu họ tìm kiếm biện pháp hòa giải trong giai đoạn này, trọng tài phải chỉ ra là mặc dù đóng vai trò là người hòa giải, việc này sẽ khiến anh ta không thể làm trọng tài cho vụ việc sau này nếu họ không thể đạt được thỏa thuận thông qua hòa giải. Những thông tin mà họ thu thập được qua quá trình hòa giải cũng như những đề xuất giải pháp của từng bên sẽ làm hạn chế khả năng phân xử hiệu quả. Nếu các bên muốn nỗ lực tự giải quyết vấn đề, người trọng tài phải tự bỏ qua vai trò của chính mình.
Số lượng lớn đề nghị và bất kỳ lời đề nghị ngược lại nào được đưa ra cho đến lúc này được công khai cho các bên. (Trọng tài sẽ hỏi các bên bị xem họ có muốn đưa ra đề nghị ngược lại nào không. Điều này sẽ tránh đề nghị ngược lại vào phút chót như một chiến thuật trì hoãn). Cho đến giờ, cả hai bên đều có thể nhận ra bao nhiêu thời gian, nỗ lực và chi phí đã dành cho việc phân xử và sẽ dễ tuân theo việc hòa giải.
Cả hai bên đều thống nhất về những nội dung điều tra mà mỗi bên yêu cầu. Trọng tài không có quyền đề nghị điều tra như các thẩm phán. Điều này có thể là một lý do khiến các bên chọn trọng tài thay vì kiện tụng. Hy vọng là cả hai sẽ đưa ra tất cả những tài liệu thích hợp. Nếu họ không đồng ý làm vậy thì cuộc gặp ban đầu là thời điểm thích hợp để thống nhất về những nguyên tắc cơ bản cho việc điều tra và đưa ra thời hạn cho việc này vì sau đó không thể lấy vấn đề này để làm chậm lại các thủ tục.
Các bên đồng ý một khung thời gian cho việc trao đổi các báo cáo chuyên môn, cung cấp bằng chứng và trả lời các chất vấn. Các bên đồng ý với một ngày để điều trần. Cuộc gặp ban đầu có nhiều mục đích, không chỉ là việc các bên có thể quyết định sẽ thông qua hòa giải hay trọng tài.
Việc trao đổi thông tin trước phiên điều trần đầu tiên
Mỗi bên nên chuẩn bị và nộp cho đối phương và trọng tài một tập Tài liệu ngỏ bao gồm mọi tài liệu liên quan. Mỗi bên sẽ nộp một danh sách các nhân chứng chuyên môn mà họ định mời đến, một danh sách tài liệu và nhân chứng mà họ muốn trọng tài sẽ có giấy gọi đến. Họ cũng nên quyết định liệu có muốn nghe phần ghi chép không vì đây là một thủ tục không bắt buộc mà bên yêu cầu phải chịu chi phí.
Phiên điều trần trong phân xử
Phiên điều trần này cũng giống như các phiên tòa mà bạn thấy trên TV, chỉ khác là không có khán giả hay Bồi thẩm đoàn. Có thể chỉ có ba người trong phòng: trọng tài, nguyên đơn và bị đơn. Họ có thể có thêm luật sư và luật sư có thể thay mặt cho họ nói nếu cần.
Mỗi bên sẽ đưa ra một lời tuyên bố mở đầu. Sau đó các nhân chứng được gọi đến và tuyên thệ. Các nhân chứng được thẩm tra chéo. Nhân chứng phản cung cũng có thể được gọi đến. Các lập luận đến cùng có thể được đưa ra. Mỗi bên có thể bác bỏ một câu hỏi nếu nó có tính chất lèo lái, không phù hợp hoặc chỉ là ý kiến vô căn cứ.
Cách xử sự của trọng tài
Trọng tài sẽ đặt ra những câu hỏi để làm rõ hơn đối với các nhân chứng hay các bên. Anh ta có thể hỏi những việc mà mình thấy là quan trọng kể cả khi chủ đề của câu hỏi không có cơ sở kèm theo. Anh ta sẽ lắng nghe mọi chứng cứ nhưng thận trọng không phản ứng trước những chứng cứ đó. Anh ta không nên gật đầu vì điều này có thể mang hàm ý thiên vị. Anh ta thường xuyên phải kiểm tra chứng cứ xem có phù hợp với vụ phân xử và độ tin cậy của người nói hay không.
Sự khác biệt quan trọng giữa vụ phân xử và vụ kiện tụng
Sự khác biệt đáng kể nhất giữa phân xử và kiện tụng là phân xử thì không có Bồi thẩm đoàn. Trọng tài đóng vai cả Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn. Anh ta không thể như Thẩm phán yêu cầu Bồi thẩm đoàn rời phòng xét xử khi đang lắng nghe lập luận của các bên. Anh ta cũng không thể gọi một nhóm luật gia đến nghe vấn đề ngoài phiên điều trần của Bồi thẩm đoàn.
Trọng tài thường nghe thông tin mà Bồi thẩm đoàn không được phép nghe chỉ bởi vì anh ta phải quyết định về tính pháp lý của nó. Tốt nhất là trọng tài nên thừa nhận chứng cứ và xét tính pháp lý sau khi đưa ra phán quyết hơn là từ chối thừa nhận chứng cứ và phán quyết khi kháng cáo. Chẳng hạn, tin đồn không được thừa nhận tại tòa thì có thể được thừa nhận trong vụ phân xử. Trọng tài chỉ cần quyết định xem có cần xem xét đến chúng khi đưa ra phán quyết hay không.
Đưa ra một phán quyết
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nghe phiên điều trần cuối cùng, trọng tài sẽ trao một phán quyết bằng văn bản cho cả hai bên. Với một văn bản ngắn gọn, anh ta tuyên bố những gì mà các bên sẽ yêu cầu và yêu cầu lại hay có thể bác bỏ các yêu cầu. Anh ta có thể bác bỏ một phần yêu cầu vì lý do gì đó. Chẳng hạn, anh ta thấy bị đơn nợ nguyên đơn 200.000 đôla tiền mua chiếc du thuyền mới. Anh ta không nợ nguyên đơn 20.000 đôla khi đi vòng quanh vịnh Caribe để tìm chiếc du thuyền mới. Điều trọng tài không nên làm là đưa ra một phán quyết từng phần với hy vọng chiều lòng cả hai bên, điều mà hòa giải có thể làm được.
Hầu hết trong các vụ phân xử là trọng tài có ràng buộc. Cả hai phải đồng ý ngay từ đầu là họ sẽ tuân theo những gì trọng tài quyết định. Trong phân xử có ràng buộc, bên chiếm ưu thế có thể đưa phán quyết của trọng tài ra tòa và ghi lại mặc dù nó là một vụ xét xử.
Vẫn có khả năng là các bên sẽ không đồng ý với việc phân xử có ràng buộc. Nếu thế thì bước tiếp theo sẽ là một vụ kiện trừ khi họ chịu theo việc phân xử không ràng buộc. Khi cả hai bên đồng ý với việc phân xử không ràng buộc, họ sẽ nói: “Tôi đồng ý đi theo qui trình này và lấy ý kiến của trọng tài. Khi trọng tài bênh vực tôi hơn anh, có lẽ anh sẽ thấy những điểm yếu trong vụ của mình. Nhưng nếu anh ta không bênh vực tôi, tôi vẫn có quyền kiện anh.” Anh bạn ơi! Tôi hy vọng họ là những Nhà thương lượng hiệu quả để tránh được thế bế tắc đó, nhưng thực tế là vậy.
Thường thì hai bên sẽ tự chịu các chi phí hợp pháp của mình dù ai thắng trừ khi có một thỏa thuận từ trước là bên thua phải trả chi phí cho bên thắng. Trọng tài sẽ bỏ qua đề nghị là một bên chịu chi phí cho bên kia. Anh ta không giải thích lý do đưa ra phán quyết. Bồi thẩm đoàn không phải giải thích lý do cho quyết định của mình và trọng tài cũng vậy.
Sau khi có phán quyết
Nếu trọng tài đưa ra phán quyết, bên thắng thế có thể đưa phán quyết đó ra tòa và chứng thực nó. Trọng tài không cần tham gia vào việc phán quyết được đưa ra thế nào hay nó được thanh toán thế nào. Khi đã đưa ra phán quyết hay bác bỏ một phán quyết là anh ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Anh ta sẽ ngồi nghỉ ngơi và hy vọng không có sự thay đổi nào nữa.
Đa phần tòa án không thể đảo ngược một phán quyết chỉ vì tòa không đưa ra phán quyết đó nếu đã thụ lý vụ việc. Tòa chỉ có thể đảo ngược phán quyết khi cần đặt vấn đề nghi ngờ trước hành động của trọng tài. Có sự dính líu của lừa đảo hay tham nhũng ở đây không? Trọng tài có thiên vị không? Hy vọng là chúng ta có thể loại trừ được tham nhũng hay lừa đảo, nghĩa là cách có giá trị duy nhất để đảo ngược một phán quyết là chứng minh trọng tài đã thiên vị. Giờ bạn đã hiểu tại sao trọng tài lại phải làm mọi việc để chứng tỏ với các bên là mình trung lập chưa?
Sau khi trao phán quyết, trọng tài sẽ phải hủy hết mọi giấy tờ ghi chép. Anh ta sẽ phải trả lại tất cả tài liệu chứng cứ cho các bên sau khi khẳng định rõ là mình không giữ lại gì, kể cả là để lại một cái ghim kẹp giấy.
Ở hai chương trước, chúng ta đã xem xét hai phương án giải quyết tranh chấp mà không cần phải đưa ra tòa. Như bạn có thể thấy, giữa hai phương án này có sự khác biệt đáng kể. Với việc hòa giải, cả hai bên cùng gặp nhau với hy vọng họ sẽ tìm ra cách thỏa hiệp chấp nhận được với cả hai bên. Với việc phân xử, nếu có thì cũng sẽ rất ít nhân nhượng mà chỉ có người thắng và kẻ thua.
Ở chương tiếp theo, tôi sẽ chỉ cho bạn cách giải quyết các tình huống xung đột đến nay vẫn ngoài tầm kiểm soát, nên qua hòa giải hay phân xử. Bạn sẽ tìm hiểu về nghệ thuật giải quyết xung đột.
Những điểm chính cần nhớ
1. Không giống như hòa giải, với phân xử sẽ chỉ có người thắng và kẻ thua.
2. Phân xử là phương pháp nhanh chóng và ít tốn kém hơn kiện tụng.
3. Mỗi bên phải chọn lựa cẩn thận một trọng tài mà cả hai cùng tin tưởng và tôn trọng.
4. Nếu hai bên không thể thống nhất về một trọng tài thì mỗi bên sẽ phải chọn ra một người để cùng chọn ra người thứ ba.
5. Các thành viên trong Hiệp hội Trọng tài Mỹ tuân theo tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Hiệp hội này có quy định chặt chẽ về cách thức để các thành viên tiến hành phân xử và đưa ra một phán quyết có thể mang ra tòa nếu cần.
6. Trọng tài phải trung lập, được nguyên đơn, bị đơn và tất cả những người liên quan coi là trung lập và được thừa nhận là trung lập.
7. Cuộc gặp ban đầu sẽ nhằm thăm dò khả năng hòa giải tranh chấp chứ không phải là phân xử vì đây là quá trình có tính đối kháng nhiều hơn.
8. Cả hai bên đồng ý về mức độ điều tra mà mỗi bên cần. Trọng tài không thể yêu cầu điều tra như thẩm phán, đây chính là lợi thế lớn so với việc kiện tụng nếu các bên muốn bảo vệ bí mật riêng tư.
9. Tin đồn không được thừa nhận tại tòa nhưng có thể được thừa nhận trong vụ phân xử. Trọng tài chỉ cần quyết định xem có cần xem xét đến chúng khi đưa ra một phán quyết hay không.
0. Bồi thẩm đoàn và trọng tài đều không cần đưa ra lý do tại sao họ lại đưa ra phán quyết của mình như vậy.
11. Sau khi đưa ra phán quyết, trọng tài sẽ hủy bỏ hết mọi ghi chép và trả lại các tài liệu bằng chứng cho các bên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.